Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3042/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 27 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH BA LOẠI RỪNG GIAI ĐOẠN 2017-2025, ĐỊNH HƯỚNG 2030 TỈNH HÒA BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ, về thi hành luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ, về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 26/7/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ Văn bản số 10121/BNN-TCLN ngày 30/11/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về hướng dẫn kỹ thuật rà soát, chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng;

Căn cứ Văn bản số 2026/TCLN-KL ngày 06/12/2016 của Tổng cục Lâm nghiệp, về việc rà soát điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng toàn quốc;

Căn cứ Văn bản số 745/UBND-NNTN ngày 13/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, về việc chủ trương rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ Văn bản số 4379/BNN-TCLN ngày 08/6/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc thẩm định kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2017-2025, định hướng 2030 tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ Công văn số 279/HHĐND-CTHĐND ngày 15/11/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình, về việc cho ý kiến về Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2025, định hướng 2030, và Công văn số 337/HĐND-CTHĐND ngày 24/12/2018,

Xét Báo cáo số 13/BC-HĐTĐ ngày 02/11/2018 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về Báo cáo kết quả thẩm định Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2025, định hướng 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kết rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2017-2025, định hướng 2030 tỉnh Hòa Bình, như sau:

1. Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trước rà soát, điều chỉnh

Tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp: 340.186,10 ha (đất có rừng tự nhiên: 140.054,59 ha; đất có rừng trồng: 85.074,19 ha và đất chưa có rừng: 115.057,32 ha). Trong đó:

- Đất rừng đặc dụng: 40.209,80 ha (đất có rừng tự nhiên: 33.881,06 ha; đất có rừng trồng: 1.596,14 ha và đất chưa có rừng: 4.732,60 ha);

- Đất rừng phòng hộ: 133.553,39 ha (đất có rừng tự nhiên: 76.264,32 ha; đất có rừng trồng: 22.807,09 ha và đất chưa có rừng: 34.481,98 ha);

- Đất rừng sản xuất: 166.422,91 ha (đất có rừng tự nhiên: 29.909,21 ha; đất có rừng trồng: 60.670,96 ha và đất chưa có rừng: 75.842,74 ha).

2. Quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến 2030

Tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp: 298.013,00 ha (đất có rừng tự nhiên: 140.956,16 ha; đất có rừng trồng: 84.511,80 ha và đất chưa có rừng: 72.545,04 ha). Trong đó:

- Đất rừng đặc dụng: 40.352,72 ha (đất có rừng tự nhiên: 34.263,47 ha; đất có rừng trồng: 1.546,97 ha và đất chưa có rừng: 4.542,28 ha);

- Đất rừng phòng hộ: 108.231,28 ha (đất có rừng tự nhiên: 78.561,61 ha; đất có rừng trồng: 13.642,95 ha và đất chưa có rừng: 16.026,72 ha);

- Đất rừng sản xuất: 149.429,00 ha (đất có rừng tự nhiên: 28.131,08 ha; đất có rừng trồng: 69.321,88 ha và đất chưa có rừng: 51.976,04 ha).

(Có Hồ sơ quy hoạch chi tiết và bản đồ kèm theo)

3. Danh mục chương trình, dự án ưu tiên

- Đóng mốc phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa;

- Rà soát Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng các huyện, thành phố và Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hòa Bình;

- Rà soát Dự án bảo vệ và phát triển rừng các huyện, thành phố, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng;

- Phương án xử lý tài sản trên đất sau khi chuyển đổi đối với từng loại đất, loại rừng;

- Giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân đối với diện tích do UBND các xã quản lý;

- Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích có sự thay đổi quy hoạch 3 loại rừng so với trước đây.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và các địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch phê duyệt.

- Thực hiện tuyên truyền kết quả quy hoạch phê duyệt nhằm thu hút sự chú ý của toàn xã hội, đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước để khơi thông các khó khăn vướng mắc trong thu hút đầu tư do hạn chế của quy hoạch trước đây.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và địa phương các cấp triển khai rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực.

- Sử dụng kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để theo dõi diễn biến rừng hàng năm, tích hợp với các phần mềm chuyên dùng để khai thác, sử dụng;

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hòa Bình hằng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;

- Hướng dẫn các địa phương, các tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và triển khai thực hiện;

- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị chủ rừng trong việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

b) Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường

Trên cơ sở kết quả quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt:

- Tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn, tranh chấp và sử dụng sai mục đích;

- Rà soát, xử lý theo thẩm quyền và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi đối với diện tích đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê để phát triển rừng hoặc thực hiện các dự án đầu tư không đúng đối tượng; sử dụng kém hiệu quả, hoặc sai mục đích để giao lại cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu;

- Chỉ đạo các cơ quan tài nguyên môi trường các cấp cập nhật biến động về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chức năng rừng.

c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các chủ rừng: Căn cứ vào kết quả quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt:

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành có liên quan; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực lâm nghiệp. Thực hiện đúng trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã và các chủ rừng tổ chức xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo giai đoạn, hàng năm theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá việc thực hiện để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 03/4/2007 và Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 29/3/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 4;
- Bộ NN&PTNT;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Báo Hòa Bình;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Kho bạc NN Hòa Bình;
- Chánh, Phó VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN (D28).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dũng