Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-NV

Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 1961

THÔNG TƯ

BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ VỀ VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC

Kính gửi:

- Các bộ, các cơ quan ngang Bộ;
- Tổng cục trực thuộc Hội đồng Chính phủ;
- Các cơ quan trực thuộc Thủ Thủ tướng;
- Các đoàn thể trung ương;

Thi hành thông tư số 287-TTg ngày 21-11-1960 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 70-NV/CB ngày 16-12-1960 của Bộ Nội vụ về chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học trong nước và ngoài nước, các ngành, các cấp đã tiến hành việc xác định tính chất trường, lớp, xác định thâm niên cho từng người để cấp sinh hoạt phí. Nhưng qua tình hình thi hành ở một số trường, Bộ tôi thấy cần hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể để việc áp dụng được đúng với chế độ đã ban hành.

I. CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG BIÊN CHẾ ĐỦ TIÊU CHUẨN ĐƯỢC GIỚI THIỆU ĐI HỌC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, TRUNG CẤP, BỔ TÚC VĂN HÓA CÔNG NÔNG

1. Xác định đủ điều kiện thâm niên để hưởng sinh hoạt phí:

Thông tư số 287-TTg quy định cán bộ, công nhân, viên chức đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học các trường Đại học, Trung cấp, Bổ túc văn hóa công nông thì được hưởng sinh hoạt phí bằng 80% hay 90% mức lương chính đã xếp trước khi đi học. Điều 2, mục A phần II thông tư số 70-NV/CB của Bộ Nội vụ có giải thích về điều kiện thâm niên để hưởng sinh hoạt phí, nay hướng dẫn thêm.

Thí dụ: Thông tư số 23-TT/LB, ngày 8-4-1960 của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục về chính sách đối với cán bộ, công nhân, quân nhân vào các Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp niên khóa 1960 – 1961 có quy định những đối tượng sau đây được hưởng chế độ sinh hoạt phí của cán bộ đi học:

- Cán bộ, nhân viên trong biên chế, quân nhân tại ngũ, phải có 3 năm liên tục công tác tính đến ngày 1-9-1960;

- Công nhân, cán bộ người kinh công tác miền núi, cán bộ phụ nữ, phải có 2 năm liên tục công tác tính đến ngày 1-9-1960;

- Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam tập kết có tham gia kháng chiến, trong biên chế các ngành; cán bộ, công nhân, quân nhân người dân tộc thiểu số đang công tác trong biên chế thì không tính thâm niên công tác;

- Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam không tham gia kháng chiến (trước là học sinh) đang công tác trong biên chế thì phải có một năm tham gia công tác hay sản xuất tính đến ngày 1-9-1960.

Như vậy, những người đi học ở các trường Đại học, Trung cấp (kể cả Bổ túc văn hóa công nông) niên khóa 1960 – 1961, nếu chưa đủ điều kiện thâm niên quy định trong thông tư số 23-TT/LB thì mặc dù được cơ quan giới thiệu đi học cũng không được hưởng chế độ sinh hoạt phí.

2. Xác định thời gian thâm niên để cấp sinh hoạt phí:

a) Sau khi đã xác định người đi học có đủ tiêu chuẩn hưởng sinh hoạt phí thì cần xác định thâm niên của từng người để cấp sinh hoạt phí bằng 80% hay 90% mức lương. Việc xác định thâm niên là do cơ quan giới thiệu cán bộ, công nhân, viên chức đi học chịu trách nhiệm. Nhà trường chỉ căn cứ vào giấy giới thiệu mà đối chiếu với tiêu chuẩn để giải quyết.

b) Những người được hưởng sinh hoạt phí bằng 90% mức lương phải có đủ 5 năm liên tục công tác kể từ ngày được tuyển dụng chính thức vào biên chế đến ngày vào trường hoc, nếu dưới 5 năm thì không được châm chước, chỉ hưởng sinh hoạt phí bằng 80% mức lương.

c) Những người trước khi vào biến chế chính thức có thời gian tạm tuyển, phù động thì thời gian ấy không tính thâm niên, cán bộ, công nhân, viên chức thôi việc, quân nhân phục viên rồi được tái tuyển thì thâm niên liên tục tính từ ngày tái tuyển.

Riêng cán bộ, công nhân, quân nhân, viên chức miền Nam trong biên chế đi sản xuất tập đoàn rồi được tái tuyển vào biên chế, hoặc trước khi đi học, tập đoàn ấy đã chuyển thành nông trường quốc doanh hay xí nghiệp quốc doanh thì thời gian sản xuất tập đoàn được tạm thời coi như liên tục công tác.

Thí dụ: Ông A trước đã công tác trong biên chế 3 năm, đi sản xuất tập đoàn 2 năm, được tái tuyển vào biên chế 1 năm thì thời gian thâm niên liên tục của ông A là 6 năm. Như vậy, ông A được hưởng sinh hoạt phí bằng 90% mức lương đã xếp trước khi đi học.

3. Cách tính sinh hoạt phí cho quân nhân chuyển ngành đi học trước ngày 1-5-1960:

a) Quân nhân chuyển ngành sang các cơ quan, xí nghiệp v.v… trước khi đi học đã được xếp lương năm 1958 thì vẫn hưởng sinh hoạt phí bằng 95% lương năm 1958.

b) Quân nhân chuyển ngành đi học trước ngày 1-5-1960 chưa được xếp lương năm 1958 thì không xếp lương mà hưởng sinh hoạt phí như sau:

Hạ sĩ quan và chiến sĩ: Hưởng sinh hoạt phí bằng 95% của 4 khoản: tiền ăn, tiền quân trang, phụ cấp tiêu vặt và phụ cấp thâm niên, không được hưởng phụ cấp khu vực; tiền ăn thì căn cứ theo định lượng nơi học, tiền quân trang cấp mỗi tháng 6 đồng, còn phụ cấp tiêu vặt và thâm niên thì căn cứ theo giấy giới thiệu của đơn vị.

Sĩ quan: Hưởng sinh hoạt phí bằng 95% lương chính + phụ cấp thâm niên và phụ cấp khu vực (nếu có).

Thí dụ: Ông B lương chính

10% thâm niên

10% khu vực

48 đ 00

4, 80

4, 80

57 đ 60

Như vậy, ông B hàng tháng được lĩnh sinh hoạt phí là

57, 60 x 95

= 54 đ 72

100

Riêng quân nhân chuyển ngành đi học sau ngày 1-5-1960 thì thi hành theo thông tư số 3-TT/LB ngày 25-01-1961 của Liên bộ Nội vụ - Lao động hướng dẫn thi hành chế độ đối với quân nhân chuyển ngành sau ngày 1-5-1960.

4. Việc áp dụng chế độ cán bộ đi học đối với giáo viên dân lập:

Giáo viên dân lập đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học từ ngày 4-8-1960 (tức là ngày ban hành thông tư số 168/TTg) trở đi thi được hưởng các chế độ như đã quy định trong thông tư số 70-NV/CB, còn những người đã đi học trước ngày ban hành thông tư số 168/TTg thì vẫn hưởng theo chế độ học bổng cho sinh viên, học sinh của Bộ Giáo dục.

5. Các đối tượng khác:

Ngoài cán bộ, công nhân, quân nhân, viên chức trong biên chế đủ tiêu chuẩn được hưởng chế độ cán bộ đi học, còn 2 đối tượng sau đây:

a) Thương binh ở trại vẫn được hưởng hinh hoạt phí như khi ở trại;

b) Cán bộ miền Nam đi sản xuất tập đoàn thuộc các đối tượng đã quy định trong công văn số 338/BI ngày 28-3-1960 và công văn số 3072/BI ngày 15-8-1960 của Ủy ban Thống nhất Trung ương thì được hưởng mỗi tháng 28đ + 4đ80 quần áo.

Hai đối tượng nói trên không phải trả tiền nhà ở, điện, nước, và tiền tài liệu học tập.

II. CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG BIÊN CHẾ ĐI HỌCCÁC TRƯỜNG, LỚP BỔ TÚC CHÍNH TRỊ, VĂN HÓA, KỸ THUẬT, NGHIỆP VỤ.

Cán Bộ, cơ quan khi mở trường cần xác định tính chất củatrường lớp, thời gian học tập; có xác định đúng thì mới áp dụng đúng chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ, viên chức đi học ngay từ ngày vào lớp - đặc biệt các lớp thời gian học là 6 tháng trở xuống thì phải ấn định rõ thời gian để tránh tình trạng khi đã mở lớp rồi lại kéo dài thời gian mà sinh hoạt phí vẫn để như cũ.

Đối với các loại cán bộ, nhân viên do cơ quan cử đi học cấp phát sinh hoạt phí thì nhà trường phải báo cho cơ quan biết thời gian học tập để cấp sinh hoạt phí cho đúng.

K.T. BỘ TRƯỞNGBỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Tất Đắc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-NV năm 1961 bổ sung việc thi hành chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 13-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/03/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 26/03/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản