Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-LB-TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1964 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CẢI TIẾN TỔ CHỨC CƠ QUAN Y TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi:  Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thi hành chủ trương cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước của Đảng và Chính phủ và căn cứ tinh thần hội nghị tổ chức toàn ngành y tế vào đầu tháng 10-1963 vừa qua liên Bộ Y tế - Nội vụ hướng dẫn một số điểm cụ thể và cải tiến tổ chức bộ máy của cơ quan y tế địa phương nhằm giúp Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tốt công tác đó.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương trong cuộc vận động “3 xây 3 chống” là nhằm mục đích, yêu cầu sau đây:

1. Xác định lại nhiệm vụ, chức trách của mỗi cơ quan, đơn vị cho rõ ràng rồi trên cơ sở đó mà sắp xếp tổ chức bộ máy được mạnh, gọn, phù hợp với nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất và tập trung dân chủ, khắc phục tình trạng cồng kềnh, phân tán, nhiều cấp trung gian không cần thiết, ảnh hưởng tới việc phục vụ sức khỏe của nhân dân, phục vụ sản xuất.

2. Cải tiến lề lối làm việc, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ; tăng cường chất lượng cán bộ cho các cơ sở phòng bệnh chữa bệnh, đào tạo cán bộ, phân phối thuốc, sản xuất thuốc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật của cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác y tế địa phương đồng thời giảm nhẹ biên chế gián tiếp sản xuất và biên chế quản lý, phục vụ cơ quan.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ

A. NHIỆM VỤ, CHỨC TRÁCH CỦA SỞ, TY Y TẾ

Sở, Ty Y tế là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban hành chính và Bộ Y tế trong việc quản lý công tác y tế theo đường lối phương châm, kế hoạch của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe của công nhân, cán bộ và nhân dân, cụ thể là:

1. Bảo đảm thực hiện đúng đắn và đầy đủ các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước, các thông tư, chỉ thị, quyết định của Hội đồng Chính phủ, của Bộ Y tế và của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác y tế;

2. Căn cứ vào phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá của Nhà nước, của địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương, để báo cáo Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Y tế xét, trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn; tổ chức thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm chỉnh khi được Chính phủ phê chuẩn;

3. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh, phòng dịch, chống dịch, chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học về y và dược; tổ chức, thực hiện kế hoạch công tác phòng và chống các bệnh xã hội, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em; phân phối, sản xuất, chế biến thuốc, thu mua dược liệu;

4. Tổ chức kiểm tra và định kỳ khám sức khỏe cho cán bộ trung cấp, sơ cấp của Đảng và Nhà nước ở địa phương và khám tuyển nghĩa vụ quân sự;

5. Nghiên cứu và trình bày Uỷ ban hành chính quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm công tác vệ sinh phòng dịch, chống dịch ở thành thị, nông thôn, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan, trường học, nhà ăn công cộng, đường giao thông, biên giới, cửa bể, sân bay… để ngăn ngừa dịch ở nơi khác tràn vào địa phương mình;

6. Tham gia xét duyệt các thiết kế, thiết bị vệ sinh, phòng bệnh ở các công trình xây dựng của địa phương, các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng để bảo đảm sức khỏe cho công nhân, cán bộ, nhân dân và trẻ em;

7. Tổ chức kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm nghiệm thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến các loại thực phẩm, cửa hàng ăn uống công cộng về phương diện vệ sinh phòng bệnh để bảo đảm tốt vệ sinh trong ăn uống cho nhân dân;

8. Quản lý toàn diện các cơ sở sự nghiệp y tế, quốc doanh dược phẩm, xí nghiệp dược phẩm trực thuộc Sở, Ty Y tế; chỉ đạo nghiệp vụ các cơ sở sự nghiệp y tế và cửa hàng dược phẩm ở các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố, thị xã, thị trấn và xã cũng như các cơ sở y tế thuộc các ngành khác đặt trong địa phương.

9. Phối hợp chặt chẽ và tích cực giúp đỡ các cấp hội đông y hoạt động được tốt để cùng nhau thúc đẩy công tác kết hợp đông y với tây y trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh;

Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các tổ chức tập thể hay cá nhân đông y, đông dược hành nghề theo đúng chủ trương chuyên môn của ngành y tế và chấp hành tốt các chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước;

10. Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ, vật tư v.v… trong ngành y tế theo sự uỷ nhiệm của Uỷ ban hành chính và Bộ Y tế.

B. TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CÁC SỞ, TY Y TẾ

Tổ chức bộ máy của các Sở, Ty Y tế có thể hình thành như sau:

Các Sở, Ty Y tế loại lớn:

- Phòng hành chính quản trị;

- Tổ tổ chức cán bộ;

- Tổ kế hoạch thống kê tổng hợp;

- Tổ quản lý dược;

Các Ty Y tế loại trung bình và nhỏ:

- Tổ hành chính quản trị;

- Tổ tổ chức cán bộ;

- Tổ kế hoạch thống kê tổng hợp;

- Tổ quản lý dược.

C. CÁC CƠ SỞ TRỰC THUỘC CỦA CÁC SỞ, TY Y TẾ

1. Các cơ sở trực thuộc Sở, Ty Y tế gồm có:

- Bệnh viện thành, tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa khác;

- Trường đào tạo cán bộ y tế;

- Quốc doanh dược phẩm;

- Xí nghiệp dược phẩm;

- Các trạm chuyên khoa như: trạm vệ sinh phòng dịch, trạm chống lao, trạm bảo vệ bà mẹ, trẻ em…

(Những nơi chưa có trạm chuyên khoa, thì có các đội như: đội vệ sinh phòng dịch, đội mắt hột, đội sốt rét v.v… khi nào thành lập các trạm chuyên khoa thì các đội này sẽ sát nhập vào các trạm chuyên khoa của mình để hoạt động).

2. Nhiệm vụ, chức trách các cơ sở trực thuộc Sở, Ty Y tế.

Nhiệm vụ, chức trách của các bệnh viện, trường đào tạo cán bộ y tế, quốc doanh dược phẩm, xí nghiệp dược phẩm, trạm vệ sinh phòng dịch, các trạm khác và các đội thì theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế để thực hiện nhưng cần xác định lại nhiệm vụ, chức trách cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Tổ chức bộ máy các cơ sở trực thuộc Sở, Ty Y tế:

a) Tổ chức bộ máy của các bệnh viện khu, thành, tỉnh:

Mỗi bệnh viện phải thể hiện được bốn chức năng chủ yếu của nó là: phòng bệnh, chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Để bảo đảm các chức năng đó của bệnh viện, các Sở, Ty Y tế cần đẩy mạnh việc thống nhất lãnh đạo giữa công tác điều trị và huấn luyện theo phương hướng chung của Bộ Y tế. Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Trưởng hoặc Phó Ty Y tế mà là cán bộ chuyên môn, thì nên kiêm trách nhiệm bệnh viện trưởng và hiệu trưởng trường đào tạo cán bộ y tế, để trực tiếp chỉ đạo hai mặt công tác đó thật chặt chẽ, nhằm nâng cao chất lượng công tác điều trị và huấn luyện.

- Bệnh viện khu, thành, tỉnh là tuyến điều trị cao nhất của mỗi địa phương, lại tập trung nhiều chuyên khoa nên phải đẩy mạnh mọi hoạt động cho bệnh viện, do đó cần kiện toàn về mặt tổ chức cán bộ và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cho các chuyên khoa để có đủ khả năng giúp cho Giám đốc Sở, Trưởng Ty Y tế trong việc chỉ đạo chuyên khoa xuống các tuyến điều trị ở các thành phố trực thuộc tỉnh, các huyện,khu phố, thị xã và xã, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường v.v…

- Tổ chức bộ máy của các bệnh viện có thể hình thành như sau:

Bệnh viện loại 3 trở lên:

- Phòng y vụ;

- Phòng hành chính quản trị;

- Tổ tổ chức cán bộ;

Bệnh viện dưới loại 3:

- Tổ y vụ;

- Tổ hành chính quản trị;

- Tổ tổ chức cán bộ (có thể một, hai cán bộ chuyên trách)

d) Tổ chức bộ máy cho các trường đào tạo cán bộ y tế:

Hiện nay một số địa phương có trường trung cấp và trường sơ cấp y tế; tuỳ theo hoàn cảnh thực tế của mỗi địa phương (như số học sinh trung cấp ít, điều kiện cán bộ và cơ sở trường lớp thuận tiện), nên thống nhất hai trường đó lại thành trường cán bộ y tế để tiện việc chỉ đạo, để tăng cường chất lượng công tác đào tạo cán bộ cả về trung cấp và sơ cấp, và để sử dụng hợp lý cán bộ, nhân viên của nhà trường. Nhưng khi thống nhất hai trường, phải chú ý đúng mức trong việc sử dụng kinh phí phải có sổ sách ghi chép rành mạch giữa kinh phí của trung ương và địa phương, nhất là trong lúc Bộ Y tế chưa phân cấp trường y sĩ cho địa phương quản lý. Nếu nơi nào chưa có điều kiện thống nhất hai trường thì cần chuẩn bị cho tốt để tiến tới thống nhất.

Việc phân cấp các trường y sĩ cho địa phương, Bộ Y tế đang nghiên cứu; trừ các trường trọng điểm của Bộ ra, còn các trường y sĩ khác, trong những năm tới, Bộ Y tế sẽ dần dần phân cấp cho địa phương quản lý.

- Tổ chức bộ máy các trường cán bộ y tế có thể hình thành như sau:

- Tổ giáo vụ;

- Tổ tổ chức cán bộ;

- Riêng về công tác hành chính quản trị, thì tuỳ theo khối lượng công việc nhiều hay ít, mà đặt phòng hay tổ cho thích hợp.

c) Tổ chức bộ máy của các quốc doanh dược phẩm thành, tỉnh:

- Để nâng cao chất lượng công tác phân phối, sản xuất, chế biến thuốc, thu mua dược liệu nhằm phục vụ tốt công tác phòng bệnh, chữa bệnh, các Sở, Ty Y tế cần phân công một Phó giám đốc Sở, Ty Y tế trực tiếp phụ trách công tác dược (chú ý sắp xếp cán bộ chuyên môn về dược).

Mỗi quốc doanh dược phẩm có Chủ nhiệm phụ trách và tuỳ theo khối lượng công tác, có thể có từ một đến hai Phó chủ nhiệm giúp việc; cần sắp xếp dược sĩ cao cấp phân phối, sản xuất chế biến thuốc và thu mua dược liệu.

- Tổ chức bộ máy các quốc doanh dược phẩm có thể hình thành như sau:

Bộ máy gián tiếp kinh doanh, sản xuất gồm có:

- Phòng kế toán, tài vụ;

- Tổ kế hoạch, nghiệp vụ;

- Tổ hành chính quản trị;

- Tổ tổ chức cán bộ.

Bộ máy trực tiếp kinh doanh, sản xuất gồm có:

- Tổ phân phối;

- Tổ thu mua;

- Các kho;

- Các xưởng, ban sản xuất (nếu là xưởng thì dưới xưởng có các ban, tổ sản xuất, nếu là ban thì dưới ban có các tổ sản xuất).

d) Tổ chức các trạm chuyên khoa:

Để tăng cường chất lượng cho công tác phòng và chống các bệnh xã hội như Đảng và Chính phủ đã đề ra, cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất về các chuyên khoa như: vệ sinh phòng dịch, chống lao, chống sốt rét, mắt hột, da liễu, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em mới đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân, cho nên ngoài các trạm vệ sinh phòng dịch và trạm bảo vệ bà mẹ, trẻ em hiện có, trong năm 1964 và các năm tới phải thành lập xong các trạm chống lao, trạm chống sốt rét, trạm mắt và trạm da liễu ở mỗi tỉnh và thành phố để quản lý, phát hiện đăng ký, theo dõi các bệnh tật nói trên và có kế hoạch phòng bệnh, chữa nội trú, ngoại trú về các bệnh đó cho nhân dân.

Nói chung ở mỗi tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần thành lập các trạm nói trên, riêng về trạm chống sốt rét, trạm mắt thì tuỳ theo tình hình thực tế của mỗi địa phương như miền núi hay miền đồng bằng mà tổ chức cho thích hợp; ở miền núi cần thành lập trạm chống sốt rét, ở miền đồng bằng cần thành lập trạm mắt; còn ở các địa phương mà khối lượng bệnh sốt rét và mắt hột ít thì có thể không thành lập trạm mà nên ghép vào trạm vệ sinh phòng dịch để hoạt động.

(Chi tiết về nhiệm vụ tổ chức, biên chế, trang bị cơ sở cho các trạm nói trên do Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể ở một văn bản khác).

D. TỔ CHỨC, Y TẾ Ở CÁC THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH, CÁC HUYỆN, KHU PHỐ VÀ THỊ XÃ.

a) Vị trí của các phòng Y tế, thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố và thị xã.

- Phòng Y tế các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố và thị xã là do cơ quan chuyên môn của Uỷ ban hành chính đồng cấp, đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính về mọi mặt và chịu sự chỉ đạo của các Sở, Ty Y tế về mặt chuyên môn nghiệp vụ.

- Phòng Y tế các thành phố, các huyện, khu phố và thị xã là một cơ quan quản lý Nhà nước kiêm việc chỉ đạo trực tiếp các bệnh viện, bệnh xá, cửa hàng dược phẩm, các tổ chức phòng bệnh, phòng dịch và các tổ chức chuyên khoa khác thuộc ngành y tế ở mỗi thành phố, mỗi huyện, khu phố và thị xã.

b) Nhiệm vụ, chức trách của Phòng Y tế các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố và thị xã.

1. Bảo đảm thực hiện đúng đắn và đầy đủ các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước về công tác y tế, nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về công tác y tế trong mỗi thành phố thuộc tỉnh, mỗi huyện, khu phố và thị xã, nhằm phục vụ sức khỏe cho công nhân, cán bộ và nhân dân.

2. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, chống dịch, chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, phân phối thuốc, thu mua dược liệu.

3. Tổ chức, thực hiện kế hoạch phòng và chống các bệnh xã hội, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em.

4. Hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ cho các trạm y tế và hộ sinh ở các xã, thị trấn và cơ sở khai hoang.

5. Quản lý toàn diện các bệnh viện, bệnh xá, cửa hàng dược phẩm, các tổ chức phòng bệnh và tổ chức chuyên khoa khác trực thuộc Phòng Y tế.

6. Thống kê tình hình bệnh tật, dịch tễ và thống kê tình hình cán bộ, nhân viên thuộc Phòng Y tế quản lý.

7. Theo dõi giúp đỡ phân hội đông y về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để tăng cường việc kết hợp đông y với tây y trong công tác phòng bệnh và điều trị, quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ các tổ chức y tế tư nhân làm nghề bán thuốc, chữa bệnh v.v…

8. Quản lý tổ chức, cán bộ, nhân viên theo sự uỷ nhiệm của Uỷ ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, huyện, khu phố và thị xã và của Sở, Ty Y tế.

c) Tổ chức bộ máy các Phòng Y tế thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố và thị xã gồm có:

- Tổ làm công tác vệ sinh phòng dịch và các bệnh xã hội.

- Tổ làm công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em.

Riêng về công tác vệ sinh phòng dịch và các bệnh xã hội, thì tuỳ theo hoàn cảnh thực tế của địa phương, có thể thành lập trạm vệ sinh phòng dịch và các bệnh xã hội như: lao, mắt hột, da liễu và sốt rét mà không thành lập tổ.

Các thành phố trực thuộc địa phương, các huyện, khu phố và thị xã nơi nào chưa có bệnh viện, bệnh xá, thì thành lập một tổ khám bệnh, điều trị cấp cứu và đỡ đẻ khó với một số giường bệnh nhất định, để phục vụ sức khỏe cho nhân dân.

Các tổ chức trực thuộc Phòng Y tế các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố và thị xã gồm có:

- Bệnh viện hoặc bệnh xá;

- Trạm vệ sinh phòng dịch và các bệnh xã hội;

- Cửa hàng dược phẩm;

d) Biên chế của Phòng Y tế các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố và thị xã:

1. Phòng Y tế các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố và thị xã, tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương, do một bác sĩ hoặc một y sĩ có khả năng làm trưởng phòng, trực tiếp kiêm bệnh viện trưởng hoặc bệnh xá trưởng và có phó phòng giúp việc, để phụ trách trạm vệ sinh phòng dịch và các bệnh xã hội, hoặc ngược lại tuỳ theo khả năng cán bộ mà phân công cho thích hợp giữa trưởng phòng và phó phòng.

2. Phòng Y tế, không kể đã có bệnh viện, bệnh xá hay chưa chỉ gồm nhân viên chuyên môn kỹ thuật: số người làm công tác vệ sinh, phòng dịch, công tác chuyên khoa, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em, tuyên truyền hướng dẫn sinh đẻ, công tác điều trị cấp cứu và đỡ đẻ khó, tính vào biên chế sự nghiệp y tế, số người làm công tác quản lý, theo dõi phong trào kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kế hoạch chung, tính vào biên chế quản lý Nhà nước.

Phải căn cứ vào khối lượng công tác thực tế và căn cứ vào chỉ tiêu biên chế của Nhà nước mà bố trí cán bộ, nhân viên cho thích hợp, để làm tốt nhiệm vụ (chú ý tăng cường y sĩ, y tá, nữ hộ sinh), tránh lãng phí lao động, nhưng đồng thời tránh gò bó, thiếu người làm việc.

E. TỔ CHỨC Y TẾ CẤP XÃ

- Phương hướng tổ chức, vị trí và nhiệm vụ chức trách của trạm y tế và hộ sinh xã:

- Việc tổ chức màng lưới y tế xã rất quan trọng đối với công tác y tế ở nông thôn để phục vụ tốt sức khỏe cho nhân dân, do đó chủ yếu là phải đẩy mạnh việc củng cố trạm y tế và hộ sinh xã, trước hết phải củng cố chắc chắn các trạm hiện có để bảo đảm hoạt động được thường xuyên, đồng thời phải tích cực phát triển các trạm y tế và hộ sinh ở các xã hiện nay chưa có tiến tới mỗi xã nhất thiết phải có một trạm để đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Mặt khác, cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, nữ hộ sinh và vệ sinh viên cho hợp tác xã và tổ, đội lao động để nâng cao chất lượng công tác y tế cho xã.

Tổ chức y tế cấp xã là bộ phận chuyên môn của Uỷ ban hành chính xã, giúp Uỷ ban hành chính xã thực hiện các chủ trương, kế hoạch công tác y tế trong xã, cụ thể là:

1. Xây dựng kế hoạch công tác vệ sinh, phòng dịch, chống dịch, chữa bệnh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phân phối thuốc.

2. Tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, phòng dịch, chống dịch, phát hiện dịch kịp thời để bao vây và dập tắt dịch; quản lý bệnh tật, điều tra phát hiện bệnh tật nói chung và các bệnh truyền nhiễm, các bệnh xã hội để tổ chức khám bệnh, điều trị, cấp cứu cho nhân dân, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa đông y với tây y.

(Chú ý các vườn trẻ, mẫu giáo, trường học và cơ sở khai hoang).

3. Tăng cường công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em để quản lý thai sản, tổ chức thăm thai, đỡ đẻ và hướng dẫn nuôi con cái hợp vệ sinh.

4. Tuyên truyền nhân dân tham gia phong trào vệ sinh phòng bệnh, vận động và tổ chức các lực lượng đông y, đông dược tham gia công tác phòng bệnh, chữa bệnh trong xã.

5. Bồi dưỡng cán bộ y tế, nữ hộ sinh và vệ sinh viên cho hợp tác xã và tổ, đội lao động.

6. Thống kê tình hình bệnh tật, vệ sinh, phòng dịch, sinh đẻ, chết và dịch tễ để nắm chắc các số liệu và báo cáo lên trên được chính xác.

7. Xây dựng và quản lý tủ thuốc xã, hướng dẫn xây dựng túi thuốc hợp tác xã và túi thuốc tổ, đội lao động; hướng dẫn việc sử dụng các loại thuốc thông thường và trồng cây thuốc.

Trạm Y tế và hộ sinh xã do một y sĩ hoặc y tá xã có khả năng phụ trách trưởng trạm. Số cán bộ y tế xã (y sĩ, y tá, hộ sinh) theo điều kiện hiện nay được quy định mỗi xã từ một đến ba người, cá biệt lắm mới được bốn người (trường hợp quá đông dân và đất rộng).

G. TỔ CHỨC Y TẾ HỢP TÁC XÃ

Mỗi hợp tác xã hình thành một tổ y tế, cử một y tá hoặc nữ hộ sinh làm tổ trưởng với một số cán bộ y tế, vệ sinh viên để làm công tác vệ sinh, phòng bệnh, khám bệnh, phát thuốc, điều trị thông thường, quản lý thai sản, vận động nhân dân thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch ở hợp tác xã, đồng thời thống kê bệnh tật và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho vệ sinh viên ở tổ, đội lao động.

H. TỔ CHỨC Y TẾ TỔ, ĐỘI LAO ĐỘNG.

Mỗi tổ, đội lao động cần bố trí vệ sinh viên để làm nồng cốt cho công tác vệ sinh phòng bệnh, đôn đốc, thúc đẩy tổ, đội mình giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh hàng ngày trong sinh hoạt và sản xuất, phát hiện bệnh tật giúp cho tổ trưởng tổ y tế hợp tác xã có thể quản lý bệnh tật được chặt chẽ.

III. QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

Để đảm bảo tốt công tác, cơ quan y tế của mỗi cấp phải xây dựng nội quy cơ bản trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ chức trách của cơ quan, của mỗi cán bộ, nhân viên, do đó cần chú ý một số điểm sau đây:

- Sở Y tế được sự uỷ nhiệm của Bộ Y tế và Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc của mình và các cơ sở y tế của xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường… của địa phương hoặc của trung ương ở trong phạm vi tỉnh, thành phố. Báo cáo, thỉnh thị về tình hình hoạt động của các cơ sở y tế này đều phải gửi cho Sở, Ty Y tế nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo với Uỷ ban hành chính và Bộ Y tế.

- Riêng các tỉnh thuộc các khu tự trị Tây bắc, Việt bắc, thì Ty Y tế phải báo cáo, thỉnh thị Uỷ ban hành chính tỉnh và Bộ Y tế, đồng thời báo cáo cho Uỷ ban hành chính khu (Ban Y tế); các trường hợp cấp bách như: dịch xảy ra, cấp cứu chuyên gia, các Ty Y tế phải báo cáo, thỉnh thị Uỷ ban hành chính tỉnh, đồng thời điện gấp cho Uỷ ban hành chính khu (ban Y tế) và Bộ Y tế biết để kịp thời giải quyết.

- Các tổ chức trực thuộc của Sở, Ty Y tế (kể cả đơn vị mà Bộ Y tế phân cấp cho địa phương quản lý) phải báo cáo, thỉnh thị Sở, Ty Y tế, không báo cáo thẳng Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành và Bộ Y tế, trừ trường hợp báo cáo thỉnh thị về mặt chuyên môn kỹ thuật, chuyên khoa thì có thể gửi cho các Vụ, Cục, Viện và chuyên khoa ở trung ương, đồng thời gửi cho Sở, Ty Y tế một bản để biết.

- Các bệnh viện thành, tỉnh có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở, Trưởng Ty Y tế chỉ đạo chuyên khoa xuống các tuyến điều trị cấp dưới, nên cần phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng cho các chuyên khoa cấp dưới về mặt tổ chức chuyên môn kỹ thuật, mặt khác các chuyên khoa cấp dưới phải báo cáo, thỉnh thị với các chuyên khoa cấp trên về hoạt động của mình, đồng thời cần phải tạo điều kiện tốt cho chuyên khoa cấp trên xuống hoạt động được thuận lợi.

- Sở, Ty Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, chức trách của mình và căn cứ quyết định, chỉ thị của Uỷ ban hành chính các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Y tế mà ra chỉ thị, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức y tế cấp dưới và các cơ sở y tế khác trong địa phương về mặt chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật để bảo đảm việc chỉ đạo được tập trung và thống nhất.

- Các tổ công tác ở văn phòng Sở, Ty Y tế và ở các cơ sở trực thuộc khác chỉ là một hình thức làm việc, không phải là một cấp hành chính; tổ công tác hoạt động theo phương châm: đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, kết hợp với tập thể để tương trợ nhau, động viên nhau thi đua bảo đảm hoàn thành tốt chương trình công tác của cơ quan. Mỗi tổ công tác có một tổ trưởng phụ trách, do thủ trưởng cơ quan chỉ định, tổ trưởng không có quyền quyết định công tác mà chỉ có trách nhiệm triệu tập sinh hoạt của tổ, bàn bạc với anh em trong tổ về kế hoạch thực hiện công tác của thủ trưởng giao cho mỗi người. Tuỳ theo khả năng, tổ trưởng có thể giúp đỡ anh em trong tổ về mặt chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, chế độ, thể lệ.

Thủ trưởng trực tiếp làm việc với từng cán bộ theo chương trình công tác của cơ quan phân công cụ thể cho mỗi cán bộ, nhân viên theo nội quy đã quy định. Muốn bảo đảm tốt chương trình công tác, thủ trưởng phải khéo sắp xếp công việc cho cán bộ, nhân viên thực hiện, công tác phải có trọng tâm, trọng điểm, phải có yêu cầu về chất lượng, mức độ kết quả, thời gian hoàn thành.

IV. PHƯƠNG CHÂM TIẾN HÀNH

Công tác cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương cần tiến hành một cách toàn diện từ cơ quan Sở, Ty Y tế đến các cơ sở trực thuộc các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố, thị xã và xã, trước hết làm ở các Sở, Ty Y tế rồi dần dần chuyển xuống các cơ sở bên dưới theo từng bước vững chắc nhưng chủ yếu là làm tốt ở cơ quan Sở, Ty Y tế và các Phòng Y tế thành phố, các huyện, khu phố và thị xã.

Liên Bộ yêu cầu Uỷ ban hành chính khu; tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện việc cải tiến tổ chức cơ quan y tế các cấp cho phù hợp với tình hình đặc điểm ở địa phương. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn trở ngại gì, đề nghị phản ánh cho liên Bộ biết để nghiên cứu và góp ý kiến giải quyết.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 
 


Lê Tất Đắc

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 


 

Đinh Thị Cần

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 04-LB-TT năm 1964 hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương do Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 04-LB-TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/02/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Y tế
  • Người ký: Lê Tất Đắc, Đinh Thị Cần
  • Ngày công báo: 11/03/1964
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 10/03/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản