Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 4 Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Mục 3. XỬ LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Điều 37. Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị

Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được xử lý theo các hình thức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 21 Nghị định này.

Điều 38. Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị

1. Việc thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được thực hiện trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thuộc phạm vi quản lý.

3. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thu hồi được xử lý theo các hình thức quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 22 Nghị định này.

4. Trình tự, thủ tục thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này):

a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị lập hồ sơ đề nghị thu hồi tài sản trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi tài sản.

Thành phần hồ sơ đề nghị thu hồi tài sản được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 22 Nghị định này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thu hồi tài sản.

c) Nội dung chủ yếu của Quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị gồm: Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có tài sản thu hồi; tên cơ quan được giao thực hiện quyết định thu hồi (là cơ quan quản lý đường sắt quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định này); danh mục tài sản thu hồi (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản); lý do thu hồi; trách nhiệm tổ chức thực hiện.

d) Căn cứ Quyết định thu hồi tài sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan được giao tổ chức thực hiện quyết định thu hồi thực hiện việc lập phương án xử lý tài sản thu hồi theo hình thức quy định tại khoản 3 Điều này để trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện xử lý tài sản theo phương án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời gian chờ xử lý tài sản thu hồi, doanh nghiệp có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ tài sản theo quy định.

Trong thời gian chờ xử lý tài sản thu hồi, doanh nghiệp có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bảo quản, bảo vệ tài sản theo quy định.

đ) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thực hiện kế toán giảm tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Nghị định này.

5. Trình tự, thủ tục thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị đối với trường hợp theo đề nghị của cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử phạt vi phạm hành chính hoặc cơ quan quản lý nhà nước khác:

a) Căn cứ đề nghị của cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử phạt vi phạm hành chính hoặc cơ quan quản lý nhà nước khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thu hồi tài sản.

b) Nội dung chủ yếu của Quyết định thu hồi, việc xử lý tài sản sau khi thu hồi và trách nhiệm của các cơ quan liên quan thực hiện theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 4 Điều này.

Điều 39. Điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị

1. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được điều chuyển trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Nghị định này.

2. Thẩm quyền quyết định điều chuyển:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị giữa trung ương và địa phương, giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

3. Trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị:

a) Khi có tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị cần điều chuyển, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản, trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Thành phần hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định điều chuyển tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị điều chuyển tài sản chưa phù hợp.

Trường hợp việc điều chuyển thuộc thẩm quyền quyết định Bộ trưởng Bộ Tài chính thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định điều chuyển tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị điều chuyển tài sản chưa phù hợp. Hồ sơ đề nghị gồm:

Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc đề nghị điều chuyển tài sản: 01 bản chính;

Ý kiến của các cơ quan có liên quan: 01 bản sao;

Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này: 01 bản sao.

c) Nội dung chủ yếu của Quyết định điều chuyển tài sản gồm: Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có tài sản điều chuyển; tên cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản điều chuyển; danh mục tài sản điều chuyển (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản); lý do điều chuyển; trách nhiệm tổ chức thực hiện.

d) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định điều chuyển tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị và cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản có trách nhiệm:

Tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Doanh nghiệp có tài sản điều chuyển có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo quản, bảo vệ tài sản đến khi hoàn thành việc bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận;

Thực hiện kế toán giảm, tăng tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Nghị định này.

đ) Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản chi trả theo quy định.

e) Không thực hiện thanh toán giá trị tài sản khi điều chuyển tài sản.

4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị có Quyết định thu hồi, sau đó được xử lý theo hình thức điều chuyển tài sản thì cơ quan được giao tổ chức thực hiện quyết định thu hồi có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản thu hồi (kèm theo văn bản đề nghị được tiếp nhận tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có), cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đó; danh mục tài sản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định này; hồ sơ liên quan đến tài sản), trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định. Trình tự thực hiện, nội dung quyết định điều chuyển tài sản, tổ chức thực hiện quyết định và nội dung khác thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này; trong đó, cơ quan được giao tổ chức thực hiện quyết định thu hồi thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp có tài sản điều chuyển.

Điều 40. Chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị về địa phương quản lý, xử lý

1. Việc chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị về địa phương quản lý, xử lý được thực hiện trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 24 Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thuộc phạm vi quản lý.

3. Việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý chỉ áp dụng trong trường hợp không tiếp tục sử dụng tài sản đó cho mục đích làm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

4. Trình tự, thủ tục chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị về địa phương quản lý, xử lý:

a) Khi có tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị cần chuyển giao, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị lập hồ sơ đề nghị chuyển giao tài sản, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Hồ sơ trình gồm:

Văn bản của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt về việc đề nghị chuyển giao tài sản: 01 bản chính;

Danh mục tài sản đề nghị chuyển giao (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản; lý do chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý): 01 bản chính;

Hồ sơ liên quan về lý do đề nghị chuyển giao tài sản (nếu có): 01 bản sao;

Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc chuyển giao tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị chuyển giao tài sản chưa phù hợp.

c) Nội dung chủ yếu của Quyết định chuyển giao tài sản gồm: Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có tài sản chuyển giao; tên cơ quan tiếp nhận tài sản chuyển giao (cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức phát triển quỹ đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện); danh mục tài sản chuyển giao (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng tài sản); lý do chuyển giao; trách nhiệm tổ chức thực hiện.

d) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định chuyển giao tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có tài sản chuyển giao (Bên giao) chủ trì, phối hợp với cơ quan tiếp nhận tài sản chuyển giao (Bên nhận) tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Bên giao thực hiện kế toán giảm tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Nghị định này.

đ) Doanh nghiệp có tài sản chuyển giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo quản, bảo vệ tài sản đến khi hoàn thành việc bàn giao tài sản cho cơ quan tiếp nhận.

Trường hợp quá thời hạn theo quy định mà doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị không bàn giao hoặc cơ quan chức năng của địa phương không tiếp nhận thì bên không bàn giao hoặc bên không tiếp nhận phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho việc quản lý, bảo quản, bảo vệ tài sản trong thời gian chậm bàn giao, chậm tiếp nhận và chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản bị huỷ hoại, mất hoặc hư hỏng; không sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán chi phí phát sinh trong trường hợp này.

e) Cơ quan tiếp nhận tài sản chuyển giao có trách nhiệm mở sổ theo dõi, hạch toán riêng, tính hao mòn đối với tài sản nhận chuyển giao từ thời điểm nhận chuyển giao đến khi hoàn thành việc xử lý tài sản theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản do cơ quan tiếp nhận tài sản chuyển giao chi trả.

g) Không thực hiện thanh toán giá trị tài sản khi chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý.

5. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị có Quyết định thu hồi, sau đó được xử lý theo hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý thì cơ quan được giao tổ chức thực hiện quyết định thu hồi có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản thu hồi (kèm theo hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này), trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý.

Trình tự thực hiện, nội dung Quyết định chuyển giao tài sản, tổ chức thực hiện quyết định và nội dung khác thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 4 Điều này; trong đó, cơ quan được giao tổ chức thực hiện quyết định thu hồi thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp có tài sản chuyển giao.

6. Sau khi thực hiện việc tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận tài sản chuyển giao căn cứ hồ sơ của từng trường hợp cụ thể để tham mưu hoặc đề nghị Cơ quan có trách nhiệm tham mưu, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định này.

Điều 41. Thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị

1. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được thanh lý trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 25 Nghị định này.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

3. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được thanh lý theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ công trình, hạng mục công trình đường sắt.

4. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị:

a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị lập hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản, trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này.

Thành phần hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 25 Nghị định này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định thanh lý tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý tài sản chưa phù hợp.

c) Nội dung chủ yếu của Quyết định thanh lý tài sản gồm: Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có tài sản thanh lý; danh mục tài sản thanh lý (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản); lý do thanh lý; hình thức thanh lý; trách nhiệm tổ chức thực hiện.

d) Căn cứ Quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị tổ chức thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ công trình, hạng mục công trình đường sắt và xử lý vật liệu, vật tư thu hồi. Việc xử lý vật liệu, vật tư thu hồi được thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều này.

5. Vật liệu, vật tư thu hồi từ việc phá dỡ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được xử lý theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 25 Nghị định này.

6. Giao vật liệu, vật tư thu hồi cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị để sử dụng vào công tác quản lý, bảo trì: Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có văn bản trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định giao vật liệu, vật tư thu hồi đưa vào sử dụng; trong trường hợp này, không thực hiện bố trí kinh phí quản lý, bảo trì đối với phần giá trị vật liệu, vật tư đưa vào sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì; trường hợp đã bố trí trong dự toán kinh phí quản lý, bảo trì thì giảm trừ vào dự toán kinh phí quản lý, bảo trì năm đó tương ứng với giá trị vật liệu, vật tư theo dự toán và giá trị hợp đồng bảo trì.

7. Điều chuyển vật liệu, vật tư thu hồi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác để quản lý, sử dụng:

a) Trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị và đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận vật liệu, vật tư thu hồi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển giữa địa phương và trung ương, giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.

b) Hồ sơ đề nghị điều chuyển vật liệu, vật tư thu hồi thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 25 Nghị định này.

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị điều chuyển vật liệu, vật tư thu hồi chưa phù hợp.

d) Trường hợp việc điều chuyển thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định điều chuyển hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị điều chuyển chưa phù hợp.

đ) Nội dung chủ yếu của Quyết định điều chuyển vật liệu, vật tư thu hồi gồm: Tên doanh nghiệp được giao quản lý tài sản có vật liệu, vật tư điều chuyển; tên cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận vật liệu, vật tư; danh mục vật liệu, vật tư điều chuyển (tên, chủng loại, số lượng, tình trạng); mục đích sử dụng sau khi tiếp nhận; trách nhiệm tổ chức thực hiện.

e) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định điều chuyển của cơ quan, người có thẩm quyền, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị và cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận có trách nhiệm tổ chức bàn giao, tiếp nhận vật liệu, vật tư điều chuyển; việc bàn giao, tiếp nhận vật liệu, vật tư điều chuyển được lập thành biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

8. Bán vật liệu, vật tư thu hồi không có nhu cầu sử dụng: Thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 25 Nghị định này.

9. Trường hợp thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị cũ để đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt mới hoặc để bảo đảm giao thông, hoàn trả mặt bằng theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt mà trong dự án đó có quy định về thanh lý tài sản thì việc thanh lý tài sản thực hiện theo dự án được duyệt; doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị không phải thực hiện trình tự, thủ tục thanh lý tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều này; việc xử lý vật liệu, vật tư thu hồi (nếu có) thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều này, trừ trường hợp giá trị vật liệu, vật tư thu hồi đã được tính trừ vào giá trị gói thầu của dự án.

10. Sau khi hoàn thành việc thanh lý tài sản, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thực hiện kế toán giảm tài sản, báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Điều 42. Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại

1. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị bị mất, bị hủy hoại trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các nguyên nhân khác.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý đối với tài sản kết đường sắt đô thị quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại:

a) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phát hiện tài sản bị mất, bị hủy hoại, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có trách nhiệm xác định nguyên nhân (lý do) tài sản bị mất, bị hủy hoại và trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, lập hồ sơ đề nghị xử lý tài sản bị mất, bị hủy hoại để trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định.

Thành phần hồ sơ đề nghị xử lý tài sản bị mất, bị hủy hoại được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định xử lý tài sản.

c) Nội dung chủ yếu của Quyết định xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 26 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 26 Nghị định này.

5. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho việc khắc phục hậu quả, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt để khôi phục hoạt động đường sắt an toàn, thông suốt.

Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị bị mất, bị hủy hoại được doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại thì số tiền bồi thường thiệt hại tài sản được quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định này, sau khi trừ chi phí có liên quan (nếu có), nộp ngân sách nhà nước theo quy định và được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công, dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng tài sản thay thế theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

Điều 43. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị

1. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị (bao gồm cả tiền bồi thường thiệt hại, nếu có) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan chuyên môn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định làm chủ tài khoản.

2. Chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị gồm các nội dung chi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 27 Nghị định này.

3. Mức chi: Thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 27 Nghị định này.

4. Căn cứ nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều này, mức chi quy định tại khoản 3 Điều này, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có trách nhiệm lập dự toán đối với các khoản chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản, trình chủ tài khoản tạm giữ quy định tại khoản 1 Điều này phê duyệt (thời hạn phê duyệt dự toán là 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt nộp dự toán).

5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc xử lý tài sản, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị thanh toán, gửi chủ tài khoản tạm giữ để chi trả chi phí xử lý tài sản hoặc có văn bản đề nghị gia hạn thời hạn thanh toán (văn bản nêu rõ lý do đề nghị gia hạn và thời hạn gia hạn nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày có văn bản đề nghị gia hạn) hoặc có văn bản xác nhận không phát sinh chi phí. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chậm gửi hồ sơ, văn bản và tính chính xác của khoản chi đề nghị thanh toán. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị về việc đề nghị thanh toán chi phí xử lý tài sản (trong đó nêu rõ tổng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản, tổng chi phí xử lý tài sản, thông tin về tài khoản tiếp nhận thanh toán) kèm theo dự toán chi được duyệt và bảng kê chi tiết các khoản chi: 01 bản chính.

b) Quyết định xử lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao.

c) Các hồ sơ, giấy tờ chứng minh cho các khoản chi như: Dự toán chi được duyệt; Hợp đồng thuê dịch vụ thẩm định giá, đấu giá, phá dỡ và các dịch vụ khác (nếu có); hóa đơn, phiếu thu tiền (nếu có): 01 bản sao.

6. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều này, chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm cấp tiền cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị để thực hiện chi trả các khoản chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

7. Định kỳ 6 tháng (chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12), chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp ngân sách địa phương đối với các khoản thu từ xử lý tài sản:

a) Đã hoàn thành việc thanh toán chi phí hoặc có văn bản xác nhận không phát sinh chi phí của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị.

b) Hoặc đã quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị nộp tiền vào tài khoản tạm giữ mà chủ tài khoản tạm giữ không nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí hoặc văn bản đề nghị gia hạn thời hạn thanh toán của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị.

8. Trường hợp không phát sinh nguồn thu từ xử lý tài sản hoặc số tiền thu được từ xử lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị tự bù đắp từ nguồn thu của doanh nghiệp và được hạch toán vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp.

9. Trường hợp phải chi trả các khoản chi phí thuê ngoài khi xử lý tài sản theo quy định trước khi chủ tài khoản tạm giữ cấp tiền thì doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị được ứng trước từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của doanh nghiệp.

Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

  • Số hiệu: 15/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/02/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH