Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 07-BYT/TT | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 1972 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC CHO NHỮNG NGƯỜI LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ ĐÃ ĐƯỢC QUỐC LẬP HÓA, ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC CHẾ ĐỘ VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI
QUYỀN BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Từ sau ngày hoà bình lập lại 20 tháng 07 năm 1954, Chính phủ ta tiếp quản các thành phố, thị xã, đã đặt các tổ chức và cơ sở y tế để phục vụ sức khỏe nhân dân. Ngoài các tổ chức y tế của Nhà nước, lúc đó ở các thành phố và thị xã còn có các tổ chức y tế dân lập, các nhà thương tư, hộ sinh tư do tư nhân quản lý, trong các tổ chức này ngoài những chủ tư nhân còn có những nhân viên y tế làm công ăn lương. Năm 1958. Đảng và Chính phủ ta có chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, thì các tổ chức này dần dần được quốc lập hóa do Nhà nước quản lý về mọi mặt.
Để giải quyết chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế nói trên, sau khi được thỏa thuận của Bộ Nội vụ (công văn số 150-HT ngày 15/01/1972) Bộ Y tế ra thông tư này nhằm hướng dẫn việc tính thời gian công tác cho những người làm việc ở các sở y tế được quốc lập hóa, để giải quyết các chế độ ốm đau, thôi việc, về hưu, mất sức lao động, như sau:
I. VỀ TÍNH THỜI GIAN CÔNG TÁC
Có 2 loại được tính thời gian công tác: thời gian công tác nói chung và thời gian công tác liên tục.
1. Được tính thời gian công tác nói chung:
Là thời gian làm công ăn lương ở các cơ sở y tế công sở hay tư sở dưới chế độ cũ trước cách mạng tháng 8-1945 hay ở vùng tạm bị chiếm trong thời gian kháng chiến chống Pháp và thời gian làm việc ở các cơ sở y tế dân lập thuộc các thành phố, thị xã trong kháng chiến chống Pháp và sau ngày hòa bình lập lại; trừ thời gian làm chủ các bệnh viện tư, hay chủ các nhà hộ sinh tư thì không được tính là thời gian công tác.
2. Được tính thời gian công tác liên tục:
Là thời gian kể từ ngày các cơ sở y tế dân lập được chuyển sang quốc lập, dù khi họ chưa được chính thức tuyển dụng vào biên chế Nhà nước.
Ví dụ 1: Một nữ hộ sinh có thời gian làm việc dưới chế độ cũ ở Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/1943 đến tháng 8/1945; từ tháng 9/1945 đến hết tháng 12/1947 nghỉ về quê ở nông thôn; từ tháng 1/1948 đến ngày 10/10/1954 làm việc ở nhà hộ sinh Trần Xuân Soạn (Hà Nội), sau khi Chính phủ ta vào tiếp quản thì vẫn tiếp tục làm việc ở nhà hộ sinh Trần Xuân Soạn cho đến tháng 10/1959 thì nhà hộ sinh này được Nhà nước quốc lập hóa và liên tục công tác từ đó cho đến nay (tháng 12/1971) được tính thời gian công tác như sau:
a) Thời gian công tác nói chung được tính kể từ tháng 8/1943 cho đến tháng 12/1971 tổng cộng là 26 năm, trừ thời gian nghỉ từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1947.
b) Thời gian công tác liên tục, được tính kể từ tháng 10/1959 đến tháng 12/1971 tổng cộng là 12 năm 4 tháng.
Ví dụ 2: Một nhân viên y tế làm việc ở nhà hộ sinh Ngô Quyền (Hà Nội) từ tháng 10/1954 liên tục công tác đến tháng 10/1959 (ngày Nhà nước quốc lập hóa nhà hộ sinh Ngô Quyền) và cho đến nay, thời gian công tác được tính như sau:
- Thời gian công tác nói chung được tính từ tháng 10/1954 cho đến nay;
- Thời gian công tác liên tục được tính từ tháng 10/1959 cho đến nay.
Ví dụ 3: Một nữ hộ sinh làm việc ở một nhà hộ sinh đã chuyển sang quốc lập từ ngày 01/01/1960. Nhưng đến ngày 01/01/1968 mới được tuyển dụng chính thức vào biên chế Nhà nước và làm việc liên tục đến nay, thì thời gian công tác liên tục từ ngày 01/01/1960 cho đến nay.
II. CÁC CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Những người có đủ điều kiện nói ở mục I về thời gian công tác (có đủ thời gian công tác liên tục từ 5 năm trở lên, có đủ thời gian công tác nói chung 25 năm trở lên), dù chưa được tuyển dụng chính thức vào biên chế Nhà nước, nếu được hưởng chế độ hưu, theo quy định hiện hành của điều lệ bảo hiểm xã hội.
2. Đối với trường hợp về nghỉ vì mất sức lao động thì phải có thời gian công tác liên tục là 5 năm (dù chưa được tuyển dụng chính thức) còn các điều kiện về tuổi, về sức khỏe áp dụng theo quy định hiện hành.
3. Những người tuy có đủ điều kiện về thời gian công tác, về tuổi và sức khoẻ, nhưng lý lịch không tốt, không rõ ràng, không đủ điều kiện về chính trị để tuyển dụng thì không áp dụng chế độ hưu, hoặc mất sức lao động mà áp dụng chế độ trợ cấp thôi việc (trợ cấp một lần) theo quy định hiện hành.
4. Đối với những người đã được chính thức tuyển dụng và đã được về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, hoặc thôi việc trợ cấp một lần (kể từ ngày ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội cho đến ngày nghỉ việc). Nếu khi nghỉ việc, thời gian công tác chưa được tính như đã quy định ở mục I nói trên, thì nay được điều chỉnh lại và được hưởng trợ cấp theo tỷ lệ mới kể từ ngày có quyết định điều chỉnh.
Ví dụ 1: Một nữ hộ sinh A vào làm việc ở cơ sở y tế dân lập vừa chuyển sang quốc lập ngày 10/10/1959 nhưng đến ngày 10/10/1965 mới được tuyển dụng chính thức cho đến ngày 10/10/1970 thì được về nghỉ vì mất sức lao động lúc đó tính thời gian công tác liên tục là 5 năm và tỷ lệ cấp là 35% lương chính. Nay được tính và điều chỉnh lại như sau:
Thời gian công tác liên tục là 11 năm.
Tỷ lệ trợ cấp hàng tháng là 42% lương chính.
Nếu có đủ thời gian công tác nói chung và đủ điều kiện về tuổi thì được chuyển sang hưởng chế độ hưu trí và được tính:
Thời gian công tác liên tục là 11 năm.
Tỷ lệ trợ cấp hàng tháng là 52% lương chính.
Ví dụ 2: Một nữ hộ sinh B vào làm việc ở cơ quan y tế vừa chuyển sang quốc lập từ ngày 10/10/1959 nhưng đến ngày 10/10/1966 mới được tuyển dụng chính thức, cho đến ngày 10/10/1970 thì thôi việc mà hưởng trợ cấp một lần, tính trên cơ sở 4 năm công tác liên tục. Nay được tính lại như sau:
Thời gian công tác liên tục là 11 năm. Nếu có điều kiện về tuổi hoặc về thời gian công tác nói chung thì tùy trường hợp cụ thể của mỗi người mà chuyển sang hưởng chế độ hưu hoặc mất sức lao động và tính trợ cấp hàng tháng như ví dụ 1 nói trên.
5. Đối với những người hiện nay chưa đến tuổi về nghỉ còn tiếp tục làm việc thì cần đưa họ vào biên chế như điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đã quy định hiện hành.
6. Khi đã xác định lại thời gian công tác liên tục thì đồng thời cũng áp dụng trợ cấp khi ốm đau, nằm viện theo quy định hiện hành như đối với công nhân, viên chức Nhà nước.
III. MỘT SỐ ĐIỂM CHÚ Ý KHI THI HÀNH
1. Khi nhận được thông tư này các đơn vị tiến hành cần tiến hành phổ biến đến tận cơ sở, làm đầy đủ các thủ tục và giải quyết kịp thời. Nếu có những trường hợp về thời gian công tác chưa được xác định được rõ ràng thì giải quyết bằng cách: Phần nào đã rõ ràng thì công nhận và ra quyết định trước, phần nào chưa rõ ràng thì điều tra nghiên cứu thêm để giải quyết sau.
2. Mức lương để tính tỷ lệ trợ cấp khi về hưu hoặc mất sức lao động là mức lương chính đang hưởng hiện nay. Nếu có trường hợp khi làm việc theo chế độ dân lập hoặc hợp đồng lương cao hơn khi tuyển dụng chính thức, thì cơ quan cần xét quá trình công tác của mỗi người và quan hệ chung để xếp lại cho hợp lý. Những người đã về nghỉ trước ngày ban hành thông tư này thì không đặt vấn đề xếp lại lương, vẫn giữ mức lương cũ làm cơ sở để tính trợ cấp theo tỷ lệ mới, trừ những người thuộc diện nói trong Thông tư số 84-TTg ngày 20/08/1963 của Thủ tướng Chính phủ mà mức lương khi về quá thấp thể hiện bất hợp lý rõ rệt thì cơ quan xét, báo cáo lên trên để giải quyết lại lương cho hợp lý.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Trong khi thực hiện các cơ quan đơn vị thấy có khó khăn mắc mứu xin phản ánh về Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết.
QUYỀN BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 13/NV-1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước do Bộ nội vụ ban hành
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 13/NV-1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước do Bộ nội vụ ban hành
Thông tư 07-BYT/TT-1972 hướng dẫn tính thời gian công tác cho những người làm việc tại các cơ sở y tế đã được quốc lập hóa, để giải quyết các chế độ về bảo hiểm xã hội do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 07-BYT/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/03/1972
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Vũ Văn Cẩn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 08/03/1972
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra