Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THU, QUẢN LÝ HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN VÀ CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ, HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP TỪ NĂM HỌC 2015 - 2016 ĐẾN NĂM HỌC 2020 - 2021

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16 tháng 7 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Chương II

QUY ĐỊNH HỌC PHÍ

Điều 3. Nguyên tắc xác định học phí

1. Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

2. Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập: Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo. Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.

3. Cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo. Cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí.

4. Các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

5. Trong quá trình áp dụng thực hiện Nghị định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục dạy nghề theo hướng có lộ trình xác định tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 4. Khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông

1. Khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 được quy định như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/học sinh

Vùng

Năm học 2015 - 2016

1. Thành thị

Từ 60 đến 300

2. Nông thôn

Từ 30 đến 120

3. Miền núi

Từ 8 đến 60

2. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

3. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.

4. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện Quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Việc miễn, giảm học phí đối với người học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí theo quy định áp dụng mức miễn, giảm theo mức học phí quy định đối với các chương trình giáo dục đại trà của các trường công lập trên cùng địa bàn.

5. Các cơ sở giáo dục thường xuyên được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn.

Điều 5. Học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp

1. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên

Khối ngành, chuyên ngành đào tạo

Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018

Từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020

m học 2020-2021

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

1.750

1.850

2.050

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch

2.050

2.200

2.400

3. Y dược

4.400

4.600

5.050

2. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 như sau:

Khối ngành, chuyên ngành đào tạo

Năm học 2015-2016

Năm học 2016-2017

Năm học 2017-2018

Năm học 2018-2019

Năm học 2019-2020

Năm học 2020-2021

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

610

670

740

810

890

980

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch

720

790

870

960

1.060

1.170

3. Y dược

880

970

1.070

1.180

1.300

1.430

3. Mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 được xác định bằng mức trần học phí quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này nhân (x) hệ số sau đây:

Trình độ đào tạo

Hệ số so với đại học

1. Đào tạo thạc sĩ

1,5

2. Đào tạo tiến sĩ

2,5

4. Mức trần học phí đối với đào tạo cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập:

a) Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên

NHÓM NGÀNH, NGHỀ

Năm học 2015-2016

Năm học 2016-2017

Năm học 2017-2018

Năm học 2018-2019

Năm học 2019-2020

Năm học 2020-2021

TC

TC

TC

TC

TC

TC

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

430

490

470

540

520

590

570

650

620

710

690

780

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch

500

580

550

630

610

700

670

770

740

850

820

940

3. Y dược

620

700

680

780

750

860

830

940

910

1.040

1.000

1.140

b) Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên

NHÓM NGÀNH, NGHỀ

Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018

Từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020

Năm học 2020-2021

TC

TC

TC

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

1.225

1.400

1.295

1.480

1.435

1.640

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch

1.435

1.640

1.540

1.760

1.680

1.920

3. Y dược

3.080

3.520

3.220

3.680

3.535

4.040

5. Học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo kỹ năng được các cơ sở giáo dục chủ động tính toán và quy định mức thu theo sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

6. Quy định thu học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập: Căn cứ vào quy định chế độ học phí nêu trên tương ứng với từng năm học, đặc điểm tính chất đơn vị, yêu cầu phát triển ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và điều kiện thực tiễn, Giám đốc các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc cấp Trung ương quản lý chủ động quy định chế độ thu học phí cụ thể đối với các đơn vị, chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý và thực hiện chế độ công khai, minh bạch cho toàn khóa học. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định về mức học phí cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của địa phương.

7. Đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp, việc quy định thu học phí do tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chủ động xây dựng theo các nhóm ngành, chuyên ngành phù hợp trên cơ sở bù đắp chi phí đào tạo và báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thông qua trước khi thực hiện. Riêng đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì mức học phí phải áp dụng theo quy định như khung học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nêu tại Điều 5 Nghị định này. Học phí trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp phải được các cơ sở giáo dục công bố công khai cho từng năm học và dự kiến cả khóa học trước khi tuyển sinh. Ngân sách Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho người học thuộc diện được miễn, giảm học phí đang học tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý tính theo mức trần học phí tương ứng với các chương trình đào tạo đại trà của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định này.

8. Học phí đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Học phí đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác được áp dụng thu theo sự thỏa thuận chi phí giữa cơ sở giáo dục và người học. Không áp dụng chính sách miễn, giảm học phí đối với người học theo phương thức giáo dục thường xuyên và đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.

9. Học phí đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun: Mức thu học phí của một tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức dưới đây:

Học phí tín chỉ, mô-đun

=

Tổng học phí toàn khóa

Tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa

Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 học sinh, sinh viên/1 tháng x 10 tháng x số năm học.

10. Học phí đối với chương trình đào tạo chất lượng cao:

a) Học phí của chương trình đào tạo chất lượng cao (kể cả chương trình chuyển giao từ nước ngoài đối với giáo dục nghề nghiệp).

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện chương trình chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí phù hợp cùng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ trang trải chi phí đào tạo, trình cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương thông qua trước khi thực hiện và cơ sở giáo dục thực hiện việc công bố công khai trước khi tuyển sinh.

b) Học phí đối với người nước ngoài học ở các cơ sở giáo dục Việt Nam do các cơ sở giáo dục tự quyết định.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ MIỄN GIẢM HỌC PHÍ, HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP

Điều 6. Đối tượng không phải đóng học phí

Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Học sinh tiểu học; Học sinh, sinh viên sư phạm; Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Điều 7. Đối tượng được miễn học phí

1. Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.

3. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

4. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân.

6. Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên).

7. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học.

8. Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

9. Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

10. Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các chuyên ngành: Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh.

11. Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

12. Sinh viên cao đẳng, đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

13. Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

14. Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định.

15. Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Điều 8. Đối tượng được giảm học phí

1. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm:

a) Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập và ngoài công lập, gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống;

b) Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;

c) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (không phải là dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm:

a) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;

b) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Không thu học phí có thời hạn

1. Khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai.

2. Nhà nước thực hiện cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục công lập và cấp bù học phí cho các đối tượng được hưởng chính sách không thu học phí học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập khi xảy ra thiên tai theo quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức học phí của chương trình đại trà tại các trường công lập trên cùng địa bàn.

Điều 10. Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập

1. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.

2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 11. Cơ chế miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

1. Việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí.

2. Ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm quy định tại Nghị định này và đang học tại cơ sở giáo dục đó với mức thu học phí tương ứng với từng cấp học. Hàng năm việc cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm phải được quyết toán đầy đủ, công khai, minh bạch.

Mức cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học theo nhóm ngành, chuyên ngành, nghề của chương trình đại trà tại cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư bằng mức quy định tại Nghị định này.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao ưu tiên cấp học bổng cho người học để trang trải phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước với mức học phí của nhà trường.

Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập theo mức học phí chương trình đại trà của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông; theo mức học phí của chương trình đại trà tại cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định này tương ứng với các nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

3. Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng quy định tại Điều 10 Nghị định này với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.

4. Trong trường hợp có sự trùng lặp về đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Khoản 3, Điều 11 của Nghị định này với các văn bản quy phạm pháp luật khác đang thực hiện có mức hỗ trợ cao hơn, thì được hưởng theo mức hỗ trợ cao hơn quy định tại văn bản pháp luật khác.

Điều 12. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại Điều 9, Điều 11 của Nghị định này được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách theo quy định.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THU VÀ SỬ DỤNG HỌC PHÍ

Điều 13. Thu học phí

1. Học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo học chế tín chỉ, cơ sở giáo dục có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ, song tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học.

2. Cơ sở giáo dục công lập có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp học phí vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng theo quy định như sau:

a) Cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, được nộp toàn bộ số thu học phí vào ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng. Toàn bộ tiền lãi gửi ngân hàng thương mại được sử dụng để lập quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên;

b) Cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, nộp toàn bộ số thu học phí của các ngành nghề được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo vào Kho bạc Nhà nước để quản lý và sử dụng; nộp toàn bộ tiền thu học phí của các ngành, nghề không được ngân sách nhà nước hỗ trợ vào ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng. Toàn bộ tiền lãi gửi ngân hàng thương mại được sử dụng để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.

Điều 14. Sử dụng học phí

1. Cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Điều 15. Quản lý tiền học phí và chế độ báo cáo

1. Cơ sở giáo dục công lập gửi toàn bộ số học phí thu được vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định tại khoản 2, Điều 13 Nghị định này. Cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi toàn bộ số học phí thu được vào ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để đăng ký hoạt động.

2. Các cơ sở giáo dục thuộc mọi loại hình đều có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê học phí theo các quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền; và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.

3. Thu, chi học phí của cơ sở giáo dục công lập phải tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi tài chính hàng năm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành Nghị định

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2015.

2. Nghị định này thay thế các Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 hết hiệu lực thi hành kể từ năm học 2015 - 2016.

3. Bãi bỏ việc trợ cấp, miễn, giảm học phí cho các đối tượng quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 33 của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật quy định tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành Nghị định

1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn chi tiết tổ chức thực hiện Nghị định này. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc xác định các ngành, nghề đào tạo của giáo dục nghề nghiệp tương ứng với khung học phí quy định tại Khoản 4, Điều 5 Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021

  • Số hiệu: 86/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/10/2015
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1043 đến số 1044
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản