Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Chương V

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ GIÁM SÁT

Điều 35. Nguồn tài chính của Quỹ

1. Nguồn ngân sách trung ương, bao gồm:

a) Dự toán chi đầu tư phát triển khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 Luật Ngân sách nhà nước (tương ứng với toàn bộ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu);

b) Nguồn ngân sách trung ương bổ sung theo khả năng cân đối;

2. Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, bao gồm:

a) Nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác;

b) Nguồn lãi từ tài khoản tiền gửi.

3. Nguồn tồn dư Quỹ hàng năm.

Điều 36. Nhiệm vụ chi của Quỹ

1. Chi hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này.

2. Chi hoạt động quản lý Quỹ bao gồm:

a) Chi chế độ phụ cấp theo quy định cho người làm việc kiêm nhiệm;

b) Chi hội nghị;

c) Công tác phí;

d) Văn phòng phẩm, in ấn tài liệu;

đ) Chi thuê tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và các cá nhân khác;

e) Chi mua, thuê ngoài hàng hóa, dịch vụ;

g) Chi vận chuyển;

h) Chi thuê tư vấn đánh giá;

i) Chi khác.

Kinh phí chi hoạt động quản lý Quỹ bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Điều 37. Lập kế hoạch tài chính của Quỹ

1. Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ năm trước, dự kiến yêu cầu nhiệm vụ năm kế hoạch, Giám đốc Quỹ lập kế hoạch tài chính của Quỹ để trình Hội đồng quản lý quỹ xem xét, phê duyệt; bao gồm các nội dung sau đây:

a) Đánh giá kết quả, tình hình thực hiện thu, chi tài chính Quỹ năm hiện hành, bao gồm: tình hình tiếp nhận các khoản ngân sách nhà nước cấp; thu lãi tiền gửi của Quỹ; huy động các nguồn thu hợp pháp khác; tình hình chi hỗ trợ của Quỹ và dự kiến dư Quỹ đến hết năm hiện hành, gồm cả số dư dự toán kinh phí nguồn ngân sách nhà nước và số dư tiền gửi trên tài khoản mở tại Ngân hàng thương mại;

b) Dự kiến nguồn thu của Quỹ từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định này;

c) Dự kiến nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;

d) Dự kiến chi của Quỹ năm dự toán gồm chi hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và chi bảo đảm hoạt động của Quỹ.

2. Căn cứ phê duyệt của Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ gửi kế hoạch tài chính của Quỹ cho đơn vị xây dựng dự toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung trong dự toán chi ngân sách trung ương trình các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi đầu tư phát triển khác và chi thường xuyên hằng năm của Quỹ trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ, giao dự toán cho Quỹ để thực hiện, chi tiết dự toán hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, dự toán chi hoạt động quản lý Quỹ.

Điều 38. Lập, giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Quỹ

1. Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước của Quỹ năm 2025 và năm 2026, căn cứ nhu cầu chi và khả năng cân đối ngân sách, Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền phân bổ ngân sách nhà nước năm 2025 và năm 2026 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giao cho Quỹ.

2. Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước từ năm 2027 và các năm tiếp theo được xây dựng trên các cơ sở sau đây:

a) Số thực tế thu ngân sách nhà nước năm 2025 và các năm tiếp theo từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Bộ Tài chính xác định số dự toán thu ngân sách nhà nước quy định tại điểm này;

b) Dự kiến các nguồn ngoài ngân sách nhà nước (nếu có);

c) Dự kiến chi của Quỹ trong năm dự toán.

3. Trường hợp Quỹ không đủ nguồn tài chính để bảo đảm chi hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này trong năm ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp gửi Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền để bổ sung dự toán năm hoặc quyết định bổ sung ngân sách theo nguyên tắc quy định tại Điều 39 Nghị định này.

Điều 39. Nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước phân bổ và Quy trình thực hiện chi hỗ trợ

1. Nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước phân bổ

a) Việc hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp trong phạm vi hạn mức dự toán được giao;

b) Trường hợp nguồn tài chính trong năm của Quỹ không đủ để hỗ trợ dự án đủ điều kiện nhưng chưa đi vào hoạt động, xem xét sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công để hỗ trợ. Việc bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Quỹ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Căn cứ nhu cầu hỗ trợ của các dự án đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong trung hạn và hằng năm để thực hiện.

2. Quy trình thực hiện chi hỗ trợ cho doanh nghiệp

a) Căn cứ văn bản phê duyệt tổng mức hỗ trợ chi phí của Chính phủ, Cơ quan điều hành Quỹ gửi thông báo về hạn mức hỗ trợ cho các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đề xuất hỗ trợ chi phí đối với các doanh nghiệp thuộc điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định này và đồng gửi thông báo về hạn mức hỗ trợ tới Kho bạc Nhà nước;

b) Trên cơ sở thông báo hạn mức hỗ trợ được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và ban hành văn bản quyết định hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đạt điều kiện, đồng thời gửi văn bản quyết định hỗ trợ đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư;

c) Căn cứ hạn mức hỗ trợ cho từng địa phương văn bản quyết định hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp, Quỹ Hỗ trợ đầu tư lập hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện thanh toán hỗ trợ theo quy định;

d) Kho bạc Nhà nước thanh toán tiền hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định;

đ) Hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước để chi hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước bao gồm: Thông báo hạn mức hỗ trợ năm được phê duyệt của địa phương (bản chính); Quyết định hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp; Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (Mẫu số 16a1 ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ) (2 bản gốc). Đối với trường hợp gửi hồ sơ qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, các thành phần hồ sơ phải được ký số theo quy định cách thức giao dịch tại Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP;

e) Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29, cơ quan điều hành Quỹ kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành văn bản quyết định hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đạt điều kiện; đồng thời lập hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc nhà nước để thực hiện thanh toán hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.

3. Xử lý thừa thiếu

a) Trường hợp trong năm thiếu nguồn, xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định này;

b) Đến hết năm ngân sách, dự toán cấp cho quỹ còn dư thì xử lý theo chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công;

c) Chậm nhất đến hết ngày 10 tháng 02 năm sau, đơn vị sử dụng ngân sách đối chiếu số dư dự toán, dư tạm ứng với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm cơ sở chuyển số dư sang năm sau.

Điều 40. Quản lý tài khoản của Quỹ mở tại ngân hàng thương mại

1. Tài khoản của Quỹ mở tại ngân hàng thương mại quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này để tiếp nhận các khoản tài chính quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định này.

2. Định kỳ 6 tháng, Giám đốc Quỹ phối hợp với ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản rà soát, đối chiếu số thu từ khoản tài chính quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định này phát sinh trong tài khoản, thu từ lãi tiền gửi do ngân hàng chi trả (nếu có) và làm thủ tục chuyển toàn bộ số thu này về tài khoản tiền gửi của Quỹ mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý tập trung.

Điều 41. Hạch toán, kế toán, quyết toán và chế độ báo cáo tài chính Quỹ

1. Chế độ kế toán thực hiện như sau:

a) Quỹ tổ chức thực hiện công tác thu, chi, kế toán theo quy định của pháp luật kế toán, hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật có liên quan khác;

b) Thu, chi hoạt động của Quỹ phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính đúng đắn, trung thực và hợp pháp; phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định của pháp luật và phản ánh đầy đủ trong sổ kế toán theo chế độ kế toán áp dụng và các quy định của pháp luật có liên quan;

c) Quỹ phải khóa sổ kế toán và lập báo cáo tài chính năm để gửi cơ quan có thẩm quyền và các đơn vị có liên quan theo quy định. Báo cáo tài chính năm của Quỹ phải được nộp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

2. Chế độ báo cáo thực hiện như sau:

Quỹ có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện thu, chi, quyết toán tài chính, công khai tài chính với Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các tài liệu về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

3. Chi phí hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ và phụ cấp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành quỹ được hạch toán vào chi phí hoạt động của Quỹ.

4. Quyết toán

a) Việc quyết toán vốn của Quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Dự toán, số dư tài khoản Quỹ không sử dụng hết trong năm (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Điều 42. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát hoạt động

1. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giám sát hoạt động của Quỹ về các nội dung sau đây:

a) Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ;

b) Kết quả hoạt động của Quỹ;

c) Các nội dung giám sát khác theo yêu cầu.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có dự án được hưởng hỗ trợ kiểm tra các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định này kể từ ngày ban hành quyết định hỗ trợ chi phí. Nội dung kiểm tra bao gồm:

a) Kiểm tra việc tuân thủ đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 18 Nghị định này;

b) Kiểm tra việc tuân thủ đầy đủ các cam kết khi nhận hỗ trợ của doanh nghiệp quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 25 Nghị định này.

Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

  • Số hiệu: 182/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH