Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 01 tháng 4 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định; cơ sở hạ tầng các dự án xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường từng bước được quan tâm đầu tư, mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển về số lượng cũng như chất lượng; nhận thức của cộng đồng về vai trò trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, nhất là ở các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, công tác xã hội hóa trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương, đơn vị và của toàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý chất thải rắn ở một số địa phương chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là ở cấp xã; cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là chất thải rắn công nghiệp và chất thải xây dựng; nhận thức về bảo vệ môi trường, sự quan tâm động viên, khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền cơ sở để các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường hoạt động chưa được hiệu quả, kịp thời; ý thức trách nhiệm trong thu gom, xử lý rác thải của một bộ phận hộ gia đình, cá nhân và tổ chức còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa tích cực, sâu rộng và thường xuyên; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chưa chặt chẽ; việc xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn, đặc biệt là xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải xây dựng chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác thu gom, xử lý chất thải rắn chưa đạt hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 23/9/2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Kế hoạch số 2034/KH-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2019 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 1260/KH-UBND ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 1215/UBND-TNMT ngày 23 tháng 7 năm 2019 của UBND tỉnh về việc phát động phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và các văn bản, quy định liên quan; đảm bảo tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chung trên toàn tỉnh đạt trên 78% trong năm 2021.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và công tác thu gom, xử lý chất thải rắn nói riêng.

- Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm quản lý chất thải rắn ở cấp huyện, cấp xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc đóng cửa các bãi rác đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2019 về việc phê duyệt Đề án đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Giai đoạn 2020-2025) theo đúng quy định, quy trình kỹ thuật.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh cải tạo, nâng cấp một số bãi rác nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn xây dựng.

- Tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình và kết quả triển khai thực hiện theo quy định.

3. Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Tăng cường quản lý chặt chẽ nội dung hạ tầng kỹ thuật về điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn theo thẩm quyền.

- Rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các khu đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung, khu vực lưu chứa và xử lý chất thải rắn xây dựng đảm bảo vệ sinh môi trường và phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên việc tái sử dụng chất thải rắn xây dựng thông thường; đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý chất thải xây dựng phát sinh từ các công trình xây dựng, đảm bảo không để xảy ra tình trạng đổ thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không được đầu tư lò đốt không phù hợp với quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và tăng cường giám sát việc thu gom các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong nông nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm, phế thải nông nghiệp sau thu hoạch.

5. Sở Y tế:

- Chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tuyến huyện tăng cường thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm đã được phê duyệt tại Quyết định số 4437/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

- Tăng cường hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn, chú trọng phân loại chất thải rắn tại nguồn, thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

6. Sở Công Thương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các dự án đầu tư phát triển các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn; nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối, chất thải rắn và hướng dẫn áp dụng các cơ chế, chính sách hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, cập nhật điều chỉnh bổ sung các quy chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn đối với các dự án xử lý chất thải rắn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; Ưu tiên thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Bình.

8. Sở Tài chính:

- Cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp môi trường đảm bảo cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương; tập trung ưu tiên nguồn vốn để đóng cửa các bãi rác đã đầy, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2019 về việc phê duyệt Đề án đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Giai đoạn 2020-2025); đồng thời cải tạo, nâng cấp một số bãi rác nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác do quá tải trong việc tiếp nhận và xử lý rác thải.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát tham mưu UBND tỉnh ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu, đề xuất lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.

9. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn; công nghệ xử lý, tái chế các phụ phẩm, phế thải nông nghiệp sau thu hoạch theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng đổi mới công nghệ, trang thiết bị; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường.

10. Công an tỉnh tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng và chất thải nguy hại có dấu hiệu của tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe và tạo sự thay đổi về ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải rắn.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục và đào tạo dưới các hình thức khác nhau, chú trọng nội dung giáo dục ý thức về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định.

12. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông và báo chí trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng, đưa tin, bài về công tác bảo vệ môi trường và kết quả thanh tra, kiểm tra về hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn; chú trọng nêu gương những điển hình thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường; thông tin chính xác, kịp thời về những trường hợp vi phạm, những địa phương để xảy ra tình trạng vứt rác thải, đổ chất thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin cho báo chí về triển khai thực hiện nhiệm vụ xử lý rác thải và các hoạt động về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn; bố trí đủ kinh phí hàng năm của địa phương hỗ trợ cho việc quản lý rác thải, đảm bảo phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn đúng quy định.

- Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường cho cộng đồng, các cơ sở sản xuất kinh doanh với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; gắn với quản lý trật tự đô thị, trồng và bảo vệ cây xanh, khắc phục tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng, đường phố, khu dân cư; phối hợp và phát huy vai trò của các Hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo các Ban quản lý các công trình công cộng, Công ty, Hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường trên địa bàn tăng cường tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, không để tình trạng rác thải ứ đọng diễn ra gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Tập trung thu gom triệt để rác thải phát sinh, tồn đọng tại nơi công cộng, các khu vực kênh mương, ven đường giao thông huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ, công trình văn hóa, du lịch, nơi tập trung sinh hoạt của dân cư.

- Ưu tiên, khuyến khích và có hình thức hỗ trợ phù hợp cho các hình thức xã hội hóa (cá nhân, tổ chức, hợp tác xã,...) tham gia vào hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải tại địa phương.

- Tổ chức đánh giá tình hình quản lý chất thải rắn tại địa phương, định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường tình hình thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định của địa phương về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng.

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thường xuyên các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn trong việc thực hiện về tần suất thu gom, địa điểm đổ thải theo quy hoạch và quy trình xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vứt, đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, chất thải chăn nuôi, phế phẩm nông nghiệp không đúng nơi quy định. Không để tình trạng vứt rác thải, đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định xảy ra.

Xây dựng Hương ước quy định các nội dung về công tác bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; Xây dựng các phong trào thi đua bảo vệ môi trường; xác định một số khu vực trung tâm, tuyến đường trung tâm hoặc khu dân cư để thực hiện điểm việc bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo ra tuyến đường/khu dân cư “xanh - sạch - đẹp”; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng vứt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định ảnh hưởng đến mỹ quan dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Định kỳ 6 tháng báo cáo về UBND cấp huyện kết quả thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn để tổng hợp.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CVTNMT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Ngọc Lâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2021 về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/04/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Đoàn Ngọc Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản