Hệ thống pháp luật

Điều 20 Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn việc thành lập và quản lý Quỹ mở do Bộ Tài chính ban hành

Điều 20. Đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư, quỹ

1. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho quỹ, nhà đầu tư thực hiện giao dịch chứng chỉ quỹ mà chịu thiệt hại trong trường hợp giá trị tài sản ròng của quỹ bị định giá sai với mức độ sai sót được coi là lớn như sau:

a) Đạt từ 0,75% giá trị tài sản ròng trở lên trong trường hợp quỹ trái phiếu;

b) Đạt từ 1,00% giá trị tài sản ròng trở lên trong các trường hợp khác.

2. Trường hợp giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ bị định giá sai với mức độ sai sót đạt tới các mức quy định tại khoản 1 Điều này, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xây dựng phương án khắc phục, đền bù thiệt hại theo trình tự sau:

a) Xác định lại giá trị tài sản ròng tại các ngày giao dịch chứng chỉ quỹ trong thời gian kể từ khi mức độ sai sót là lớn cho tới khi mức độ sai sót không vượt quá các mức quy định tại khoản 1 Điều này (gọi tắt là thời gian quỹ bị định giá sai);

b) Xác định các khoản đền bù cho quỹ và các khoản đền bù cho nhà đầu tư chịu thiệt hại từ việc định giá sai tài sản của quỹ. Công ty quản lý quỹ, hoặc quỹ có thể không phải đền bù cho những nhà đầu tư chịu thiệt hại ít hơn một trăm ngàn (100.000) đồng hoặc một giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ quỹ, nhưng toàn bộ phần thanh toán của công ty quản lý quỹ phải được đưa vào quỹ, trừ trường hợp đại hội nhà đầu tư hoặc ban đại diện quỹ quyết định khác;

c) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày điều chỉnh lại giá trị tài sản ròng, công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về phương án đền bù thiệt hại cho quỹ, nhà đầu tư trong đó nêu rõ nguyên nhân xảy ra sự việc, thời gian quỹ bị định giá sai, mức độ thiệt hại của quỹ, mức độ thiệt hại của các nhà đầu tư, kèm theo danh sách các nhà đầu tư có quyền lợi bị ảnh hưởng đã được đền bù và mức đền bù của từng nhà đầu tư. Trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty quản lý quỹ phải tiến hành các thủ tục đền bù cho quỹ và nhà đầu tư chịu thiệt hại với các mức thanh toán theo quy định tại khoản 4, 5 Điều này.

3. Trong trường hợp quỹ bị định giá thấp, mức đền bù cho quỹ và cho nhà đầu tư được xác định như sau:

a) Đối với nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trước thời gian quỹ bị định giá sai và đã bán chứng chỉ quỹ trong thời gian quỹ bị định giá sai: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ nhà đầu tư đã bán;

b) Đối với quỹ: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ mà quỹ đã phát hành trong thời gian bị định giá sai và hiện vẫn còn đang lưu hành.

4. Trong trường hợp quỹ bị định giá cao, mức đền bù cho quỹ và cho nhà đầu tư được xác định như sau:

a) Đối với nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trong thời gian quỹ bị định giá sai và tiếp tục sở hữu sau thời gian quỹ bị định giá sai: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ nhà đầu tư đã mua và còn tiếp tục nắm giữ sau thời gian bị định giá sai;

b) Đối với quỹ: mức đền bù được xác định dựa trên mức độ sai sót và số lượng đơn vị quỹ mà quỹ đã phát hành ra trước thời gian quỹ bị định giá sai và quỹ đã mua lại trong thời gian đó.

5. Mọi chi phí đền bù cho nhà đầu tư và cho quỹ phải hạch toán vào chi phí hoạt động của công ty quản lý quỹ. Trường hợp điều lệ quỹ có quy định và đại hội nhà đầu tư chấp thuận, chi phí đền bù cho nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này được hạch toán vào quỹ.

6. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm đền bù các thiệt hại gây ra cho quỹ trong trường hợp:

a) Không tuân thủ chính sách đầu tư, đầu tư vào các tài sản bị hạn chế quy định tại điều lệ quỹ; hoặc

b) Sử dụng vốn vay trái mục đích, không phù hợp với quy định của pháp luật; hoặc vay vượt quá các hạn mức vay đã được quy định tại điều lệ quỹ, quy định của pháp luật; hoặc

c) Đầu tư vượt các hạn chế đầu tư, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 15 Thông tư này.

7. Mức đền bù cho quỹ trong các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này được xác định trên cơ sở thiệt hại phát sinh từ phần đầu tư vượt hạn mức, chi phí vay. Trường hợp các hoạt động đầu tư, kinh doanh nêu trên có phát sinh lợi nhuận phải hạch toán toàn bộ lợi nhuận vào cho quỹ.

8. Việc thanh toán các khoản đền bù cho quỹ, nhà đầu tư theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều này được thực hiện thông qua ngân hàng giám sát. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phối hợp thanh toán với ngân hàng giám sát để kịp thời ra các chỉ thị thanh toán cho nhà đầu tư và quỹ.

9. Việc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư và quỹ phải được công ty quản lý quỹ báo cáo tại báo cáo hoạt động hàng năm của quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Thông tư này, trong đó nêu rõ nguyên nhân, lý do, mức độ ảnh hưởng, số lượng nhà đầu tư có quyền lợi bị ảnh hưởng đã được đền bù, mức đền bù cho mỗi nhà đầu tư, mức đền bù cho quỹ, hình thức đền bù, phương thức thanh toán và các hoạt động khắc phục khác (nếu có).

Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn việc thành lập và quản lý Quỹ mở do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 183/2011/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/12/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 267 đến số 268
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH