Hệ thống pháp luật

Điều 43 Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

Điều 43. Đảm bảo trả nợ vay, nợ trái phiếu của Người được bảo lãnh

1. Người được bảo lãnh có trách nhiệm bố trí nguồn vốn để trả nợ vay, nợ trái phiếu đầy đủ, đúng hạn.

2. Trong trường hợp Người được bảo lãnh không sẵn sàng trả nợ, Người bảo lãnh (Bộ Tài chính) có quyền:

a) Yêu cầu Ngân hàng phục vụ tự động trích chuyển tiền từ Tài khoản Dự án của Người được bảo lãnh để đảm bảo trả nợ Người nhận bảo lãnh.

b) Yêu cầu Ngân hàng phục vụ yêu cầu các tổ chức tín dụng nơi Người được bảo lãnh có tài khoản tiền gửi trích chuyển tiền từ các tài khoản này để trả nợ trong trường hợp Tài khoản Dự án không đủ để trả nợ.

c) Trường hợp Người được bảo lãnh thuộc diện phải mua bảo hiểm thanh toán nghĩa vụ trả nợ, Người được bảo lãnh có trách nhiệm làm việc với cơ quan bảo hiểm để thực hiện việc trả nợ theo hợp đồng bảo hiểm đã ký.

3. Đảm bảo trả nợ của Công ty mẹ (nếu có) hoặc nhóm cổ đông lớn:

a) Trường hợp Người được bảo lãnh không còn nguồn trả nợ, Người được bảo lãnh báo cáo Công ty mẹ (nếu có) hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 65% cổ phần đã đăng ký với Bộ Tài chính 06 tháng trước kỳ trả nợ để trả nợ thay; đồng thời sao gửi báo cáo cho Bộ Tài chính và cơ quan đại diện chủ sở hữu (đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhà nước hoặc doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ).

b) Trường hợp Công ty mẹ hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 65% cổ phần đã đăng ký với Bộ Tài chính không thể trả nợ thay, Người được bảo lãnh phải vay bắt buộc từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ cho Người nhận bảo lãnh theo các điều kiện quy định tại Điều 44 và Điều 45 Nghị định này và chịu sự giám sát của Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 39 và khoản 2, khoản 3 Điều 40 của Nghị định này.

Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý. Người được bảo lãnh có trách nhiệm tuân thủ phương án xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Trường hợp Người được bảo lãnh hoàn toàn mất khả năng trả nợ (không thể phục hồi sản xuất kể từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý), Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý tài sản thế chấp theo Điều 34 của Nghị định này.

Nếu nguồn thu từ tài sản thế chấp được xử lý không đủ thu hồi số nợ vay, Người được bảo lãnh hoặc công ty mẹ hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 65% cổ phần đã đăng ký với Bộ Tài chính có trách nhiệm tiếp tục nhận nợ đối với khoản nợ còn lại. Trường hợp Người được bảo lãnh phá sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Trong mọi trường hợp không trả được nợ nói trên, nếu xác định do nguyên nhân chủ quan, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu (đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhà nước hoặc doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ) hoặc các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật tổ chức, cá nhân vi phạm dẫn đến tình trạng không trả được nợ theo thỏa thuận vay hoặc hợp đồng vay bắt buộc.

6. Người được bảo lãnh không báo cáo trước cho Bộ Tài chính về khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ gây thiệt hại cho Quỹ Tích lũy trả nợ về số tiền phải huy động để ứng trả có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ mọi thiệt hại vật chất cho Quỹ Tích lũy trả nợ.

7. Doanh nghiệp đang còn dư nợ với Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc cho vay lại không được tiếp tục xem xét cấp bảo lãnh đối với các khoản vay mới hoặc xem xét phê duyệt các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Nghị định 04/2017/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

  • Số hiệu: 04/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 06/02/2017
  • Số công báo: Từ số 121 đến số 122
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH