Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 428/QĐ-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA BẢO ĐẢM CẤP NƯỚC AN TOÀN GIAI ĐOẠN 2017 – 2025, KHU VỰC NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn;

Căn cứ Công văn số 5742/BNN-TCTL ngày 13/7/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 27/TTr-SNNPTNT ngày 08/02/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2017 – 2025, khu vực nông thôn tỉnh An Giang.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2017 – 2025, khu vực nông thôn tỉnh An Giang.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp việc tổ chức thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi thành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA BẢO ĐẢM CẤP NƯỚC AN TOÀN GIAI ĐOẠN 2017 – 2025, KHU VỰC NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2018 của UBND tỉnh An Giang)

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2017 – 2025, khu vực nông thôn tỉnh An Giang như sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

- Quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng.

- Bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt theo quy chuẩn quy định.

- Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người và phát triển kinh tế xã hội.

- Góp phần giảm tỉ lệ thất thoát, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn đến năm 2020: Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%.

- Giai đoạn đến năm 2025: Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%.

II. Nội dung kế hoạch:

1. Đánh giá hiện trạng hoạt động của hệ thống cấp nước bao gồm:

a) Nguồn nước, phạm vi cấp nước, vị trí thu, xử lý, dự trữ, vận chuyển và phân phối nước:

- Nguồn nước và vị trí thu: sử dụng nguồn nước mặt, được thu từ các sông và kênh cấp 1.

- Phạm vi cấp nước và xử lý: 100% xã, phường, thị trấn tỉnh An Giang, có hệ thống cấp nước sạch đã qua xử lý, còn một vài hệ thống cấp nước thô của các doanh nghiệp tư nhân.

- Dự trữ nguồn nước: có trữ lượng nguồn nước mặt dồi dào và hệ thống sông kênh hoàn chỉnh.

- Vận chuyển và phân phối: Nước từ các hệ thống cấp nước được bơm qua mạng ống phân phối tới từng hộ gia đình.

- Năm 2016, các vị trí có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, do hạn hán hoặc xâm nhập mặn, đã được khắc phục. Tỉnh đã phối hợp với doanh nghiệp đầu tư thêm các Trạm cấp nước, di dời công trình thu nước đến vị trí đảm bảo lưu lượng nước khai thác, đấu nối mạng ống,… Do đó việc cấp nước sinh hoạt cho người dân đã đảm bảo.

b) Công nghệ xử lý nước sinh hoạt nông thôn:

- Công nghệ hệ thống cấp nước sạch là: lắng, lọc và khử trùng.

- Công nghệ hệ thống cấp nước thô là: lắng, lọc.

SƠ ĐỒ HỆ THỐNG CẤP NƯỚC SẠCH

Chú thích:

+ Nguồn nước thô: nguồn nước sông, kênh, hồ chưa qua sử lý.

+ Công trình thu nước: công trình thu nước + trạm bơm cấp I + đường ống đến công trình xử lý sơ bộ.

+ Chất keo tụ: Sử dụng phèn Poly Aluminium Chloride (PAC), đôi khi có sử dụng thêm hoá chất trợ keo tụ polymer anion.

+ Bể lắng: thường sử dụng bể lắng đứng, cũng có sử dụng bể lắng ngang, đôi khi có sử dụng bể lắng tiếp xúc.

+ Bể lọc: thường lọc xuôi (vật liệu lọc là cát thô và sạn sỏi), đôi khi có sử dụng lọc ngược (vật liệu lọc là hạt xốp).

+ Chất khử trùng: sử dụng Chlor.

+ Bể chứa: sử dụng bể bê tông cốt thép để chứa nước sạch, dùng trong sinh hoạt.

+ Máy bơm cấp II: sử dụng motor điện hút nước trong bể chứa đưa vào mạng ống phân phối.

+ Mạng ống phân phối: thường sử dụng ống PVC cứng (hoặc uPVC), cũng có sử dụng ống HDPE cho mạng ống chính, đôi khi sử dụng ống gang cho các vị trí nhất định.

c) Các thông tin cơ bản về khách hàng sử dụng nước:

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2016 là 95,81%.

- Tỉnh An Giang năm 2016 có tỷ lệ người dân người dân sử dụng nước hợp vệ sinh 53,5 lít/ người ngày-đêm, đã đảm bảo về khối lượng nước sạch (theo TCXDVN 33:2006 , 40 ¸ 60 lít/người.ngày).

2. Xác định, phân tích và đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước:

a) Các nguy cơ, rủi ro từ nguồn nước, lưu vực:

- Mùa mưa, khoảng tháng 5 ¸ 10: Nguy cơ ô nhiễm phù sa.

- Mùa khô, khoảng tháng 11 ¸ 4: Mực nước ròng, nguy cơ ô nhiễm do các chất ô nhiễm bị cô đặc lại, nguy cơ xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn.

- Nguy cơ ô nhiễm do mật độ giao thông thủy cao; Nguy cơ ô nhiễm do phù sa bồi lắng kênh.

b) Các nguy cơ, rủi ro về mặt hoá học, lý học và sinh học theo quy trình công nghệ hệ thống cấp nước: Sử dụng hóa chất không đúng; không kiểm soát được các chỉ tiêu về hàm lượng cặn, độ đục, hóa chất, … của nguồn nước và chất lượng nước đầu ra.

c) Các nguy cơ, rủi ro đối với việc bảo đảm cấp nước liên tục, lưu lượng và áp lực trong mạng lưới cấp nước đến khách hàng sử dụng nước: Mất điện, vỡ mạng lưới đường ống; vật tư, thiết bị hỏng; quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng không đúng quy trình; thiên tai.

d) Xác định thứ tự ưu tiên về các nguy cơ, rủi ro để đề xuất các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa: Nguy cơ về nguồn nước; mạng lưới đường ống; nguồn điện; công nghệ xử lý; quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng.

3. Xác định các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục rủi ro và lập kế hoạch triển khai áp dụng:

- Rà soát các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục đang áp dụng.

- Đề xuất các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục bổ sung.

- Lập kế hoạch triển khai áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục rủi ro.

4. Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục các nguy cơ, rủi ro:

Lập kế hoạch đánh giá định kỳ các chỉ tiêu: Áp lực; lưu lượng; nguồn nước; chất lượng nước đầu ra, để kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục các nguy cơ, rủi ro.

5. Lập kế hoạch, quy trình ứng phó với biến đổi xảy ra trong điều kiện vận hành có sự cố, mất kiểm soát và tình huống khẩn cấp bao gồm:

a) Phát hiện và thông báo sự cố: Kiểm tra sự cố; Thông báo đến các bên có liên quan;

b) Bảo đảm thông tin, liên lạc kịp thời, liên tục, đúng đối tượng: Mời các đơn vị liên quan;

c) Xác định nguyên nhân sự cố: Phân tích đánh giá nguyên nhân sự cố;

d) Xác định các hành động cần thiết để ứng phó với sự cố: Lập biên bản xử lý và triển khai phương án giải quyết;

đ) Thực hiện các hành động ứng phó: Cô lập khu vực sự cố; dự trù nhân lực thiết bị, vật tư xử lý;

e) Xử lý sự cố, khôi phục và cung cấp ổn định cho khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng và các quy định riêng của hợp đồng dịch vụ cấp nước đã ký kết: giám sát và xử lý sự cố; khôi phục và ổn định cấp nước cho khách hàng;

g) Xác định hậu quả trước mắt và lâu dài: Phân tích và đánh giá tác động của sự cố;

h) Giải trình, báo cáo: Báo cáo chi tiết sự cố; Lập hồ sơ giải quyết và thanh toán khối lượng thực thiện xử lý sự cố;

i) Lưu trữ thông tin, số liệu về sự cố và các biện pháp khắc phục: Lưu trữ hồ sơ sự cố;

k) Đánh giá tổng thể sự cố và đề xuất các giải pháp phòng ngừa và xử lý các sự cố có thể xảy ra trong tương lai.

6. Xây dựng các tiêu chí, các chỉ số giám sát và giới hạn kiểm soát để đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn bao gồm:

a) Chất lượng nước sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt và các mục đích khác, thực hiện theo các quy định: Nghị định 117/2007/NĐ-CP Chính phủ; Thông tư 01/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng; Thông tư 50/2015/TT-BYT của Bộ Y tế;

b) Các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng dịch vụ cấp nước theo quy định: QCVN 01:2009/BYT; QCVN 02:2009/BYT;

c) Các yêu cầu về quản lý chất lượng theo hệ thống quản lý ISO: 9000: các yêu cầu về sản phẩm; khách hàng; mua hàng; sản xuất cung cấp dịch vụ; đo lường, phân tích và cải tiến.

7. Quản lý cơ sở dữ liệu có liên quan về cấp nước an toàn:

a) Lập danh mục các văn bản, tài liệu và các thông tin liên quan đến công tác cấp nước an toàn: Quyết định 1566/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng; Công văn 5742/BNN-TCTL của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Quyết định 3236/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang; các quy trình, quy định liên quan đến hoạt động cấp nước an toàn của từng đơn vị quản lý và khai thác các hệ thống cấp nước nông thôn.

b) Xây dựng hệ thống và quy trình kiểm soát tài liệu, theo thứ tự sau:

- Yêu cầu soạn thảo, chỉnh sửa và bổ sung tài liệu.

- Lãnh đạo chỉ định người thực hiện; Hoặc xem xét kết thúc yêu cầu.

- Thực hiện soạn thảo; Chỉnh sửa, bổ sung.

- Lãnh đạo phê duyệt.

- Cập nhật vào danh mục tài liệu; Ban hành, phân phát và áp dụng.

c) Lập hệ thống quản lý hồ sơ và hỗ trợ lưu giữ hồ sơ, theo thứ tự sau:

- Lập danh mục hồ sơ.

- Thu thập, phân loại, sắp xếp và kiểm soát hồ sơ.

- Truy cập, sử dụng hồ sơ.

- Lưu trữ, bảo quản hồ sơ.

- Xử lý hồ sơ (hoặc hủy hồ sơ).

d) Lập kế hoạch định kỳ rà soát các văn bản, tài liệu và chỉnh sửa khi cần thiết: Định kỳ hoặc bất thường rà soát các văn bản, tài liệu liên quan về hệ thống cấp nước, tiêu thụ nước và chỉnh sửa khi cần thiết;

đ) Lưu giữ hồ sơ, quản lý tài liệu để tiến hành đánh giá độc lập hoặc tra cứu, cung cấp thông tin kịp thời khi có sự cố xảy ra đối với hệ thống cấp nước của các đơn vị quản lý khai thác.

e) Xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý kịp thời các khiếu nại của khách hàng hoặc cộng đồng: Tiếp nhận, phân loại ý kiến yêu cầu xử lý hoặc khiếu nại – Xem xét phân tích nguyên nhân, đề ra biện pháp và trách nhiệm giải quyết – Trình lãnh đạo duyệt – Chuyển các bộ phận liên quan – Ý kiến khách hàng sau xử lý – Tổng hợp theo dõi kết quả xử lý.

8. Lập các chương trình hỗ trợ và kế hoạch triển khai bao gồm:

a) Chương trình bảo dưỡng phòng ngừa, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cấp nước, tăng tuổi thọ phục vụ của các công trình và thiết bị, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, sự cố:

- Xây dựng và áp dụng Sổ tay bảo trì, sữa chữa cho các hệ thống cấp nước.

- Xây dựng và áp dụng Sổ tay bảo trì, sửa chữa cho mạng lưới đường ống cấp nước.

- Lập kế hoạch nâng cấp hoặc xây mới các hệ thống cấp nước.

- Lập kế hoạch thay thế các tuyến ống cũ; Thí điểm lắp van thông minh để điều áp, lắp đặt các thiết bị theo dõi lưu lượng và áp lực bằng Sener.

b) Chương trình đánh giá độc lập để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn:

- Kiểm tra chất lượng nước thô theo: QCVN 08-MT:2015/BTNMT; QCVN 09-MT:2015/BTNMT;

- Kiểm tra chất lượng nước sau xử lý theo: QCVN 01:2009/BYT; QCVN 02:2009/BYT; Thông tư 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế;

- Kiểm tra chất lượng lượng công trình theo TCXDVN 33:2006; hoặc các tiêu chuẩn khác tương đương.

- Kiểm tra chất lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ và công nhân về cấp nước an toàn:

- Xây dựng và phổ biến kế hoạch cấp nước an toàn của từng đơn vị.

- Tổ chức tập huấn triển khai thực hiện cấp nước an toàn cho các đơn vị.

d) Chương trình tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm và an toàn:

- Phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nguồn nước, chất lượng nước sạch, công trình cấp nước, an toàn thực phẩm, ...

- Tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng, phát động chương trình bảo vệ nguồn nước.

- Tổ chức tuần hành tuyên truyền bảo vệ nguồn nước.

- Phát hành cẩm nang tiết kiệm nước và bảo vệ công trình cấp nước.

9. Xây dựng kế hoạch đánh giá kết quả thực hiện cấp nước an toàn; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh kế hoạch cấp nước an toàn cho giai đoạn tiếp theo:

- Các bộ phận phụ trách trực tiếp gửi kiến nghị, đề xuất hằng tháng gửi về đơn vị quản lý và khai thác nước để tổng hợp báo cáo về Ban chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh.

- Kế hoạch cấp nước an toàn được rà soát mỗi năm 01 lần, để đánh giá lại từng bước thực hiện, xác định những thiếu sót, sai lầm và tiến hành điều chỉnh bổ sung.

III. Nguồn kinh phí thực hiện:

- Đơn vị kinh doanh cấp nước sử dụng nguồn kinh phí của đơn vị, để thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm cấp nước an toàn như: bảo trì, nâng cấp các hệ thống cấp nước, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kế hoạch cấp nước an toàn…

- Ngân sách nhà nước theo khả năng cân đối, trên cơ sở lồng ghép các nhiệm vụ chi và quy định về phân cấp hiện hành, để thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan theo quy định.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước:

a) Sở Xây dựng

Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình, có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, cụ thể như sau:

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng hợp công tác triển khai kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tổng hợp, báo cáo hàng năm, đột xuất tình hình triển khai kế hoạch cấp nước an toàn đến UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

- Kiểm tra chất lượng lượng công trình theo: TCXDVN 33:2006; hoặc các tiêu chuẩn khác tương đương.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn:

- Hướng dẫn các đơn vị xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch về cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh An Giang.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và duy trì kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn.

- Xây dựng quy trình tổ chức, phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn hệ thống cấp nước nông thôn; thí điểm và nhân rộng mô hình cấp nước an toàn nông thôn; xây dựng kế hoạch, lộ trình và đánh giá kết quả thực hiện cấp nước an toàn của các hệ thống cấp nước khu vực nông thôn.

- Tổng hợp, báo cáo hàng năm, đột xuất tình hình triển khai kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn đến UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Kiểm tra chất lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Khảo sát bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Sở Y tế

Sở Y tế chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt:

- Kiểm tra chất lượng nước sau xử lý theo: QCVN 01:2009/BYT; QCVN 02:2009/BYT; Thông tư 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế;

- Nâng cao năng lực về thanh tra, kiểm tra chất lượng nước cho cán bộ của ngành.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông cho người dân về việc sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, góp phần phòng chống dịch bệnh.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá, xác định mối liên quan giữa các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (bệnh tiêu chảy) với nước ăn uống, sinh hoạt.

- Báo cáo tổng kết và lập kế hoạch hàng năm về việc thanh tra, kiểm tra chất lượng nước gửi Sở Xây dựng, đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài nguyên nước:

- Theo dõi, quản lý việc khai thác sử dụng nguồn nước; hướng dẫn, kiểm tra việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước.

- Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nước và chế độ chia sẻ thông tin kịp thời giúp đơn vị cấp nước chủ động khắc phục các rủi ro về nguồn nước.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra xử lý các vi phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước, xả thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt và ăn uống.

- Chia sẻ chế độ thông tin quan trắc chất lượng nước đến các Sở, ngành và Đơn vị liên quan.

- Báo cáo tổng kết và lập kế hoạch hàng năm về việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước có liên quan đến việc thực hiện cấp nước an toàn gửi Ban Chỉ đạo (Sở Xây dựng là cơ quan thường trực), đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

đ) Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và duy trì kế hoạch cấp nước an toàn.

- Thẩm định kinh phí hàng năm cho hoạt động cấp nước an toàn khu vực nông thôn và trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

e) Các Sở ngành có liên quan khác:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, các sở, ngành có liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

2. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố:

UBND cấp huyện thị xã, thành phố thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn phù hợp với địa phương theo thẩm quyền:

- Tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch và lộ trình thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả việc thực hiện cấp nước an toàn.

- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng bảo vệ nguồn nước, hướng dẫn người dân về việc lưu trữ, sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh…

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện kiểm tra xử lý các hoạt động vi phạm về môi trường nhằm bảo vệ nguồn nước; xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước và hành lang bảo vệ hệ thống ống cấp nước và các trường hợp phá hoại các công trình cấp nước trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với đơn vị cấp nước và các cơ quan liên quan khắc phục các sự cố về cấp nước an toàn trên địa bàn quản lý.

- Huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung Chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý.

- Báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn đến Ban Chỉ đạo (Sở Xây dựng là cơ quan thường trực), đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Trách nhiệm của đơn vị cấp nước:

- Lập và triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn từng hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý theo lộ trình được phê duyệt; tổ chức giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cấp nước an toàn; cập nhật, bổ sung kế hoạch cấp nước an toàn cho giai đoạn sau.

- Bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước; Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý các nguồn gây ô nhiễm; lựa chọn nguồn nước khai thác lâu dài, dự phòng; thông báo kịp thời tình hình chất lượng nước cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Đầu tư, cải tạo công trình cấp nước; nâng cấp trang thiết bị giám sát, điều khiển hệ thống cấp nước; ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước.

- Xây dựng quy trình quản lý, ứng phó, khắc phục rủi ro; bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố nhằm giảm thời gian ngừng cấp nước và đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định.

- Xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực thực hiện cấp nước an toàn cho cán bộ, người lao động của đơn vị.

- Tổ chức tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước sạch tiết kiệm và an toàn.

- Báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn đến Ban Chỉ đạo (Sở Xây dựng là cơ quan thường trực), đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố (báo cáo địa phương nơi đơn vị có hệ thống cấp nước).

4. Trách nhiệm của cộng đồng:

Cộng đồng dân cư, hộ gia đình, các tổ chức cá nhân có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hệ thống cấp nước, bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm; giám sát, kiểm tra chất lượng nước; phát hiện và thông báo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm nhằm đảm bảo thực hiện cấp nước an toàn.

Căn cứ nội dung Kế hoạch trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cấp nước tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, thì phản ảnh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng hợp, kịp thời hướng dẫn điểu chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 428/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2017–2025, khu vực nông thôn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 428/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lâm Quang Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản