Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 1964 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ NĂM 1964

Kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng, Tổng cục trưởng,
- Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh

 

Nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước năm 1964 rất nặng nề: một mặt phải khắc phục những khó khăn của năm 1963 để lại, mặt khác lại phấn đấu tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để thực hiện tốt kế hoạch cả năm đồng thời tích cực chuẩn bị cho kế hoạch Nhà nước năm 1965 nhằm bảo đảm hoàn thành vững chắc nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1964 đã được Hội đồng Chính phủ thông qua;

Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh tăng cường và cải tiến hơn nữa việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế; trước mắt là tiến hành ký kết ngay các loại hợp đồng nguyên tắc cũng như hợp đồng cụ thể sau khi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã được ban hành.

Sau đây là một số điểm cần chú ý khi tiến hành ký kết các loại hợp đồng kinh tế trong năm 1964:

1. Đối với những chỉ tiêu kế hoạch có tính chất pháp lệnh:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các địa phương, việc ký kết hợp đồng nguyên tắc cũng như hợp đồng cụ thể phải được ký kết ngay và thi hành đúng những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế (ban hành theo nghị định số 29-CP ngày 23-02-1962 của Hội đồng Chính phủ) và điều lệ xử lý các vụ vi phạm hợp đồng mua bán trong nước (ban hành theo nghị định số 65-CP ngày 15-05-1963 của Hội đồng Chính phủ). Các chỉ tiêu pháp lệnh nói trên phải được cân đối về các mặt kế hoạch cung cấp nguyên liệu vật liệu, sản lượng sản phẩm và thu mua, tiêu thụ thành phẩm, đặc biệt là kế hoạch cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ các chỉ tiêu pháp lệnh cần được các ngành coi trọng như những chỉ tiêu pháp lệnh.

Đối với các hợp đồng nhập khẩu, vận tải, xây dựng cơ bản thì các Bộ chủ quản, các bộ thi công chủ động lập hợp đồng và gửi trước cho các Bộ có yêu cầu tiếp ký.

2. Đối với những chỉ tiêu kế hoạch có tính chất hướng dẫn:

Các ngành, các địa phương phải cùng nhau bàn bạc, thương lượng để nhất trí về chỉ tiêu cụ thể trên nguyên tắc bảo đảm phát triển sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, xây dựng và đời sống. Dựa trên cơ sở đó, tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc và chỉ đạo các cơ sở trực thuộc ký hợp đồng cụ thể theo đúng thể lệ hiện hành. Việc điều chỉnh loại hợp đồng này phải do hai bên ký kết cùng thỏa thuận nếu là hợp đồng nguyên tắc hoặc phải được cấp trên của hai bên đồng ý nếu là hợp đồng cụ thể.

Nội dung hợp đồng nguyên tắc cần phải được thiết thực để có tác dụng chỉ đạo ký kết các hợp đồng cụ thể. Các mặt hàng do Bộ quản lý trực tiếp phải được ghi cụ thể trong hợp đồng, các mặt hàng khác được ghi theo chỉ tiêu tổng hợp nhưng phải phân loại rõ ràng. Hợp đồng cụ thể không được trái với những điều khoản đã ghi trong hợp đồng nguyên tắc và trong chỉ đạo thường kỳ cần triệt để tránh tình trạng trên dưới không thống nhất, dẫn đến ký kết tùy tiện, vô nguyên tắc.

3. Trong lúc chưa có chỉ tiêu kế hoạch chính thức, để làm cơ sở cho việc ký hợp đồng kinh tế chung cho cả năm, các ngành, các địa phương cần xúc tiến ngay việc hướng dẫn cho các cơ sở trực thuộc ký hợp đồng cụ thể qúy I. Cơ sở và nội dung về ký kết hợp đồng cụ thể qúy I năm 1964 do hai bên cùng có trách nhiệm bàn bạc, tính toán căn cứ vào các chỉ tiêu tổng hợp đã trình Hội đồng Chính phủ và dựa vào kinh nghiệm các năm trước mà quyết định. Sau khi chỉ tiêu kế hoạch được ban hành chính thức, hai bên hữu quan sẽ cùng nhau ký hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng cụ thể cho cả năm, bao gồm cả số liệu của quý I-1964 đã ký trước. Hợp đồng quý I ký kết đầu năm trở thành một bộ phận của hợp đồng cả năm và là lịch giao nhận của quý đó.

4. Đối với từng chỉ tiêu cụ thể của năm 1964, việc ký kết các loại hợp đồng sẽ tiến hành như sau:

a) Hợp đồng kiến thiết cơ bản:

Việc ký hợp đồng này vẫn tiến hành theo như năm 1963, dựa trên cơ sở các thông tư số 139-TTg ngày 28-06-1960 và thông tư số 114-TTg ngày 27-11-1962 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cần chú ý:

- Về thời gian hoàn thành công trình để đưa vào sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch nhất thiết phải ghi vào hợp đồng, kể cả các công trình dưới hạng ngạch.

- Về thời gian giao nhận tài liệu thiết kế thiết bị, nguyên liệu, vật liệu ngoài nước, nếu bên A không biết được đích xác ngày tháng thì cũng phải ước tính vào quý nào và phải ghi vào hợp đồng. Quá kỳ hạn mà không có tài liệu hoặc không về thì hai bên phải xin điều chỉnh hợp đồng (kể cả thời gian nhoàn thành công trình nếu cần).

- Đối với các công trình chưa đủ thủ tục kiến thiết cơ bản thì chưa ký hợp đồng. Hai bên A, B phải cùng nhau họp để xác định thời gian bảo đảm đầy đủ thủ tục để ký kết. Quá hạn mà vẫn chưa có đủ thủ tục thì bên A sẽ báo cáo lên Hội đồng Chính phủ để xin điều chỉnh kế hoạch.

- Đối với các công trình dài hạn phải thi công trong nhiều năm, theo thể lệ hiện nhành thì cần ký một hợp đồng nguyên tắc lúc mới khởi công. Tuy nhiên cứ mỗi đầu năm nếu xét thấy các chỉ tiêu ghi trong hợp đồng nguyên tắc đã ký trước có nhiều thay đổi (vốn xây lắp, thời gian khởi công, hoàn thành hạng mục hay toàn bộ công trình…) thì hai bên A và B có thể tiến hành ký kết những hợp đồng nguyên tắc bổ sung. Trong trường hợp không có gì thay đổi lớn thì hai bên A và B chỉ cần ký kết những bản phụ lục cần thiết để làm cơ sở cho việc tiến hành ký kết các loại hợp đồng cụ thể.

b) Về hợp đồng xuất khẩu: Bộ ngoại thương cần trực tiếp ký hợp đồng với các bộ sản xuất và các địa phương đã được khoanh vùng thu mua hàng xuất khẩu. Bộ có trách nhiệm đưa ra những số liệu cụ thể về số lượng cũng như những quy định về tiêu chuẩn quy cách phẩm chất để làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng.

Trường hợp ký hợp đồng chậm, Bộ sản xuất vẫn phải nỗ lực bảo đảm số lượng, quy cách, phẩm chất hàng sản xuất ra. Nếu Bộ sản xuất, mặc dầu đã cố gắng rồi mà vẫn không đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu thì trách nhiệm không phải là của Bộ này mà là do Bộ ngoại thương chịu.

c) Về hợp đồng vật liệu kiến trúc: (gạch, ngói, đá, cát, sỏi, vôi) Bộ kiến trúc ký hợp đồng với các tỉnh để thu mua sản phảm mà Nhà nước đã giao chỉ tiêu để thu mua sản phẩm mà Nhà nước đã giao chỉ tiêu cho địa phương sản xuất để cung cấp cho Trung ương đồng thời ký hợp đồng nguyên tắc với các Bộ được phân phối. Bộ Nội thương ký hợp đồng nguyên tắc với các tỉnh, thành thu mua những vật liệu kiến trúc còn lại ở các tỉnh, và ký với Bộ kiến trúc thu mua để bán lẻ ra thị trường các thứ phẩm, phế phẩm (gạch, ngói…) của xí nghiệp quốc doanh do Bộ Kiến trúc quản lý và của các hợp tác xã thuộc vùng thu mua của Bộ này.

d) Về hợp đồng mặt hàng nông sản, sản phẩm cây công nghiệp sản xuất theo thời vụ: Trong phạm vi các chỉ tiêu pháp lệnh vẫn ký theo như năm 1963. Trường hợp chưa ký được hợp đồng thì bên mua vẫn có trách nhiệm nhận và tiêu thụ sản phẩm của bên sản xuất chứ không được viện lý do hợp đồng chưa ký mà từ chối, gây thiệt hại cho công quỹ (như về vấn đề thuốc lá của năm 1963).

e) Về hợp đồng mặt hàng sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp: Đối với các chỉ tiêu pháp lện thì vẫn ký như năm 1963 còn đối với các chỉ tiêu hướng dẫn, nhất thiết phải chờ ký kết hợp đồng cụ thể xong, bên sản xuất mới được cung cấp nguyên liệu, vật liệu và mới được sản xuất hàng.

Đặc biệt trong quý I năm 1964, nếu hai bên hữu quan chưa kịp thương lượng, hợp đồng chưa được ký kết thì tạm thời quy định như sau:

- Đối với các xí nghiệp quốc doanh trung ương: Nếu là những mặt hàng mà hai bên mua bán vẫn thường ký kết hợp đồng thì bên sản xuất cứ tiếp tục sản xuất như thường lệ trong quý I, bên tiêu thụ vẫn phải bảo đảm nhận và tiêu thụ. Trường hợp muốn thay đổi mặt hàng, bên tiêu thụ phải kịp thời báo cáo cho bên sản xuất biết, đồng thời vẫn tiếp tục nhận các sản phẩm đang làm dở.

- Về những hàng công nghệ phẩm mà Trung ương cần thu mua của địa phương thì các Bộ thu phải khẩn trương bàn bạc với các tỉnh đồng thời thông báo những mặt hàng cần thiết của quý I để địa phương sản xuất. Trong khi chưa có hợp đồng Bộ tiêu thụ vẫn phải bảo đảm thu mua các hàng đã sản xuất ra.

Trong cả hai trường hợp nói trên, việc ký kết hợp đồng nhất thiết phải hoàn thành trong phạm vi quý I năm 1964. Sang quý II-1964 mà chưa có hợp đồng thì bên sản xuất không tiến hành sản xuất và cũng không được cung cấp nguyên liệu, vật liệu nữa.

Về công nghệ phẩm tiêu thụ trong địa phương việc ký hợp đồng cả năm 1964 và trước mắt là quý I do Ủy ban hành chính địa phương quyết định trên cơ sở bảo đảm sự hoạt động kinh tế bình thường và cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ.

g) Về hợp đồng gỗ: Tổng cục Lâm nghiệp ký kết hợp đồng nguyên tắc với các Bộ, Tổng cục ở trung ương và Ủy ban hành chính địa phương để cung cấp gỗ cho các nhu cầu quốc doanh và cơ quan Nhà nước.

Bộ Nội thương ký hợp đồng nguyên tắc với Tổng cục Lâm nghiệp và Ủy ban hành chính địa phương để nhận và phân phối gỗ cho nhu cầu hợp tác xã và bán lẻ cho nhân dân.

h) Về hợp đồng lâm sản khác, xi-măng, chất đốt, kim khí, than, thiết bị: Bộ Nội thương ký hợp đồng nguyên tắc với Tổng cục lâm nghiệp, Tổng cục Vật tư, Bộ Nông trường để mua hàng, và ký hợp đồng nguyên tắc với các địa phương để phân phối cho nhu cầu lẻ của nhân dân, của các cơ quan và của khi vực tập thể. Bộ Nội thương còn ký hợp đồng nguyên tắc với các Bộ sản xuất để thu mua các phế liệu, phế phẩm có giá trị thương phẩm hoặc có thể chế biến lại. Các Bộ sản xuất tuyệt đối không được tự ý bán các mặt hàng nói trên ra ngoài hoặc trong nội bộ.

 i) Về hợp đồng các mặt hàng khác thuộc các loại ghi trên: vẫn ký kết như năm 1963.

Bước sang năm 1964, chúng ta có những thuận lợi mới nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn trong nền kinh tế và trong đời sống nhân dân. Yêu cầu các ông Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cần đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, triệt để chấp hành các luật lệ của chế độ hợp đồng kinh tế nhằm bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Hợp đồng ký kết rồi cần được thường kỳ kiểm điểm (ba tháng đối với các hợp đồng cụ thể, 6 tháng đối với hợp đồng nguyên tắc) để giải quyết các mắc mứu trở ngại trong quá trình thực hiện hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình. Mỗi khi xẩy ra vụ vi phạm, Hội đồng trọng tài các cấp cần đề cao hơn nữa tính chất pháp lý của hợp đồng, kịp thời xử lý các vụ khiếu nại theo đúng phương châm “nghiêm minh và thận trọng” ghi trong nghị định số 29-CP ngày 23 tháng 2 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ, nhằm đưa dần công tác hợp đồng kinh tế đi vào nề nếp và đề cao tính chất pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 
Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04-TTg về ký kết hợp đồng kinh tế năm 1964 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 04-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/01/1964
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: 26/01/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản