Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Thông tư 19/2009/TT-BGTVT quy định về khí tượng hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 1. QUAN TRẮC VÀ BÁO CÁO KHÍ TƯỢNG

Điều 4. Quy định chung

1. Trạm quan trắc khí tượng hàng không được thiết lập tại cảng hàng không, sân bay, có nhiệm vụ quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng, hiện tượng thời tiết tại khu vực cảng hàng không, sân bay; lập các báo cáo thời tiết phục vụ cho tàu bay cất hạ cánh và cho các hoạt động khai thác hàng không khác.

Quan trắc và báo cáo thời tiết thường lệ để phục vụ tàu bay cất hạ cánh, phát thanh ATIS hoặc D-ATIS; METAR để trao đổi, lập kế hoạch bay, phát thanh VOLMET hoặc D-VOLMET;

2. Tại cảng hàng không quốc tế thực hiện quan trắc và báo cáo thời tiết định kỳ 30 phút/lần, liên tục 24/24 giờ.

3. Tại các cảng hàng không, sân bay nội địa quan trắc và báo cáo thời tiết liên tục từ 2200 UTC đến 1100 UTC hằng ngày như sau:

a) Tại các cảng hàng không, sân bay nội địa quan trắc và báo cáo thời tiết định kỳ 30 phút/lần liên tục từ 2200 UTC đến 1100 UTC;

b) Đối với cảng hàng không, sân bay có trang bị hệ thống đèn đêm hoặc triển khai bay đêm, việc tổ chức quan trắc và báo cáo thời tiết theo kế hoạch bay.

4. Trạm quan trắc khí tượng hàng không có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ bản tin thời tiết METAR cho đài kiểm soát tại sân bay (TWR) và các cảng hàng không, sân bay liên quan.

Điều 5. Nội dung quan trắc và báo cáo

1. Quan trắc gió bề mặt:

a) Hướng và tốc độ gió ghi trong bản tin là giá trị thực ở độ cao 10 mét so với bề mặt đường cất hạ cánh;

b) Giá trị gió đo được đặc trưng dọc đường cất hạ cánh sử dụng cho tàu bay cất cánh; giá trị gió đo được tại khu vực tiếp đất sử dụng cho tàu bay hạ cánh; giá trị gió đo được đặc trưng dọc đường cất hạ cánh sử dụng cho bản tin METAR;

c) Hướng gió và tốc độ gó là giá trị quan trắc trung bình 02 phút sử dụng cho bản tin phục vụ tàu bay cất hạ cánh và trung bình 10 phút sử dụng cho bản tin METAR;

d) Hướng gió được làm tròn đến giá trị 100 gần nhất và tốc độ gió được ghi bằng đơn vị knot (kt).

2. Quan trắc tầm nhìn ngang khí tượng (MOR), tầm nhìn đường cất hạ cánh (RVR):

a) Giá trị MOR đo được đặc trưng dọc đường cất hạ cánh sử dụng cho tàu bay cất cánh; giá trị MOR đo được đặc trưng cho khu vực tiếp đất sử dụng cho tàu bay hạ cánh; giá trị MOR đo được đặc trưng cho khu vực cảng hàng không, sân bay sử dụng cho bản tin METAR;

b) Giá trị RVR đo đặc trưng cho vùng tàu bay tiếp đất được sử dụng tại cảng hàng không, sân bay thực hiện phương thức tiếp cận chính xác có trang bị hệ thống đèn đường cất hạ cánh theo tiêu chuẩn CAT I; giá trị RVR đo đặc trưng cho vùng tàu bay tiếp đất và điểm giữa đường cất hạ cánh được sử dụng tại cảng hàng không, sân bay thực hiện phương thức tiếp cận chính xác theo tiêu chuẩn CAT II; giá trị RVR đo đặc trưng cho vùng tàu bay tiếp đất, điểm giữa và điểm cuối đường cất hạ cánh được sử dụng tại cảng hàng không, sân bay thực hiện phương thức tiếp cận chính xác theo tiêu chuẩn CAT III;

c) Tầm nhìn RVR được xác định bằng máy đo, thực hành quan trắc;

d) Tại cảng hàng không, sân bay chưa có máy đo RVR, việc xác định tầm nhìn được thực hiện bằng mắt dựa trên sơ đồ các tiêu điểm tầm nhìn ngang đã được thiết lập.

3. Quan trắc hiện tượng thời tiết: hiện tượng thời tiết đặc trưng cho khu vực cảng hàng không, sân bay sử dụng cho tàu bay cất, hạ cánh; hiện tượng thời tiết đặc trưng cho cảng hàng không, sân bay và vùng lân cận cảng hàng không, sân bay sử dụng cho bản tin METAR.

4. Quan trắc mây:

a) Quan trắc mây đặc trưng vùng tiếp cận sử dụng cho tàu bay cất, hạ cánh; đặc trưng cho cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay sử dụng cho bản tin METAR;

b) Tại cảng hàng không, sân bay chưa có máy đo mây, việc xác định lượng, loại, độ cao chân mây do nhân viên quan trắc thực hiện bằng mắt.

5. Quan trắc nhiệt độ không khí, nhiệt độ điểm sương đặc trưng cho đường cất hạ cánh và được làm tròn thành số nguyên 0C.

6. Quan trắc khí áp: Khí áp quy về mực nước biển trung bình (QNH) và khí áp tại mực sân bay (QFE) được làm tròn xuống số nguyên hPa gần nhất.

7. Quan trắc tin tức bổ sung: Quan trắc hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong khu tiếp cận và khu vực lấy độ cao.

8. Báo cáo:

a) Nội dung báo cáo bản tin thời tiết thường lệ và bản tin thời tiết đặc trưng được trình bày bằng ngôn ngữ thông thường dưới dạng chữ viết tắt và dạng mã luật khí tượng hàng không METAR;

b) Tại cảng hàng không, sân bay có hệ thống quan trắc và báo cáo thời tiết tự động nhưng không khai thác ban đêm được phép sử dụng thuật ngữ AUTO trong báo cáo bản tin METAR.

Điều 6. Quan trắc, báo cáo thời tiết từ tàu bay

1. Tàu bay đang thực hiện cất hạ cánh ở các cảng hàng không, sân bay và tàu bay đang bay trong vùng trách nhiệm của CSCCDV không lưu có trách nhiệm thực hiện quan trắc, báo cáo thường lệ và đặc biệt như sau:

a) Quan trắc, báo cáo thường lệ từ tàu bay được thực hiện tại các điểm báo cáo không lưu/khí tượng (ATS/MET) trên đường bay và trong giai đoạn lấy độ cao;

b) Quan trắc, báo cáo đặc biệt từ tàu bay được thực hiện bất kỳ lúc nào khi gặp các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong giai đoạn bay, bao gồm hiện tượng nhiễu động khí quyển, đóng băng, sóng núi với cường độ mạnh, giông kèm hoặc không kèm mưa đá, bão bụi hay bão cát mạnh, mây tro bụi núi lửa, núi lửa hoạt động; trường hợp tàu bay với tốc độ âm thanh và siêu âm, bản báo cáo phải bổ sung quan trắc về hiện tượng nhiễu động cường độ vừa, mưa đá, mây đối lưu.

2. Báo cáo thời tiết thường lệ từ tàu bay đang bay bằng liên lạc dữ liệu không – địa hoặc liên lạc thoại.

3. Phương thức báo cáo từ tàu bay như sau:

a) Khi sử dụng liên lạc dữ liệu không – địa và áp dụng ADS, các quan trắc từ tàu bay được thực hiện tự động 15 phút một lần trên đường bay và 30 giây một lần trong 10 phút đầu tiên trong giai đoạn lấy độ cao của chuyến bay;

b) Khi sử dụng liên lạc thoại, việc quan trắc và báo cáo thường lệ từ tàu bay được tiến hành tại các điểm báo cáo ATS/MET do Cục Hàng không Việt Nam chỉ định.

4. Trường hợp phát hiện thấy hiện tượng thời tiết nguy hiểm có khả năng uy hiếp đến an toàn bay hoặc làm giảm hiệu suất khai thác của tàu bay khác, tổ lái sẽ tiến hành quan trắc và thông báo kịp thời cho CSCCDV không lưu đang kiểm soát chuyến bay.

5. Trong trường hợp có hoạt động núi lửa, tổ lái có trách nhiệm tiến hành quan trắc đặc biệt và điền vào mẫu VAR sau chuyến bay để đưa vào hồ sơ khí tượng.

6. Các CSCCDV kiểm soát không lưu sau khi nhận được báo cáo từ tàu bay có trách nhiệm chuyển ngay cho CSCCDV cảnh báo thời tiết trong vùng trời Việt Nam và phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý.

Thông tư 19/2009/TT-BGTVT quy định về khí tượng hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 19/2009/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/09/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 459 đến số 460
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH