Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70-NV/CB

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1960

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 287-TTG NGÀY 21-11-1960 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC

Căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 28-9-1960, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 287-TTg ngày 21-11-1960 quy định lại chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế được giới thiệu đi học các trường ở trong nước và ngoài nước.
Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ liên quan, Bộ Nội vụ ra Thông tư này hướng dẫn thêm một số điều cụ thể để các ngành, các cấp thi hành.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Điều 1, 2, Mục I, trong Thông tưy số 287-TTg quy định:

- “Cán bộ, công nhân, viên chức được nghỉ công tác để đi học thì không hưởng lương mà được cấp sinh hoạt phí thấp hơn lương lúc đang công tác;

- Sinh hoạt phí định theo tỷ lệ phần trăm bậc tương chính đã xếp trước khi đi học và không thay đổi suốt thời gian học tập”.

Việc quy định như trên là nhằm quán triệt thêm nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời chiếu cố đến tình hình sinh hoạt của cán bộ, công nhân, viên chức hiện nay. Cụ thể là những người được nghỉ công tác để đi học thì được hưởng sinh hoạt phí thấp hơn lương lúc đang công tác; sinh hoạt phí ấy không thay đổi suốt thời gian học tập, nghĩa là trong thời gian đang học, nếu có chủ trương tăng lương thì bất kỳ người đi học bổ túc hay đào tạo đều không xếp lương mới mà chỉ hưởng sinh hoạt phí ấy cho đến hết thời gian học tập, ra công tác.

2. Điều 2, Mục I, trong Thông tư số 287-TTg còn quy định:

“… Việc quy định tỷ lệ phần trăm bậc lương có phân biệt giữa đối tượng đi học trường bổ túc với trường đào tạo dài hạn…”.

Trước đây, việc xác định yêu cầu bổ túc, đào tạo của một số trường, lớp chưa được rõ ràng, đã làm cho việc thi hành chế độ gặp khó khăn, mâu thuẫn. Từ nay về sau, căn cứ vào nguyên tắc đã quy định trong Thông tư số 287-TTg, các cơ quan có trường, khi chiêu sinh cần xác định rõ tính chất trường, lớp bổ túc hay đào tạo để thi hành chế độ cho thích hợp. Trước khi quy định các trường, lớp bổ túc cần thảo luận thống nhất với Liên bộ Nội vụ - Giáo dục – Tài chính.

Hiện nay, ngoài những trường có tính chất đào tạo hay bổ túc rõ ràng, còn có một số trường gồm nhiều lớp, trong đó có lớp là bổ túc, lớp là đào tạo, cho nên cần xác định cụ thể tính chất của từng lớp để thi hành chế độ cho đúng.

Thí dụ: - Trường của cơ quan A có 4 lớp:

Một lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ lãnh đạo phụ trách (tính chất tương tự như Phổ thông lao động); một lớp bổ túc thêm về chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ để về làm nhiệm vụ cũ được tốt hơn. Như vậy, hai lớp này đều là bổ túc;

Một lớp phiên dịch trung cấp; một lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ, công nhân, viên chức để có trình độ lớp 7 hoặc lớp 10, đi học trung cấp, đại học (tính chất tương tự như Bổ túc văn hóa công nông). Như vậy, hai lớp này đều là đào tạo.

Riêng đối với cán bộ, công nhân, viên chức được giới thiệu đi học ở ngoài nước thì trừ nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh đã được xác định rõ ràng, còn đối với các loại khác thì cơ quan cử cán bộ đi học phải xác định những cán bộ đó thuộc loại đào tạo hay bổ túc để thi hành chế độ cho đúng.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC Ở TRONG NƯỚC.

1. Cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở các trường, lớp bổ túc.

Cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở các trường, lớp bổ túc chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, không phân biệt thời gian công tác dài hay ngắn, nếu học ở trường, lớp thời hạn trên 6 tháng trở lên, được hưởng sinh hoạt phí bằng 95% mức lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có) như tiết a, 1, mục II trong Thông tư số 287-TTg đã quy định. Còn những người đi học các trường, lớp thời hạn từ 6 tháng trở xuống thì được hưởng sinh hoạt phí bằng 100% mức lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có).

Riêng giáo viên dân lập đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học các trường, lớp bổ túc thì cũng được hưởng sinh hoạt phí bằng tỷ lệ phần trăm mức lương đã lĩnh trước khi đi học như trên, nhưng không hưởng phụ cấp khu vực ở những nơi có. Còn các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể thì hưởng như giáo viên dân lập đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học các Trường Đại học, Trung cấp, Bổ túc văn hóa công nông quy định ở tiết b, điều 2, mục A trong Thông tư này.

2. Cán bộ, công nhân, viên chức đi học các Trường Đại học, Trung cấp, Bổ túc văn hóa công nông.

Tiết b điều 1, mục II trong Thông tư số 287-TTg quy định: “Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học…”, nghĩa là những người khi được cơ quan giới thiệu đi học, tất nhiên phải có đủ tiêu chuẩn về chính trị, văn hóa, tuổi. Riêng về điều kiện thâm niên để hưởng sinh hoạt phí thì căn cứ theo Thông tư chiêu sinh từng niên khóa của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục, hoặc Thông tư chiêu sinh của các cơ quan có trường. Các trường khi cấp sinh hoạt phí cần đối chiếu điều kiện thâm niên của từng niên khóa để xét và quyết định, người nào chưa đủ thâm niên như đã quy định thì không thuộc phạm vi thi hành chế độ này.

a) Sinh hoạt phí:

- Thâm niên quy định ở tiết b, điều 1, mục II trong Thông tư số 287-TTg để tính sinh hoạt phí là thâm niên chung và liên tục, kể từ ngày được tuyển dụng chính thức vào biên chế đến ngày vào trường học. Đối với những người trước có tham gia công tác thoát ly rồi ra ngoài biên chế, sau lại được tuyển thì chỉ tính thâm niên liên tục từ ngày tái tuyển đến ngày đi học, thời gian thoát ly trước không được cộng vào.

- Ngoài cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế đủ tiêu chuẩn, được giới thiệu đi học, còn có giáo viên dân lập cũng được hưởng sinh hoạt phí theo những điều quy định cụ thể sau đây:

Theo Thông tư số 168-TTg, ngày 4-8-1960 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 38-TT/LB, ngày 27-8-1960 của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục – Tài chính thì giáo viên dân lập đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học, được hưởng quyền lợi như giáo viên quốc lập. Căn cứ vào hai Thông tư nói trên, Bộ Nội vụ quy định việc cấp sinh hoạt phí cho anh em như sau:

Giáo viên dân lập đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học thì tùy theo thời gian công tác dạy học dài hay ngắn mà được hưởng sinh hoạt phí bằng 80% hay 90% mức lương đã lĩnh trước khi đi học, không được hưởng phụ cấp khu vực ở những nơi có. Nếu trường hợp mức sinh hoạt phí thấp hơn mức học bổng toàn phần của sinh viên, học sinh thì hưởng sinh hoạt phí bằng học bổng toàn phần.

b) Chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể.

Ngoài các chế độ đã quy định trong Thông tư số 287-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh chị em còn được hưởng các quyền lợi sau đây:

- Chế độ đãi ngộ khi ốm đau thì hiện nay vẫn hưởng như cán bộ, công nhân, viên chức đang công tác. Khi nào điều lệ bảo hiểm xã hội mới ban hành sẽ có văn bản quy định riêng.

- Mỗi năm được cấp tiền tàu, xe một lần để về thăm gia đình.

- Khi đi thực tập, nếu sinh hoạt phí thấp hơn học bổng toàn phần cộng với phụ cấp thực tập của sinh viên, học sinh thì được hưởng bằng mức ấy.

Ngoài ra, những người nội trú phải trả tiền nhà ở, điện, nước như cán bộ, công nhân, viên chức đang công tác; tiền mua sách vở, tài liệu do anh chị em tự đài thọ.

Riêng giáo viên dân lập thì được hưởng các chế độ nằm bệnh viện, thai sản, giữ trẻ như Thông tư số 168-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định. Còn các chế độ nội trú, thực tập, học phẩm thì giải quyết như cán bộ, công nhân, viên chức cho biên chế.

3. Công nhân, viên chức trong biên chế được giới thiệu đi học ở các trường, lớp sơ cấp kỹ thuật, nghiệp vụ.

Công nhân, viên chức trong biên chế được giới thiệu đi học các trường, lớp sơ cấp kỹ thuật, nghiệp vụ thì không phân biệt thời gian công tác dài ngay ngắn, nếu học các trường, lớp thời hạn từ 6 tháng trở xuống được hưởng sinh hoạt phí bằng 100% mức lương chính thức và phụ cấp khu vực (nếu có), thời hạn trên 6 tháng trở lên, hưởng sinh hoạt phí bằng 95% mức lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có).

Các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể, được hưởng như cán bộ, công nhân, viên chức đi học các Trường Đại học, Trung cấp và Bổ túc văn hóa công nông.

*

* *

Trong thời gian đang học, nếu do yêu cầu công tác đột xuất như: chống hạn, thu mua lương thực v.v… mà cán bộ, công nhân, viên chức đi học phải đi phục vụ thì không kể đi học bổ túc hay đào tạo, đều được hưởng 100% lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có) trong thời gian làm công tác.

B. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở ngoài nước.

1. Thời gian học ngoại ngữ ở trong nước:

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức được chọn đi học ở ngoài nước, nếu có thời gian học tập ngoại ngữ ở trong nước thì tùy theo đối tượng là bổ túc hay đào tạo mà được hưởng các chế độ như cán bộ, công nhân, viên chức đi học các trường, lớp ở trong nước.

2. Chế độ ở ngoài nước:

Liên bộ Nội vụ - Giáo dục – Tài chính sẽ căn cứ vào những nguyên tắc đã quy định trong Thông tư số 287-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà nghiên cứu lại các chế độ sinh hoạt phí, trang phục v.v… đối với nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh; nếu cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung cho thích hợp hơn.

3. Quyền lợi ở trong nước:

Tùy theo đối tượng mà nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh hay những cán bộ đi học bổ túc chính trị, nghiệp vụ mà xác định sinh hoạt phí để trả một phần tiền ăn, mặc, tiêu vặt, còn bao nhiêu hàng tháng cơ quan quản lý người cán bộ sẽ trả cho gia đình, hoặc gửi Ngân hàng để khi người cán bộ về nước sẽ lĩnh.

Đối với những người khi đi học chưa được xếp lương năm 1958 thì cơ quan quản lý người cán bộ phối hợp với cơ quan cũ tạm định bậc lương theo các thang lương năm 1958 (tùy theo chức vụ, nghề nghiệp đã làm trước khi đi học) để giải quyết quyền lợi ở trong nước.

Đối với những người trước khi đi học đã hưởng lương năm 1960 thì cách tính sinh hoạt phí như sau:

Thí dụ:

a) Thực tập sinh và những cán bộ đi học chính trị, nghiệp vụ:

Ông A, thực tập sinh ở Trung Quốc, mức lương chính được xếp trước khi đi học là 50đ:

- Sinh hoạt phí bằng 95% mức lương chính là… 47đ50

- Trả một phần tiền ăn, mặc, tiêu vặt

- Như vậy, ông A hàng tháng còn được lĩnh là

Ông B đi học bổ túc nghiệp vụ ở Liên xô, mức lương chính trước khi đi học là 105đ:

- Sinh hoạt phí bằng 95% mức lương chính là 99đ75

- Trả một phần tiền ăn, mặc, tiêu vặt

- Như vậy hàng tháng ông B còn được lĩnh là

b) Lưu học sinh, nghiên cứu sinh:

Ông C đi học ở Cộng hòa dân chủ Đức, đã có thời gian công tác thoát ly liên tục là 8 năm, mức lương chính trước khi đi học là 73đ:

- Sinh hoạt phí bằng 90% mức lương chính: 65đ70

- Trả một phần tiền ăn, mặc, tiêu vặt

- Như vậy, hàng tháng ông C còn được lĩnh là

Ông D đi học ở Trung Quốc đã có thời gian công tác thoát ly liên tục là 4 năm, mức lương chính trước khi đi học là 45đ:

- Sinh hoạt phí bằng 80% lương chính là 36đ00

- Trả một phần tiền ăn, mặc, tiêu vặt

- Như vậy, hàng tháng ông D còn được lĩnh là

c) Đối với cán bộ, nhân viên phiên dịch đi phục vụ các đoàn thực tập sinh:

Những người đã ở trong biên chế thì giải quyết như tiết C, điều 2, mục II trong Thông tư số 287-TTg đã quy định. Riêng anh chị em phiên dịch còn trong thời gian tập sự mà được cử đi phục vụ các đoàn thực tập sinh thì hưởng 85% mức lương khởi điểm của từng loại có trừ đi một phần tiền ăn, mặc, tiêu vặt như tiết a, điều 2, mục II trong Thông tư số 287-TTg, còn bao nhiêu để lại cho gia đình hoặc gửi vào Ngân hàng khi về nước sẽ lĩnh. Còn chế độ sinh hoạt phí, trang phục, v.v… thì được hưởng như thực tập sinh.

*

* *

Những văn bản trước đây như: nghị định số 263-NV/LB ngày 6-9-1958 của Liên bộ Nội vụ - Lao động – Giáo dục – Tài chính, Thông tư số 75-NV/LB, ngày 24-11-1958 của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục và Thông tư số 46-TT/LB, ngày 26-9-1959 của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục – Tài chính đều bãi bỏ vì trái với những điều đã quy định trong Thông tư số 287-TTg, ngày 21-11-1960 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi thi hành Thông tư số 287-TTg và Thông tư này nếu có những mắc mứu khó khăn gì, đề nghị các cơ quan phản ảnh cho Bộ Nội vụ biết để nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 70-NV/CB năm 1960 hướng dẫn Thông tư 287-TTg về chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 70-NV/CB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/12/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: 31/12/1960
  • Số công báo: Số 55
  • Ngày hiệu lực: 31/12/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản