Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4600/BNN-LN
V/v ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng tỉnh Lạng Sơn

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Ngày 16/6/2023 UBND tỉnh Lạng Sơn có Văn bản số 730/UBND-KT về việc xin ý kiến thẩm định điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

1. Về nguyên tắc điều chỉnh

Điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng phải đảm bảo nguyên tắc và phù hợp các quy định hiện hành, cụ thể:

- Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội;

- Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Quy chế quản lý rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

- Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.

2. Đề nghị bổ sung, làm rõ

- Bổ sung kết quả thực hiện các chỉ tiêu được nêu tại Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 08/10/2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn về phê duyệt Dự án rà soát, quy hoạch lại ba loại rừng tỉnh Lạng Sơn;

- Làm rõ căn cứ pháp lý, nội dung và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh ranh giới quy hoạch ba loại rừng tại các Quyết định: số 687/QĐ-UBND ngày 24/4/2020; số 1465/QĐ-UBND ngày 01/8/2020; số 1607/QĐ-UBND ngày 10/10/2022; số 211/QĐ-UBND ngày 15/02/2023; số 322/QĐ-UBND ngày 28/02/2023; số 715/QĐ-UBND ngày 12/5/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn;

- Bổ sung, làm rõ các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển loại rừng trong kỳ quy hoạch; bổ sung các giải pháp quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được quy hoạch cho mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.

3. Đối với diện tích ba loại rừng sau điều chỉnh

a) So sánh với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Theo báo cáo, diện tích rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn sau điều chỉnh với Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022, cụ thể:

- Tổng diện tích 3 loại rừng sau điều chỉnh là 602.496,3 ha: so với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 (602.236 ha), cao hơn 260,3 ha; so với kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 (602.469 ha), cao hơn 27,3 ha;

- Đất rừng đặc dụng sau điều chỉnh là 13.109,81 ha: so với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 (13.079 ha), cao hơn 30,81 ha; so với kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 (13.079 ha), cao hơn 30,81ha;

- Đất rừng phòng hộ sau điều chỉnh là 95.365,91 ha: so với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất rừng phòng hộ đến năm 2030 (99.598 ha), thấp hơn 4.232,09 ha; so với kế hoạch sử dụng đất rừng phòng hộ đến năm 2025 (97.918 ha), thấp hơn 2.552,09 ha;

- Đất rừng sản xuất sau điều chỉnh là 494.020,58 ha: so với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất rừng sản xuất đến năm 2030 (489.559 ha), cao hơn 4.461,58 ha; so với kế hoạch sử dụng đất rừng sản xuất đến năm 2025 (491.472 ha), cao hơn 2.548,58 ha.

b) So sánh với hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp năm 2022; theo Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc công bố hiện trạng rừng năm 2022, cụ thể:

- Tổng diện tích 3 loại rừng sau điều chỉnh là 602.496,3 ha: so với Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn (699.500,59 ha), thấp hơn 97.004,3 ha, trong đó đất có rừng giảm 41.726,76 ha;

- Đất rừng đặc dụng sau điều chỉnh là 13.109,81 ha: so với Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn (13.112,69 ha), thấp hơn 2,88 ha, trong đó đất có rừng giảm 228,48 ha;

- Đất rừng phòng hộ sau điều chỉnh là 95.365,91 ha: so với Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn (103.335,05 ha), thấp hơn 7.969,14 ha, trong đó đất có rừng giảm 10.968,0 ha;

- Đất rừng sản xuất sau điều chỉnh là 494.020,58 ha ha: so với Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn (583.052,85 ha), thấp hơn 89.032,27 ha, trong đó đất có rừng giảm 30.530,27 ha.

Đề nghị cần có đánh giá kỹ về việc điều chỉnh giảm 97.004,3 ha rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt việc điều chỉnh giảm 41.726,76 ha rừng so với hiện trạng năm 2022, trong quá trình điều chỉnh đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lâm nghiệp; hiệu quả đầu tư trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; có các giải pháp đối với diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ điều chỉnh giảm có nguồn gốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn trong quá trình điều chỉnh diện tích rừng và đất lâm nghiệp đảm bảo phù hợp với phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022, tuân thủ Quy chế quản lý rừng; chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đáp ứng được vai trò phòng hộ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh.

4. Đối với việc điều chỉnh diện tích 3 loại rừng để thực hiện dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng

a) Chỉ thực hiện điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh Lạng Sơn, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt theo Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

b) Đối với các dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng trong điều chỉnh quy hoạch.

- Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, tổng diện tích điều chỉnh 13.799,07 ha (đặc dụng 2,89 ha; phòng hộ 7.959,09 ha; sản xuất 5.837,01 ha) để triển khai các dự án. Trong đó: Đất có rừng là 8.864,72 ha (rừng tự nhiên 4.531,43 ha, rừng trồng 4.333,29 ha); Đất chưa có rừng 4.934,35 ha, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn rà soát chỉ đưa vào điều chỉnh quy hoạch những dự án thật sự cần thiết trong giai đoạn Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn chưa được phê duyệt, làm rõ các căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc điều chỉnh diện tích rừng và đất lâm nghiệp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác để triển khai các dự án.

- Các dự án chỉ triển khai thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật.

- Để có đủ cơ sở pháp lý triển khai các dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc đề xuất, quyết định điều chỉnh.

Căn cứ vào các nội dung, ý kiến nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo kết quả điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Lạng Sơn trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn thông qua, phê duyệt theo quy định và tích hợp kết quả trong Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở NN&PTNT TP Lạng Sơn (để biết);
- Lưu: VT, LN, KL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Trị

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4600/BNN-LN năm 2023 về ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng tỉnh Lạng Sơn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4600/BNN-LN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/07/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Quốc Trị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản