Hệ thống pháp luật

Điều 3 Nghị định 139/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính:

1. Mọi hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, đúng pháp luật; người vi phạm hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm khắc phục theo quy định của pháp luật mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

2. Tình tiết giảm nhẹ: ngoài những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính); trong Nghị định này, những tình tiết sau đây cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ:

Người vi phạm là thương binh.

Người vi phạm là con, em liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Người vi phạm thuộc diện đối tượng chính sách.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2 của Điều này và các Điều 8, 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức, mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp người vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt tiền là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định áp dụng đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền có thể giảm nhưng không thấp hơn mức thấp nhất của khung phạt tiền quy định áp dụng đối với hành vi đó; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng không vượt quá mức cao nhất của khung phạt tiền quy định áp dụng đối với hành vi đó.

4. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chỉ bị xử phạt một lần.

5. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu mức tiền phạt và giá trị tang vật, phương tiện của từng hành vi vi phạm hành chính đều thuộc thẩm quyền xử phạt của một cấp thì cấp đó quyết định xử phạt; nếu mức tiền phạt hoặc trị giá tang vật, phương tiện vi phạm của một trong các hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền để xử phạt.

6. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm đó. Nghiêm cấm việc chia nhỏ mức thiệt hại chung do hành vi vi phạm gây ra để áp dụng xử lý cho nhiều người vi phạm.

7. Trường hợp tang vật vi phạm hành chính là động vật, thực vật hoang dã có tên trong Phụ lục I, II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhưng không được quy định trong Danh mục động vật, thực vật hoang dã quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ (viết tắt là Nghị định số 48/2002/NĐ-CP) về sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 18-HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng hoặc là loài thiên địch của các loài sinh vật gây hại đã được pháp luật quy định bảo vệ, thì vẫn bị xử lý như hành vi vi phạm đối với động vật, thực vật hoang dã quý hiếm nhóm IIA, IIB quy định tại Nghị định này.

8. Những hành vi vi phạm sau đây không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự:

a. Xâm hại đến thực vật hoặc động vật hoang dã thuộc nhóm IA, IB quy định trong Danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP.

b. Xâm hại rừng do phá rừng hoặc phát rừng trái phép, gây cháy rừng trên 10.000m2 rừng sản xuất hoặc 7.500m2 rừng phòng hộ hoặc 5.000m2 rừng đặc dụng.

c. Khai thác trái phép gỗ quy ra khối lượng:

Đối với rừng sản xuất: trên 10m3 gỗ quý hiếm nhóm IIA hoặc 15m3 gỗ thông thường từ nhóm I đến nhóm III hoặc 20m3 gỗ thông thường từ nhóm IV đến nhóm VIII.

Đối với rừng phòng hộ: trên 7,5 m3 gỗ quý hiếm nhóm IIA hoặc 10m3 gỗ thông thường từ nhóm I đến nhóm III hoặc 15m3 gỗ thông thường từ nhóm IV đến nhóm VIII.

Đối với rừng đặc dụng: trên 2m3 gỗ quý hiếm nhóm IIA hoặc 4,5m3 gỗ thông thường từ nhóm I đến nhóm III hoặc 6m3 gỗ thông thường từ nhóm IV đến nhóm VIII.

d. Vận chuyển, buôn bán trái phép trên 6m3 gỗ quý hiếm nhóm IIA, hoặc 10m3 gỗ thông thường từ nhóm I đến nhóm III hoặc 20m3 gỗ thông thường từ nhóm IV đến nhóm VIII.

đ. Săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã thông thường có giá trị trên 7.500.000 đồng, động vật hoang dã quý hiếm nhóm IIB có giá trị trên 5.000.000 đồng.

e. Người vi phạm xâm hại từ hai loại rừng trở lên hoặc khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép từ hai loại gỗ trở lên, hai loại động vật được quy định tại các Mục b, c, d, đ của khoản này, tuy diện tích của từng loại rừng, khối lượng từng loại gỗ, giá trị động vật hoang dã chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng tổng mức tiền phạt vượt quá 30.000.000 đồng.

9. Trường hợp đã bị khởi tố hình sự, nhưng sau đó đình chỉ, chuyển hồ sơ vụ án đã khởi tố để xử phạt vi phạm hành chính, thì căn cứ mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm đó.

Người vi phạm đã bị khởi tố hình sự mà tang vật vụ án là thực vật, động vật hoang dã quý biếm nhóm IA, IB, nhưng sau đó đình chỉ vụ án chuyển hồ sơ để xử lý hành chính thì áp dựng quy định tương ứng như đối với thực vật, động vật hoang dã quý hiếm nhóm IIA, IIB để xử lý.

Nghị định 139/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

  • Số hiệu: 139/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/06/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH