Mục 3 Chương 3 Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Mục 3. KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA
Điều 15. Phương thức khai thác và nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Phương thức khai thác:
a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác tài sản quy định tại khoản 4 Điều 3, Điều 16 Nghị định này.
b) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại khoản 5 Điều 3, Điều 17 Nghị định này.
c) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại khoản 6 Điều 3, Điều 18 Nghị định này.
2. Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt gồm:
a) Phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
b) Tiền thu từ cung cấp dịch vụ sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
c) Tiền thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
d) Các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, trường hợp xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, công trình cấp, thoát nước trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thì việc xây dựng, lắp đặt các công trình này trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan; không phải lập, phê duyệt Đề án khai thác và thực hiện khai thác theo quy định tại Nghị định này. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho phép xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, công trình cấp, thoát nước trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này.
4. Trường hợp nhượng quyền để kinh doanh, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) thì trong thời gian thực hiện hợp đồng, việc nhượng quyền để kinh doanh, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; không phải lập, phê duyệt Đề án khai thác tài sản và thực hiện việc khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Điều 16. Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt trực tiếp tổ chức khai thác tài sản
1. Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác tài sản trong các trường hợp sau:
a) Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
b) Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không thuộc phạm vi điểm a khoản này, không phát sinh nguồn thu hoặc có phát sinh nguồn thu nhưng không thực hiện phương thức cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác.
2. Việc khai thác tài sản trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải được lập Đề án khai thác tài sản, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều này trước khi thực hiện khai thác. Việc khai thác tài sản trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này không phải lập, phê duyệt Đề án khai thác tài sản.
3. Lập, phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
b) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia lập Đề án khai thác tài sản, trình Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ trình gồm:
Văn bản của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt về việc đề nghị phê duyệt Đề án: 01 bản chính;
Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp quản lý đường sắt lập theo Mẫu số 02A tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;
Ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có): 01 bản sao;
Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.
c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Bộ Giao thông vận tải có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, lập hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án. Hồ sơ trình gồm:
Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị phê duyệt Đề án khai thác tài sản kèm theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án: 01 bản chính;
Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt lập theo Mẫu số 02A tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này sau khi được hoàn thiện: 01 bản chính;
Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan (do Bộ Giao thông vận tải lập): 01 bản chính;
Ý kiến của các cơ quan có liên quan: 01 bản sao;
Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.
d) Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc có văn bản chỉ đạo trong trường hợp Đề án chưa phù hợp.
đ) Nội dung chủ yếu của Quyết định phê duyệt Đề án khai thác tài sản gồm:
Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia;
Danh mục tài sản khai thác (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản);
Phương thức khai thác: Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt trực tiếp tổ chức khai thác;
Thời hạn khai thác tài sản (nếu có);
Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt, cơ quan quản lý đường sắt;
Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt;
Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản;
Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
4. Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác tài sản thông qua việc cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và các dịch vụ khác cho các tổ chức, cá nhân, gồm:
a) Dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt.
b) Dịch vụ bảo quản hàng hoá, lưu kho, lưu bãi.
c) Dịch vụ phòng chờ, lưu trú công vụ.
d) Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, khám, chỉnh bị phương tiện, trang thiết bị vận tải đường sắt.
đ) Dịch vụ khai thác vị trí, địa điểm thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt.
e) Dịch vụ khai thác kết cấu hạ tầng thông tin tín hiệu, viễn thông đường sắt.
g) Dịch vụ khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao.
h) Các dịch vụ khác liên quan đến khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.
5. Xác định giá cung cấp các dịch vụ quy định tại khoản 4 Điều này:
a) Đối với dịch vụ quy định tại khoản 4 Điều này thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
b) Đối với dịch vụ quy định tại khoản 4 Điều này không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia xem xét, áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ, trình Hội đồng thành viên của doanh nghiệp phê duyệt và thực hiện công khai theo quy định của pháp luật về giá.
6. Hội đồng thành viên của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm ban hành quy chế cung cấp các dịch vụ quy định tại khoản 4 Điều này để thực hiện thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
7. Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, bổ sung công năng cho tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bằng nguồn vốn của doanh nghiệp theo quy định để phục vụ mục đích quản lý, khai thác tài sản tốt hơn mà không làm ảnh hưởng đến hình thức giao quản lý tài sản, mục đích sử dụng của tài sản.
8. Trong quá trình khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trường hợp phát sinh vật liệu, vật tư thu hồi thì việc xử lý vật liệu, vật tư thu hồi được thực hiện theo quy định về xử lý vật liệu, vật tư thu hồi từ thanh lý tài sản tại Nghị định này.
Điều 17. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không áp dụng đối với:
a) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
b) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã có dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản được xác định phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng đường sắt theo Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này phê duyệt.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
4. Lập, phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt:
a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia lập Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ đề nghị gồm:
Văn bản của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt về việc đề nghị phê duyệt Đề án: 01 bản chính;
Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản do doanh nghiệp quản lý đường sắt lập theo Mẫu số 02B tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;
Ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có): 01 bản sao;
Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp Đề án chưa phù hợp.
5. Nội dung chủ yếu của Quyết định phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản gồm:
a) Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt.
b) Danh mục tài sản cho thuê quyền khai thác (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (chiều dài, diện tích, khối lượng,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản).
c) Thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản.
d) Phương thức thực hiện cho thuê quyền khai thác tài sản: Đấu giá.
đ) Điều kiện của tổ chức tham gia đấu giá thuê quyền khai thác tài sản.
e) Hình thức thanh toán tiền cho thuê quyền khai thác tài sản (trả tiền thuê hằng năm hoặc trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê).
g) Thời hạn thanh toán tiền cho thuê quyền khai thác tài sản.
h) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác tài sản.
i) Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt, cơ quan quản lý đường sắt.
k) Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt.
l) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
6. Căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt của cơ quan, người có thẩm quyền:
a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia tổ chức thực hiện xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản là tổng số tiền thuê quyền khai thác tài sản theo quy định tại Điều 19 Nghị định này được tính cho toàn bộ thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản.
b) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia tổ chức thực hiện việc đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; thực hiện đầy đủ việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá và các quyền, nghĩa vụ khác của người có tài sản đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
c) Ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản (trừ trường hợp việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là các công trình hạ tầng kỹ thuật (như đường dây, cáp, đường ống), biển quảng cáo được xây dựng, lắp đặt trên kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn đường sắt phù hợp với quy định của pháp luật về đường sắt), tổ chức tham gia đấu giá thuê quyền khai thác tài sản còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
Có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề kinh doanh theo Quyết định thành lập, Quyết định về tổ chức và hoạt động, Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức hoặc Giấy Đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phù hợp với việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc danh mục cho thuê quyền khai thác;
Có năng lực kinh nghiệm quản lý, khai thác công trình đường sắt tương tự tối thiểu 02 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá;
Có năng lực tài chính được thể hiện thông qua chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế tối thiểu 02 năm liền kề theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán (đối với doanh nghiệp), theo Báo cáo quyết toán đã được thẩm định, xét duyệt (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định. Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt có trách nhiệm xác định cụ thể chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận trước thuế để đưa vào Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
7. Ký hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và phụ lục hợp đồng (nếu có). Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin của Bên cho thuê quyền khai thác tài sản (doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia).
b) Thông tin của Bên thuê quyền khai thác tài sản (tổ chức trúng đấu giá).
c) Danh mục tài sản cho thuê quyền khai thác (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng, khối lượng, chiều dài, diện tích, khối lượng,..); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản).
d) Thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản.
đ) Doanh thu khai thác tài sản từng năm trong thời hạn cho thuê trong phương án giá khởi điểm để đấu giá (sau đây gọi là doanh thu đối chiếu).
e) Tiền thuê phải trả.
g) Hình thức thanh toán tiền cho thuê quyền khai thác tài sản; thời hạn thanh toán tiền cho thuê quyền khai thác tài sản.
Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản theo hình thức trả tiền thuê hằng năm thì thanh toán mỗi năm 01 lần chậm nhất là ngày 31 tháng 3 của năm sau. Bên thuê căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định này để xác định và nộp tiền thuê hằng năm; trường hợp tại thời điểm nộp tiền thuê hằng năm mà Báo cáo tài chính chưa được kiểm toán (đối với doanh nghiệp) hoặc Báo cáo quyết toán chưa được xét duyệt, thẩm định (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định thì Bên thuê thực hiện tạm nộp trên cơ sở doanh thu quyết toán của Bên thuê; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính được kiểm toán (đối với doanh nghiệp) hoặc Báo cáo quyết toán được xét duyệt, thẩm định (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định, Bên thuê có trách nhiệm nộp bổ sung (trong trường hợp số tạm nộp nhỏ hơn số tiền phải nộp), được giảm trừ số tiền nộp (trong trường hợp số tạm nộp lớn hơn số tiền phải nộp) vào tiền thuê phải nộp của năm sau. Trường hợp năm đầu tiên và năm cuối cùng không đủ 12 tháng thì tiền cho thuê quyền khai thác tài sản của năm đầu tiên và năm cuối cùng tính theo số tháng thuê theo hợp đồng của năm đó; trường hợp kết thúc thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản mà Báo cáo tài chính của năm cuối cùng chưa được kiểm toán (đối với doanh nghiệp) hoặc Báo cáo quyết toán chưa được xét duyệt, thẩm định (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định thì số tiền thanh toán của năm cuối cùng tính trên cơ sở doanh thu thực tế do Bên thuê và Bên cho thuê xác định nhưng không thấp hơn số tiền thuê theo thời gian tương ứng của năm trước năm cuối cùng.
Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản theo hình thức trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê thì tiền thuê được thanh toán tối đa 02 lần trong vòng 90 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, trong đó lần 1 thanh toán tối thiểu 50% số tiền thuê trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng; trường hợp số tiền thuê trên 1.000 tỷ đồng thì được thanh toán tối đa 03 lần trong vòng 12 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng, trong đó lần 1 thanh toán tối thiểu 40% số tiền thuê trong vòng 60 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, lần 2 thanh toán tối thiểu 30% số tiền thuê trong vòng 120 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
h) Tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện hợp đồng (ngoài giá trị tiền thuê theo hợp đồng): Mức tiền ký quỹ do Bên thuê quyền khai thác tài sản gửi vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng. Thời hạn gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa là 15 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian ký quỹ tương ứng với thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản. Tiền ký quỹ được xác định bằng 5% tiền thuê của toàn bộ thời hạn cho thuê theo giá trúng đấu giá.
Trường hợp tại thời điểm kết thúc thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản mà Bên thuê chưa hoàn thành nghĩa vụ (thanh toán tiền thuê quyền khai thác tài sản, vi phạm hợp đồng liên quan đến bàn giao lại tài sản cho Bên cho thuê) thì số tiền ký quỹ được sử dụng để trừ vào nghĩa vụ mà Bên thuê phải trả cho các nghĩa vụ chưa hoàn thành, phần còn thừa (nếu có) được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
i) Trách nhiệm, yêu cầu kỹ thuật bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cho thuê và các nội dung cần thiết khác liên quan đến công tác bảo trì.
k) Thời hạn Bên cho thuê bàn giao quyền khai thác tài sản cho Bên thuê; thời hạn Bên thuê bàn giao lại quyền khai thác tài sản cho Bên cho thuê.
l) Xử lý trường hợp doanh thu khai thác thực tế có biến động lớn so với doanh thu đối chiếu trong trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản theo hình thức trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê:
Hằng năm, trường hợp doanh thu thực tế từ việc khai thác tài sản nhận thuê theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán (đối với doanh nghiệp) hoặc Báo cáo quyết toán được xét duyệt, thẩm định (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định lớn hơn so với mức doanh thu đối chiếu từ 125% trở lên thì Bên thuê quyền khai thác tài sản phải nộp bổ sung 50% phần doanh thu tăng thêm trên 125% vào tài khoản tạm giữ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định này; trong đó, doanh thu đối chiếu là doanh thu khai thác tài sản của năm tương ứng của thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản trong phương án giá khởi điểm để đấu giá.
Bên cho thuê và Bên thuê có trách nhiệm căn cứ Báo cáo tài chính đã được kiểm toán (đối với doanh nghiệp) hoặc Báo cáo quyết toán được xét duyệt, thẩm định (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định để xác định số tiền Bên thuê phải nộp bổ sung (nếu có) vào tài khoản tạm giữ, trên cơ sở đó, Bên cho thuê có văn bản thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản, chủ tài khoản tạm giữ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định này và Bên thuê để theo dõi, thực hiện thu, nộp, quản lý số tiền. Thời hạn xác định, thông báo và nộp tiền vào tài khoản tạm giữ tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bên cho thuê và chậm nhất là ngày 31 tháng 10 của năm sau liền kề với năm phát sinh doanh thu tăng thêm phải nộp bổ sung; riêng năm cuối cùng nộp tiền vào tài khoản tạm giữ trước khi thanh lý hợp đồng.
m) Điều kiện chấm dứt hợp đồng.
n) Quyền và nghĩa vụ của các bên.
o) Xử lý vi phạm hợp đồng, xử lý tranh chấp hợp đồng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.
p) Xử lý trường hợp trong thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản theo hợp đồng mà phát sinh việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản theo dự án sử dụng vốn nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và phụ lục hợp đồng (nếu có) được gửi cho chủ tài khoản tạm giữ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định này để theo dõi, quản lý số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác tài sản.
8. Quyền của Bên thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt:
a) Tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết.
b) Quyết định phương thức, biện pháp khai thác tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đường sắt và hợp đồng ký kết.
c) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
d) Được thu phí sử dụng đường sắt, thu tiền cung cấp dịch vụ sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và các khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
đ) Được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, bổ sung công năng cho tài sản nhận thuê quyền khai thác bằng nguồn kinh phí của Bên thuê để phục vụ mục đích quản lý, khai thác, nếu được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này chấp thuận. Sau khi kết thúc hợp đồng (kể cả trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn), Bên thuê phải chuyển giao nguyên trạng tài sản bao gồm cả hạng mục công trình đã được cải tạo, nâng cấp, bổ sung công năng (nếu có) lại cho Bên cho thuê và không được bồi hoàn.
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
9. Nghĩa vụ của Bên thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt:
a) Bảo vệ tài sản nhận thuê quyền khai thác (bao gồm cả đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt); không để bị lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép tài sản và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xảy ra sự cố công trình, Bên thuê quyền khai thác tài sản có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Bên cho thuê để thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan.
b) Sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, nhiệm vụ của tài sản; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp hoặc thực hiện biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự khác.
c) Thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo hợp đồng ký kết và quy định của pháp luật.
d) Thanh toán tiền thuê quyền khai thác tài sản (bao gồm cả khoản tiền nộp bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 7 Điều này) đầy đủ, đúng hạn theo quy định; trường hợp quá thời hạn thanh toán theo quy định mà Bên thuê quyền khai thác chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ thì phải nộp phạt hợp đồng; mức nộp phạt tương đương với mức tiền chậm nộp xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
đ) Hằng năm, báo cáo doanh thu từ việc khai thác tài sản nhận thuê quyền khai thác kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán (đối với doanh nghiệp) hoặc Báo cáo quyết toán được xét duyệt, thẩm định (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định, gửi Bên cho thuê quyền khai thác tài sản.
e) Chịu sự kiểm tra, giám sát của Bên cho thuê quyền khai thác tài sản; cùng Bên cho thuê giải quyết các vướng mắc phát sinh (nếu có).
g) Giao lại tài sản khi kết thúc thời hạn thuê quyền khai thác tài sản và các trường hợp quy định tại khoản 14, khoản 15 Điều này.
h) Định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của hợp đồng ký kết phải thông báo cho Bên cho thuê quyền khai thác tài sản về tình trạng của tài sản, bảo đảm hoạt động giao thông đường sắt được an toàn, thông suốt.
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
10. Cơ quan quản lý đường sắt quốc gia, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; kịp thời xử lý các vi phạm, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
11. Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác tài sản được quản lý, sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định này.
12. Khi kết thúc thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo hợp đồng, Bên thuê quyền khai thác tài sản có trách nhiệm:
a) Chuyển giao lại quyền khai thác tài sản cho Bên cho thuê kể từ ngày kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, kể cả trường hợp chưa hoàn thành việc thanh lý hợp đồng, chưa bàn giao lại tài sản cho Bên cho thuê.
b) Phối hợp với Bên cho thuê thực hiện kiểm kê, xác định tình trạng sử dụng của tài sản; việc kiểm kê, xác định tình trạng sử dụng của tài sản phải được lập thành biên bản.
c) Thực hiện việc khắc phục các hư hại (nếu có) của tài sản.
d) Phối hợp với Bên cho thuê thực hiện việc thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật sau khi hoàn thành khắc phục các hư hại (nếu có) của tài sản, hoàn thành việc thanh toán tiền thuê quyền khai thác tài sản và Bên thuê có văn bản cam kết tài sản không trong tình trạng cầm cố, thế chấp hoặc thực hiện các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ nợ khác.
đ) Thực hiện bàn giao lại tài sản cho Bên cho thuê.
e) Nhận lại số tiền ký quỹ quy định tại điểm h khoản 7 Điều này. Trường hợp tại thời điểm kết thúc thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản mà Bên thuê chưa hoàn thành việc thanh toán tiền thuê quyền khai thác tài sản thì số tiền ký quỹ được sử dụng để trừ vào nghĩa vụ mà Bên thuê phải thanh toán, phần còn thừa (nếu có) được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
13. Khi kết thúc thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo hợp đồng, Bên cho thuê có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này kể từ thời điểm Bên thuê chuyển giao lại quyền khai thác tài sản theo quy định tại khoản 14 Điều này.
b) Thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Nghị định này kể từ thời điểm Bên thuê chuyển giao lại quyền khai thác tài sản theo quy định tại điểm a khoản này (trừ thời gian Bên thuê phải khắc phục các hư hại của tài sản theo quy định).
14. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc Nhà nước thu hồi đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa hết thời hạn cho thuê quyền khai thác theo hợp đồng thì các bên thực hiện chấm dứt hợp đồng trước hạn. Bên thuê được hoàn trả phần giá trị tương ứng với số tiền thuê quyền khai thác đã trả cho thời gian còn lại (nếu có) theo hợp đồng và số tiền ký quỹ quy định tại điểm h khoản 7 Điều này; việc xác định phần giá trị tương ứng hoàn trả cho Bên thuê (nếu có) do Bên cho thuê chủ trì, phối hợp với Bên thuê xác định, trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này quyết định hoàn trả; số tiền hoàn trả được bố trí vào dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước của Bên cho thuê hoặc cơ quan quản lý đường sắt quốc gia để thực hiện; trình tự, thủ tục hoàn trả thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều này.
15. Việc xử lý vi phạm hợp đồng, tranh chấp hợp đồng thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn do vi phạm, tranh chấp hợp đồng thì các nội dung xử lý về tiếp nhận quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, xử lý việc hoàn trả tiền thuê khai thác đã thanh toán, tiền ký quỹ (nếu có) khi chấm dứt hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 13, khoản 14 Điều này.
16. Trường hợp trong thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản theo hợp đồng mà phát sinh việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản theo dự án sử dụng vốn nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan. Bên thuê được hoàn trả phân giá trị tương ứng với số tiền thuê quyền khai thác đã trả theo hợp đồng (hoặc không phải thanh toán tiền thuê quyền khai thác hằng năm) do không phát sinh nguồn thu trong thời gian nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản theo dự án hoặc kéo dài thời gian của hợp đồng tương ứng với thời gian phải bàn giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt để thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản; việc xác định phần giá trị hoàn trả cho Bên thuê (nếu có) hoặc kéo dài thời gian của hợp đồng tương ứng do Bên cho thuê chủ trì, phối hợp với Bên thuê xác định, trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này quyết định; trường hợp thực hiện hoàn trả thì số tiền hoàn trả được bố trí vào dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước của cơ quan quản lý đường sắt quốc gia để thực hiện hoàn trả; trình tự, thủ tục hoàn trả thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại khoản 13, khoản 14 Điều này.
Điều 18. Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
2. Thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng đường sắt được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
4. Việc lập, phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định này. Riêng Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được lập theo Mẫu số 02C tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Nội dung chủ yếu của Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản gồm:
a) Tên doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt.
b) Danh mục tài sản chuyển nhượng quyền khai thác (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng, khối lượng, chiều dài, diện tích,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản).
c) Nội dung cơ bản của dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
d) Thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác tài sản.
đ) Phương thức thực hiện chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản: Đấu giá.
e) Điều kiện của doanh nghiệp tham gia đấu giá nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
g) Phương thức, thời hạn thanh toán tiền chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
h) Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt, cơ quan quản lý đường sắt.
i) Quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt.
k) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
6. Căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt của cơ quan, người có thẩm quyền:
a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt tổ chức thực hiện xác định giá khởi điểm chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
b) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt tổ chức đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; thực hiện đầy đủ việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá và các quyền, nghĩa vụ khác của người có tài sản đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
c) Doanh nghiệp tham gia đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và các điều kiện sau:
Có ngành nghề kinh doanh theo Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phù hợp với việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc danh mục chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản;
Có năng lực kinh nghiệm quản lý, khai thác công trình đường sắt tương tự tối thiểu 02 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá;
Có năng lực tài chính được thể hiện thông qua chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế tối thiểu 02 năm liền kề theo Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán theo quy định. Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt có trách nhiệm xác định cụ thể chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận trước thuế để đưa vào Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư của dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
7. Ký hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và phụ lục hợp đồng (nếu có). Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Thông tin của Bên chuyển nhượng quyền khai thác tài sản (doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia).
b) Thông tin của Bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản (doanh nghiệp trúng đấu giá).
c) Danh mục tài sản chuyển nhượng quyền khai thác (tên tài sản, tên tuyến, địa chỉ, năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng, khối lượng, chiều dài, diện tích,...); nguyên giá, giá trị còn lại; tình trạng sử dụng của tài sản).
d) Thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác tài sản.
đ) Doanh thu khai thác tài sản trong phương án giá khởi điểm để đấu giá (sau đây gọi là doanh thu đối chiếu).
e) Giá trị hợp đồng (theo giá trúng đấu giá).
g) Thời hạn thanh toán tiền chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản (giá trị chuyển nhượng):
Giá trị chuyển nhượng được thanh toán tối đa 02 lần trong vòng 90 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, trong đó lần 1 thanh toán tối thiểu 50% giá trị chuyển nhượng trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng; trường hợp giá trị chuyển nhượng trên 1.000 tỷ đồng thì được thanh toán tối đa 03 lần trong vòng 12 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng, trong đó lần 1 thanh toán tối thiểu 40% giá trị chuyển nhượng trong vòng 60 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, lần 2 thanh toán tối thiểu 30% giá trị chuyển nhượng trong vòng 120 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
h) Tiền ký quỹ để bảo đảm thực hiện hợp đồng (ngoài giá trị tiền thuê theo hợp đồng): Mức tiền ký quỹ bằng 5% tổng giá trị chuyển nhượng do Bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản gửi vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng. Thời hạn gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa là 15 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian ký quỹ tương ứng với thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản.
Trường hợp tại thời điểm chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản mà Bên nhận chuyển nhượng chưa hoàn thành nghĩa vụ (thanh toán tiền nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản, vi phạm hợp đồng liên quan đến bàn giao lại quyền khai thác tài sản cho Bên chuyển nhượng) thì số tiền ký quỹ được sử dụng để trừ vào nghĩa vụ mà Bên nhận chuyển nhượng phải trả cho các nghĩa vụ chưa hoàn thành nêu trên, phần còn thừa (nếu có) được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
i) Trách nhiệm đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; trách nhiệm, yêu cầu kỹ thuật quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt nhận chuyển nhượng và các nội dung cần thiết khác liên quan đến công tác bảo trì.
k) Thời hạn Bên chuyển nhượng bàn giao quyền khai thác tài sản cho Bên nhận chuyển nhượng; thời hạn Bên nhận chuyển nhượng bàn giao lại quyền khai thác tài sản cho Bên chuyển nhượng.
l) Xử lý trường hợp doanh thu khai thác thực tế có biến động lớn so với doanh thu đối chiếu:
Hằng năm, trường hợp doanh thu thực tế từ việc khai thác tài sản nhận chuyển nhượng quyền khai thác (của Bên nhận chuyển nhượng theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định) lớn hơn so với mức doanh thu đối chiếu từ 125% trở lên thì Bên nhận chuyển nhượng phải nộp bổ sung 50% phần doanh thu tăng thêm trên 125% vào tài khoản tạm giữ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định này; trong đó, doanh thu đối chiếu là doanh thu của năm tương ứng trong phương án giá khởi điểm để đấu giá.
Bên chuyển nhượng và Bên nhận chuyển nhượng quyền khai thác có trách nhiệm căn cứ Báo cáo tài chính đã được kiểm toán để xác định số tiền Bên nhận chuyển nhượng phải nộp bổ sung (nếu có) vào tài khoản tạm giữ, trên cơ sở đó Bên chuyển nhượng có văn bản thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản quy định tại khoản 3 Điều này, chủ tài khoản tạm giữ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định này và Bên nhận chuyển nhượng để theo dõi, thực hiện thu, nộp, quản lý số tiền. Thời hạn xác định, thông báo và nộp tiền vào tài khoản tạm giữ tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bên chuyển nhượng và chậm nhất là ngày 31 tháng 10 của năm sau liền kề với năm phát sinh doanh thu tăng thêm phải nộp bổ sung; riêng năm cuối cùng nộp tiền vào tài khoản tạm giữ trước khi thanh lý hợp đồng.
m) Điều kiện chấm dứt hợp đồng.
n) Quyền và nghĩa vụ của các bên.
o) Xử lý vi phạm hợp đồng, xử lý tranh chấp hợp đồng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia ký kết và phụ lục hợp đồng ký kết (nếu có) được gửi cho chủ tài khoản tạm giữ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định này để theo dõi, quản lý số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền khai thác tài sản.
8. Quyền của Bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
b) Quyết định phương thức, biện pháp khai thác tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đường sắt và hợp đồng ký kết.
c) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
d) Được hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
đ) Được thế chấp phần tài sản do Bên nhận chuyển nhượng đầu tư và quyền khai thác tài sản của thời gian còn lại cho bên cho vay theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.
e) Được thu phí sử dụng đường sắt, thu tiền cung cấp dịch vụ sử dụng đường sắt và các dịch vụ khác có liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
9. Nghĩa vụ của Bên nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Bảo vệ tài sản nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác (bao gồm cả đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt); không để bị lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép tài sản và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xảy ra sự cố công trình, Bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Bên chuyển nhượng để thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan.
b) Sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, nhiệm vụ của công trình; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn bằng tài sản nhận chuyển nhượng quyền khai thác.
c) Thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
d) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h và i khoản 9 Điều 17 Nghị định này.
10. Cơ quan quản lý đường sắt quốc gia, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; kịp thời xử lý các vi phạm, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
11. Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản được quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.
12. Khi kết thúc thời hạn chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản theo hợp đồng:
a) Bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 12 Điều 17 Nghị định này.
b) Bên chuyển nhượng có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 17 Nghị định này.
13. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc Nhà nước thu hồi đất gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa hết thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác theo hợp đồng thì các bên thực hiện chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Căn cứ tiến độ thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, thực tế việc hoàn thành dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản, thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác còn lại theo hợp đồng, Bên nhận chuyển nhượng được hoàn trả phần giá trị tương ứng với số tiền chuyển nhượng quyền khai thác đã nộp cho thời gian còn lại (nếu có) theo hợp đồng và số tiền ký quỹ quy định tại điểm h khoản 7 Điều này; việc xác định phần giá trị tương ứng hoàn trả cho Bên nhận chuyển nhượng (nếu có) do Bên chuyển nhượng chủ trì, phối hợp với Bên nhận chuyển nhượng xác định, trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này quyết định; số tiền hoàn trả được bố trí vào dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước của cơ quan quản lý đường sắt quốc gia để thực hiện hoàn trả; trình tự, thủ tục hoàn trả thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại khoản 12 Điều này.
14. Việc xử lý vi phạm hợp đồng, xử lý tranh chấp hợp đồng thực hiện theo hợp đồng, pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn do vi phạm, tranh chấp hợp đồng thì các nội dung xử lý khi chấm dứt hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 12 Điều này.
Điều 19. Giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là khoản tiền tổ chức, doanh nghiệp thuê quyền khai thác tài sản, nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản phải trả cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia theo giá trúng đấu giá để được quyền khai thác tài sản theo hợp đồng ký kết.
Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản theo hình thức trả tiền thuê hằng năm, giá cho thuê của 01 năm được xác định như sau:
Giá cho thuê quyền khai thác tài sản năm (n) | = | Tỷ lệ (%) giá cho thuê | x | Doanh thu thực tế năm (n) |
Trong đó:
Tỷ lệ (%) giá cho thuê | = | Tổng giá trúng đấu giá | x | 100% |
Tổng doanh thu ước tính cho cả thời hạn cho thuê trong phương án giá khởi điểm |
Doanh thu thực tế năm (n) của Bên thuê được xác định theo Báo cáo tài chính được kiểm toán (đối với doanh nghiệp) hoặc Báo cáo quyết toán đã được xét duyệt, thẩm định (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định.
2. Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là giá ban đầu thấp nhất khi đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản. Cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản là cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá.
3. Căn cứ xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Đối với hoạt động vận tải đường sắt (trừ tài sản là ga), giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản được xác định căn cứ các yếu tố: Giá khởi điểm bình quân cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là 8% tính trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, chiều dài hành trình; lợi thế của tuyến khai thác và các yếu tố khác tác động đến khả năng khai thác của tài sản trong thời gian cho thuê.
b) Đối với kết cấu hạ tầng đường sắt là ga, cơ sở dịch vụ, kho bãi, nhà, xưởng và các công trình phụ trợ riêng lẻ thì giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản được xác định căn cứ vào:
Giá cho thuê quyền khai thác tài sản trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, công năng sử dụng tại thời điểm xác định (nếu có);
Doanh thu ước tính, chi phí ước tính từ việc khai thác tài sản trong thời gian cho thuê quyền khai thác tài sản;
Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc kết quả xác định giá của Hội đồng thẩm định giá quy định tại khoản 5 Điều này. Việc sử dụng Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
4. Căn cứ xác định giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Giá trị đầu tư bổ sung theo dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, giá trị đầu tư bổ sung là phần giá trị do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản có trách nhiệm thực hiện bằng nguồn vốn của mình theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
b) Doanh thu ước tính, chi phí ước tính từ việc khai thác tài sản trong thời gian chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
c) Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc kết quả xác định giá của Hội đồng thẩm định giá quy định tại khoản 5 Điều này. Việc sử dụng Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
5. Xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thẩm định giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản. Việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá khởi điểm cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật về giá thì thành phần Hội đồng thẩm định giá gồm: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch; các thành viên khác gồm: Đại diện các bộ phận chuyên môn liên quan của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia; đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải cử; đại diện các cơ quan khác (nếu cần).
b) Trên cơ sở các căn cứ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm xác định giá khởi điểm cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá. Hồ sơ trình gồm:
Văn bản của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia về việc đề nghị phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá: 01 bản chính.
Hồ sơ liên quan đến căn cứ xác định giá khởi điểm cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này: 01 bản sao.
c) Trong Quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản phải xác định doanh thu ước tính hằng năm trong phương án giá khởi điểm để làm doanh thu đối chiếu trong các trường hợp quy định tại điểm l khoản 7 Điều 17 và điểm l khoản 7 Điều 18 Nghị định này.
6. Trường hợp đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhưng không thành thì sau hai lần tổ chức đấu giá không thành, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia rà soát nguyên nhân và đề xuất giải pháp, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản xem xét, quyết định tiếp tục thực hiện đấu giá hoặc thay đổi phương thức khai thác sang phương thức doanh nghiệp quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Trường hợp tiếp tục thực hiện đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản mà xác định nguyên nhân của việc đấu giá không thành do giá khởi điểm cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản cao, không còn phù hợp với quy định về xác định giá khởi điểm theo quy định tại Điều này thì thực hiện xác định lại giá khởi điểm để đấu giá; việc xác định lại giá khởi điểm được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Trường hợp thay đổi phương thức khai thác sang phương thức doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thì việc tổ chức thực hiện khai thác tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định này. Các chi phí phát sinh trước khi chuyển sang phương thức doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt trực tiếp tổ chức khai thác được chi trả từ số tiền doanh nghiệp quản lý đường sắt quốc gia được sử dụng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Nghị định này.
7. Căn cứ các quy định tại Nghị định này, trường hợp phát sinh vướng mắc thì Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Điều 20. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định tại Điều 16 Nghị định này và các trường hợp cho phép xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, công trình cấp, thoát nước trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia:
a) Số tiền thu được từ phí được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
b) Số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định này (không bao gồm các dịch vụ thuộc phạm vi tính phí, lệ phí), doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được sử dụng 80% để chi trả các chi phí có liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác tài sản, duy trì, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật và phải hạch toán vào doanh thu của doanh nghiệp; phần còn lại (20%) nộp vào ngân sách nhà nước.
Hằng quý, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia có trách nhiệm tổng hợp số tiền thu được từ việc trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 16 Nghị định này, xác định số phải nộp ngân sách nhà nước và thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu tiên của quý sau liền kề.
Việc quản lý, sử dụng số tiền doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được sử dụng được thực hiện theo cơ chế tài chính của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia.
c) Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho phép xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, công trình cấp, thoát nước trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.
2. Trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ phải nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ (%) số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được sử dụng.
3. Trường hợp khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định này:
a) Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản được nộp vào tài khoản tạm giữ do cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải chỉ định làm chủ tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
b) Nội dung chi:
Chi phí phục vụ việc lập, trình, phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; chi phí kiểm kê, đo vẽ, xác định giá khởi điểm, tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; chi phí bảo quản, bảo vệ tài sản trong thời gian tổ chức lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp khai thác; chi phí phục vụ công tác quản lý của Bên cho thuê, Bên chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản trong thời gian thực hiện hợp đồng; các chi phí khác có liên quan.
c) Dự toán chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt lập, trình Hội đồng thành viên của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia phê duyệt sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý đường sắt quốc gia.
d) Mức chi:
Đối với các nội dung chi đã có hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ, chính sách do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc pháp luật quy định (thuế, kế toán, thống kê và các pháp luật khác có liên quan) và có giá của Nhà nước quy định thì áp dụng theo các quy định đó;
Đối với các nội dung chi chưa có các căn cứ nêu trên thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia phê duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
Đối với các chi phí liên quan đến nhiều sản phẩm, nhiệm vụ, công việc khác nhau mà không thể tách riêng ra được (như khấu hao tài sản; tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn, chi phí phục vụ quản lý, khai thác...) thì tập hợp và phân bổ theo tiêu chí thích hợp, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan cho từng sản phẩm, nhiệm vụ, công việc.
đ) Định kỳ 6 tháng (chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12), chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (sau khi đã hoàn thành việc thanh toán chi phí theo quy định tại điểm c, điểm d khoản này từ tài khoản tạm giữ cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia) vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Quá thời hạn này mà doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia không gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến chủ tài khoản tạm giữ để chi trả và cũng không có văn bản về lý do chưa hoàn thiện hồ sơ thanh toán thì chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
e) Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công, dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
Nghị định 15/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
- Số hiệu: 15/2025/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 03/02/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/02/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
- Điều 5. Phạm vi và hình thức giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 6. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 5 Nghị định này
- Điều 7. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này
- Điều 8. Phạm vi và hình thức giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 8 Nghị định này
- Điều 10. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển từ hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này
- Điều 11. Hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 12. Kế toán tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 13. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 14. Quản lý, vận hành tài sản trong thời gian đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo dự án sử dụng vốn nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt
- Điều 15. Phương thức khai thác và nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 16. Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt trực tiếp tổ chức khai thác tài sản
- Điều 17. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 18. Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 19. Giá cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 20. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 21. Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 22. Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 23. Điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 24. Chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia về địa phương quản lý, xử lý
- Điều 25. Thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 26. Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại
- Điều 27. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
- Điều 29. Hồ sơ quản lý, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 30. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 31. Quản lý, vận hành tài sản trong thời gian đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị theo dự án sử dụng vốn nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt
- Điều 32. Phương thức khai thác và nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 33. Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trong trường hợp doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị trực tiếp tổ chức khai thác
- Điều 34. Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 35. Giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 36. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 37. Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 38. Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 39. Điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 40. Chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị về địa phương quản lý, xử lý
- Điều 41. Thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
- Điều 42. Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại
- Điều 43. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị