Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ GIÁO DỤC-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-TT/LB

Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 1959 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THỰC TẬP SINH, LƯU HỌC SINH, NGHIÊN CỨU SINH LÀ CÁN BỘ, NHÂN VIÊN, CÔNG NHÂN Ở TRONG BIÊN CHẾ ĐƯỢC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP CHỌN RA NƯỚC NGOÀI HỌC TẬP

Trong mấy năm qua, thi hành chủ trương của Trung ương và Chính phủ, các Bộ đã đưa nhiều thực tập sinh, lưu học sinh, nghiên cứu sinh ra ngoài nước học tập để đào tạo cán bộ, công nhân, phục vụ nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Số người chọn đi học và thực tập phần lớn là cán bộ, nhân viên, công nhân ở trong biên chế các cơ quan và xí nghiệp của Nhà nước. Riêng đối với các đoàn thực tập sinh lại có cán bộ phiên dịch cùng đi để phục vụ công việc thực tập.

Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 09-09-1959, Liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Giáo dục quy định chế độ sau đây đối với thực tập sinh, lưu học sinh, nghiên cứu sinh và cán bộ phiên dịch nhằm khuyến khích anh chị em yên tâm phấn khởi học tập:

- Tất cả những thực tập sinh, lưu học sinh, nghiên cứu sinh kể cả cán bộ phiên dịch đều được Chính phủ đài thọ để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cần thiết (bao gồm ăn, mặc, tiêu…) tùy theo đặc điểm từng nước, từng ngành học tập trong suốt thời gian ở ngoài nước.

- Tất cả những thực tập sinh, lưu học sinh, nghiên cứu sinh kể cả phiên dịch trước khi ra ngoài nước đã ở trong biên chế cơ quan và xí nghiệp, đều được giữ 100% lương chính bậc đã xếp năm 1958 và trợ cấp con (nếu có) trong suốt thời gian ở ngoài nước. Nếu đối chiếu 100% lương chính và trợ cấp con (nếu có) này với sinh hoạt phí hay học bổng Chính phủ đài thọ ở ngoài nước (tính theo giá hối đoái phí mậu dịch) mà cao hơn thì được hưởng khoản chênh lệch, nếu thấp hơn sẽ được Chính phủ trợ cấp cho đủ.

Riêng đối với những người có gia đình gồm cha mẹ đẻ, vợ con khi còn công tác ở trong nước phải trực tiếp nuôi dưỡng thì được chiếu cố thích đáng nhưng vẫn đảm bảo tương quan đãi ngộ với cán bộ công tác ở trong nước.

Căn cứ vào 2 nguyên tắc trên, Liên Bộ quy định những điểm cụ thể sau đây:

I. QUYỀN LỢI Ở NGOÀI NƯỚC

1. Tất cả mọi người khi được chọn ra ngoài nước học tập và thực tập, kể cả phiên dịch, được đài thọ tiền tàu xe, công tác phí, trang phục, cước phí hành lý cần thiết theo chế độ hiện đang thi hành.

2. Học bổng, sinh hoạt phí của thực tập sinh, lưu học sinh, nghiên cứu sinh ở Liên Xô, các nước Trung Đông Âu, Triều Tiên, vẫn giữ nguyên như hiện cấp.

3. Đối với thực tập sinh ở Trung Quốc, thi hành hiệp định thư vừa ký kết giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nay định sinh hoạt phí là:

a) 35 đồng Nhân dân tệ một tháng cho công nhân, nhân viên, cán bộ kỹ thuật sơ cấp, cán bộ kỹ thuật trung cấp mới ra trường và cán bộ phiên dịch, bao gồm:

- Công nhân từ bậc 5/8 trở xuống.

- Nhân viên Hành chính từ bậc 8/21 trở xuống.

- Cán bộ kỹ thuật từ bậc 5/14 trở xuống.

- Phiên dịch từ bậc 6/12 trở xuống.

b) 40 đồng Nhân dân tệ cho cán bộ lãnh đạo xí nghiệp, kỹ sư, cán bộ trung cấp lâu năm và các loại cán bộ tương đương bao gồm:

- Công nhân từ bậc 6/8 trở lên.

- Nhân viên Hành chính từ bậc 9/21 trở lên.

- Cán bộ kỹ thuật từ bậc 6/14 trở lên.

- Phiên dịch từ bậc 7/12 trở lên.

Ngoài sinh hoạt phí hàng tháng định trên, tùy theo vùng khí hậu, sinh hoạt đắt đỏ, tùy theo ngành học tập (như mỏ, luyện kim, tàu bể, vũ kịch, quay phim…) Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc sẽ căn cứ tình hình thực tế mà đề nghị tỷ lệ phụ cấp thêm hàng tháng để Liên Bộ quyết định.

Các bộ quản lý thực tập sinh sẽ sắp xếp và tuyên bố rõ mức sinh hoạt phí của từng người trước khi ra ngoài nước. Đối với thực tập sinh hiện nay đang ở Trung Quốc thì những người đã hưởng sinh hoạt phí 65 đồng Nhân dân tệ, 55 đồng Nhân dân tệ một tháng nay hưởng 40 đồng Nhân dân tệ; những người đang hưởng 45 đồng Nhân dân tệ nay hưởng 35 đồng Nhân dân tệ một tháng, cán bộ phiên dịch thì hưởng 35 đồng Nhân dân tệ một tháng.

II. QUYỀN LỢI Ở TRONG NƯỚC

1. Những thực tập sinh, nghiên cứu sinh, lưu học sinh trước khi ra ngoài nước, đã ở trong biên chế cơ quan, xí nghiệp Nhà nước đã có bậc lương xếp năm 1958 và trợ cấp con (nếu có) được hưởng khoản tiền chênh lệch (nếu có) giữa tổng số lương chính và trợ cấp con (nếu có) và sinh hoạt phí hay học bổng, bao gồm những người kể sau đây:

- Những người có cha mẹ đẻ có công ăn việc làm, không phải trực tiếp nuôi dưỡng.

- Những người chưa có vợ hay có vợ mà chưa có con.

- Những người có vợ con nhưng hiện ở miền Nam.

- Những người có vợ con, nhưng con đã được Chính phủ đảm bảo sinh hoạt (đài thọ học bổng ở các trường học sinh miền Nam, các trường chuyên nghiệp…).

- Những người có vợ tuy có con nhưng công tác ở cơ quan hay xí nghiệp, lương bản thân đã xếp từ bậc 8 thang lương 21 bậc hoặc mức lương tương đương trở lên (trường hợp này nếu trước đây trợ cấp con tính cho chồng thì nay được chuyển sang cho vợ lĩnh. Cứ mỗi con là 5 đồng, tính từ con thứ 3 trở đi từ tháng sau ngày người chồng lên đường ra ngoài nước).

- Những người có vợ con ở nông thôn hay thành thị có công ăn việc làm, đảm bảo đời sống, không phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Khoản tiền chênh lệch trên đây sẽ trả hàng tháng cho người do anh chị em ủy quyền, hay gửi vào Ngân hàng đến khi về nước, anh chị em sẽ lĩnh.

2. Những người có gia đình (cha mẹ đẻ, vợ con) phải trực tiếp nuôi dưỡng trước khi ra nước ngoài, nay do đời sống gia đình gặp khó khăn (cha mẹ già yếu, mất sức lao động, vợ ốm đau, con đông…) nếu Công đoàn đề nghị, Thủ trưởng cơ quan quyết định, được chiếu cố mỗi tháng chỉ nộp cho công quỹ một số tiền định như sau, còn bao nhiêu được để lại trợ cấp cho gia đình hàng tháng:

- Những người hưởng lương từ bậc 1 đến bậc 6 thang lương 21 bậc, hoặc các mức lương tương đương, nộp vào công quỹ mỗi tháng 18 đồng Ngân hàng.

- Những người hưởng lương từ bậc 7 đến bậc 10 thang lương 21 bậc, hoặc các mức lương tương đương, nộp vào công quỹ 24 đồng Ngân hàng.

- Những người hưởng lương từ bậc 11 thang lương 21 bậc trở lên, hoặc các mức lương tương đương, nộp vào công quỹ mỗi tháng 30 đồng Ngân hàng.

Một số cán bộ, nhân viên, công nhân đã đi học và thực tập trước đây và còn đang ở nước ngoài cũng được hưởng chế độ này; nếu người nào chưa có bậc lương 1958 thì các Bộ quản lý họ sẽ căn cứ vào chức vụ công tác trước khi đi mà tạm định bậc lương để có cơ sở thực hiện.

Đối với quân nhân chuyển ngành được cho ra ngoài nước học tập, nếu còn ở trong thời hạn 6 tháng, tối đa 9 tháng thì dựa trên lương chức vụ (đối với sĩ quan) hay dựa trên sinh hoạt phí (đối với hạ sĩ quan) mà tính khoản chênh lệch hoặc tính số tiền phải nộp vào công quỹ còn được để lại trợ cấp cho gia đình tùy theo từng trường hợp cụ thể đã nói ở các điểm trên. Sau 6 tháng hay 9 tháng các Bộ quản lý sẽ tạm định bậc lương theo chế độ lương 1958 để thi hành thống nhất như những người khác.

Liên Bộ lưu ý các Bộ khi quyết định đối tượng được chiếu cố vì hoàn cảnh gia đình, cần đảm bảo nguyên tắc không vì đi ra ngoài học tập mà bình quân của gia đình ấy tăng lên quá đáng so với cán bộ chung quanh và so ngay với bình quân bình thường của gia đình người cán bộ khi còn ở nhà. Có như vậy mới đảm bảo tương quan đãi ngộ, đoàn kết giữa người công tác trong nước với người đi học ngoài nước.

3. Đối với cán bộ phiên dịch đi phục vụ các đoàn thực tập sinh là đi công tác, đời sống tuy gắn liền với các thực tập sinh nhưng không phân biệt có gia đình phải trực tiếp nuôi dưỡng hay không, các Bộ sử dụng sẽ căn cứ mức lương hiện hưởng của anh chị em đối với các bậc lương định ở điểm 2 trên mà thu vào công quỹ 18 đồng, 24 đồng hay 30 đồng, còn bao nhiêu trả cho gia đình anh chị em, hoặc gửi vào Ngân hàng để khi về nước anh chị em sẽ lĩnh.

Trên đây là nội dung cụ thể của chế độ đối với cán bộ, nhân viên, công nhân ở trong biên chế được chọn đi ra nước ngoài học và thực tập. Đối với những người ở ngoài biên chế thì chỉ được hưởng quyền lợi định ở ngoài nước (Mục I).

Các Bộ chịu trách nhiệm thi hành chế độ đối với thực tập sinh do Bộ mình chọn gửi đi và quản lý, Bộ giáo dục chịu trách nhiệm thi hành chế độ đối với nghiên cứu sinh, lưu học sinh. Các khoản chi phí trên đây sẽ thanh toán vào quỹ đào tạo cán bộ công nhân của các Bộ.

Thông tư này thi hành kể từ ngày 01/10/1959.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 
Tô Quang Đẩu

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC
 
 


 

Nguyễn Văn Huyên

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG


 

 
Trịnh Văn Bính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 46-TT/LB năm 1959 về chế độ đối với thực tập sinh, lưu học sinh, nghiên cứu sinh là cán bộ, nhân viên, công nhân ở trong biên chế được cơ quan, xí nghiệp chọn ra nước ngoài học tập do Bộ Nội vụ - Bộ Giáo dục - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 46-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 26/09/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên, Tô Quang Đẩu, Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản