Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-LCT/HĐNN7

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 1985

BỘ LUẬT HÌNH SỰ

CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 17-LCT/HĐNN7

LỜI NÓI ĐẦU

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng, đã quy định "Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa".

Trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật hình sự có vị trí rất quan trọng. Nó là một công cụ sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản để bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa mọi hành vi phạm tội, góp phần hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bộ luật Hình sự này kế thừa và phát triển Luật hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay, tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm ở nước ta trong mấy chục năm qua và có dự kiến tình hình diễn biễn của tội phạm trong thời gian tới.

Bộ luật Hình sự thấu suốt quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta do giai cấp công nhân lãnh đạo, thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiến quyết đấu tranh chống tội phạm; thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xử phạt người phạm tội không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội; thể hiện tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa và lòng tin vào khả năng cải tạo con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thi hành nghiêm chỉnh Bộ luật Hình sự là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân.

PHẦN CHUNG

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.

Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự.

Chỉ người nào phạm một tội đã được Luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hình phạt phải do Toà án quyết định.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý.

1- Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2- Nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, kẻ ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm, kẻ biến chất, sa đoạ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, kẻ phạm tội có tổ chức, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra.

3- Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng và đã hối cải thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

4- Đối với người phạt tù thì buộc họ phải chấp nhận hình phạt trong trại giam, phải lao động, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt.

5- Đối với người đã chấp hành xong hình phạt thì tạo điều kiện cho họ làm ăn, sinh sống lương thiện; khi họ có đủ điều kiện do luật định thì xoá án.

Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

1- Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án, Tư pháp và Thanh tra có trách nhiệm thi hành đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội.

2- Các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác cách mạng, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức mình.

3- Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Chương 2:

PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1- Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2- Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các hiệp định quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hay công nhận hoặc theo tục lệ quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1- Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2- Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các hiệp định quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hay công nhận.

Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian.

1- Điều luật áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành khi hành vi ấy được thực hiện.

2- Điều luật quy định một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn không áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành, trừ trường hợp luật quy định khác.

3- Điều luật xoá bỏ một tội phạm hoặc quy định một hình phạt nhẹ hơn được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành.

Chương 3:

TỘI PHẠM

Điều 8. Khái niệm tội phạm.

1- Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ kinh tế và sở hữu xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

2- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên năm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Những tội phạm khác là tội phạm ít nghiêm trọng.

3- Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Điều 9. Cố ý phạm tội.

Cố ý phạm tội là phạm tội trong trường hợp nhận thức rõ hành vi của mình có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều 10. Vô ý phạm tội.

Vô ý phạm tội là phạm tôi trong những trường hợp sau đây:

a) Người phạm tôi do cẩu thả mà không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.

b) Người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Điều 11. Sự kiện bất ngờ.

Người thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 12. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

1- Người thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2- Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng nói ở khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3- Người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác thì không được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 13. Phòng vệ chính đáng.

1- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của chính mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách tương xứng người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2- Nếu hành vi chống trả rõ ràng là quá đáng, tức là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 14. Tình thế cấp thiết.

1- Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là phạm tội.

2- Nếu gây thiệt hại rõ ràng là quá đáng, tức là vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 15. Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.

1- Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm.

Người chuẩn bị phạm một tội nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.

2- Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

3- Đối với những hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các Điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng, tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Tự ý nửa chứng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Điều 17. Đồng phạm.

1- Hai hoặc nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm.

2- Người thực hành, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3- Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

4- Khi quyết định hình phạt, phải xét đến tính chất đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự riêng cho người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Điều 18. Che giấu tội phạm.

Người nào tuy không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Điều 19. Không tố giác tội phạm.

Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Chương 4:

HÌNH PHẠT

Điều 20. Mục đích của hình phạt.

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn nhằm cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Điều 21. Các hình phạt.

1- Đối với người phạm tội, chỉ áp dụng một trong các hình phạt chính sau đây:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Cải tạo không giam giữ; cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân

đội;

- Tù có thời hạn;

- Tù chung thân;

- Tử hình;

2- Kèm theo hình phạt chính, có thể áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung sau đây:

- Cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc

nhất định;

- Cấm cư trú;

- Quản chế;

- Tước một số quyền công đân;

- Tước danh hiệu quân nhân;

- Tịch thu tài sản;

- Phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính;

Điều 22. Cảnh cáo.

Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Điều 23. Phạt tiền.

Phạt tiền được áp dụng đối với người phạm các tội có tính chất vụ lợi, các tội có dùng tiền làm phương tiện hoạt động trong những trường hợp khác do luật này quy định.

Chỉ trong trường hợp có Điều luật quy định thì phạt tiền mới được áp dụng là hình phạt chính.

Mức phạt tiền được quyết định theo mức độ nghiêm trọng của tội đã phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội.

Điều 24. Cải tạo không giam giữ.

1- Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến hai năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng.

Nếu người bị kết án đã bị tạm giam thì thời gian tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ mọt ngày tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.

2- Toà án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để giám sát, giáo dục.

3- Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và có thể bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để xung quỹ Nhà nước.

4- Đối với người phạm tội là quân nhân tại ngũ, trong trường hợp Điều luật quy định hình phạt cải tạo không giam giữ thì áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội quy định ở Điều 70.

Điều 25. Tù có thời hạn.

Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải bị giam trong thời gian từ ba tháng đến hai mươi năm.

Thời gian tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Điều 26. Hình phạt chung thân.

Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Không áp dụng tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội.

Điều 27. Tử hình.

Tử hình là hình phạt đặc biệt được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Không áp dụng tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Tử hình được hoãn thi hành đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới mười hai tháng.

Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì tử hình chuyển thành tù chung thân.

Chỉ trong trường hợp đặc biệt có luật quy định riêng thì tử hình mới được thi hành ngay sau khi xét xử.

Điều 28. Cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định.

Cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Thời hạn cấm là từ hai năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu là hình phạt chính khác.

Điều 29. Cấm cư trú.

Cấm cư trú là buộc người bị kết án không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định.

Thời hạn cấm cư trú là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Điều 30. Quản chế.

Quản chế là buộc người bị kết án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 31 và bị cấm một số nghề hoặc công việc nhất định.

Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do luật quy định.

Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Điều 31. Tước một số quyền công dân

Công dân Việt Nam phạm các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm các tội khác trong những trường hợp Bộ luật này quy định, thì bị tước hoặc có thể bị tước một số quyền công dân dưới đây:

- Quyền bầu cử đại biểu các cơ quan quyền lực nhà nước;

- Quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;

- Quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Điều 32. Tịch thu tài sản.

Tịch thu tài sản là tước tài sản của người bị kết án sung quy Nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng trong những trường hợp Bộ luật này quy định.

Có thể tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Chương 5:

CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

Điều 33. Tịch thu vật và tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm.

1- Toà án có thể quyết định tịch thu, sung quỹ Nhà nước:

a) Những vật, tiền bạc của người phạm tội đã được dùng vào việc thực hiện tội phạm;

b) Những vật, tiền bạc thuộc tài sản của người khác nếu người này có lỗi để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm;

c) Những vật, tiền bạc mà người phạm tội do thực hiện tội phạm hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;

d) Những vật, tiền bạc thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, sử dụng, lưu hành.

2- Đối với những vật, tiền bạc, thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc thuộc tài sản của người khác bị người phạm tội chiếm hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Điều 34. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi.

1- Người phạm tội phải trả lại những vật, tiền bạc đã chiếm đoạt cho người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường các thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

2- Trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, gây thiệt hại về tinh thần, Toà án có thể buộc người phạm tội công khai xin lỗi người bị hại.

Điều 35. Bắt buộc chữa bệnh.

1- Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh như đã quy định ở khoản 1 Điều 12, thì tuỳ theo giai đoan tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Toà án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa thì có thể giao cho gia đình hoặc người bảo lĩnh trông nom dưới sự giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2- Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhứng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Toà án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3- Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Toà án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có những lý do khác để được miễn chấp hành hình phạt.

Điều 36. Thời gian bắt buộc chữa bệnh.

Căn cứ vào kết luận của cơ quan điều trị, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh nói ở điều 35 đã khỏi hoặc bệnh trạng đã giảm, thì Viện kiểm sát hoặc Toà án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Chương 6:

VIỆC QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT, MIỄN VÀ GIẢM HÌNH PHẠT

Điều 37. Nguyên tắc quyết định hình phạt.

Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào các quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Điều 38. Những tình tiết giảm nhẹ.

1- Những tình tiết sau đây được coi là tình tiết giảm nhẹ:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm hoặc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại;

b) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cần thiết hoặc bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra;

c) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình tự gây ra;

d) Phạm tội mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

đ) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức hoặc chi phối về mặt vật chất, công tác hay các mặt khác;

e) Người phạm tội là phụ nữ có thai, là người già hoặc là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

g) Phạm tội do trình độ lạc hậu hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém;

h) Người phạm tội tự thú, thật thà khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm.

2- Khi quyết định hình phạt, Toà án có thể coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi trong bản án.

3- Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà Điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ này phải được ghi trong bản án.

Điều 39. Những tình tiết tăng nặng.

1- Những tình tiết sau đây mới được coi là tình tiết tăng nặng:

a) Phạm tội có tổ chức; xúi giục người chưa thành niên phạm tội;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

c) Phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác trong khi phạm tội hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

đ) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về vật chất, công tác hay các mặt khác;

e) Phạm tội vì động cơ đê hèn; cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

g) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng;

h) Phạm tội nhiều lần; tái phạm; tái phạm nguy hiểm;

i) Sau khi phạm tội, đã có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

2- Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Điều 40. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

1. Những trường hợp sau đây thì coi là tái phạm:

a) Đã bị phạt tù vì tội do cố ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do vô ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội do cố ý.

2- Những trường hợp sau đây thì coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án mà lại phạm tội nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng.

Điều 41. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

Khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên.

Điều 42. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

1- Trong trường hợp một người đang chải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì Toà án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt đã tuyên.

Thời gian chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

2- Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới. Toà án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó cộng với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất mà Luật quy định cho loại hình phạt đã tuyên.

Điều 43. Tổng hợp hình phạt khác loại.

Việc tổng hợp hình phạt nói ở Điều 41 và Điều 42 nếu là hình phạt khác loại thì theo những quy định sau đây:

1- Đối với hình phạt chính, nếu hình phạt cao nhất đã tuyên là tử hình, tù chung thân hoặc tù hai mươi năm thì lấy hình phạt đó làm hình phạt chung.

Nếu các hình phạt đã tuyên gồm cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội và tù có thời hạn, thì chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành hình phạt tù để quyết định hình phạt chung. Cứ một ngày cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành một ngày tù.

2- Đối với hình phạt bổ sung, Toà án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn luật quy định về mỗi loại hình phạt ấy.

3- Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác. Các khoản phạt tiền được cộng lại thành hình phạt phải chấp hành.

Điều 44. án treo.

1- Khi xử phạt tù không quá năm năm, căn cứ vào thân nhân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

2- Toà án giao người bị án treo cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để theo dõi, giáo dục.

3- Người bị án treo có thể phải chịu thêm một số hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định quy định ở Điều 23 và Điều 28.

4- Nếu người bị án treo đã chấp hành được một nửa thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo dõi, giáo dục, Toà án có thể rút ngắn thời gian thử thách.

5- Nếu trong thời gian thử thách, người bị án treo phạm tội mới và bị xử phạt tù thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định ở khoản 2 Điều 42.

Điều 45. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

1- Không truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua những thời hạn sau đây:

a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật quy định hình phạt từ hai năm tù trở xuống hoặc hình phạt khác nhẹ hơn;

b) Mười năm tù đối với các loại tội pham ít nghiêm trọng mà Bộ luật quy định hình phạt tù trên hai năm;

c) Mười lăm năm đối với các loại tội phạm nghiêm trọng.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định thì hình phạt từ một năm tù trở lên thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

2- Đối với những trường hợp nói ở điểm c khoản 1 Điều này nếu có lý do đặc biệt thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự và Toà án nhân dân tối cao có thể quyết định không áp dụng thời hiệu.

Điều 46. Thời hiệu thi hành bản án.

1- Không buộc người bị kết án phải chấp hành bản án, nếu tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã qua những thời hạn sau đây:

a) Năm năm đối với các trường hợp xử phạt từ năm năm tù trở xuống;

b) Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên năm năm đến mười lăm năm;

c) Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên mười lăm năm đến hai mươi năm.

Nếu trong trường hợp nói trên người bị kết án lại phạm tội mới và bị xử phạt tù thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn nói trên người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.

2- Đối với những trường hợp nói ở các điểm a và b khoản 1 Điều này, nếu bị kết án về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia và đối với những trường hợp nói ở điểm c khoản 1 Điều này không kể về tội gì, nếu có lý do đặc biệt, thì Toà án nhân dân tối cao, theo kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có thể quyết định không áp dụng thời hiệu.

3- Việc áp dụng thời hiệu đối với các trường xử phạt tù trung thân hoặc tử hình, sau khi qua thời hạn mười lăm năm, sẽ do Toà nhân dân tối cao quyết định theo kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong trường hợp không cho áp dụng thời hiệu thì tử hình sẽ đổi thành tù chung thân, tù chung thân sẽ đổi thành tù hai mươi năm.

Điều 47. Không áp dụng thời hiệu.

Không áp dụng thời hiệu quy định ở Điều 45 và Điều 46 đối với các tội phạm quy định ở Chương XII Phần các tội phạm Bộ luật này.

Điều 48. Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

1- Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra hoặc xét xử, do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

2- Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nói ở Điều 38, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 49. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt chính.

1- Người bị kết án cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội hoặc tù nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và đã chứng tỏ quyết tâm cải tạo, thì theo đề nghị của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có trách nhiêm trực tiếp giám sát việc chấp hành hình phạt, Toà án có thể quyết định giảm bớt thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đấu là một phần ba thời hạn đối với các hình phạt từ hai mươi năm tù trở xuống, mười năm đối với tù chung thân.

2- Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực sự chấp hành hình phạt là một nửa thời hạn hình phạt đã tuyên. Người bị xử phạt chung thân, lần đầu được giảm xuống hai mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt là mười lăm năm.

Điều 50. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung.

Người bị kết án cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một nửa thời hạn hình phạt và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của chính quyền địa phương, Toà án có thể quyết định miễn việc chấp hành phần hình phạt còn lại.

Điều 51. Giảm thời hạn và miễn việc chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt.

1- Đối với người bị kết án mà có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Toà án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định ở Điều 49 và Điều 50.

2- Đối với người bị kết án chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện kiểm sát, Toà án có thể miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

3. Đối với người đã được giảm một phần thời hạn chấp hành hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng thì Toà án chỉ xét giảm lần sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba thời hạn hình phạt tổng hợp đã tuyên hoặc mười lăm năm nếu là tù chung thân.

Điều 52. Xoá án.

Người bị kết án được xoá án theo quy định ở các Điều từ 53 đến 56. Người được xoá án coi như chưa can án và được cấp giấy chứng nhận.

Điều 53. Đương nhiên được xoá án.

Những người sau đây đương nhiên được xoá án:

1- Người được miễn hình phạt;

2- Người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách.

3- Người bị kết án không phải về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc về tội phạm quy định ở Chương XII Phần các tội phạm Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu, người ấy không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) Ba năm trong trường hợp hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội;

b) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù đến năm năm.

Điều 54. Xoá án do Toà án quyết định.

1. Việc xoá án do Toà án quyết, căn cứ vào tính chất của tội đã phạm, vào nhân thân, vào thái độ chấp hành chính sách, pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án, trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị phạt tù đến năm năm về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia mà không phạm tội mới trong thời hạn năm năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu;

b) Đã bị phạt tù trên năm năm không kể về tội gì mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu.

2- Người bị Toà án bác đơn xin xoá lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xoá án. Nếu bị bác dơn lần thứ hai trở đi thì phải hai năm mới lại được xin xoá án.

Điều 55. Xoá án trong trường hợp đặc biệt.

Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt, đã lập công và được cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội đề nghị, thì Toà án có thể xoá án nếu người đó đã bảo đảm được từ một phần ba đến một nửa thời hạn quy định.

Điều 56. Cách tính thời hạn để xoá án.

1- Thời hạn để xoá án quy định ở Điều 53 và Điều 54 căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

2- Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

3- Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

4- Nếu chưa xoá án mà phạm tội mới thì thời hạn để xoá án cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.

Chương 7:

NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

Điều 57. áp dụng Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Người chưa thành niên phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này.

Điều 58. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

1- Người từ 14 tuổi trở lên những chưa đủ 16 tuổi phải trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý.

2- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Điều 59. Những nguyên tắc cơ bản về xử lý những hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

1- Việc xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2- Đối với người chưa thành niên phạm tội, Viện kiểm sát và Toà án áp dụng chủ yếu những biện pháp giáo dục, phòng ngừa; gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tham gia tích cực vào việc thực hiện những biện pháp ấy.

3- Viện kiểm sát có thể quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và nếu được gia đình và tổ chức xã hội nhận trách nhiệm giám sát, giáo dục.

Chỉ đưa người chưa thành niên phạm tội ra xét xử và áp dụng hình phạt đối với họ trong những trường hợp cần thiết, căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa.

4- Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình người chưa thành niên phạm tội. Khi phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên.

Người chưa thành niên phạm tội phải được giam riêng.

Không xử phạt tiền và không áp dụng các hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

5- án đã tuyên đối với người phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Điều 60. Các biện pháp tư pháp và hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

1- Các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa do Toà án quyết định gồm có:

- Buộc phải chịu thử thách;

- Đưa vào trường giáo dưỡng.

2- Các hình phạt gồm có:

- Cảnh cáo;

- Cải tạo không giam giữ;

- Tù có thời hạn.

Điều 61. Buộc phải chịu thử thách.

1- Đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, Toà án có thể quyết định buộc phải chịu thử thách từ một năm đến hai năm.

2- Người phải chịu thử thách phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, lao động, tuân theo kỷ luật xã hội và pháp luật dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền cơ sở và tổ chức xã hội được Toà án giao trách nhiệm.

3- Nếu người phải chịu thử thách đã chấp hành được một nửa thời hạn do Toà quyết định và tỏ ra có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Toà án quyết định chấm dứt thời hạn thử thách.

Điều 62. Đưa vào trường giáo dưỡng.

1- Toà án có thể quyết định đưa người chưa thành niên phạm tội vào trường giáo dưỡng nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của họ cần đưa họ vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.

2- Thời hạn ở trường giáo dưỡng là từ một năm đến ba năm.

Nếu người chưa thành niên phạm tội đã chấp hành được một nửa thời hạn do Toà án quyết định và tỏ ra có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của người phụ trách trường, Toà án có thể quyết định chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng.

Điều 63. Cải tạo không giam giữ.

Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội thì không khấu trừ thu nhập của người đó.

Điều 64. Tù có thời hạn.

Người chưa thành niên phạm tội có thể bị phạt tù có thời hạn như sau:

1- Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên khi phạm tội là hai mươi năm tù và đối với người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi khi phạm tội là mười lăm năm tù.

2- Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là hai mươi năm tù thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là không quá mười hai năm tù.

Điều 65. Tổng hợp hình phạt.

Đối với người phạm nhiều tội, có tội phạm trước khi đủ 18 tuổi, có tội phạm sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

1- Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt mức hình phạt cao nhất quy định ở Điều 64.

2- Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.

Điều 66. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Người chưa thành niên bị kết án nếu cải tạo tốt thì được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định ở Điều 49.

Điều 67. Xoá án.

1- Người chưa thành niên phạm tội được áp dụng những biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa quy định ở khoản 1 Điều 60 thì không bị coi là có án.

2- Thời hạn để xoá án đối với người chưa thành niên là một nửa thời hạn quy định ở các Điều từ 53 đến 55.

Chương 8:

NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHẠM TỘI

Điều 68. áp dụng Bộ luật Hình sự đối với quân nhân phạm tội.

Đối với quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập chung huấn luyện, nếu phạm tội thì áp dụng những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này.

Điều 69. Tạm hoãn, miễn hoặc giảm việc chấp hành hình phạt.

Quân nhân phạm tội ít nghiêm trọng, nếu do nhu cầu chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu mà được người chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên đề nghị cho ở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ, thì có thể được Toà án cho tạm hoãn việc chấp hành hình phạt từ sáu tháng đến một năm. Hết thời hạn đó, Toà án sẽ căn cứ vào thái độ sửa chữa hoặc kết quả lập công của người phạm tội mà miễn hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc buộc phải chấp hành toàn bộ hình phạt đã tuyên.

Điều 70. Cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội.

1- Cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội là hình phạt chính được áp dụng từ sáu tháng đến hai năm đối với quân nhân tại ngũ phạm tội ít nghiêm trọng.

Nếu người bị kết án đã bị tạm giam thì thời gian tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, cứ một ngày tạm giam bằng ba ngày cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội.

2- Đối với người phạm tội không phải là quân nhân tại ngũ, trong trường hợp điều luật quy định hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, thì áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ quy định ở Điều 24.

Điều 71. Tước danh hiệu quân nhân.

Tước danh hiệu quân nhân là hình phạt bổ sung có thể được áp dụng với quân nhân phạm tội nghiêm trọng do cố ý.

Người bị tước danh hiệu quân nhân đương nhiên bị xoá tuổi quân và bị tước quyền lợi mà bản thân quân nhân và gia đình được hưởng về quân nhân đó.

PHẦN CÁC TỘI PHẠM

Chương 1:

CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA

Mục A: CÁC TỘI ĐẶC BIỆT NGUY HIỂM XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA

Điều 72. Tội phản bội Tổ quốc.

1- Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhăm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 73. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Người hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau:

1- Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Người đồng phạm khác thì bị phạt từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 74. Tội gián điệp.

1- Người nào có một trong những hành vi sau đây thì bị phạt tù mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

c) Cung cấp hoặc thu nhập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; cung cấp tin tức, tài liệu, không thuộc bí mật Nhà nước để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2- Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3- Người nào đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành thật khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 75. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ.

Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm phá hoại an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt như sau:

1- Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 76. Tội bạo loạn.

Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau:

1- Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Người đồng phạm khác bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 77. Tội hoạt động phỉ.

Người nào hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản nhằm chống lại chính quyền nhân dân và chống nhân dân thì bị phạt như sau:

1- Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Người đồng phạm khác bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 78. Tội khủng bố.

1. Người nào xâm phạm tính mạng của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội hoặc công nhân nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3- Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

4- Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cũng bị xử phạt theo Điều này.

Điều 79. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội thuộc các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 80. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội.

1- Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối công thương nghiệp tư doanh, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và nông nghiệp, phá hoại việc thực hiện kế hoạch Nhà nước về kinh tế - xã hội, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

2- Phạt tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

Điều 81. Tội phá hoại chính sách đoàn kết.

1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;

b) Gây hằn thù, miệt thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, các tổ chức xã hội;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

2- Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 82. Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa.

2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 83. Tội phá rối an ninh.

1- Người nào nhằm chống lại chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

2- Người đồng phạm khác thì bị phạt từ hai năm đến bảy năm.

Điều 84. Tội chống phá trại giam.

1- Người nào nhằm chống lại chính quyền nhân dân mà phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

Điều 85. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.

1- Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

2- Người tổ chức, người cưỡng ép, người xúi giục thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 86. Các tội chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Người nào có những hành vi quy định ở các Điều từ 72 đến 85, nhằm chống một Nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em, thì bị xử phạt theo các điều tương ứng.

Mục B: CÁC TỘI KHÁC XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA

Điều 87. Tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ.

Người nào dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ thì bị phạt như sau:

1- Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 88. Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

1- Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 85, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 89. Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

1- Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Điều này không áp dụng đối với người nước ngoài đến nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin cư trú chính trị.

Điều 90. Tội vi phạm các quy định về hàng không.

1- Người nào điều khiển máy bay hay phương tiện bay khác vào và ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không thuộc trường hợp quy định của Điều 74 và Điều 75, thì bị phạt tiền đến năm trăm triệu đồng (500.000.000 đồng) hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền đến mười triệu đồng (10.000.000 đồng) hoặc bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

3- Phương tiện bay có thể bị tịch thu.

Điều 91. Tội vi phạm các quy định về hàng hải.

1- Người nào điều khiển tàu, thuyền hay phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 74 và Điều 75, thì bị phạt tiền đến ba triệu đồng (3.000.000 đồng) hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền đến tám triệu đồng (8.000.000 đồng ) hoặc bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

3- Phương tiện hàng hải có thể bị tịch thu.

Điều 92. Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước.

1- Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 74 và Điều 80, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 93. Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước.

1- Người nào vô ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc làm lộ bí mật Nhà nước thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 94. Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

1- Người nào phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, hệ thống tải điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 79, thì bị phạt tù từ ba năn đến mười hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 95. Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1- Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 96. Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ.

1- Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 97. Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.

1- Người nào buôn bán trái phép hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, thì bị phạt tiền đến năm lần giá trị vật phạm pháp hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền đến mười lần giá trị vật phạm pháp hoặc bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn;

c) Lợi dụng chiến tranh;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội;

đ) Phạm tội nhiều lần hoặc tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 98. Tội làm tiền giả, tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, tội phá huỷ tiền tệ.

1- Người nào làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả, séc giả, phiếu công trái giả hoặc phá huỷ tiền tệ thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mười năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 99. Tội truyền bá văn hoá đồi truỵ.

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, buôn bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá đồi truỵ thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn; gây hậu quả nghiêm trọng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 100. Hình phạt bổ sung.

1- Công dân Việt Nam phạm một trong các tội thuộc Mục A thì bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm; phạm một trong các tội thuộc mục B thì có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm.

2- Công dân Việt Nam phạm một trong các tội thuộc Mục A và một trong các tội quy định ở Điều 87, Điều 88 và ở các Điều từ 94 đến 99, thì bị quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

3- Người nào phạm một trong các tội quy định ở Điều 90 và Điều 91 trong trường hợp bị xử phạt tù, thì có thể bị phạt tiền theo mức đã quy định đối với mỗi tội.

Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều 88, 95, 96, 98 và Điều 99, thì có thể bị phạt tiền từ mười nghìn đồng (10. 000 đồng) đến một trăm nghìn đồng (100.000 đồng); ở Điều 97a, trong trường hợp bị xử phạt tiền thì có thể bị phạt tiền theo mức đã quy định ở điều ấy.

4- Người nào phạm một trong các tội thuộc Mục A thì bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; phạm một trong các tội quy định ở Điều 88 và các Điều từ 94 đến 98, thì có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chương 2:

CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI

Điều 101. Tội giết người.

1- Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

a) Vì động cơ đê hèn; để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác;

b) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; bằng cách lợi dụng nghề nghiệp hoặc bằng phương pháp có khả năng chết nhiều người;

c) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Giết nhiều người hoặc giết phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Có tổ chức;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác;

g) Có tính chất côn đồ; tái phạm nguy hiểm.

2- Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định ở khoản 1 Điều này hoặc không có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3- Phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

4- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 102. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 103. Tội xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ.

1- Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm.

2- Phạm tội gây thương tích nặng hoặc tổn hại nặng cho sức khoẻ người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 104. Tội vô ý làm chết người.

1- Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2- Phạm tội do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc vi phạm quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm.

Điều 105. Tội bức tử.

Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Điều 106. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát.

Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều 107. Tội cố ý không giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

1- Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp, dẫn đến chết người, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 108. Tội đe doạ giết người.

Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 109. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác.

1- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác;

b) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Có tính chất côn đồn hoặc tái phạm nguy hiểm;

3- Phạm tội gây cố tật nặng dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm.

4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định ở điểm a khoản 2, ở khoản 3 Điều này mà do bị kích động mạnh vì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 110. Tội vô ý gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

1- Người nào vô ý gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều 111. Tội hành hạ người khác.

Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 112. Tội hiếp dâm.

1- Người nào dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái ý muốn của họ thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ mười ba tuổi trở lên hoặc người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Hiếp dâm có tổ chức hoặc nhiều người hiếp một người;

b) Hiếp nhiều người hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội làm nạn nhân chết, tự sát hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

4- Mọi trường hợp giao cấu với trẻ dưới mười ba tuổi đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội bị phạt theo các khoản 2 và 3 Điều này.

Điều 113. Tội cưỡng dâm.

1- Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẵn bách phải miễn cưỡng giao cấu thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội cưỡng dâm người chưa thành niên từ 13 tuổi trở lên thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Cưỡng dâm nhiều người;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 114. Tội giao cấu với người dưới 16 tuổi.

Người nào đã thành niên mà giao cấu với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 115. Tội mua bán phụ nữ.

1- Người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:

a) Có tổ chức;

b) Để đưa ra nước ngoài;

c) Mua bán nhiều người;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 116. Tội làm nhục người khác.

1- Nếu người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội đối với người thi hành công vụ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 117. Tội vu khống.

1- Người nào có một trong các hành vi sau đây thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm;

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác;

b) Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước.

2- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Điều 118. Hình phạt bổ sung.

1- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 101 đến 105 và ở các Điều 107, 112 và 113, thì có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm.

2- Người nào phạm một trong các tội quy định ở Điều 101 và Điều 115, thì có thể bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Chương 3:

CÁC TỘI XÂM PHẠM NHỮNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN

Điều 119. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

1- Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

3- Phạm tôi gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 120. Tội xâm phạm chỗ ở của công dân.

1- Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2- Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 121. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện báo của người khác.

Người nào chiếm đoạt thư, điện báo hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện báo của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 122. Tội xâm phạm quyền bầu cử của công dân.

1- Người nào lừa gạt, mua chuộc hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 123. Tội buộc người lao động thôi việc trái pháp luật.

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động thôi việc trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 124. Tội xâm phạm các quyền hội họp, lập hội, tín ngưỡng của công dân.

1- Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện các quyền tự do sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm:

a) Quyền tự do hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân;

b) Quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2- Người nào lợi dụng các quyền tự do nói trên và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 125. Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ.

Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá và xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 126. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh.

Người nào chiếm đoạt hoặc có hành vi khác xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm khoa học, văn hoá, nghệ thuật hoặc đối với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất, sáng chế, phát minh, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền đến một trăm nghìn đồng (100.000 đồng), cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 127. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.

1- Người có một trong các hành vi sau đây thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo.

b) Có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.

2- Người nào trả thù người khiếu nại, tố cáo thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều 128. Hình phạt bổ sung.

Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 119 đến 124, Điều 126 và Điều 127, thì có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm.

Chương 4:

CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Điều 129. Tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí hoặc phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây thương tích nặng, gây tổn hại nặng cho sức khoẻ hoặc gây chết người;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 130. Tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản xã hội chủ nghĩa nhằm chiếm đoạt tài sản đó thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 131. Tội cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào cướp giật hợc công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 129 thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát;

c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 132. Tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Hành hung để tẩu thoát;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 133. Tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa mà mình có trách nhiệm trực tiếp quản lý, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp say đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Thông đồng với người khác ở trong hoặc ngoài cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 134. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt nguy hiểm;

c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 135. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 136. Tội chiếm giữ trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào không trả lại tài sản xã hội chủ nghĩa bị giao nhầm hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản do mình tìm được, bắt được mà biết là tài sản xã hội chủ nghĩa, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị lớn thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 137. Tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Điều 138. Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 79 và Điều 94, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

b) Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị lớn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 139. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

Điều 140. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa.

Người nào vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 141. Các tội xâm phạm tài sản của Nhà nước khác hoặc của các tổ chức quốc tế.

Người nào xâm phạm tài sản của các Nhà nước khác hoặc của các tổ chức quốc tế thì bị xử phạt theo nhưng điều tương ứng trong chương này.

Điều 142. Hình phạt bổ sung.

1- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều 133, 137 và 139 thì có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa từ hai năm đến năm năm.

2- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 129 đến 132, Điều 134 và Điều 135, nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

3- Người nào phạm một trong các tội quy định ở chương này, trừ các Điều 136, 139 và 140, thì tuỳ theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà có thể bị phạt tiền đến một triệu đồng (1.000.000 đồng) và bị tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt đó.

Chương 5:

CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ CÁC TỘI PHẠM ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Điều 143. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ.

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 144. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

1- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2- Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 145. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn.

Người nào có một trong các hành vi sau đây thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn;

b) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.

Điều 146. Tội loạn luân.

Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều 147. Tội ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ cha, mẹ, vợ chồng, con cái.

Người nào ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ cha, mẹ, vợ chồng, con cái thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 148. Tội dụ dỗ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp.

1- Người nào dụ dỗ người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống xa đoạ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Dụ dỗ hoặc chứa chấp nhiều người;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 149. Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em.

1- Người nào bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:

a) Có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp;

b) Để đưa ra nước ngoài;

c) Bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo nhiều trẻ em hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 150. Hình phạt bổ sung.

Người nào phạm một trong các tội quy định ở Điều 148 và Điều 149, nếu là tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Chương 6:

CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU CỦA CÔNG DÂN

Điều 151. Tội cướp tài sản của công dân.

1- Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ lực hoặc phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây thương tích nặng, gây tổn hại cho sức khoẻ hoặc gây chết người.

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 152. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân.

1- Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 153. Tội cưỡng đoạt tài sản của công dân.

1- Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

b) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 154. Tội cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân.

1- Người nào cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 151 thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát;

c) Chiếm đoạt tài sản có gia trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 155. Tội trộm cắp tài sản của công dân.

1- Người nào trộm cắp tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm;

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát;

c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

d) Tái phạm nguy hiểm

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm.

Điều 156. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân.

1- Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

b) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 157. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.

1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 158. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân.

1- Người nào lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn;

b) Tái phạm nguy hiểm;

Điều 159. Tội chiếm giữ trái phép tài sản của công dân.

Người nào cố ý không trả lại cho người có tài sản hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị lớn của người khác bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 160. Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân.

1- Người nào huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thu đoạn nguy hiểm khác;

b) Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

c) Để che giấu tội phạm khác;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 161. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công dân.

Người nào vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 162. Các tội xâm phạm tài sản của người nước ngoài.

Người nào xâm phạm tài sản của người nước ngoài thì bị phạt theo các Điều tương ứng của Chương này.

Điều 163. Hình phạt bổ sung.

1- Người nào phạm tội quy định ở Điều 156 thì có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm.

2- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 151 đến 155, Điều 157 và Điều 158, nếu là tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt quản chế hoặc bị cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

3- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 151 đến 158, tuỳ theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chương 7:

CÁC TỘI PHẠM VỀ KINH TẾ

Điều 164. Tội cản trở việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cải tạo xã hội chủ nghĩa.

1- Người nào huỷ hoại, phân tán tài sản hoặc có hành vi khác cản trở việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cải tạo xã hội chủ nghĩa thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 165. Tội đầu cơ.

1- Người nào mua vét hàng hoá, lương thực, vật tư, các loại tem phiếu, vé, giấy tờ có giá trị phân phối hàng hoá, lương thực, vật tư hoặc cung ứng dịch vụ nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Đầu cơ xăng dầu hoặc thuốc chữa bệnh, phòng bệnh do Nhà nước thống nhất quản lý;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội;

d) Hàng phạm pháp có số lượng hoặc giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn;

đ) Lợi dụng thiên tai hoặc chiến tranh;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 166. Tội buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm.

1- Người nào buôn bán, tàng trữ các chất may tuý, ngoại tệ hoặc buôn bán kim khí quý, đá quý thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội;

c) Hàng phạm pháp có số lượng lớn; thu lợi bất chính lớn;

d) Lợi dụng thiên tai hoặc chiến tranh;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 167. Tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả.

1- Người nào làm hàng giả hoặc buôn bán hàng giả thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa Nhà nước, tổ chức xã hội;

d) Hàng giả có số lượng lớn; thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 168. Tội kinh doanh trái phép.

1- Người nào kinh doanh không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung được phép hoặc có hành vi khác trái với quy định của Nhà nước về kinh doanh công thương nghiệp, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội;

b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;

c) Hàng phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn.

Điều 169. Tội trốn thuế.

Người nào trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 170. Tội lừa dối khách hàng.

1- Người nào trong việc mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại cho khách hàng, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 171. Tội cho vay lãi nặng.

1- Người nào cho vay lãi nặng có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội trong trường hợp sử dụng công quỹ thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 172. Tội chiếm đoạt tem, phiếu, tội làm hoặc lưu hành tem, phiếu, giấy tờ giả dùng vào việc phân phối.

1- Người nào có một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:

a) Chiếm đoạt tem, phiếu dùng vào việc phân phối;

b) Làm hoặc lưu hành tem, phiếu, giấy tờ giả dùng vào việc phân phối.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính lớn;

c) Gây hiệu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 173. Tội làm vé giả, tội buôn bán vé giả.

1- Người nào làm ra hoặc buôn bán các loại vé giả như vé tàu, xe, vé xổ số, tem bưu chính, tem lệ phí hoặc các loại vé giả khác với số lượng lớn đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn vi phạm, thì bị phạm tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Thu lợi bất chính lớn;

b) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 174. Tội cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế do Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 175. Tội lập quỹ trái phép.

1- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép và sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;

b) Để thực hiện tội phạm khác hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 176. Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.

Người nào vì vụ lợi mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 177. Tội lưu hành sản phẩm kém phẩm chất.

Người nào có trách nhiệm trong chỉ đạo sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, phân phối, lưu thông vì vụ lợi mà cho lưu hành nhiều lần hoặc với số lượng lớn những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng đã định gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 178. Tội vi phạm những nguyên tắc, chính sách, chế độ về phân phối.

Người nào vì vụ lợi mà làm trái nhứng nguyên tắc, chính sách, chế độ về phân phối vật tư, lương thực, thực phẩm hoặc hàng hoá khác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 179. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong lòng đất, trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong lòng đất, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục đại của Việt Nam, vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mười triệu đồng (10.000.000 đồng) hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Những dụng cụ, phương tiện để phạm tội có thể bị tịch thu. Những vật do phạm tội mà có đều bị tịch thu.

Điều 180. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất và bảo vệ đất đai.

1- Người nào mua bán, lấn chiếm đất hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 181. Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng.

1- Người nào khai thác trái phép cây rừng, săn bắt trái phép chim, thú hoặc có những hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bi xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 182. Tội sử dụng hoặc phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào sử dụng hoặc phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội trong trường hợp sử dụng điện vào việc kinh doanh trái phép hoặc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 183. Tội sản xuất hoặc buôn bán rượu, thuốc lá trái phép.

Người nào sản xuất hoặc buôn bán rượu, thuốc lá trái với các quy định của Nhà nước, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 184. Tội lạm sát gia súc.

Người nào giết trâu, bò hoặc các súc vật khác trái với các quy định của Nhà nước về bảo vệ sức kéo gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 185. Hình phạt bổ sung.

1- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều 164, 177, 178 và từ 180 đến 184, thì có thể bị phạt tiền đến một triệu đồng (1.000.000 đồng).

Phạm tội quy định ở Điều 179 trong trường hợp bị xử phạt tù thì có thể bị phạt tiền đến mười triệu đồng (1.000.000 đồng).

2- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 165 đến 169, từ 171 đến 173 và ở Điều 183, thì tuỳ trường hợp mà có thể bị phạt tiền đến mười lần giá trị hàng phạm pháp hoặc số lợi bất chính.

3- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 164 đến 168, ở Điều 172 và Điều 173, thì có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 164 đến 168, Điều 170 và Điều 171, các Điều từ 174 đến 178 và ở các Điều 180, 181 182, thì có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc những công việc nhất định từ hai năm đến năm năm.

Chương 8:

CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG VÀ TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Mục A: CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG

Điều 186. Tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào điều khiển phương tiện giao thông vận tải mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:

a) Đi quá tốc độ, trở quá trọng tải quy định, tránh, vượt trái phép;

b) Không đi đúng tuyến đường, phần đường, luồng lạch, đường bay và độ cao quy định;

c) Vi phạm các quy định khác về an toàn giao thông.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Điều khiển phương tiện giao thông vận tải mà không có bằng lái; trong khi say rượu hoặc say do dùng chất kích thích khác;

b) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

3- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm.

4- Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 187. Tội cản trở giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào có một trong những hành vi sau đây cản trở giao thông vận tải gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Đào, phá các công trình giao thông, đặt vật chướng ngại cản trở giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không;

b) Di chuyển, phá huỷ biển báo hiệu hoặc các thiết bị giao thông;

c) Có hành vi cản trở giao thông vận tải.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 188. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông vận tải không đảm bảo an toàn hoặc điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào có một trong những hành vi sau đây thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:

a) Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông vận mà cho đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không đảm bảo an toàn gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản;

b) Điều động người không có bằng lái hoặc không đủ những điều kiện khác, điều động người say rượu hoặc say do dùng chất kích thích khác điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây hậu quả nói trên.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

Điều 189. Tội dừng xe lửa hoặc làm dừng xe lửa trái phép.

1- Người nào dùng xe lửa hoặc làm dừng xe lửa trái với các quy định về giao thông đường sắt, cản trở hoạt động bình thường của xe lửa, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm năm đến mười hai năm:

a) Là nhân viên phục vụ đoàn tàu;

b) Gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trong đến tài sản;

3- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 190. Tội vi phạm về các an toàn lao động, về bảo hộ lao động, về an toàn những nơi đông người gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện hoặc thực hiện những quy định về an toàn lạo động, về bảo hộ lao động, về vệ sinh công nghiệp, về an toàn ở những nơi đông người mà vi phạm các quy định đó gây thiệt hại đến tính mạng sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3- Người nào vi phạm các quy định về an toàn hầm mỏ, hoá chất, dầu khí hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 191. Tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào vi phạm các quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trong đến tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm.

Điều 192. Tội vi phạm các quy định về quản lý vũ khí, phương tiện kỹ thuật, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ.

1- Người nào vi phạm các quy định về đặt kho, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3- Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 193. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng.

Người nào được giao vũ khí mà thiếu trách nhiệm, để người khác sử dụng vũ khí ấy làm người chết hoặc bị thương nặng hoặc làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều 194. Tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

3- Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 195. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh công cộng, về phòng ngừa và chống dịch bệnh, về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đên hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 196. Tội vi phạm các quy định về chữa bệnh, chế thuốc, bán thuốc gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 197. Tội vi phạm các quy định về vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm mất phẩm chất gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Mục B: CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Điều 198. Tội gây rối trật tự công cộng.

1- Người nào gây rối trật tự ở nơi công cộng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Lôi kéo, kích động người khác gây rối;

c) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng.

Điều 199. Tội hành nghề mê tín, dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng.

1- Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

Điều 200. Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

1- Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm

2- Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 201. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

1- Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Tài sản có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 202. Tội chứa mãi dâm, tội môi giới mãi dâm.

1- Người nào chứa mãi dâm, dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mãi dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 203. Tội tổ chức dùng chất ma tuý.

1- Người nào tổ chức dùng chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 204. Tội xâm phạm mồ mả, hài cốt.

1- Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Mục C: CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Điều 205. Tội chống người thi hành công vụ.

1- Người nào dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực chống người thi hành công vụ cũng như dùng mọi thủ đoạn cưỡng ép họ thực hiện những hành vi trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 101 và Điều 109, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 206. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

1- Người nào đang ở lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự mà không chấp hành đúng những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.

Điều 207. Tội làm trái hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

1- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, việc thi hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

3- Phạm tội trong thời chiến thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 208. Tội trốn tránh nghĩa vụ lao động công ích.

Người nào thuộc diện phải làm nghĩa vụ lao động công ích mà không chấp hành lệnh huy động làm nghĩa vụ lao động, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 209. Tội làm trái hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích.

Người nào cố ý làm trái hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 210. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc.

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm

Điều 211. Tội giả mạo giấy chững nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội.

1- Người nào có một trong những hành vi sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệnh nội dung hoặc làm giả giấy chứng minh, hộ chiếu, giấy chứng nhận hộ tịch, hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật;

b) Làm giả con dấu, giấy tiêu đề hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc sử dụng con dấu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc công dân.

2- Phạm tội có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 212. Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ con dấu, tài liệu cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

1- Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ con dấu, tài liệu cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không thuộc tài liệu bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 213. Tội không chấp hành các quyết định hành chính về cư trú bắt buộc, cấm cư trú, quản chế hoặc lao động bắt buộc.

Người nào không chấp hành các quyết định của cơ quan hành chính có thẩm quyền về cư trú bắt buộc, cấm cư trú, quản chế hoặc lao động bắt buộc thì bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 214. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà.

Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm hoặc chuyển nhượng trái phép nhà do Nhà nước hoặc tổ chức xã hội quản lý thu lợi bất chính lớn, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

Điều 215. Tội vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, ấn phẩm khác.

Người nào vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo hoặc ấn phẩm khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm nghìn đồng (5.000 đồng) đến hai trăm nghìn đồng (200.000 đồng), cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 216. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 217. Tội xúc phạm quốc kỳ, quốc huy.

Người nào cố ý xúc phạm quốc kỳ, quốc huy thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 218. Hình phạt bổ sung.

1- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 186 đến 191 và từ 195 đến 197, thì có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm.

2- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 199 đến 203, thì có thể bị quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

3- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 199 đến 203, thì bị phạt tiền từ một nghìn đồng (1.000) đến năm mươi nghìn đồng (50.000 đồng) và có thể bị tịch thu một phần tài sản.

Chương 9:

CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ

Điều 219. Khái niệm tội phạm về chức vụ.

Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành nhiệm vụ.

Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do dân cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Điều 220. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định ở các Điều 139, 193 và 237, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 221. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn làm trái với công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc lợi ích hợp pháp của công dân, nếu không thuộc trường hợp quy định ở các Điều 156, 238 và 239, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều 222. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác.

1- Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 74 và Điều 92, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 223. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác.

Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 93, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 224. Tội giả mạo trong công tác.

1- Người nào trong khi thực hiện nhiệm vụ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu hoặc làm và cấp giấy tờ giả, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy công chứng;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 225. Tội đào nhiệm.

1- Người nào là nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội mà cố ý rời bỏ nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 226. Tội nhận hối lộ.

1- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm một việc thuộc trách nhiệm của mình hoặc không làm một việc phải làm, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Phạm tội trong trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn để làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Của hối lộ có giá trị lớn;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Phạm tội nhiều lần.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nhiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 227. Tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ.

1- Người nào đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Của hối lộ có giá trị lớn;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Phạm tội nhiều lần.

3- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

4- Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Điều 228. Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

1- Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ, hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 229. Hình phạt bổ sung.

1- Người nào phạm một trong các tội quy định ở Chương này thì có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm.

2- Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều 226, 227 và 228, thì có thể bị phạt tiền đến năm lần giá trị của hối lộ; phạm một trong các tội quy định ở khoản 3 các Điều 226 và 227 thì còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chương 10:

CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Điều 230. Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và của công dân.

Điều 231. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

1- Kiểm sát viên, điều tra viên nào cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 232. Tội ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật.

1- Thẩm phán, hội thẩm nhân dân nào cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 233. Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc nhân viên tư pháp điều tra, truy tố, xét xử, thi hành bản án trái pháp luật một cách nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 234. Tội dùng nhục hình.

1- Người nào dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 235. Tội bức cung.

1- Người nào tiến hành điều tra mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trong cho việc giải quyết vụ án, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 236. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

1- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, nhân viên tư pháp khác, luật sư, bào chữa viên nào thêm, bớt, sửa đổi, huỷ hoặc cố ý làm hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 237. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn.

1- Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội để người bị giam về một tội nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 238. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người bị giam.

1- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra lệnh tha hoặc tự mình tha trái pháp luật người đang bị giam thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Phạm tội ra lệnh tha hoặc tha trái pháp luật người bị giam về một tội nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 239. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn giam người trái pháp luật.

1- Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn không ra lệnh tha hoặc không chấp hành lệnh tha người hết hạn giam thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 240. Tội không chấp hành án, tội cản trở việc thi hành án.

1- Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hành thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều 241. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật, tội khai báo gian dối.

Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 242. Tội từ chối khai báo, tội từ chối kết luận giám định.

Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 243. Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác cung cấp tài liệu sai sự thật, khai báo gian dối.

Người nào mua chuộc hoặc cưỡng ép người làm chứng, người bị hại khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, người giám định kết luận gian dối, người phiên dịch dịch xuyên tạc, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 244. Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản.

Người nào được giao giữ tài sản bị kê biên hoặc bị niêm phong mà có một trong những hành vi sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Phá huỷ niêm phong;

b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc huỷ hoại tài sản bị kê biên.

Điều 245. Tội trốn khỏi nơi giam.

1- Người nào đang bị giam hoặc đang bị dẫn giải mà bỏ trốn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng bạo lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.

Điều 246. Tội che giấu tội phạm.

1- Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong những tội phạm quy định ở các Điều sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:

- Các Điều từ 72 đến 85 về các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; Điều 87 (tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ); Điều 94, khoản 2 (tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 95, khoản 2 và 3 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 96, khoản 2 và 3 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ); Điều 97, khoản 2 và 3 (tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới); Điều 98 (tội làm tiền giả, tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, tội phá huỷ tiền tệ);

- Điều 101 (tội giết người); Điều 112, khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 115, khoản 2 (tội mua bán phụ nữ);

- Điều 129 (tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 132, khoản 2 và 3 (tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 133, khoản 2 và 3 (tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 138, khoản 2 và 3 (tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa);

- Điều 149, khoản 2 (tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em);

- Điều 151 (tội cướp tài sản của công dân); Điều 152 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân);

- Điều 165, khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 166, khoản 2 và 3 (tội buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm); Điều 167, Khoản 2 và 3 (tội làm hàng giả hoặc buôn bán hàng giả); Điều 172, khoản 2 và 3 (tội chiếm đoạt tem, phiếu, tội làm hoặc lưu hành tem, phiếu, giấy tờ giả dùng vào việc phân phối);

- Điều 245, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam).

2- Phạm tội trong trường lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Điều 247. Tội không tố giác tội phạm.

1- Người nào biết rõ một trong những tội phạm quy định ở các Điều sau đây đang được chuẩn bị hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

- Các Điều từ 72 đến 85 về các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; Điều 87 (tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ); Điều 94, khoản 2 (tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 95, khoản 2 và 3 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 96, khoản 2 và 3 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ); Điều 98 (tội làm tiền giả, tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, tội phá huỷ tiền tệ).

- Điều 101 (tội giết người); Điều 112, khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm);

- Điều 129 (tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 132, khoản 2 và 3 (tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 133, khoản 2 và 3 (tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 138, khoản 2 và 3 (tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa);

- Điều 151 (tội cướp tài sản công dân); Điều 152 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân);

- Điều 165, khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 172, khoản 2 và 3 (tội chiếm đoạt tem, phiếu, tội làm hoặc lưu hành tem, phiếu giấy tờ giả dùng vào việc phân phối);

- Điều 245, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam).

2- Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Điều 248. Hình phạt bổ sung.

Người nào phạm một trong các tội ở các Điều từ 231 đến 242, thì bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm.

Chương 11:

CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN

Điều 249. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là:

Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội, dân quân, tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội, những người khác được quy định thuộc lực lượng vũ trang;

Những người không thuộc diện trên đây mà đồng phạm các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

Điều 250. Tội chống mệnh lệnh.

1- Người nào chống mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp trên có thẩm quyền thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm;

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Có dùng vũ lực;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3- Phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 251. Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh.

1- Người nào chấp hành mệnh lệnh một cách lơ là, chậm trễ, tuỳ tiện gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 252. Tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm.

1- Người nào cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Lôi kéo người khác phạm tội;

b) Có dùng vũ lực;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3- Phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 253. Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên.

1- Người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trong nhân phẩm, danh dự hoặc hành hung người chỉ huy hay cấp trên thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội trong chiến đấu hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 254. Tội làm nhục, hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới.

1- Người nào là chỉ huy hay cấp trên, trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Điều 255. Tội làm nhục, hành hung đồng đội.

1- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc hành hung đồng đội, nếu giữa họ không có quan hệ chỉ huy - phục tùng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 256. Tội đầu hàng địch.

1- Người nào trong chiến đấu mà đầu hàng địch thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Giao nộp cho địch vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu quan trọng;

c) Lôi kéo người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 257. Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh.

1- Người nào khi bị địch bắt làm tù binh mà khai báo bí mật quân sự hoặc tự nguyện làm việc cho địch thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Khai báo gây hậu quả nghiêm trọng;

c) Đối xử tàn ác với tù binh khác.

Điều 258. Tội bỏ vị trí chiến đấu.

1- Người nào bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Bỏ vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu quan trọng;

c) Lôi kéo người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 259. Tội đào ngũ.

1- Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu quan trọng.

Điều 260. Tội trốn tránh nhiệm vụ.

1- Người nào tự gây thương tích, gây tổn hại đến sức khoẻ của mình hoặc dùng các hình thức gian dối khác để trốn tránh nhiệm vụ thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Phạm tội trong chiến đấu hoặc trong khu vực có chiến sự;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 261. Tội vắng mặt trái phép.

Người nào không được phép mà đi khỏi đơn vị hoặc không đến đơn vị đúng hạn định, đã bị thi hành kỷ luật mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 262. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự.

1- Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định ở các Điều 74 và Điều 92, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 263. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự.

1- Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 93, thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 264. Tội cố ý báo cáo sai.

1- Người nào cố ý báo cáo sai gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 265. Tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban.

1- Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trực chiến, trực chỉ huy, trực ban gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội trong chiến đấu hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 266. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ.

1- Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về tuần tra, canh gác, áp tải hộ tống gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội trong chiến đấu hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 267. Tội vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện.

1- Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định đảm bảo an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 268. Tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí.

1- Người nào sử dụng vũ khí, chất nổ không đúng quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đế hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội trong khu vực có chiến sự hoặc gây hậu quả đặc nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 269. Tội huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự.

1- Người nào huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 79 và Điều 94, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm.

2- Phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 270. Tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự.

1- Người nào được giao quản lý, trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 271. Tội vi phạm chính sách đối với thương binh, tử sĩ trong chiến đấu.

1- Người nào có trách nhiệm mà cố ý bỏ thương binh, tử sĩ tại trận địa hoặc cố ý không chăm sóc, cứu chữa thương binh gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2- Người nào chiếm đoạt tài sản của thương binh hoặc di vật, di sản của tử sĩ thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Điều 272. Tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm.

1- Người nào trong chiến đấu hoặc khi thu dọn chiến trường mà chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Chiến lợi phẩm bị chiếm đoạt hoặc huỷ hoại có giá trị lớn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 273. Tội quấy nhiễu nhân dân.

1- Người nào có hành vi quấy nhiễu gây thiệt hại cho nhân dân làm mất đoàn kết quân dân thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Phạm tội trong khu vực có chiến sự hoặc trong khu vực có lệnh giới nghiêm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 274. Tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ.

1- Người nào trong khi thực hiện nhiệm vụ mà vượt quá phạm vi cần thiết của nhu cầu quân sự gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân thì bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2- Phạm tội gây quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Điều 275. Tội ngược đãi tù binh, hàng binh.

Người nào ngược đãi tù binh, hàng binh thì bị phạt cải tạo không ở đơn vị kỷ luật của quân đội đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 276. Hình phạt bổ sung.

Người nào phạm một trong các tội quy định ở các Điều từ 250 đến 252, từ 256 đến 260, Điều 262 và Điều 269, thì có thể bị tước danh hiệu quân nhân.

Chương 12:

CÁC TỘI PHÁ HOẠI HOÀ BÌNH, CHỐNG LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI PHẠM CHIẾN TRANH

Điều 277. Tội phá hoại hoà bình gây chiến tranh xâm lược.

Người nào tuyên truyền kích động gây chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một nước khác thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 278. Tội chống loài người.

Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà có hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư ở một khu vực, phá huỷ các nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hoá, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, cũng như có những hành vi diệt chủng khác hoặc những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 279. Tội phạm chiến tranh.

Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc các phương pháp chiến tranh bị cấm, cũng như có hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế theo các công ước mà Việt Nam tham gia hoặc công nhận thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 280. Tội tuyển mộ lính đánh thuê, tội làm lính đánh thuê.

1- Người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một nước xã hội chủ nghĩa anh em, một nước bạn của Việt Nam hoặc một phong trào giải phóng dân tộc, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2- Người nào làm lính đánh thuê thì bị phạt tù năm năm đến mười lăm năm.

Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 9, nhất trí thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985 tại Hà Nội.

Trường Chinh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Bộ luật Hình sự 1985

  • Số hiệu: 17-LCT/HĐNN7
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 27/06/1985
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1986
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản