Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO ĐẢM CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2018-2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27/12/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 31/10/2014 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013; Thông tư số 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung;

Căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn;

Căn cứ Nghị quyết số 136/2016/NQ-HĐND ngày 22/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định điều kiện, tiêu chí lựa chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện Chương trình đầu tư, cải tạo, mở rộng dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng;

Căn cứ Quyết định số 267/QĐ-UBND ngày 07/02/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch thành phố Hải Phòng;

Căn cứ Quyết định số 956/QĐ-BCĐ ngày 25/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn thành phố Hải Phòng;

Căn cứ Công văn số 5219/UBND-TL ngày 22/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025 khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng;

Căn cứ Thông báo số 182/TB-HĐND ngày 19/12/2017 về Kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tọa kỳ họp về nội dung chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV;

Căn cứ Công văn số 9129/UBND-TH ngày 22/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện các nội dung cam kết và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XV,

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

1. Kết quả đạt được

1.1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn, trong đó Trưởng ban là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Phó trưởng ban thường trực là Giám đốc Sở Xây dựng và các ủy viên là Giám đốc, Phó giám đốc các Sở; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi.

- Chỉ đạo các đơn vị cấp nước báo cáo kết quả giám sát chất lượng nước định kỳ theo quy định.

1.2. Kết quả cấp nước sạch nông thôn

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 215 nhà máy đang cung cấp nước sạch cho các khu vực nông thôn trong đó:

- 205 Nhà máy được xây dựng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Nghị quyết số 51/2003/HĐNDTP của Hội đồng nhân dân thành phố Khóa XII (nhiệm kỳ 1999-2004) về Chương trình nước sạch nông thôn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2003-2010; theo Hồ sơ của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường cung cấp, toàn thành phố có 205 nhà máy nước sạch nông thôn. Kết quả kiểm tra thực tế có 45 nhà máy được ghép với các nhà máy khác. Vì vậy, thực tế tại hiện trường số lượng 205 nhà máy được ghép thành 160 trạm cấp nước tập trung. Có một số nhà máy đã đạt tiêu chuẩn nước cấp QCVN01:2009/BYT như nhà máy nước Tiền Phong, Đại Dương, huyện Vĩnh Bảo.

- 10 Nhà máy nước đô thị (Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng 07 nhà máy là nhà máy nước An Dương, Cầu Nguyệt, Đồ Sơn, Vật cách 1, Vĩnh Bảo, Cát Bà và nhà máy nước Minh Đức; Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch số 2: 01 nhà máy Vật Cách 2; Công ty Cổ phần cấp nước xây dựng Hải Phòng: 02 nhà máy nước Thủy Sơn và Ngũ Lão) và 01 Nhà máy xây dựng theo Chương trình hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan cũng tham gia cấp nước sạch bổ sung cho khu vực nông thôn. Chất lượng nước từ 11 Nhà máy đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN01:2009/BYT, cung cấp bổ sung cho 57 xã và thị trấn khu vực nông thôn Hải Phòng (An Dương 13 xã và thị trấn; An Lão 8 xã và thị trấn; Kiến Thụy 03 xã; Vĩnh Bảo 9 xã và thị trấn; Cát Hải 05 xã và thị trấn; Tiên Lãng 01 thị trấn; Thủy Nguyên 18 xã và thị trấn).

- Các nhà máy nước nông thôn đã góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,6%, trong đó nước sạch đạt QCVN02:2009/BYT là 71,7% (QCVN02:2009/BYT la 47,8%, QCVN01:2009/BYT là 23,9%). Các chỉ tiêu đạt được đều vượt chỉ tiêu chung toàn quốc (khoảng 1,3 lần).

2. Những tồn tại, hạn chế trong công tác cấp nước an toàn nông thôn

- Công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền về thực hiện cấp nước an toàn chưa được thường xuyên, liên tục; việc lấy mẫu phân tích, đánh giá và kiểm soát chất lượng nước của các cơ quan quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn chưa thường xuyên và đầy đủ;

- Nhận thức của chính quyền địa phương và các đơn vị cấp nước tập trung nông thôn về trách nhiệm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đến các hộ tiêu dùng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đầy đủ, thường chú ý đến cấp đủ số lượng nước, chưa quan tâm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước cung cấp cho người sử dụng;

- Chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, tại một số trạm xử lý chưa thực sự đảm bảo chất lượng do công nghệ xử lý đơn giản và lạc hậu;

- Nguồn nước cung cấp nước sạch nông thôn chủ yếu từ các công trình thủy lợi nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi tính thời vụ của sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt vào các tháng mùa khô, nguồn nước cấp cho các nhà máy nước sạch nông thôn còn khó khăn cả về chất lượng và trữ lượng nước đầu vào;

- Trình độ của quản lý, vận hành của nhân viên, công nhân vận hành công trình cấp nước còn hạn chế;

- Công tác duy tu, duy trì trạm xử lý và đường ống không được quan tâm thực hiện thường xuyên dẫn đến công trình nhanh xuống cấp;

- Chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn còn chưa được quan tâm.

- Tỷ lệ hao hụt còn cao so với quy chuẩn, áp lực cấp nước không ổn định, không đảm bảo.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH CẤP NƯỚC AN TOÀN GIAI ĐOẠN 2018-2025

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

- Bảo đảm duy trì áp lực cấp nước, cung cấp ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước cấp theo quy chuẩn quy định.

- Có các giải pháp ứng phó với các sự cố bất thường và các nguy cơ, rủi ro có thể xảy trong toàn bộ quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước.

- Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các bệnh tật liên quan đến nước, phòng ngừa dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.

- Nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm và an toàn;

- Góp phần giảm tỷ lệ thất thoát, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

1.2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2018-2025

Huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động cấp nước an toàn nhằm đạt được mục tiêu cụ thể như sau:

- Đến năm 2020 đạt 100% người dân nông thôn được được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị (QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế) với tiêu chuẩn cấp nước tính theo đầu người đạt 60 lít/người/ngày.

- Đến năm 2025 người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế với tiêu chuẩn cấp nước tính theo đầu người đạt 150 lít/người/ngày.

- Đến năm 2020 tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 35%.

- Đến năm 2025 tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 50%.

2. Phạm vi thực hiện: Triển khai tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hải Phòng

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến hết năm 2025

4. Nội dung kế hoạch

- Xây dựng kế hoạch truyền thông về bảo đảm cấp nước an toàn

- Triển khai thực hiện thí điểm phương án cấp nước sạch nông thôn tại cụm cấp nước Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, tiến tới nhân rộng trên địa bàn thành phố;

- Bảo vệ chất lượng nguồn nước nguyên liệu; xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép.

- Hướng dẫn các đơn vị cấp nước nông thôn xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn giai đoạn 2018-2025 theo kế hoạch, lộ trình được phê duyệt;

- Kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn.

- Thu hút các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn vào đầu tư khu vực nông thôn.

5. Các giải pháp thực hiện

5.1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch thành phố Hải Phòng;

- Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

5.2. Giải pháp về tuyên truyền

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khỏe.

- Các hoạt động thông tin - giáo dục tuyên truyền phải được thực hiện ở tất cả các cấp từ huyện đến các làng, xã, thôn, xóm, bao gồm những thông tin về sức khỏe vệ sinh môi trường, các mô hình cấp nước và vệ sinh, các hệ thống hỗ trợ tài chính và nỗ lực cộng đồng.

- Thực hiện đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền về Chương trình nước sạch nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở, các hình thức cổ động trực quan, xuất tài liệu....

5.3. Giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước đầu vào

- Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Tập trung xử lý những vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước

- Thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đặc biệt các nguồn nước cung cấp chủ yếu cho các nhà máy nước sạch nông thôn như: Sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, Kênh trục I, II Tiên Lãng.

- Lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước khai thác đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm cấp nước an toàn.

- Xây dựng các trạm quan trắc cố định, quan trắc định kì, thường xuyên thông báo các thông tin, dữ liệu chính về chất lượng các nguồn nước trên địa bàn thành phố.

- Rà soát, quy định, phân công, phân cấp cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng Sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị trong việc quản lý nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố.

5.4. Giải pháp công trình

- Rà soát, đánh giá chi tiết, thực trạng các công trình, hệ thống cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố, phân loại công trình đủ hoặc không đủ điều kiện nâng cấp, mở rộng; xây dựng cụm công trình cấp nước tập trung đáp ứng được điều kiện, tiêu chí quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố;

- Xây dựng danh mục các dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng cấp nước sạch nông thôn.

- Đề xuất cho dừng hoạt động các nhà máy cấp nước thường xuyên vi phạm về chất lượng nước cấp, cho di chuyển hoặc dừng hoạt động các nhà máy nước có nguồn nước thô bị ô nhiễm.

5.5. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Tăng cường nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ứng dụng trong hoạt động cấp nước sinh hoạt.

- Tiếp nhận các công nghệ xử lý nước, các thiết bị cấp nước tiên tiến, hiện đại.

- Quản lý thông qua các hệ thống quan trắc tự động phối hợp với thanh, kiểm tra đột xuất. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt.

5.6. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực

- Đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước tiên, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực về quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cấp nước cho đơn vị cấp nước.

 - Đào tạo cán bộ trực tiếp quản lý lĩnh vực cấp nước trong việc tổ chức quản lý thực hiện cấp nước an toàn, kiểm soát chất lượng nước, thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước trên địa bàn.

5.7. Cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư

a) Cơ chế xử lý đối với các nhà máy không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng theo quy định

- Tổ chức định giá tài sản các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng theo quy định.

- Vận động các đơn vị quản lý các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng hợp tác (góp vốn hoặc chuyển nhượng) với nhà đầu tư mới đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố

b) Cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn vào đầu tư khu vực nông thôn

Ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp nước sạch quy mô lớn vào đầu tư khu vực nông thôn với các nội dung sau:

- Hỗ trợ về đất đai: Hỗ trợ tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng xây dựng trạm cấp nước theo quy định.

- Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ưu đãi (do Ngân hàng Nhà nước công bố) với mức tối đa không quá 70% vốn vay. (tổng mức đầu tư bao gồm cả chi phí thu hồi các nhà máy nước không đủ điều kiện nâng cấp, cải tạo)

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan, hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn báo cáo Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn thành phố;

- Hướng dẫn lập, thẩm định, kế hoạch cấp nước an toàn cho các hệ thống cấp nước tập trung khu vực nông thôn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Chủ trì hướng dẫn các chủ đầu tư lập hồ sơ, tổ chức thẩm định đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng đối với các công trình được cải tạo, nâng cấp;

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm soát các nguồn thải vào hệ thống công trình thủy lợi, xử lý các trường hợp vi phạm về xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi; Tiếp nhận và xử lý thông tin về các vấn đề vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn báo cáo Ban chỉ đạo cấp nước an toàn thành phố;

- Đầu tư hệ thống, thiết bị quản lý giám sát chất lượng nước; mua sắm trang thiết bị, và các hoạt động phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng nước, điều kiện đảm bảo chất lượng nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sạch nông thôn.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch. Tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng nước của các nhà máy cấp nước sinh hoạt nông thôn.

 - Phối hợp trong việc bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực về quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cấp nước, cán bộ trực tiếp quản lý lĩnh vực cấp nước trong việc tổ chức quản lý thực hiện cấp nước an toàn, kiểm soát chất lượng nước, thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước trên địa bàn khu vực nông thôn.

6.2. Sở Xây dựng

- Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban chỉ đạo cấp nước an toàn thành phố;

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố theo quy định;

- Lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Ban chỉ đạo cấp nước an toàn thành phố gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

- Chủ trì tổ chức các lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực về quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống cấp nước, cán bộ trực tiếp quản lý lĩnh vực cấp nước trong việc tổ chức quản lý thực hiện cấp nước an toàn, kiểm soát chất lượng nước, thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước trên địa bàn thành phố trong đó bao gồm cả khu vực nông thôn.

6.3. Sở Tài chính

- Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và duy trì kế hoạch cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch của các đơn vị sản xuất nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố;

- Chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan đánh giá, xác định giá trị còn lại thực tế các nhà máy nước không đủ điều kiện, tiêu chí nâng cấp, mở rộng;

- Chủ trì hướng dẫn các chủ đầu tư về trình tự, thủ tục hỗ trợ chi trả lãi suất vốn vay, hạn mức vay được hỗ trợ lãi suất và trình tự, thủ tục hỗ trợ chi trả lãi suất vốn vay đối với các doanh nghiệp đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng theo quy định.

6.4. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra chất lượng chất lượng nước sau xử lý tại các đơn vị cấp nước;

- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông cho người dân về việc sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng lực về thanh tra, kiểm tra chất lượng nước cho cán bộ trực tiếp thực hiện.

6.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, bố trí vốn ngân sách hàng năm để thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn và các dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch;

- Chủ trì hướng dẫn lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án cấp nước sạch nông thôn trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch.

6.6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các nguồn nước ngọt theo quy hoạch và các đề án đã được phê duyệt;

- Kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất của các nhà máy cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố, đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố;

- Kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

6.7. Sở Thông tin và Truyền thông

Tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khỏe.

6.8. Ủy ban nhân dân các huyện

- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước sạch;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát các đơn vị cấp nước triển khai cấp nước an toàn trên địa bàn;

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra, xử lý hoạt động vi phạm về môi trường nhằm bảo vệ nguồn nước; xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước và các trường hợp phá hoại công trình cấp nước trên địa bàn quản lý;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực bảo vệ nguồn nước; sử dụng nước tiết kiệm. Tích cực tham gia giám sát cộng đồng về cấp nước an toàn và hoạt động xả thải của các tổ chức, cá nhân tại địa phương; khi phát hiện hành vi vi phạm, cần báo ngay cho chính quyền sở tại để kịp thời ngăn chặn, khắc phục;

- Phối hợp với các đơn vị cấp nước và các đơn vị liên quan khắc phục các sự cố về cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư các công trình cấp nước về công tác thu hồi, đền bù giải tỏa đất xây dựng công trình khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra xử lý các hoạt động vi phạm về môi trường nhằm bảo vệ nguồn nước; xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước và hành lang bảo vệ hệ thống ống cấp nước và các trường hợp phá hoại các công trình cấp nước trên địa bàn quản lý;

6.9. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

- Phối hợp hướng dẫn tuyên truyền về sử dụng nước sạch cho người dân đảm bảo an toàn cấp nước trên địa bàn quản lý;

- Tăng cường các biện pháp phát hiện các trường hợp gây ô nhiễm, báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời;

- Vận động người dân sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật;

- Theo dõi, giám sát việc xả thải của các trang trại chăn nuôi, các làng nghề, các bãi chôn lấp nghĩa trang để bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.

6.10. Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi

- Xây dựng quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình kênh trục chính, đặc biệt là các công trình phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt;

- Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước; rà soát, thống kê, lập danh mục tất cả các cơ sở phát sinh nước thải, các vị trí xả thải (nước thải, rác thải) gây ô nhiễm nguồn nước báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

6.11. Các đơn vị cấp nước sạch nông thôn

- Lập và triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn các hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý theo lộ trình được phê duyệt; tổ chức giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cấp nước an toàn; cập nhật, bổ sung kế hoạch giai đoạn sau; Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước đầu vào, đầu ra và chủ động có giải pháp kịp thời đảm bảo chất lượng nước cấp;

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước thuộc địa bàn được giao đối với các đơn vị có đủ điều kiện theo Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành quy định điều kiện, tiêu chí lựa chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình đầu tư, cải tạo, mở rộng dự án cấp nước sạch nông thôn;

- Tổ chức phân công trực điều hành sản xuất, điều hành mạng lưới đảm bảo ổn định tình hình cấp nước trong địa bàn; vận hành nhà máy cấp nước đúng quy trình kỹ thuật quy định.

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm;

- Báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn đến Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Ủy ban nhân dân huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung, nhiệm vụ không phù hợp, phát sinh các nội dung khác hoặc vướng mắc, đề nghị các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất ý kiến đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn thành phố xem xét, quyết định.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND thành phố;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- Các Sở NN&PTNT, KHĐT, TC, TN&MT, XD, YT, TT&TT;
- UBND các huyện;
- Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi;
- Đài PTTHHP, Báo HP, ANHP;
- Cổng Thông tin điện tử TP;
- CVP, PCVP Bùi Bá Sơn;
- Các phòng NNTNMT, KTGSTĐKT;
- CV: MT, TL, NN;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 39/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 39/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/02/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Phạm Văn Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản