Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 287-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC ĐI HỌC

Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa ngày càng mở rộng, đòi hỏi phải ra sức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác. Thực hiện chủ trương ấy, các cấp, các ngành đã lựa chọn nhiều cán bộ, công nhân, viên chức đưa vào các trường ở trong nước và gửi sang các nước bạn để bổ túc về chính trị, kỹ thuật nghiệp vụ, văn hóa hoặc đào tạo thành những cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ. Để bảo đảm yêu cầu bồi dưỡng và đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước, các chế độ đãi ngộ đã được ban hành và bổ sung dần, nên đã giúp cho những cán bộ công nhân, viên chức được chọn lựa đi học có những điều kiện cần thiết để an tâm học tập. Tuy vậy, các chế độ hiện đang áp dụng còn có chỗ chưa hợp lý vì chưa phân biệt rõ rệt giữa người đang công tác với người được nghỉ công tác để đi học; chưa phân biệt giữa người có thời gian công tác dài, ngắn khác nhau; chưa thống nhất giữa người đi học ở trong nước và ở các nước bạn. Ngoài ra, việc vận dụng tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng đi học và xác định yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo của mỗi trường, lớp cũng còn thiếu sót, nên việc áp dụng chế độ gặp khó khăn.

Căn cứ vào nghị quyết của hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ, ngày 28 tháng 9 năm 1960, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư này để quy định lại các chế độ đối với cán bộ công nhân, viên chức được lựa chọn đi học ở các trường ở trong nước và ở ngoài nước, nhằm bảo đảo yêu cầu bồi dưỡng và đào tạo cán bộ ngày càng mở rộng của Đảng và Nhà nước.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Việc quy định chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học là một vấn đề có liên quan không những đến người đi học mà cả đến người đang công tác, nó phục vụ yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nhưng đồng thời cũng có ảnh hưởng đến việc đảm bảo nhiệm vụ công tác của các cấp, các ngành. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này một cách toàn diện, cần phải căn cứ vào nguyên tắc trả lương theo lao động, đồng thời chiếu cố tình hình sinh hoạt của cán bộ, công nhân, viên chức hiện nay mà cải tiến chế độ đối với cán bộ, công nhân viên đi học. Việc cải tiến sẽ dựa vào nguyên tắc cụ thể sau đây:

1. Cán bộ, công nhân, viên chức được nghỉ công tác để đi học thì không hưởng lương mà được cấp sinh hoạt phí thấp hơn lương lúc đang công tác;

2. Sinh hoạt phí định theo tỷ lệ % bậc lương chính đã xếp trước khi đi học và không thay đổi suốt thời gian học tập.

Việc quy định tỷ lệ % bậc lương có phân biệt giữa đối tượng đi học trường bổ túc với trường đào tạo dài hạn; trong đối tượng đi học trường đào tạo dài hạn thì có phân biệt thâm niên công tác dài hay ngắn;

3. Chế độ đối với người đi học ở trong nước và ở ngoài nước được quy định trên những nguyên tắc thống nhất, nhưng đồng thời có chiếu cố đến đặc điểm của người đi học ở ngoài nước.

II. NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở trong nước:

a) Cán bộ, công nhân, viên chế đi học ở các trường, lớp bổ túc văn hóa, chính trị, kỹ thuật, nghiệp vụ thời hạn từ trên 6 tháng trở lên thì được hưởng:

- Sinh hoạt phí: bằng 95% mức lương chính đã được xếp trước khi đi học (và phụ cấp khu vực ở những nơi có).

- Bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể: được hưởng như cán bộ, công nhân, viên chức đang công tác.

b) Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học các trường Đại học, Trung cấp, Bổ túc văn hóa công nông:

- Sinh hoạt phí: Những người có thời gian công tác liên tục 5 năm trở lên kể từ ngày được tuyển dụng chính thức vào biên chế đến ngày vào trường học thì được hưởng sinh hoạt phí bằng 90% mức lương chính đã xếp trước khi đi học; những người có thời gian công tác liên tục dưới 5 năm thì được hưởng sinh hoạt phí bằng 80% mức lương chính đã xếp trước khi đi học. Sinh hoạt phí được tính phụ cấp khu vực ở những nơi có.

Đối với chiến sĩ thi đua cơ sở đã được bầu liên tục 3 năm, trước khi đi học vẫn còn là chiến sĩ, được cơ quan có thẩm quyền công nhận và đối với các anh hùng lao động, anh hùng quân đội, thì không kể thời gian công tác dài hay ngắn, đều được hưởng sinh hoạt phí bằng 95% mức lương chính đã xếp trước khi đi học (và phụ cấp khu vực ở những nơi có).

- Bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể: Được hưởng chế độ trợ cấp gia đình đông con, chế độ thai sản, chế độ giữ trẻ như cán bộ, công nhân viên chức đang công tác.

2. Chế độ đối với cán bộ, công nhân viên chức đi học ở các nước bạn:

a) Thực tập sinh và những cán bộ đi học bổ túc chính trị, nghiệp vụ khác:

CHẾ ĐỘ Ở NGOÀI NƯỚC:

Về nguyên tắc, căn cứ vào yêu cầu học tập và tình hình sinh hoạt của từng nước mà quy định sinh hoạt phí, trang phục v .v… nhằm bảo đảm cho anh, chị em những điều kiện cần thiết để học tập được tốt.

Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính căn cứ vào nguyên tắc trên sẽ nghiên cứu quy định cụ thể sau.

CHẾ ĐỘ Ở TRONG NƯỚC:

Sinh hoạt phí của thực tập sinh và những cán bộ đi học bổ túc chính trị, nghiệp vụ được ấn định bằng 95% mức lương chính. Căn cứ vào mức sinh hoạt phí này, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức phải trả một phần tiền ăn, mặc và tiêu vặt ở nước ngoài theo các mức độ dưới đây:

Trả 18đ (đối với nước sinh hoạt phí từ 50đ trở xuống)

Trả 24đ (đối với nước sinh hoạt phí từ 51đ đến 100đ)

Trả 30đ (đối với nước sinh hoạt phí từ trên 100đ)

Người đi học được sử dụng số tiền còn lại để chu cấp cho gia đình, hoặc gửi vào Ngân hàng để khi về nước sẽ lĩnh.

b) Lưu học sinh, nghiên cứu sinh:

CHẾ ĐỘ Ở NGOÀI NƯỚC:

Vẫn theo các chế độ hiện hành

CHẾ ĐỘ Ở TRONG NƯỚC:

Sinh hoạt phí, áp dụng như tiết b, điều 1, mục II của Thông tư này.

Mức tiền phải trả về các khoản ăn, mặc và tiêu vặt ở nước ngoài áp dụng theo như đối với thực tập sinh đã quy định trên.

Chế độ trợ cấp con vẫn được tiếp tục áp dụng đối với lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và những cán bộ đi học bổ túc chính trị, nghiệp vụ khác như khi còn công tác.

c) Riêng đối với cán bộ phiên dịch đi phục vụ cho các đoàn thực tập sinh vì không phải là người nghỉ việc đi học, nên vẫn được lĩnh 100% lương chính và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể như khi công tác ở trong nước. Về chế độ ở ngoài nước: vì đời sống của phiên dịch gắn liền với thực tập sinh nên sinh hoạt phí, trang phục v.v… cũng được hưởng như thực tập sinh.

Căn cứ vào 100% mức lương chính đã sắp xếp, người phiên dịch phải trả một phần về tiền ăn, mặc tiêu vặt ở nước ngoài như thực tập sinh, lưu học sinh, nghiên cứu sinh. Số tiền còn lại được sử dụng để chu cấp cho gia đình, hoặc gửi Ngân hàng khi về nước sẽ lĩnh.

III. KẾ HOẠCH THI HÀNH

Thông tư này thi hành ngày 01 tháng 12 năm 1960 đối với cán bộ, công nhân viên chức đi học ở trong nước và ngoài nước. Những điều quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Để việc thi hành được tốt, các cấp, các ngành cần phổ biến chu đáo Thông tư này đến tận cán bộ công nhân, viên chức đang công tác và đã đi học cho mọi người thông suốt, tăng thêm nhiệt tình công tác và học tập.

Sau đây là những điều quy định để giải quyết trường hợp những người đã đi học trước ngày 01 tháng 12 năm 1960.

1. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở trong nước:

a) Đi học ở các trường lớp bổ túc: Những người đi học các trường lớp bổ túc chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, thời hạn từ trên 6 tháng trở lên, trước ngày 01 tháng 12 năm 1960, đã được xếp lương năm 1960 thì hưởng sinh hoạt phí như sau:

- Từ 01 tháng 5 đến 1960 đến 30-11-1960 thì hưởng 100% lương;

- Từ 01 tháng 12 năm 1960 trở đi thì hưởng sinh hoạt phí theo những điều quy định trong Thông tư này.

b) Đối với cán bộ, công nhân viên chức đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học ở các trường Đại học, trung cấp, bổ túc văn hóa công nông:

- Những người đi học trước 01 tháng 5 năm 1960, đã được hưởng sinh hoạt phí bằng 95% lương đã xếp năm 1958 thì được tiếp tục hưởng cho hết thời gian học tập, không phân biệt thâm niên công tác dài hay ngắn.

- Những người đi học sau 01 tháng 5 năn 1960, đã xếp lương năm 1960 thì căn cứ vào Thông tư này để xác định mức sinh hoạt phí bằng 80%, 90% hoặc 95% lương chính kể từ ngày 01 tháng 12 năm 1960 trở đi, còn thời gian trước ngày 01 tháng 12 năm 1960 đã hưởng sinh hoạt phí bằng 95% bậc lương được xếp, nếu cao hơn mức sinh hoạt phí mới thì không phải truy hoàn.

2. Đối với cán bộ, công nhân viên chức đi học ngoài nước:

- Đối với những người đi học trước ngày 1 tháng 12 năm 1960 đã được xếp lương năm 1960 thì áp dụng như mục II, điều 2, tiết a, b trong Thông tư này.

- Đối với những người trước khi đi học hưởng lương 1958 thì mặc dù có được trợ cấp gia đình theo Thông tư số 46-TT/LB ngày 26-9-1960 hay không, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 1960 căn cứ 100% lương chính năm 1958 (nếu là thực tập sinh và những cán bộ đi học bổ túc chính trị, nghiệp vụ khác), 95% lương chính năm 1958 (nếu là học sinh, nghiên cứu sinh) mà trả một phần về tiền ăn, mặc, tiêu vặt như đã quy định ở mục II, điều 2 tiết a của Thông tư này. Số tiền còn lại được sử dụng để chu cấp cho gia đình, hoặc gửi Ngân hàng sau khi về nước sẽ lĩnh.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thi hành Thông tư này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 287-TTg năm 1960 về chế độ đối với cán bộ, công nhân viên chức đi học do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 287-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/11/1960
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 51
  • Ngày hiệu lực: 01/12/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản