Hệ thống pháp luật

Chương 6 Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 47. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan.

b) Giao cơ quan quản lý đường sắt quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đối với việc giao tài sản, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (phê duyệt Đề án khai thác, phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản), xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trước khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc Bộ Giao thông vận tải đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, phê duyệt theo quy định tại Nghị định này.

c) Trong thời gian thực hiện thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan, bảo đảm hoạt động đường sắt quốc gia thông suốt, an toàn.

d) Chỉ đạo, rà soát, phân loại, lập hồ sơ, kế toán tài sản theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

đ) Chỉ đạo doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia định kỳ 03 năm, kể từ năm 2025 tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện tỷ lệ (%) quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này báo cáo Bộ Giao thông vận tải; trường hợp cần điều chỉnh tỷ lệ (%), Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

e) Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan; xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý.

g) Chỉ đạo việc đăng nhập, chuẩn hóa dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc phạm vi quản lý; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định tại Nghị định này và theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

h) Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

i) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

a) Hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

b) Quy định việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

d) Hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tích hợp Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan;

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật về đường sắt.

b) Giao cơ quan quản lý đường sắt đô thị chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan có ý kiến đối với việc giao tài sản, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị (phê duyệt Đề án khai thác, phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản), xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, phê duyệt theo quy định Nghị định này.

c) Trong thời gian thực hiện thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu đường sắt đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan, bảo đảm hoạt động đường sắt đô thị thông suốt, an toàn

d) Chỉ đạo, rà soát, phân loại, lập hồ sơ, kế toán tài sản theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

đ) Chỉ đạo doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị định kỳ 03 năm, kể từ năm bắt đầu được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ phải nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị được sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định này; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện theo tỷ lệ này, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trên cơ sở kết quả thực hiện, trường hợp cần điều chỉnh tỷ lệ (%), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp để quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

e) Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan; xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý.

g) Chỉ đạo việc đăng nhập, chuẩn hóa dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thuộc phạm vi quản lý của địa phương; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này và theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

h) Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

i) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

4. Các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

5. Các cơ quan, doanh nghiệp và các đối tượng khác có liên quan được nộp hồ sơ điện tử trong trường hợp đã có chữ ký số khi thực hiện các thủ tục quy định tại Nghị định này. Trường hợp thực hiện thủ tục quy định tại Nghị định này mà phải thực hiện qua nhiều bước, thì các bản chính theo quy định của từng thủ tục được lưu tại cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc cơ quan của người có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; các cơ quan khác lưu bản sao.

Điều 48. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, thống kê, phân loại và giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Đối với việc xử lý vật liệu, vật tư thu hồi từ các dự án thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và đưa vào sử dụng trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thì không thực hiện bố trí kinh phí quản lý, bảo trì đối với phần giá trị vật liệu, vật tư đưa vào sử dụng đó. Đối với vật liệu, vật tư thu hồi còn lại được xử lý theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm rà soát, tổng hợp toàn bộ khối lượng, giá trị vật tư thu hồi đã đưa vào sử dụng trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và vật tư thu hồi còn lại từ các dự án đầu tư đã thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành để xử lý theo quy định tại khoản này và Điều 25 Nghị định này.

3. Đối với các Hợp đồng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản đã được cơ quan, người có thẩm quyền ký kết theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đến hết thời hạn của hợp đồng.

4. Đối với số tiền thu được từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (bao gồm cả số tiền đã nộp vào tài khoản tạm giữ và số tiền chưa nộp vào tài khoản tạm giữ) trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa xử lý thì được quản lý, sử dụng theo quy định tại Nghị định này.

5. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị đã được cơ quan, người có thẩm quyền giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc theo hình thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật tương ứng; không phải làm lại thủ tục để giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

6. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ phải nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị được sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định này.

Trong thời gian chưa ban hành quy định về tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ phải nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị được sử dụng thì được áp dụng theo tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này nhưng tối đa không quá 24 tháng, kể từ ngày phát sinh số thu từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo hình thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản.

7. Trường hợp giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt mà giá trị tài sản chưa được theo dõi trên sổ kế toán thì sau khi được giao, căn cứ nguồn gốc hình thành tài sản và các hồ sơ có liên quan, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, tạm quản lý (Bên giao) để xác định nguyên giá, giá trị còn lại theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 12 Nghị định này.

8. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo Quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; các công việc chưa thực hiện để tổ chức xử lý tài sản (trong đó có quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt) đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Điều 49. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định tương ứng tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

  • Số hiệu: 15/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/02/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH