Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-LĐ-TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1964

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC

Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 49-TTg ngày 25 tháng 5 năm 1964 bổ sung chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở trong nước và ở ngoài nước đã ban hành trước đây theo Thông tư số 287-TTg ngày 21 tháng 01 năm 1960.

Bộ Lao động hướng dẫn và giải thích thêm một số điểm để các cấp, các ngành thống nhất thi hành

I. VỀ NHỮNG ĐIỂM QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CHỌN ĐI HỌC CÁC TRƯỜNG HAY LỚP BỔ TÚC Ở TRONG NƯỚC.

1. Cán bộ, công nhân, viên chức được chọn đi học các trường hay lớp bổ túc ở trong nước được hưởng sinh hoạt phí bằng 95% lương trước khi đi học căn cứ vào thời gian học ở trường hay lớp.

Thời gian học ấy tính từ ngày khai giảng đến ngày bế giảng.

Thời gian học ở trường hay lớp, trình độ đại học quy định không quá 12 tháng, trình độ trung học chuyên nghiệp không quá 6 tháng, trình độ sơ học chuyên nghiệp, không quá 3 tháng.

Nếu thời gian học kéo dài hơn thời gian quy định nói trên thì mặc dầu trường hay lớp học là bổ túc, những người được chọn đi học cũng chỉ hưởng theo chế độ sinh hoạt phí của những người được chọn đi học các trường và lớp đào tạo ngay từ ngày khai giảng.

2. Các trường và lớp bổ túc nói trên bao gồm các trường và lớp bổ túc về văn hóa, nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật… cho cán bộ, nhân viên của tất cả các cấp, các ngành chính quyền ở khu vực hành chính, sự nghiệp và khu vực sản xuất.

3. Ở trong nước, những người được chọn đi học ở các trường và lớp bổ túc đặt ở nơi có phụ cấp khu vực thì cũng được hưởng phụ cấp khu vực tính trên cơ sở 95% lương chính trước khi đi học.

B. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CHỌN ĐI HỌC CÁC TRƯỜNG VÀ LỚP ĐÀO TẠO Ở TRONG NƯỚC:

1. Cán bộ, công nhân, viên chức đi học các trường và lớp đào tạo ở trong nước phải có đủ các điều kiện sau đây mới được hưởng chế độ sinh hoạt phí thống nhất hay bằng tỉ lệ phần trăm lương trước khi đi học và phụ cấp khu vực nếu có:

- Được chọn đi học, do cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền quyết định;

- Có đủ thâm niên công tác liên tục quy định, hoặc các tiêu chuẩn chiếu cố khác nói trong Thông tư số 49-TTg ngày 25-5-1964 của Thủ tướng Chính phủ.

Những người được chọn đi học mà không đủ thâm niên công tác liên tục hay các tiêu chuẩn chiếu cố khác… hoặc những người đủ thâm niên công tác liên tục… mà không được chọn đi học thì cũng chỉ được xét cấp học bổng theo chế độ của học sinh, sinh viên thường.

2. Sinh hoạt phí thống nhất quy định cho những nơi không có phụ cấp khu vực hay có phụ cấp khu vực 6% là: Đại học, 28đ; trung học chuyên nghiệp, 26đ; sơ học chuyên nghiệp, 24đ; sinh hoạt phí thống nhất quy định cho những nơi có phụ cấp khu vực 10% trở lên cho đến 40% là: Đại học, 30đ; trung học chuyên nghiệp, 28đ; sơ học chuyên nghiệp, 26đ;

3. Thâm niên công tác tính từ ngày vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp đến ngày đi học, tức là đến ngày khai giảng trường hay lớp học; cách tính thời gian công tác liên tục theo sự quy định tại thông tư liên Bộ Nội vụ - Lao động số 09-TT-LB ngày 17-7-1962 để thi hành điều lệ tạm thời về chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Những người được chọn đi học là người dân tộc thiểu số, bất kỳ công tác ở đâu, là người kinh đang công tác ở miền núi rẻo cao hay ở vùng hải đảo, là chiến sĩ thi đua hai năm liền cho đến ngày đi học, thì khi tính thâm niên được rút bớt một năm, nghĩa là, nếu những người này có hai năm tròn thâm niên công tác liên tục trở lên thì được hưởng sinh hoạt phí thống nhất; có bốn năm tròn thâm niên công tác liên tục trở lên thì được hưởng 80% mức lương chính thức trước khi đi học và phụ cấp khu vực nếu có;

Năm tròn là năm đủ 12 tháng;

Miền núi rẻo cao và vùng hải đảo là những vùng đã được quy định ở điểm 1 trong bảng danh sách các vùng đính kèm thông tư của liên Bộ Nội vụ - Lao động số 04-TT-LB ngày 23-02-1962 về phụ cấp di chuyển.

5. Những người được chọn đi học, có huân chương hay huy chương Kháng chiến, Chiến thắng thì dầu thâm niên công tác liên tục dài hay ngắn, cũng được hưởng 90% mức lương chính trước khi đi học và phụ cấp khu vực nếu có.

- Những người được chọn đi học, đã tham gia kháng chiến song vẫn chưa được xét tặng thưởng huân chương, huy chương Kháng chiến, Chiến thắng thì hưởng sinh hoạt phí tùy theo thâm niên công tác liên tục; khi được cơ quan có thẩm quyền xét tặng thưởng thì sẽ được hưởng sinh hoạt phí bằng 90% mức lương chính trước khi đi học và phụ cấp khu vực nếu có, kể từ ngày được tặng thưởng (không có truy lĩnh).

- Quân nhân phục viên về xã, cán bộ, công nhân, viên chức đã thôi việc, cán bộ xã, được tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp, khi được chọn đi học, nếu có huân chương, huy chương Kháng chiến, Chiến thắng, đều được hưởng 90% mức lương chính trước khi đi học và phụ cấp khu vực, nếu có, không kể thâm niên công tác liên tục đến ngày đi học, dài hay ngắn.

6. Quân nhân chuyển ngành thẳng từ đơn vị đến trường hay lớp học, quân nhân chuyển ngành sang các cơ quan, xí nghiệp mà được chọn đi học thì được hưởng chế độ sinh hoạt phí quy định tại thông tư liên Bộ Nội vụ - Lao động số 03-TT-LB ngày 25-01-1961.

7. Ngoài ra, nếu có những đối tượng nào khác cần được chiếu cố riêng, các cấp, các ngành sẽ bàn với Bộ Lao động để giải quyết cụ thể.

C. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC Ở NGOÀI NƯỚC.

1. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức được chọn đi học ở ngoài nước thì thâm niên công tác tính từ ngày vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp liên tục đến ngày khai giảng lớp học ngoại ngữ - đối với những người phải học ngoại ngữ, tính đến ngày lên đường ra ngoài nước - đối với những người không phải học ngoại ngữ.

2. Những người được chọn đi học ở ngoài nước có cha mẹ, vợ, con phải nuôi dưỡng mới được trợ cấp hàng tháng, theo các điều kiện sau đây:

a) Nếu thời gian học ở ngoài nước, dưới hai năm thì không kể thâm niên công tác liên tục dài hay ngắn.

b) Nếu thời gian học ở nước ngoài, trên hai năm thì phải có thâm niên công tác liên tục trên năm năm tròn (trên bốn năm tròn đối với trường hợp chiếu cố).

Những người có thâm niên dưới năm năm tròn (dưới bốn năm tròn đối với trường hợp chiếu cố) thì không được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng này.

3. Những người được chọn đi học ở ngoài nước, nếu trước khi đi học đã được hưởng trợ cấp đông con từ con thứ 3 thì vẫn được tiếp tục hưởng khoản trợ cấp đó.

4. Cha mẹ, vợ, con phải nuôi dưỡng bao gồm một trong những đối tượng như sau: vợ chính thức, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, con đẻ dưới 18 tuổi còn đi học, con chưa lập gia đình, chưa có kinh tế riêng; trường hợp là cha mẹ nuôi, con nuôi… phải được cơ quan chính quyền nơi những người đó cư trú cấp giấy chứng nhận.

5. Trường hợp hai người được chọn đi học ở ngoài nước đều được xét trợ cấp hàng tháng để nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con mà lại có chung một đối tượng phải nuôi dưỡng thì chỉ một trong hai người đó có mức sinh hoạt phí cao và thời gian học ở ngoài nước dài, được trợ cấp hàng tháng.

6. Những người được chọn đi học ở ngoài nước có cha mẹ, vợ con phải nuôi dưỡng, muốn được trợ cấp phải có giấy tờ chứng nhận hoàn cảnh do thủ trưởng cơ quan của mình cấp hoặc do chính quyền nơi gia đình cư trú cấp.

Trong quá trình đi học ở ngoài nước, nếu tình trạng gia đình của người đi học có sự thay đổi thì cơ quan của người đó phản ảnh với cơ quan cấp phát để xét lại khoản trợ cấp ấy.

7. Những người được chọn đi học ở ngoài nước, được trợ cấp hàng tháng để nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con, đều phải hoàn lại Nhà nước một phần tiền ăn, mặc và tiêu vặt ở ngoài nước theo các mức đã quy định trong Thông tư 49-TTg ngày 25-5-1964 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Đối với phiên dịch đi phục vụ các đoàn thực tập sinh thì ở trong nước được hưởng 100% lương chính không có phụ cấp khu vực và hưởng các chế độ khác như khi công tác ở trong nước.

Ở ngoài nước, sinh hoạt phí được cấp phát như thực tập sinh kể cả trang phục…Căn cứ vào 100% lương chính, cơ quan sẽ trừ đi một phầntiền ăn, mặc vàtiêu vặt ở ngoài nước quy định mới cho thực tập sinh, phần còn lại trả cho gia đình của phiên dịch hoặc gửi vào quỹ tiết kiệm Ngân hàng cho người đó.

II. VỀ KẾ HOẠCH THI HÀNH

Thông tư số 49-TTg của Thủ tướng Chính phủ thi hành kể từ ngày ban hành 25 tháng 5 năm 1964.

1. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đã đi học ở trong nước trước ngày 25-5-1964:

a) Các trường hay lớp bổ túc:

Những người đã đi học các trường, lớp bổ túc vẫn tiếp tục hưởng các mức sinh hoạt phí theo quy định cũ cho đến khi bế giảng trường hay lớp.

b) Các trường và lớp đào tạo (các trường sơ học, trung học, đại học chuyên nghiệp, bổ túc công nông):

- Các trường, lớp tổ chức thành niên khóa thì những người được chọn đi học từ niên khóa 1963-1964 trở về trước, và những người được chọn đi học các trường, lớp không tổ chức theo niên khóa mà khai giảng trước ngày 25-5-1964, đã được hưởng chế độ sinh hoạt phí quy định tại Thông tư số 287-TTg ngày 22-11-1960 của Thủ Tướng Chính phủ, vẫn được tiếp tục hưởng chế độ ấy cho đến khi học xong.

- Những người được chọn đi học trường Bổ túc công nông thì chỉ được tiếp tục hưởng chế độ ấy cho đến khi học xong ở trường bổ túc công nông. Khi được vào học các trường chuyên nghiệp thì sẽ được hưởng sinh hoạt phí theo chế độ mớiquy định tại Thông tư số 49-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở trong nước sau ngày 25-5-1964:

Những người được chọn đi học các trường, lớp bổ túc, đào tạo sau ngày 25-5-1964 thì được hưởng chế độ sinh hoạt phí mới, từ ngày khai giảng của trường hay lớp học. Nếu có trường hợp đã hưởng cao hoặc thấp hơn, cũng không đặt vấn đề truy lĩnh, truy hoàn.

3. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức được chọn đi học ở ngoài nước:

Những người đã được chọn đi học ở ngoài nước trước ngày 25-5-1964, có cha mẹ, vợ con phải nuôi dưỡng đúng theo đối tượng giải thích trong thông tư này thì vẫn được trợ cấp hàng tháng nhưng phải hoàn lại Nhà nước một phần tiền ăn mặc và tiền tiêu vặt ở ngoài nước theo các mức quy định trong Thông tư số 49-TTg. Còn những người không có cha mẹ, vợ con phải nuôi dưỡng thì từ 01-6-1964 không được trợ cấp hàng tháng nữa.

Bộ Lao động đề nghị các cấp, các ngành căn cứ vào Thông tư số 49-TTg ngày 25-5-1964 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư hướng dẫn này để thống nhất thi hành đối với cán bộ, nhân viên được bổ túc, đào tạo tại các trường sơ học, trung học, và đại học chuyên nghiệp. Chế độ này không áp dụng đối với các trường, lớp bổ túc, đào tạo công nhân mà có quy định riêng.

Khi thực hiện nếu có những vấn đề cần quy định cụ thể thêm thì đề nghị các cấp, các ngành sẽ bàn bạc thống nhất ý kiến trước với Bộ Lao động rồi mới giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-LĐ-TT-1964 hướng dẫn thi hành chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 10-LĐ-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/06/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản