Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 5 Luật Điện lực 2024

Mục 2. HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN VÀ HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ ĐIỆN

Điều 44. Hợp đồng mua bán điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ điện

1. Hợp đồng mua bán điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ điện phải được xác lập bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản theo quy định của pháp luật.

2. Hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và bên mua điện, trừ trường hợp nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hợp đồng bán buôn điện và hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);

b) Giá hợp đồng mua bán điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện;

c) Sản lượng điện hợp đồng (nếu có);

d) Lập hóa đơn, tiền điện thanh toán và thời hạn thanh toán;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt. Trường hợp bên bán điện có nhà đầu tư nước ngoài, bên bán điện và bên mua điện có thể thỏa thuận sử dụng thêm hợp đồng với ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Anh;

g) Nội dung khác do hai bên thỏa thuận.

3. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải có các nội dung chính sau đây:

a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);

b) Tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ và địa chỉ sử dụng điện;

c) Giá bán lẻ điện, phương thức và thời hạn thanh toán;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ) Trách nhiệm bảo vệ thông tin của bên mua điện;

e) Trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng;

g) Trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự;

h) Phương thức giải quyết tranh chấp;

i) Thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng;

k) Thỏa thuận phạt vi phạm;

l) Nội dung khác do hai bên thỏa thuận.

4. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt có nội dung do các bên thỏa thuận. Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm chất lượng điện năng quy định tại Điều 57 của Luật này. Trường hợp khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng lớn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của các bên.

5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết khoản 2 Điều này bảo đảm phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

6. Chính phủ quy định chi tiết về thực hiện biện pháp bảo đảm và chất lượng điện năng quy định tại khoản 4 Điều này, quy định điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.

Điều 45. Hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện

1. Nội dung chính của hợp đồng kỳ hạn điện bao gồm:

a) Sản lượng điện hợp đồng, giá mua bán điện trong hợp đồng kỳ hạn điện được xác định trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận và thống nhất giữa bên mua điện và bên bán điện;

b) Giá tham chiếu trong hợp đồng kỳ hạn điện là giá thị trường điện giao ngay được tính toán và công bố theo quy định vận hành thị trường điện cạnh tranh;

c) Bên mua điện và bên bán điện có nghĩa vụ thanh toán khoản chênh lệch giữa giá mua bán điện và giá tham chiếu trong hợp đồng kỳ hạn điện đối với sản lượng điện cam kết.

2. Nội dung chính của hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện bao gồm:

a) Quyền trong hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện có thể là quyền mua hoặc quyền bán, được xác định trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa bên mua quyền và bên bán quyền;

b) Sản lượng điện hợp đồng, giá điện và thời hạn hiệu lực của hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện được xác định trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận, thống nhất giữa bên mua quyền và bên bán quyền;

c) Bên mua quyền có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện quyền trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng;

d) Bên bán quyền có nghĩa vụ bán sản lượng điện năng tại mức giá giao kết khi bên mua quyền thực hiện quyền mua hoặc mua sản lượng điện năng tại mức giá giao kết khi bên mua quyền thực hiện quyền bán;

đ) Tiền mua quyền được xác định trên cơ sở cung cầu về hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện trên thị trường điện kỳ hạn.

3. Nội dung chính của hợp đồng tương lai điện bao gồm nội dung quy định tại khoản 1 Điều này. Hợp đồng tương lai điện được chuẩn hóa và niêm yết giao dịch trên thị trường điện kỳ hạn.

4. Cơ chế thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

6. Chính phủ quy định về điều kiện, lộ trình hình thành và phát triển, cơ chế vận hành của thị trường điện kỳ hạn phù hợp với các yêu cầu về bảo đảm an ninh cung cấp điện, cấp độ thị trường điện cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 46. Mua bán điện với nước ngoài

1. Mua bán điện với nước ngoài bao gồm hoạt động mua bán điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia hoặc đấu nối trực tiếp không thông qua hệ thống điện quốc gia. Việc mua bán điện với nước ngoài phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, lợi ích của khách hàng sử dụng điện và phải phù hợp với chiến lược mua bán điện với nước ngoài, quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt.

2. Việc liên kết lưới điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm an ninh, an toàn, tin cậy và tính ổn định trong vận hành hệ thống điện quốc gia;

b) Bảo đảm tối ưu kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia;

c) Dự án, công trình liên kết lưới điện với nước ngoài trong khu vực biên giới đất liền không được làm thay đổi dấu hiệu nhận biết đường biên giới hoặc ảnh hưởng đến mốc quốc giới.

3. Trường hợp một phần lưới điện tách ra khỏi hệ thống điện quốc gia để liên kết với lưới điện nước ngoài thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên tham gia liên kết lưới điện nhưng phải bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia.

4. Liên kết lưới điện trực tiếp với nước ngoài không thông qua hệ thống điện quốc gia thực hiện theo thỏa thuận của các bên tham gia liên kết lưới điện.

5. Giá nhập khẩu điện xác định tại biên giới Việt Nam, do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận phù hợp với khung giá nhập khẩu điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm chi phí mua điện.

6. Giá xuất khẩu điện với nước ngoài do bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận trên các nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trường hợp xuất khẩu điện không thông qua hệ thống điện quốc gia, giá xuất khẩu điện không thấp hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện trong nước tương ứng với loại hình phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành;

c) Trường hợp xuất khẩu điện với nước ngoài qua hệ thống điện quốc gia, giá xuất khẩu điện căn cứ quy định giá bán lẻ điện tại khoản 1 Điều 50 của Luật này và không thấp hơn giá tối đa của khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân trong nước.

7. Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chiến lược mua bán điện với nước ngoài.

8. Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài phù hợp với chiến lược mua bán điện với nước ngoài, quy hoạch phát triển điện lực và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện, phương pháp lập khung giá nhập khẩu điện áp dụng cho các nước cụ thể, hồ sơ, trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài.

Điều 47. Mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện

1. Các trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện bao gồm:

a) Mua bán điện thông qua lưới điện kết nối riêng;

b) Mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.

2. Việc mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư, quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoạt động mua bán điện và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

3. Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên liên quan khi tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Điều 48. Thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện

1. Thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt được quy định như sau:

a) Tiền điện được thanh toán theo phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả;

b) Lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự;

c) Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa hoặc thỏa thuận với bên mua điện về việc bù trừ tiền điện thu thừa vào các lần thanh toán tiền điện sau;

d) Lãi suất thu thừa tiền điện được xác định theo quy định tại điểm b khoản này;

đ) Bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng mỗi tháng 01 lần vào ngày ấn định, trừ trường hợp bất khả kháng có nguy cơ mất an toàn cho người lao động quy định trong hợp đồng mua bán điện. Cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số đo điện năng trước hoặc sau 01 ngày so với ngày ấn định hoặc dịch chuyển theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

2. Thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trường hợp các bên chậm trả hoặc thu thừa tiền điện thì có nghĩa vụ trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả và lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Quy định về xem xét lại số tiền điện phải thanh toán như sau:

a) Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán theo một trong các hình thức sau: trực tiếp tại đơn vị bán điện; dịch vụ bưu chính; phương tiện điện tử hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận;

b) Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải hoặc yêu cầu trọng tài, Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật;

c) Trong thời gian yêu cầu của bên mua điện chưa được giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện; bên bán điện không được ngừng cấp điện.

4. Bên mua điện không trả tiền điện theo thỏa thuận tại hợp đồng và đã được bên bán điện thông báo về việc thanh toán tiền điện 02 lần cách nhau không dưới 03 ngày thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Thời điểm bên bán điện có quyền ngừng cấp điện do hai bên tự thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện nhưng không vượt quá 10 ngày kể từ ngày bên bán điện có thông báo đầu tiên. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra. Sau khi bên mua điện thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực thì bên bán điện phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.

5. Hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng. Hình thức thông báo thanh toán tiền điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

6. Việc xác định tiền điện thanh toán trong các trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác so với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định, bên mua điện sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động và bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc ghi chỉ số đo điện năng.

Điều 49. Ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện

1. Việc ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện đã ký. Bên mua điện và bên bán điện phải thỏa thuận, thống nhất các trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện và hình thức thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện trong hợp đồng mua bán điện.

2. Các trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện bao gồm:

a) Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện, bên bán điện được phép ngừng, giảm mức cung cấp; phải thông báo tình trạng cấp điện và thời gian dự kiến cấp điện trở lại cho bên mua điện trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ngừng, giảm mức cung cấp điện;

b) Khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hoặc nhu cầu khác theo kế hoạch, bên bán điện có trách nhiệm thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng hình thức thông báo được thống nhất trong hợp đồng mua bán điện;

c) Không thanh toán tiền điện quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;

d) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này hoặc quy định của luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của luật đó.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện quy định tại khoản 2 Điều này.

Luật Điện lực 2024

  • Số hiệu: 61/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 30/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1531 đến số 1532
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH