Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 07 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI SAU KỲ HỌP THƯỜNG LỆ GIỮA NĂM 2021 VÀ TRƯỚC KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021 - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 106/BC-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI; Báo cáo số 48/BC-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với Báo cáo số 106/BC-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI; Báo cáo số 48/BC-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI.

Điều 2. Để giải quyết kịp thời, đạt kết quả những kiến nghị chính đáng của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI; Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu tại Báo cáo số 48/BC-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI.

- Chỉ đạo tiếp tục rà soát, có kế hoạch, biện pháp và thời gian giải quyết cụ thể đối với các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh đang giải quyết và sẽ giải quyết (theo Phụ lục 3, 4); trong đó, chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn chủ động rà soát các quy định của Trung ương để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các quy định, chính sách theo thẩm quyền.

- Đối với các nội dung kiến nghị của cử tri mà việc giải quyết liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan Trung ương (theo Phụ lục 6): Chỉ đạo các sở, ngành chức năng thường xuyên theo dõi kết quả, triển khai thực hiện kịp thời sau khi có ý kiến của các cơ quan Trung ương.

- Đối với các nội dung kiến nghị đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo Phụ lục 7): Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, giải quyết theo thẩm quyền; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sớm hoàn thành các nội dung công việc được giao, nhất là trong lĩnh vực đất đai, định kỳ báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện để Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

- Chỉ đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chuyển đến để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân công các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết, tham mưu nội dung trả lời cho cử tri; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các sở, ngành, địa phương; định kỳ rà soát, tổng hợp, đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan Trung ương và của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh:

- Tích cực theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, nhất là đối với những vấn đề bức xúc, kéo dài ở địa phương.

- Mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cần chủ động, thường xuyên theo dõi kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, kể cả các kiến nghị đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết để có đầy đủ thông tin trả lời và giải thích cho cử tri khi tiếp xúc cử tri.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, hạn chế việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị giải quyết.

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác ĐBQH - UBTV Quốc hội;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh;
- Các Văn phòng: Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQ các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, (CTHĐ.08b), Liên.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoài Anh

 

PHỤ LỤC 1

TỔNG SỐ Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

I. TỔNG SỐ KIẾN NGHỊ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA UBND TỈNH: 72 KIẾN NGHỊ

STT

Tình hình giải quyết

Sở, ngành

Kiến nghị đã được giải quyết

Kiến nghị đang giải quyết

Kiến nghị sẽ giải quyết

Kiến nghị đã giải trình, thông tin với cử tri

Tổng

(A)

(B)

(C)

Tổng

(A)

(B)

(C)

Tổng

(A)

(B)

(C)

Tổng

(A)

(B)

(C)

Tổng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

1

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn

1

1

 

2

 

 

 

 

2

 

 

2

1

3

 

4

8

2

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

 

 

 

7

 

1

8

 

 

 

 

1

 

 

1

9

3

Sở Kế hoạch và Đầu tư

1

 

 

1

1

6

 

7

 

 

 

 

 

1

 

1

9

4

Sở Giao thông vận tải

 

1

 

1

 

5

 

5

 

1

 

1

 

1

 

1

8

5

Sở Giáo dục và Đào tạo

 

 

 

 

 

 

1

1

 

 

 

 

 

 

1

1

2

6

Sở Y tế

 

 

1

1

 

 

1

1

 

 

 

 

 

 

1

1

3

7

Sở Xây dựng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

2

2

8

Sở Lao động Thương binh và Xã hội

 

 

2

2

 

1

 

1

 

 

 

 

 

 

3

3

6

9

Sở Nội vụ

 

 

2

2

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

9

10

12

10

Sở Công thương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

1

1

11

Sở Tài chính

 

1

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

1

2

12

Sở Tư pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

1

1

13

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

1

1

14

Ban QLDAĐT Xây dựng CTDD và CN

 

 

 

 

 

1

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

1

15

Ban QLDAĐT Xây dựng CTNN và PTNT

 

1

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

1

2

16

Công an tỉnh

 

 

 

 

 

 

1

1

 

 

 

 

 

 

 

 

1

17

Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

2

3

3

18

Điện lực

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

1

1

TỔNG KIẾN NGHỊ

2

4

5

11

8

13

4

25

2

1

 

3

5

10

18

33

72

 

(A) Lĩnh vực sản xuất, tài nguyên và môi trường:

(B) Lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, giao thông và tài chính:

(C) Lĩnh vực văn xã, nội chính:

17 kiến nghị;

28 kiến nghị;

27 kiến nghị.

II. TỔNG SỐ KIẾN NGHỊ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TRUNG ƯƠNG: 08 KIẾN NGHỊ

III. TỔNG SỐ KIẾN NGHỊ ĐÃ PHÂN CÔNG CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG GIẢI QUYẾT: 20 KIẾN NGHỊ

 

PHỤ LỤC 2

11 KIẾN NGHỊ ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT XONG
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

A. LĨNH VỰC SẢN XUẤT, TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG: 02 NỘI DUNG

I. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 nội dung

1. Thực hiện chủ trương của Nhà nước về lắp đặt giám sát hành trình đối với ghe, thuyền chiều dài 15 m trở lên; các chủ ghe, thuyền đã tuân thủ việc lắp đặt. Đối với phường Phước Lộc có 165 chiếc đã lắp đặt với chủ trương hỗ trợ 50% cho ghe, thuyền lắp đặt giám sát hành trình mức hỗ trợ không quá 10.000.000 đồng và xem xét giảm thuê bao những tháng nằm bờ. Tuy nhiên, đến nay đã 02 năm sau khi lắp đặt, ngư dân vẫn chưa được tỉnh quan tâm hỗ trợ. Cử tri mong muốn tỉnh xem xét thực hiện (cử tri phường Phước Lộc, thị xã La Gi)

Hiện nay, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/5/2022 quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh (mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi tàu cá; thời gian hỗ trợ đến ngày 31/12/2023). Trong thời gian tới, giao Sở

Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết để sớm hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho các chủ tàu theo quy định.

II. Sở Kế hoạch và Đầu tư: 01 nội dung

1. Khu vực đất nông nghiệp có diện tích 500 ha nằm phía sau Ủy ban nhân dân xã Sông Phan, huyện Hàm Tân đã quy hoạch làm khu tái định cư trên 20 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện do vướng quy hoạch; vì thế, mỗi người dân chỉ được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất được 2 ha, gây khó khăn cho người dân. Cử tri tiếp tục kiến UBND tỉnh xem xét đưa ra khỏi quy hoạch khu 500 ha để người dân được cấp giấy chứng nhận QSDĐ (cử tri xã Sông Phan, huyện Hàm Tân).

Dự án ổn định dân di cư tự do xã Tân Nghĩa (nay thuộc xã Sông Phan), huyện Hàm Tân đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1051/QĐ-CT.UBBT ngày 02 tháng 5 năm 2002.

Qua kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát dự án ổn định dân di cư tự do xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, báo cáo, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo trình tự thủ tục quy định.

Trên cơ sở báo cáo, tham mưu, đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1447/SKHĐT-TĐ ngày 26 tháng 4 năm 2022 về dự án ổn định dân di cư tự do xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2022 thu hồi Quyết định số 1051/QĐ-CT.UBND ngày 02/5/2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt dự án ổn định dân di cư tự do hiện có tại xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân huyện Hàm Tân có trách nhiệm triển khai thực hiện các công việc tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật.

B. VỀ LĨNH VỰC QUY HOẠCH - XÂY DỰNG - GIAO THÔNG - TÀI CHÍNH: 04 NỘI DUNG

I. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận sớm khắc phục “cống lở Ba Mạnh” đoạn đi qua thôn Phú Sơn, xã Hàm Phú vì cống này đã sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn cho bà con nhân dân đi lại và vận chuyển nông sản (cử tri xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc).

Để giải quyết kiến nghị của cử tri, đảm bảo tiêu thoát lũ và đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân sinh sống dọc theo tuyến kênh chính Sông Quao. Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã lập kế hoạch sửa chữa Cống tiêu 6B tại K8 345 trên kênh chính Sông Quao (cống Ba Mạnh) đoạn đi qua thôn Phú Sơn, xã Hàm Phú. Công trình đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 11/2021.

II. Sở Giao thông vận tải: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị Sở Giao thông vận tải xem xét đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước bằng bê tông hai bên tuyến đường ĐT.717 - đoạn qua địa bàn xã Bắc Ruộng, Huy Khiêm (cử tri huyện Tánh Linh).

Theo kiến nghị cử tri, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các phòng, Ban phối hợp với địa phương rà soát, bổ sung khoảng 585 m rãnh chữ nhật bê tông đậy đan trên đoạn tuyến qua xã Bắc Ruộng. Hiện nay đã thi công hoàn thành các đoạn rãnh cử tri đã kiến nghị.

III. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: 01 nội dung

1. Tuyến kênh BN17 xã Nghị Đức được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, nhưng không phù hợp ở một số hạng mục, dẫn đến tình trạng ngập úng kéo dài, địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay các đơn vị có liên quan của tỉnh chưa khắc phục. Cử tri kiến nghị tỉnh quan tâm sớm chỉ đạo giải quyết (cử tri xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh)

Tuyến kênh BN17 xã Nghị Đức thuộc gói thầu số 32KB, Hợp phần kênh Bắc, dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao. Theo thiết kế, công trình có bố trí các cống lấy nước dọc theo tuyến kênh để cấp nước phục vụ tưới; Tại 04 vị trí cống tưới K1 617, K1 742, K1 880 và K2 144 công trình thi công cắt ngang các trục tiêu nước hiện trạng của khu tưới. Ngày 29/12/2020 UBND huyện Tánh Linh có Công văn số 2330/UBND-SX về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung, khắc phục hư hỏng tại một số tuyến kênh thuộc hệ thống thủy lợi Tà Pao. Theo đó, Chủ đầu tư đã phối hợp với các ngành chức năng huyện, UBND xã Nghị Đức và đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra hiện trạng và đã thống nhất điều chỉnh, bổ sung các công trình tiêu nước tại các vị trí này. Hiện tại, các hạng mục công trình bổ sung đã thi công hoàn thành. Vì vậy, không còn xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ như trước đây.

IV. Sở Tài chính: 01 nội dung

2. Cử tri đề nghị tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xem xét, thu hồi trụ sở nhà, đất của Chi nhánh Xí nghiệp đo đạc nông nghiệp II - Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao về cho địa phương quản lý và sử dụng vì bỏ hoang, không sử dụng từ nhiều năm nay (từ năm 2002), hiện là nơi tập trung của các đối tượng mua, bán, sử dụng chất ma túy, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự đại địa phương (cử tri xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình).

Thực hiện Quyết định số 3319/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất tại thôn Bình Thủy, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (Khu đo đạc cũ, xã Phan Rí Thành) với diện tích là 13.384,9 m2. UBND huyện đã bàn giao thực địa khu đất trên cho xã Phan Rí Thành quản lý và địa phương rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại khu vực trên để yêu cầu tích hợp vào qui hoạch và đề xuất kế hoạch sử dụng trong thời gian đến.

C. LĨNH VỰC VĂN XÃ-NỘI CHÍNH: 05 NỘI DUNG I. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: 02 nội dung

1. Cử tri đề nghị tỉnh bổ sung đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 2108/QĐ-UBND, ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh đối với lao động biển và nông dân, vì trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ những người lao động thuộc diện nêu trên là lao động không có giao kết nên người lao động đã bị mất việc làm, không có thu nhập (cử tri thị xã La Gi).

Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận về Quy định chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng do dịch COVID-19 không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh (theo quy định tại điểm 12 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ), cử tri thành phố kiến nghị:

Xem xét mở rộng các nhóm đối tượng:

Thợ sắt, thợ nhôm, thợ mộc, thợ hàn, thợ may, thợ thủ công mỹ nghệ; thợ sửa xe, thợ điện lạnh, điện tử, thợ cắt kính, thờ làm đá hoa cương, thợ bạc, thợ sửa máy tính, thợ sửa điện thoại, thợ sửa đồng hồ, thợ chụp hình; thợ xâm; thợ thiết kế, in ấn quảng cáo, photocopy, rửa xe, khoan giếng.

Nhân viên bán hàng như: Quần áo, vải, giầy dép, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, đồ điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, cây cảnh; nhân viên tiếp thị; làm thuê cho vựa thanh long, vựa cá; bốc vác, vận chuyển hàng hóa tại các chợ, cảng cá; lao động biển, lao động nông nghiệp, gia công hải sản; lao động giúp việc gia đình, dọn dẹp, vệ sinh nhà ở; mua ve chai.

Chủ cơ sở nhóm trẻ; giáo viên, nhân viên các Trung tâm Anh ngữ, Tin học, Bồi dưỡng văn hóa.

Ngày 07/02/2022, Ủy ban nhân tỉnh ban hành Quyết định số 341/QĐ- UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 12, mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; theo đó, các đối tượng được sửa đổi, bổ sung hỗ trợ, gồm:

- Thợ xây dựng nhà (thợ hồ, điện, nước, sơn, đóng la-phông, thạch cao, sắt, nhôm, kiếng, đá, mộc), người chạy “xe ôm”.

- Tự làm hoặc làm việc tại các hộ/cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực:

Ăn uống, lưu trú, lữ hành, dịch vụ du lịch, các điểm du lịch, vận tải du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí thiếu nhi, spa, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, dịch vụ internet, phòng tập gym, phòng tập yoga, phòng chiếu phim, quán bida, phòng tập aerobic, quán hát với nhau, cắt tóc, hồ bơi, vận tải hành khách, hàng hóa.

Lao động biển (tự đánh bắt hải sản hoặc làm trong các nghiệp đoàn khai thác hải sản), lao động khác (đóng tàu, đan lưới, gỡ lưới, xẻ, phơi cá , mực).

Thợ điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí.

Thợ chụp hình, nhiếp ảnh, đánh giầy, vẽ tranh, sửa chữa khóa.

Thợ sửa xe, rửa xe (ô tô, gắn máy,..), trông giữ xe.

Thợ may gia công.

Lao động bóc tách hạt điều, đóng gói thanh long...

Lao động bốc vác tại cảng, chợ hoặc trong các nghiệp đoàn bốc xếp.

Người thu mua phế liệu, giúp việc nhà.

Lao động là nhân viên phụ bán hàng tại các cửa hàng (shop), chợ truyền thống.

Lao động khác: Lao động vận chuyển hàng hóa (shipper), lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các dịch vụ khác.

Như vậy, các nhóm đối tượng mà cử tri kiến nghị đã được bổ sung để hỗ trợ tại Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh

2. Việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong toàn tỉnh. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng hỗ trợ cho các đối tượng như: Hộ cận nghèo, đối tượng chính sách nhận trợ cấp 1 lần không có lương hàng tháng, Người cao tuổi, Người khuyết tật nặng và một số đối tượng khác (cử tri huyện Hàm Thuận Bắc).

Ngày 08/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, tại điểm đ, khoản 1 bổ sung: ‟c) Người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ, phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021”.

Bên cạnh đó, trường hợp người lao động mà thuộc hộ cận nghèo, đối tượng chính sách nhận trợ cấp 1 lần không có lương hàng tháng và một số đối tượng khác làm việc trong các lĩnh vực, dịch vụ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 2108/QĐ- UBND ngày 23/8/2021 và Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của Ủy ban nhân tỉnh, thì được hỗ trợ mức 1.500.000 đồng/người.

II. Sở Y tế: 01 nội dung

1. Cử tri các huyện, thị xã, thành phố kiến nghị: Hiện nay, nhu cầu tiêm vắc xin Covid -19 trong nhân dân là rất lớn, nhưng số lượng phân bổ vắc xin cho các địa phương còn thấp. Cử tri kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm phân bổ phù hợp để người dân được tiêm ngừa đủ các mũi vắc xin trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là xem xét bổ sung tiêm vắc xin đối với lứa tuổi từ 12-17 tuổi.

Nội dung kiến nghị đã được giải quyết hoàn thành. Đến ngày 15/4/2022, số người (dân số từ 18 tuổi trở lên) được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 01: 902.752/902.752, đạt tỷ lệ 100%; tiêm mũi 02: 902.752/902.752, đạt tỷ lệ 100%, tiêm mũi 03: 509.299/902.752, đạt tỷ lệ 56,4%.

Đối với người từ 12 đến 17 tuổi, đến nay đã hoàn thành 100% theo Kế hoạch số 4076/KH-UBND ngày 27/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

III. Sở Nội vụ: 02 nội dung

1. Cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét, rà soát, sắp xếp lại loại xã theo tiêu chí quy định hiện hành để phù hợp với thực tế ở từng địa phương (cử tri xã Đức Phú, huyện Tánh Linh).

Theo đề nghị của UBND huyện Tánh Linh tại Tờ trình số 290/TTr-UBND ngày 15/11/2021 về việc điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính xã Đức Phú là đơn vị hành chính cấp xã loại I và kết quả thẩm định các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính của các sở, ngành có liên quan; ngày 12/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3468/QĐ-UBND công nhận phân loại đơn vị hành chính xã Đức Phú, huyện Tánh Linh đạt loại I theo đúng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

2. Cử tri huyện Tuy Phong kiến nghị: Trong thời gian qua, các Tổ Giám sát COVID-19 cộng đồng của các địa phương đã hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mức trợ cấp vừa qua do tỉnh hỗ trợ rất ít, thời gian 03 tháng (chỉ có 300.000 đồng/người). Do dịch bệnh còn kéo dài và diễn biến phức tạp, cử tri mong muốn tỉnh quan tâm, xem xét hỗ trợ thêm, ít nhất cũng đến cuối năm 2021.

Qua xem xét tình hình thực tế, ngày 11/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 112/UBND-KGVXNV báo cáo và được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất tại Thông báo số 273-TB/VPTU, ngày 18/01/2022 về thống nhất hỗ trợ cho các thành viên Tổ Giám sát COVID-19 cộng đồng, cụ thể như sau:

- Mức hỗ trợ: 100.000 đồng/người/tháng.

- Thời gian hỗ trợ: 05 tháng (từ tháng 8/2021 đến hết tháng 12/2021).

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thực hiện phân bổ kinh phí để UBND các huyện, thị xã, thành phố chi trả chế độ hỗ trợ cho các thành viên Tổ Giám sát COVID-19 cộng đồng theo quy định./.

 

PHỤ LỤC 3

25 KIẾN NGHỊ ĐANG GIẢI QUYẾT
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

A. LĨNH VỰC SẢN XUẤT, TÀI NGUYÊN-MÔI TRƯỜNG: 08 NỘI DUNG

I. Sở Tài nguyên và Môi trường: 07 nội dung

1. UBND tỉnh đã có chủ trương không tổ chức sản xuất muối nhưng Công ty TNHH Thông Thuận vẫn tiến hành sản xuất muối, gây ô nhiễm môi trường, nước thấm qua đê bao ra đường giao thông, ảnh hưởng đến khu dân cư khu vực xóm 8, thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo. Cử tri tiếp tục kiến nghị tỉnh xử lý nhất là việc gây ô nhiễm môi trường (cử tri xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong):

Hiện nay, Công ty TNHH Thông Thuận đang hoạt động bình thường trên diện tích khoảng 09 ha, số nhân viên, người lao động khoảng 65 người. Các vị trí trên thân đê tuyến kênh thoát lũ đoạn giáp ranh với đường giao thông xóm 8 khô ráo, không có dấu hiệu thấm nước, tuyến đường nhựa xóm 8 không có dấu hiệu hư hỏng, chất lượng tương đối tốt. Theo đó, để giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng muối Thông Thuận, 29/3/2022, UBND tỉnh có Công văn số 914/UBND-KT yêu cầu Công ty TNHH Thông Thuận khẩn trương phối hợp với UBND huyện Tuy Phong và các đơn vị liên quan hỗ trợ dứt điểm cho 07 hộ dân ngoài vùng nhiễm mặn; có văn bản cam kết và xác định rõ chỉ sản xuất trên diện tích 09 ha báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/4/2022. Đến nay, Công ty TNHH Thông Thuận chưa có văn bản cam kết và xác định rõ chỉ sản xuất trên diện tích 09 ha, mặc dù Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đôn đốc nhiều lần. Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc Công ty TNHH Thông Thuận có văn bản cam kết và xác định rõ chỉ sản xuất trên diện tích 09 ha để báo cáo UBND tỉnh. Đối với 07 hộ dân ngoài vùng nhiễm mặn chưa nhận tiền hỗ trợ, Công ty TNHH Thông Thuận đã gửi tiền vào ngân hàng, UBND xã đã vận động nhưng đến nay các hộ chưa đến nhận tiền hỗ trợ.

Trong mùa mưa năm 2022, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp UBND huyện Tuy Phong và các đơn vị liên quan giám sát an toàn và chống thấm tuyến kênh, việc nhiễm mặn đất tại khu dân cư xóm 8 xã Vĩnh Hảo tiếp giáp đồng muối, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

2. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét việc gia hạn quyền sử dụng đất cho HTX muối Thanh Phong với diện tích 11 ha và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 11,8 ha trong tổng diện tích hiện nay HTX đang quản lý, nhằm tạo thuận lợi cho diêm dân ổn định sản xuất.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 239-TB/VPTU ngày 18/11/2021 và của UBND tỉnh tại Công văn số 4596/UBND-KT ngày 30/11/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5340/STNMT-CCQLĐĐ ngày 03/12/2021 hướng dẫn HTX Thanh Phong và UBND huyện Hàm Thuận Nam. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

- Đối với phần diện tích đất nằm trong quy hoạch đất làm muối:

Căn cứ quy định theo Điều 74 của Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì khu đất hết thời hạn sử dụng đất muốn gia hạn sử dụng đất thì phải thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Trong nội dung thẩm định nhu cầu sử dụng đất có đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt có liên quan đến dự án (nếu có). Đồng thời, đối với trường hợp xin gia hạn sử dụng đất mà phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư thì việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất được thực hiện đồng thời với việc thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư; trường hợp dự án đầu tư có điều chỉnh quy mô mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì thời hạn sử dụng đất được điều chỉnh theo thời gian hoạt động của dự án.

Để có cơ sở thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị HTX Thanh Phong liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đầu tư theo quy định pháp luật đầu tư.

Sau khi thực hiện nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị HTX Thanh Phong nộp hồ sơ gia hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 9, Điều 9 của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đối với phần diện tích đất đã đưa vào quy hoạch đất giao thông, đất công viên:

Theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 239- TB/VPTU ngày 18/11/2021 thì đối với phần diện tích đất đã đưa vào quy hoạch đất giao thông, đất công viên thì tiếp tục thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển khu vực ven biển xã Tân Thuận và bảo đảm yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cần bảo đảm quyền lợi cho Hợp tác xã Thanh Phong và tạo điều kiện để Hợp tác xã chuyển đổi ngành nghề hoạt động phù hợp, hiệu quả.

Từ nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam xác định rõ tiến độ thực hiện quy hoạch để sử dụng vào mục đích đất giao thông và đất công viên; quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cần phải bảo đảm quyền lợi cho Hợp tác xã Thanh Phong và tạo điều kiện để Hợp tác xã chuyển đổi ngành nghề hoạt động phù hợp, hiệu quả.

Trường hợp trong giai đoạn hiện nay chưa thực hiện được quy hoạch được duyệt thì việc sử dụng đất tại khu vực này như thế nào (có phải thực hiện thủ tục thu hồi ngay giao địa phương quản lý theo quy định hay tiếp tục cho HTX Thanh Phong tiếp tục sử dụng đến khi thực hiện quy hoạch?), các giải pháp và kiến nghị cụ thể để sử dụng đất có hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất đai theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được ý kiến của HTX Thanh Phong và UBND huyện Hàm Thuận Nam. Trong thời gian đến, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có văn bản đôn đốc UBND huyện Hàm Thuận Nam, đồng thời hướng dẫn HTX Thanh Phong thực hiện theo đúng quy định.

3. Nhà máy cồn Tùng Lâm xả thải, mùi hôi thối nồng nặc đã làm ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng lân cận. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm xử lý dứt điểm (cử tri xã Tân Đức, huyện Hàm Tân).

Từ sau ngày 16/8/2021 dòng nước sông Giêng không có dấu hiệu ô nhiễm, không xuất hiện tình trạng cá chết. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Giêng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3559/STNMT-CCBVMT ngày 17/8/2021 gửi Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Tân, UBND huyện Tánh Linh đề nghị phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải đổ vào sông Giêng, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3613/STNMT-CCBVMT ngày 19/8/2021 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, trong đó đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn nước thải sau xử lý đổ vào sông Ui, Sông Giêng tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Công văn số 7104/UBND-KTN ngày 24/6/2021.

Tuy nhiên, đến ngày 12/4/2022, qua thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và cá chết trên đoạn sông Giêng thuộc khu vực hạ lưu Nhà máy sản xuất cồn của Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm của người dân và UBND xã Tân Đức; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã chủ trì phối hợp với UBND xã Tân Đức cùng với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, đại diện UBND huyện Xuận Lộc (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường huyện) tiến hành kiểm tra thực tế để xác minh trình trạng ô nhiễm đoạn sông Giêng giáp ranh giữa 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Qua thực tế kiểm tra cho thấy, tại khu vực nhà máy nguồn nước sông Giêng không bị ô nhiễm, không có cá chết, không có dấu hiệu xả thải. Tuy nhiên, tại chân cầu sông Giêng ngược lên thượng nguồn đến suối Ông Châu nguồn nước bị ô nhiễm và cá chết nhưng chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực. Trước mắt, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Giêng, UBND tỉnh có Công văn số 1230/UBND-KT ngày 27/4/2022, trong đó:

- Giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường trinh sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu vực giáp ranh giữa 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, cần thiết chủ động xin hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ từ Bộ Công an. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Giêng tại địa bàn giáp ranh 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai theo Kế hoạch số 511/KH-CAT ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Công an tỉnh Bình Thuận và Công an tỉnh Đồng Nai.

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để theo dõi, giám sát công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn thải đổ vào Sông Giêng tại khu vực giáp ranh giữa 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; trường hợp phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định. Sau khi có kết quả phân tích mẫu, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đánh giá và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

- Giao Ủy ban nhân dân huyện Hàm Tân chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an huyện và Ủy ban nhân dân xã Tân Đức thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời các thông tin phản ảnh để sớm phát hiện, xử lý đối với các trường hợp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực.

Căn cứ kết quả phân tích mẫu được lấy vào ngày 12/4/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo UBND tỉnh tại Công văn số 1906/STNMTCCBVMT ngày 11/5/2022, cụ thể như sau:

- Mẫu nước tại chân cầu Sông Giêng: Có 06 thông số vượt quy chuẩn cho phép gồm: BOD vượt 5,33 lần, COD vượt 4,73 lần, TSS vượt 3,33 lần, Amoni vượt 13,63 lần, Phosphat vượt 2,9 lần, Cloliform vượt 8,6 lần.

- Mẫu nước tại suối Ông Châu (cách cầu Sông Giêng 700 m về thượng nguồn, cách khu vực nhà máy cồn Tùng Lâm khoảng 500m về hạ nguồn): Có 06 thông số vượt quy chuẩn cho phép gồm: BOD vượt 3,83 lần, COD vượt 3,06 lần, TSS vượt 3,73 lần, Amoni vượt 11,4 lần, Phosphat vượt 2,05 lần, Cloliform vượt 4,2 lần.

- Mẫu nước tại hồ nước tự nhiên, khu vực vùng trũng trong phạm vi đất của dự án nhà máy cồn Tùng Lâm: Có 06 thông số vượt quy chuẩn cho phép gồm: BOD vượt 27,53 lần, COD vượt 30,86 lần, TSS vượt 4,4 lần, Amoni vượt 117 lần, Phosphat vượt 342,33 lần, Cloliform vượt 12,4 lần.

Qua kết quả phân tích mẫu cho thấy, các mẫu nước mặt tại chân cầu Sông Giêng, suối Ông Châu, hồ nước tự nhiên trong phạm vi đất của dự án nhà máy cồn Tùng Lâm đều có các thông số (BOD5, COD, TSS, Amoni, Photphat, Coliform) vượt QCVN 08:2008/BTNMT, cột A2 - dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp cho phép (mẫu nước mặt tại chân cầu Sông Giêng, 01 mẫu tại suối Ông Châu) và Cột B1 - dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự hoặc các mục đích sử dụng như loại B2 (mẫu nước mặt tại hồ chứa nước tự nhiên). Các thông số ô nhiễm của các mẫu phân tích có tính chất tương đồng nhau, đặc biệt là nguồn nước mặt tại hồ chứa tự nhiên trong phạm vi dự án nhà máy cồn Tùng Lâm, khu vực vùng trũng trong đất phạm vi dự án bị ô nhiễm nghiêm trọng (đến nay, các cơ quan chức năng và địa phương tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận chưa phát hiện được nhà máy cồn Tùng Lâm xả thải nguồn nước này ra sông Giêng).

Nguyên nhân tình trạng ô nhiễm tại hồ chứa tự nhiên trong phạm vi đất của dự án là do khu vực này trước đây là vùng trũng, là nơi tiếp nhận, lưu chứa các nguồn nước từ các khu vực xung quanh đổ về và một phần nước mưa chảy tràn trên bề mặt từ phân xưởng sản xuất phân vi sinh của Công ty cuốn trôi bùn, phân xuống hồ chứa (do các hạng mục công trình nhà xưởng sản xuất phân vi sinh chưa hoàn thiện, hiện chỉ có mái che, chưa xây dựng tường bao xung quanh). Riêng nguồn nước mặt tại chân cầu Sông Giêng, suối Ông Châu chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm do tại thời điểm khảo sát không phát hiện các nguồn thải thải ra khu vực Sông Giêng. Vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi, lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nước, xác định nguồn gây ô nhiễm,... để có hướng đề xuất, xử lý tiếp theo.

Ngày 23/5/2022, UBND tỉnh có Công văn số 1539/UBND-KT trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các đơn vị có chức năng tỉnh Đồng Nai để triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 1230/UBND-KT ngày 27/4/2022 và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tại Công văn số 7104/UBNDKTN ngày 24/6/2021 liên quan đến việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; trường hợp phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 06/6/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 2245/STNMT-CCBVMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, trong đó đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai quan tâm, phối hợp thực hiện một số nội dung sau:

- Phối hợp với UBND huyện Xuân Lộc, các cơ quan liên quan của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát môi trường tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải đổ vào lưu vực sông Ui, thượng nguồn sông Giêng, khu vực giáp ranh giữa 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm (xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước) đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định và thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận để biết, phối hợp. Đồng thời, có phương án quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn nước mặt tại hồ chứa nước tự nhiên, khu vực vùng trũng (tại khu vực Nhà máy cồn Tùng Lâm) để tránh chảy tràn ra môi trường xung quanh ảnh hưởng đến nguồn nước mặt tại khu vực.

- Tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước (việc xả nước thải) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn nước thải sau xử lý đổ vào sông Ui, Sông Giêng tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Công văn số 7104/UBND-KTN ngày 24/6/2021.

4. Cử tri tiếp tục đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành Dự án 920 để đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý đất đai của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con nhân dân (cử tri huyện Hàm Tân)

Trên địa bàn huyện Hàm Tân có 10 đơn vị hành chính cấp xã. Từ năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai trên địa bàn tại 03 xã, thị trấn của huyện Hàm Tân như: Tân Đức, Tân Phúc, Tân Minh đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đã bàn giao cho các cấp (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND cấp xã). Hiện nay, còn lại 07 địa bàn cấp xã gồm: 04 xã (thị trấn Tân Nghĩa, Sông Phan, Tân Hà, Tân Xuân) đang triển khai từ đầu năm 2021, hiện nay các đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để đưa vào quản lý, sử dụng cũng như để đăng ký cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu dự kiến hoàn thành trong năm 2022; đối với 03 xã (Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ) cũng đang triển khai từ cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Để công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất cũng như hoàn thiện hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn huyện; UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn để hoàn thành nhiệm vụ.

5. Thời gian qua, tình trạng khai thác cát ngoài khu vực cấp phép của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã làm sạt lở bờ sông La Ngà, ảnh hưởng đến một phần diện tích canh tác cao su của Nhân dân xung quanh. Cử tri kiến nghị tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp khảo sát và đền bù thiệt hại cho người dân và kiểm tra, xử lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác cát theo quy định (cử tri xã Gia An, huyện Tánh Linh)

Ngày 22/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với đại diện UBND huyện Tánh Linh, UBND xã Gia An kiểm tra và làm việc liên quan đến nội dung phản ánh của người dân về hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông La Ngà thuộc xã Gia An, huyện Tánh Linh của DNTN Xuân Trường. Qua kết quả kiểm tra, vào ngày 28/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 1187/STNMT-TNNKS, theo đó yêu cầu DNTN Xuân Trường dừng ngay hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông La Ngà, xã Gia An, huyện Tánh Linh theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Giấy phép khai thác khoáng sản số 1940/GP-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh và quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông để thực hiện khắc phục các điểm sạt lở bờ sông và rà soát, thực hiện việc đánh giá tác động theo quy định; phối hợp với

UBND xã Gia An khẩn trương làm việc với các hộ dân có ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp gây ra để thỏa thuận đền bù thỏa đáng cho các hộ dân theo quy định tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 1940/GP-UBND của UBND tỉnh.

Ngày 01/4/2022, UBND huyện Tánh Linh có Công văn số 400/UBND-SX, theo đó UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, UBND xã Gia An tăng cường kiểm tra, giám sát việc dừng hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông La Ngà của DNTN Xuân Trường theo nội dung Công văn số 1187/STNMT-TNNKS ngày 28/3/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có hành vi khai thác cát trên sông La Ngà đoạn qua xã Gia An.

Ngày 08/4/2022, Phó Chủ tịch UBND xã Gia An xác nhận tại Biên bản họp dân - thôn 2: “Thực hiện Công văn số 1187/STNMT-TNNKS ngày 28/3/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày 08/4/2022 DNTN Xuân Trường đã phối hợp với UBND xã Gia An thực hiện làm việc với các hộ dân có ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản của Doanh nghiệp. Đã thỏa thuận và đền bù thỏa đáng cho các hộ xong”.

Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND huyện Tánh Linh theo dõi, kiểm tra, giám sát việc dừng hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông La Ngà của DNTN Xuân Trường, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm.

6. Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có kế hoạch làm việc với UBND huyện Tánh Linh để cho chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cao su tại khu vực CK5, thuộc dự án 327 từ năm 1995-1996 do Ban Quản lý rừng phòng hộ La Ngà (trước đây) làm chủ đầu tư (cử tri xã Măng Tố, huyện Tánh Linh).

Vấn đề này, UBND tỉnh đã có Công văn số 1120/UBND-KT ngày 19/4/2022, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tánh Linh khẩn trương kiểm tra, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kiến nghị của cử tri.

- Đến nay, kết quả như sau: Ngày 14/11/2008, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện ban hành Công văn số 174/TNMT gửi UBND tỉnh về việc xin ý kiến giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các hộ dân đang sử dụng đất thuộc Dự án 327 và dự án Dầu tằm tơ trên địa bàn 2 xã Đức Tân, Măng Tố (nay là xã Măng Tố). Trước tình hình bức xúc về nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhân dân, ngày 25/12/2008, UBND huyện Tánh Linh ban hành Công văn số 1780/UBND-SX về việc thống nhất lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong dự án 327 và Dâu tằm tơ trên địa bàn 2 xã Đức Tân, Măng Tố.

Do đó, UBND huyện Tánh Linh đã thống nhất lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ đang sử dụng đất thuộc dự án 327 và dự án Dâu tằm tơ; giao cho UBND xã Đức Tân và Măng Tố phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lập đầy đủ thủ tục, đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ sử dụng ổn định, nhưng tạm thời chưa giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân (do còn vướng về tài chính, khoản vay vốn trồng cao su theo chương trình 327 và vốn đầu tư của Dự án dâu tằm).

Phần diện tích còn lại nếu các hộ dân có nhu cầu thì tiến hành đăng ký cấp Giấy chứng nhận theo quy định, nhưng tạm thồi chưa giao Giấy chứng nhận cho dân theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện Tánh Linh tại Công văn số 1780/UBND-SX ngày 25/12/2008 nêu trên.

Đối với những trường hợp nhận chuyển nhượng đất thuộc dự án 327 tạm thời chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để chờ xác minh làm rõ, giải quyết và căn cứ hạn mức công nhận về đất nông nghiệp để giải quyết việc công nhận quyền sử dụng đất hay thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Đến thời điểm hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu UBND huyện Tánh Linh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khoảng 440 ha thuộc dự án 327 và dự án Dầu tằm tơ thuộc 2 xã Đức Tân, Măng Tố (trong đó xã Đức Tân khoảng 320 ha, xã Măng Tố khoảng 120 ha).

7. Cử tri tiếp tục kiến nghị đưa diện tích đất của 23 hộ dân ra khỏi đất Dự án cây ăn quả Sông Tram vì thực tế hiện nay diện tích đất này chỉ trồng cây keo lá tràm, đồng thời xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống (cử tri xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân).

Ngày 11/6/1997, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1242/QĐ/UB-BT về việc thu hồi 180 ha đất lâm nghiệp trong lâm phận của Lâm trường Hàm Tân giao cho bà Lưu Kim Anh, bà Nguyễn Thị Tuyết, ông Nguyễn Xuân Thanh để trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Ngày 18/02/2002, UBND huyện Hàm Tân đã cấp giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 03 hộ với tổng diện tích 154 ha (bà Lưu Kim Anh, diện tích 51,06 ha; ông Nguyễn Xuân Thanh diện tích 51,42 ha, bà Nguyễn Thị Tuyết diện tích 51,58 ha). Phần diện tích đất còn lại khoảng 26 ha chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ dân đang sử dụng ổn định và hiện nay có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, từ năm 1997 đến nay chủ Dự án chưa thực hiện việc thỏa thuận bồi thường được với các hộ dân có đất trong Dự án.

Ngày 02/10/2019, UBND huyện hàm Tân có Công văn số 3295/UBND- TNMT kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh diện tích thu hồi đất tại Quyết định số 1242/QĐ/UB-BT từ 180 ha xuống 154 ha (diện tích đã được cấp Giấy cho 03 hộ dân thực hiện dự án) cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở xem xét cấp giấy cho các hộ dân. Ngày 25/11/2019, UBND huyện Hàm Tân tiếp tục có Công văn số 3916/UBND-TNMT xin ý kiến của UBND tỉnh. Đồng thời, ngày 14/01/2020 UBND huyện có Báo cáo số 153/UBND-TH về trả lời cử tri sau kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV, trong đó có kiến nghị UBND tỉnh về việc xem xét điều chỉnh giảm diện tích nêu trên.

Ngày 30/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 4483/STNMT-CCQLĐĐ đề nghị UBND huyện Hàm Tân rà soát, đo đạc lập bản đồ địa chính thể hiện diện tích theo từng thửa đất đã được cấp Giấy CNQSD đất, diện tích chưa cấp Giấy CNQSD đất theo Quyết định số 1242/QĐ/UB-BT để Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát hồ sơ, thủ tục liên quan, UBND huyện Hàm Tân gặp một số khó khăn, vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện được. Hiện nay, ông Trần Văn Trọng đang khởi kiện vụ án tại TAND tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc điều chỉnh giảm diện tích đất Dự án và xem xét việc cấp giấy cho các hộ dân.

Vụ việc nói trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND huyện Hàm Tân kiểm tra, rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 6/2022.

II. Sở Kế hoạch và Đầu tư: 01 nội dung

1. Cụm Công nghiệp chế biến thủy sản không mùi Phan Rí Cửa, có doanh nghiệp Ngọc Mai triển khai thi công dự án chậm so với thời gian cấp phép của tỉnh. Cử tri kiến nghị tỉnh xem xét thu hồi dự án trên (cử tri thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong).

Công ty TNHH Nước đá Ngọc Mai được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 48121000556 ngày 04/6/2010 để đầu tư dự án Hạ tầng và tổ chức kinh doanh Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Hòa Phú tại xã Hòa Phú (nay thuộc thị trấn Phan Rí Cửa), huyện Tuy Phong, với diện tích khoảng 57.000 m2, tổng vốn đầu tư: 12 tỷ đồng.

Dự án được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 2190/QĐ-UBND ngày 12/10/2011 và Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 22/7/2016 với diện tích: 44.751m2; Dự án được UBND huyện Tuy Phong phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 09/5/2012; Công an tỉnh cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy số 2099/TD-PCCC; Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 244/GPXD-SXD ngày 17/11/2014; UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3562/QĐ-UBND ngày 30/10/2014; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CN 521367 ngày 11/10/2018 với phần diện tích: 44.751 m2, Công ty đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính về thuế (nộp tiền thuê đất 01 lần) theo Quyết định số 588/QĐ-UBND ngày 01/3/2019.

Ngày 11/01/2018, UBND tỉnh có văn bản số 147/UBND-KT đồng ý gia hạn tiến độ đầu tư các hạng mục công trình dự án Cụm công nghiệp chế biến thủy hải sản Hòa Phú của Công ty TNHH Nước đá Ngọc Mai đến cuối Quý II/2018 đưa dự án đi vào hoạt động, tiến độ cụ thể từng hạng mục công trình theo cam kết số 07/CV-NM ngày 15/11/2017 của Công ty TNHH Nước đá Ngọc Mai; Giao UBND huyện Tuy Phong đánh giá lại việc giảm quy mô diện tích dự án Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Hòa Phú và kiến nghị của Công ty TNHH Nước đá Ngọc Mai đề nghị Nhà nước hỗ trợ xây dựng kè tại vị trí sạt lở; gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong có trách nhiệm theo dõi tiến độ triển khai từng hạng mục công trình theo đúng thời gian cam kết, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng thì có văn bản báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Tuy nhiên, đến hết thời gian gia hạn và cam kết dự án vẫn không triển khai theo đúng tiến độ quy định. Qua rà soát, ngày 23/10/2018, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 4497/UBND-KT đồng ý cho Công ty TNHH Nước đá Ngọc Mai (chủ đầu tư) gia hạn tiến độ đầu tư Dự án hạ tầng và tổ chức kinh doanh Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Hòa Phú trong thời gian 03 tháng kể từ ngày ban hành công văn này để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, đưa dự án vào hoạt động và đây là lần gia hạn cuối cùng.

Ngày 07/6/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường (vắng), UBND huyện Tuy Phong, UBND thị trấn Phan Rí Cửa làm việc với Công ty TNHH Nước đá Ngọc Mai để nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án hạ tầng và tổ chức kinh doanh Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Hoà Phú tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

Kết quả kiểm tra, hiện trạng các hạng mục đã đầu tư trước đây vẫn như cũ như: đã hoàn thành việc đào móng xây vòng thành, san lấp mặt bằng; xây hố ga, cống thoát nước, đúc bó vỉa đường,…., khu đất trống, từ khi được UBND tỉnh gia hạn đến nay Công ty TNHH Nước đá Ngọc Mai chưa tác động triển khai thêm hạng mục công trình nào trên đất. Đối với việc thu hút 02 nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư trong cụm cũng chưa tác động triển khai.

Theo báo cáo của Công ty, dự án vướng mắc quy định về giá đất sau khi sáp nhập địa giới hành chính, Công ty đã gửi công văn xin xác định giá thuê đất; do đại dịch covid-19 ảnh hưởng đến việc đi lại khó khăn khiến mọi hoạt động chưa tiến hành; chồng lấn kè do Nhà nước đang đầu tư nên dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai dự án trong thời gian qua. Xét thấy giải trình lý do dẫn đến việc chậm triển khai là không có cơ sở, dự án đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng theo đúng tiến độ đã cam kết, vi phạm tiến độ quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư và tiến độ được UBND tỉnh gia hạn, vi phạm điểm a, Khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020. Do đó, các Sở ngành thống nhất đề nghị báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương chấm dứt hoạt động dự án. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định. Đồng thời, rà soát 02 dự án thứ cấp trong cụm để xử phạt theo quy định.

B. VỀ LĨNH VỰC QUY HOẠCH - XÂY DỰNG - GIAO THÔNG - TÀI CHÍNH: 13 NỘI DUNG

I. Sở Giao thông vận tải: 05 nội dung

1. Cử tri kiến nghị Sở Giao thông vận tải quan tâm xây dựng hệ thống thoát nước đường ĐT.720 đoạn từ Km6 600 đến Km9 800 qua địa bàn thôn 5, xã Tân Phúc.

Căn cứ ý kiến của đại diện chính quyền thôn 5, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân tại buổi khảo sát hiện trường ngày 07/10/2021, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ tăng cường kiểm tra, yêu cầu đơn vi quản lý bảo dưỡng tuyến ĐT.720 thường xuyên nạo vét hệ thống thoát nước qua khu vực nêu trên; đồng thời, đề nghị địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân tại khu vực không san lấp rãnh dọc thoát nước để đảm bảo thoát nước mặt đường. Đối với đoạn rãnh từ Km9 540 đến Km9 700 bên trái tuyến, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất danh mục công trình sửa chữa năm 2022 và đã được UBND tỉnh phân khai chi tiết nguồn vốn sửa chữa tại Quyết định số 777/QĐ- UBND ngày 23/3/2022.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang triển khai các thủ tục hồ sơ theo quy định để triển khai thi công công trình trong quý II và quý III năm 2022.

2. Tháng 4/2018, 03 hộ dân ở thôn Phú Thái, xã Hàm Trí đã giao đất để xây dựng cầu Nha Đam nhưng đến nay chưa nhận được tiền đền bù. Hơn 3 năm qua, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết. Cử tri mong muốn UBND tỉnh quan tâm sớm chỉ đạo chi trả kinh phí đền bù (Cử tri xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc).

Dự án Đền bù giải tỏa và rà phá bom mìn, vật liệu nổ đối với các cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc dự án LRAMP được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư không có mục đền bù về đất. Do vậy, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Đền bù giải tỏa và rà phá bom mìn, vật liệu nổ đối với các cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc dự án LRAMP (bổ sung bồi thường về đất cho một số hộ dân) tại Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 07/3/2022.

Ngày 28/3/2022, Sở Giao thông vận tải đã có Công văn số 687/TTr- SGTVT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Ngày 04/4/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Tờ trình số 1150/TTr- SKHĐT trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, do đó UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn cho dự án để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh có cơ sở hoàn thiện các thủ tục liên quan để chuyển kinh phí cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Thuận Bắc tiến hành chi trả tiền cho các hộ dân theo quy định.

3. Cử tri kiến nghị Sở Giao thông vận tải xem xét đầu tư tuyến đường ĐT.720 - đoạn xóm 3, thôn 3, xã Gia Huynh (cử tri huyện Tánh Linh).

Căn cứ ý kiến của cử tri xóm 3, thôn 3, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị UBND huyện Tánh Linh tổ chức vận động, hướng dẫn người dân không xây dựng trong phạm vi đất của đường bộ tuyến ĐT.720 để tránh ảnh hưởng đến khả năng thoát nước và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Đối với đoạn rãnh từ Km23 400 đến Km23 750, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất danh mục công trình sửa chữa năm 2022 và đã được UBND tỉnh phân khai chi tiết nguồn vốn sửa chữa tại Quyết định số 777/QĐ-UBND ngày 23/3/2022.

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải đang triển khai các thủ tục hồ sơ theo quy định để triển khai thi công công trình trong quý II và quý III năm 2022.

4. Đoạn đường Quốc lộ 55 qua địa bàn xã Thắng Hải có nhiều đoạn đường cong, hẹp thường xảy ra tai nạn. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh quan tâm tu sửa, mở rộng, đặt biển báo đảm bảo an toàn khi người dân tham gia giao thông (Cử tri xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân).

- Công trình Sửa chữa, gia cố lề, tấm đan và hệ thống thoát nước các đoạn từ Km53 000 - Km89 450, Quốc lộ 55, tỉnh Bình Thuận được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 4760/QĐ-TCĐBVN ngày 12/10/2021 và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 696/QĐ-TCĐBVN ngày 24/01/2022. Sở Giao thông vận tải đã hoàn tất thủ tục và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công công trình tại Quyết định số 227/QĐ-SGTVT ngày 31/3/2022. Công trình đã được triển khai thi công sửa chữa từ ngày 08/4/2022, dự kiến hoàn thành trong tháng 07/2022.

5. Tuyến đường Quốc lộ 55 (Tôn Đức Thắng) vừa qua có nâng cấp, duy tu nhưng vẫn còn một số đoạn khu vực thôn Phước Linh không có hệ thống thoát nước, thường xuyên ngập nước vào mùa mưa ảnh hưởng đến hộ dân hai bên đường, bà con đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết, đề nghị tỉnh quan tâm (Cử tri xã Tân Phước, thị xã La Gi).

Các vị trí cử tri xã Tân Phước, thị xã La Gi kiến nghị xây dựng rãnh thoát nước trên Quốc lộ 55 gồm các đoạn: Từ Km74 905 đến Km75 300 bên phải tuyến, từ Km76 200 đến Km76 500 và từ Km77 170 đến Km77 300 bên trái tuyến đã được Sở Giao thông vận tải tổ chức khảo sát, tổng hợp báo cáo, được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận đưa vào kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2022 tại Công văn số 6259/BGTVT-KCHT ngày 30/6/2021 và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Sửa chữa, gia cố lề, tấm đan và hệ thống thoát nước các đoạn từ Km53 000 - Km89 450, Quốc lộ 55, tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 4760/QĐ-TCĐBVN ngày 12/10/2021 và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 696/QĐ-TCĐBVN ngày 24/01/2022.

Sở Giao thông vận tải đã hoàn tất thủ tục và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công công trình tại Quyết định số 227/QĐ-SGTVT ngày 31/3/2022. Công trình được triển khai thi công sửa chữa từ ngày 08/4/2022, dự kiến hoàn thành trong tháng 07/2022.

II. Sở Kế hoạch và Đầu tư: 06 nội dung

1. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần việc xây dựng kè sông khu vực từ ngã ba Cầu Nam nối vào hệ thống kè đã có (khu vực Song Thanh - thị trấn Phan Rí Cửa). Cử tri tiếp tục đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương ghi vốn từ nguồn vốn chống biến đổi khí hậu để sớm xây dựng kè (cử tri thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong).

Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Tuy Phong, trong đó có đầu tư các dự án kè chống sạt lở bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu như: (1) Kè bảo vệ bờ biển thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; (2) Kè chống sạt lỡ bờ biển thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong; (3) Dự án Kè bảo vệ bờ biển xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong; (4) Dự án Sửa chữa Kè biển Phước Thể, huyện Tuy Phong; (5) Kè bảo vệ bờ biển xã Bình Thạnh; (6) Kè bảo vệ bờ biển thị trấn Phan Rí Cửa; (7) Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão xã Chí Công…

Do nguồn vốn Trung ương bố trí cho tỉnh còn hạn chế, việc đầu tư phải theo thứ tự ưu tiên, tính bức xúc của từng công trình để phát huy hiệu quả dự án đầu tư. Đối với công trình xây dựng kè sông khu vực từ ngã ba Cầu Nam nối vào hệ thống kè khu vực Song Thanh, trong thời gian tới giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Tuy Phong, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan tiếp tục kiến nghị Trung ương bố trí vốn để thực hiện.

2. Dự án làm kè, lấn biển, sắp xếp lại khu dân cư thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành do Công ty Trường Phúc Hải thi công rất lâu, kéo dài thời gian. Hiện nay, nhà cửa đã xuống cấp có nguy cơ sụp đổ, làm ảnh hưởng đến tài sản cũng như tính mạng của người dân. Cử tri tiếp tục đề nghị tỉnh quan tâm có hướng giải quyết để người dân nơi đây yên tâm làm ăn sinh sống ổn định (cử tri xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết).

Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, thành phố Phan Thiết được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017, điều chỉnh tại Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 và Quyết định số 1318/QĐ-UBND ngày 27/5/2019, với diện tích đất khoảng 129,99 ha, trong đó có 02 tuyến kè 550 m và 360 m. Tiến độ thực hiện các tuyến kè đến nay như sau:

- Tuyến kè 550 m: Công ty đã đầu tư với chi phí khoảng 70 tỷ đồng (Công văn số 5129/SKHĐT-HTĐT ngày 08/10/2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Báo cáo số 226/BC-UBND ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh), trong đó: Đúc đổ cấu kiện đạt 100%; đường công vụ đạt 100%; đóng cọc đạt 70%; đổ đá loca thân đê 400 m, đạt 73%; cắt đầu cọc 57%.

- Tuyến kè đoạn 360 m: Đúc đổ cấu kiện đạt 100%; đường công vụ đạt 100%; đang thi công hoàn thiện 40 m chuyển tiếp của kè 550 m và kè 360 m.

Hiện nay, dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long đang tạm dừng triển khai thực hiện theo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 173-TB/VPTU ngày 05/8/2021.

Ngày 18/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 733/QĐ-UBND thu hồi Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 668/QĐ-UBND ngày 12/3/2019. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 1093/SKHĐT-HTĐT ngày 30/3/2022 hướng dẫn Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

3. Hiện nay, nguồn nước bị nhiễm phèn, người dân không có nước sạch để sinh hoạt. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh sớm có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con nhân dân huyện Tánh Linh (cử tri huyện Tánh Linh).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tánh Linh có 06 công trình cấp nước sinh hoạt (CTCN) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh MTNT quản lý gồm: Lạc Tánh, La Ngâu, Đức Bình, Đức Phú, Măng Tố và Suối Kiết với tổng công suất 3.640 m3/ngày và hơn 119 km đường ống cấp nước phục vụ cho 5.126 hộ đấu nối sử dụng nước (chưa tính số đấu nối sau thủy kế). Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng hệ thống nước Măng Tố, huyện Tánh Linh, với tổng mức đầu tư 14.990 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân trong thời giai đến, UBND tỉnh đã có chủ trương giao Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn vay WB. Trong đó, có tiểu dự án Nhà máy nước Gia An, huyện Tánh Linh, mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.222 người dân các xã: Gia An, Gia Huynh, Suối Kiết, huyện Tánh Linh và xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, với tổng mức đầu tư khoảng 150.104 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2024-2029. Hiện nay, Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT đang hoàn chỉnh đề xuất dự án theo ý kiến của Ngân hàng thế giới và Bộ Tài chính.

4. Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, sớm đầu tư xây dựng công trình Kè biển phía Bắc đảo xã Long Hải nhằm chống xâm thực và có nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão cho ngư dân (cử tri huyện Phú Quý).

Công trình Kè biển phía Bắc đảo xã Long Hải có tổng mức đầu tư lớn (dự kiến khoảng 500 tỷ đồng), trong khi nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 còn nhiều khó khăn không đủ khả năng cân đối để thực hiện. Do vậy, ngày 26/8/2020, UBND tỉnh đã có văn bản số 3245/UBND-ĐTQH đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí vốn ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư công trình. Trong thời gian đến, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Phú Quý tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm bố trí vốn thực hiện dự án trên.

5. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp thúc đẩy các dự án dọc biển của xã Thắng Hải tiếp tục hoạt động không để dự án treo quá lâu (cử tri xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Tân có 17 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực, trong đó: Có 02 dự án đi vào hoạt động kinh doanh (chiếm 12%), 04 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 24%), 11 dự án chưa triển khai và triển khai chậm (chiếm 64%).

Riêng xã Thắng Hải có 09 dự án, cụ thể:

- Có 01 dự án đã đưa vào hoạt động kinh doanh (Khu du lịch nghỉ dưỡng & sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Công ty CP Cổ Kim Mỹ Nghệ).

- 02 dự án đang triển khai xây dựng:

Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt, diện tích khoảng 72 ha: Hiện nay, Công ty đang kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và bổ sung hạng mục Vòng đu quay.

Khu du lịch sinh thái Cát Vân của Công ty Cổ phần Cát Vân, diện tích khoảng 50,47 ha: Hiện nay, dự án đang gặp vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, dự kiến ngày 15/6/2022 UBND tỉnh sẽ chủ trì để nghe các Sở, ngành, địa phương và Công ty báo cáo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án).

- 01 dự án chậm triển khai xây dựng: Khu du lịch nghỉ dưỡng Đức Tâm của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Đức Tâm, diện tích khoảng 7,3 ha (đã thi công hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật: giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, cây xanh, đã lập hồ sơ thiết kế. Dự án gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ thi công dự án và chưa có quy hoạch phân khu. Hiện nay, dự án tạm dừng triển khai xây dựng).

- 05 dự án chưa triển khai:

Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Lý II của Công ty Cổ phần Đầu tư An Thiên Lý, diện tích khoảng 45 ha: Dự án đã được quyết định giao đất, tuy nhiên Chủ dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thỏa thuận, hỗ trợ di dời mồ mã, tình trạng lấn chiếm đất của một số hộ dân, không có đường vào, chồng lấn với giấy phép thăm dò sa khoáng titan của Công ty Liên doanh Điôxít Titan (khoảng 5,8 ha) và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 do phải chờ quy hoạch phân khu 1/2000 (hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh).

Khu du lịch sinh thái Hồng Phúc của Công ty CP khách sạn nhà hàng Hồng Phúc, diện tích khoảng 20 ha: Dự án đến nay chưa hoàn thành thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, không có đường vào, chồng lấn quy hoạch titan (khoảng 1,56 ha) và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 do phải chờ quy hoạch phân khu 1/2000. Ngày 18/5/2022, UBND tỉnh có văn bản số 1466/UBND-KGVXNV yêu cầu Công ty khẩn trương tiến hành đo đạc, xác định chính xác phần diện tích đất của các hộ dân và thực hiện thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng; kết quả phải được Ủy ban nhân dân huyện Hàm Tân xác nhận. Thời gian hoàn thành chậm nhất đến quý IV/2022. Trường hợp không hoàn thành việc thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng được thì loại trừ phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng ra khỏi phạm vi dự án (nhưng phải đảm bảo các khu đất liền thửa, đủ điều kiện về xây dựng) và Công ty hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định (lưu ý phải tách phần diện tích 1,56 ha chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan và phần diện tích chồng lấn tuyến đường quy hoạch ven biển (nếu có) ra khỏi phạm vi dự án). Trường hợp đến hết quý IV/2022, Công ty không hoàn thành các nội dung trên thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động dự án mà không xem xét, giải quyết bất kỳ kiến nghị, khiếu nại nào từ Công ty.

Khu du lịch Hương Hải của Công ty TNHH Hương Hải, diện tích khoảng 25 ha: Dự án đến nay chưa hoàn thành thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, không có đường vào, chồng lấn quy hoạch titan (khoảng 4,3 ha) và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 do phải chờ quy hoạch phân khu 1/2000. Ngày 18/5/2022, UBND tỉnh có văn bản số 1465/UBND-KGVXNV yêu cầu Công ty khẩn trương tiến hành đo đạc, xác định chính xác phần diện tích đất của các hộ dân và thực hiện thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng; kết quả phải được Ủy ban nhân dân huyện Hàm Tân xác nhận. Thời gian hoàn thành chậm nhất đến quý IV/2022. Trường hợp không hoàn thành việc thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng được thì loại trừ phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng ra khỏi phạm vi dự án (nhưng phải đảm bảo các khu đất liền thửa, đủ điều kiện về xây dựng) và Công ty hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định (lưu ý phải tách phần diện tích 4,3 ha chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan và phần diện tích chồng lấn tuyến đường quy hoạch ven biển (nếu có) ra khỏi phạm vi dự án). Trường hợp đến hết quý IV/2022, Công ty không hoàn thành các nội dung trên thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động dự án mà không xem xét, giải quyết bất kỳ kiến nghị, khiếu nại nào từ Công ty.

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hoàng Châu của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Châu, diện tích khoảng 97,5 ha: Dự án đến nay chưa hoàn thành thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng (còn vướng khoảng 40%), chưa thực hiện các thủ tục khác, vị trí nằm trong quy hoạch trường bắn quốc phòng và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 do phải chờ quy hoạch phân khu 1/2000.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Quế Mi của Công ty TNHH MTV Quế Mi, diện tích khoảng 15,06 ha: Dự án đến nay chưa hoàn thành thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng (còn vướng khoảng 15%), tình trạng lấn chiếm đất của một số hộ dân, chưa thực hiện các thủ tục khác, không có đường vào, vướng quy hoạch khoáng sản titan và chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 do phải chờ quy hoạch phân khu 1/2000. Công ty đã trồng gần 2.000 cây dương, xà cừ từ năm 2010, cử công nhân chăm tưới nhưng thời tiết gió biển khô và nguồn nước tưới khó khăn nên số lượng cây trồng giảm đáng kể, giữa năm 2012 Công ty tiếp tục trồng 1.000 cây dương nhưng thời tiết không tốt, chưa có đường đi nên việc chăm tưới hết sức khó khăn, đến nay số lượng cây trồng giảm rất nhiều và không thể lớn; Công ty không thể huy động vốn được.

Hầu hết các dự án nêu trên chậm triển khai thực hiện do vướng quy hoạch xây dựng, quy hoạch khoáng sản titan, xác định nguồn gốc đất, tính pháp lý để thực hiện thỏa thuận đền bù, chưa có đường vào dự án,....

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành có liên quan, UBND các địa phương làm việc với các Chủ dự án, xem xét cụ thể từng dự án, áp dụng các quy định pháp luật hiện hành để có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đối với các dự án du lịch chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, triển khai cầm chừng. Trường hợp qua rà soát, phát sinh các vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương thì kịp thời đề xuất, báo cáo xin ý kiến để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

6. Cử tri tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xây dựng tuyến đường ven biển tại địa bàn xã Thắng Hải, vì đây là tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương (Cử tri xã Thắng Hải)

Tuyến đường ven biển Tân Thắng - Thắng Hải từ giáp xã Sơn Mỹ đến xã Tân Thắng và Thắng Hải, huyện Hàm Tân thuộc Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển Tân Thắng - Thắng Hải, huyện Hàm Tân được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 2943/QĐ-UBND ngày 21/11/2013. Tuyến đường khi đầu tư hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch ven biển.

Trước đây, UBND tỉnh đã có chủ trương giao UBND huyện Hàm Tân triển khai lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách khó khăn chưa thể bố trí vốn để thực hiện dự án nên UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 29/7/2017 thu hồi chủ trương đầu tư dự án. Từ đó đến nay, UBND huyện Hàm Tân đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư tuyến đường này.

Ngày 18/11/2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 4410/UBND-ĐTQH kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến ven biển còn lại của tỉnh chưa được đầu tư, trong đó có đoạn đường ven biển của huyện Hàm Tân. Vừa qua, tuyến đường này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa vào nghị quyết, kế hoạch đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025 (Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28 tháng 12 năm 2021 của của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Kế hoạch số 786/KH- UBND ngày 17 tháng 3 năm 2022 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai Nghị quyết số 08- NQ/TU ngày 28/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025).

III. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: 01 nội dung

1. Hiện nay, các cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh đang quá tải, không tiếp nhận các đối tượng cai nghiện; trong khi đó đối tượng có nhu cầu cai nghiện tập trung rất lớn, việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy ở các khu dân cư sẽ gây ra những hệ lụy cho cộng đồng và xã hội. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét đầu tư kinh phí để mở rộng, xây dựng thêm cơ sở cai nghiện tập trung (cử tri xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc).

Theo Kế hoạch số 272/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh về tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc năm 2022, giao Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận quản lý học viên vào cai nghiện là 400 người. Tính đến ngày 01/6/2022, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận được 237/03 nữ, hiện nay vẫn còn chỗ để tiếp nhận đảm bảo theo Kế hoạch năm 2022 của UBND tỉnh. Như vậy, chỗ ở hiện nay tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh vẫn còn trống rất nhiều để tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy; đồng thời đang tiếp tục thi công mở rộng thêm 200 chỗ ở cho học viên để nâng công suất tiếp nhận lên 600 học viên (dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022). Việc đầu tư mở rộng, xây dựng thêm cơ sở cai nghiện tập trung; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Hàm Thuận Bắc khảo sát quỹ đất, thống nhất vị trí Cơ sở 2 - Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tại địa bàn xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, diện tích mở rộng dự kiến 20 ha. Hiện nay UBND huyện Hàm Thuận Bắc xây dựng kế hoạch đăng ký nhu cầu sử dụng đất năm 2022 trình UBND tỉnh phê duyệt, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tiến hành các bước tiếp theo để thực hiện đầu tư xây dựng thêm cơ sở 2 tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc.

IV. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh: 01 nội dung

1. Dự án Kênh thoát lũ đoạn từ địa chỉ đỏ đến cầu Đôi 1 tại thôn Xuân Phong, xã Phong Nẫm đã có Kết luận 236-KL/TU ngày 06/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị cải tạo đoạn kênh trên. Hiện nay kênh bị ngập úng, bốc mùi hôi thối tại khu vực từ địa chỉ đỏ đến cầu Bà Tiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại khu vực này. Cử tri kiến nghị tỉnh sớm quan tâm triển khai dự án, thời điểm này cần tổ chức nạo vét kênh (cử tri xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết)

Công trình Cải tạo đoạn kênh từ địa chỉ Đỏ tại thôn Xuân Phong, xã Phong Nẫm đến cầu Đôi 1, đường Nguyễn Hội thuộc Dự án Kênh thoát lũ Khu công nghiệp và vùng phụ cận (giai đoạn 2) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư. Thực hiện Kết luận số 236-KL/TU ngày 06/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND thành phố đã có Công văn số 3038/UBND-QHĐT ngày 04/6/2021 đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh khảo sát, thực hiện điều chỉnh quy mô công trình cho phù hợp, nhằm giảm chi phí đền bù và tăng tính khả thi của dự án, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.

C. LĨNH VỰC VĂN XÃ-NỘI CHÍNH: 04 NỘI DUNG

I. Sở Giáo dục và Đào tạo: 01 nội dung

1. Cử tri mong muốn tỉnh cần có chủ trương để xem xét miễn giảm học phí cho học sinh cấp II, III do ảnh hưởng dịch COVID-19 (cử tri các xã, phường của thành phố Phan Thiết)

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP). Theo đó: Tại Khoản 3 Điều 4 quy định “…UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khung hoặc mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập…”.

Hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai xây dựng chính sách Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện. Trong đó, có đề xuất nội dung “không thu học phí Học kỳ I (04 tháng) năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh do dịch COVID-19”. Tiến độ thực hiện, dự kiến trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2022.

II. Sở Tài nguyên và Môi trường: 01 nội dung

1. Cử tri đề nghị tỉnh khi quy hoạch đất đai cho thuê để thực hiện các dự án du lịch, không giao cho dự án quyền quản lý khu vực bờ biển (cử tri phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết).

Theo Điều 23 của Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo thì “Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Ngày 15/4/2021 UBND tỉnh phê duyệt và công bố Danh mục các khu vực Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 936/QĐ- UBND ngày 15/4/2021. Theo đó, toàn tỉnh có 54 khu vực được thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, chiếm khoảng 48% chiều dài bờ biển của tỉnh; trong đó phường Phú Thủy có 01 khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển1.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xác định ranh giới; công bố và cắm mốc giới toàn bộ hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận theo quy định.

Trong khi chưa xác định xong chiều rộng hành lang thì trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền thì không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo2.

III. Sở Y tế: 01 nội dung

1. Cử tri xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Y tế bổ sung thêm một số loại thuốc đặc trị các bệnh mạn tính vào danh mục Bảo hiểm y tế góp phần giảm gánh nặng chi phí cho Nhân dân khi khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc lấy ý kiến, tập hợp ý kiến của bệnh nhân đang điều trị các bệnh mạn tính về kiến nghị bổ sung các loại thuốc đặc trị bệnh mạn tính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để kiến nghị Bộ Y tế.

IV. Công an tỉnh: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh về mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng, Đội phó của Đội dân phòng, Ban Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 73/2019/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 của HĐND tỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Nghị quyết số 73/2019/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa điều khoản trong Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12/11/2014 của Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên ngành.

Đến nay, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; Thông tư số 56/2014/TT- BCA đã được thay thế bằng Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an.

Ngày 01/4/2022, Công an tỉnh có Tờ trình số 993/TTr-CAT trình UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho chức danh Đội trưởng, Đội phó theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Ngày 17/05/2022, UBND tỉnh ban hành Tờ trình số 1455/TTr-UBND trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh, dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm 2022./.

 

____________________

1 Kí hiệu: PT5 Đoạn 1, dài khoảng 1 km, với điểm đầu (Khu đô thị biển) đến điểm cuối (Bãi biển đồi Dương) với tiêu chí bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

2 Kể từ thời điểm Luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Xây dựng mới công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng

phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa;

b) Xây dựng mới công trình theo dự án đầu tư phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư;

c) Xây dựng công trình theo dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm Luật này được công bố.

 

PHỤ LỤC 4

03 KIẾN NGHỊ SẼ GIẢI QUYẾT
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

A. LĨNH VỰC SẢN XUẤT, TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG: 02 NỘI DUNG

I. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 02 nội dung

1. Tuyến kênh dẫn nước từ đập dâng Sông Phan về thôn Tân Hòa, xã Sông Phan do hệ thống thoát nước không đảm bảo kỹ thuật nên nước thoát không kịp gây ngập úng khoảng 3 ha đất trồng thanh long, làm thiệt hại kinh tế của bà con. Cử tri kiến nghị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận quan tâm sớm khảo sát khắc phục (Cử tri xã Sông Phan, huyện Hàm Tân).

Để giải quyết kiến nghị của cử tri, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã tiến hành khảo sát và thiết kế công trình tiêu tại vị trí K8 750 trên kênh chính Sông Phan, nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ, tránh xảy ra tình trạng làm ngập úng đất sản xuất của người dân. Công ty đã bố trí vốn thực hiện trong năm 2022; Sở Nông nghiệp và PTNT đã thẩm định, phê duyệt Báo cáo Kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 208/QĐ-SNN ngày 27/4/2022. Hiện nay, Công ty đang triển khai thi công công trình; dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7/2022.

2. Cử tri kiến nghị tỉnh đưa vào danh mục đầu tư tuyến kênh bê tông mương dẫn nước từ cống gần ruộng Võ Thể ra vùng đồng Vũng Dầu, vì tuyến này dẫn nước ngược so với hướng tưới cho hơn 50 ha vùng đồng Lô Lâm 31 và Vũng Dầu; hơn nữa hàng năm phải nạo vét mà vẫn không đảm bảo cung cấp nước cho vùng xứ đồng trên (cử tri xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh).

Để giải quyết kiến nghị của cử tri, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật hạng mục sửa kênh và công trình trên kênh CV4 đoạn từ K1 150 đến K1 350 Trạm bơm Tà Pao; Sở Nông nghiệp và PTNT đã thẩm định, phê duyệt Báo cáo Kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 207/QĐ-SNN ngày 27/4/2022. Hiện nay, Công ty đang triển khai thi công công trình; dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022.

B. LĨNH VỰC QUY HOẠCH - XÂY DỰNG - GIAO THÔNG - TÀI CHÍNH: 01 NỘI DUNG

I. Sở Giao thông vận tải: 01 nội dung

1. Tuyến đường Mêpu - Đa kai là tuyến giao thông huyết mạch đấu nối với Quốc lộ 20 là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp và bảo trì tuyến đường trên (Cử tri xã Đức Tín, xã Đa kai, huyện Đức Linh).

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Mê Pu - Đa Kai đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 18/01/2021 với tổng mức đầu tư 149,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 04 năm (kể từ cuối giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030). Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai thực hiện dự án vào cuối giai đoạn 2021 - 2025 theo chủ trương đầu tư được duyệt.

Trong thời gian chờ thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, để đáp ứng nhu cầu lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức khảo sát và đang thực hiện sửa chữa các vị trí hư hỏng để đảm bảo giao thông trên tuyến./.

 

PHỤ LỤC 5

33 KIẾN NGHỊ ĐÃ ĐƯỢC GIẢI TRÌNH, THÔNG TIN LẠI VỚI CỬ TRI
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

A. LĨNH VỰC SẢN XUẤT, TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG: 05 NỘI DUNG

I. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 nội dung

1. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trái thanh long giá rất thấp, trong khi đó giá vật tư phân bón, một số mặt hàng nhu yếu phẩm tăng gấp 2 lần so với trước. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh và các ngành có liên quan sớm có giải pháp bình ổn giá và tìm đầu ra cho nông sản (trái thanh long) giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống (cử tri huyện Hàm Thuận Bắc).

Những năm qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị và tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là sản phẩm lợi thế như thanh long; thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thị trường và giá cả các mặt hàng nông sản, qua đó kịp thời chỉ đạo các biện pháp bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; Sở Công Thương nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước bằng hình thức trực tuyến để tạo cơ hội tiêu thụ nông sản có thế mạnh của địa phương, đặc biệt là sản phẩm thanh long vào các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên toàn quốc và tìm kiếm kết nối với đối tác nước ngoài; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại cùng với các đối tác của sàn thương mại điện tử hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử.

Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan, UBND các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và người sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ theo Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

- Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 3049/KH-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2025.

- Thường xuyên cập nhật và thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, xuất khẩu nông sản, nhất là thanh long trên địa bàn tỉnh các thông tin, quy định có liên quan đến xuất khẩu vào các thị trường để có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.

- Tiếp tục theo dõi tình hình, diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp bình ổn thị trường, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay; không để tiểu thương ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận (thanh long sấy, kẹo thanh long, snack thanh long, nước ép thanh long…) cùng với các tài liệu giới thiệu, quảng bá về địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm thanh long Bình Thuận trong gian hàng Việt Nam tham gia Hội chợ thương mại quốc tế…

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản (thanh long) phát triển thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng; hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử. Từ đó, tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán nông sản (thanh long) trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online. Tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản chế biến để góp phần giảm bớt áp lực tiêu thụ nông sản tươi.

- Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; đa dạng hóa cơ cấu giống theo hướng năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh; người sản xuất cần bố trí sản xuất rải vụ để sản lượng không tăng đột biến dẫn đến cung vượt cầu, đẩy mạnh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) để bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm; người sản xuất liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp bằng hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm, áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường,…, từ đó góp phần làm cho giá cả nông sản ổn định.

II. Sở Tài nguyên và Môi trường: 01 nội dung

1. Cử tri không đồng tình đối với việc tỉnh cấp phép khai thác Mỏ cát tại thôn 4, xã Sơn Mỹ cho Dự án khai thác khoáng sản của Công ty Phương Nam - Bình Thuận (vì hiện nay cát khai thác trái phép đưa về Mỏ cát để hợp thức hóa, việc vận chuyển cát bằng xe trọng tải nặng làm hư hỏng đường, bụi cát mịt mù gây ô nhiễm môi trường và dễ gây tai nạn giao thông… khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương). Cử tri kiến nghị tỉnh xem xét khảo sát trước khi cấp phép, tránh gây bức xúc trong nhân dân (cử tri xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân).

Công ty TNHH Phương Nam - Bình Thuận là đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát xây dựng tại thôn 4, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân theo Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó Công ty đã thực hiện thủ tục trình UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 2959/GP-UBND ngày 30/11/2020 và phê duyệt trữ lượng khoáng sản tại Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 13/8/2021. Diện tích mỏ cát 19,5 ha và trữ lượng 463.670 m3.

Việc cấp phép khai thác mỏ cát tại khu vực trên được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; để được khai thác khoáng sản Công ty phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định trình cấp thẩm quyền phê duyệt (gồm: lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp chủ trương đầu tư, lập thiết kế khai thác mỏ, cấp phép khai thác và thuê đất…). Trong đó, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường bắt buộc phải thực hiện tham vấn cộng đồng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do tác động của dự án gây ra, qua đó chủ đầu tư phải có giải pháp thực hiện giảm thiểu các tác động được Hội đồng thẩm định môi trường của tỉnh khảo sát thực tế, xem xét đánh giá trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Hiện nay mỏ cát trên chưa được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty nên cơ quan thuế chưa có căn cứ xuất hóa đơn đối với khối lượng khoáng sản tại mỏ, do đó việc khai thác cát trái phép đưa về mỏ cát để hợp thức hóa là không có cơ sở để Công ty thực hiện. Trong trường hợp Công ty đưa cát bên ngoài về khu vực mỏ để tập kết, kinh doanh (nếu có), UBND sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Việc cử tri kiến nghị tỉnh xem xét khảo sát trước khi cấp phép, tránh gây bức xúc trong nhân dân: Theo quy định của Luật Khoáng sản thì trình tự thủ tục cấp phép khai thác đối với một mỏ khoáng sản phải qua nhiều thủ tục và đều được các cơ quan chức năng kiểm tra thực địa trước khi thực hiện thủ tục đó.

III. Sở Công Thương: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị tỉnh sớm thực hiện việc hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho người dân theo tinh thần Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện (cử tri các phường, xã của thành phố Phan Thiết).

Ngày 06/8/2021, Bộ Công Thương có Công văn số 4748/BCT-ĐTĐL về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4; trong đó, Bộ Công Thương quy định đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện cho mục đích sinh hoạt là các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) đang thực hiện giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại thời điểm ngày 30/7/2021.

Sở Công Thương đã có Công văn số 1982/SCT-QLNL ngày 09/8/2021 về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đợt 4) sau ngày 30/7/2021, gửi Bộ Công Thương đề nghị Bộ xem xét, hướng dẫn, bổ sung đối tượng cho trường hợp thành phố Phan Thiết thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 16/CT-TTg từ 00 giờ ngày 02/8/2021.

Ngày 22/9/2021, Bộ Công Thương có Công văn số 5830/BCT-ĐTĐL về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4; trong đó, Bộ Công Thương có ý kiến như sau: “Trường hợp thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 00 giờ ngày 02/8/2021 không thuộc đối tượng giảm tiền điện đợt này theo quy định tại điểm a mục 1 Công văn số 4748/BCT-ĐTĐL nêu trên”.

IV. Sở Nội vụ: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị tỉnh đề nghị Quốc hội xem xét và kéo dài công nhận khu vực III đối với xã Phan Dũng tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thay đổi tập quán, thói quen sản xuất nhằm từng bước phát triển kinh tế gia đình (cử tri xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong).

Căn cứ Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí xác định xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) khi xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 01 trong 02 tiêu chính sau: Có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%; có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến 20% và có 01 trong các tiêu chí sau: Có trên 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong số hộ nghèo của xã; có số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết đọc biết viết tiếng phổ thông từ 20% trở lên; số lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 03 tháng trở lên chiếm trên 80% tổng số lao động có việc làm; đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài trên 20km, trong đó, có trên 50% số km chưa được rải nhựa hoặc đổ bê-tông. Tại thời điểm rà soát tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021, xã Phan Dũng có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,73%, không đáp ứng theo tiêu chí thuộc khu vực III.

Ngày 04 tháng 6 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; theo đó, xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong được công nhận xã khu vực I.

Việc rà soát phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đã được quy định khá cụ thể, chi tiết theo các tiêu chí tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng trên phạm vi toàn quốc, do đó, kiến nghị trên của cử tri xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong khó có cơ sở để được Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

IV. Công ty Điện lực Bình Thuận: 01 nội dung

1. Cử tri đề nghị Công ty Điện lực Bình Thuận trả lại 50% công suất bình điện chong thanh long đã bị cắt giảm trước đây cho Nhân dân, cử tri đã kiến nghị nhiều năm nhưng chưa được giải quyết (cử tri xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc)

Trong những năm qua, diện tích trồng thanh long trong toàn tỉnh phát triển quá nhanh, vượt xa quy hoạch phát triển thanh long của tỉnh, dẫn đến nhu cầu điện tăng cao, ngành điện đã đầu tư rất lớn nhưng cũng không đáp ứng đủ. Để từng bước đáp ứng nhu cầu điện chong đèn thanh long, từ năm 2015 Công ty Điện lực Bình Thuận đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển lưới điện đáp ứng cung cấp điện cho phụ tải thanh long theo quy hoạch đến năm 2020 (28.000 ha) và được Tổng Công ty Điện lực miền Nam phê duyệt với tổng nhu cầu vốn 2.759 tỷ đồng để đầu tư cho cả 3 cấp điện áp 220kV, 110kV, 22kV. Kể từ năm 2016 đến nay, ngành điện đã triển khai đầu tư rất nhiều dự án lưới điện với tổng giá trị đầu tư 3 cấp điện áp là 1.830 tỷ đồng; Trong đầu năm 2019, ngành điện cũng đã trả về cấp điện 100% công suất các trạm thanh long hiện hữu cho 04 xã Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý, Hàm Minh thuộc huyện Hàm Thuận Nam.

Đối với khu vực huyện Hàm Thuận Bắc, từ năm 2016 đến năm 2020 ngành điện đã bố trí 123,8 tỷ đồng để đầu tư và hiện nay trong năm 2021, Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đang triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các phần lưới 22kV với quy mô đầu tư 78,4km đường dây 22kV, tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Sau khi, Tổng công ty Điện lực miền Nam đưa vào vận hành TBA 110kV Hàm Thuận Bắc 2x63MVA (tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng), sẽ trả về cấp điện 100% công suất các trạm thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Ngoài ra, tiến độ các dự án lưới điện đang triển khai phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết các vướng mắc trong mặt bằng thi công, do vậy rất mong bà con đồng thuận, hỗ trợ ngành điện trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm sớm đưa các dự án vào vận hành đáp ứng cấp điện sản xuất thanh long của bà con.

Đối với các khu vực còn lại, ngành điện cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn thực hiện nhằm trả về cấp điện 100%. Tuy nhiên, nhu cầu vốn còn khá lớn khoảng 929 tỷ đồng, trong khi hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam đang ưu tiên bố trí vốn triển khai các dự án lưới điện 220kV, 110kV để giải phóng công suất cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời nhằm đảm bảo đủ nguồn điện đáp ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, diện tích chong đèn thanh long sử dụng điện hiện hữu đạt 32.670 ha vượt rất xa diện tích thanh long theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 28.000 ha và đến năm 2025 là 30.000 ha. Đây là một áp lực rất lớn cho hệ thống nguồn và lưới điện hiện hữu, cũng như kế hoạch đầu tư lưới điện theo Đề án và cả đáp ứng điện cho phần diện tích thanh long vượt quy hoạch. Thời gian tới, để giải quyết cấp điện, ngành điện tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại và các nguồn vốn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương hoặc vốn ứng để ưu tiên đầu tư nhằm trả về 100% công suất chong đèn thanh long, đảm bảo nhu cầu điện sản xuất của bà con nhân dân. Rất mong bà con cử tri chia sẽ những khó khăn, hỗ trợ ngành điện khi thực hiện các công trình lưới điện đầu tư trên địa bàn và tiếp tục ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện chong đèn thanh long và luân phiên rãi vụ để giảm công suất đỉnh nhằm tạo điều kiện cho tất cả các hộ trồng thanh long đều có điện sản xuất phát triển kinh tế, hài hòa lợi ích, công bằng xã hội.

B. LĨNH VỰC QUY HOẠCH - XÂY DỰNG - GIAO THÔNG - TÀI CHÍNH: 10 NỘI DUNG

I. Sở Giao thông vận tải: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị Sở Giao thông vận tải quan tâm sửa chữa điện chiếu sáng công lộ dọc Quốc lộ 1 đoạn từ trạm xăng dầu Hàm Tân đến quán cơm Phước Lộc thuộc khu phố 2, thị trấn Tân Nghĩa; Sửa chữa hệ thống cống thoát nước 2 bên Quốc lộ 1 chạy qua thị trấn Tân Minh; Mở lối đi ngang dải phân cách trước Phòng khám Đa khoa khu vực thị trấn Tân Minh. (cử tri huyện Hàm Tân).

Tiếp thu ý kiến cử tri, Sở Giao thông vận tải đã có Công văn số 3012/SGTVT-HTGT ngày 13/10/2021 kiến nghị Cục Quản lý Đường bộ IV xem xét, tổ chức kiểm tra giải quyết kiến nghị cử tri.

Cục Quản lý Đường bộ IV đã chỉ đạo Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Hàm Tân, Ban Quản lý dự án Thăng Long và Chi nhánh BOT 319 - Sông Phan kiểm tra hiện trường, xử lý các kiến nghị của cử tri và đã có Công văn số 3193/CQLĐBIV-QLBTĐB ngày 23/11/2021 báo cáo kết quả cụ thể như sau:

- Sửa chữa điện chiếu sáng công lộ dọc Quốc lộ 1 đoạn từ trạm xăng dầu Hàm Tân đến quán cơm Phước Lộc thuộc khu phố 2, thị trấn Tân Nghĩa: Hệ thống đèn chiếu sáng từ Km1751 200 - Km1752 147(P) được Ban An toàn giao thông tỉnh đầu tư, bàn giao cho UBND huyện Hàm Tân quản lý, khai thác, sử dụng từ 30/12/2019, hiện có 9 trụ đèn không sáng. UBND huyện Hàm Tân chỉ đạo Ban quản lý công cộng huyện kiểm tra hệ thống dây, bóng và sửa chữa hệ thống chiếu sáng trên.

- Sửa chữa hệ thống cống thoát nước hai bên Quốc lộ 1 qua thị trấn Tân Minh: Chi nhánh BOT 319 - Sông Phan đã sửa chữa các hư hỏng hệ thống cống thoát nước hai bên Quốc lộ 1 qua thị trấn Tân Minh.

- Mở lối đi ngang dải phân cách trước phòng khám đa khoa khu vực thị trấn Tân Minh: Quốc lộ 1 đã được mở rộng, lắp đặt dải phân cách giữa đoạn từ Km1760 000 - Km1762 100, trên đoạn này có bố trí các điểm mở giải phân cách giữa từ Km1761 000 - Km1761 030 và Km1761 820 - Km1761 856. Qua kiểm tra, đoàn thống nhất không bổ sung thêm điểm mở dải phân cách đoạn qua phòng khám đa khoa thị trấn Tân Minh tại Km1761 550 do gần với vị trí đã mở tại Km1761 820 (cách 270m), mặt khác vị trí đề nghị mở dải phân cách nằm trên đường cong lồi, khuất tầm nhìn có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải đã có Công văn số 3518/SGTVT-HTGT ngày 30/11/2021 thông báo đến UBND huyện Hàm Tân để trả lời, giải thích, thông tin cho cử tri được biết.

II. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 03 nội dung

1. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng đập Sông Dinh 3 và kênh dẫn nước từ đập Sông Dinh 3 về đập Cô Kiều, xã Tân Thắng, đoạn kênh còn lại từ đập Cô Kiều về Sông Chùa, xã Thắng Hải chưa triển khai. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư đoạn từ đập Cô Kiều về Sông Chùa để thuận lợi sản xuất các xứ đồng (Cử tri xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân).

Dự án Kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3 - đập Cô Kiều, huyện Hàm Tân đã được đầu tư xây dựng và thi công hoàn thành năm 2019 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đối với tuyến kênh từ đập Cô Kiều - Sông Chùa như cử tri kiến nghị, hiện nay do nguồn vốn ngân sách khó khăn nên chưa thể cân đối đầu tư dự án trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trình vào thời điểm phù hợp.

2. Hiện nay, nguồn nước sạch sử dụng cho sinh hoạt của người dân do Nhà máy cung cấp nước sạch Hồng Sơn 3 trực thuộc Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý chưa đảm bảo vệ sinh. Cử tri đề nghị Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận xem xét, kiểm tra khắc phục (cử tri xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc).

Công trình Hệ thống nước Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc được đầu tư, nâng cấp và đưa vào hoạt động năm 2016 với công suất thiết kế 720m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.900 đấu nối sử dụng nước (chưa tính số đấu nối sau thủy kế) tại địa bàn xã Hồng Sơn, một phần xã Thuận Hòa và xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Nước sạch nhà máy nước Hồng Sơn sau khi xử lý cung cấp cho khách hàng đều đạt theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế) về chất lượng nước cấp cho ăn, uống. Theo đó, định kỳ hàng quý Trung tâm thực hiện việc lấy mẫu nước sạch xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo đúng quy định; định kỳ, Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, nhân viên Nhà máy nước thường xuyên sử dụng thiết bị xét nghiệm nước hiện trường được trang bị tại nhà máy để kiểm tra chất lượng nước hàng ngày đối với một số chỉ tiêu chủ yếu. Qua kết quả kiểm tra, tất cả các mẫu nước tại Nhà máy nước Hồng Sơn đều bảo đảm chất lượng theo quy định của Bộ Y tế.

Liên quan đến phản ánh của cử tri về việc nguồn nước sạch sử dụng cho sinh hoạt của người dân do Nhà máy cung cấp nước sạch Hồng Sơn 3 chưa đảm bảo vệ sinh. Sau khi tiếp nhận ý kiến của cử tri, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã kiểm tra tình hình sản xuất, sổ nhật ký vận hành, sổ theo dõi xử lý nước hàng ngày tại Nhà máy nước Hồng Sơn; kết quả kiểm tra cho thấy, trong 02 ngày (03/11/2021 và 12/11/2021) tại Nhà máy nước Hồng Sơn bị cúp điện từ 08 giờ đến 17 giờ, đồng thời đầu tháng 11 năm 2021 có xảy ra 03 trường hợp sự cố bể đường ống nước. Do vậy, vào thời điểm này chất lượng nước đã có hiện tượng như cử tri phản ánh do nhà máy nước phải tạm ngưng vận hành để sửa chữa một thời gian, trong đường ống không còn nước nên khi vận hành cung cấp nước trở lại, lượng nước được bơm đi với tốc độ và áp lực cao làm xáo trộn, gây bong tróc lớp cặn tích tụ bên trong thành ống. Trường hợp này, nhân viên nhà máy nước đã kiểm tra và súc xả ngay những vị trí cuối tuyến đảm bảo theo quy định. Đồng thời, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, súc xả các tuyến ống cấp nước để khắc phục dứt điểm tình trạng chất lượng nước chưa đảm bảo yêu cầu.

3. Cử tri đề nghị tỉnh sớm quan tâm, quy hoạch đầu tư xây dựng Cảng cá La Gi và khu neo đậu tàu, thuyền tránh bão, lũ cho phù hợp, vì đây là định hướng phát triển kinh tế biển của thị xã và của tỉnh (cử tri phường Phước Lộc, thị xã La Gi).

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa biển La Gi được quy hoạch là khu tránh trú bão cho tàu cá cấp tỉnh, sức chứa 1.600 tàu cá, cỡ tàu lớn nhất đến 600Cv; cũng tại Quyết định trên, Cảng cá La Gi được quy hoạch là cảng cá loại II, quy mô năng lực 175 lượt tàu cá/ngày cho tàu cá lớn nhất đến 400 Cv, năng lực bốc dỡ thủy sản 35.000 tấn/năm.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và Cảng cá La Gi đã được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2005 (Công trình đầu tư qua ba giai đoạn: Giai đoạn I (1995 - 1999), tổng vốn đầu tư trên 21 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tập trung tỉnh; giai đoạn II (2003 - 2006), vốn đầu tư 47,9 tỷ đồng do Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam hỗ trợ; giai đoạn III (2016 - 2020) mở rộng, nâng cấp Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá La Gi, tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ). Hiện nay, đang thực hiện Dự án Mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá cửa biển La Gi (Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 31/3/2016, Quyết định số 972/QĐ-UBND ngày 13/4/2017, Quyết định số 3780/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 và Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày 26/8/2019); do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng. Đến nay, đã thi công hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng hạng mục Nạo vét luồng và khu nước neo đậu; đồng thời, dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021- 2025 để tiếp tục thi công các hạng mục công trình còn lại.

Với tính chất là cảng cá trọng điểm khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận, đồng thời Cảng cá La Gi có các yếu tố về điều kiện tự nhiên, diện tích vùng nước, vùng đất cảng đảm bảo cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng cảng cá đáp ứng các tiêu chí cảng cá loại II quy định tại Điều 78 Luật Thủy sản 2017, nên UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, quy hoạch (thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050) Cảng cá La Gi là cảng cá loại II, nâng quy mô số lượt tàu cập cảng lên 200 tàu cá/ngày cho tàu cá có chiều dài lớn nhất đến 24m, nâng năng lực bốc dỡ thủy sản lên 45.000 tấn/năm (Báo cáo số 188/BC- UBND ngày 06/9/2021).

III. Sở Kế hoạch và Đầu tư: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị quan tâm thực hiện đầu tư giai đoạn 2 xây dựng tuyến đường liên xã Tân Đức - Tân Phúc - Sông Phan.

Công trình Đường giao thông liên xã Tân Đức - Tân Phúc - Sông Phan, huyện Hàm Tân do UBND huyện Hàm Tân làm chủ đầu tư. Theo đó, giai đoạn 1 từ xã Tân Đức đến Tân Phúc đã thi công hoàn thành; giai đoạn 2 đoạn từ xã Tân Phúc đi xã Sông Phan chưa được xây dựng.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có công văn số 5282/UBND-ĐTQH ngày 27/12/2017 đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm bố trí vốn để thực hiện dự án. Tuy nhiên, vẫn chưa được Trung ương giải quyết.

Hiện nay, đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương đã được phân khai, không có danh mục dự án. Vì vậy, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện dự án và tham mưu UBND tỉnh xem xét cân đối bố trí vốn thực hiện dự án khi có nguồn.

IV. Sở Xây dựng: 02 nội dung

1. Đề nghị tỉnh khi quy hoạch đất đai cho thuê để thực hiện các dự án du lịch thì mở các tuyến đường ven biển. Đối với quỹ đất đô thị cần dành cho việc trồng cây xanh cải thiện môi trường” (cử tri phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết).

- Về quy hoạch giao thông, đất đai để thực hiện các dự án du lịch: Căn cứ Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010; trong đó quy định chi tiết hệ thống đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Quá trình các cơ quan chức năng và địa phương liên quan triển khai lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung và các khu vực du lịch ven biển nói riêng đã triển khai cụ thể và tuân thủ Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ.

- Về quỹ đất đô thị dành cho việc trồng cây xanh cải thiện môi trường: Việc trồng cây xanh, đầu tư xây dựng các công viên cây xanh tập trung nhằm cải thiện môi trường sống trong các đô thị là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho nhân dân sinh sống trong đô thị. Hiện nay, tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đã được UBND tỉnh phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung và đã từng bước triển khai theo quy hoạch đô thị được phê duyệt. Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch đô thị, cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan thẩm định, phê duyệt quy hoạch đã căn cứ vào các Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng đảm bảo chỉ tiêu đất sử dụng cây xanh công cộng cho toàn đô thị theo đúng quy định.

Theo Chương trình phát triển đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt thì: Đối với thành phố Phan Thiết, chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt trên 7,0 m²/người, chỉ tiêu đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt trên 4,0 m²/người; đối với thị xã La Gi, chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt trên 10,0 m²/người; chỉ tiêu đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt trên 6,0 m²/người. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3238/KH-UBND ngày 30/8/2021 thực hiện Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; theo đó, khu vực đô thị trồng cây xanh phân tán với số lượng là 1,474 triệu cây.

Hiện nay các địa phương đang triển khai thực hiện, từng bước bổ sung hệ thống cây xanh, công viên theo Kế hoạch nêu trên và theo quy hoạch, chương trình phát triển đô thị được phê duyệt.

2. Cử tri đề nghị UBND tỉnh cần xem xét việc cấp kinh phí theo quy định để đầu tư xây dựng cơ bản tại các địa phương. Khi đầu tư công trình nhỏ và vừa, quy định chi phí cho các thủ tục nhiều như bản vẽ, thiết kế, giám sát... còn lại kinh phí thi công công trình rất ít dẫn đến chất lượng công trình kém, nghiệm thu đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã hư hỏng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn các ngành chức năng có giải pháp phù hợp, hiệu quả” (cử tri huyện Tuy Phong).

Theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định dự toán xây dựng công trình gồm các hạng mục chi phí sau: chi phí xây dựng gồm (chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng), chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gồm (chi phí lập hồ sơ thiết kế, chi phí giám sát thi công, …), chi phí khác và chi phí dự phòng. Chi phí xây dựng được phê duyệt phải bao gồm đầy đủ các chi phí cho công tác quản lý và thi công công trình nhằm đảm bảo trình tự đầu tư xây dựng và yêu cầu chất lượng, phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt; Việc thi công xây dựng công trình kém chất lượng nguyên nhân chủ yếu không phải do phân bổ chi phí đầu tư xây dựng.

Các hạng mục chi phí của công trình xây dựng đã được quy định cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật.

Để thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phân công, phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 18/7/2017), trong thời gian đến UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, trường hợp có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

V. Sở Tài chính: 01 nội dung

1. Theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác phí, chế độ hội nghị thì người hoạt động không chuyên trách cấp xã không được thanh toán công tác phí. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có quy định phù hợp để họ đảm bảo yêu cầu công tác (như phân công nhiệm vụ ở cự ly trên 15km) và đảm bảo quyền lợi của cán bộ (cử tri huyện Tuy Phong).

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Nghị định số 117/2013/NĐ- CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; theo đó tại khoản b, Điểm 6, Điều 3, Chương 2 quy định “…Trường hợp các hoạt động đặc thù chưa được quy định tại các văn bản pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan được vận dụng quyết định mức chi tương ứng với các công việc của các lĩnh vực tương tự đã quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng không được vượt quá định mức chi đã quy định và phải được quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ hoặc phải được Thủ trưởng cơ quan quyết định bằng văn bản trong trường hợp chưa được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ…”.

Ngày 01/8/2014, UBND tỉnh có Công văn số 2718/UBND-TH về việc hướng dẫn thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ.

Từ các quy định nói trên, UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri huyện Tuy Phong, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ các quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV và hướng dẫn của UBND tỉnh tại Công văn số 2718/UBND-TH ngày 01/8/2014 xác định cụ thể nhiệm vụ được phân công của người hoạt động không chuyên trách cấp xã đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để hỗ trợ kinh phí cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo quyền lợi khi thực hiện nhiệm vụ được UBND xã, phường, thị trấn phân công thực hiện.

VI. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: 01 nội dung

1. Cử tri đề nghị Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh là chủ đầu tư cùng với xã Đức Phú khảo sát, bố trí phay chắn trên tuyến kênh K17 518 thuộc khu vực đồng Chim thôn 3, xã Đức Phú để đảm bảo cho nhân dân điều tiết tưới tiêu cho phù hợp trong quá trình sản xuất và thi công đoạn còn lại của tuyến kênh K16 425 đến cầu đồng C (cử tri xã Đức Phú, huyện Tánh Linh).

Qua kiểm tra nội dung cử tri đang kiến nghị tại Hạng mục kênh dẫn hạ lưu cống tiêu K16 425 và K17 518 thuộc gói thầu số 32KB, Hợp phần kênh Bắc, dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao. Theo nhiệm vụ công trình được Bộ phê duyệt thì 02 tuyến kênh tiêu này có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho hạ lưu cống tiêu tại K16 425 và K17 518 trên kênh chính Bắc và lưu vực dọc theo tuyến kênh. Các tuyến kênh có kết cấu kênh đất, mặt cắt hình thang, chiều rộng trung bình B= 11m, chiều sâu H= 1,9m.

- Cử tri đề nghị làm phay chắn trên tuyến kênh tiêu K17 518 để điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất, việc này không thể thực hiện được vì kênh làm nhiệm vụ tiêu nước nên được đào sâu hơn mặt đất tự nhiên 1,9 m, chỉ bố trí các công trình tiêu vào kênh, không bố trí công trình điều tiết nước tưới và nước trong kênh tiêu này chủ yếu vào mùa mưa để tiêu thoát lũ, không có dòng chảy vào mùa khô nên việc bố trí công trình điều tiết là không khả thi. Mặt khác, khu tưới dọc theo tuyến kênh tiêu K17 518 hiện tại đang lấy nước tưới tự chảy từ tuyến kênh tưới BN23 và các tuyến kênh tưới hiện trạng; chỉ có một số ít diện tích cục bộ dọc theo tuyến kênh tiêu chưa được tưới tự chảy.

- Đối với việc kiến nghị kéo dài tuyến kênh K16 425 đến cầu đồng C: Tuyến kênh này được thiết kế trên cơ sở mở rộng tuyến kênh tiêu hiện trạng có chiều dài L= 925m (điểm đầu tại hạ lưu cống tiêu K16 425 trên kênh chính Bắc, điểm cuối cách cầu đồng C khoảng 300m). Giai đoạn mới thi công (cuối năm 2020) trời mưa lớn, do đoạn đầu kênh đã thi công có mặt cắt lớn (B=11m) nước dồn về đoạn cuối tại cầu đồng C thoát không kịp gây ngập úng cục bộ một số diện tích canh tác đoạn cuối kênh. Ngày 12/01/2021, Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng huyện Tánh Linh và đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra hiện trạng công trình theo đề nghị của UBND huyện tại Công văn số 2330/UBND-SX ngày 29/12/2020 để báo cáo Bộ Nông nghiệp xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung theo kiến nghị của địa phương. Tuy nhiên, theo Quyết định số 3500/QĐ-BNN-XD ngày 04/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư công trình hệ thống thủy lợi Tà Pao thì thời gian thực hiện dự án kết thúc ngày 31/12/2021. Vì vậy, không đủ điều kiện để thực hiện các công tác xin chủ trương điều chỉnh, khảo sát, thiết kế, trình thẩm định phê duyệt và triển khai thi công theo quy định cho việc kéo dài 300m đoạn cuối (từ K0 925 đến cầu đồng C) của tuyến kênh tiêu K16 425 nên không thực hiện được. Để khắc phục việc này, Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công nạo vét, mở rộng đoạn 300m theo hiện trạng đến cầu đồng C vào cuối tháng 3/2021 nên cơ bản không còn xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ như trước đây.

VII. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh: 01 nội dung

1. Hiện nay, bên cạnh tình hình dịch COVID-19, giá vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu tăng cao, dẫn đến các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng, trong khi đầu ra của các sản phẩm nông sản giá thấp. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh có chính sách miễn hoặc giảm lãi suất đối với các hộ nông dân đang vay vốn của ngân hàng (cử tri các huyện, thị xã, thành phố).

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 của Ngân hàng Nhà nước như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo quy định tại các Thông tư này, các Tổ chức tín dụng quyết định việc miễn, giảm lãi theo quy định nội bộ. Do đó, căn cứ vào tình hình tài chính, từng Tổ chức tín dụng - Hội sở chính của các Ngân hàng có những quy định cụ thể về điều kiện, mức giảm lãi suất cho phù hợp.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Công văn số 3947/NHNN-TD ngày 03/6/2021 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng; từng Tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, 16 ngân hàng đã cam kết với Hiệp hội ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng thực hiện từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thuộc chi nhánh của 16 ngân hàng trên đã triển khai thực hiện việc giảm lãi suất vay cho khách hàng theo chỉ đạo của Hội sở chính với mức giảm khoảng từ 0,25%-1,5%/năm (Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, Công Thương, Ngoại Thương, Đầu tư, Sài Gòn Thương Tín, Kỹ Thương, Việt Nam Thịnh Vượng, Quân đội, HDBank). Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi và nhắc nhở việc thực hiện giảm lãi suất cho vay của các chi nhánh ngân hàng theo cam kết.

Do đó, đối với kiến nghị này, đề nghị cử tri liên hệ trực tiếp với ngân hàng nơi đang vay vốn để được hướng dẫn, xem xét giải quyết. Nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh bằng văn bản về chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh (03 Lê Hồng Phong, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn.

C. VỀ LĨNH VỰC VĂN XÃ - NỘI CHÍNH: 18 NỘI DUNG

I. Sở Giáo dục và Đào tạo: 01 nội dung

1. Cử tri các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tỉnh kiến nghị Quốc hội quan tâm xem xét, cân nhắc về trợ giá hay bình ổn giá đối với sách giáo khoa cho học sinh các cấp học phổ thông, vì giá thành bộ sách giáo khoa hiện nay theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cao hơn rất nhiều so với bộ sách giáo khoa cũ (năm 2000), gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh vì chi phí học tập cao, đặc biệt là hộ nghèo, hộ khó khăn và những hộ gia đình ảnh hưởng dịch COVID-19.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đối với lớp 1 (từ năm học 2020 - 2021) và lớp 2, lớp 6 (từ năm học 2021 - 2022), giá bộ sách giáo khoa mới (179.000 - 203.000 đồng/bộ sách lớp 2, 234.000 - 259.000 đồng/bộ sách lớp 6), cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2; 99.000 đồng/bộ sách lớp 6). Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Cùng với đó, số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 10-13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6-11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14 cm x 24 cm, sách mới 19 cm x 26.5 cm),... Đồng thời, Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020), tại điểm b, khoản 1, Điều 32 quy định như sau về sách giáo khoa: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”. Hiện nay, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh đã chỉ đạo và Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác quan tâm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, các cơ sở giáo dục đã chủ động vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tài trợ sách, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động học sinh đã học xong sách giáo khoa, lên lớp và không có nhu cầu sử dụng nữa để lại cho các học sinh lớp tiếp theo sử dụng. Trong năm học 2021 - 2022, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn 700 bộ sách giáo khoa (250 bộ sách giáo khoa lớp 1; 250 bộ sách giáo khoa lớp 2 và 200 bộ sách giáo khoa lớp 6). Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là hộ nghèo và những hộ gia đình ảnh hưởng dịch COVID-19.

II. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: 03 nội dung

1. Kiến nghị kinh phí hỗ trợ F1 tại khu cách ly cần được chuyển trực tiếp cho Ban điều hành khu cách ly để việc hỗ trợ thực hiện thuận lợi (cử tri các xã, phường của thành phố Phan Thiết).

Tại điểm c, khoản 7, Điều 1 Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, quy định như sau:

“c. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện

- Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp F1 đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly gồm:

Danh sách F1 đủ điều kiện hưởng chính sách theo Mẫu số 08a tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cách ly y tế;

Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế.

- Trình tự, thủ tục:

Đối với trường hợp đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly: Cơ sở y tế, cơ sở cách ly căn cứ vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 1 Quyết định này lập danh sách (theo Mẫu số 08a, 08b tại Phụ lục kèm theo Quyết định này) đối với các trường hợp F0, F1 đủ điều kiện hưởng chính sách gửi UBND cấp huyện. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.

Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện tổng hợp, trình UBND tỉnh. Trường hợp không phê duyệt, UBND tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Căn cứ danh sách và kinh phí hỗ trợ được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện chỉ đạo cơ sở y tế, cơ sở cách ly, UBND cấp xã thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ hỗ trợ đối với F0, F1, trẻ em đang điều trị, cách ly (Mẫu số 08c tại Phụ lục kèm theo Quyết định này)”.

Căn cứ vào quy định nêu trên, các trường hợp F1 đang thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly thì cơ sở cách ly có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi UBND cấp huyện. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ thì UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ sở cách ly thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ đối với F1 theo quy định.

2. Cử tri xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân kiến nghị: Hiện nay, hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến ủy quyền cho người được hưởng thờ cúng liệt sĩ còn rườm rà, gây phiền hà cho người dân có nhu cầu ủy quyền. Cử tri kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần xem xét cải tiến thủ tục phù hợp.

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 05/2013/TT- BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân:

1. Người thờ cúng liệt sĩ có trách nhiệm lập và gửi UBND cấp xã nơi cư trú:

a) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có xác nhận của UBND cấp xã;

b) Biên bản ủy quyền (Mẫu UQ).

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cụ thể: “4. Người thờ cúng liệt sĩ là người con hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; trường hợp không có hoặc không còn con thì là người được ủy quyền theo quy định của pháp luật”.

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 16/2014/TT- BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng:

1. Trường hợp liệt sĩ có nhiều con thì người thờ cúng liệt sĩ là một người con được những người con còn lại ủy quyền; nếu liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải lập biên bản ủy quyền.

- Trường hợp con liệt sĩ có nguyện vọng giao người khác thực hiện thờ cúng liệt sĩ thì người thờ cúng là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền.

- Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn con hoặc có một con duy nhất nhưng người con đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người thờ cúng là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên để được giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ thì hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ phải có biên bản ủy quyền cho từng trường hợp nêu trên (trừ trường hợp liệt sĩ chỉ có 01 con duy nhất còn sống thì không lập biên bản ủy quyền). Hiện nay thủ tục ủy quyền do UBND xã, phường, thị trấn xác nhận theo quy định, đơn giản, không rườm rà (theo mẫu UQ quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) .

Việc thực hiện thủ tục ủy quyền để được giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ là căn cứ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội áp dụng trên toàn quốc, đo đó, đề nghị cử tri thông cảm và thực hiện theo đúng quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không có thẩm quyền xem xét cải tiến thủ tục.

Đồng thời, nội dung này ngày 08/3/2022 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 630/LĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV (trích nội dung Công văn): Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và các biện pháp thi hành ưu đãi người có công với cách mạng trên nguyên tắc tuân thủ quy định về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, đơn giản về thủ tục hồ sơ, tăng cường công khai minh bạch nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm ngăn ngừa tình trạng khai mang hồ sơ, trục lợi chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Theo đó, tại Điều 28 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ yêu cầu người được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.

3. Cử tri đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương cấp phát bổ sung nguồn gạo dự trữ quốc gia cho tỉnh để tiếp tục hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Vì hiện nay, số lượng phân phát cho các xã, phường chỉ khoảng 20% cho tổng số khẩu (cử tri các xã, phường của thành phố Phan Thiết).

Ngày 20/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1415/QĐ- TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (tỉnh Bình Thuận được cấp 4.018,485 kg gạo để cấp phát cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng số nhận hỗ trợ gạo: 68.930 hộ/267.899 khẩu, mỗi khẩu hỗ trợ 15kg gạo). Trong đó, tại khoản 2, Điều 1 có nêu “… Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ”.

Đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành việc tiếp nhận và cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngày 08/10/2021, UBND thành phố Phan Thiết có Báo cáo số 530/BC-UBND về tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số đối tượng được hỗ trợ: 57.108 người với số lượng: 856,620 tấn gạo và UBND thành phố Phan Thiết đã thực hiện hỗ trợ: 57.108 người; số lượng: 856,620 tấn gạo; đồng thời, không kiến nghị về việc tiếp tục cấp phát bổ sung nguồn gạo dự trữ quốc gia cho địa phương.

III. Sở Y tế: 01 nội dung

1. Cử tri mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép những người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng, chống Covid - 19 được đi lại hoạt động bình thường, không cần phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính (Cử tri phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết).

Quy định về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thay đổi thích ứng với tình hình mới; nội dung kiến nghị của cử tri không còn là vấn đề đặt ra trong thực tế. Hiện nay, các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

IV. Sở Nội vụ: 09 nội dung

1. Cử tri kiến nghị xem xét bố trí thêm chức danh cán bộ thú y cho địa phương để thuận tiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Do hiện nay, tình hình bệnh dịch trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; công tác quản lý, phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn gặp nhiều khó khăn và không có cán bộ thú y phụ trách (cử tri huyện Hàm Tân).

Triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định quy định cụ thể số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố, theo đó nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cấp xã về công tác thú y do công chức Địa chính - Xây dựng (phụ trách nông nghiệp) và chức danh Nông - Lâm - Ngư - Diêm nghiệp (không chuyên trách) đảm nhận, đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ.

Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ở tỉnh đã bố trí tối đa theo quy định của Chính phủ nên không thể bố trí tăng thêm theo kiến nghị của cử tri.

2. Cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bố trí số lượng và chế độ đối với trưởng, phó thôn cho phù hợp với tình hình thực tế vì theo quy định tại Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 và Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh là chưa phù hợp (thôn trên 350 hộ được bố trí 01 phó trưởng thôn, dưới 350 hộ thì không bố trí vì có một số thôn mức chênh lệch là không nhiều và phụ cấp cũng khác nhau). Do đó, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành thôn (cử tri xã Tân Hà, huyện Đức Linh).

- Về chế độ đối với Trưởng thôn: Tỉnh thực hiện theo mức khoán quỹ phụ cấp do Chính phủ quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh các chế độ đặc thù từ ngân sách địa phương như chế độ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí, bố trí thêm Phó Trưởng thôn ở các thôn, khu phố đông, phức tạp để hỗ trợ công việc cho Trưởng thôn.

- Về số lượng, chế độ đối với Phó Trưởng thôn: Trung ương không có quy định bố trí Phó Trưởng thôn ở các thôn; tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý, nhằm hỗ trợ thêm cho Trưởng thôn, khu phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí 01 Phó Trưởng thôn ở thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, thôn thuộc xã đảo (áp dụng theo tiêu chí của Trung ương); Phó Trưởng thôn được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách tỉnh hỗ trợ. Đồng thời, việc bố trí sắp xếp giảm số lượng Phó Trưởng thôn, khu phố so với trước đây nhằm triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Như vậy, việc bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn ở tỉnh ta thực hiện đúng theo quy định của Trung ương và tình hình thực tế ở địa phương, đồng thời, trong quá trình triển khai, Sở Nội vụ đã lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục xem xét các chính sách phù hợp để nâng mức phụ cấp, đảm bảo đời sống để những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã yên tâm tích cực tham gia công tác tại địa phương. Do hiện nay, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hầu hết đã có bằng Đại học, Cao đẳng hoặc trung cấp nhưng không được hưởng lương theo bằng cấp và hiện hưởng phụ cấp rất thấp (cử tri các huyện, thị xã, thành phố).

Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng, không hưởng lương theo bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ.

Ở tỉnh ta, ngoài chế độ phụ cấp theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ trợ cấp bổ sung hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo các mức 0,48; 0,28; 0,19 so với mức lương cơ sở, tùy theo tính chất công việc của từng chức danh; phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.

Đối với kiến nghị của cử tri đề nghị nâng mức phụ cấp, Sở Nội vụ đã có kiến nghị Trung ương xem xét.

4. Cử tri kiến nghị xem xét lại phụ cấp của một số chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thị trấn cho phù hợp thực tế tại địa phương. Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; theo đó, một số chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thị trấn phụ trách nhiều công việc gộp lại nhưng phụ cấp không tăng gây khó khăn trong việc giải quyết công việc (cử tri thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh).

Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ quy định giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã so với trước đây, nhưng đồng thời cũng không tăng mức khoán quỹ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã (bình quân 1,14 lần mức lương cơ sở/người/tháng), để thực hiện chủ trương tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là vừa sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa nâng cao năng suất lao động để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tỉnh ta cũng đã sắp xếp giảm người hoạt động không chuyên trách ở mỗi xã, phường, thị trấn, vừa phải phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng suất của người lao động theo chủ trương chung từ cấp tỉnh tỉnh đến cấp xã.

Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn rất khó khăn nên tỉnh chưa thể xem xét nâng mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đối với kiến nghị cử tri, Sở Nội vụ đã có kiến nghị Trung ương xem xét.

5. Theo quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ thì công chức Văn hóa - xã hội phụ trách 03 lĩnh vực gồm thương binh xã hội, văn hóa thông tin và đài truyền thanh với số lượng công việc rất nhiều ở mỗi lĩnh vực. Cử tri kiến nghị tỉnh xem xét, bố trí chức danh này phù hợp với thực tế địa phương (cử tri các xã, thị trấn huyện Đức Linh).

Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ thì mỗi đơn vị hành chính cấp xã phải giảm 02 công chức và từ 08 - 09 người hoạt động không chuyên trách so với trước đây để thực hiện chủ trương tại nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là vừa sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa nâng cao năng suất lao động để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại tỉnh ta cũng vừa sắp xếp giảm 02 công chức ở mỗi xã, phường, thị trấn, vừa phải phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng suất của người lao động theo chủ trương chung từ cấp tỉnh đến cấp xã; theo đó, chuyển nhiệm vụ của các chức danh đã giảm sang các chức danh khác phù hợp chuyên môn, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, chức danh Văn hóa - xã hội ngoài thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ, được giao thêm nhiệm vụ Đài Truyền thanh do giảm chức danh Đài truyền thanh - Nhà Văn hóa.

Trong quá trình triển khai, đã lấy ý kiến các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Qua lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị thống nhất việc bố trí, sắp xếp chức danh Văn hóa - xã hội như nêu trên.

Như vậy, việc bố trí và phân công nhiệm vụ đối với công chức Văn hóa - xã hội là phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương.

6. Cử tri kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét thực hiện chế độ hỗ trợ phụ cấp 0,2 lần mức lương cơ sở cho người hoạt động không chuyên trách ở tất cả các thôn, khu phố; hiện nay chỉ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố có trên 500 hộ dân là chưa phù hợp (cử tri thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong).

Hiện nay, tỉnh ta đã triển khai thực hiện chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố theo mức khoán quỹ phụ cấp do Chính phủ quy định. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố ngoài chế độ theo quy định của Trung ương được hỗ trợ chế độ đóng bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí, từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, hàng năm phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương nên tại thời điểm hiện nay UBND tỉnh chưa thể xem xét tăng chế độ phụ cấp bổ sung cho người hoạt động không chuyên trách ở tất cả các thôn, khu phố như kiến nghị của cử tri.

7. Hiện nay, cán bộ Ngành Nông nghiệp và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đa phần thời gian ở văn phòng viết báo cáo, tổng hợp ít đi thực tế cơ sở để nắm bắt, hướng dẫn sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho nông sản, nhất là khó khăn về tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Cử tri mong muốn tỉnh có hướng dẫn, quy định chức năng cụ thể, đặc thù đối với cán bộ các ngành này để hỗ trợ tốt hơn về sản xuất cho bà con (cử tri huyện Tuy Phong).

Chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện được quy định cụ thể trong bản mô tả công việc vị trí việc làm theo các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh: Quyết định số 2849/QĐ-UBND ngày 23/10/2018 phê duyệt Bản mô tả và Khung năng lực vị trí việc làm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 3032/QĐ-UBND ngày 26/11/2019 phê duyệt Bản mô tả và Khung năng lực vị trí việc làm của UBND các huyện, thị xã, thành phố và Quyết định số 3418/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bảng mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Theo đó, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức lĩnh vực nông nghiệp có nhiệm vụ hướng dẫn sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm thông tin thị trường,…

Ở cấp xã, các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp do lãnh đạo UBND phụ trách, công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường và người hoạt động không chuyên trách giữ chức danh Nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tham mưu thực hiện. Đối với tổ chức Hội Nông dân, ở cấp xã có chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân thực hiện nhiệm vụ theo Điều lệ Hội.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức lĩnh vực nông nghiệp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ hướng dẫn sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm thông tin thị trường,…

8. Cử tri đề nghị UBND tỉnh có chính sách phù hợp để khuyến khích cán bộ, viên chức vùng đồng bằng thực hiện công tác tại xã miền núi Phan Dũng, để họ yên tâm công tác cống hiến lâu dài nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số (cử tri xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong).

Căn cứ Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thì xã Phan Dũng là xã khu vực I (không còn xã khu vực III) và không có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay, Trung ương đang nghiên cứu các giải pháp, chính sách cụ thể đối với địa bàn các xã khu vực II, khu vực III giai đoạn 2016 - 2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, trong đó có chính sách cho cán bộ, viên chức công tác tại các xã như xã Phan Dũng.

Như vậy, trong thời gian tới, khi Trung ương ban hành các giải pháp, chính sách cụ thể đối với địa bàn các xã như xã Phan Dũng (là xã khu vực III giai đoạn 2016 - 2020 nay không còn trong danh sách các xã khu vực III), UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện.

9. Việc thực hiện quy định của tỉnh về giảm chức danh khu phố phó đối với địa bàn có số lượng dân cư dưới 500 hộ; tuy nhiên, một số địa bàn khu dân cư có diện tích rất rộng nên công tác quản lý địa bàn chỉ có Khu phố trưởng thì gặp rất nhiều khó khăn. Cử tri kiến nghị tỉnh quan tâm sắp xếp phù hợp đối với từng địa phương, nhất là địa bàn dân cư có diện tích rộng (cử tri phường Phước Lộc, thị xã La Gi).

Trung ương không có quy định bố trí Phó Trưởng khu phố ở các khu phố; Tuy nhiên xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý, nhằm hỗ trợ thêm cho Trưởng khu phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí 01 Phó Trưởng khu phố tại các khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên. Đồng thời, việc bố trí sắp xếp giảm số lượng Phó Trưởng khu phố so với trước đây nhằm triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Như vậy, việc bố trí Phó Trưởng khu phố ở tỉnh ta thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; đồng thời, trong quá trình triển khai, đã lấy ý kiến thống nhất của các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan cấp tỉnh có liên quan trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định bố trí Phó Trưởng khu phố tại các khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên.

V. Sở Tư pháp: 01 nội dung

18. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cần xem xét, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã trong việc xử phạt vi phạm hành chính về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép (cử tri xã Sơn Mỹ, Thắng Hải, huyện Hàm Tân).

Về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cụ thể:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.”; đồng thời, tại Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:“Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước;…”.

Như vậy, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã về xử phạt vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng được quy định trong Luật của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. UBND tỉnh không có thẩm quyền xem xét, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã (bao gồm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản).

Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022) tại điểm k khoản 73 Điều 1 đã sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của Chủ tịch UBND cấp xã; theo đó, kể từ ngày 01/01/2022 thì thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của Chủ tịch UBND cấp xã được tăng lên (được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng thay vì 5.000.000 đồng như trước đây).

VI. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 01 nội dung

1. Theo quy định, quân nhân khi nhập ngũ được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cha, mẹ, nhưng việc triển khai chậm (thường rất lâu), đã ảnh hưởng đến quyền lợi của thân nhân người thi hành nghĩa vụ quân sự. Cử tri đề nghị tỉnh tác động đến các cấp thẩm quyền của Quân đội nhân dân tỉnh giải quyết sớm, không để chậm trễ kéo dài như hiện nay (cử tri huyện Tuy Phong).

Hiện nay các đơn vị trực thuộc Quân khu 7 triển khai việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân quân nhân tại ngũ đúng theo quy định, giải quyết được nhu cầu khám chữa bệnh về quyền lợi bảo hiểm y tế của thân nhân quân nhân.

Tuy nhiên, một vài đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng nhận quân tại địa bàn tỉnh thực hiện việc cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Hướng dẫn số 500/HD-BHXH ngày 24/8/2020 của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng về thủ tục hồ sơ, quy trình cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong Bộ Quốc phòng (đơn vị giao thẻ bảo hiểm y tế của thân nhân cho quân nhân để gửi về gia đình) nên thời gian thân nhân quân nhân nhận thẻ bảo hiểm y tế chậm.

Vấn đề này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có ý kiến trong các Hội nghị với các cơ quan của Quân khu và các đơn vị nhận quân của Bộ Quốc phòng để đề nghị gửi thẻ bảo hiểm y tế của thân nhân quân nhân về Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú nhằm kịp thời bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế cho thân nhân quân nhân.

Thời gian đến, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tiếp tục có ý kiến đề nghị đối với các đơn vị nhận quân triển khai việc cấp thẻ cho thân nhân quân nhân kịp thời để bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh và quyền lợi của thân nhân quân nhân đã được Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 quy định.

VII. Công an tỉnh: 02 nội dung

1. Thời gian gần đây, thị trấn Tân Nghĩa, Tân Minh huyện Hàm Tân có xảy ra một số vụ cháy tại nhà người dân. Nhân dân có gọi ngay cho Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thị xã La Gi thì không kịp thời, do quãng đường rất dài. Cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí xe chữa cháy và Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại huyện Hàm Tân để ứng cứu kịp thời, giảm thiệt hại tài sản của người dân (cử tri thị trấn Tân Nghĩa,Tân Minh, huyện Hàm Tân).

Do điều kiện về thực tiễn, biên chế cán bộ, ngân sách… chưa cho phép, nên trên địa bàn tỉnh mới chỉ thành lập được 04 Đội chữa cháy và CNCH: Đội Trung tâm Phan Thiết bảo vệ địa bàn Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; Đội chữa cháy và CNCH Phan Rí bảo vệ địa bàn huyện Bắc Bình và Tuy Phong; Đội chữa cháy và CNCH La Gi bảo vệ địa bàn thị xã La Gi và Hàm Tân; Đội chữa cháy và CNCH Đức Linh bảo vệ địa bàn huyện Đức Linh và Tánh Linh. So với yêu cầu quy định (phải bố trí mạng lưới các đội Cảnh sát PCCC và CNCH có bán kính phục vụ tối đa 3km đối với khu vực trung tâm đô thị và 5 km với khu vực khác) thì còn thiếu rất nhiều.

Hiện tại, Công an cấp huyện đã bố trí các Tổ Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; UBND tỉnh đã hỗ trợ trang bị cho mỗi Công an huyện 01 máy bơm chữa cháy khiêng tay; trong điều kiện tại nơi xảy ra cháy có nguồn nước tại chỗ (có bể nước dự trữ, ao, hồ… tiếp cận được) thì máy bơm khiêng tay có thể phát huy được hiệu quả chữa cháy.

Trong thời gian tới, thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, tỉnh đã và đang chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới các Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, trong đó sẽ đề ra lộ trình từng bước thành lập các Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Công an cấp huyện theo hướng ưu tiên cho các địa bàn có sự phát triển kinh tế - xã hội, có yêu cầu bảo vệ PCCC và CNCH cao hơn. Đối với Hàm Tân sẽ thành lập Đội chữa cháy trực thuộc Công an huyện Hàm Tân (dự kiến giai đoạn sau năm 2030); ngoài ra có thể thành lập thêm phân đội chữa cháy tại địa bàn trọng điểm của huyện.

UBND tỉnh khuyến khích các hộ dân tích cực tham gia lực lượng PCCC tại chỗ nhất là lực lượng PCCC tình nguyện tại địa phương theo Điều 32 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy để góp phần trở thành lực lượng xung kích, nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại địa phương.

2. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về chế độ chính sách, cơ cấu tổ chức và hoạt động đối với Đội dân phòng ở xã theo Quyết định số 70/2005/QĐ-UBND ngày 18/10/2005 của UBND tỉnh (cử tri xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh).

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 210 Đội dân phòng với 1.209 thành viên (riêng địa bàn huyện Tánh Linh có 24 Đội với 147 thành viên). Quá trình hoạt động, Công an các phường, xã đã chủ động hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ cho các đội dân phòng như phân công lịch tham gia tuần tra, phát hiện và phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, nắm tình hình và vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; qua đó, từng bước đã phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt xung kích ở địa bàn cơ sở, phối hợp với lực lượng Công an cấp xã trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng cháy chữa cháy tại địa bàn; tham gia tuần tra kiểm soát trong các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của địa phương; tham gia bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn giao thông; cung cấp các tin báo tố giác tội phạm, phối hợp truy bắt các đối tượng phạm pháp, truy nã; tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân...

Qua sơ kết 15 năm triển khai thực hiện Quyết định số 70/2005/QĐ- UBND ngày 18/10/2005 của UBND tỉnh và đánh giá hiệu quả hoạt động của Đội dân phòng, các địa phương không phản ánh vấn đề nào khó khăn, vướng mắc, bất cập có liên quan.

Trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đạt được trong hơn 15 năm triển khai thực hiện Quyết định số 70/2005/QĐ-UBND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh rà soát những khó khăn, bất cập để khắc phục, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội dân phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

 

PHỤ LỤC 6

08 KIẾN NGHỊ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA TRUNG ƯƠNG
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

1. Sửa chữa hệ thống thoát nước đoạn xóm 1, thôn Láng Gòn 2, đoạn xóm 2, thôn Láng Gòn 1, xã Tân Xuân trên Quốc lộ 55:

Sở Giao thông vận tải đã tổ chức khảo sát, tổng hợp và kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí để xây dựng rãnh thoát nước trong đoạn từ Km86 600 đến Km86 715 bên trái tuyến Quốc lộ 55 tại Công văn số 560/SGTVT-BQLBTĐB ngày 15/3/2022.

Sau khi được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận, Sở Giao thông vận tải sẽ triển khai các thủ tục hồ sơ theo quy định để thi công xây dựng rãnh dọc giải quyết thoát nước tại khu vực trên.

Thẩm quyền giải quyết: Tổng cục Đường bộ Việt Nam

2. Đồng bào của 03 thôn dân tộc ở 3 xã thuộc huyện Đức Linh không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, phần lớn các hộ gia đình này có hoàn cảnh khó khăn nên không thể tự mua Bảo hiểm y tế. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ thẻ BHYT cho bà con dân tộc (cử tri thôn 4, xã Trà Tân; thôn 7, xã Đức Tín và thôn 9 xã Mêpu, huyện Đức Linh).

Ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ- TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; theo đó, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận không còn thôn, xã thuộc diện khu vực II, khu vực III; đồng thời người dân sinh sống ở các thôn 7, thôn 9 xã Mê Pu; thôn 4 xã Trà Tân; thôn 7 xã Đức Tín và thôn 11 xã Đa Kai không còn được ngân sách Nhà nước đảm bảo cấp thẻ BHYT miễn phí kể từ ngày 01/7/2021. Liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan họp thống nhất nội dung báo cáo đề xuất tham mưu UBND tỉnh; qua đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 2432/UBND- KGVXNV ngày 06/7/2021 về việc đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách BHYT cho người dân thuộc thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2764/UBND-KT ngày 27/7/2021 về kết quả rà soát thực hiện các chính sách trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 báo cáo Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị: “Tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đến ngày 31/12/2021”.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo rà soát và kiến nghị của các địa phương, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo đánh giá tác động và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách của các địa phương, theo hướng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội đến ngày 31/12/2021 như kiến nghị của các địa phương.

Thẩm quyền giải quyết: Ủy ban Dân tộc

3. Cử tri đề nghị tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương, tỉnh sớm đầu tư hỗ trợ hoàn thành tuyến đường đại lộ Đông Tây từ xã Hòa Phú - xã Chí Công, huyện Tuy Phong để đảm bảo lộ trình quy hoạch là điểm đến du lịch trọng điểm của tỉnh (Cử tri xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong).

Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, ngày 16/11/2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 4366/UBND-ĐTQH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư dự án Đường trục ven biển đoạn Phan Rí Cửa - Bình Thạnh, huyện Tuy Phong với chiều dài khoảng 16,5 km, mặt cắt ngang đường rộng 50m, 04 làn xe, dự phòng quỹ đất ở dải phân cách giữa để mở rộng mặt đường trong tương lai. Đây là dự án kết nối, tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững giai đoạn 2021-2025; phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2248/QĐ-UBND ngày 27/8/2015.

Thẩm quyền giải quyết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

4. Cử tri phường Phước Lộc, thị xã La Gi kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch đầu tư duy tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đình Vạn Phước Lộc đã được công nhận di tích cấp Quốc gia, vì hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng.

Ngày 23/10/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2659/SVHTTDL-KHTC về việc báo cáo tình hình thực hiện chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 gửi Cục Di sản văn hóa, Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong mục II, đề xuất kế hoạch chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn năm 2021 - 2025 đã đưa việc Tu bổ Di tích kiến trúc nghệ thuật đình - vạn Phước Lộc ở thị xã La Gi vào trong giai đoạn này.

Ngay khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân bổ nguồn kinh phí để tu bổ di tích đình - vạn Phước Lộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức khảo sát và lập hồ sơ tu bổ di tích theo quy định.

Thẩm quyền giải quyết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

5. Quốc lộ 28, đoạn qua thôn Phú Thái, xã Hàm Trí đã được đầu tư rãnh dọc phía Tây Quốc lộ khoảng 2.500 mét nhưng còn 100 mét chưa được đầu tư (khu vực chợ Sông Quao thuộc thôn Phú Thái, xã Hàm Trí). Đoạn này, thường xuyên bị nước ngập vào mùa mưa gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Cử tri đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo xây dựng hệ thống cống thoát nước dọc Quốc lộ 28 ở khu vực này (cử tri xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc).

Tiếp thu ý kiến cử tri, Sở Giao thông vận tải đã có Công văn số 3517/SGTVT-HTGT ngày 30/11/2021 kiến nghị Cục Quản lý Đường bộ IV xem xét, tổ chức kiểm tra giải quyết kiến nghị cử tri. Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được ý kiến của Cục Quản lý Đường bộ IV. Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị Cục Quản lý đường bộ IV sớm xem xét, tổ chức kiểm tra và giải quyết nội dung kiến nghị trên.

Thẩm quyền giải quyết: Cục Quản lý Đường bộ IV.

6. Trên tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn ngang qua thôn 1, thôn 2, thôn 3 - xã Tân Phúc, làn đường dành cho người đi bộ, xe máy quá hẹp, đặc biệt là đoạn qua Nhà văn hóa xã Tân Phúc và đoạn từ thôn An Bình đến thôn An Vinh, xã Sông Phan, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Cử tri kiến nghị Sở Giao thông vận tải khảo sát mở rộng (cử tri xã Tân Phúc, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân).

Tiếp thu ý kiến cử tri, Sở Giao thông vận tải đã có Công văn số 3517/SGTVT-HTGT ngày 30/11/2021 kiến nghị Cục Quản lý Đường bộ IV xem xét, tổ chức kiểm tra giải quyết kiến nghị cử tri.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Đường bộ IV, Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Hàm Tân, Chi nhánh BOT 319 Sông Phan (đơn vị quản lý, khai thác) kiểm tra hiện trường giải quyết các ý kiến của cử tri và đã có Công văn số 16/CCQLĐB IV.1 ngày 13/01/2022 báo cáo kết quả khảo sát cụ thể như sau:

- Đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ Km1745 490 - Km1748 500, thuộc địa bàn xã Sông Phan; từ Km1760 000 - Km1762 000 thuộc địa bàn xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã được mở rộng nền, mặt đường, lắp dải phân cách giữa để xử lý điểm đen tai nạn giao thông được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tại Quyết định số 355/QĐ-BGĐ ngày 16/10/2019 của Tổng công ty 319 - Bộ Quốc Phòng. Theo đó, quy mô đầu tư: bề rộng mặt đường 15,5m (kết cấu bê tông nhựa nóng), bề rộng nền đường 16,5m, tầm nhìn thông thoáng.

Đoạn đường được đưa vào khai thác theo quy mô 04 làn xe (02 làn xe cơ giới và 02 làn xe hỗn hợp, mỗi làn rộng 3,50m), lắp đặt dải phân cách giữa bê tông xi măng, tổ chức vạch sơn kẻ đường đầy đủ. Hiện nay đã khai thác ổn định, an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông tại khu vực.

- Nút giao tại Km1758 450, Quốc lộ 1 thuộc phạm vi ngã tư đồng mức (bên trái là đường nhánh vào Thôn 2, bên phải là đường nhánh vào UBND xã Tân Phúc), mặt đường Quốc lộ 1 rộng 12,0m, khai thác 04 làn xe (02 làn xe ô tô và 02 làn xe thô sơ), hai bên là khu vực đông dân cư, có trường học và chợ, đã lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ. Lưu lượng trên tuyến Quốc lộ 1 tương đối lớn, tốc độ lưu thông tối đa 80km/h. Nhằm tăng mức độ cảnh báo cho các phương tiện lưu thông qua đây, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Hàm Tân và Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 kiến nghị: Chi nhánh BOT 319 Sông Phan: sơn bổ sung cụm gờ giảm tốc dạng rải đều cả hai hướng của nút giao tại Km1758 450 Quốc lộ 1.

- Đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ Km1760 500 - Km1760 752 qua địa bàn Thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân đã được mở rộng nền, mặt đường lắp dải phân cách giữa để xử lý điểm đen tai nạn giao thông được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tại Quyết định số 355/QĐ-BGĐ ngày 16/10/2019 của Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng. Theo đó, quy mô đầu tư, đặc điểm như sau: bề rộng mặt đường Bmặt = 15,5m (kết cấu bê tông nhựa nóng), bề rộng nền đường Bnền = 16,5m, nền đường chủ yếu không đào không đắp, tầm nhìn thông thoáng; Đường đưa vào khai thác theo quy mô 04 làn xe (02 làn xe cơ giới và 02 làn xe hỗn hợp), lắp đặt dải phân cách giữa bê tông xi măng, tổ chức vạch sơn kẻ đường. Bên phải tuyến hiện hữu có rãnh hở hình thang (kích thước Bt x Bd x H = 1,2 x 0,6 x 0,9m), mép trong của rãnh dọc cách mép nhựa từ 0,5m - 1,0m, lề gia cố có bố trí cọc tiêu với khoảng cách là 5m/cọc. Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông qua đây. Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Hàm Tân và Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 kiến nghị: các cấp có thẩm quyền, xem xét cho phép đầu tư, sửa chữa hệ thống rãnh dọc và lắp đặt đan chịu lực đoạn từ Km1760 500 - Km1760 752, bên phải tuyến Quốc lộ 1.

Căn cứ báo cáo của Chi cục Cục Quản lý đường bộ IV.1, Cục Quản lý đường bộ IV đã có Công văn số 233/CQLĐBIV-QLBTĐB ngày 11/02/2022 đề nghị Chi nhánh BOT 319 Sông Phan thực hiện các nội dung sau:

- Sơn bổ sung cụm gờ giảm tốc dạng rải đều cả hai hướng của nút giao tại Km1758 450, Quốc lộ 1.

- Sửa chữa hệ thống rãnh dọc và lắp đặt đan chịu lực đoạn từ Km1760 500 - Km1760 752, bên phải tuyến Quốc lộ 1.

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải đã có Công văn số 397/SGTVT- HTGT ngày 25/02/2022 thông báo đến UBND huyện Hàm Tân để trả lời, giải thích, thông tin cho cử tri được biết.

Thẩm quyền giải quyết: Cục Quản lý Đường bộ IV.

7. Hiện nay, cứ vào mùa mưa thì nước tràn qua đường Quốc lộ 1 - đoạn xã Tân Đức gây tai nạn giao thông, có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Cử tri đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh có kế hoạch tiếp tục xây dựng mương thoát nước để khắc phục tình trạng trên (cử tri xã Tân Đức, huyện Hàm Tân)

Tiếp thu ý kiến cử tri, Sở GTVT đã có Công văn số 3517/SGTVT-HTGT ngày 30/11/2021 kiến nghị Cục Quản lý Đường bộ IV xem xét, tổ chức kiểm tra giải quyết kiến nghị cử tri.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Đường bộ IV, Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT, UBND huyện Hàm Tân, Chi nhánh BOT 319 Sông Phan (đơn vị quản lý, khai thác) kiểm tra hiện trường giải quyết các ý kiến của cử tri và đã có Công văn số 16/CCQLĐB IV.1 ngày 13/01/2022 báo cáo kết quả khảo sát cụ thể như sau:

- Đoạn từ Km1766 500 - Km1766 800, phải tuyến Quốc lộ 1: mặt đường rộng 12,0m, khai thác 04 làn xe (02 làn xe ô tô và 02 làn xe thô sơ), nền đường đắp chênh cao so với nền tự nhiên là 0,5m, không có rãnh thoát nước dọc, khi mưa nước thoát tốt. Các bên tham gia hiện trường kiến nghị: không xây dựng rãnh thoát nước dọc tại khu vực này.

- Nút giao tại Km1767 470, Quốc lộ 1 thuộc phạm vi ngã ba đồng mức (bên trái là đường nhánh giao thông nông thôn vào khu dân cư của xã Tân Đức, kết cấu bê tông xi măng rộng 4m), mặt đường Quốc lộ 1 rộng 12,0m, khai thác 04 làn xe (02 làn xe ô tô và 02 làn xe thô sơ), hiện hữu bên trái Quốc lộ 1 tại vị trí nút giao đã có hệ thống rãnh dọc. Khi mưa nước từ đường nhánh chảy tràn ra Quốc lộ 1 do hệ thống rãnh trên đường nhánh bị tắc. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, ổn định kết cấu công trình trên đường nhánh và Quốc lộ 1, các bên tham gia hiện trường kiến nghị: UBND xã Tân Đức quan tâm, cho khơi rãnh trên đường nhánh để dẫn nước thoát vào rãnh dọc hiện hữu trên Quốc lộ 1.

- Đoạn Km1768 700 - Km1768 900 (trái tuyến) và Km1769 100 - Km1769 200 (trái tuyến) Quốc lộ 1: hiện hữu có hệ thống rãnh hở dạng hình thang, kết cấu đá xây (chỉ bố trí tấm đan trước lối vào nhà dân), rãnh cách mép nhựa từ 0,5 - 0,7m, chênh cao so với mặt đường từ 1,0m - 1,3m, dọc lề gia cố có bố trí cọc tiêu với khoảng cách là 5m/cọc. Nhằm cảnh báo, tăng hiệu lực báo hiệu và đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông qua đây, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT, UBND huyện Hàm Tân và Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 kiến nghị: Chi nhánh BOT 319 Sông Phan: báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép đầu tư xây dựng gờ bê tông xi măng (kích thước dài 1,0m x rộng 0,25m x cao 0,35m) dọc đoạn Km1768 700 - Km1768 900 (trái tuyến) và đoạn Km1769 100 - Km1769 200 (trái tuyến), sơn trắng đỏ và dán màn phản quang trên gờ bê tông xi măng. Mỗi cụm gờ bê tông xi măng cách nhau khoảng 1m.

- Nút giao tại Km1769 400, Quốc lộ 1: thuộc phạm vi ngã ba đồng mức (bên trái là đường nhánh vào Phân trại số 1 - Trại giam Thủ Đức, đường cấp phối sỏi rộng 4m), mặt đường Quốc lộ 1 rộng 12,0m, khai thác 04 làn xe (02 làn xe ô tô và 02 làn xe thô sơ), khu vực đông dân cư, nền đường không đào không đắp, chưa có hệ thống thoát nước dọc. Đường nhánh có độ dốc lớn về hướng Quốc lộ 1, cao độ lớn hơn Quốc lộ 1, nên khi mưa nước chảy tràn từ đường nhánh ra Quốc lộ 1. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, ổn định kết cấu công trình trên cả đường nhánh và Quốc lộ 1, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT, UBND huyện Hàm Tân và Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 kiến nghị:

UBND xã Tân Đức: san gạt mặt đường cấp phối thấp hơn mặt đường Quốc lộ 1; đồng thời cải tạo, gia cố kết cấu mặt đường của đường nhánh.

Chi nhánh BOT 319 Sông Phan: báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép đầu tư xây dựng hệ thống rãnh thoát nước dọc đoạn từ Km1769 200 - Km1769 400, bên trái tuyến Quốc lộ 1.

Căn cứ báo cáo của Chi cục Cục Quản lý đường bộ IV.1, Cục Quản lý đường bộ IV đã có Công văn số 233/CQLĐBIV-QLBTĐB ngày 11/02/2022 đề nghị Chi nhánh BOT 319 Sông Phan thực hiện các nội dung sau: Xây dựng gờ bê tông xi măng (kích thước dài 1,0m x rộng 0,25m x cao 0,35m) mỗi cụm cách nhau 1m được sơn trắng đỏ và dán màn phản quang trên đoạn Km1768 700 - Km1768 900 (trái tuyến) và đoạn Km1769 100 - Km1769 200 (trái tuyến); xây dựng hệ thống rãnh thoát nước dọc đoạn từ Km1769 200 - Km1769 400, bên trái tuyến Quốc lộ 1.

Trên cơ sở đó, Sở GTVT đã có Công văn số 397/SGTVT-HTGT ngày 25/02/2022 thông báo đến UBND huyện Hàm Tân để trả lời, giải thích, thông tin cho cử tri được biết.

Thẩm quyền giải quyết: Cục Quản lý Đường bộ IV.

8. Đoạn đường Quốc lộ 55 qua địa bàn xã Thắng Hải có nhiều đoạn đường cong, hẹp thường xảy ra tai nạn. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh quan tâm tu sửa, mở rộng, đặt biển báo đảm bảo an toàn khi người dân tham gia giao thông (Cử tri xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân).

- Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 55 đoạn Km52 640 - Km97 692:

Ngày 06/12/2021, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 12957/BGTVT-KHĐT trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh như sau: Trong điều kiện nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ hết sức hạn hẹp, chưa thể cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng có Công văn số 13030/BGTVT-KHĐT ngày 08/12/2021 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét bố trí vốn ngân sách nhà nước để triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 55 đoạn Km52 640 - Km97 692, tỉnh Bình Thuận đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến khi có điều kiện nguồn lực. Do đó, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục theo dõi và tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét sớm đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến trên khi có điều kiện nguồn lực.

Thẩm quyền giải quyết: Bộ Giao thông vận tải./.

 

PHỤ LỤC 7

20 KIẾN NGHỊ UBND TỈNH ĐÃ PHÂN CÔNG CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG GIẢI QUYẾT
(Kèm theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

I. UBND huyện Hàm Tân: 06 nội dung

1. Cử tri kiến nghị sửa chữa đoạn đường từ Nhà máy điện mặt trời đến cầu Dên, xã Sơn Mỹ. (Cử tri huyện Hàm Tân)

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Sơn Mỹ đã được UBND huyện quan tâm đầu tư xây dựng để tạo điều kiện đi lại cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp xã Sơn Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, đoạn đi qua cầu Dên để đi vào vùng sản xuất đã được UBND huyện Hàm Tân đầu tư xây dựng. Đối với đoạn đường từ Nhà máy điện mặt trời đến cầu Dên là đường cát vào mùa nắng bị lún, mùa mưa bị xói lở gây khó khăn cho việc đi lại.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ngân sách huyện còn khó khăn, còn nhiều nhu cầu bức xúc hơn cần phải giải quyết nên chưa cân đối được nguồn kinh phí để đầu tư tuyến đường này. Do đó, trước mắt để giải quyết khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển của nhân dân, UBND huyện đã giao UBND xã Sơn Mỹ vận động người dân, các chủ phương tiện vận tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường đóng góp kinh phí, vật tư để thực hiện việc sửa chữa.

2. Cử tri đề nghị sửa chữa hệ thống thoát nước đoạn từ nhà ông Châu Hữu Quang đến quán cơm nhà bà Tâm thuộc thôn 3, xã Sơn Mỹ và đoạn xóm 1, thôn Láng Gòn 2, đoạn xóm 2, thôn Láng Gòn 1, xã Tân Xuân trên Quốc lộ 55 (Cử tri huyện Hàm Tân).

- Về sửa chữa hệ thống thoát nước đoạn từ nhà ông Châu Hữu Quang đến quán cơm nhà bà Tâm thuộc thôn 3, xã Sơn Mỹ trên Quốc lộ 55: Hiện trạng tại Km70 300 bên trái tuyến Quốc lộ 55 là đường bê tông xi măng rộng 3,5m hiện hữu (do UBND xã Sơn Mỹ quản lý) đấu nối với Quốc lộ 55.

Tuy nhiên, tuyến đường này không có hệ thống thu nước dọc để gom nước về rãnh trên Quốc lộ 55. Khi mưa lớn, nước mưa tập trung theo đường bê tông xi măng tràn ra đường Quốc lộ 55.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Hàm Tân đã có Công văn số 1093/UBND-KTHT ngày 18/4/2022 chỉ đạo UBND xã Sơn Mỹ có biện pháp thu nước dọc tuyến đường bê tông xi măng hiện hữu để thoát về rãnh thoát nước dọc của Quốc lộ 55. Đồng thời, nạo vét cống thoát nước tại nút giao đấu nối với Quốc lộ 55.

Triển khai thực hiện, UBND xã Sơn Mỹ đã vận động nhân dân khu vực đào xong rãnh dọc tuyến đường bê tông xi măng hiện hữu để thu gom nước thoát về rãnh thoát nước dọc của Quốc lộ 55; đồng thời, nạo vét thông thoáng cống thoát nước tại nút giao đấu nối với Quốc lộ 55.

3. Cử tri đề nghị Sửa chữa hệ thống thoát nước đoạn xóm 1, thôn Láng Gòn 2, đoạn xóm 2, thôn Láng Gòn 1, xã Tân Xuân trên Quốc lộ 55.

Tại Km87 300 bên trái tuyến Quốc lộ 55: Hiện trạng có đường láng nhựa hiện hữu, rộng 3,5m dẫn vào UBND xã Tân Xuân (do UBND xã Tân Xuân quản lý), hai bên đường có rãnh thoát nước dọc đấu nối với hệ thống thoát nước của Quốc lộ 55. Hiện trạng rãnh thoát nước dọc của tuyến đường láng nhựa này có rất nhiều đất, cát, cây cỏ; có hộ dân san lấp làm ảnh hưởng khả năng thoát nước của tuyến đường. Đồng thời, cống thoát nước tại nút giao đấu nối với Quốc lộ 55 bị bồi, lấp đất cát.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Hàm Tân đã có Công văn số 1093/UBND-KTHT ngày 18/4/2022 chỉ đạo UBND xã Tân Xuân tổ chức nạo vét, khơi thông cống, rãnh thoát nước trên tuyến đường láng nhựa này.

Triển khai thực hiện, UBND xã Tân Xuân đã vận động, đề nghị nhân dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường láng nhựa nạo vét, khơi thông hoàn trả lại dòng chảy của cống, rãnh. Thời gian vừa qua, khu vực này không xảy ra tình trạng ngập nước. Trong thời gian tới, UBND xã Tân Xuân sẽ theo dõi khi mưa lớn, xảy ra ngập nước thì sẽ tiếp tục triển khai nạo vét thông thoáng cống, rãnh đảm bảo thoát nước.

4. Cử tri kiến nghị Sở Giao thông vận tải khảo sát lắp đặt đèn chiếu sáng dọc Quốc lộ 1A tại các đoạn đường: Từ thị trấn Tân Minh đến giáp cầu Sông Hoay, xã Tân Phúc; đoạn đường từ dốc núi, thị trấn Tân Nghĩa đến thị trấn Tân Minh (cử tri huyện Hàm Tân).

Từ thị trấn Tân Minh đến giáp cầu Sông Hoay, xã Tân Phúc; đoạn đường từ dốc núi, thị trấn Tân Nghĩa đến thị trấn Tân Minh. Qua rà soát, đoạn đường Quốc lộ 1 từ thị trấn Tân Nghĩa đến thị trấn Tân Minh dài gần 9,9 km, từ Km1752 100 đến Km1762 (từ Ngã ba đường 22 tháng 4 giao Quốc lộ 1 đến UBND thị trấn Tân Minh), hiện đoạn đường này đã được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng với chiều dài 3,95Km, gồm đoạn từ Km1752 100 - Km1753 900; Km1757 850 - Km1758 900; Km1761 - Km1762), còn lại chiều dài 5,95Km chưa được lắp đặt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành, UBND thị trấn Tân Minh và UBND xã Tân Phúc tiến hành khảo sát, tham mưu UBND huyện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng nêu trên gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh xem xét cho chủ trương đầu tư, làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời, ngày 08/4/2022 UBND huyện Hàm Tân đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về Kế hoạch năm an toàn giao thông 2022; qua đó chỉ đạo các ngành có liên quan, Mặt trận và các Đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện.

5. Cử tri kiến nghị Sở Giao thông vận tải khảo sát lắp đặt đèn chiếu sáng trên Quốc lộ 55 - đoạn từ cầu Láng Gòn đến cầu Suối Đó giáp thị xã La Gi (cử tri huyện Hàm Tân).

Hệ thống điện chiếu sáng đoạn từ cầu Láng Gòn đến giáp thị xã La Gi (lý trình từ Km83 100 đến Km85 749, Quốc lộ 55) thuộc công trình Hệ thống điện chiếu sáng công lộ tuyến đường Quốc lộ 55 đoạn từ xã Tân Hà đến xã Tân Xuân, 4 huyện Hàm Tân (lý trình từ Km83 100 đến Km93 000, Quốc lộ 55) do UBND huyện Hàm Tân làm chủ đầu tư. Công trình được UBND huyện Hàm Tân phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 11/5/2021, đã được triển khai thi công từ tháng 9 năm 2021 và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2021.

6. Cử tri xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân kiến nghị: Hiện nay, chế độ phụ cấp xã bãi ngang của giáo viên các Trường học Mẫu giáo, cấp I, cấp II từ năm 2017 đến nay chưa được hỗ trợ. Cử tri tiếp tục đề nghị các cấp quan tâm chỉ đạo ngành chức năng sớm hỗ trợ để các đối tượng trên được hưởng chế độ theo quy định.

Trước đây, theo đề nghị của UBND huyện Hàm Tân tại Công văn số 4230/UBND-TCKH ngày 22/12/2020 về việc đề nghị cho chủ trương chi trả chế độ chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và Công văn số 1039/UBND-TCKH ngày 14/04/2021 về việc báo cáo quyết toán và đề nghị cấp kinh phí chi trả chế độ

chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Sở Tài chính đã có Công văn số 1801/STC-HCSN ngày 07/06/2021 trình UBND tỉnh và dự thảo Công văn UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí.

Ngày 25/06/2021, UBND tỉnh có Công văn số 2312/UBND-TH gửi Bộ Tài chính; theo đó đề nghị Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ, cấp bổ sung kinh phí để tỉnh thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang từ năm 2013-2019 với số tiền là 9.091.277.433 đồng. Đến nay, Bộ Tài chính chưa có ý kiến phản hồi.

Theo đề nghị của Văn phòng UBND tỉnh tại Công văn số 5289/UBNDKGVXNV ngày 25/11/2021 của về việc giải quyết kiến nghị của UBND huyện Hàm Tân; theo đó, Văn phòng UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu nội dung kiến nghị của UBND huyện Hàm Tân tại Công văn số 3816/UBND-TCKH ngày 02/11/2021 để phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định; Sở Tài chính đã có Công văn số 4237/STC-HCSN ngày 06/12/2021 tham mưu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của UBND huyện Hàm Tân tại Công văn số 3816/UBND-TCKH ngày 02/11/2021; theo đó, Ý kiến của Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh như sau: Đây là chế độ chính sách do Trung ương ban hành nên ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí để thực hiện. Hàng năm, UBND các huyện lập dự toán gửi Sở Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện và tổng hợp báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính vào năm sau. Riêng UBND huyện Hàm Tân báo cáo không đầy đủ dự toán kinh phí thực hiện chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển dẫn đến thiếu nguồn kinh phí chi trả. Để giải quyết kinh phí nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại xã Sơn Mỹ nêu trên, Sở Tài chính kính trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo UBND huyện Hàm Tân, trong khi chờ ý kiến phản hồi của Bộ Tài chính, trước mắt UBND huyện Hàm Tân tự cân đối, sắp xếp trong dự toán được giao hàng năm của huyện để thực hiện chi trả cho đối tượng được hưởng chính sách theo đúng quy định.

Ngày 13/12/2021, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 5586/VPKGVXNV; theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Hàm Tân nghiên cứu nội dung Công văn số 4237/STC-HCSN ngày 06/12/2021 của Sở Tài chính để triển khai thực hiện theo quy định.

Ngày 28/12/2021, UBND huyện ban hành Quyết định số 4089/QĐ- UBND cấp kinh phí thưc hiện chính sách cho nhà giáo công tác tại xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển từ năm 2013-2019, với số tiền là 9.161.935.169 đồng (trong đó, các trường ở địa bàn xã Tân Thắng là 5.928.417.501 đồng, các trường ở địa bàn xã Sơn Mỹ là 2.612.484.368 đồng, Mẫu giáo Sông Phan là 302.318.535 đồng, Mẫu giáo Tân Hà là 318.714.765 đồng).

II. UBND huyện Bắc Bình: 01 nội dung

1. Hiện nay, vào mùa mưa lũ tình trạng sạt lở dọc dòng Sông Lũy vào đất nông nghiệp của bà con đoạn từ cầu Sông Cạn, xã Phan Rí Thành đến thôn Bình Hòa, xã Phan Hòa; đoạn khu vực thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh; đoạn khu vực khu phố Xuân Hội đến khu phố Hiệp Phước, thị trấn Chợ Lầu. Cử tri đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch khảo sát xây dựng các đoạn kè chống sạt lở để bà con ổn định sản xuất (cử tri xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình).

UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương kiểm tra thực tế và báo cáo ghi nhận hiện trạng như sau:

- Đối với thị trấn Chợ Lầu:

Khu vực Khánh Tài: vào mùa mưa khu vực này thường xuyên bị sạt lở đất dọc theo bờ Sông Lũy có chiều dài khoảng 1,0km, chiều sâu tính từ mặt nước lên đến bờ khoảng 5,0m; phạm vi sạt lở ảnh hưởng đến đất sản xuất của hộ dân dọc theo bờ sông khoảng từ 5,0-15,0m, vị trí sạt lở cách tuyến đường hiện hữu nơi gần nhất khoảng 15,0m.

Khu vực Hà Thanh: hiện nay vào mùa mưa thường xuyên bị sạt lở đất dọc theo bờ Sông Lũy (đây là ngã sông nước đỗ về tạo thành lòng chảo) có chiều dài khoản 0,5km, chiều sâu tính từ mặt nước lên đến bờ khoảng 4,5m; phạm vi sạt lở ảnh hưởng đến đất sản xuất của hộ dân dọc theo bờ sông khoảng từ 5,0-15,0m; hiện trạng người dân tận dụng trồng cỏ voi để giữ đất chống sạt lở.

Nhìn chung 02 khu vực trên vào mùa mưa lũ thường xuyên sạt lở, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân do vậy việc khảo sát, đề xuất nguồn vốn đầu tư xây dựng kè tại khu vực trên là cần thiết. Do đó, giao UBND huyện Bắc Bình phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư khảo sát, đề xuất UBND tỉnh về nguồn vốn và phương án triển khai thực hiện xây dựng kè tại các khu vực trên trong tháng 6 năm 2022.

- Đối với xã Phan Hòa: Dọc theo sông con của dòng sông Cạn đoạn từ thôn Bình Hoà, xã Phan Hòa đến cầu Sông Cạn, xã Phan Rí Thành có chiều dài khoảng 830m; trong đó có 230m kè đã được đầu tư xây dựng năm 2015 thuộc phạm vi xã Phan Rí Thành; còn lại 600m chưa được đầu tư xây dựng thuộc phạm vi xã Phan Hòa, khu vực này có khoảng 20 hộ dân đang sinh sống, canh tác dọc theo dòng sông cạn, diện tích canh tác khoảng 5,0ha. Trong 600m dọc bờ sông này người dân đã chủ động trồng cây tre dọc sông để bảo vệ chống sạt lở đất với chiều dài khoảng 400m. Qua theo dõi tình hình mưa lũ trên địa bàn đối với xã Phan Hòa từ năm 2019 đến nay, hệ thống kênh mương đầu nguồn được đầu tư hoàn thiện, điều tiết được nguồn nước mưa và ở hệ thống sông con nên không còn thường xuyên xảy ra lũ lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con dọc theo sông. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo địa phương xã Phan Hòa vận động người dân sinh sống, sản xuất dọc theo dòng sông trồng và bảo vệ cây tre chống sạt lở.

III. UBND huyện Tánh Linh: 04 nội dung

1. Thôn Đa Mi được thành lập từ năm 1999 đến nay, người dân đã cơ bản có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất định canh, định cư của bà con cử tri đã được chuyển ra ngoài theo Quy hoạch 03 loại rừng, nhưng vẫn chưa được cấp thẩm quyền xem xét thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Cử tri tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh sớm xem xét giải quyết (cử tri xã La Ngâu, huyện Tánh Linh)

Căn cứ Công văn số 2157/SNN-VP ngày 20/7/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tánh Linh đã rà soát, lập lại Tờ trình số 311/TTr-UBND ngày 03/12/2021 đề nghị thu hồi và giao đất ngoài quy hoạch 03 loại rừng tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 13/12/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 3901/SNN-VP gửi UBND huyện Tánh Linh; theo đó đề nghị UBND huyện rà soát, xác định lại diện tích đề nghị thu hồi và giao bổ sung là bao nhiêu hecta; trên cơ sở đó báo cáo cụ thể nguồn gốc và có ý kiến khẳng định hiện trạng thực tế tại thời điểm hiện nay gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét tham mưu UBND tỉnh thu hồi và giao đất cho UBND huyện Tánh Linh quản lý theo quy định. Về việc này, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tánh Linh khẩn trương kiểm tra, rà soát và gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, xem xét, giải quyết theo quy định.

2. Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, khắc phục một số công trình phục vụ sản xuất, dân sinh: tiếp tục xây dựng bờ kè qua khu dân cư phía thượng lưu và hạ lưu cầu Sông Quận; khảo sát đầu tư Trạm bơm điện gắn với kênh mương thủy lợi phục vụ cánh đồng khu vực Bản 1, Bản 2, Bản 3 (xã La Ngâu) (cử tri huyện Tánh Linh).

- Tiếp tục xây dựng bờ kè qua khu dân cư phía thượng lưu và hạ lưu cầu Sông Quận (xã Bắc Ruộng): Suối Tà Reng đi qua địa bàn xã Bắc Ruộng cắt ngang tuyến đường ĐT 717 (cũng gọi là Sông Quận) chảy dọc giữa khu dân cư Thôn 1 và Thôn 2 xã Bắc Ruộng. Trong những năm qua, do mưa, lũ đã gây sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến cầu, đường giao thông,… Thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư kè một số đoạn xung yếu khoảng 2,9 km. Trong thời gian qua một số đoạn chưa được gia cố (kè) tiếp tục bị sạt lở, gây thiệt hại về sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, các ngành và địa phương đã rà soát, Tuy nhiên, trong năm 2021 do nguồn kinh phí đang tập trung ưu tiên xử lý một số công trình cấp bách, ưu tiên trước như sửa tuyến đường giao thông vào khu dân cư thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, bị hư hỏng do mưa lũ gây ra trong tháng 9 năm 2021; Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và dân sinh, UBND huyện tiếp tục rà soát, đưa vào đề xuất sửa chữa khắc phục các công trình cấp bách, hư hỏng do thiên tai trong thời gian đến.

- Khảo sát đầu tư Trạm bơm điện gắn với kênh mương thủy lợi phục vụ cánh đồng khu vực Bản 1, Bản 2, Bản 3 (xã La Ngâu): UBND xã La Ngâu đã có Tờ trình số 92/TTr-UBND ngày 10/11/2021 về việc xin được đầu tư xây dựng Trạm bơm và Kênh mương thủy lợi phục vụ tưới sản xuất tại cánh đồng Bản 1, 2, 3 xã La Ngâu. Theo đó, diện tích tưới phục vụ sản xuất cho cánh đồng khoảng 315 ha, số lượng trạm bơm cần lắp đặt 03 trạm bơm, kênh mương thủy lợi khoảng 4,5 km (bằng kênh đất), vị trí đầu tư ở 3 khu vực khác nhau.

Sau khảo sát, việc đề xuất của cử tri xã La Ngâu là phù hợp. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho 03 hạng mục công trình (03 trạm bơm và 4,5km kênh) là khá lớn, nếu Dự án hồ La Ngà 3 được thực hiện thì sẽ gây lãng phí trong đầu tư; lực lượng nhân công, nhân lực vận hành 03 trạm bơm (ít nhất mỗi trạm bơm khoảng 03 người), kinh phí duy tu, bảo dưỡng, trả lương hàng năm,… Đồng thời hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3, do đó UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương rà soát, xây dựng phương án, lập dự toán cụ thể từng trường hợp (đầu tư các công trình thủy lợi trong trường hợp xây dựng hồ La Ngà 3; Đầu tư các công trình trong trường hợp không xây dựng hồ La Ngà 3,…) để tính toán cụ thể giá trị, lợi ích kinh tế và xác định phương án chọn, có tính khả thi. UBND huyện sẽ cập nhật tiến độ để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo trong thời gian đến.

3. Hai tuyến đường 17a và 17b trong dự án đường liên thôn, trước đây đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh có ghi nhận sẽ đề xuất với HĐND tỉnh, UBND tỉnh đưa vào đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, vậy trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh đã có chưa, đề nghị tỉnh thông tin cho cử tri biết (cử tri xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh).

Dự án Nhựa hóa đường trung tâm xã Huy Khiêm (giai đoạn 2), huyện Tánh Linh (đầu tư 02 tuyến đường số 17a và 17b) đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 14/2/2022, sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 20/12/2021.

Để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đầu tư công, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh bổ sung danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sau đó, sẽ tham mưu HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn hằng năm để triển khai thực hiện dự án.

4. Dự án Hồ thủy lợi Tà Pao đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phần lớn diện tích đất trong khu vực dự án của bà con đã được thu hồi và được đền bù; tuy nhiên vẫn còn một số diện tích đất không được đền bù do điều chỉnh quy mô của dự án (giảm diện tích vùng bán ngập) và chưa được cấp thẩm quyền Quyết định điều chỉnh diện tích, ranh giới của dự án, nên chưa có cơ sở để cấp lại giấy CNQSDĐ cho bà con. Cử tri kiến nghị tỉnh quan tâm sớm xem xét, giải quyết (cử tri xã La Ngâu, huyện Tánh Linh).

Công tác giải phóng mặt bằng hạng mục khu lòng hồ được triển khai thực hiện vào đầu năm 2011 với tổng diện tích thu hồi đất của dân là 480 ha. Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 08 đợt với tổng diện tích thu hồi đất là 420,4 ha/480 ha. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 759/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án; theo đó, cắt giảm 39,2 ha so với diện tích phê duyệt ban đầu và không thực hiện thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ. Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với Lãnh đạo Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Thủy lợi 7- Bộ Nông nghiệp và PTNT và Lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh về điều chỉnh mốc ranh bản đồ thu hồi đất. Ngày 06/6/2022, UBND huyện Tánh Linh đã có Công văn số 753/UBND-SX về trả lời kiến nghị của cử tri, theo đó: Diện tích hạng mục khu lòng hồ thuộc công trình Hệ thống thủy lợi Tà Pao sau khi điều chỉnh tại Quyết định số 1447/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh còn lại 440,8 ha, cắt giảm 39,2 ha (480 ha - 440,8 ha); diện tích này nằm ở cao trình chưa ngập, đã có sơ đồ và sẽ cắm mốc, chỉ dẫn để dân biết. Diện tích chưa bồi thường 23,45 ha (440,8 ha - 417,35 ha) do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn thiếu chưa bố trí đủ, hiện nay UBND huyện Tánh Linh đang chỉ đạo rà soát, lập phương án bồi thường hoán đổi đất vào khu tái định canh, do cắt giảm không đầu tư nữa có diện tích tương đương 22,7 ha (đã bồi thường bằng tiền cho dân tại khu tái định canh là 14,17 ha, khu rừng bạch đàn do Lâm trường La Ngà bàn giao là 8,6 ha); phần diện tích trên nằm rải rác gần khu vực cao trình thấp. Riêng việc đề nghị cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân khi có nhu cầu sẽ được UBND xã La Ngâu rà soát, phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tánh Linh giải quyết theo đúng quy định.

IV. UBND huyện Đức Linh: 01 nội dung

1. Cử tri kiến nghị đầu tư tuyến đường ngã ba Cây Sung đến cầu Bến Thuyền.

Dự án Nâng cấp và mở rộng tuyến đường ngã ba Cây Sung đi vào trung tâm xã Đức Tín, huyện Đức Linh (từ ngã ba Cây Sung đến cầu Bến Thuyền) do UBND huyện Đức Linh làm chủ đầu tư, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tại Quyết định số 102/QĐ-SKHĐT ngày 06/4/2021 với tổng mức đầu tư 14,8 tỷ đồng.

UBND huyện Đức Linh đã hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình. Công trình đã được khởi công xây dựng ngày 17/9/2021 và dự kiến thi công hoàn thành vào tháng 7/2022.

V. UBND huyện Hàm Thuận Bắc: 01 nội dung

1. Cử tri mong muốn UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí tiếp tục khai thông dòng chảy Suối Lạng nhằm bảo đảm tiêu thoát lũ cho bà con Nhân dân, tránh thiệt hại về nông sản, nhất là vào mùa mưa (Cử tri xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc).

Tuyến mương hồ Cẩm Hang dài khoảng 08 km, từ đập Cẩm Hang đến giáp xã Phong Nẫm - thành phố Phan Thiết, đi qua các thôn Xuân Điền, Phú Điền và Đại Thiện 2 - xã Hàm Hiệp, trong đó có đoạn tuyến Mương Cái dài 2,8 km và tuyến Suối Lạng dài 1,8 km đã được UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo UBND xã Hàm Hiệp thực hiện việc phát dọn và khơi thông dòng chảy vào năm 2020 với kinh phí thực hiện là 308,6 triệu đồng (Ngân sách huyện hỗ trợ 216 triệu đồng, nhân dân đóng góp 92,6 triệu đồng).

Cuối năm 2021, UBND xã Hàm Hiệp tiếp tục triển khai tái phát dọn 02 tuyến mương trên; tuy nhiên do kinh phí có hạn và không huy động được nguồn lực trong dân để tái phát dọn, nên chỉ thực hiện việc phát dọn cây cỏ 02 bên, không thực hiện việc nạo vét mương, mặt khác do còn nhiều đoạn trên toàn tuyến chưa được nạo vét, phát dọn nên không đảm bảo cho việc tiêu, thoát lũ khi có mưa lớn kết hợp với xả lũ của hồ Cẩm Hang.

Qua kiểm tra thực tế ngày 11/4/2022, hiện trạng tuyến mương có nhiều cây cỏ, tre, cây lùm bụi, bèo, lục bình, rác thải sinh hoạt lấp đầy lòng kênh và bờ kênh bị sạt lở, bồi lấp dòng chảy, nhất là đoạn từ thôn Đại Thiện 2 đến giáp xã Phong Nẫm.

Để giải quyết cơ bản tình trạng tiêu thoát nước, tránh ngập úng do ách tắc dòng chảy trong thời gian đến, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan của huyện phối hợp UBND xã Hàm Hiệp tổ chức khảo sát cụ thể toàn tuyến (nơi nào cần nạo vét, nơi nào cần phát dọn,… ) để tham mưu UBND huyện cho chủ trương và đề xuất cụ thể nguồn kinh phí để thực hiện việc nạo vét, phát dọn.

Do tuyến mương này nằm giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc và xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết), nếu đoạn xã Hàm Hiệp thực hiện việc nạo vét, phát dọn nhưng đoạn xã Phong Nẫm không thực hiện việc nạo vét, phát dọn thì việc ngập úng do ách tắc dòng chảy trên địa bàn xã Hàm Hiệp trong thời gian đến vẫn còn xảy ra. Do đó, giao UBND thành phố Phan Thiết phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể để có kế hoạch nạo vét, phát dọn đoạn kênh nằm trên địa bàn thành phố Phan Thiết để đảm bảo việc tiêu thoát nước lũ trên toàn tuyến.

VI. UBND huyện Hàm Thuận Nam: 01 nội dung

1. Hiện nay, thôn Hiệp Tân đã được Nhà nước đầu tư hạ thế nguồn điện 04 kV, nhưng Công ty Phúc Đạt Thành không thanh lý hợp đồng cho dân dẫn đến có hơn 200 hộ dân của thôn Hiệp Tân không đấu nối được nguồn điện để sử dụng. Cử tri kiến nghị Sở Công Thương sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên (cử tri xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam)

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Thuận tại văn bản số 5492/PCBT-KD ngày 22 tháng 11 năm 2021 về việc tham mưu trả lời ý kiến của cử tri thôn Hiệp Tân, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, để giải quyết ý kiến của cử tri thôn Hiệp Tân, xã Tân Thuận với nguyện vọng chấm dứt mua điện từ Công ty TNHH Phúc Đạt Thành (do lưới điện của Công ty này xuống cấp, không cải tạo gây mất an toàn và bán điện sai giá quy định), các hộ dân trong khu vực có nhu cầu chuyển sang mua điện trực tiếp của ngành điện, Công ty Điện lực Bình Thuận đã đầu tư và xây dựng mới 2,8 km đường dây trung thế 1 pha, 05 trạm biến áp phân phối có tổng dung lượng 250 kVA (gồm: 01 trạm 25 kVA, 03 trạm 50 kVA, 01 trạm 75 kVA) và 5,4 km đường dây hạ thế, tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành đóng điện vào tháng 7 năm 2021.

Sau đó, Điện lực Phan Thiết đã phối hợp với phòng Kinh tế - Hạ tầng Hàm Thuận Nam, thôn Hiệp Tân hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân giải quyết các vướng mắc về hồ sơ đăng ký mua điện, tạo mọi điều kiện để người dân được mua điện trực tiếp với Điện lực Phan Thiết. Đến nay, Điện lực Phan Thiết đã lắp đặt điện kế và ký kết hợp đồng mua bán điện và cung cấp điện cho 148 hộ đã sử dụng; còn 57 hộ Điện lực Phan Thiết đã khảo sát nhưng chưa cấp điện là do các hộ dân vẫn còn mua điện từ Công ty TNHH Phúc Đạt Thành, chưa chấm dứt hợp đồng mua bán điện (nguyên nhân của việc các hộ dân không thực hiện được thủ tục chấm dứt hợp đồng mua bán điện với Công ty TNHH Phúc Đạt Thành chủ yếu là do các hộ dân còn nợ thanh toán tiền sử dụng điện từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021), nếu Điện lực Phan Thiết thực hiện bán điện cho các hộ này sẽ không đảm bảo về an toàn sử dụng điện, an toàn vận hành lưới điện của Điện lực và chưa đúng quy định do các hộ dân mua điện sử dụng từ hai nguồn của hai nhà cung cấp điện khác nhau tại cùng một địa điểm.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng Hàm Thuận Nam và Ủy ban nhân dân xã Tân Thuận: tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thanh toán nợ và làm thủ tục chấm dứt Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt (hợp đồng) với Công ty TNHH Phúc Đạt Thành để mua điện của Điện lực Phan Thiết; lưu ý người dân khi có nhu cầu đăng ký mua điện với Điện lực Phan Thiết thì cần thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng và thanh toán nợ tiền điện (nếu có) với Công ty TNHH Phúc Đạt Thành1.

Trong trường hợp nếu hộ dân và Công ty TNHH Phúc Đạt Thành không thỏa thuận được việc chấm dứt hợp đồng, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện thuộc lĩnh vực tranh chấp dân sự, các bên liên quan có thể xem xét, khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm theo hợp đồng mua bán điện đã ký. Trong trường hợp này, để Điện lực Phan Thiết có thể xem xét, lắp đặt điện kế và ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định, các hộ dân cần có bản cam kết tự chịu trách nhiệm về việc thanh toán tiền điện và chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Phúc Đạt Thành theo quy định của pháp luật, cam kết không sử dụng điện từ nguồn điện lưới của Công ty TNHH Phúc Đạt Thành nhằm đảm bảo an toàn sử dụng điện, an toàn vận hành lưới điện của Điện lực, được chính quyền địa phương xác nhận.

Hiện nay tại thôn Hiệp Tân đã có 176 hộ mua điện của Điện lực Phan Thiết; 41 hộ đã có đơn đăng ký mua điện của Điện lực Phan Thiết và Điện lực Phan Thiết đã khảo sát nhưng chưa lắp đặt điện kế (do 41 hộ này chưa chấm dứt hợp đồng với TNHH Phúc Đạt Thành).

VII. UBND thị xã La Gi: 02 nội dung

1. Cử tri mong muốn tỉnh quan tâm hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại về tàu thuyền do nước sông Dinh về nhanh đêm 28/8/2021, trong lúc phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ nên ngư dân không kịp thời ứng phó để bảo vệ tài sản (cử tri thị xã La Gi).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3464/UBND-KT ngày 20 tháng 9 năm 2021, Ủy ban nhân dân thị xã La Gi tiến hành rà soát, tổng hợp, lập danh sách các chủ tàu bị thiệt hại theo quy định. Kết quả như sau:

- Đối với 04 chủ phương tiện đã mua bảo hiểm tàu thuyền: Bảo hiểm Bảo Việt thị xã đã hướng dẫn chủ phương tiện và thực hiện bồi thường cho 04 chủ phương tiện với tổng số tiền 105.475.000 đồng trong tháng 12/2021.

- Đối với các chủ tàu bị thiệt hại được Ban Cứu trợ của tỉnh hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng,...: Đến cuối tháng 03/2022, Ban Cứu trợ Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã ban hành 02 Quyết định về hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn bị thiệt hại tàu thuyền do mưa lũ gây ra trên địa bàn thị xã La Gi (đợt 1: Quyết định số 119/QĐ-BCTr ngày 04/11/2021; đợt 2: Quyết định số 135/QĐ-BCTr ngày 03/3/2022). Ủy ban Mặt trận TQVN thị xã (Ban Cứu trợ thị xã) đã chi hỗ trợ cho các tàu thuyền bị thiệt hại theo danh sách lập với tổng số tiền 394 triệu đồng từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh (đợt 1, ngày 17/11/2021 với tổng số tiền 374 triệu đồng; đợt 2, ngày 17/3/2022 với tổng số tiền 20 triệu đồng).

2. Cử tri tiếp tục kiến nghị tỉnh quan tâm sớm xây dựng cầu treo Hiệp Trí thành cầu bê tông kiên cố, vì hiện nay mặt cầu đã hư hỏng nặng, rất nguy hiểm khi nhân dân tham gia giao thông (Cử tri xã Tân Hải, thị xã La Gi).

Trong năm 2021, UBND thị xã đã giao UBND xã Tân Hải bố trí nguồn vốn sửa chữa tạm mặt cầu với kinh phí 50 triệu đồng. Ngày 31/8/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2194/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cầu Hiệp Trí, xã Tân Hải, thị xã La Gi với quy mô đầu tư làm mới 01 cầu dài khoảng 100 m, chiều rộng mặt cầu 6,0 m, kết cấu bằng bê tông cốt thép và đường dẫn hai đầu cầu; thời gian thực hiện dự án 03 năm cuối giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030. Do đó, trong thời gian chờ UBND tỉnh bố trí vốn để triển khai xây dựng cầu mới, UBND tỉnh giao UBND thị xã La Gi tiếp tục xem xét cân đối nguồn vốn để khắc phục sửa chữa cầu treo Hiệp Trí.

VIII. UBND huyện Phú Quý: 01 nội dung

1. Cử tri huyện Phú Quý tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xem xét, sớm đầu tư hoàn thiện tuyến đường Tôn Đức Thắng để người dân lưu thông thuận tiện.

Trên cơ sở Công văn số 3077/UBND-ĐTQH ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh về việc thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán và kết thúc dự án Nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông huyện Phú Quý. UBND huyện Phú Quý đã chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện mời đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát làm việc liên quan đến thanh lý hợp đồng thi công công trình Nâng cấp mở rộng hệ thống đường giao thông huyện Phú Quý. Đến nay, các bên liên quan đã thống nhất xác nhận khối lượng hoàn thành đề nghị quyết toán, hiện đơn vị thi công cũng như tư vấn giám sát đang hoàn chỉnh hồ sơ quản lý chất lượng công trình để Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Phú Quý kiểm tra trước khi lập thủ tục trình phê duyệt quyết toán, dự kiến đến cuối Quý II/2022 sẽ hoàn thiện toàn bộ hồ sơ trình Sở Tài chính thẩm định, làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Sau khi công trình được phê duyệt quyết toán, UBND huyện Phú Quý sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách huyện để tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình Đường Tôn Đức Thắng.

IX. UBND huyện Tuy Phong: 01 nội dung

1. Cử tri xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong kiến nghị: Hiện nay, UBND tỉnh có Công văn số 3484/UBND-KGVXNV, ngày 21/9/2021 về xây dựng đề án thành lập Trường THPT tại xã Vĩnh Hảo với quy mô chỉ có 10 lớp là chưa hợp lý. Cử tri kiến nghị tỉnh xem xét có thể thành lập Trường cấp II, III Vĩnh Tân với quy mô khoảng 18 lớp, vị trí giữa 2 xã Vĩnh Hảo - Vĩnh Tân nhằm đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho học sinh và giảm đầu tư xây dựng cơ bản).

Ngày 21/9/2021, UBND tỉnh có công văn số 3484/UBND-KGVXNV giao UBND huyện Tuy Phong phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng Đề án thành lập Trường trung học phổ thông tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Đồng thời, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại vị trí được chọn đầu tư xây dựng Trường trung học phổ thông theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Hiện nay, UBND huyện Tuy Phong đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai lập Đề án theo chủ trương của UBND tỉnh, do đó, đến thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở xác định cụ thể quy mô lớp học, quy mô công trình dự án nên chưa thể giải quyết kiến nghị của cử tri.

X. UBND thành phố Phan Thiết: 02 nội dung

1. Thực trạng vệ sinh môi trường hiện nay trên dòng sông Cà Ty, nhất là dọc theo đoạn đường Trưng Trắc bốc mùi hôi thối, đặc biệt là khi nước thủy triều đã cạn. Cử tri kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp, đề nghị ngành chức năng tỉnh tiếp tục quan tâm để sớm giải quyết (cử tri phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết):

Để thu gom rác trên sông Cà Ty, UBND thành phố đã đặt hàng với Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận thực hiện thường xuyên các ngày trong tuần (trừ chủ nhật), vì vậy, thời gian qua, tình hình rác trên sông Cà Ty thường xuyên được thu gom và cơ bản được kiểm soát. Ngoài ra, ngày 22/7/2021, UBND thành phố Phan Thiết có Công văn số 4257/UBND-TC giao Phòng Quản lý đô thị thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị có liên quan; không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị thành phố.

Về lâu dài, việc nạo vét lòng sông Cà Ty, tạo cảnh quan đô thị tại khu vực này rất cần thiết. Hiện nay Dự án Cải thiện môi trường các đô thị loại 2 - Hợp phần tỉnh Bình Thuận vay vốn của ADB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án tại Công văn số 1816/TTg-QHQT ngày 27/12/2021; trong đó có đề xuất hợp phần xây dựng kè và nạo vét lòng sông Cà Ty. Dự án đã được UBND tỉnh giao UBND thành phố Phan Thiết triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định pháp luật. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường khu vực.

2. Cử tri các xã, phường thuộc thành phố Phan Thiết kiến nghị việc thực hiện Quyết định số 2108/QĐ-UBND, ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh; hiện nay hồ sơ, thủ tục xét duyệt cơ bản đã hoàn tất, song còn nhiều đối tượng chưa được nhận tiền hỗ trợ. Cử tri mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm chi trả cho các đối tượng trong thời gian sớm nhất để chia sẽ kịp thời khó khăn của Nhân dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Thực hiện Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) theo quy định tại điểm 12 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ. Trong năm 2021, UBND thành phố Phan Thiết đã thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ cho 29.485 đối tượng với số tiền 44.227.500.000 đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND thành phố đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 10.045 đối tượng, số tiền 15.067.500.000 đồng. Trong tháng 4/2022, UBND thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện xong thủ tục quyết toán nguồn kinh phí năm 2021; chuyển nguồn kinh phí còn lại sang năm 2022 để tiếp tục chi trả và đã chuyển kinh phí cho 11 phường, xã (có Quyết định phê duyệt trong tháng 01/2022) để chi trả cho 5.374 đối tượng.

Do dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, số đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và các Quyết định của UBND tỉnh tăng hơn nhiều so với kinh phí được UBND tỉnh cấp. Ngày 26/4/2022, UBND thành phố Phan Thiết có Công văn số 2008/UBND-VX báo cáo số lượng đối tượng, nhu cầu bổ sung kinh phí hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí. Sau khi được cấp bổ sung kinh phí, giao UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các phường, xã khẩn trương chi hỗ trợ cho đối tượng theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh./.

 

____________________

1 Về trình tự, thủ tục chấm dứt hợp đồng: Các hộ dân căn cứ Hợp đồng mua bán điện đã ký với Công ty TNHH Phúc Đạt Thành (theo quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc ban hành mẫu Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt) để thực hiện, trong đó, mẫu hợp đồng có nội dung về chấm dứt hợp đồng: bên mua điện thông báo cho bên bán điện là Công ty TNHH Phúc Đạt Thành trước 15 ngày trong trường hợp bên mua điện có nhu cầu chấm dứt hợp đồng (sau 15 ngày kể từ ngày Công ty nhận được văn bản của hộ dân gửi đến Công ty, hai bên thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 18/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 - Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI

  • Số hiệu: 18/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Hoài Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản