HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/HĐNN7 | Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 1987 |
CÔNG VĂN
VỀ GIẢI THÍCH VIỆC “TƯỚC DANH HIỆU QUÂN NHÂN” THEO ĐIỀU 71 BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Về công văn không số ngày 14 tháng 2 năm 1987 của Tòa án nhân dân tối cao đề nghị giải thích Điều 71 của Bộ luật Hình sự. Hội đồng Nhà nước có ý kiến như sau:
1- Điều 21 của Bộ luật Hình sự quy định hệ thống các hình phạt, trong đó “tước danh hiệu quân nhân” là một hình phạt bổ sung.
Căn cứ vào quy định chung ở Điều 21, Điều 71 quy định cụ thể: “Tước danh hiệu quân nhân là hình phạt bổ sung có thể được áp dụng đối với quân nhân tội nghiêm trọng do cố ý”.
Theo tinh thần và lời văn của điều luật trên đây, thì:
- “Tước danh hiệu quân nhân” là hình phạt bổ sung có thể được áp dụng đối với quân nhân phạm tội… nghĩa là tùy từng trường hợp cụ thể có thể áp dụng, cũng có thể không áp dụng, không phải là trường hợp nào cũng áp dụng.
- Hình phạt bổ sung này chỉ có thể được áp dụng đối với quân nhân phạm tội nghiêm trọng…, nghĩa là phạm tội gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 5 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: phạm tội bỏ vị trí chiến đấu (Điều 258 của Bộ luật Hình sự, kể cả khung 1 và khung 2); phạm tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 97 của Bộ luật Hình sự, khung 2 và khung 3)…
- Hình phạt bổ sung này lại chỉ có thể được áp dụng đối với quân nhân phạm tội nghiêm trọng do cố ý. Còn đối với trường hợp tuy phạm tội nghiêm trọng nhưng do vô ý, thì không được áp dụng. Chẳng hạn phạm tội vô ý làm hư hỏng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự, tuy khung 2 điều 270 của Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt cao nhất đến 10 năm tù, nhưng không được áp dụng hình phạt “tước danh hiệu quân nhân”.
- Việc tước danh hiệu quân nhân có thể được áp dụng không phải chỉ đối với những trường hợp quân nhân phạm các tội thuộc Chương XI trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự, mà còn đối với những trường hợp quân nhân phạm các tội thuộc các Chương khác của Bộ luật Hình sự, nếu là tội phạm nghiêm trọng do cố ý.
2- Cần xác định rõ thương binh không phải là một danh hiệu. Người được cấp giấy chứng nhận thương binh là người được xác nhận tình trạng thương tật trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Người được chứng nhận là thương binh được hưởng các chính sách ưu đãi do Nhà nước quy định. Việc xác nhận và xếp hạng thương binh phải dựa vào việc giám định và kết luận của Hội đồng y khoa, chứ không phải là sự công nhận của cơ quan lãnh đạo có thẩm quyền như đối với các danh hiệu vinh dự Nhà nước.
3- Tình trạng thương tật của quân nhân không thể bị tước dù bằng biện pháp tư pháp hay biện pháp hành chính, trong trường hợp cá biệt, do nguyên nhân nào đó, nếu xét vẫn phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hẳn không cho một thương binh được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thì do Hội đồng Bộ trưởng quy định. Việc này không liên quan đến việc thi hành Bộ luật Hình sự và không thuộc quyền của các cấp Tòa án, kể cả các Tòa án quân sự.
Tóm lại, trong Bộ luật Hình sự không có khái niệm “danh hiệu thương binh”, cũng không quy định biện pháp “tước danh hiệu thương binh”. Do đó, khi tuyên truyền, hướng dẫn thi hành, cũng như khi áp dụng Bộ luật Hình sự, không nên đề cập đến vấn đề này.
|
|
Công văn số 94/HĐNN7 của Hội đồng Nhà nước về giải thích việc tước danh hiệu quân nhân theo điều 71 Bộ luật hình sự
- Số hiệu: 94/HĐNN7
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 30/03/1987
- Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/03/1987
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định