Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 128-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1962

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC CHO VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ TRONG NĂM 1963

Kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng,
- Các ông Tổng Cục trưởng,
- Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh.

Việc ký kết hợp đồng kinh tế năm 1963 đã được quy định theo chỉ thị số 116-TTg ngày 10-12-1962 của Thủ tướng Chính phủ: “Đối với hợp đồng nguyên tắc phải ký xong chậm nhất là ngày 30-01-1963”; đối với hợp đồng cụ thể toàn năm phải ký xong chậm nhất là ngày 30-03-1963.”

Để xúc tiến việc ký kết hợp đồng kinh tế năm 1963 được nhanh chóng và kịp thời, nhằm phát huy triệt để tác dụng của hợp đồng đảm bảo những hiệu quả kinh tế thiết thực trong việc hoàn thành toàn diện và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1963,

Để phân rõ trách nhiệm, phù hợp với sự phân công hiện nay của các Bộ, các Tổng cục, các địa phương về các mặt sản xuất, lưu thông, xây dựng trong việc ký kết hợp đồng kinh tế năm 1963,

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ông Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh thi hành những điểm sau đây:

1. Sau khi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã ban hành, bên mua cũng như bên bán phải hết sức tích cực và khẩn trương cùng nhau thảo luận, trao đổi ký kết hợp đồng được tốt, nhanh và gọn, căn cứ vào sự phân công như sau:

- Đối với sản phẩm công nghiệp, thủ công nghiệp, vật tư kỹ thuật bên bán chủ động lập các bản hợp đồng nguyên tắc, cũng như hợp đồng cụ thể kỳ trước gửi cho bên mua;

- Đối với các loại hàng lương thực thực phẩm, nông, lâm, thổ, hải sản bên mua chủ động lập các bản hợp đồng nguyên tắc cũng như hợp đồng cụ thể ký trước gửi cho bên bán.

Sau khi nhận được hợp đồng của một bên đã ký gửi đến, bên kia phải nghiên cứu kỹ và trả lại trong phạm vi 10 ngày kể từ ngày nhận được. Nếu có những điểm chưa nhất trí thì bên nhận được hợp đồng vẫn phải ký và có kiến nghị kèm theo - nhất thiết không được từ chối ký kết.

Bên mua hoặc bên bán sau khi nhận được hợp đồng đã ký trả lại, có nhiệm vụ giải quyết các kiến nghị trong phạm vi 15 ngày. Để quá 15 ngày mà không có ý kiến trả lời thì coi như đã chấp thuận kiến nghị của bên kia.

Đối với những kiến nghị mà hai bên không nhất trí thì bên chủ động ký kết báo cáo cho Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền để giải quyết, tạo cơ sở thống nhất cho đôi bên hoàn thành việc ký kết.

2. Đối với hợp đồng nhập khẩu, thì Bộ Ngoại thương chủ động lập các bản hợp đồng ký trước và gửi cho bên mua. Còn đối với sản phẩm xuất khẩu thì các cơ quan có sản phẩm xuất khẩu chủ động làm hợp đồng và ký trước gửi cho Bộ Ngoại thương.

Đối với hợp đồng kiến thiết cơ bản vẫn tiến hành theo các quy định trong năm 1962.

3. Để đảm bảo cho việc ký kết các loại hợp đồng kinh tế, phải triệt để theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã ban hành, cũng như để bảo đảm cơ sở pháp lý của hợp đồng và đảm bảo thời gian, hoàn thành việc ký kết, các ông Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh giao trách nhiệm cho bộ phận kế hoạch chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ phận thư ký Hội đồng Trọng tài chuẩn bị nội dung và số liệu cần thiết để thực hiện việc ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa các cơ quan ở trung ương và giữa trung ương với địa phương, đồng thời chỉ đạo chặt chẽ các cơ sở trực thuộc ký với nhau các loại hợp đồng cụ thể toàn năm.

4. Việc ký kết hợp đồng nguyên tắc trong năm 1963 giữa các cơ quan ở trung ương với nhau cũng như giữa trung ương với địa phương cần được các Bộ, các Tổng cục và Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh có liên quan trực tiếp cùng chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, phải được triệt để và nghiêm chỉnh chấp hành.

- Đối với khu tự trị Việt bắc và khu tự trị Tây bắc, các cơ quan trung ương sẽ ký kết hợp đồng nguyên tắc thẳng với các tỉnh trực thuộc khu tự trị, nhưng Ủy ban hành chính các khu tự trị phải theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và khẩn trương giải quyết những khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh hoàn thành tốt các hợp đồng đã ký kết.

- Việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nội bộ của Bộ, của Tổng cục, của địa phương cần xúc tiến đầy đủ và nghiêm chỉnh, tránh tình trạng như năm 1962 có nhiều ngành nhiều địa phương không ký kết hợp đồng kinh tế trong nội bộ hoặc ký kết sơ sài, chiếu lệ.

5. Đối với các loại mặt hàng cụ thể thì năm nay vẫn tiến hành ký kết theo như Thông tư số 28-TTg ngày 05-03-1962 đã hướng dẫn. Riêng về:

a) Thiết bị sản xuất trong nước do Nhà nước quản lý và phân phối, trong lúc chờ đợi Thường vụ Hội đồng Chính phủ có quyết định mới về việc phân công cụ thể cho Tổng cục Vật tư thì trước mắt các cơ quan được phân phối trực tiếp ký với các Bộ, các địa phương sản xuất. Tổng cục vật tư chỉ ký kết với các cơ quan sản xuất những thiết bị dự trữ cho Nhà nước.

b) Về săm lốp và phụ tùng ô-tô thông dụng thì các cơ quan có yêu cầu ký với Bộ Giao thông vận tải để lấy hàng, và Bộ Giao thông vận tải ký với Bộ Ngoại thương để nhập hàng.

Săm lốp dự trữ của Nhà nước thì do Tổng cục Vật tư ký thẳng với Bộ Ngoại thương để nhận hàng.

Săm lốp quốc phòng, săm lốp chuyên dùng, săm lốp máy bay, các cơ quan có yêu cầu ký thẳng với Bộ Ngoại thương để nhận hàng.

c) Đối với giống, vật liệu sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y Bộ Nông nghiệp phải ký với các cơ quan trung ương và với các địa phương.

Trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1963 hợp đồng kinh tế có một vị trí quan trọng vì nó có tác dụng lớn trong cuộc phấn đấu để hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch kinh tế quốc dân và để tăng cường chế độ hạch toán kinh tế.

Ký kết hợp đồng kinh tế kịp thời, thi hành đúng thể thức ký kết hợp đồng, thực hiện tốt nhiệm vụ ghi trong hợp đồng, kiểm tra việc hoàn thành hợp đồng là người những điều kiện cần thiết để hoàn thành các kế hoạch kinh tế quốc dân. Quan hệ giữa kế hoạch, chế độ hạch toán kinh tế, và hợp đồng là biểu hiện sự thống nhất của vấn đề quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý các ông Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế với việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước. Chú ý tăng cường kỷ luật của hợp đồng củng cố tổ chức và lề lối làm việc của Hội đồng trọng tài ở Bộ Tổng cục, địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các Hội đồng Trọng tài đó hoạt động đúng theo quyền hạn và nhiệm vụ mà Nghị định số 20-TTg ngày 14-01-1960 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, trước mắt cần đôn đốc việc ký kết các loại hợp đồng kinh tế về nguyên tắc và cụ thể, đảm bảo đúng thời gian đã quy định.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 128-TTg năm 1962 những nguyên tắc cho việc ký kết hợp đồng kinh tế trong năm 1963 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 128-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/12/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: 08/01/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản