Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/NV

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 1972

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 13/NV NGÀY 4 THÁNG 9 NĂM 1972 HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

Ngày 27-12-1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

Một trong những nguyên tắc của chính sách bảo hiểm xã hội là "mức đãi ngộ về bảo hiểm xã hội được quy định căn cứ vào sự cống hiến, thời gian công tác", do đó mà vấn đề quy định việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức có một ý nghĩa quan trọng.

Liên Bộ Nội vụ - Lao động đã ban hành Thông tư số 9-TT/LB ngày 17-2-1962 hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức. Sau đó, Bộ Nội vụ lại ra những văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư số 9-TT/LB và những văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể việc thi hành các chế độ bảo hiểm xã hội trong đó có những phần quy định và hướng dẫn về cách tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Nay Bộ Nội vụ tổng hợp trong Thông tư này những điểm hướng dẫn và những quy định cụ thể còn có hiệu lực thi hành cho phù hợp với thực tế, để tiện cho các ngành, các cấp nghiên cứu, áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

I. ĐỊNH NGHĨA VÀ QUY ĐỊNH CHUNG

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đã định nghĩa rõ: tất cả những danh từ đã dùng để chỉ tuổi nghề, tuổi ngành, thâm niên công tác, thâm niên cách mạng v.v... nay gọi thống nhất là thời gian công tác. Có 2 loại thời gian công tác: thời gian công tác nói chung và thời gian công tác liên tục.

1. Thời gian công tác nói chung

Tất cả những thời gian người công nhân, viên chức thoát ly kinh tế gia đình, làm việc lấy lương hay sinh hoạt phí làm nguồn sống chính ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, ở các tổ chức của Đảng hay đoàn thể cách mạng, ở trong quân đội cách mạng theo chế độ tình nguyện hoặc theo chế độ nghĩa vụ đều được tính là thời gian công tác nói chung. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp làm việc không có lương hay sinh hoạt phí như thời gian hoạt động bí mật hay thời kỳ ta mới giành được chính quyền, cán bộ chưa có chế độ sinh hoạt phí, khi ở cơ quan thì do cơ quan, đoàn thể cung cấp ăn uống, khi xuống cơ sở thì sống dựa vào nhân dân; những thời gian đó vẫn được tính là thời gian công tác.

Đối với những công nhân, viên chức có thời gian làm công ăn lương dưới chế độ cũ, trước cách mạng tháng 8-1945 hay ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nếu công việc họ làm không có tính chất chống phá cách mạng hoặc đàn áp nhân dân thì thời gian đó cũng được tính là thời gian công tác nói chung.

Quy định thời gian công tác nói chung là để xét xem người công nhân, viên chức đã lao động cho xã hội nhiều hay ít để được hưởng quyền nghỉ ngơi khi tuổi già (chế độ hưu trí).

2. THời gian công tác liên tục

Thời gian công tác liên tục là thời gian người công nhân, viên chức làm việc liên tục không đứt quãng, ở một ngành, một cơ quan, một xí nghiệp dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà; nếu làm việc ở dưới chế độ cũ thì không được tính là thời gian công tác liên tục. Trường hợp người công nhân, viên chức được tổ chức điều động từ ngành, cơ quan, xí nghiệp này đến ngành, cơ quan, xí nghiệp khác thì cũng được xem là liên tục công tác.

Thời gian người cán bộ thực sự hoạt động cho cách mạng trước ngày 19-8-1945 được tính là thời gian công tác liên tục.

Quy định thời gian công tác liên tục là để có cơ sở đãi ngộ người công nhân, viên chức trong các chế độ bảo hiểm xã hội, đồng thời còn có tác dụng khuyến khích người công nhân, viên chức yên tâm đi sâu vào ngành, nghề của mình, góp phần củng cố kỷ luật lao động, ổn định lực lượng lao động trong các ngành kinh tế quốc dân.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÁCH TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC

Căn cứ vào định nghĩa và quy định chung trên đây, vào đặc điểm của quá trình hình thành đội ngũ công nhân, viên chức của Nhà nước ta, nay quy định cụ thể cách tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước như sau:

1. Thời gian công tác của công nhân, viên chức có hoạt động cách mạng, trước ngày 19-8-1845 hay hoạt động ở vùng địch hậu trong thời kỳ kháng chiến.

a. Những cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 hay hoạt động ở vùng địch hậu trong thời kỳ kháng chiến, nếu có thời gian bị đế quốc bắt giam giữ, cầm tù, thì nói chung những thời gian bị giam giữ đó đều được tính là thời gian công tác liên tục. Riêng trường hợp bị đế quốc bắt mà phản bội (làm tay sai cho chúng) thì thời gian công tác liên tục hay thời gian công tác nói chung đều chỉ được tính từ khi trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp.

b. Nếu vì đế quốc vây bắt, khủng bố mà bị mất liên lạc với đoàn thể, phải nằm im, sau đó lại tiếp tục hoạt động, nếu đã được tổ chức xác minh, thì thời gian nằm im không được tính nhưng vẫn được cộng thời gian đã hoạt động cách mạng trước đó với thời gian hoạt động trở lại để tính là thời gian công tác liên tục. Nhưng nếu có trường hợp trong một thời gian ngắn không hoạt động thì sẽ được xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

2. Thời gian công tác của công nhân, viên chức có tham gia kháng chiến chống Pháp

a. Những cán bộ đã hoạt động cách mạng lâu năm và những công nhân, viên chức đã tham gia kháng chiến chống Pháp, được tặng thưởng Huân chương hay Huy chương kháng chiến, Huân chương, hay Huy chương chiến thắng trong dịp khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến thuộc đối tượng thi hành của Thông tư số 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Chính phủ, nếu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có thời gian bị gián đoạn công tác vì yêu cầu của tổ chức (giảm nhẹ biên chế, giải ngũ, phục viên...) hoặc vì hoạt cảnh riêng (ốm đau, sinh đẻ, gia đình có khó khăn được nghỉ dài hạn không lương) sau lại trở lại công tác, thì những thời gian đã thực sự cộng tác trước đây (là cán bộ thoát ly hoặc cán bộ chủ chốt ở xã nói ở điểm 15, đoạn a dưới đây), nay đều được cộng lại để tính là thời gian công tác liên tục, trừ thời gian gián đoạn công tác thì không được tính.

Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức đã có thời gian tối thiểu tham gia kháng chiến hay tham gia các lực lượng vũ trang và đủ điều kiện quy định trong bản thể lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến mà chưa được tặng thưởng Huân chương hay Huy chương thì khi xét để cho được áp dụng điểm này phải được sự đồng ý của Bộ, ngành chủ quản (nếu công tác ở Trung ương) hay uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh (nếu công tác ở địa phương).

b. Những người trong thời kỳ kháng chiến chưa phải là cán bộ thoát ly, chỉ là cơ sở kháng chiến, ủng hộ cách mạng giúp đỡ cán bộ, mãi sau này mới tham gia công tác thì mặc dù có được khen thưởng Huân chưởng, Huy chương cũng không thuộc diện nói trên.

c. Những công nhân, viên chức có tham gia kháng chiến một thời gian rồi vì lý do riêng biệt nào đó, được tổ chức cho phép trở về vùng địch tạm chiếm, nếu trong thời gian ở vùng địch tạm chiến vẫn tiếp tục ủng hộ kháng chiến có thành tích giúp đỡ, nuôi dưỡng cán bộ, cất dấu tài liệu, được khen thưởng Huân chương, Huy chương, bằng "gia đình có công với nước"... sau ngày hoà bình lập lại, lại được tuyển dụng là công nhân, viên chức Nhà nước thì được xét từng trường hợp cụ thể để cho cộng thời gian đã tham gia kháng chiến trước khi vào vùng địch tạm chiếm với thời gian được trở lại làm việc để tính thời gian công tác liên tục.

3. Thời gian làm việc dưới chế độ cũ

a. Thời gian công nhân, viên chức làm việc dưới chế độ cũ, trước cách mạng tháng 8-1945 hay ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà không có hành động chống phá cách mạng hoặc đàn áp nhân dân thì được tính là thời gian công tác nói chung, cụ thể quy định như sau:

- Thời gian công nhân, viên chức trực tiếp sản xuất, hoặc làm việc ở các ngành chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, hành chính đều được tính là thời gian công tác nói chung; Riêng đối với những cá nhân có hành động chống phá cách mạng, đàn áp nhân dân thì thời gian ấy và tất cả thời gian về trước đều không được tính là thời gian công tác.

- Thời gian công nhân, viên chức làm việc trong các tổ chức, trực tiếp đàn áp nhân dân, chống phá cách mạng thì không được tính là thời gian công tác; Riêng những người tuy ở trong các tổ chức đó mà có hành động tốt, ủng hộ, giúp đỡ cách mạng thì những thời gian có hành động ấy được tính là thời gian công tác nói chung.

b. Những công nhân, viên chức có thời gian làm việc dưới chế độ cũ (ở công sở hay tư sở) nhưng đã liên hệ với cách mạng, với kháng chiến và thực sự hoạt động cho cách mạng (tuy bề ngoài vẫn làm công ăn lương của chế độ cũ) thì thời gian hoạt động cách mạng được tính là thời gian công tác liên tục.

c. Trường hợp công nhân, viên chức có thời gian làm việc dưới chế độ cũ mà không được tính là thời gian công tác nói chung thì mặc dù trước đó có thời gian làm việc cho cách mạng, cho kháng chiến, cũng không được tính.

4. Thời gian làm việc theo chế độ tạm tuyển, hợp đồng (từ sau ngày hoà bình lập lại 20-9-1954)

a. Thời gian làm công nhật, có việc thì làm, không có việc lại nghỉ, nay làm nơi này, mai làm nơi khác, làm khoán tự do, làm gia công, mang về nhà làm (cơ quan không quản lý) đều không được tính là thời gian công tác.

b. Thời gian làm việc theo chế độ tạm tuyển, hợp đồng dưới 1 năm, sau đó đã thôi việc thì không được tính là thời gian công tác; nếu làm việc được trên 1 năm rồi thôi việc (không phải bị kỷ luật, buộc thôi việc) thì được tính là thời gian công tác nói chung.

c. Thời gian làm hợp đồng cho nhiều cơ quan, xí nghiệp khác nhau, hết hạn hợp đồng ở cơ quan này, lại sang làm hợp đồng ngay cho cơ quan khác thì những thời gian đó cũng chỉ được tính là thời gian công tác nói chung (nếu trên 1 năm).

d. Thời gian làm việc tạm tuyển, hợp đồng hưởng theo chế độ lương chung của Nhà nước, tiếp theo đó được chính thức tuyển dụng là công nhân, viên chức thì được tính là thời gian công tác liên tục.

đ. Thời gian làm việc tạm tuyển hưởng theo chế độ lương chung của Nhà nước liên tục từ cơ quan, xí nghiệp này sang cơ quan xí nghiệp khác do cơ quan lao động hoặc Tổ chức điều động, tiếp theo đó được chính thức tuyển dụng là công nhân, viên chức thì được tính là thời gian công tác liên tục ngay từ khi bắt đầu làm việc tạm tuyển ở cơ quan thứ nhất.

5. Thời gian tập sự, thử việc, thời gian học nghề theo lối kèm cặp

a. Thời gian công nhân, viên chức tập sự, thử việc, liền theo đó được chính thức tuyển dụng thì được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác).

b. Học sinh học nghề theo lối kèm cặp tại xí nghiệp có lương hay sinh hoạt phí, sau khi thành nghề được chính thức tuyển dụng là công nhân, viên chức thì được tính là thời gian công tác liên tục ngay từ khi bắt đầu học nghề.

6. Thời gian nằm chờ công tác

Thời gian công nhân, viên chức thương binh nằm chờ công tác do tổ chức chưa kịp bố trí thì được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác). Nhưng nếu cơ quan, xí nghiệp, đơn vị đã bố trí công tác hợp lý mà không chịu nhận thì thời gian đó không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó vẫn được cộng với thời gian công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục.

7. Thời gian đi học

a. Thời gian công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cử đi học các lớp nghiệp vụ, chính trị, văn hoá, đi học các trường chuyên nghiệp sơ cấp, trung học, đại học trong nước hay nước ngoài đều được tính là thời gian công tác liên tục (nếu vẫn liên tục công tác). Nếu công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc để đi học (không được cơ quan cử đi) thì thời gian đi học không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó được tính là thời gian công tác nói chung.

b. Thời gian học sinh và sinh viên đi học ở các trường chuyên nghiệp sơ cấp, trung học, đại học... trước khi đi là công nhân, viên chức không được tính là thời gian công tác. Thời gian công tác chỉ được tính từ khi bắt đầu vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.

8. Trường hợp công nhân, viên chức tham gia công tác từ lúc nhỏ tuổi

Trường hợp công nhân, viên chức đã tham gia công tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ khi còn nhỏ tuổi ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hay đơn vị quân đội thì được tính thời gian công tác từ khi đủ 15 tuổi (chỉ tính trường hợp được phân công làm nhiệm vụ rõ ràng, có hưởng lương, sinh hoạt phí hay được đơn vị cung cấp về ăn, mặc).

9. Thời gian ở đoàn thanh niên xung phong

a. Thanh niên xung phong thoát ly do Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức, khi hết thời hạn, được chuyển ngay sang cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc đã về địa phương một thời gian rồi mới được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp đều được cộng cả thời gian phục vụ ở Đoàn Thanh niên xung phong với thời gian làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, tính là thời gian công tác liên tục.

b. Thời gian tham gia các Đoàn thanh niên xung phong ở Liên khu 5 trước đây, do kinh phí Nhà nước đài thọ và đã phục vụ công tác kháng chiến liên tục cho đến khi ra Bắc tập kết thì cũng được tính là thời gian công tác liên tục.

c. Thời gian tham gia các Đoàn thanh niên do địa phương tổ chức để làm các công tác ở địa phương, không thoát ky kinh tế gia đình thì không được tính. Thời gian phục vụ ở các đơn vị do Đoàn thanh niên tổ chức để phục vụ công tác đột xuất rồi lại giải tán về địa phương thì xem như đi làm nghĩa vụ mà không được tính là thời gian công tác.

10. Thời gian làm nghĩa vụ quân sự, dân công

a. Quân nhân nghĩa vụ khi hết thời hạn được chuyển ngay sang cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc đã về địa phương một thời gian rồi mới được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp đều được cộng cả thời gian làm nghĩa vụ quân sự với thời gian làm việc ở cơ quan, xí nghiệp để tính là thời gian công tác liên tục.

b. Công nhân, viên chức đang công tác được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự, sau đó lại trở về cơ quan, xí nghiệp thì xem như vẫn liên tục công tác.

c. Thời gian làm nghĩa vụ dân công, sau đó được lấy vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, không được tính là thời gian công tác. Riêng thời gian đi dân công hoả tuyến, phục vụ các chiến trường, sau đó được lấy vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp thì được tính là thời gian công tác liên tục.

11. Thời gian phục vụ công tác đột xuất

a. Thời gian công nhân, viên chức được điều động đi làm các công tác thuế, chống hạn, chống lụt, đi phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, cải tiến quản lý hoạt tác xã v.v... đều được tính là thời gian công tác liên tục.

b. Cán bộ xã được huy động đi làm các công tác đột xuất, tiếp theo đó được lấy vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp được tính thời gian công tác liên tục từ ngày đi làm công tác đột xuất.

12. Thời gian nghỉ việc do yêu cầu của tổ chức, nghỉ việc vì mất sức lao động, thời gian đi an dưỡng, thời gian ở trại thương binh

a. Do đặc điểm tình hình của nước ta, có những trường hợp do yêu cầu tổ chức, công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cho thôi việc vì giản chính, giảm nhẹ biên chế, kiện toàn tổ chức và quân nhân tình nguyện được phục viên hoặc giải ngũ, sau được tuyển dụng trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, nếu trong thời gian nghỉ việc vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì được cộng thời gian đã công tác trước khi nghỉ việc với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục (trừ thời gian nghỉ việc không tính).

b. Trường hợp công nhân, viên chức đã nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động, cán bộ miền Nam tập kết đã đi an dưỡng, điều dưỡng hưởng chế độ trợ cấp theo chỉ thị số 1000-TTg ngày 5-8-1956 của Thủ tướng Chính phủ, thương binh về xã tự túc hay ở Trại thương binh sau khi trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp cũng được cộng thời gian đã công tác trước khi nghỉ việc với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục (trừ thời gian nghỉ việc ở trại an dưỡng, điều dưỡng, Trại thương binh về xã tự túc thì không tính).

c. Còn những trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc, quân nhân xin giải ngũ vì hoàn cảnh riêng, sau được trở lại làm việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc hoặc giải ngũ không được tính là thời gian công tác liên tục mà chỉ được tính là thời gian công tác nói chung (thời gian nghỉ việc không tính). Riêng đối với cán bộ đã hoạt động cách mạng từ trước ngày 19-8-1945 và công nhân, viên chức đã tham gia kháng chiến và được tặng thưởng Huân chương và Huy chương kháng chiến, Huân chương hay Huy chương chiến thắng thuộc đối tượng thi hành của Thông tư số 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Bộ trưởng, nếu có trường hợp vì hoàn cảnh riêng phải tạm thời nghỉ việc thì được áp dụng theo Điều 2 phần II đã nói ở trên.

13. Thời gian nghỉ phép, nghỉ ốm đau, vì tai nạn lao động

a. Thời gian công nhân, viên chức tạm nghỉ có lý do chính đáng: nghỉ hàng năm, nghỉ đẻ, nghỉ dưỡng sức, nghỉ vì ốm đau, vì tai nạn lao động, nghỉ phép về việc riêng, nghỉ vì nhà máy, công trường thiếu nguyên liệu, máy móc hỏng, vì mưa bão, lụt v.v... được cơ quan, xí nghiệp cho phép hay thầy thuốc chứng nhận đều được tính là thời gian công tác liên tục.

b. Thời gian công nhân, viên chức tạm thời phải nghỉ việc không hưởng lương hoặc hưởng trợ cấp xã hội, do cơ quan, xí nghiệp chưa bố trí được công việc (nói tại điểm 4, Thông tư số 195-TTg ngày 7-7-1977 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ trả lương tạm thời trong thời chiến, được tính là thời gian công tác liên tục cho đến khi có quy định mới.

c. Riêng đối với công nhân, viên chức thực sự làm việc chưa đủ 5 năm mà ốm đau kéo dài phải thôi việc hoặc chết thì thời gian công tác được tính theo Thông tư số 22-NV ngày 18-8-1969 của Bộ Nội vụ.

d. Thời gian công nhân, viên chức nghỉ dài hạn không lương và thời gian tự tiện bỏ việc không được tính là thời gian công tác. Thời gian công tác trước đó được tính vào thời gian công tác nói chung, nếu trong khi bỏ việc không có hành động chống đối chính sách, chống phá cách mạng.

14. Thời gian ngừng việc vì bị kỷ luật

a. Thời gian công nhân, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm giam để chờ truy tố trước toà án hoặc chờ xét định kỷ luật thì tính như sau:

- Nếu sau khi xét xử mà bị kỷ luật buộc phải thôi việc, hoặc bị kết án tù ngồi và sau lại được trở lại làm việc thì thời gian tạm bị đình chỉ công tác hay bị tạm giam nói trên không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó thì được tính là thời gian công tác nói chung.

- Nếu đặc biệt có trường hợp sau xét ra là oan thì thời gian bị tạm giam, bị đình chỉ công tác vẫn được tính là thời gian công tác liên tục. Trường hợp tuy được tha, không bị án tù nhưng không được tiếp tục công tác, sau này mới lại được trở lại công tác ở cơ quan, xí nghiệp thì thời gian gián đoạn công tác không được tính, nhưng được cộng thời gian đã công tác trước khi bị đình chỉ công tác với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục.

b. Thời gian công nhân, viên chức đã bị kỷ luật buộc phải thôi việc hoặc đã bị án tù ngồi và sau lại được trở lại làm việc thì đều không được tính là thời gian công tác, còn thời gian trước đó chỉ được tính vào thời gian công tác nói chung.

Riêng đối với những cán bộ đã tham gia cách mạng từ trước ngày 19-8-1945 và những công nhân, viên chức đã có nhiều thành tích trong kháng chiến, trong lao động sản xuất đã được tặng Huân chương, Huy chương của Nhà nước, những anh hùng lao động, anh hùng quân đội thì các Bộ, các ngành ở Trung ương và các uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh cần cân nhắc kỹ càng và trao đổi với Bộ Nội vụ để xét từng trường hợp cụ thể để cho tính hoặc không cho tính thời gian trước khi bị kỷ luật là thời gian công tác liên tục.

c. Thời gian công nhân, viên chức bị án treo, nếu không bị đình chỉ công tác thì vẫn được tính là thời gian công tác liên tục.

- Trường hợp bị đình chỉ công tác, bị tạm giam trước khi bị án treo thì thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giam không được tính là thời gian công tác, còn thời gian đã công tác trước đó vẫn được cộng với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục.

d. Những trường hợp bị kỷ luật vì có hoạt động chống phá cách mạng thì thời gian công tác trước khi bị kỷ luật không được tính (cả thời gian công tác liên tục cũng như thời gian công tác nói chung) mà chỉ được tính từ khi trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp.

15. Thời gian công tác nửa thoát ly

Thời gian công tác nửa thoát ly ở xã, chưa tách khỏi kinh tế gia đình thì nói chung không được tính là thời gian công tác, trừ những trường hợp cụ thể quy định sau đây:

a. Công nhân, viên chức có thời gian giữ những chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thư ký hay Uỷ viên thường trực Uỷ ban hành chính xã, Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ Đảng uỷ xã, Đảng uỷ viên thường trực (Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ chi uỷ xã, Chi uỷ viên thường trực phụ trách văn phòng Chi bộ xã ở những xã chưa tổ chức thành Đảng uỷ), xã đội trưởng, xã đội phó, chính trị viên xã đội, chính trị viên phó xã đội (nếu có) tuy không thoát ly kinh tế gia đình nhưng đã thực sự công tác, tiếp theo đó được điều động lên làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hay vào bộ đội, thì thời gian giữ các chức vụ trên được tính là thời gian công tác liên tục.

Nếu trong thời gian giữ những chức vụ trên có bị gián đoạn một thời gian ngắn (có lý do chính đáng) sau lại tiếp tục giữ những chức vụ đó hoặc được đi công tác thoát lý thì cần phải xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

b. Công nhân, viên chức có thời gian giữ những chức vụ uỷ viên uỷ ban hành chính xã, đảng uỷ viên xã (chi uỷ viên chi bộ xã ở những xã không tổ chức thành Đảng uỷ), trưởng, phó các ngành, các giới ở xã, giao thông viên xã, du kích xã, thì thời gian giữ các chức vụ trên được tính là thời gian công tác nói chung.

Riêng du kích đã thoát ly, tập trung lên huyện, do huyện cung cấp sinh hoạt phí và chịu sự điều động của huyện (như bộ đội địa phương) tiếp theo đó được bổ sung vào bộ đội chính quy hay được tuyển vào cơ quan xí nghiệp Nhà nước, thì thời gian công tác liên tục được tính kể từ ngày thoát ly, tập trung lên huyện.

c. Cán bộ xã đang giữ những chức vụ nói ở đoạn a trên được đi học chuyên môn, kỹ thuật, chính trị, văn hoá..., sau đó được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian công tác liên tục được tính kể từ ngày giữ những chức vụ đó.

d. Cán bộ xã đang giữ những chức vụ nói ở đoạn b, trên được đi học chuyên môn kỹ thuật, chính trị, văn hoá..., sau đó được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian công tác liên tục được tính kể từ ngày được tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp; thời gian công tác làm công tác nửa thoát ly ở xã trước khi đi học được tính là thời gian công tác nói chung như đã quy định ở đoạn b, thời gian đi học không được tính là thời gian công tác.

16. Thời gian ở Hợp tác xã, ở tập đoàn sản xuất

a. Thời gian là xã viên các hợp tác xã là đoàn viên các tập đoàn sản xuất, tập đoàn vận tải, bốc xếp v.v... (thuộc khu vực kinh tế tập thể) trước khi là công nhân, viên chức Nhà nước thì không được tính là thời gian công tác, trừ trường hợp là cán bộ Nhà nước được cử về phụ trách hợp tác xã vẫn hưởng mọi chế độ như công nhân, viên chức Nhà nước, thì thời gian phụ trách hợp tác xã vẫn được tính là thời gian công tác.

b. Riêng đối với một số cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân miền Nam tập kết vì yêu cầu của Tổ chức được đi sản xuất ở các tập đoàn sản xuất do Uỷ ban Thống nhất quản lý, sau đó các Tập đoàn sản xuất đã chuyển thành xí nghiệp hoặc nông trường quốc doanh và các anh chị em nói trên vẫn liên tục công tác ở cơ sở sản xuất đó cho đến nay lại là công nhân, viên chức Nhà nước thì thời gian sản xuất ở các Tập đoàn sản xuất đó cũng như thời gian công tác trước đó đều được tính là thời gian công tác liên tục. Những công nhân, viên chức trước là cán bộ xã miền Nam (kể cả cán bộ thôn, xóm hoặc gia đình cán bộ) khi tập kết ra Bắc được bố trí đi sản xuất ở các Tập đoàn sản xuất do uỷ ban thống nhất quản lý và vẫn làm việc liên tục cho đến nay là công nhân, viên chức của xí nghiệp Nông trường quốc doanh như đã nói ở trên thì thời gian sản xuất ở các Tập đoàn đó cũng được tính là thời gian công tác liên tục.

c. Những cán bộ, công nhân, viên chức quân nhân miền Nam tập kết sau khi được cơ quan, đơn vị cho nghỉ việc vì giảm nhẹ biên chế, vì phục viên, tự động đứng ra tổ chức những Tập đoàn sản xuất hoặc hợp tác xã, không do Uỷ ban Thống nhất quản lý thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc vẫn được cộng với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục.

d. Những cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân miền Nam tập kết được bố trí đi sản xuất ở các Tập đoàn sản xuất (do Uỷ ban Thống nhất quản lý) nhưng nửa chừng đã bỏ Tập đoàn, ra ngoài làm ăn tự do, sau lại được vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian ở Tập đoàn không được tính là thời gian công tác, còn thời gian công tác liên tục cũng được tính như trường hợp nói ở đoạn c trên đây. Nhưng nếu đang ở Tập đoàn sản xuất lại được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian sản xuất ở Tập đoàn vẫn được cộng với thời gian đã công tác trước và sau này để tính là thời gian công tác liên tục.

đ. Cách tính thời gian công tác ở Tập đoàn sản xuất miền Nam như đã nói trên đây chỉ áp dụng đối với cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân là người miền Nam tập kết; nhưng nếu có những anh chị em là người miền Bắc, do yêu cầu cần thiết được bố trí sản xuất ở các Tập đoàn sản xuất miền Nam thì cần xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

17. Thời gian làm việc ở các xí nghiệp công tư hợp doanh

a. Công nhân, viên chức trước đây làm việc ở các xí nghiệp của chủ tư nhân trong vùng tạm bị chiếm sau khi giải phóng các thành phố, vẫn tiếp tục làm việc cho đến nay các xí nghiệp đó đã trở thành xí nghiệp công tư hợp doanh thì:

- Thời gian làm việc cho các xí nghiệp, cửa hàng của chủ tư nhân trong thời kỳ tạm chiếm được tính vào thời gian công tác nói chung; nếu có hoạt động chống phá cách mạng thì không được tính.

- Thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ ngày Chính phủ tiếp quản địa phương.

b. Công nhân, viên chức làm việc ở các xí nghiệp tư nhân ở vùng tự do, nay các xí nghiệp đó đã trở thành xí nghiệp công tư hợp doanh, thời gian công tác nói chung được tính từ ngày làm việc ở xí nghiệp, thời gian công tác liên tục được tính từ ngày hoà bình lập lại (20-7-1954) nếu vẫn làm việc liên tục ở xí nghiệp đó.

c. Công nhân, viên chức ở các cơ quan, xí nghiệp, Nhà nước được điều động sang công tác ở các xí nghiệp công tư hợp doanh thì coi như vẫn liên tục công tác.

d. Những người tiểu chủ và tư sản ở các xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh được tính thời gian công tác liên tục kể từ ngày được xếp việc và thực sự làm việc liên tục cho xí nghiệp, cửa hàng đó. Nếu có trường hợp được điều động từ xí nghiệp này sang xí nghiệp khác thì coi như vẫn liên tục công tác.

đ. Vợ, con của người tư sản làm việc ở xí nghiệp, cửa hàng từ trước ngày vào công tư hợp doanh, khi xí nghiệp, cửa hàng đó còn thuộc quyền sở hữu của gia đình họ thì thời gian đó không được tính thời gian công tác. Thời gian công tác liên tục đối với những người này cũng chỉ được tính từ ngày được xếp việc và thực sự làm việc liên tục cho xí nghiệp, cửa hàng sau khi đã đưa vào công tư hợp doanh.

18. Thời gian công tác của giáo viên phổ thông

Thời gian công tác của giáo viên phổ thông cũng tính theo các quy định chung đối với công nhân, viên chức Nhà nước. Riêng một số điểm được quy định cụ thể như sau:

a. Thời gian dạy học ở nhà tư (do cha mẹ học sinh nuôi thầy dậy học trong nhà) không được tính là thời gian công tác.

b. Thời gian làm hương sư dưới chế độ cũ có lương tháng (bằng tiền hoặc bằng thóc) được tính là thời gian công tác nói chung.

c. Thời gian dạy ở các trường tư thục trước cách mạng tháng 8-1945 hoặc ở vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có lương tháng và lấy lương đó làm nguồn sống chính (không có cổ phần ở trường, chỉ có tính chất làm công ăn lương) được tính là thời gian công tác nói chung; thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ ngày Chính phủ tiếp quản địa phương. Những người làm hiệu trưởng danh nghĩa (không tham gia giảng dạy) hoặc tự bỏ vốn mở trường tư thục thuê giáo viên thuê giáo viên đến dạy (có tính chất kinh doanh), mặc dù bản thân cũng tham gia giảng dạy, thì những thời gian đó không được tính là thời gian công tác.

d. Thời gian dạy ở các trường tư thục ở vùng tự do, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được Uỷ ban hành chính địa phương cho phép tự thu lấy học phí của học sinh để làm nguồn sống chính, được tính là thời gian công tác nói chung. Thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ ngày trường học được chuyển sang cho 1 đoàn thể (trong Mặt trận Liên Việt) quản lý, hoặc kể từ ngày được chuyển sang chế độ dân lập (nếu chuyển trước ngày hoà bình lập lại) hoặc kể từ ngày hoà bình lập lại (nếu người giáo viên vẫn còn tiếp tục giảng dạy theo chế độ tư thục như nói ở trên).

đ. Thời gian làm giáo viên dân lập được Uỷ ban hành chính từ cấp huyện trở lên công nhận được tính là thời gian công tác liên tục, nếu vẫn liên tục công tác.

19. Thời gian công tác của công nhân, viên chức trước là kiều bào ở nước ngoài.

a. Công nhân, viên chức trước là kiều bào ở các nước tư bản, đã có thời gian làm công ăn lương ở các cơ quan, xí nghiệp, thì cách tính thời gian công tác nói chung cũng giống như cách tính đối với công nhân, viên chức trong nước có thời gian làm việc dưới chế độ cũ quy định ở điểm 3 phần II của Thông tư này. Còn thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ khi được tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước ta.

Nếu khi ở nước ngoài, công nhân, viên chức là kiều bào hoạt động thực sự cho phong trào cách mạng (là cán bộ cách mạng hoạt động bí mật) nay về nước lại tiếp tục công tác ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước ta thì tất cả thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài cũng được tính là thời gian công tác liên tục.

b. Công nhân, viên chức trước là kiều bào ở các nước xã hội chủ nghĩa, khi còn ở nước bạn đã làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước xã hội chủ nghĩa, sau khi về nước lại được tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp của ta thì thời gian làm việc liên tục ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước xã hội chủ nghĩa trước khi về nước cũng được tính là thời gian công tác liên tục.

20. Thời gian công tác của công nhân, viên chức là ngoại kiều

a. Công nhân, viên chức là ngoại kiều thuộc các nước tư bản khi còn ở nước họ đã có thời gian làm công ăn lương ở các cơ quan, xí nghiệp thì cách tính thời gian công tác nói chung cũng giống như cách tính đối với công nhân, viên chức Việt Nam làm việc dưới chế độ cũ quy định ở điểm 3 phần II của Thông tư này. Còn thời gian công tác liên tục chỉ được tính từ khi làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

b. Công nhân, viên chức là ngoại kiều thuộc các nước xã hội chủ nghĩa khi ở trong nước đã có thời gian công tác ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước (xã hội chủ nghĩa), khi sang Việt Nam lại được tuyển dụng ngay vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước ta thì những thời gian đó được coi là thời gian công tác liên tục.

21. Tính thời gian công tác về những tháng lẻ

a. Khi xét điều kiện về thời gian công tác để giải quyết cho công nhân, viên chức hưởng các chế độ hưu trí, chế độ thôi việc vì mất sức lao động, chế độ tiền tuất hàng tháng thì tính 1 năm phải đủ 12 tháng, 5 năm phải đủ 60 tháng. Nhưng khi người công nhân, viên chức đã có đủ điều kiện để hưởng các chế độ nói trên rồi, thì khi xét để tính mức trợ cấp, phải căn cứ vào thời gian công tác liên tục, nếu có những tháng lẻ sẽ tính gọn như sau:

- Dưới 1 tháng không tính

- Từ 1 tháng đến 7 tháng tính là nửa năm

- Trên 7 tháng, tính là đủ năm.

Thí dụ: Một viên chức đủ 60 tuổi, thời gian công tác nói chung đủ 25 năm, trong đó có 12 năm 8 tháng công tác liên tục. Viên chức này đã có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, thời gian công tác liên tục được tính chẵn 13 năm để tính tỷ lệ trợ cấp; Nhưng nếu người đó chỉ có 12 năm 29 ngày công tác liên tục thì chỉ tính chẵn là 12 năm công tác liên tục thôi.

Một công nhân khác cũng 60 tuổi, thời gian công tác nói chung 28 năm nhưng thời gian công tác liên tục mới có 4 năm 11 tháng. Trường hợp này không thể dựa vào quy định trên mà tính tròn là 5 năm để cho người đó hưởng chế độ hưu trí được, vì trong những điều kiện để hưởng chế độ này đã được quy định là phải có đủ 5 năm (tức 60 tháng) công tác liên tục.

b. Các tính tháng lẻ đối với những người già yếu mất sức lao động phải thôi việc nhưng không có đủ 5 năm công tác liên tục, chỉ được trợ cấp 1 lần theo Điều 40 của Điều lệ bảo hiểm xã hội cũng tính như trên.

Thí dụ: Một công nhân phải thôi việc vì mất sức lao động có 3 năm 3 tháng công tác liên tục thì được coi như 3 năm rưỡi và được trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng rưỡi lương kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có); nhưng nếu người đó có 4 năm 9 tháng công tác liên tục thì được coi như 5 năm để được trợ cấp 1 lần bằng 5 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có) chứ không được coi như đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng.

Việc tính thời gian công cho công nhân, viên chức là một chính sách lớn, liên quan đến nhiều chính sách khác và bao gồm nhiều vấn đề phức tạp, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, tư tưởng công nhân, viên chức, đến đoàn kết nội bộ, đến chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Bộ Nội vụ lưu ý các Bộ, các cơ quan, đoàn thể Trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương cần có kế hoạch lãnh đạo thật thật chặt chẽ, hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp thấy hết khó khăn phức tạp của vấn đề để nắm thật vững tinh thần, nội dung của chính sách, tiến hành cho chu đáo, thận trọng và chính xác.

Trong khi thi hành, nếu có trường hợp chưa được quy định trong Thông tư này hoặc có những trường hợp cụ thể cần cân nhắc kỹ, đề nghị các cơ quan, đoàn thể Trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương trao đổi với Bộ Nội vụ để góp ý kiến giải quyết.

Thông tư này thay cho những văn bản và những đoạn văn bản sau đây:

- Thông tư Liên Bộ Nội vụ - Lao động số 9-TT/LB ngày 17-2-1962 hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức.

- Thông tư số 18-NV ngày 23-6-1964 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định việc tính tháng lẻ của thời gian công tác liên tục đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

- Công văn số 640-TBHT ngày 9-3-1966 của Bộ Nội vụ về việc tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức để được hưởng các chế độ hưu trí, mất sức lao động, tiền tuất.

- Thông tư số 5-NV ngày 27-5-1970 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc tính thời gian công tác cho quân nhân nghĩa vụ để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

- Điểm 3 (cách tính thời gian công tác liên tục) trong phần I của Thông tư số 10-NV ngày 26-3-1964 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Thông tư số 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Chính phủ về chế độ trợ cấp hưu trí và trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

- Điểm 1 Công văn số 1474-TBAT ngày 26-4-1965 của Bộ Nội vụ hướng dẫn cách tính thời gian công tác đối với cán bộ miền Nam có thời gian đi sản xuất Tập đoàn và công nhân, viên chức là bộ đội chuyển ngành, thương binh.

- Đoạn quy định về cách tính thời gian công tác trong điểm 2 của Thông tư số 6-NV ngày 6-4-1968 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành các chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, tiền tuất đối với giáo viên dân lập cấp I.

Lê Tất Đắc

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13/NV-1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước do Bộ nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 13/NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/09/1972
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản