Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9758/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 21 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ CÁC VÙNG THIÊN TAI, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, DI CƯ TỰ DO, KHU RỪNG ĐẶC DỤNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 236/TTr-SNN ngày 14/10/2022 đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; ý kiến đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 2492/KHĐT-ĐTTĐ ngày 08/11/2022;

UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), trên cơ sở bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Kế hoạch là căn cứ để các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, đề xuất, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Yêu cầu:

a) Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình.

b) Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải. Công tác bố trí ổn định dân cư thực hiện kịp thời; đảm bảo cho người dân sau khi được bố trí ổn định đời sống, an sinh xã hội bền vững.

c) Chương trình được kết hợp chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng thực hiện:

Hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt.

b) Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu.

c) Hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến các địa bàn trong cả nước không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo); hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong khu rừng đặc dụng hợp pháp cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

d) Cộng đồng dân cư nơi tiếp nhận người dân tái định cư tập trung, xen ghép.

2. Phạm vi thực hiện chương trình: Chương trình thực hiện tại các huyện và thành phố Bảo Lộc; không bao gồm phạm vi, đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2030.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Thực hiện bố trí ổn định dân cư tại các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Thực hiện bố trí ổn định 921 hộ tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, bao gồm:

- 100 hộ vùng thiên tai;

- 90 hộ đặc biệt khó khăn;

- 731 hộ di cư tự do.

IV. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về quy hoạch, kế hoạch:

a) Rà soát nội dung bố trí ổn định dân cư bảo đảm phù hợp với các quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan, đáp ứng yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với phong tục tập quán của người dân từng địa phương, tránh đầu tư dàn trải và phát triển bền vững.

b) Lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư theo quy định hiện hành. Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hoàn thành dứt điểm các dự án, sớm đưa dân đến sinh sống, ổn định lâu dài theo thứ tự ưu tiên: nơi có nguy cơ cao về thiên tai được bố trí thực hiện trước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; vùng đặc biệt khó khăn; vùng dân di cư tự do đến đời sống còn khó khăn.

2. Bố trí đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu:

a) Căn cứ quy định của pháp luật về đất đai, các quy định của pháp luật có liên quan và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất và thực hiện giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư, đảm bảo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế, tập quán ở địa phương.

b) Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí ổn định dân cư tập trung theo dự án được duyệt.

c) Hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình, bao gồm: di chuyển người và tài sản, khai hoang, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu tại nơi tái định cư), nước sinh hoạt (nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung).

d) Hỗ trợ địa bàn nơi bố trí dân cư xen ghép thực hiện: điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất), xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình điện sinh hoạt, công trình cấp nước cộng đồng và một số công trình hạ tầng thiết yếu khác. Các hạng mục công trình được lựa chọn để nâng cấp hoặc đầu tư mới theo thứ tự ưu tiên, có sự tham gia của cộng đồng người dân sở tại.

đ) Hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ: Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển phải bố trí ổn định tại chỗ được hỗ trợ để nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác.

3. Phát triển sản xuất trong vùng dự án bố trí ổn định dân cư:

a) Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến, bảo quản, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

b) Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị gắn với lợi thế từng vùng; thúc đẩy phát triển các mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

c) Ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giống, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, vay vốn tín dụng chính sách xã hội và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

d) Hỗ trợ các hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân, cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

đ) Ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp; khôi phục độ che phủ rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm:

a) Hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ gia đình được bố trí đến vùng dự án bố trí ổn định dân cư, đặc biệt với những hộ không bảo đảm quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống.

b) Hỗ trợ vùng dự án bố trí ổn định dân cư xây dựng mô hình đào tạo nghề phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên các nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

5. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể

a) Các đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác quản lý dân cư, đặc biệt là người dân di cư tự do. Địa phương nào để xảy ra vi phạm quy định, khiếu nại, khiếu kiện, điểm nóng, các đồng chí Chủ tịch phải trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đối thoại với dân, tạo sự đồng thuận, không để thành điểm nóng; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể trong công tác giám sát và vận động các đoàn viên, hội viên, người dân trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo và không nghe theo các luận điệu lôi kéo, kích động của các phần tử xấu, làm mất trật tự an toàn xã hội.

6. Thực hiện đầu tư các dự án bố trí dân cư trong kế hoạch đã được phê duyệt hoặc đã có chủ trương đầu tư:

a) Các dự án tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 gồm 02 dự án đang thực hiện dở dang, cụ thể:

- Dự án ổn định dân di cư tự do thôn Đan Hà, Thống Nhất, Phương Lâm và Tân Lập - xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà; bố trí ổn định cho 429 hộ.

- Dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông; bố trí ổn định cho 192 hộ.

b) Các dự án dự kiến khởi công mới: gồm 03 dự án, cụ thể:

- Dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực tiểu khu 181, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông; bố trí ổn định cho 110 hộ.

- Dự án sắp xếp, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Ha Ma Nhai 1, huyện Đơn Dương; bố trí ổn định cho 90 hộ.

- Dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai thôn 1 và 2 xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương; bố trí ổn định cho 100 hộ.

V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch 437.339 triệu đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển 414.958 triệu đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 22.381 triệu đồng); nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh: tổ chức triển khai thực hiện; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện các nội dung của Chương trình theo quy định.

b) Tổng hợp, đề xuất kế hoạch thực hiện Chương trình trung hạn và hằng năm, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

c) Chủ trì, trực tiếp quản lý, hướng dẫn và phối hợp tổ chức thực hiện nội dung phát triển sản xuất tại các vùng bố trí ổn định dân cư.

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của chủ đầu tư và các địa phương; tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí nguồn vốn đầu tư công hằng năm của các dự án.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư công theo quy định tại Luật Đầu tư công và theo đúng các quy định hiện hành.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổng hợp, cân đối, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn sự nghiệp để đảm bảo hoạt động của Chương trình.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan, các địa phương kiểm tra, rà soát, xác định rõ nhu cầu sử dụng đất (thu hồi, chuyển mục đích sử dụng), hiện trạng, loại đất của từng dự án; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thủ tục về đất đai để các dự án triển khai kịp thời và giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư, đảm bảo đúng quy định.

b) Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố có dự án bố trí ổn định dân cư lập thủ tục chuyển đổi quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch để giải quyết đất ở và đất sản xuất cho dân cư nằm trong vùng dự án bố trí ổn định dân cư được phê duyệt.

c) Chủ trì, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không còn rừng thuộc các dự án bố trí ổn định dân cư; thực hiện hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các dự án bố trí ổn định dân cư, tham mưu theo đúng thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và theo quy định hiện hành.

5. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Chủ trì, hướng dẫn, tổ chức triển khai nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ gia đình được bố trí đến vùng dự án, bố trí ổn định dân cư.

6. Công an tỉnh: Chủ động phối hợp với địa phương nơi có dân đi, tổ chức công tác đăng ký nhân hộ khẩu, thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật Cư trú;

7. Ban Dân tộc: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai Chương trình; định kỳ hàng năm, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025, để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan.

8. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Quan tâm, hỗ trợ các hộ thuộc đối tượng của Chương trình được vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện bố trí dân cư giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 và hàng năm, đề xuất vốn sự nghiệp kinh tế thực hiện Chương trình.

b) Thực hiện đồng bộ các giải pháp bố trí ổn định dân cư, đặc biệt là giải pháp về an sinh xã hội nhằm ổn định đời sống của người dân; đồng thời, tập trung các nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác bố trí dân cư, hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững, ổn định đời sống lâu dài cho người dân.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thủ tục về đất đai để các dự án triển khai kịp thời và giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư đảm bảo đúng quy định.

d) Đối với các huyện có dự án bố trí ổn định dân cư, cần triển khai di dời các hộ dân cư vào vùng quy hoạch dân cư đã được phê duyệt của dự án, gắn với Đồ án quy hoạch nông thôn mới của các địa phương đã được UBND cấp huyện phê duyệt; tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện, lồng ghép nguồn vốn các Chương trình, dự án hiện có trên địa bàn để tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định dân cư, nhằm ổn định đời sống, sản xuất của các hộ dân, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

đ) Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bố trí dân cư, đặc biệt tại các địa phương có đồng bào dân di cư tự do, nhằm nâng cao nhận thức của người dân di cư tự do biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TN&MT (Báo cáo);
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (Báo cáo);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, KH&ĐT, TN&MT, TC,
LĐ-TB&XH, VHTT&DL, TT&TT, GD&ĐT,
Y tế, Sở VH, TT &DL;
- Ban Dân tộc;
- Công an tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN, KH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

 


PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ GIAI ĐOẠN 2022-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Kế hoạch số: 9758/KH-UBND ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

STT

Tên dự án

Địa điểm xây dựng (thôn, xã, huyện)

Quy mô (hộ)

Thời gian khởi công - hoàn thành

Số hộ cần bố trí (hộ)

Tổng vốn cần bố trí (triệu đồng)

Trong đó

Ghi chú

Vốn đầu tư phát triển (triệu đồng)

Vốn sự nghiệp (triệu đồng)

 

Tổng cộng

 

921

 

921

437.339

414.958

22.381

 

I

DỰ ÁN ĐANG THỰC HIỆN DỞ DANG CHUYỂN SANG

 

621

 

621

217.239

199.458

17.781

 

1

Dự án ổn định dân di cư tự do thôn Đan Hà, Thống Nhất, Phương Lâm và Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà.

thôn Đan Hà, Thống Nhất, Phương Lâm và Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà

429

2022-2025

429

68.155

68.155

 

Ổn định tại chỗ

2

Dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh, Đam Rông.

TK 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh, Đam Rông

192

2021-2024

192

149.084

131.303

17.781

Ổn định tại chỗ

II

DỰ ÁN KHỞI CÔNG MỚI

 

300

 

300

220.100

215.500

4.600

 

1

Dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực tiểu khu 181, xã Liêng Srônh, Đam Rông.

TK 181, xã Liêng Srônh, Đam Rông

110

2022-2025

110

108.000

108.000

 

Ổn định tại chỗ

2

Dự án sắp xếp, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Ha Ma Nhai 1, huyện Đơn Dương.

Thôn Ha Ma Nhai 1, huyện Đơn Dương

90

2022-2025

90

42.100

37.500

4.600

Xen ghép 40 hộ; Tập trung: 50

3

Dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai thôn 1 và 2 xã Đưng K' Nớ huyện Lạc Dương.

Thôn 1 và thôn 2 xã Đưng K' Nớ huyện Lạc Dương

100

2022-2025

100

70.000

70.000

 

Ổn định tại chỗ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 9758/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 9758/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản