Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-BYT-TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 1964

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THÀNH LẬP CÁC TRẠM DA LIỄU Ở CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Các sở, ty ytế

Thực hiện thông tư liên Bộ Y tế - Nội vụ số 04-LB-TT ngày 24-02-1964 hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương, thông tư này hướng dẫn về việc thành lập các trạm da liễu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một số điểm như sau:

I. NHIỆM VỤ

Trạm da liễu có nhiệm vụ:

1. Giúp việc các Sở, Ty Y tế lập các kế hoạch phòng và chống bệnh ngoài da và hoa liễu, trọng tâm là bệnh phong và tổ chức thực hiện kế hoạch đó: hướng dẫn, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo phong trào phòng và chống bệnh ngoài da và hoa liễu, trọng tâm là bệnh phong.

2. Xây dựng và củng cố tổ chức màng lưới phòng và chống bệnh ngoài da và hoa liễu, trọng tâm là bệnh phong đồng thời hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến dưới và các cơ sở y tế khác trong phạm vi ở mỗi địa phương.

3. Tổ chức điều tra cơ bản tình hình bệnh tật, phân loại, đăng ký, thống kê tỷ lệ, phát hiện nguyên nhân lan truyền bệnh ngoài da và hoa liễu trọng tâm là bệnh phong đồng thời có kế hoạch quản lý bệnh nhân phong đã khỏi được xuất trại.

4. Tổ chức khám bệnh, điều trị ngoại trú bệnh nhân phong thể lành tính và một số bệnh khác chú ý bệnh giang mai, bệnh ngoài da do nghề nghiệp gây ra và phụ trách khám và chữa bệnh cho một số bệnh nhân về da liễu nằm điều trị nội trú trong các bệnh viện.

5. Tuyên truyền giáo dục những kiến thức thông thường, quan niệm mới về bệnh phong và cách đề phòng bệnh phong, bệnh ngoài da và hoa liễu và vận động công nhân, cán bộ và nhân dân tham gia phong trào và chống các bệnh ấy.

6. Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ chuyên khoa về da liễu.

7. Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ tiến hành công tác nghiên cứu khoa học về các bệnh ngoài da và hoa liễu, trọng tâm là bệnh phong.

II. TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

A. Tổ chức

- Trạm da liễu là một đơn vị tổ chức trực thuộc các Sở, Ty Y tế,Chính phủ chịu sự quản lý trực tiếp về mọi mặt của các Sở, Ty Y tế, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của khoa da liễu bệnh viện Bạch Mai trung ương. Riêng hai khu Việt Bắc, Tây Bắc không thành lập trạm da liễu.

- Tổ chức trạm da liễu gồm các bộ phận sau đây:

1. Bộ phận lưu động phụ trách các mặt công tác: hướng dẫn, xây dựng, củng cố tổ chức màng lưới phòng và chống bệnh da liễu, điều tra phát hiện, quản lý bệnh nhân phong, kế hoạch đào tạo cán bộ về chuyên khoa da liễu và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia được tốt.

2. Bộ phận khám bệnh phụ trách các mặt công tác: tổ chức khám bệnh, điều trị ngoại trú và phụ trách khám bệnh và chữa bệnh cho số bệnh nhân da liễu nằm điều trị nội trú trong các bệnh viện đồng thời xét nghiệm vi trùng phong, nấm và huyết thanh.

Và có một, hai cán bộ làm công tác kế hoạch, thống kê và tổng hợp tình hình hoạt động của trạm.

B. Biên chế

- Trạm da liễu do một trạm trưởng phụ trách và một trạm phó giúp việc. Trạm trưởng do Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở, Trưởng hoặc Phó Ty Y tế phụ trách.

- Về biên chế căn cứ vào khối lượng công tác, dân số, địa dư và các điều kiện cần thiết khác ở mỗi địa phương mà quy định cho phù hợp với công tác, nhằm bảo đảm mọi hoạt động của trạm. Bước đầu bố trí tối thiểu như sau: đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc loại lớn thì bố trí hai y, bác sĩ, năm y tá, một xét nghiệm viên, một hộ lý, (các Sở, Ty Y tế căn cứ vào chỉ tiêu biên chế chung phân bổ hàng năm bố trí cho đủ để hoạt động).

Số biên chế cán bộ, nhân viên của trạm da liễu lấy ở các nguồn sau đây:

- Số cán bộ hiện đang theo dõi công tác da liễu ở Văn phòng các Sở, Ty Y tế.

- Một số y bác sĩ hiện đang làm công tác điều trị về da liễu ở các bệnh viện.

Trường hợp còn thiếu thì bổ sung dần cho đủ để hoạt động.

Biên chế phục vụ cho số bệnh nhân da liễu nằm điều trị nội trú trong các bệnh viện do bệnh viện dự kiến và quản lý (số biên chế y tá, hộ lý thuộc vào biên chế của bệnh viện, còn y bác sĩ thuộc biên chế của trạm).

III. CƠ SỞ, TRANG BỊ, KINH PHÍ VÀ CON DẤU CỦA TRẠM

- Nhà cửa, trang bị chuyên môn và các dụng cụ thông thường khác dựa vào cơ sở sẵn có mà hoạt động, trường hợp còn thiếu các Sở, Ty Y tế nghiên cứu đề xuất cụ thể cho sát với tình hình ở mỗi địa phương, do Ủy ban hành chính địa phương cấp. Riêng số thuốc điều trị cho hai bệnh phong và giang mai là hai bệnh xã hội thì hiện nay do Bộ Y tế cấp phát để chữa cho hai bệnh này.

- Về kinh phí cho trạm da liễu hoạt động hàng năm dự trù và ngân sách địa phương.

- Trạm da liễu được sử dụng con dấu riêng để giao dịch. Mẫu dấu do một văn bản khác quy định sau.

IV. QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

- Căn cứ vào chủ trương, kế hoạch của Bộ Y tế và các Sở, Ty Y tế, trạm da liễu có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cho sát với tình hình ở mỗi địa phương, các kế hoạch đó phải được các Sở, Ty Y tế thông qua và ghi vào chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban hành chính địa phương.

- Các Sở, Ty Y tế căn cứ vào kế hoạch đó, trực tiếp chỉ đạo trạm da liễu thực hiện và có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện.

- Các trạm da liễu có nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến dưới và các cơ sở y tế khác trong phạm vi địa phương, đồng thời có kế hoạch cho các cơ sở này củng cố tổ chức màng lưới, quản lý bệnh nhân phong được tốt ở mỗi địa phương.

- Các trạm da liễu cần có chương trình công tác cụ thể để phối hợp chặt chẽ với các trạm chuyên khoa khác để làm tốt công tác chuyên khoa da liễu.

- Các trạm da liễu và các bệnh viện phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác điều trị nội, ngoại trú cho số bệnh nhân da liễu, nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của Bộ và các Sở, Ty Y tế.

- Các trạm da liễu cần quan hệ chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để có biện pháp giúp đỡ phương tiện sinh sống cho các bệnh nhân phong đã khỏi được xuất trại về địa phương làm ăn được tốt.

- Các trạm da liễu có trách nhiệm phản ảnh, báo cáo tình hình hoạt động của mình (thông qua các Sở, Ty Y tế) gửi cho khoa da liễu bệnh viện Bạch Mai được kịp thời và chính xác.

- Các trạm da liễu và các khu điều dưỡng, điều trị về bệnh phong như: Quỳnh Lập (Nghệ An) Văn Môn (Thái Bình), Quả Cảm (Hà Bắc), Phú Bình (Thái Nguyên), Sông Mã (Sơn La) có trách nhiệm quan hệ chặt chẽ với nhau trong công tác với tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa để làm tốt công tác phòng và chống bệnh phong và các bệnh da liễu khác.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu và thực hiện thông tư này, để các trạm da liễu hoạt động càng sớm càng tốt.

Bộ Y tế ủy nhiệm cho Khoa Da liễu bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ.

Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, trở ngại, đề nghị phản ảnh cho Bộ Y tế biết để nghiên cứu bổ sung hoặc sửa đổi cho thích hợp.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Đinh Thị Cần

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16-BYT-TT-1964 hướng dẫn thành lập các trạm da liễu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 16-BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/06/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đinh Thị Cần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 01/06/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản