Hệ thống pháp luật

Điều 9 Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

Điều 9. Điều kiện cấp bảo lãnh chính phủ

Ngoài các điều kiện quy định tại Điều 34 của Luật quản lý nợ công, điều kiện cấp bảo lãnh chính phủ quy định cụ thể cho một số trường hợp như sau:

1. Điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với chương trình, dự án đầu tư:

a) Đối với người vay, chủ thể phát hành trái phiếu:

- Người vay, chủ thể phát hành trái phiếu là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm.

- Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư vay vốn được Chính phủ bảo lãnh phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư trong cơ cấu vốn của dự án. Vốn chủ sở hữu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện dự án.

Đối với các trường hợp được Thủ tướng Chính phủ xem xét miễn áp dụng điều kiện này theo điểm e khoản 2 Điều 34 của Luật quản lý nợ công, chủ đầu tư vấn phải đảm bảo tối thiểu tỷ lệ 15% tổng mức đầu tư là vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư của dự án.

- Doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án đầu tư phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có lỗ lũy kế (trừ các khoản lỗ do chính sách của Nhà nước), đảm bảo hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.

- Cam kết của công ty mẹ (trong loại hình doanh nghiệp công ty mẹ - công ty con), của nhóm cổ đông hoặc tổ chức, cá nhân góp vốn sở hữu từ 65% vốn đầu tư của doanh nghiệp về việc đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp doanh nghiệp được bảo lãnh gặp khó khăn trong việc trả nợ.

b) Đối với chương trình, dự án đầu tư:

- Đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ.

- Đã đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu trong năm kế hoạch theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này và trong hạn mức bảo lãnh chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.

- Có phương án tài chính dự án khả thi, có hệ số trả nợ bình quân trong 05 năm đầu dự án tối thiểu là 0,9 đối với các dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc hệ số 1 đối với các dự án khác.

- Đối với các dự án thuộc điểm c khoản 2 Điều 10 của Nghị định này, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm thanh toán 100% nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có đủ nguồn trả nợ từ việc vận hành dự án.

2. Điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước:

a) Người vay, chủ thể phát hành trái phiếu là tổ chức tín dụng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

b) Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được sử dụng để thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước, phù hợp với điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng đó.

c) Đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ.

d) Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu đề nghị cấp bảo lãnh đã đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh của năm kế hoạch theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này và trong hạn mức bảo lãnh chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.

đ) Tổ chức tín dụng phải đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt.

Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

  • Số hiệu: 04/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 06/02/2017
  • Số công báo: Từ số 121 đến số 122
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH