Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 1962

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Kính gửi:

- Các bộ, tổng cục
- Các ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

Để xúc tiến việc ký kết hợp đồng kinh tế năm 1962 được nhanh chóng và kịp thời, bảo đảm thực hiện toàn diện và vượt định mức chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, phù hợp với sự phân công mới hiện nay cho các Bộ, Tổng cục, các địa phương trong sản xuất, xây dựng. Hội đồng trọng tài trung ương hướng dẫn các Bộ, Tổng cục, các địa phương ký kết hợp đồng kinh tế như sau:

1. Vật tư kỹ thuật nhập từ nước ngoài vào bao gồm toàn bộ kim loại, thiết bị máy móc thông dụng, vòng bi, dây quấn mô-tơ, xăng, dầu, mỡ, than, xăm lốp. Tất cả các loại này do Tổng cục vật tư đại diện các Bộ tổng hợp nhu cầu theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, ký kết hợp đồng nguyên tắc nhập hàng với Bộ Ngoại thương và ký kết hợp đồng nguyên tắc phân phối hàng với các Bộ có yêu cầu đã được Nhà nước xét duyệt. Các cơ sở của các Bộ ký hợp đồng cụ thể với các cơ sở của Tổng cục vật tư.

2. Đối với nhiên liệu, vật liệu, kim khí, thiết bị sản xuất trong nước do Nhà nước quản lý và phân phối, đã quy định trong Thông tư số 300-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 7 năm 1961, thì Tổng cục Vật tư có trách nhiệm cung cấp cho các đơn vị sử dụng theo kế hoạch phân phối của Nhà nước. Nhưng trong năm nay, dựa theo thực tế và tình hình tổ chức hiện tại của Tổng cục Vật tư, và để tranh thủ thời gian ký kết hợp đồng cho sớm thì tạm thời quy định như sau:

- Tổng cục Vật tư ký hợp đồng nguyên tắc với cơ quan sản xuất để mua than, ciment, thiếc, gang và ký hợp đồng nguyên tắc với các cơ quan, các ngành, các địa phương (kể cả nhu cần của nhân dân) được phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước

Các kim khí, vật liệu khác cũng như các thiết bị thông dụng sản xuất trong nước thì các cơ quan có yêu cầu ký hợp đồng nguyên tắc với các cơ quan sản xuất trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch đã được duyệt và do Tổng cục Vật tư phân phối.

3. Về thiết bị chuyên dụng thuộc loại sản xuất trong nước thì các cơ quan có yêu cầu trực tiếp ký kết với các cơ sở sản xuất; thuộc loại ngoại nhập ngoài nước thì ký trực tiếp với Bộ Ngoại thương.

4. Những nguyên liệu vật liệu không thuộc Nhà nước quản lý phân phối mà cần phải nhập theo kế hoạch đã được duyệt thì các cơ quan có yêu cầu ký kết với Bộ Ngoại thương.

Tổng cục Vật tư ký với các tỉnh cung cấp kim khí phục vụ sản xuất, phục vụ xây dựng cơ bản của địa phương.

Kim khí dùng cho sản xuất công nghệ phẩm do Bộ Nội thương gia công và kim khí bán cho nhân dân thì Tổng cục Vật tư ký nguyên tắc với Bộ Nội thương và Bộ Nội thương ký nguyên tắc với các tỉnh.

5. Xăng dầu: đối với việc cung cấp cho các cơ quan trung ương và cung cấp cho địa phương thì Tổng cục Vật tư ký hợp đồng nguyên tắc với các Bộ, các Tổng cục, các địa phương.

6. Gỗ: các Ủy ban hành chính địa phương ký hợp đồng nguyên tắc với Tổng cục Lâm nghiệp về khai thác, và cung cấp gỗ tròn, về trồng rừng và tu bổ rừng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

- Tổng cục Lâm nghiệp ký với các cơ quan trung ương về cung cấp gỗ tròn theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước do Tổng cục Vật tư phân phối. Đối với xẻ gỗ thì các cơ quan có yêu cầu kể cả ở trung ương và địa phương đều ký với Bộ Công nghiệp nhẹ theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

7. Gạch ngói, cát, sỏi, đá: các cơ quan có yêu cầu kể cả trung ương và địa phương đều ký với Bộ Kiến trúc trừ các đơn vị được Nhà nước cho phép tự sản xuất để dùng.

8. Vật liệu xây dựng như gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, gỗ, tre, nứa, lá, củi, than củi, song mây, đồ gỗ bán lẻ cho nhân dân và cơ quan, Bộ Nội thương ký hợp đồng nguyên tắc với Bộ Kiến trúc và Tổng cục Lâm nghiệp để mua và ký nguyên tắc với các tỉnh để bán.

Xuất khẩu

Để bảo đảm việc xuất khẩu theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã được duyệt, Bộ Ngoại thương ký trực tiếp với các Bộ sản xuất để lấy hàng xuất khẩu. Ký với Bộ Nội thương để nhận nông phẩm thu mua xuất khẩu, ký với Tổng cục Lương thực để xuất lương thực ký với Tổng cục thủy sản để xuất hàng thủy sản, ký với Tổng cục Lâm nghiệp để xuất gỗ, củi, tre…

Về xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, thu mua và cung cấp hàng tiêu dùng cho địa phương, việc ký kết vẫn tiến hành như năm 1961.

Theo sự hướng dẫn ký kết hợp đồng nguyên tắc các loại hợp đồng kinh tế đã nói trên, các Bộ, các Tổng cục, các địa phương dựa vào hệ thống tổ chức của mình để quy định việc ký kết hợp đồng cụ thể cho các đơn vị trực thuộc.

Các Bộ các Tổng cục, các địa phương cần khẩn trương liên hệ với nhau để xúc tiến việc ký kết hợp đồng nguyên tắc theo chỉ tiêu đã ban hành chính thức và trên cơ sở đó xúc tiến việc ký kết hợp đồng cụ thể toàn năm, bảo đảm đúng thời gian Nhà nước đã quy định (hợp đồng nguyên tắc phải ký xong trong vòng 30 ngày, hợp đồng cụ thể trong vòng 90 ngày sau khi chỉ tiêu Nhà nước chính thức ban hành) Trong tình hình hiện nay, các hợp đồng nguyên tắc phải ký xong trong tháng 3 năm 1962, các loại hợp đồng cụ thể phải xong chậm nhất kể từ ngày 15 tháng 5 năm 1962. Hết tháng 3, mà nơi nào chưa ký được sẽ phải kiểm điểm. Để việc ký kết được nhanh chóng, thì các bộ, các Tổng cục, các địa phương ký kết với nhau trên cơ sở những chỉ tiêu đã thống nhất đến đâu thì sẽ ký đến đó, không vì mắc mứu một vài chỉ tiêu mà toàn bộ hợp đồng không ký kết được. Những chỉ tiêu còn khó khăn thì 2 bên ký kết sẽ tiếp tục bàn bạc để thống nhất và sau khi thống nhất rồi sẽ ký những phụ lục hợp đồng bổ sung.

Năm nay việc thi hành chế độ hợp đồng kinh tế phải được nghiêm chỉnh và hết sức khẩn trương trên cơ sở thực sự phát huy tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa để tương trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành toàn diện, và vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nội bộ của ngành, của địa phương, của Bộ cũng cần xúc tiến đầy đủ và nghiêm chỉnh. Các hợp đồng nguyên tắc và cụ thể ký trong nội bộ của ngành, của địa phương, của Bộ không phải gửi lên Hội đồng trọng tài trung ương.

Để giúp Hội đồng trọng tài trung ương nắm được những mắc mứu khó khăn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, để kịp thời báo cáo và đề nghị Chính phủ có những biện pháp giải quyết yêu cầu các ông Bộ trưởng, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh chú ý lãnh đạo tốt việc ký kết và phản ảnh tình hình một cách đầy đủ chính xác và kịp thời về Phủ Thủ tướng.

PHÓ THỦ TƯỚNG
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI TRUNG ƯƠNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 28-TTg năm 1962 hướng dẫn việc ký kết hợp đồng kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 28-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/03/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 20/03/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản