TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01-TAND /TT | Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1988 |
HƯỚNG DẪN BỔ SUNG VỀ ÁN TREO THEO ĐIỀU 44 BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/HĐTP ngày 5/1/1986 (mục VII) đã hướng dẫn vận dụng Điều 44 Bộ luật Hình sự về án treo. Nói chung, vấn đề án treo nói trong Nghị quyết số 02 là đúng đắn.
Riêng về thời gian thử thách của án treo, Nghị quyết số 02/HĐTP hướng dẫn: trong trường hợp đặc biệt, người bị án đã bị tạm giam lâu thì Tòa án “có thể miễn” cho họ thời gian thử thách nếu hình phạt tù dưới mức thời gian họ đã bị tạm giam. Tại công văn số 108/HĐNN ngày 19/6/1987, Hội đồng Nhà nước đã giải thích là trong bất cứ trường hợp nào cũng không được miễn thời gian thử thách án treo.
Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn lại về thời gian thử thách của án treo như sau:
1. Thời gian thử thách án treo.
Theo Điều 44 Bộ luật Hình sự, thời gian thử thách án treo là từ 1 đến 5 năm và thời gian thử thách là bắt buộc, dù người được hưởng án treo đã bị tạm giam lâu. Thời gian tạm giam này được trừ vào thời gian thi hành án phạt tù, nếu người được hưởng án treo lại phạm tội mới và bị phạt tù. Thông thường thì thời gian thử thách phải bằng hoặc dài hơn mức án đã tuyên nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được dưới một năm hoặc quá 5 năm. Vừa qua có trường hợp do mức án thấp (3 tháng tù cho hưởng án treo), Tòa án đã tuyên thời gian thử thách dưới một năm là trái pháp luật.
2. Cách tính thời gian thử thách của án treo (*).
Nói chung, thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án treo đầu tiên, cụ thể như sau:
Nếu xử sơ thẩm thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án và phải ghi rõ ngày, tháng, năm. Nếu bị cáo đang bị tạm giam, thì phải tuyên tha ngay bị cáo. Nếu án sơ thẩm bị kháng cáo hay kháng nghị (kể cả trường hợp án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm) mà khi xử phúc thẩm hoặc giám đốc phẩm vẫn y án treo của án sơ thẩm, thì thời gian thử thách cũng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Nếu án sơ thẩm phạt tù giam, án phúc thẩm hoặc án giám đốc thẩm cải án sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.
Hiện nay, việc tổng hợp hình phạt theo Điều 41 và 42 Bộ luật Hình sự, các cấp Tòa án hiểu và vận dụng không thống nhất và nhiều khi tổng hợp không hợp lý. Tòa án nhân dân tối cao sẽ có Thông tư hướng dẫn chung sau. Riêng về tổng hợp hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách án treo thì áp dụng như sau:
- Khoản 5 Điều 44 Bộ luật Hình sự (**)quy định: “Nếu trong thời gian thử thách, người bị án treo phạm tội mới và bị phạt tù, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định ở khoản 2 Điều 42”. Quy định của khoản 2 là “khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó cộng với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất mà luật quy định cho loại hình phạt đã tuyên”. Vì vậy, những trường hợp Tòa án đã tổng hợp hình phạt của hai bản án (án treo phải chấp hành hình phạt tù và án tù mới) nhưng chỉ bắt thi hành mức án của bản án mới trong khi hình phạt chung không vượt mức cao nhất mà luật quy định cho loại hình phạt đã tuyên, là trái pháp luật và làm cho án treo mất hết ý nghĩa của nó. Vì vậy, phải cộng toàn bộ mức hình phạt của hai bản án và quyết định hình phạt chung theo tinh thần của khoản 5 Điều 44 và khoản 2 Điều 42 Bộ luật Hình sự. Nếu bị cáo đã tạm giam, thì thời gian tạm giam của tội cũ cũng như thời gian tạm giam của tội mới được trừ vào thời gian phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án.
Nếu thời gian thử thách đã hết lại phát hiện được tội phạm xảy ra trong thời gian thử thách mà tội này bị phạt tù giam thì vẫn coi là phạm tội trong thời gian thử thách và tổng hợp hình phạt như đã nói tren. Nếu người bị án đã được Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên xóa án đối với tội cũ được hưởng án treo, thì quyết định này không còn hiệu lực nữa.
- Nói chung, người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì phải phạt tù giam đối với tội mới mà không được cho hưởng án treo một lần nữa vì việc phạm tội mới chứng tỏ họ đã không chịu cải tạo tốt. Riêng đối với trường hợp người đã được hưởng án treo phạm tội mới vì vô ý, tác hại gây ra không lớn hoặc phạm tội mới vì cố ý nhưng là tội ít nghiêm trọng, có ít tình tiết giảm nhẹ quy định ở Điều 38 như: gây thiệt hại không lớn, đã thật thà khai báo, đã bồi thường thiệt hại… thì Tòa án có thể phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt đó. Thời gian thử thách còn lại của án treo được tính lồng vào thời gian cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội. Nếu thời gian thử thách của án treo dài hơn thì sau khi hết thời gian cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, người bị án phải thi hành tiếp thời gian thử thách còn lại của án treo.
Trong trường hợp người đang thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội phạm tội mới và bị phạt tù, thì phải áp dụng khoản 1 Điều 43 Bộ luật Hình sự chuyển thời gian còn lại của hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo của đơn vị kỷ luật của quân đội thành hình phạt tù (cứ một ngày cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành một ngày tù) rồi tổng hợp với hình phạt tù của tội mới và quyết định hình phạt chung theo khoản 2 Điều 42.
- Nếu trong thời gian thử thách của án treo người bị án lại bị xét xử về tội xảy ra trước tội đã xét xử và bị phạt tù giam (tội sau xử trước, tội trước xử sau), thì không coi là phạm tội trong thời gian thử thách. Người bị án phải chấp hành đồng thời hai bản án.
Nắm vững nội dung và vận dụng đúng đắn án treo trong việc xét xử các vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa phạm tội. Vì vậy, các cấp Tòa án cần tổ chức để quán triệt Điều 44 Bộ luật Hình sự, quán triệt Thông tư này cùng với sự hướng dẫn về án treo trong Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986 (mục VII, trừ điểm 4) để thực hiện cho đúng đắn và thống nhất.
Đối với những vụ án đã xét xử không đúng với Thông tư này mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì không cần phải kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, trừ trường hợp việc xét xử đó đã có những sai lầm nghiêm trọng về xem xem và đánh giá chứng cứ, hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ.
(*)Điểm này đã được sửa đổi tại điểm 2 mục II Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16-11-1988 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
(**)- Điểm này đã được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 28-12-1989.
- Xem Thông tư liên ngành số 01/TTLN 90 ngày 1-2-1990.
Thông tư 01-TAND/TT-1988 về án treo theo điều 44 Bộ Luật Hình sự do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 01-TAND/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/04/1988
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/04/1988
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định