Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/BYT-CT

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM VỀ SẢN XUẤT, BUÔN BÁN THUỐC GIẢ

Sau hơn một năm thực hiện Thông tư Liên Bộ y tế - Nội vụ số 27/TT-LB ngày 24-12-1990, qua báo cáo của 48 địa phương, Bộ nhận thấy việc xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán thuốc giả của hầu hết địa phương là chưa hợp lý, không có tác dụng răn đe, giáo dục; thể hiện qua số liệu thống kê sau đây:

- Số tỉnh có báo cáo xử lý 10 tháng 1991: 24

- Số vụ xử lý: 366

1. Truy tố : 2,5%

2. Thu giấy hành nghề : 7,6%.

3. Phạt tiền : 79,2%

4. Cho qua : 10,7%

Và ở một số địa phương gặp khó khăn lúng túng trong việc xử tang vật thu bắt: đôi khi sơ hở về mặt pháp lý. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ chỉ thị các Sở Y tế thực hiện các quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán thuốc giả như sau:

1. Tất cả các trường hợp có đủ chứng lý vi phạm về việc sản xuất, buôn bán thuốc giả đều phải được lập biên bản, xử lý nghiêm minh và bình đẳng đối với các đối tượng thành phần kinh tế: quốc doanh, tập thể, tư nhân.. không được bỏ qua bất kì trường hợp nào; xử lý xong phải báo cáo lên cơ quan y tế cấp trên để theo dõi và chỉ đạo.

1.1. Tất cả mọi trường hợp vi phạm về thuốc giả việc xử lý đầu tiên là thu hồi giấy chứng nhận hành nghề (do Sở Y tế cấp). Đối với cán bộ trong các đơn vị, cơ sở Nhà nước thì không được làm công việc liên quan đến thuốc: vĩnh viễn hoặc có thời hạn ít nhất là 06 tháng;

1.2. Phạt vi phạm hành chính theo các văn bản của Nhà nước, của Bộ hoặc của UBND thành, tỉnh hiện hành.

1.3. Trường hợp có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì phải truy tố theo Luật hình sự;

Như vậy không có trường hợp nào chỉ xử lý nội bộ hoặc bỏ qua.

2. Trường hợp phải truy tố theo Luật hình sự:

2.1. Chuyển hồ sơ chuyên môn về dược cho các cơ quan điều tra (có biên bản giao nhận).

2.2. Báo cáo diễn biến sự việc về Bộ để theo dõi và chỉ đạo.

3. Để phát huy tác dụng răn đe, giáo dục và tuyên truyền đến nhân dân, tất cả các trường hợp xử lý đều phải được thông báo trên các báo, đài và chính quyền sở tại biết; tránh trường hợp giấy phép hành nghề đã bị thu hồi, nhưng giấy phép kinh doanh vẫn tồn tại, đối tượng vẫn hoạt động bình thường.

4. Việc xử lý tang vật đã thu bắt:

4.1. Lấy mẫu và lưu mẫu đúng quy chế; các mẫu lưu này phải bảo quản ở các cơ quan có trách nhiệm đến khi vụ án hoặc quyết định xử lý hết hiệu lực.

4.2. Số tang vật còn lại do Giám đốc Sở Y tế quyết định hình thức thanh lý:

- Nếu là thuốc giả: Tổ chức huỷ, có sự giám sát của các cán bộ có trách nhiệm do Giám đốc Sở chỉ định.

- Nếu là thuốc mạo nhãn, thuốc không có số đăng ký, thuốc không còn nhãn gốc, thuốc không có địa chỉ sản xuất...mà chất lượng bên trong có thể sử dụng được thì đưa đi kiểm nghiệm, nếu đạt yêu cầu thì dựa vào thực trạng của lô thuốc mà xem xét xử lý hoặc thanh lýđúng quy chế, đảm bảo an toàn, chặt chẽ về pháp lý.

Trong khi xem xét, xử lý phải nắm vững luật lệ, quy chế và công minh, khách quan.

5. Qua báo cáo của nhiều địa phương, Bộ nhận thấy tình hình chấp hành quy định của Nhà nước và của Bộ về phòng chống thuốc giả chưa nghiêm túc do đó đã dẫn đến nhiều vụ thuốc giả bị lặp đi lặp lại nhiều lần (75% mẫu thuốc giả phát hiện được là do mua thuốc nội trôi nổi), lẽ ra có thể tránh được. Nay Bộ nhắc lại các địa phương có kế hoạch phổ biến kỹ các quy định hiện hành về phòng chống thuốc giả và kế hoạch kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh đối với tất cả cơ sở y tế và phối hợp với đội quản lý thị trườngđối với thị trường tự do trong toàn địa phương; trọng điểm là tuyến huyện, xã.

5.1. Cấm mua thuốc nội trôi nổi; phải mua thuốc của các đơn vị, cơ sở buôn bán thuốc hợp pháp, có hoá đơn của Bộ Tài chính phát hành và hoá đơn phải ghi số kiểm soát (số lô).

5.2. Tăng cường biện pháp quản lý: Nhãn, đồ bao gói từ khâu in ấn đến khi đã bán, phát hết thuốc (phải xé nhãn), các dụng cụ thiết bị dùng trong sản xuất thuốc.

5.3. Cấm mua bán thuốc không còn nhãn gốc, thuốc không có địa chỉ nơi sản xuất; thuốc không có số đăng ký; thuốc ký gửi không rõ nguồn gốc.

5.4. Các kho thuốc bệnh viện, công ty, xí nghiệp phải tổ chức kiểm kê, kiểm nhận thuốc thường kỳ, theo dõi chặt chẽ số kiểm soát, số đăng ký, có biên bản kết luận sau kiểm kê, kiểm nhận đầy đủ.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc các đơn vị trực thuộc truyền đạt đầy đủ tinh thần nội dung của Chỉ thị này để nhanh chóng lập lại trật tự thị trường thuốc và phòng chống thuốc giả theo Thông tư liên Bộ Y tế - Nội vụ số 27/TT-LB ngày 24-12-1990 đạt hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và lấy lại lòng tin của nhân dân đối với thuốc chữa bệnh.

 

 

Phạm Song

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/BYT-CT năm 1992 về xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất buôn bán thuốc giả do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 03/BYT-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/04/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Song
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản