Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 33-GD | Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 1963 |
Do tình hình riêng của ngành giáo dục nên việc vận dụng điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức Nhà nước vào các trường hợp cụ thể của ngành có gặp khó khăn. Theo yêu cầu và đề xuất của Bộ Giáo dục, tại công văn số 501/BHPL ngày 20-2-1963, Bộ Nội vụ đã quy định tạm thời thêm một số điểm. Căn cứ vào những điểm đó, Bộ hướng dẫn sau đây cách áp dụng một số chế độ bảo hiểm xã hội cho giáo viên quốc lập, cán bộ giảng dạy trong ngành.
1- VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP KHI ỐM ĐAU:
-"Chế độ giờ giấc làm việc của cán bộ giảng dạy, giáo viên các cấp của ngành giáo dục cũng theo như chế độ chung của công nhân viên chức khác: làm việc đủ 6 ngày trong một tuần lễ, mỗi ngày làm việc 8 giờ kể cả lên lớp, soạn bài, chấm bài, hội họp. Vì vậy, giáo viên ốm hoặc nghỉ việc để đi khám bệnh dưới 1 ngày thì vẫn được trả đủ lương. Nếu ốm từ 1 ngày trở lên thì mới thi hành chế độ đãi ngộ khi ốm đau. Như thế, giáo viên ốm nghỉ 1/2 giờ không lên lớp được hoặc nghỉ một buổi dạy học hoặc một buổi họp thì vẫn được trả đủ lương".
Thí dụ: + 1 giáo viên cấp 1 mỗi ngày có 1 buổi lên lớp và 1 buổi soạn, chấm bài, nếu ốm nghỉ trong 2 buổi đó thì mới là nghỉ dưới một ngày, chưa thi hành bảo hiểm xã hội.
+ Từ cấp II trở lên, nếu trong ngày hôm đó giáo viên chỉ có 1, 2 giờ lên lớp theo thời khoá biểu của trường mà bị ốm, nghỉ lên lớp số giờ đó và buổi dành cho công việc soạn chấm bài cũng nghỉ thì hôm đó đã nghỉ cả ngày và có thi hành bảo hiểm xã hội.
- "Giáo viên ốm đau trong thời gian nghỉ hè không hưởng trợ cấp khi ốm đau mà vẫn hưởng đủ lương, kể cả trường hợp ốm phải nằm bệnh viện".
Về điểm này, công văn số 1049LB-BHXH ngày 6-7-1962 của Bộ Lao động cũng ghi:
"Giáo viên trong thời gian nghỉ hè do Bộ Giáo dục đã quy định cho các giáo viên, cũng như mọi công nhân viên chức trong thời gian nghỉ phép hàng năm, nếu ốm đau, dù điều trị ở bệnh viện hay ở gia đình, vẫn được hưởng lương như khi công tác, mà không hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Vì những ngày đó là những ngày người giáo viên và công nhân viên được quyền nghỉ và hưởng lương".
- "Trường hợp giáo viên kém sức khỏe, được cơ quan y tế đề nghị chế độ rút bớt số giờ lên lớp hàng tuần, thì được hưởng một phần lương còn một phần hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội tuỳ theo tỷ lệ số giờ được rút bớt so với số giờ phải lên lớp hàng tuần".
Thí dụ: + Một giáo viên yếu sức được cơ quan y tế đề nghị chế độ rút bớt 1/2 số giờ lên lớp hàng tuần, thì hưởng 1/2 phần là lương, 1/2 là trợ cấp bảo hiểm xã hội. Các ông Hiệu trưởng và tổ chức công đoàn nhà trường cần chú ý đảm bảo chế độ làm việc rút bớt giờ cuả giáo viên đó để tạo điều kiện cho anh chị em mau phục hồi sức khoẻ. Nên tránh tình trạng rút bớt một số giờ giảng dạy lại phân công một số công việc nào đó, vừa làm cho giáo viên không được nghỉ ngơi đầy đủ và vừa có thể gây thắc mắc cho giáo viên khi thấy mình vẫn làm việc mà lại hưởng trợ cấp bảo hiểm thay lương.
Trường hợp giáo viên yếu đó muốn tham gia một số việc nào của nhà trường thì coi là tự nguyện và vẫn thi hành chế độ làm việc rút bớt giờ theo điều lệ bảo hiểm xã hội.
"Do tình hình trường sở còn thiếu, nơi làm việc còn chật hẹp, giáo viên có một số thời gian làm việc ở nhà riêng hay tại ký túc xá vì vậy khi ốm đau phải báo cáo vơí Ban giám hiệu và công đoàn nhà trường để thi hành chế độ bảo hiểm xã hội. Điều này áp dụng chung cho cả cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh trong thời gian chưa lên lớp mà còn nghiên cứu chuẩn bị tài liệu".
Để thi hành chế độ này được tốt, Công đoàn nhà trường cần làm cho anh chị em tự nguyện, tự giác chấp hành đúng chính sách, mặt khác phải tổ chức kiểm tra quản lý lao động chặt chẽ để khỏi ảnh hưởng đến kỷ luật lao động.
Ngoài ra Bộ nhắc lại rằng ngoài những ngày nghỉ hè, nghỉ lễ và nghỉ phép về việc riêng đã quy định tại thông tư 025/TT ngày 4-7-1959 của Bộ, những trường hợp khác, nếu không thuộc phạm vi bảo hiểm xã hội (hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thay lương) đều không được trả lương.
2- NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG:
Ngoài những trường hợp như đã quy định chung cho công nhân viên chức Nhà nước tại thông tư số 01/TT-LB ngày 23-1-1962 của Liên bộ nay quy định cụ thể thêm các trường hợp như sau:
- Nếu vì điều kiện trường sở, ngưòi giáo viên phải làm việc ở nhà riêng, ở phòng riêng, ở ký túc xá để soạn bài, chấm bài, nghiên cứu khoa học theo những đề tài được phân công mà bị tai nạn lao động thì được hưỏng chế độ đãi ngộ về tai nạn lao động.
- Riêng về công tác nghiên cứu khoa học, nếu cần thiết phải tiến hành ngoài giờ hành chính, cả ban đêm hoặc ngày nghỉ, trong phạm vi những đề tài được nhà trường hay cơ quan Nhà nước phân công, giáo viên đi dạy bổ túc văn hoá theo sự phân công cuả nhà trường, đi thăm hỏi phụ huynh học sinh, đi sưu tầm giáo cụ trực quan ngoài giờ hành chính theo kế hoạch chung của nhà trường hoặc có báo cáo trước cho nhà trường biết, mà bị tai nạn thì cũng được hưởng chế độ đãi ngộ về tai nạn lao động.
- Giáo viên đi họp, sinh hoạt buổi tối, nếu bị tai nạn thì cũng như các công nhân viên chức nói chung, không được coi là tai nạn lao động. Các trường hợp đi họp ngoài giờ hành chính vì nhu cầu công tác, sản xuất đã được quy định tại thông tư liên bộ số 01TT/LB ngày 23-1-1962. Đây chỉ nói các trường hợp đi sinh hoạt đoàn thể mà thôi.
"Việc xác định những trường hợp tai nạn nào là tai nạn lao động, có liên quan chặt chẽ đến việc quy định thời gian lao động trong ngày của ngành giáo dục, nên từng địa phương cần quy định 8 giờ lao động trong ngày cuả giáo viên cho rõ ràng để việc thi hành chế độ được thống nhất và thuận tiện hơn".
Thông tư số 46-TT và 47-TT ngày 24-10-1962 của Bộ Giáo dục đã quy định rõ chế độ công tác, sinh hoạt hội họp, học tập của giáo viên . Các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn các trường thi hành nghiêm chỉnh để đảm bảo tận dụng thời gian lao động của giáo viên đảm bảo giờ chính quyền.
Trường hợp nữ giáo viên có thời gian nghỉ đẻ trùng vào dịp nghỉ hè được quy định như sau:
Nếu thời gian nghỉ trước hoặc sau khi đẻ có một số ít ngày (dưới 20 ngày) trùng vào tháng nghỉ hè, thì thời gian nghỉ hè đó cũng coi là thời gian nghỉ đẻ nên không giải quyết nghỉ thêm. Nếu thời gian nghỉ đẻ trùng vào tháng nghỉ hè từ 20 ngày đến 30 ngày thì được tính cho nghỉ thêm từ 10 đến 15 ngày nữa.
- Còn nếu thời gian nghỉ trước hoặc sau khi đẻ chỉ là liền kề với tháng nghỉ hè thì thời gian nghỉ đẻ vẫn được bố trí đủ 60 ngày theo chế độ quy định chung.
Thí dụ: + tháng 6 là tháng nghỉ hè, nếu thời gian nghỉ trước và sau khi đẻ của nữ giáo viên có một số ngày (dưới 20 ngày) trùng vào tháng 6 thì không được nghỉ thêm, từ 20 ngày trở lên thì được Ty, Phòng giáo dục tuỳ tình hình sức khoẻ và hoàn cảnh nữ giáo viên đó mà cho nghỉ thêm từ 10 đến 15 ngày nữa.
+ Tháng 6 là tháng nghỉ hè, nếu nữ giáo viên đã nghỉ đẻ tháng 4 và tháng 5 thì vẫn được nghỉ cả tháng 6, hoặc đã nghỉ hè tháng 6 rồi nhưng hết đầu tháng 7 mới nghỉ đẻ thì vẫn được nghỉ đủ 60 ngày theo chế độ chung.
4- VỀ CÁCH TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC:
"Nói chung, cách tính thời gian công tác của giáo viên quốc lập cũng nằm trong quy định của thông tư 09/TT/LB ngày 17-2-1962 của Liên Bộ về việc tính thời gian công tác của công nhân viên chức. Riêng một số điểm được quy định cụ thể dưới đây:
- Thời gian làm giáo viên dân lập tiếp sau đó trở thành giáo viên quốc lập hay công nhân viên chức khác của Nhà nước, được tính là thời gian công tác liên tục.
Thí dụ: Một giáo viên dân lập công tác trong ngành được 6 năm rồi tiếp đó trở thành giáo viên quốc lập hoặc cán bộ chuyên trách bổ túc văn hoá của một xí nghiệp ... thì thời gian liên tục công tác được tính cả 6 năm làm công tác giáo viên dân lập.
- "Thời gian dạy ở các trường tư thục trong vùng tạm bị chiếm, có lương tháng và có lấy lương đó làm nguồn sống chính (không có cổ phần ở trường, chỉ có tính chất làm công ăn lương) được tính là thời gian công tác nói chung. Thời gian công tác liên tục chỉ đựơc tính từ ngày Chính phủ tiếp quản địa phương".
Thí dụ: + Một giáo viên dạy ở một trường tư thục trong vùng tạm bị chiếm nhưng không có vốn để góp cổ phần vào trường, ngoài lương hàng tháng không được chia lợi nhuận do kinh doanh của trường đem lại thì được tính thời gian dạy tư thục ấy vào thời gian công tác nói chung nếu tiếp đó được trở thành giáo viên quốc lập.
+ Một hiệu trưởng đứng ra bỏ vốn lập trường tư thục trong vùng tạm bị chiếm và thuê giáo viên dạy theo lối làm công ăn lương, hoặc một giáo viên tư thục có cổ phần trong trường, ngoài lương hàng tháng còn được chia lợi nhuận của trường, nếu tiếp đó trở thành giáo viên quốc lập thì chỉ được tính thời gian công tác nói chung từ khi làm giáo viên quốc lập.
-"Thời gian dạy ở các trường tư thục do các đoàn thể thành lập và quản lý thì được tính là thời gian công tác liên tục".
Đoàn thể đây là nói đoàn thể cách mạng như: Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam v.v...
- Thời gian dạy học tư (dạy ở tư gia) không được tính là thời gian công tác.
Thí dụ: + Một người trước có mở một lớp tư gia cho một số trẻ em học do mình tự tổ chức và quản lý thì thời gian dạy tư ấy không tính là thời gian công tác.
"Thời gian làm hương sư có lương tháng (bằng tiền hoặc bằng thóc) được tính là thời gian công tác nói chung".
Trên đây, Bộ hướng dẫn cách thi hành một số điểm về bảo hiểm xã hội áp dụng cho ngành giáo dục. Đề nghị các cấp giáo dục phối hợp chặt chẽ với Công đoàn giáo dục để thực hiện tốt chế độ bảo hiểm xã hội đã được Nhà nước ban hành, đồng thời giáo dục cho cán bộ giáo viên triệt để tôn trọng kỷ luật lao động để đảm bảo chuyên môn đảm bảo sức khoẻ.
Trong khi thi hành, nếu gặp những mắc mứu, yêu cầu báo cáo về Bộ để phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu hướng dẫn thêm.
Nguyễn Văn Huyên (Đã ký) |
- 1Thông tư liên bộ 01-TT/LB năm 1962 giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội áp dụng cho công nhân, viên chức Nhà nước do Bộ Lao động - Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 09-TT-LB năm 1962 hướng dẫn việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động ban hành
- 3Thông tư 47-TT năm 1962 giải thích và hướng dẫn Thông tư 46-TT về cải tiến và sửa đổi chế độ công tác của giáo viên, Hiệu trưởng do Bộ Giáo dục ban hành
- 4Thông tư 46-TT năm 1962 cải tiến và sửa đổi chế độ công tác giáo viên, Hiệu trưởng các trường phổ thông, Sư phạm, Bổ túc văn hoá các cấp do Bộ Giáo dục ban hành
- 5Thông tư 13/NV-1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước do Bộ nội vụ ban hành
Thông tư 33-GD năm 1963 hướng dẫn chế độ bảo hiểm xã hội đối với giáo viên quốc lập do Bộ Giáo dục ban hành
- Số hiệu: 33-GD
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/05/1963
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
- Người ký: Nguyễn Văn Huyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/05/1963
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra