Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Mục 2. GIAO QUẢN LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Điều 8. Phạm vi và hình thức giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị

1. Toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị hiện có (trừ các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị đã giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị quản lý thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

3. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước:

a) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng đó là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, chủ đầu tư, chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

b) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng đối tượng thụ hưởng đó không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thì xử lý như sau:

Nếu đối tượng thụ hưởng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì sau khi đối tượng thụ hưởng tiếp nhận tài sản, thực hiện việc điều chuyển tài sản từ đối tượng thụ hưởng sang Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị; việc điều chuyển được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Nếu đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thì đối tượng thụ hưởng thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.

c) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt không xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao hoặc điều chuyển tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị quản lý hoặc điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị được thực hiện theo quy định về xử lý tài sản là kết quả của dự án sử dụng vốn nhà nước tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do các đối tượng không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị quản lý mà đối tượng đang quản lý có nhu cầu điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp pháp luật có liên quan chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản thì được áp dụng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 39 Nghị định này để quyết định và thực hiện việc điều chuyển tài sản.

5. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị đã được điều chuyển về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 3, khoản 4 Điều này để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

6. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị sau khi giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều này và các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị quy định tại khoản 2, điểm a, điểm c khoản 3 Điều này được bàn giao, giao, điều chuyển cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có nhu cầu được giao tài sản theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì căn cứ quy định của pháp luật về đường sắt, khả năng quản lý, khai thác tài sản của mình, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị xây dựng Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ tại doanh nghiệp bằng giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ tại doanh nghiệp phải xác định cụ thể danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (chuyển từ hình thức giao không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

7. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị quy định tại khoản 2, điểm a, điểm c khoản 3 Điều này bàn giao, giao, điều chuyển cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được chuyển từ hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại khoản 6 Điều này thì việc quản lý, sử dụng và khai thác được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định này.

Điều 9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 8 Nghị định này

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thuộc phạm vi quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Căn cứ vào hồ sơ kế toán, hồ sơ điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thực tế quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, tạm quản lý (bao gồm cả trường hợp tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo quy định mà không phải thực hiện việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản); trên cơ sở đó, thực hiện phân loại như sau:

a) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị đã có văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị quản lý thì doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị tiếp tục quản lý theo quy định tại Nghị định này.

b) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị đang quản lý nhưng chưa có văn bản giao tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền.

c) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị tạm giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị quản lý.

d) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị đã giao, tạm giao cho đối tượng khác (không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị) quản lý.

đ) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được điều chuyển về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định này.

3. Căn cứ kết quả rà soát, thống kê, phân loại theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý đường sắt đô thị lập hồ sơ đề nghị giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều này cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản của cơ quan quản lý đường sắt đô thị về việc đề nghị giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp: 01 bản chính.

b) Ý kiến bằng văn bản về việc giao tài sản của: Cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, tạm quản lý tài sản và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đó; doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị được đề nghị giao quản lý tài sản: 01 bản chính.

c) Danh mục tài sản đề nghị giao (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản; tên tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, tạm quản lý tài sản) do cơ quan quản lý đường sắt đô thị chủ trì lập: 01 bản chính.

d) Hồ sơ pháp lý về tài sản (Quyết định giao, điều chuyển tài sản, Biên bản giao, tiếp nhận tài sản hoặc các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh quyền quản lý, sử dụng, tạm quản lý tài sản - nếu có): 01 bản sao.

đ) Giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị giao tài sản chưa phù hợp.

5. Nội dung chủ yếu của Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị gồm:

a) Tên doanh nghiệp được giao quản lý tài sản đường sắt đô thị.

b) Danh mục tài sản giao (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản; cơ quan, tên tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, tạm quản lý tài sản).

c) Hình thức giao tài sản: Không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

6. Căn cứ Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị của cơ quan, người có thẩm quyền:

a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan đối với tài sản quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này; không phải thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản như quy định tại điểm b khoản này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định giao quản lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, tạm quản lý (Bên giao) thực hiện bàn giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị (Bên nhận) đối với tài sản quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều này; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Sau khi tiếp nhận tài sản, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan.

7. Kinh phí tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê, phân loại và giao quản lý tài sản được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị lập hồ sơ đề nghị chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hồ sơ trình gồm:

a) Văn bản của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị về việc đề nghị chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (kèm theo bản sao Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ tại doanh nghiệp bằng giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp): 01 bản chính.

b) Danh mục tài sản (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; giá trị tài sản được xác định, quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều này; tình trạng sử dụng của tài sản): 01 bản chính.

c) Hồ sơ pháp lý về tài sản (Quyết định giao, điều chuyển tài sản, Biên bản giao, tiếp nhận tài sản hoặc các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh quyền quản lý, sử dụng tài sản): 01 bản sao.

d) Giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

3. Xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị làm căn cứ xác định giá trị phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị:

a) Trường hợp tài sản được mua sắm, đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng trong vòng 03 năm, tính đến ngày lập hồ sơ đề nghị chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị xác định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị làm căn cứ xác định giá trị phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là giá trị còn lại của tài sản trên sổ kế toán. Trường hợp tài sản chưa được theo dõi trên sổ kế toán hoặc đã được theo dõi trên sổ kế toán nhưng chưa tính hao mòn hoặc đã tính hao mòn nhưng chưa phù hợp với quy định thì doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị phải xác định lại giá trị còn lại đến ngày lập hồ sơ theo đúng quy định làm căn cứ xác định phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

b) Các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này:

Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị lựa chọn thuê doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật để thẩm định giá đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được đề xuất chuyển hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Căn cứ danh mục và tình trạng tài sản dự kiến chuyển hình thức giao, căn cứ kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị làm căn cứ xác định giá trị phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Chi phí thuê doanh nghiệp thẩm định giá được tính vào chi phí của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển từ hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị chuyển hình thức giao tài sản chưa phù hợp.

5. Nội dung chủ yếu của Quyết định chuyển từ hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm:

a) Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có tài sản được chuyển hình thức giao tài sản.

b) Danh mục tài sản được chuyển hình thức (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; tình trạng sử dụng của tài sản).

c) Giá trị tài sản tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý đường sắt đô thị được xác định, quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều này.

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

6. Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc chuyển từ hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị thực hiện việc điều chỉnh danh mục tài sản (gồm: Danh mục tài sản giao theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và danh mục tài sản giao theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp), kế toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán.

7. Việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị sau khi chuyển từ hình thức giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định này.

Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

  • Số hiệu: 15/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/02/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH