Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37-TP

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 1945

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Để đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1:- Bộ Tư pháp gồm có một văn phòng và các phòng sư vụ.

Điều 2:- Văn phòng đặt dưới quyền điều khiển của Đổng lý văn phòng và Chánh văn phòng, có tham chính văn phòng giúp việc. Nếu cần sẽ đặt những đặc vụ ủy viên.

Văn phòng có nhiệm vụ là giúp ông Bộ trưởng trong các công việc tổ chức tư pháp, để thực hiện những phương châm của Chính phủ, và trông nom tất cả việc trong nội bộ thuộc về sự giao thiệp với các cơ quan quốc gia và với người nước ngoài.

Điều 3:- Các phòng sự vụ đặt dưới quyền điều khiển của ông Đổng lý văn phòng, tạm thời kiêm chức Đổng lý sư vụ. Các phòng ấy gồm có:

PHÒNG NHẤT : PHÒNG SỰ VỤ NỘI BỘ

Thư tín chính trị - Phân phát công văn - Việc xin yết kiến - Việc công bố các đạo luật và sắc lệnh – Đưa các bản đăng Công báo – Giao thiệp với Nghị viện và Chính phủ - Triệu tập các ủy ban.

Giữ và coi cho có thứ tự sổ sách, hồ sơ và công thư của Bộ. – Liên lạc với các nhà in và các nha lưu trữ công văn quốc gia.

Trông coi thư viện và các báo chí của Bộ - Giữ các kiểm ấn.

PHÒNG NHÌ: PHÒNG VIÊN CHỨC VÀ KẾ TOÁN

Ban viên chức. - Bổ nhiệm viên chức các tòa án - Định cách thức tuyển cử viên chức ngạch Tư pháp - Bảng thăng thưởng các thẩm phán và viên chức Tư pháp – Danh vị - Kỷ luật - Triệu tập hội đồng kỷ luật - Việc xin nghỉ, xin về hưu.

Ban kế toán. - Soạn lập ngân sách của Bộ - Phân chia chi thu - Việc cấp dưỡng cho các thẩm phán viên cũ hoặc gia đình họ - Việc mua bán vật dụng – Các việc khác thuộc về kế toán.

PHÒNG BA: PHÒNG GIÁM ĐỐC HỘ VỤ

Ban pháp chế và cai trị. ­- ­Việc quản trị các tòa án dân sự và thương sự - Việc tổ chức các tòa án - Dự án luật và sắc lệnh dân sự, thương sự và tố tụng thủ tục – Thi hành các đạo luật về dân sự, thương sự - Dự thảo nghị định và huấn thị.

Việc biện hộ trước các tòa án - Bảng danh sách các luật sư – Thi hành các hiệp ước quốc tế về dân sự, thương sự và tố tụng thủ tục - Dự án các hiệp ước về tư pháp – thi hành những việc điều tra về dân sự và thương sự do ngoại quốc ủy cho làm, hoặc ủy quyền ngoại quốc điều tra về những việc dân sự và thương sự.

Trong những thời kỳ chiến tranh: thi hành những đạo luật làm trong thời kỳ ấy - Chế độ tư quyền của các kiểu dân các nước địch -Quyền trữ và thanh toán tài sản của họ - Các việc xin bồi thường tổn hại về chiến tranh.

Ban công lại. - Chế độ quản lý văn khế - Các đại tụng viên, hỗ giá viên, thừa phát lại – Công việc và trụ sở của các người kể trên.

Ban quốc tịch. - Việc xin nhập quốc tịch Việt Nam hoặc xin trở lại quốc tịch Việt Nam – Các việc khác thuộc về quốc tịch (xin nhập quốc tịch ngoại quốc, xin phép làm việc ở ngoại quốc, vân vân…)

PHÒNG TƯ: PHÒNG GIÁM ĐỐC HÌNH VỤ

Ban hình sự. - Việc truy tố các tội phạm, kiểm soát thủ tục và sự thi hành các án phạt

Dự án luật và sắc lệnh về hình vụ - Dự thảo nghị định, huấn thị về hình vụ - Việc cảnh sát tư pháp - Những việc khống tố và kháng cáo quan trọng.

Ban đại xá và tạp vụ . - Việc xin đại xá phóng thích. Dự thảo và thi hành hiệp ước về việc giao nộp phạm nhân của một nước ngoài cho nước ấy – Thi hành ủy nhiệm của ngoại quốc hoặc ủy quyền cho ngoại quốc làm những việc điều tra. Việc thống kê – Tư pháp lý lịch.

PHÒNG NĂM: PHÒNG GIÁM ĐỐC VIỆC QUẢN TRỊ CÁC NHÀ LAO VÀ GIÁO DỤC TÙ NHÂN

Ban công văn và viên chức. – Phân phát công văn - Phạm vi của các nhân viên làm việc ở các lao ngục và lao thất - Bảng thăng thưởng - Bổ nhiệm, thuyên chuyển, cho nghỉ gia hạn, từ chức…- Kỷ luật - Triệu tập hội đồng kỷ luật – Chia lại các lao ngục và lao thất - Việc kế toán.

Ban giao dịch và công tác. - Việc làm trong các nhà lao - Việc xây dựng và sữa chữa các nhà lao - Vệ sinh trong các nhà lao – Giao dịch, mua vật dụng – Nhà thuốc – Thư viện.

Việc chuyển đi tù nhân - Việc giao nộp can phạm cho ngoại quốc.

Ban giáo dưỡng tù phạm. - Việc giáo dục trong các nhà lao - Việc giáo dục các trẻ vị thành niên phạm tội. Tổ chức việc học nghề - Các cơ quan bảo dưỡng - Việc các trẻ con bị truy tố trước các tòa án – Xét những vấn đề xã hội có liên lạc đến chế độ lao tù.

Việc thi hành án phạt, thăm tù nhân - Sức khỏe của tù nhân - Tổ chức y tế trong các nhà lao.

Điều 4:Ông Đổng lý văn phòng chịu ủy nhiệm thi hành nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Vũ Trọng Khánh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 37-TP năm 1945 về tổ chức bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành.

  • Số hiệu: 37-TP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/11/1945
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Vũ Trọng Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 15/12/1945
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản