Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 3 Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Mục 1. HỖ TRỢ CHI PHÍ

Điều 15. Phương thức hỗ trợ chi phí

Quỹ chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ hạng mục chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

Điều 16. Hạng mục và đối tượng áp dụng hỗ trợ chi phí

1. Hạng mục hỗ trợ chi phí của Quỹ bao gồm:

a) Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;

b) Chi phí nghiên cứu và phát triển;

c) Chi phí đầu tư tạo tài sản cố định;

d) Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao;

đ) Chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội;

e) Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

2. Đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí bao gồm:

a) Doanh nghiệp công nghệ cao;

b) Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao;

c) Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao;

d) Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Điều 17. Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao

1. Tiêu chí xác định dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Trình tự, thủ tục chứng nhận dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao. a) Hồ sơ bao gồm:

Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

Bản thuyết minh dự án của doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hồ sơ đề nghị chứng nhận được làm bằng tiếng Việt và lập thành 02 bộ nộp trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện đến Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ;

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa hồ sơ và gửi lại Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu quá thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp không bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc bổ sung, hoàn thiện không đạt yêu cầu thì Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản từ chối cấp Giấy chứng nhận gửi cho doanh nghiệp;

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ và tổ chức thẩm định hồ sơ. Nguồn kinh phí thẩm định hồ sơ được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Thành phần và hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi có biên bản kết luận thẩm định, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.

Mẫu Giấy chứng nhận dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

c) Thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau đây:

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận mà dự án không hoạt động;

Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

Vi phạm một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật Công nghệ cao;

Trong quá trình hoạt động mà dự án không đáp ứng các quy định của Nghị định này;

Theo quyết định, đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

4. Giấy chứng nhận dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao có hiệu lực kể từ ngày cấp và có giá trị đến khi kết thúc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Điều 18. Tiêu chí và điều kiện hỗ trợ chi phí

1. Doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ chi phí quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 16 Nghị định này phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;

b) Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;

c) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm;

d) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao mà công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định này;

đ) Doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định này nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam và hằng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.

2. Doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ theo điều kiện về quy mô vốn đầu tư quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải đáp ứng hoặc cam kết đáp ứng điều kiện giải ngân vốn đầu tư như sau:

a) Đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư.

Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo thì hoàn thành giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 4.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

b) Đối với dự án đầu tư đã đăng ký vốn đầu tư chưa đạt mức tối thiểu 12.000 tỷ đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và điều chỉnh tăng vốn đầu từ ngày Nghị định ngày có hiệu lực để đạt mức tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo:

Trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn dưới 10.000 tỷ đồng thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn dưới 4.000 tỷ đồng thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 4.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp mức điều chỉnh tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên thì thì tổng vốn đầu tư của cả dự án phải giải ngân đạt tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

c) Đối với các dự án đầu tư đã đăng ký vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư,

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành giải ngân thì thời hạn hoàn thành giải ngân thực hiện theo các văn bản đã được cấp hoặc hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo trong vòng 05 năm từ ngày được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh vốn đầu tư trong các văn bản nêu trên tại lần điều chỉnh gần nhất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;

d) Đối với dự án đầu tư đã đăng ký vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc 6.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà đã hoàn thành giải ngân trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được hỗ trợ các chi phí quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

3. Doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ theo điều kiện về doanh thu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải đáp ứng điều kiện doanh thu của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh thu của dự án ứng dụng công nghệ cao, của dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại năm tài chính đề nghị hỗ trợ. Doanh thu của dự án được nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị định này phải được hạch toán riêng.

4. Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này phải không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ.

5. Việc xác định doanh nghiệp công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và quy định tại Nghị định này.

6. Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức khoa học và công nghệ theo pháp luật về khoa học và công nghệ;

b) Có lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ gồm các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.

Điều 19. Hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và đáp ứng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này được hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo quy định như sau:

1. Mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí phát sinh trong năm tài chính của dự án và thực tế đã chi cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam;

b) Đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định này.

2. Các khoản chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được hỗ trợ bao gồm:

a) Chi đào tạo, bao gồm đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn ở trong nước, nước ngoài;

b) Chi hỗ trợ đào tạo;

c) Các chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khác;

d) Chi phí trả lương cho đội ngũ kỹ sư và cán bộ quản lý người Việt Nam;

đ) Chi phí triển khai các chương trình đào tạo, nghiên cứu, ươm tạo doanh nghiệp cho Việt Nam tại các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp.

Điều 20. Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển

Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và đáp ứng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này được hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển theo quy định như sau:

1. Mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ hàng năm theo tỷ lệ dưới đây đối với chi phí phát sinh của dự án trong năm tài chính và thực tế đã chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển;

b) Đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định này.

Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển hằng năm tính theo mức lũy tiến từng phần áp dụng cho từng đối tượng theo tỷ lệ hỗ trợ như sau:

Bậc

Phần chi phí nghiên cứu và phát triển đã chi trong năm tài chính (tỷ đồng)

Doanh nghiệp tại điểm a và c khoản 2 Điều 16 (%)

Doanh nghiệp tại điểm d khoản 2 Điều 16 (%)

Doanh nghiệp tại điểm b khoản 2 Điều 16 (%)

1

Đến 120

20

10

1

2

Từ 120 đến 240

25

15

5

3

Trên 240

30

20

10

2. Cách tính hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển được thực hiện như sau:

Số tiền hỗ trợ chi phí là tổng số tiền của các bậc hỗ trợ. Số tiền tính theo từng bậc hỗ trợ bằng chi phí trong bậc hỗ trợ nhân (x) với tỷ lệ hỗ trợ tương ứng của bậc hỗ trợ đó.

3. Các khoản chi phí nghiên cứu và phát triển được hỗ trợ bao gồm:

a) Chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển;

b) Chi hỗ trợ đào tạo, cung cấp trang thiết bị, máy móc và chi tài trợ cho cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Chi phí này không bao gồm các chi phí đào tạo đã được hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực quy định tại Điều 19 Nghị định này;

c) Chi hợp tác nghiên cứu và phát triển hoặc tài trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp;

d) Phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam; Phí bản quyền, li-xăng theo hợp đồng chuyển giao công nghệ cao được ứng dụng trong dự án ứng dụng công nghệ cao và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (trừ trường hợp pháp luật về chuyển giao công nghệ quy định không bắt buộc phải đăng ký);

đ) Khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định cho hoạt động nghiên cứu và phát triển;

e) Chi phí thuê dung lượng của các trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ do các doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp;

g) Chi phí khác cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Điều 21. Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định

Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và đáp ứng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này được hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định theo quy định như sau:

1. Doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định theo tỷ lệ quy định tại khoản 4 Điều này tính trên nguyên giá của tài sản cố định mà doanh nghiệp thực tế đã đầu tư tăng thêm trong năm tài chính đề nghị hỗ trợ.

2. Mức hỗ trợ:

a) Tính toán theo quy định tại khoản 4 Điều này nhưng số tiền hỗ trợ tối đa trong một năm không vượt quá 0,5% tổng vốn đầu tư quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án đáp ứng tiêu chí và điều kiện hỗ trợ chi phí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này;

b) Đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định này

3. Tài sản cố định tăng thêm được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Cam kết sử dụng cho hoạt động sản xuất, ứng dụng, kinh doanh công nghệ cao của doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất 03 năm liên tiếp kể từ năm đ ưa tài sản cố định vào sử dụng;

b) Không được bán, chuyển nhượng hay chuyển giao cho tổ chức, doanh nghiệp khác sử dụng trong thời hạn 03 năm kể từ năm đưa tài sản cố định vào sử dụng.

4. Khoản hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định hàng năm được tính theo mức lũy tiến từng phần áp dụng cho từng đối tượng với tỷ lệ hỗ trợ như sau:

Bậc

Giá trị nguyên giá của TSCĐ đầu tư tăng thêm trong năm tài chính (tỷ đồng)

Doanh nghiệp tại điểm a và c khoản 2 Điều 16 (%)

Doanh nghiệp tại điểm b khoản 2 Điều 16 (%)

1

Đến 120

8

1

2

Từ 120 đến 240

9

2

3

Trên 240

10

3

5. Cách tính hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này.

Điều 22. Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao

Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và đáp ứng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này được hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo quy định như sau:

1. Doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao hằng năm theo tỷ lệ tính trên giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm như sau:

a) Doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, c khoản 2 Điều 16 Nghị định này được hỗ trợ 1% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm tài chính. Doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 3% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm tài chính nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Doanh thu đạt tối thiểu 200.000 tỷ đồng, nhân lực đạt tối thiểu 10.000 người, tỷ lệ giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 30%;

Doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo.

b) Doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định này được hỗ trợ 0,5% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm tài chính. Doanh nghiệp được hỗ trợ 1% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm nếu đồng thời đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

Doanh thu đạt tối thiểu 200.000 tỷ đồng, nhân lực đạt tối thiểu 10.000 người. Tỷ lệ giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 30%. c) Đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định này.

2. Sản phẩm công nghệ cao được áp dụng tại Điều này bao gồm các sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 23. Hỗ trợ chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội

Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và đáp ứng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này được hỗ trợ chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội theo quy định như sau:

1. Doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 25% đối với các khoản chi phí thực tế phát sinh trong năm tài chính và đã thực tế chi đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội quy định tại khoản 2 Điều này và đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định này.

2. Công trình hạ tầng xã hội là các công trình phục vụ trực tiếp cho người lao động của doanh nghiệp hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định này, bao gồm: nhà ở xã hội cho công nhân thuê, trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình thể thao.

Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

  • Số hiệu: 182/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH