Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 06-NV | Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1968 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ, TRỢ CẤP MẤT SỨC LAO ĐỘNG, TIỀN TUẤT ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN DÂN LẬP CẤP I THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 36-CP NGÀY 09-3-1968 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: | Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh. |
Ngày 09-3-1968, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 36-CP chuyển giáo viên dân lập cấp I vào biên chế Nhà nước nội dung tóm tắt như sau:
1. Chuyển toàn bộ giáo viên dân lập cấp I vào biên chế Nhà nước trong thời gian 3 năm, từ năm 1968 đến năm 1970. Trong năm 1968, sẽ chuyển vào biên chế Nhà nước 40% tổng số giáo viên dân lập hiện có trên toàn miền Bắc.
2. Những giáo viên dân lập cấp I chưa được chuyển vào biên chế Nhà nước cũng được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể như giáo viên quốc lập.
3. Những giáo viên dân lập cấp I được chuyển vào biên chế Nhà nước hưởng chế độ lương mới từ ngày có quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố.
4. Bộ Tài chính có trách nhiệm cùng với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố điều chỉnh, cân đối ngân sách địa phương theo đúng Điều lệ phân cấp quản lý tài chính nhằm đảm bảo đưa vào biên chế Nhà nước 40% tổng số giáo viên dân lập cấp I trong năm 1968, toàn bộ giáo viên dân lập cấp I trong 3 năm và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể đối với giáo viên dân lập và chưa được vào biên chế Nhà nước.
Căn cứ quyết định trên đây của Hội đồng Chính phủ, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thi hành các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và tiền tuất đối với giáo viên dân lập cấp I như sau:
1. Những giáo viên dân lập sau khi đã được chuyển vào biên chế Nhà nước, sẽ được hưởng các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và tiền tuất như công nhân, viên chức Nhà nước.
2. Những giáo viên dân lập chưa được chuyển vào biên chế Nhà nước, ngoài việc đã được hưởng các chế chế độ bảo hiểm xã hội khi ốm đau, sinh đẻ và khi bị tai nạn lao động, từ nay cũng được hưởng các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và tiền tuất. Thời gian công tác liên tục để được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội của giáo viên dân lập được tính kể từ ngày có quyết định tuyển dụng làm giáo viên dân lập của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Ủy ban hành chính huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, hoặc của sở, ty giáo dục nơi được Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh ủy nhiệm. Nếu trước khi làm giáo viên dân lập, đương sự đã công tác ở các ngành khác thì nay cũng được cộng lại theo quy định hiện hành về cách tính thời gian công tác đối với các công nhân, viên chức Nhà nước.
3. Những giáo viên dân lập sau khi đã về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động cũng được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo chế độ hiện hành như công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động.
4. Những giáo viên dân lập già yếu về nghỉ việc hoặc chết từ ngày 09-3-1968 trở đi (là ngày ban hành quyết định số 36-CP của Hội đồng Chính phủ) thì mới được hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động hay chế độ tiền tuất.
Những người đã về nghỉ việc trước ngày 09-3-1968, nếu đã có nhiều công lao trong thời gian kháng chiến chống Pháp hoặc đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục, nay nếu gặp khó khăn trong đời sống thì được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét cho hưởng chế độ trợ cấp theo thông tư số 11-NV ngày 20-9-1966 của Bộ Nội vụ.
5. Những giáo viên dân lập muốn được hưởng các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động hoặc tiền tuất phải làm đầy đủ các hồ sơ, thủ tục cần thiết theo thể lệ hiện hành.
6. Bộ Nội vụ đương trao đổi với Bộ Tài chính về việc ngân sách địa phương phải trích nộp kinh phí cho quỹ hưu trí, mất sức lao động (bằng 1% so với tổng quỹ lương trả cho giáo viên dân lập) và sẽ phổ biến cho các Ủy ban hành chính địa phương sau.
Nhận được thông tư này, đề nghị Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh chỉ thị cho sở, ty giáo dục cung cấp cho ban tổ chức dân chính tình hình các giáo viên dân lập già yếu, mất sức lao động ở địa phương và cùng với ban tổ chức dân chính bàn bạc để có kế hoạch thống nhất giải quyết cho anh chị em về nghỉ việc dần dần sau khi đã có sự chuẩn bị chu đáo; trước hết là cần ưu tiên chuyển vào biên chế những giáo viên dân lập đã ở lâu năm trong nghề, sắp đến tuổi về hưu như quyết định của Hội đồng Chính phủ đã vạch rõ. Ủy ban cần báo cáo cho bộ biết tình hình các giáo viên dân lập già yếu và kế hoạch giải quyết của địa phương trước ngày 01-5-1968 để Bộ kịp thời có kế hoạch điều chỉnh, cân đối dự toán thu chi của quỹ hưu trí, mất sức lao động do Bộ thống nhất, quản lý.
Trong khi thi hành nếu có gặp khó khăn; mắc mứu gì, đề nghị Ủy ban phản ánh cho Bộ biết để góp ý kiến giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1Quyết định 36-CP năm 1968 về chuyển giáo viên dân lập cấp I vào biên chế Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 11-NV-1966 quy định chế độ trợ cấp đối với công nhân, viên chức kháng chiến đã nghỉ việc từ trước ngày ban hành tài chính sách bảo hiểm xã hội do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Thông tư 15/2008/TT-BCA hướng dẫn chế độ hưu trí của công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
Thông tư 06-NV-1968 hướng dẫn thi hành các chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, tiền tuất đối với giáo viên dân lập cấp I theo Quyết định 36-CP-1968 do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 06-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/04/1968
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra