BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03-TT/BNV | Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 1977 |
Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 143-CP ngày 27-05-1977 ban hành Điều lệ về phạt vi cảnh;
Căn cứ điều 3 của nghị định nói trên và để thi hành Điều lệ về phạt vi cảnh, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điểm dưới đây ,
I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ PHẠT VI CẢNH
Từ trước đến nay Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật lệ để quản lý xã hội, quản lý kinh tế v.v… Những luật lệ ấy đã góp phần quan trọng về việc giữ an ninh trật tự. Tuy nhiên, đến nay soát lại các luận lệ hiện có thì ta vẫn còn thiếu những quy định thích hợp để xử lý đối với những vi phạm nhỏ về trật tự an toàn xã hội xảy ra hàng ngày trong đời sống xã hội. Do đó việc xử lý đối với những người vi phạm này thiếu thống nhất và còn tùy tiện trong các lực lượng có trách nhiệm.
Nay Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về phạt vi cảnh, quy định rõ những trường hợp gọi là phạm pháp vi cảnh, những nguyên tắc và hình thức xử lý, quyền hạn và thủ tục xử lý đối với những hành vi phạm pháp vi cảnh. Việc ban hành Điều lệ về phạt vi cảnh nhằm:
1. Hướng dẩn mọi công dân và mọi người trong xã hội có nghĩa vụ tự giác tôn trọng những quy tắc về trật tự an toàn xã hội;
2. Đặt cơ sở pháp lý để bảo đảm cho việc xử lý được đúng mức và thống nhất về căn bản trong các lực lượng có trách nhiệm, tránh tình trạng tùy tiện buông lỏng hoặc xử lý quá nặng đối với những trường hợp phạm pháp vi cảnh;
3. Góp phần đưa các mặt sinh hoạt xã hội và trật tự công cộng vào quy củ, nề nếp, xây dựng nếp sống văn minh và trật tự an toàn xã hội.
II. KHÁI NIỆM VỀ PHẠM PHÁP VI CẢNH
Cần nhận rõ khái niệm về phạm pháp vi cảnh đã được quy định ở điều 2 của bản điều lệ. Đặc trưng của loại phạm pháp này là những hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội mà có tính chất đơn giản, rõ ràng và hậu quả không nghiêm trọng, chưa đến mức xử phạt bằng các biện pháp hành chính khác.
Nói chung hành vi phạm pháp vi cảnh là những hành vi vi phạm luật lệ mà tính chất và mức độ ít nguy hiểm, thể hiện ở chỗ :
- Hành vi phạm pháp mang tính chất giản đơn, nghĩa là không có tổ chức, không có sự bố trí kế hoạch từ trước, không có thủ đoạn, mánh khóe gian dối, xảo trá, táo bạo…
- Hành vi phạm pháp đó được phát hiện rõ ràng, nghĩa là phần lớn những vụ phạm pháp này được nhân dân và các lực lượng có trách nhiệm phát hiện ngay tại chỗ, chứng cứ rõ ràng; hoặc có trường hợp phải điều tra thì việc điều tra đó cũng đơn giản mà vẫn có đầy đủ chứng cứ làm rõ được hành vi phạm pháp.
- Hậu quả chưa xảy ra, hoặc đã xảy ra nhưng không nghiêm trọng , nghĩa là không gây nên thiệt hại lớn về của công hoặc của tư, không gây tổn hại đến sinh mạng, v.v…
Chính vì tính chất của hành vi phạm pháp vi cảnh như vậy nên việc xử phạt không coi là án tích và không ghi vào tư pháp lý lịch (điều 9 của điều lệ).
Từ khái niệm nói trên, điều lệ đã cụ thể hóa thành 15 loại vi phạm pháp cảnh quy định ở chương II, từ điều 11 đến điều 25.
Chỉ 15 loại hình này mới coi là phạm pháp vi cảnh và bị xử lý theo những hình thức quy định trong điều lệ này.
Những hành vi tuy về hình thức có thể giống nhau, nhưng tính chất và mức độ nghiêm trọng hơn, nếu phạt vi cảnh sẽ không thích đáng thì phải xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ:
a) Điều 11, điểm 1 quy định : “ Đánh nhau hoặc xúi giục người khác gây đánh nhau”. Cần hiểu trường hợp đánh nhau mang tính chất làm rối trật tự công cộng ở một địa điểm nhỏ và trong một thời gian ngắn và không gây ra thương tích gì đáng kể cho người thì coi là phạm pháp vi cảnh. Nhưng nếu cố ý gây thương tích cho người khác như sứt đầu, vỡ trán, v.v…hoặc do vô ý mà gây thương nặng, thành tật cho người khác hoặc kéo bè đảng đông người đánh nhau liên tục ở địa bàn rộng lớn thì coi là tội phạm hình sự và truy tố theo điều 5 (điểm b) Sắc luật số 3 ngày 15-3-1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
b) Điều 14 điểm 6 quy định: “Tàng trữ, lưu hành những văn hóa phẩm đồi trụy như tranh ảnh khiêu dâm, sách báo, tiểu thuyết thuộc loại bị cấm”.
Hành vi này chỉ coi là phạm pháp vi cảnh, khi mà không có mục đích phản cách mạng và không có những tính chất nghiêm trọng. Nhưng nếu có mục đích chính trị rõ ràng nhằm tuyên truyền cho nếp sống trụy lạc nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình của đế quốc Mỹ và các đế quốc khác thì cũng hành vi đó sẽ bị truy tố về tội tuyên truyền phản cách mạng theo điều 15, điểm 3, Pháp lệnh ngày 30-10-1967 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
c) Điều 23, điểm 1 quy định : “Trộm cắp của hợp tác xã hoặc của công dân một ít sản phẩm nông nghiệp, gia cầm, gia súc nhỏ, một ít đồ vật tiền bạc”. Đây là trường hợp mà ta thường gọi là trộm cắp vặt như buồng cau, trái chuối, con gà, con chó hoặc một vài cái quần áo, v.v… thủ đoạn giản đơn, thể hiện tính chất cơ hội. Còn nếu trộm cắp mang tính chất chuyên nghiệp hoặc có những thủ đoạn táo bạo như bẻ khóa. bẻ cửa, khoét gạch v.v… hoặc tài sản bị trộm cắp có giá trị lớn, thể hiện tính chất nghiêm trọng của hành vi trộm cắp thì phải truy tố về tội hình sự.
III. VẬN DỤNG ĐÚNG ĐẮN CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VI CẢNH
Từ điều 2 đến điều 8 của bản điều lệ đã quy định các hình thức xử phạt vi cảnh và những nguyên tắc xử lý.
Trong khi áp dụng các hình thức nguyên tắc xử lý, cần chú ý những điểm dưới đây:
a) Bản điều lệ quy định 4 hình thức xử phạt vi cảnh là: Cảnh báo, phạt tiền, phạt lao động công ích và phạt giam. Đặt ra 4 hình thức xử phạt này là tương ứng với hành vi phạm phát vi cảnh và phù hợp với tình hình thực tế xã hội hiện nay.
Nói chung các cấp có thẩm quyền quy định trong chương III của điều lệ cần căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng nhiều hay ít của hành vi phạm pháp mà áp dụng hình thức và mức độ xử lý trong từng trường hợp cho thích đáng. Có người chỉ cần cảnh cáo là họ thấy được lỗi và tự giác sửa chữa ngay; có người phải phạt tiền thì họ mới chú ý sửa chữa. Nhưng có người phạt tiền đến mức tối đa họ vẫn coi thường, nộp phạt ngay, rồi vẫn cứ vi phạm. Nên đối với số người này phải có hình thức phạt cao hơn như phạt lao động công ích, hoặc phạt giam.
Cảnh cáo nên dành cho những trường hợp vi phạm nhỏ hoặc vi phạm do sơ xuất, do không hiểu biết, hoặc sự vi phạm nhỏ mà có nhiều tác động của các nguyên nhân khách quan.
Phạt tiền là hình thức có thể áp dụng phổ biến. Khi thu tiền phạt, phải cấp biên lai theo mẫu thống nhất do Bộ Tài chính ban hành. Các Sở, Ty, công an cần liên hệ với cơ quan tài chính để có kế hoạch in, cấp phát và quản lý những sổ biên lai này và định rõ thể thức nộp các khoản tiền phạt vào công quỹ, tránh tình trạng tham ô, nhũng lạm có thể xảy ra.
Phạt lao động công ích và phạt giam là những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với sự phạm pháp vi cảnh, chỉ giành cho những trường hợp thật nghiêm trọng (trong lĩnh vực phạm pháp vi cảnh), những trường hợp tái vi phạm nhiều lần, hoặc người phạm pháp có thái độ ngang bướng, tỏ ra khinh thường pháp luật. Trong tình hình hiện nay, hình thức xử lao động công ích có thể áp dụng thuận lợi ở nông thôn và ở một số thị xã, thành phố có điều kiện. Nơi nào chưa có điều kiện quản lý được việc lao động công ích thì tạm thời chưa áp dụng mà phải cân nhắc giữa 2 mức: tối đa của phạt tiền với tối thiểu của phạt giam mà quyết định sao cho thỏa đáng.
Mỗi người phạm pháp vi cảnh bị xử phạt bằng một trong 4 hình thức xử phạt trên đây. Nhưng nếu người phạm pháp có thái độ ngang bướng, không chịu chấp hành hình thức xử lý thì có thể bị chuyển từ hình thức phạt thấp sang hình thức phạt cao (điều 5 của điều lệ). Tuy nhiên cần phân biệt đúng đắn giữa thái độ ngang bướng với sự trình bày để khiếu nại.
Cấp nào quyết định xử phạt lao động công ích hoặc phạt giam thì cấp ấy chịu trách nhiệm tổ chức việc thi hành cho triệt để, không được buông lơi, làm cho những hình thức xử phạt này trở nên không có hiệu lực về tinh thần lẫn thực tế.
Nguời bị phạt lao động công ích hoặc phạt giam phải chấp hành hình thức phạt này tại địa phương nơi cư trú của họ, do cơ qua, công an cấp huyện hoặc tương đương ở địa phương này tổ chức. Cơ quan công an quyết định xử phạt phải gửi quyết định của mình về cho cơ quan công an huyện hoặc tương đương nơi cư trú của đương sự để thi hành đầy đủ và thông báo kết quả cho cơ quan công an xử phạt biết.
Việc phạt lao động công ích do trưởng, phó công an xã quyết định thì được tổ chức thi hành ngay tại xã.
Cần nhận rõ rằng hình thức phạt giam của vi cảnh khác về bản chất với hình thức phạt giam về hình sự, không những ở thời hạn, ở việc không ghi vào tư pháp lý lịch mà còn ngay ở chế độ giam giữ.
Trong điều kiện hiện nay, người bị phạt giam về vi cảnh sẽ bị giam ở nhà tạm giữ do ngành công an quản lý, nhưng cố gắng giành cho họ những điều kiện tốt hơn và không được giam chung với bọn lưu manh, côn đồ, bọn phạm tội chính trị. Người bị giam có thể được nhận tiếp tế của gia đình. Nếu họ không có gia đình tiếp tế thì sẽ được giải quyết bữa ăn như đối với những người bị tạm giữ.
Cơ quan thi hành quyết định phạt giam phải có sổ sách ghi chép để theo dõi việc thực hiện được nghiêm túc. Cần lưu ý là người bị phạt lao động công ích hoặc bị phạt giam chỉ phải chấp hành các hình thức phạt này sau khi việc khiếu nại bị bác bỏ (điều 30 của điều lệ) hoặc nếu họ không khiếu nại.
b) Việc giải quyết bồi thường theo tinh thần điều 7 thì chủ yếu là hai bên (người phạm pháp vi cảnh và người bị thiệt hại) thương lượng. Nhưng trong khi xử phạt vi cảnh trường hợp nào đó mà có phát sinh vấn đề bồi thường thì các chiến sĩ công an cũng cần tham gia phân tích thiệt hại cho hai bên, với thái độ vô tư, để giúp họ đạt kết quả trong việc thương lượng, bảo đảm đoàn kết trong nội bộ nhân dân, đỡ sinh ra nhiều phiền hà không cần thiết. Nếu không thương lượng được thì cuối cùng cán bộ, chiến sĩ công an phải chuyển biên bản phạm pháp vi cảnh cho tổ hòa giải nhân dân ở cơ sở giải quyết, hoặc đưa ra toà án nhân dân cấp huyện hoặc tương đương phân xử.
c) Việc xử lý đối với các tang vật hoặc phương tiện phạm pháp vi cảnh, theo tinh thần điều 8 của điều lệ cần phân biệt 3 loại để có phương hướng xử lý thích đáng dưới đây:
Loại cần tịch thu :
- Những phương tiện chuyên dùng vào việc vi phạm mà giá trị không lớn như cần câu cá v.v…
- Các tang vật khác thuộc loại đã bị pháp luật cấm như văn hóa phẩm phản động đồi trụy, các chất ma túy, dao găm, quả đấm v.v…
Đối với những tang vật bị tịch thu, cơ quan công an phải bàn bạc với cơ quan tài chính để quyết định sử dụng vào việc công ích của địa phương hoặc bán đấu giá lấy tiền sung công quỹ. Văn hóa phẩm phản động hoặc đồi trụy thì phải hủy bỏ. Những quyết định xử lý tang vật nói trên đều phải lập thành biên bản để lưu chiểu.
Loại không tịch thu:
Là những phương tiện tuy đã dùng trong việc vi phạm, nhưng thuộc loại tư liệu sản xuất hoặc tư liệu sinh hoạt quan trọng thuộc quyền sở hữu của bản thân người vi phạm hoặc của người khác mà họ quản lý như các loại xe cộ, súc vật kéo xe…
Loại trả lại cho chủ cũ là nạn nhân của việc vi phạm :
Là những vật phẩm mà hành vi phạm pháp đã xâm phạm, những vật phẩm này thuộc quyền sở hữu của ai thì trả lại cho người ấy. Nếu là của Nhà nước hoặc của hợp tác xã thì trao lại cho người quản lý tương ứng.
Đối với những vật chưa biết rõ là ai, thì cơ quan công an cần lưu giữ rồi niêm yết, đăng báo để người chủ biết mà đến nhận. Nếu những thứ đó thuộc loại không bảo quản được lâu thì có thể giao sang cơ quan thương nghiệp bán, giữ tiền lại. Khi người chủ hợp pháp của vật đó đến nhận thì giao cho họ. Sau thời hạn 1 năm, nếu không thấy ai đến nhận thì xử lý như đối với tang vật bị tịch thu nói trên.
IV. PHẢI THI HÀNH ĐÚNG QUYỀN HẠN PHẠT VI CẢNH VÀ TÔN TRỌNG QUYỀN KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI BỊ PHẠT
a) Chương III của điều lệ, từ điều 26 đến điều 29 đã quy định quyền hạn được xử phạt của từng cấp cán bộ các ngành.
Những cán bộ được giao quyền cần đề cao tinh thần trách nhiệm và phải có thái độ thật khách quan, toàn diện để xem xét cụ thể từng trường hợp vi phạm mà áp dụng hình thức và mức độ xử phạt cho thỏa đáng, đúng với quyền hạn của mình. Việc xử phạt phải làm sao phát huy được tác dụng giáo dục đối với người vi phạm, làm cho họ thấy được lỗi của mình và nghiêm chỉnh chấp hành hình thức xử phạt. Cần chống lối giải quyết qua loa, đại khái, tùy tiện, buông lỏng hoặc cửa quyền.
Trong bản điều lệ không đề cập đến quyền hạn xử phạt vi cảnh của các đồn công an là bởi vì các đồn thường được đặt ở các tiểu khu, các phường hoặc ở thị trấn tương đương cấp xã. Do đó trưởng, phó đồn công an cũng được quyền xử phạt tương đương như trưởng, phó công an xã quy định ở điều 27.
Các cấp công an thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh tuy không được nêu ra ở điều 28 (quyền hạn xử phạt vi cảnh) nhưng các cấp này đã được pháp luật thừa nhận là tương đương với cấp huyện, nên được sử dụng các quyền hạn như cấp huyện).
b) Điều 30 và 31 của điều lệ quy định quyền hạn và thời hạn được khiếu nại của người bị xử phạt, quyền hạn và thời hạn xét và quyết định đối với việc khiếu nại đó.
Những cán bộ được giao quyền khiếu nại phải có ý thức tôn trọng đầy đủ quyền khiếu nại của người bị xử phạt. Khi nhận được đơn khiếu nại người cán bộ có thẩm quyền cần xem xét lại toàn bộ sự việc xảy ra. Nếu xét thấy cần thiết thì yêu cầu người cán bộ, chiến sĩ cấp dưới đã trực tiếp ghi nhận và xử lý vụ vi phạm trình bày lại, triệu tập người khiếu nại đến trình bày thêm, sau đó ra quyết định cuối cùng. Phải xử lý một cách công minh và phải bảo đảm giải quyết dứt điểm trong thời hạn 5 ngày như điều 31 của điều lệ đã quy định.
c) Điều 32 và điều 33 quy định việc xử lý đối với những người không được giao quyền mà tùy tiện xử phạt vi cảnh và những người tuy được giao quyền nhưng đã phạm sai lầm hoặc đã lạm dụng quyền hạn cố ý làm sai pháp luật.
Đây là những quy định cần thiết nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ cơ quan Nhà nước và đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Song khi thực hiện những quy định này cần phân biệt rõ sai lầm do trình độ nhận thức bị hạn chế, với trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, và với những trường hợp do động cơ xấu mà cố ý làm sai pháp luật ức hiếp người lương thiện để xử lý cho thích đáng.
V. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA ĐIỀU LỆ
1. Điều lệ này cò hiệu lực kể từ ngày công bố. Tất cả những điều quy định trước đây của Hội đồng Chính phủ hoặc của các cơ quan cấp dưới của Hội đồng Chính phủ, trái với bản điều lệ này đều coi như bị bãi bỏ.
2. Bản điều lệ này có hiệu lực đối với mọi người sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Trên đây là một số điểm cần thiết cần được hướng dẫn. Trong quá trình thi hành bản điều lệ, các cấp thấy có điều gì khó khăn, trở ngại thì phản ánh với Bộ Nội vụ để nghiên cứu hướng dẫn thêm.
Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ thị cho các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình, phát thanh cùng các ngành, các đoàn thể, các trường học có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và giáo dục rộng rãi bản Điều lệ về phạt vi cảnh này trong cán bộ, bộ đội, công nhân viên, học sinh và toàn thể nhân dân để mọi người đều biết và chấp hành nghiêm chỉnh bản điều lệ này.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 03-TT/BNV-1977 hướng dẫn thi hành Điều lệ về phạt vi cảnh do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 03-TT/BNV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 21/06/1977
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Nguyễn Tài
- Ngày công báo: 30/06/1977
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 30/06/1977
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định