Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1964

THÔNG TƯ

BỔ SUNG CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC

Để khuyến khích rộng rãi cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở trong nước và ở ngoài nước, ngày 21 tháng 11 năm 1960 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 287-TTg quy định chế độ đối với cán bộ, công nhân… đi học. Nhờ đó mà nhiều cán bộ và công nhân có điều kiện đi học và thành phần xã hội trong các trường chuyên nghiệp dần đần được cải biến; đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Đảng và Nhà nước xuất thân từ công nông, từ cán bộ cách mạng ngày một tăng.

Đến nay, trước tình hình và nhiệm vụ mới của công tác bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, một số quy định cụ thể trong thông tư nói trên không còn thích hợp nữa và cần được sửa đổi. Hội nghị của thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 02 tháng 01 và ngày 01 tháng 04 năm 1964 quyết định bổ sung chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Cán bộ, công nhân, viên chức được nghỉ công tác và được cử đi học ở các trường, các lớp đào tạo và ở các trường, các lớp bổ túc về văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ ở trong nước và ở ngoài nước không hưởng lương, mà được cấp sinh hoạt phí bằng tỷ lệ phần trăm mức lương chính khi đi học.

2. Sinh hoạt phí đi học bổ túc cao hơn sinh hoạt phí đi học đào tạo. Sinh hoạt phí đi học đào tạo được quy định cao hay thấp tùy theo thâm niên công tác liên tục của người đi học dài hay ngắn, và không thay đổi suốt thời gian học tập.

3. Sinh hoạt phí với người đi học ở trong nước và ở ngoài nước được quy định trên những nguyên tắc thống nhất nhưng có chiếu cố đến hoàn cảnh của người đi học ở ngoài nước.

4. Ngoài sinh hoạt phí, các cán bộ, công nhân, viên chức được cử đi học còn được hưởng mọi quyền lợi về phúc lợi tập thể, trợ cấp đông con, chế độ bảo hiểm xã hội, nếu trước khi đi học họ đã được hưởng.

II. NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức được cử đi học trường và lớp bổ túc trong nước.

Không kể thâm niên công tác dài hay ngắn, các cán bộ, công nhân, viên chức đi học các trường và lớp bổ túc đều được hưởng sinh hoạt phí bằng 95% mức lương chính trước khi đi học nếu thời gian học không quá 12 tháng đối với trường và lớp trình độ đại học, không quá sáu tháng đối với trường và lớp trình độ trung học chuyên nghiệp, và không quá ba tháng đối với trường và lớp sơ học chuyên nghiệp.

Nếu thời gian học dài hơn thời gian nói trên thì người đi học bổ túc hưởng chế độ sinh hoạt phí của cán bộ đi học đào tạo quy định dưới đây.

2. Chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức được cử đi học các trường và lớp đào tạo trong nước.

Tính đến ngày đi học, nếu thâm niên công tác liên tục từ ba năm tròn trở lên thì cán bộ, công nhân, viên chức đi học được hưởng sinh hoạt phí thống nhất, không kể lương bậc trước khi đi học cao hay thấp:

Đại học 28đ hay là 30 đồng (ở nơi có phụ cấp khu vực từ 10% trở lên).

Trung học chuyên nghiệp 26đ hay là 28đ (ở nơi có phụ cấp khu vực từ 10% trở lên).

Sơ học chuyên nghiệp 24đ hay là 26đ (ở nơi có phụ cấp khu vực từ 10% trở lên).

- Nếu thâm niên công tác liên tục từ năm năm tròn trở lên thì cán bộ, công nhân, viên chức được cử đi học được hưởng sinh hoạt phí bằng 80% mức lương chính trước khi đi học và phụ cấp khu vực, nếu có. Trường hợp 80% mức lương chính thấp hơn mức sinh hoạt phí thống nhất thì được hưởng sinh hoạt phí thống nhất;

- Cán bộ, công nhân, viên chức được tặng huân chương, huy chương Kháng chiến, Chiến thắng trong dịp khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và công tác liên tục đến ngày đi học, được hưởng sinh hoạt phí bằng 90% mức lương chính trước khi đi học và phụ cấp khu vực, nếu có;

- Các anh hùng lao động, anh hùng quân đội, không kể thời gian công tác liên tục dài hay ngắn đi học đều được hưởng sinh hoạt phí bằng 95% mức lương chính trước khi đi học và phụ cấp khu vực, nếu có;

- Đối với cán bộ, công nhân, viên chức được cử đi học, nếu là người dân tộc thiểu số, là người đang công tác ở miền núi, rẻo cao, ở vùng hải đảo, hoặc là chiến sĩ thi đua hai năm liền thì khi tính thâm niên, được rút bớt một năm;

- Những cán bộ, công nhân đi học không đủ các tiêu chuẩn thâm niên nói trên, hoặc có đủ thâm niên công tác nhưng không được cơ quan cử đi học (tự nguyện xin nghỉ để đi học) thì chỉ được xét cấp học bổng theo chế độ của học sinh, sinh viên thường.

3. Chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở ngoài nước.

Những cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở ngoài nước, ngoài sinh hoạt phí quy định thống nhất, tùy theo điều kiện sinh hoạt ở mỗi nước, còn được trợ cấp một số tiền ở trong nước, nếu có cha mẹ, vợ con phải nuôi dưỡng, cụ thể như sau:

1. Nếu thời gian học dưới hai năm thì được trợ cấp hàng tháng một số tiền bằng 95% lương chính trước khi đi học, không có phụ cấp khu vực.

2. Nếu thời gian học trên hai năm và có thâm niên công tác liên tục từ năm năm trở lên (trên bốn năm đối với số người thuộc diện được rút bớt thâm niên công tác) thì được trợ cấp hàng tháng một số tiền bằng tỷ lệ phần trăm mức lương chính trước khi đi học không có phụ cấp khu vực. Tỷ lệ phần trăm đó được quy định tùy theo thâm niên công tác liên tục, như đi học đào tạo ở trong nước. Người được hưởng trợ cấp nói trên phải hoàn lại Nhà nước một phần tiền ăn, mặc và tiêu vặt ở nước ngoài, theo các mức như sau:

20đ nếu được trợ cấp từ 50đ trở xuống

30đ nếu được trợ cấp từ 50đ đến 100đ

40đ nếu được trợ cấp đến 100 đồng.

Trong thời hian học ngoại ngữ, học chính trị ở trong nước, trước khi ra nước ngoài học, cán bộ, công nhân sẽ hưởng chế độ của cán bộ đi học ở trong nước. Nếu thời gian ở ngoài nước dưới hai năm thì hưởng chế độ đi học bổ túc. Thời gian học trên hai năm thì hưởng chế độ đi học đào tạo.

III. KẾ HOẠCH THI HÀNH

Thông tư này không áp dụng đối với các trường Đảng, trường quân đội và không áp dụng đối với cán bộ đi học tập trung từ năm học 1963-1964 trở về trước mà chỉ áp dụng đối với cán bộ đi học các trường, các lớp đào tạo và bổ túc nghiệp vụ, kỹ thuật, văn hóa trong nước và ngoài nước kể từ năm học 1964-1965 trở đi. Riêng đối với những người đi học ở ngoài nước, trước khi ban hành thông tư này mà không có cha mẹ, vợ con phải nuôi dưỡng thì không còn được hưởng chế độ trợ cấp nữa, kể từ ngày 01 tháng 06 năm 1964.

Các Bộ, các cơ quan cử người đi học có trách nhiệm xác định một cách chính xác thời gian công tác liên tục của từng cán bộ, công nhân gửi hồ sơ lý lịch của người đi học. Các trường tiếp nhận cán bộ, công nhân, viên chức vào học, có trách nhiệm kiểm tra để bảo đảm việc trả sinh hoạt phí được đúng chính sách.

Bộ Giáo dục có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan xác định trường lớp sơ học, trung học hay là đại học, trường lớp đào tạo hay là bổ túc để áp dụng chế độ sinh hoạt phí cho đúng đối tượng quy định.

Bộ Lao động ngoài việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc vàkiểm tra việc thi hành thông tư này, còn có trách nhiệm hướng dẫn áp dụng cụ thể các điều quy định trong thông tư đối với các trường và lớp đào tạo hoặc bổ túc nghiệp vụ của các ngành, các địa phương mở không theo năm học như các trường và lớp thuộc Bộ Giáo dục quản lý.

Tất cả những điều quy định trước đây về chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học trái với thông tư này đều bãi bỏ.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 49-TTg-1964 bổ sung chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 49-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/05/1964
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 09/06/1964
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản