Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 29-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC XỬ LÝ TRONG VIỆC CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị định số 004-TTg ngày 04 tháng 01 năm 1960 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bản điều lệ tạm thời về chế độ hội đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước;
Theo đề nghị của ông Chủ tịch Hội đồng Trọng tài trung ương;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 03 tháng 01 năm 1962.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, bản điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế giữa các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh và các tổ chức công tư hợp doanh đã làm hạch toán kinh tế.

Điều 2. – Căn cứ vào điều lệ tạm thời này, các ông Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kiến trúc, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, các ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lương thực, Tổng cục Lâm nghiệp, ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Hội đồng trọng tài trung ương và các cơ quan có liên quan để làm điều lệ xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế của ngành và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt.

Điều 3. - Ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài trung ương chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết thi hành bản điều lệ này.

Điều 4. - Ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài trung ương, các ông Bộ trưởng các Bộ và các ông Tổng cục trưởng các Tổng cục có liên quan, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC XỬ LÝ TRONG VIỆC CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Bản điều lệ tạm thời này đề ra những nguyên tắc làm cơ sở cho việc xử lý các vụ tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng kinh tế và các vụ vi phạm hợp đồng đã ký kết, nhằm mục đích:

a) Đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật của các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ về việc ký kết hợp đồng kinh tế, bảo đảm hoàn thành, và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

b) Tăng cường và phát triển sự hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế quốc dân, chống mọi ý nghĩ và việc làm có tính chất bản vị, cục bộ, địa phương chủ nghĩa.

c) Đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp và cơ quan Nhà nước.

Điều 2. - Việc xử lý các vụ tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng kinh tế và các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết phải hết sức nghiêm minh, thận trọng. Trong quá trình xử lý, Hội đồng trọng tài cần chú ý giúp đỡ các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước giải quyết những khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các xí nghiệp và cơ quan hữu quan thực hiện tốt hợp đồng kinh tế.

Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước nào không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ chế độ hợp đồng kinh tế sẽ bị phạt tiền và phải bồi thường thiệt hại cho bên cùng ký kết; đồng thời tùy lỗi nặng nhẹ, sẽ bị thi hành kỷ luật về mặt hành chính như phê bình, cảnh cáo, trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy tố trước tòa án.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Điều 3. – Sau khi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm hay kế hoạch Nhà nước dài hạn được Hội đồng Chính phủ thông qua, các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước phải tiến hành ký kết ngay các loại hợp đồng kinh tế.

Trì hoãn ký kết hợp đồng, từ chối ký kết hợp đồng hoặc không thực hiện đầy đủ hợp đồng đã ký kết đều bị coi là vi phạm kỷ luật của chế độ hợp đồng kinh tế.

Điều 4. - Kể từ ngày chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được Chính phủ thông qua, thời hạn phải hoàn thành việc ký kết các loại hợp đồng kinh tế quy định như sau:

- Tối đa 30 ngày đối với loại hợp đồng kinh tế về nguyên tắc.

- Trong 60 ngày và chậm nhất không quá 90 ngày đối với loại hợp đồng kinh tế cụ thể của cả năm.

Điều 5. - Một hợp đồng kinh tế phải có đủ các điều kiện sau đây mới coi là hợp lệ:

a) Phải phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc chỉ tiêu trong kế hoạch của mỗi Bộ, khu, thành phố, tỉnh đã được Chính phủ thông qua.

b) Không được trái với luật lệ Nhà nước.

c) Nội dung hợp đồng kinh tế và thẩm quyền ký kết hợp đồng này phải theo đúng điều 6 và điều 7 của bản điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo nghị định số 004-TTg ngày 04 tháng 01 năm 1960 và các điều khoản khác đã quy định trong các thể lệ hợp đồng về mua bán, vận tải và xây dựng cơ bản.

d) Hợp đồng kinh tế phải viết cụ thể, rõ ràng, không được tẩy, những điểm xóa hoặc chữa lại phải được hai bên ký kết hợp đồng thỏa thuận và xác nhận.

Điều 6. – Trong trường hợp mà hợp đồng kinh tế không hợp lệ được đưa ra khiếu nại, thì Hội đồng trọng tài vẫn xử lý, đồng thời có thái độ thích đáng đối với cả đôi bên đã ký hợp đồng không theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 7. - Trường hợp sau đây bị coi là từ chối ký kết hợp đồng kinh tế: bên đề nghị ký đã trực tiếp thương lượng hoặc gửi cho bên kia một bản dự thảo hợp đồng để chuẩn bị việc ký kết, mà bên nhận được đề nghị đã chính thức trả lời không ký, hoặc đưa ra những điều kiện không chính đáng để lảng tránh, hoặc trì hoãn việc ký kết, hoặc đã quá hạn phải ký kết như đã quy định ở điều 4 của bản điều lệ này mà vẫn im lặng không trả lời.

Điều 8. – Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày biết được thái độ của bên từ chối ký, bên đề nghị ký phải báo cáo lên Hội đồng trọng tài có thẩm quyền, Hội đồng trọng tài này, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, căn cứ vào thể lệ đã ban hành và tình hình thực tế của đôi bên, giúp đỡ cho hai bên có thể thỏa thuận để ký kết. Nếu hai bên không thỏa thuận ký kết, thì Hội đồng trọng tài có quyền quyết định nội dung mà hai bên phải ký kết.

Sau khi đã có quyết định của Hội đồng trọng tài, mà một bên vẫn không chịu ký hợp đồng thì:

- Quyết định của Hội đồng trọng tài có giá trị pháp lý như một bản hợp đồng đã ký kết, cả hai bên đương sự có trách nhiệm thi hành.

- Bên từ chối ký hợp đồng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc từ chối của mình gây ra.

Điều 9. - Đối tượng xử lý của Hội đồng trọng tài là các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước (kể cả Quân đội), và các tổ chức công tư hợp doanh đã thực hiện hạch toán kinh tế.

Điều 10. - Những hành động sau đây bị coi là vi phạm hợp đồng kinh tế:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các điều khoản đã ký kết.

b) Từ chối điều chỉnh hợp đồng sau khi Nhà nước đã chính thức điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch.

c) Tự ý điều chỉnh hay hủy bỏ hợp đồng không có sự thương lượng trước giữa hai bên và chưa được Hội đồng trọng tài của ngành hay hai Hội đồng trọng tài hai bên hoặc Hội đồng trọng tài trung ương duyệt y.

Điều 11. - Bên vi phạm hợp đồng có thể không phải chịu trách nhiệm hoặc được châm chước về trách nhiệm trong những trường hợp sau đây:

- Gặp thiên tai hoặc trở lực khách quan không thể khắc phục nổi.

- Có chỉ thị của cơ quan cấp trên sau khi thỏa thuận với cơ quan chủ quản bên kia.

Gặp các trường hợp nói trên, trước khi xử lý, Hội đồng trọng tài cần xét điều kiện cụ thể của từng trường hợp để giải quyết cho thích đáng.

Điều 12. - Nếu việc vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa hai bên do một xí nghiệp hoặc cơ quan Nhà nước thứ ba gây nên, thì bên vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết vẫn phải chịu trách nhiệm chính với bên cùng ký kết. Nhưng khi xét xử Hội đồng trọng tài cần lưu ý đến sự liên quan này để xử lý được thích đáng.

Điều 13. - Đối với những vụ vi phạm hợp đồng kinh tế phát hiện trong khi đang thực hiện hợp đồng, thì bên bị thiệt hại có thể khiếu nại ngay trong thời hạn là một tháng kể từ ngày bị vi phạm.

Thời hạn khiếu nại có chung là 3 tháng kể từ ngày hết hạn thực hiện hợp đồng.

Điều 14. - Trong khi xử lý, Hội đồng trọng tài phải căn cứ vào:

- Các điều khoản cụ thể đã được hai bên thỏa thuận và ghi vào hợp đồng.

- Các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hay kế hoạch của Bộ, khu, thành phố, tỉnh đã chính thức ban hành.

- Các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, các luật lệ của Nhà nước.

Chương 3:

NGUYÊN TẮC VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ

Điều 15. - Đối với những vụ vi phạm hợp đồng kinh tế, Hội đồng trọng tài có thể xử lý theo hai biện pháp: biện pháp tài chính và biện pháp hành chính.

a) Biện pháp tài chính:

1. Đã vi phạm hợp đồng thì đều bị phạt bằng tiền,

2. Vì vi phạm hợp đồng mà gây ra thiệt hại thực tế, thì phải bồi thường bằng tiền số thiệt hại đó cho bên cùng ký kết.

3. Không được trả tiền phạt hay tiền bồi thường bằng cách trừ nợ lẫn nhau.

b) Biện pháp hành chính:

1. Hội đồng trọng tài có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê bình, cảnh cáo các xí nghiệp, cơ quan vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký.

2. Đối với những cán bộ vì thiếu tinh thần trách nhiệm nên không thực hiện được hợp đồng kinh tế đã ký, và những cán bộ, công nhân phạm sai lầm hoặc có hành động gian dối để xảy ra việc vi phạm hợp đồng, thì Hội đồng trọng tài có quyền đề nghị với cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật như cảnh cáo, cách chức, truy tố trước tòa án, và tùy lỗi nặng nhẹ, tùy mức độ thiệt hại, bắt bồi thường bằng tiền.

Trường hợp vi phạm hợp đồng kinh tế cụ thể thì áp dụng cả hai biện pháp: tài chính và hành chính; trường hợp vi phạm hợp đồng kinh tế về nguyên tắc, thì chỉ áp dụng biện pháp hành chính.

Điều 16. – Hội đồng trọng tài căn cứ vào mức độ cố gắng và mức độ tương trợ hợp tác xã chủ nghĩa của bên vi phạm, mức độ thiệt hại của việc vi phạm hợp đồng, và tỷ lệ so sánh giữa sự thiệt hại và giá trị của hợp đồng, và vào số vốn lưu động của hai bên, để quyết định mức phạt và mức bồi thường một cách thích đáng.

Điều 17. - Số tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại được trích ở quỹ lưu thông của xí nghiệp hay cơ quan vi phạm hợp đồng kinh tế, và phải hạch toán vào giá thành thực tế của sảm phẩm làm ra. Cuối năm khi xét đến quỹ xí nghiệp, cơ quan có thẩm quyền của các Bộ và các địa phương sẽ căn cứ vào mức độ sai lầm và tổng số tiền phạt vì vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký của đơn vị trực thuộc, để quy định tỷ lệ khấu trừ ở quỹ xí nghiệp mà đơn vị đó được hưởng. Tỷ lệ khấu trừ này không được quá 50% quỹ xí nghiệp.

Cơ quan, xí nghiệp bị thiệt hại hợp đồng kinh tế được thu hai khoản tiền phạt và tiền bồi thường để bù đắp sự thiệt hại; số tiền còn thừa phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều 18. - Thời hạn phải trả tiền phạt hay tiền bồi thường thiệt hại vì vi phạm hợp đồng kinh tế là một tháng kể từ ngày có quyết định của Hội đồng trọng tài.

Chương 4:

THỦ TỤC XỬ LÝ

Điều 19. - Hội đồng trọng tài xử lý khi:

- Có đơn khiếu nại của một bên ký hợp đồng.

- Có đơn khiếu nại hoặc đề nghị của cơ quan cấp trên của một trong hai bên ký kết hợp đồng.

- Bản thân Hội đồng trọng tài phát hiện vấn đề,

- Hội đồng trọng tài trung ương chỉ thị.

Điều 20. - Trước khi gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng trọng tài có thẩm quyền, bên bị thiệt hại phải trực tiếp thương lượng với bên vi phạm trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Hội đồng trọng tài chỉ nhận đơn khiếu nại và đưa ra xét xử khi đã có biên bản về việc thương lượng giữa hai bên để giải quyết nhưng không có kết quả.

Điều 21. - Đơn khiếu nại phải phản ảnh trung thực sự việc, nêu rõ nguyên nhân của việc vi phạm hợp đồng và yêu cầu giải quyết, đồng thời phải kèm theo đầy đủ hồ sơ như: bản sao hợp đồng, biên bản các cuộc họp thương lượng, giấy tờ và các chứng từ cần thiết…

Đơn khiếu nại gửi lên Hội đồng trọng tài có thẩm quyền phải theo đúng thời gian đã quy định cho việc khiếu nại. Nếu bên vi phạm hợp đồng gửi đơn khiếu nại chậm quá hạn đã định nhưng có lý do chính đáng, thì Hội đồng trọng tài cũng có thể chấp nhận đơn và đưa ra xét xử.

Điều 22. - Kể từ sau ngày nhận đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài phải tiến hành xét xử trong vòng 20 ngày. Trong từng vụ khiếu nại, nếu Hội đồng trọng tài nhận thấy không thể giải quyết được trong thời hạn quy định trên, thì phải báo cáo lên Hội đồng trọng tài trung ương xin gia hạn, nhưng không được xin gia hạn quá hai lần.

Điều 23. - Thủ tục xét xử các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế hay từ chối ký kết hợp đồng kinh tế quy định như sau:

a) Chỉ có Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc một Ủy viên Hội đồng trọng tài được Chủ tịch Hội đồng trọng tài ủy nhiệm mới có quyền chủ tọa các phiên họp xử lý.

b) Trong khi xét xử, hai bên đương sự đều phải có mặt. Sau khi đã có giấy triệu tập của Hội đồng trọng tài, nếu một bên vắng mặt không có lý do chính đáng, thì Hội đồng trọng tài vẫn có quyền xét xử và quyết định, và bên vắng mặt vẫn phải chấp hành quyết định đó.

c) Đại diện của hai bên đương sự và đại diện của cơ quan có liên quan được triệu tập phải là cán bộ phụ trách có thẩm quyền.

d) Đại diện của mỗi bên có nhiệm vụ trình bày ý kiến, làm sáng tỏ sự việc để việc xét xử được đúng đắn.

Điều 24. - Quyết định của Hội đồng trọng tài phải viết thành văn bản, nội dung gồm:

- Phần tóm tắt sự việc,

- Phần phân tích sự việc,

- Phần kết luận và xử lý.

Bản quyết định ấy phải có chữ ký của Chủ tịch phiên họp Hội đồng trọng tài và đóng dấu.

Trong thời hạn ba ngày sau phiên họp xử lý, quyết định của Hội đồng trọng tài các cấp Bộ, khu, thành phố, tỉnh phải gửi đến:

- Các xí nghiệp, cơ quan đương sự,

- Cơ quan chủ quản các xí nghiệp, cơ quan đương sự để theo dõi và đôn đốc cấp dưới thi hành,

- Cơ quan Tài chính, Ngân hàng hữu quan để thi hành biện pháp xử lý về mặt tài chính.

- Hội đồng trọng tài trung ương để báo cáo.

Điều 25. - Quyết định của Hội đồng trọng tài có hiệu lực pháp lý.

Hai bên đương sự phải chấp hành ngay và nghiêm chỉnh quyết định của Hội đồng trọng tài.

Bên nào không chấp hành ngay và nghiêm chỉnh phải chịu kỷ luật về hành chính hoặc có thể bị truy tố trước tòa án.

Nếu thấy quyết định của Hội đồng trọng tài Bộ, khu, thành phố, tỉnh không đúng, xí nghiệp hay cơ quan đương sự có quyền khiếu nại lên Hội đồng trọng tài trung ương. Trong khi chờ đợi quyết định của Hội đồng trọng tài trung ương, các bên có liên quan vẫn phải chấp hành quyết định của Hội đồng trọng tài đã xét xử.

Thời gian khiếu nại lên Hội đồng trọng tài trung ương là một tháng kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng trọng tài cấp Bộ, hay khu, thành phố, tỉnh ký quyết định.

Điều 26. - Căn cứ vào đề nghị của các tổ chức hữu quan, hoặc theo đơn khiếu nại của một bên ký kết hợp đồng, hoặc theo sự phát hiện của mình, sau khi thẩm tra, Hội đồng trọng tài trung ương có thể chỉ thị tạm hoãn thi hành quyết định của Hội đồng trọng tài cấp dưới và đưa vụ tranh chấp ra xét lại.

Điều 27. - Trong quá trình khiếu nại lên Hội đồng trọng tài và sau khi Hội đồng trọng tài đã quyết định mức phạt và bồi thường, hai bên ký kết hợp đồng kinh tế vẫn có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng và ký kết, trừ khi hợp đồng mất hiệu lực vì có quyết định mới của Hội đồng trọng tài có thẩm quyền.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 29-CP năm 1962 ban hành điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 29-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/02/1962
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 10/03/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản