Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 75-NV/LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 1958 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ SỐ 263-NV/LB NGÀY 06-09-1958 QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐI HỌC

Kính gửi

- Các vị Bộ trưởng các Bộ,
- Các cơ quan trung ương,
- Các Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh

 

Để thi hành Nghị định Liên bộ Nội vụ - Giáo dục – Lao động – Tài chính số 263-NV/LB ngày 06-09-1958 về chính sách đối với cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được chọn cử đi học, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục hướng dẫn, giải thích thêm chi tiết sau đây:

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA CỦA CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐI HỌC

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh cuộc cách mạng văn hóa ở miền Bắc và cũng để thực hiện chính sách đào tạo cán bộ của Đảng và Chính phủ, tăng cường chất lượng cho các trường, tăng cuờng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, Đảng và Chính phủ chủ trương động viên nhiều cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành vào học các trường Đại học, trường Chuyên nghiệp, trường Bổ túc văn hóa công nông. Do đó, Đảng và Chính phủ cần có chính sách đãi ngộ anh chị em đi học một cách thích đáng, chính sách đó nhằm:

- Làm cho anh chị em đi học nhận rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực học tập, sau này ra trường tiếp tục công tác phục vụ cho cách mạng và cho nhân dân được tốt hơn.

- Giúp anh chị em đỡ phần khó khăn về đời sống vật chất trong thời gian theo học.

Chính sách này cũng xuất phát từ đãi ngộ theo lao động có phân biệt một phần giữa người được chọn cử đi học với người đang công tác, sản xuất.

II. – SINH HOẠT PHÍ

1) Dựa vào mục đích nói trên, chế độ sinh hoạt phí của cán bộ công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được chọn cử đi học nay quy định lại cho thích hợp, thay thế cho chế độ sinh hoạt phí trước đây.

Nghị định Liên bộ số 263-NV/LB ngày 06-09-1958 đã quy định chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được chọn cử đi học các trường lớp sau đây:

a) Sinh hoạt phí bằng 95% đường cấp bậc và phụ cấp khu vực cho những anh chị em được chọn cử đi học tại:

- Trường Đại học bao gồm cả hệ ngoại ngữ và trường Kinh tế tài chính thuộc hệ thống đại học.

- Trường đào tạo cán bộ từ trung cấp lên cao cấp.

- Trường Trung cấp chuyên nghiệp thuộc các Bộ, kể cả trường đào tạo cán bộ sơ cấp lên trung cấp.

- Trường Mỹ thuật Việt Nam, trường Âm nhạc Việt Nam thuộc bộ văn hóa.

- Trường Bổ túc văn hóa công nông.

b) Sinh hoạt phí bằng nguyên lương và phụ cấp khu vực cho những anh chị em được chọn cử đi học tại:

- Trường Phổ thông lao động.

- Các trường, lớp ngắn hạn như trường sơ cấp chuyên nghiệp, các lớp bổ túc nghiệp vụ.

Ngoài ra, nếu còn có trường hợp nào chưa rõ thuộc loại nào thì các ngành, các địa phương trao đổi với Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ để quy định thêm.

2) Để chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được thống nhất, những anh chị em đúng tiêu chuẩn chọn cử đi học các niên khóa trước, nay được chuyển sang các bậc trong các thang lương mới và hưởng sinh hoạt phí hàng tháng như đã nói trên.

Việc chuyển bậc lương cho anh chị em là một vấn đề rất phức tạp và rất khó khăn, vì hiện nay trong số cán bộ đi học có nhiều loại khác nhau, hơn nữa đã thoát ly sản xuất và công tác. Trong khi tiến hành, một mặt cần đảm bảo thực hiện tốt chính sách cán bộ, nhưng  mặt khác lại phải bảo đảm được yêu cầu học tập của sinh viên, học sinh và việc lãnh đạo học tập của nhà trường. Vì thế việc chuyển bậc lương cho anh chị em chỉ có thể làm được một cách tương đối đơn giản, không thể đặt vấn đề sắp xếp điều chỉnh như đối với cán bộ tại chức.

3) Cách tính phụ cấp khu vực để thanh toán sinh hoạt phí cho anh chị em cũng áp dụng như đã quy định chung, nghĩa là tùy theo địa điểm trường học đóng ở địa phương thuộc khu vực nào thì được tính phụ cấp khu vực ở nơi đó.

III. – CÁC QUYỀN LỢI KHÁC

1) Đối với chị em phụ nữ đúng tiêu chuẩn được chọn cử đi học nếu có con mọn thì nhà trường sẽ tổ chức để chị em gửi các cháu vào nhóm trẻ chung của cán bộ, công nhân, nhân viên trong trường, mà không áp dụng Thông tư 36-TT/LB ngày 29-10-1957, nghĩa là không trả tiền giữ trẻ.

Ngoài ra, các cháu cũng được hưởng tiêu chuẩn y dược phí như con cán bộ, công nhân, nhân viên của nhà trường.

2) Cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành chọn cử đi học được hưởng chế độ y dược phí như cán bộ tại chức; nghĩa là được hưởng tiêu chuẩn thuốc men và tiền bồi dưỡng ở nhà trường, ở bệnh viện.

Khi ốm đau cần điều trị thì tùy theo chức vụ và bậc lương được giới thiệu tới các bệnh viện cán bộ. Thời gian ở bệnh viện anh chị em phải trả tiền ăn theo quy định của bệnh viện, còn tiền thuốc và tiền bồi dưỡng do nhà trường thanh toán.

3) Cách tính trợ cấp con cho anh chị em đi học nói chung cũng áp dụng như tính cho cán bộ, công nhân, nhân viên ở cơ quan. Nhưng Liên bộ quy định thêm các chi tiết cụ thể như sau:

a) Đối với những anh chị em được chọn cử đi học từ niên khóa 1958-1959 đã được sắp xếp, đang lĩnh lương mới và trợ cấp con, kể cả những người còn giữ khoản tiền chênh lệch, nay đi học nếu thuộc vào loại hưởng sinh hoạt phí bằng 95% lương thì nhà trường chỉ tính rút đi 5% trong số lương cấp bậc và phụ cấp khu vực mà thôi.

b) Trường hợp ở địa phương không có phụ cấp khu vực tới học tại các trường đóng ở nơi được phụ cấp khu vực; hoặc ở địa phương có phụ cấp khu vực cao hay thấp hơn nơi trường đóng, thì cũng tính lại thu nhập như người cán bộ, công nhân, nhân viên được điều động sang công tác ở khu vực mới, và nếu được hưởng 95% lương thì cũng tính rút đi 5% như nói ở mục a trên.

c) Đối với những anh chị em được chọn cử đi học các niên khóa trước, sẽ được chuyển sang bậc lương để hưởng sinh hoạt phí, cách tính cũng theo như quy định đối với cán bộ, công nhân, nhân viên ở cơ quan. Nhưng cần chú ý mấy điểm quy định dưới đây.

- Nếu trước đây hưởng nguyên lương thì thu nhập cũ là số tiền nguyên lương và khoản phụ cấp con đã hưởng.

- Nếu trước đây hưởng sinh hoạt phí thì thu nhập cũ là sinh hoạt phí và khoản phụ cấp con đã hưởng.

- Trường hợp hai vợ chồng mà một người được chọn cử đi học, một người công tác ở cơ quan thì cách tính trợ cấp con cũng áp dụng nguyên tắc tính cho người lương cao. Nếu người xếp bậc lương thấp, công tác ở cơ quan, đã lĩnh trợ cấp con và được bảo lưu, thì kể từ ngày người đi học được chuyển sang hưởng chế độ sinh hoạt phí mới thì phụ cấp con cũ và trợ cấp con mới sẽ chuyển sang tính cho người đi học. Sau khi chuyển sang tính cho người đi học thì người lương thấp công tác ở cơ quan chỉ tiếp tục nhận lương theo cấp bậc đã được xếp, ngoài ra không truy lĩnh một khoản nào cả.

Ví dụ: Hai vợ chồng đều ở Hà Nội có 4 con được phụ cấp mỗi cháu 12.000đ, do người vợ lĩnh; người chồng trước xếp bậc 12/17, đi học Đại học được lĩnh sinh hoạt phí hàng tháng 35.000 người vợ sau khi ban hành lương mới được xếp từ bậc 14/17 sang bậc 5/21 đã được tính bảo lưu; người chồng nay được chuyển sang bậc 8/21. Trường hợp này tính như sau:

Thu nhập mới của người chồng (được chuyển lương bậc 8/21) tính theo cơ sở bậc lương:

- Lương mới (kể cả phụ cấp khu vực 12% ở Hà Nội)

- Trợ cấp con: 2 cháu (5.000đ x 2)

62.720đ

10.000đ

Cộng:

72.720đ

Thu nhập cũ của người chồng:

- Sinh hoạt phí 

- Phụ cấp con được chuyển sang (12.000 x 4)

35.000đ

48.000đ

Cộng:

83.000đ

Như vậy người chồng đi học được tính bảo lưu: 83.000đ – 72.720đ = 10.280đ.

Sau khi tính bảo lưu xong, rút đi 5% của lương cấp bậc và phụ cấp khu vực để tính ra sinh hoạt phí bằng 95% lương cấp bậc và phụ cấp khu vực:

- Rút 5% của 62.720đ tức là rút 3.136đ

- Sinh hoạt phí bằng 95% lương là 62.720đ – 3.136đ = 59.584đ

Kết luật là người chồng đi học được lĩnh hàng tháng như sau:

- Sinh hoạt phí bằng 95% lương

- Trợ cấp con (2 cháu)

- Số tiền phải bảo lưu

59.544đ

10.000đ

10.000đ

Tổng cộng:

79.864đ

Còn người vợ công tác ở cơ quan thì tiếp tục lĩnh lương theo bậc đã xếp 5/21.

d) Khi so sánh đã biết người lương cao hay thấp thì lấy bậc lương làm cơ sở, trừ trường hợp hai vợ chồng ở hai thang lương khác nhau thì mới so sách trên số tiền hiện lĩnh (lương cấp bậc). Nếu hai vợ chồng cùng ở một bậc và cùng một tháng lương thì tính trợ cấp con cho người công tác ở cơ quan.

4) Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được chọn cử đi học ở nội trú hưởng các chế độ ăn, ở tập thể như cán bộ tại chức thì cũng chịu các khoản chi phí đó (nhà ở, điện, nước, v.v...) như cán bộ tại chức.

5) Các tiêu chuẩn sách báo, tập thể phí khác, v.v... đều hưởng chế độ thống nhất với học sinh. Tiền in tài liệu, mua sách học thì anh chị em đi học phải tự túc.

6) Cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được chọn cử đi học nếu vì lý do chính đáng xin thôi học và không trở lại cơ quan công tác nữa thì được trợ cấp thôi việc theo chế độ hiện hành đối với cán bộ, công nhân, nhân viên.

IV. - ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ SỐ 263-NV/LB NGÀY 06-09-1958

Cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được cơ quan chọn cử và giới thiệu đi học có đủ tiêu chuẩn như đã nói ở điều 6 trong Nghị định Liên bộ số 263-NV/LB ngày 06-09-1958 là những đối tượng được áp dụng Nghị định. Ngoài ra những người sau đây thì không được:

- Cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành tuy được giới thiệu đi học, nhưng không đủ tiêu chuẩn đã quy định trong Thông tư tuyển chọn cán bộ đi học trong các niên khóa trước và Thông tư số 40-LB/TT ngày 15-08-1958.

- Cán bộ, công nhân, nhân viên đã thôi việc hay xin thôi việc để đi học, quân nhân phục viên, giải ngủ, thương binh đã về xã nay đi học.

- Cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân chuyển ngành được chọn cử đi học nhưng đã bị nhà trường thi hành kỷ luật không cho học; hoặc không theo học nổi hay đã tốt nghiệp mà không chịu sự điều động đi công tác.

V. - CHI TIẾT THI HÀNH

1) Nghị định Liên bộ số 263-NV/LB ngày 06-09-1958 thi hành kể từ ngày khai giảng nghĩa là trường nào khai giảng và bắt đầu học tập vào ngày nào thì thi hành từ ngày đó. Trường hợp có một số trường khai giảng trước khi ban hành Nghị định thì thi hành kể từ ngày ký Nghị định.

2) Để tính sinh hoạt phí cho anh chị em thì trường nào khai giảng và bắt đầu học tập từ ngày 01 đến ngày 15 được tính cả tháng, từ ngày 16 trở về sau được tính nửa tháng.

3) Đối với anh chị em được chọn cử đi học các niên khóa trước vì lý do chuyển bậc lương chưa kịp thì anh chị em cứ lĩnh sinh hoạt phí như cũ, sau này chuyển xong, anh chị em sẽ được truy lĩnh theo thời gian quy định trong mục V này.

Trong khi thi hành, các ngành các cấp cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy định các chế độ lương bổng và trợ cấp xã hội đối với cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân chuyển ngành. Nếu có gì mắc mức, đề nghị các ngành các cấp trao đổi thêm với Liên bộ để cùng giải quyết.

BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ

 
 

 
Phan Kế Toại

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG

 

 
 
Nguyễn Khánh Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 75-NV/LB năm 1958 hướng dẫn thi hành Nghị định Liên bộ 263-NV/LB quy định chính sách đối với cán bộ đi học do Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 75-NV/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/11/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Khánh Toàn, Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: 10/12/1958
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: 09/12/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản