Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------

Số: 129/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm, mục tiêu:

- Tuyến đường bộ ven biển là tuyến đường bộ đi sát biển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước;

- Tuyến đường bộ ven biển được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có kết hợp với việc đầu tư xây dựng mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông và phù hợp với các quy hoạch khác trong vùng, khu vực;

- Tuyến đường bộ ven biển không phải là một trục dọc quốc gia, chưa liên tục tại các cửa sông lớn. Quy mô của tuyến đường bộ ven biển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đoạn và không nhất thiết phải đồng nhất trên toàn tuyến;

- Tuyến đường bộ ven biển được xây dựng phải phù hợp với điều kiện thủy, hải văn và đặc biệt lưu ý tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

- Tuyến đường bộ ven biển có thể kết hợp với hệ thống đê biển và hệ thống đường phòng thủ ven biển nhằm tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực.

2. Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển:

a) Hướng tuyến

Tuyến đường bộ ven biển bắt đầu tại cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc thuộc địa phận xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tới cửa khẩu Hà Tiên, thuộc địa phận thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với chiều dài khoảng 3.041 km. Hướng tuyến cụ thể của tuyến đường bộ ven biển kèm theo tại Phụ lục của Quyết định này.

b) Quy mô

Quy mô tối thiểu của các đoạn tuyến đường bộ ven biển như sau:

- Vùng ven biển miền Bắc (các tỉnh từ Quảng Ninh tới Ninh Bình): cấp III;

- Vùng ven biển Bắc Trung Bộ (các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Trị): cấp III;

- Vùng trọng điểm miền Trung (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Bình Định): cấp III;

- Vùng cực Nam Trung Bộ (các tỉnh từ Phú Yên tới Bình Thuận): cấp IV;

- Vùng Đông Nam Bộ (các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu tới thành phố Hồ Chí Minh): cấp IV;

- Vùng Tây Nam Bộ (các tỉnh từ Tiền Giang tới Kiên Giang): cấp IV;

Quy mô tối thiểu áp dụng cho các đoạn tuyến làm mới và các đoạn đường hiện tại có quy mô thấp hơn quy mô tối thiểu. Các đoạn tuyến có quy mô hiện tại lớn hơn quy mô tối thiểu thì giữ nguyên. Các đoạn tuyến đã lập dự án hoặc nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt có quy mô lớn hơn quy mô tối thiểu thì tuân thủ theo quy mô đề xuất trong dự án hoặc quy hoạch đó.

c) Phân kỳ đầu tư

Giai đoạn từ nay đến 2020: xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 892 km;

Giai đoạn sau năm 2020: xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 1.058 km.

3. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển:

Dự kiến tổng nhu cầu vốn cần bổ sung đầu tư các đoạn tuyến đường bộ ven biển là 28.132,31 tỷ đồng và được phân bổ như sau:

- Giai đoạn đến năm 2020: 16.012,69 tỷ đồng;

- Giai đoạn sau năm 2020: 12.119,62 tỷ đồng;

Nguồn vốn bổ sung dự kiến được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn khác.

4. Dự kiến quỹ đất dành cho quy hoạch:

Tổng quỹ đất cần bổ sung cho việc xây dựng tuyến đường bộ ven biển khoảng 5.889,78 ha (trong đó diện tích đất nông nghiệp ước tính khoảng 333,97 ha).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải:

- Sau khi Quy hoạch được duyệt, chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý quy hoạch;

- Chủ trì đầu tư các đoạn tuyến đi trùng với hệ thống quốc lộ.

2. Các Bộ, ngành liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện quy hoạch.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

- Các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý và triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn;

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các đoạn tuyến đường bộ ven biển không đi trùng với các quốc lộ theo quy hoạch;

- Tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương phù hợp với các nội dung của quy hoạch;

- Tổ chức lập, duyệt và triển khai quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng  

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 129/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 129/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/01/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 67 đến số 68
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản