Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 05 tháng 02 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, sự phối hợp, tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, đoàn thể và tham gia của cộng đồng dân cư. Kết quả đã góp phần cải thiện môi trường tỉnh, tạo diện mạo mới cho nông thôn của tỉnh để Hưng Yên về đích nông thôn mới cấp tỉnh trong năm 2020. Tuy nhiên, tình trạng xả rác thải bừa bãi nơi công cộng, kênh mương, ao hồ, đường giao thông ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết triệt để; một số điểm tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường; phần lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; việc đầu tư lò đốt rác thải còn chậm; công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương về quản lý chất thải rắn chưa quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; nguồn vốn đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến hiện đại, thu hồi năng lượng, giảm tối đa phát thải chất thải và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, vận động nhân dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; hạn chế và tiến tới không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

b) Quản lý, vận hành và tham mưu UBND tỉnh nâng công suất lò đốt rác thải Dị Sử, thị xã Mỹ Hào; phối hợp với UBND các huyện đẩy nhanh đầu tư, vận hành các khu xử lý chất thải tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải.

c) Hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 04/5/2020 của UBND tỉnh về xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 06/10/2020 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

d) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%, trên 60% số hộ gia đình của tỉnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ.

đ) Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, thí điểm tại thôn/khu dân cư, xã/phường/thị trấn về thực hiện hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn.

e) Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Xây dựng

a) Rà soát các vị trí, quy mô của các khu xử lý chất thải rắn; các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch quản lý chất thải rắn để lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

b) Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo đáp ứng đủ chi phí thực tế của hoạt động này; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; có quy định giảm giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đối với các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ.

c) Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, thí điểm tại thôn/khu dân cư; xã, phường, thị trấn về thực hiện hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tổ chức thẩm định chặt chẽ các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tham mưu tỉnh không công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu khi chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, để tái diễn tình trạng đổ, đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường.

b) Hướng dẫn thu gom bao bì chứa đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch.

4. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn, chú trọng phân loại chất thải rắn tại nguồn, thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Thu hút các dự án đầu tư xử lý chất thải tập trung của tỉnh có công nghệ hiện đại, nâng cao khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ chất thải; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào vận hành khu xử lý chất thải Đại Đồng giai đoạn 2, huyện Văn Lâm.

b) Hướng dẫn thực hiện việc đấu thầu tập trung lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và công khai, minh bạch trong công tác quản lý rác thải tại các địa phương.

6. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm.

7. Sở Công Thương triển khai hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải, kỹ thuật áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát sinh chất thải.

8. Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ về tái chế, xử lý chất thải rắn tiên tiến hiện đại, tận thu chất thải làm nguyên, nhiên liệu, tận thu nhiệt; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt làm rơm, rạ phát sinh sau thu hoạch.

9. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý rác thải, đặc biệt là phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị, các trường, cơ sở giáo dục đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục và đào tạo dưới các hình thức khác nhau, chú trọng nội dung về phân loại, thu gom rác thải tại nguồn, không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa.

11. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố và công an cấp xã tăng cường kiểm tra, trinh sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải lạc hậu vào tỉnh không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

12. Đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia, phản biện, giám sát hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, các quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, nhất là quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nhất là trong công tác phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

13. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn, việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; có trách nhiệm cân đối, bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường việc tổ chức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của các cá nhân, hộ gia đình.

b) Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn đến năm 2025 đạt từ 90% trở lên; đầu tư khu xử lý chất thải tập trung có công nghệ xử lý rác thải hiện đại tiên tiến, hạn chế chôn lấp chất thải; phấn đấu đến hết năm 2025, giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%.

c) Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đội vệ sinh môi trường tự quản; hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người lao động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp tư nhân thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

d) Rà soát, có kế hoạch xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường; tổ chức lắp camera giám sát tại một số vị trí điểm nóng về ô nhiễm môi trường do chất thải để xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xả chất thải không đúng quy định; giao trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp xã trong quản lý, xử lý tình trạng đổ, đốt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

đ) Quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, đến năm 2025, đạt trên 60% số hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ; giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn về số hộ triển khai thực hiện và đưa kết quả triển khai thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ trên địa bàn vào tiêu chí đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, vận động các hộ gia đình thực hiện và duy trì thực hiện hiệu quả phân loại, xử lý rác thải hữu cơ.

e) Tổ chức, duy trì các hoạt động cộng đồng dọn vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải định kỳ vào thứ Bẩy, Chủ Nhật hàng tuần; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải vào các dịp ngày lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các dịp hưởng ứng, hành động về môi trường.

f) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là thực hiện các quy định về quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi, làng nghề theo thẩm quyền.

g) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, thí điểm tại thôn/khu dân cư; xã, phường, thị trấn về thực hiện hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn.

h) Thí điểm, tiến tới lựa chọn hình thức đấu thầu tập trung để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

14. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Quốc Văn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2021 về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 04/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/02/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Trần Quốc Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản