Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 142-BYT/QĐ

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1974

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ CHO CƠ QUAN Y TẾ CÁC CẤP VÀ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH KIỂM TRA VỀ VỆ SINH THỰC PHẨM VÀ VỆ SINH ĂN UỐNG CÔNG CỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 194-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điểu lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe,
Căn cứ Thông tư số 29-BYT-TT ngày 21-10-1971 của Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thi hành Điều lệ về giữ gìn vệ sinh,
Căn cứ vào Quyết định số 252-NT/LB ngày 09-5-1964 của liên Bộ Nội thương – Y tế ban hành Điều lệ vệ sinh ăn uống công cộng,
Căn cứ Quyết định số 322-YT/LB ngày 09-6-1971 của liên Bộ Y tế - Nội thương ban hành Điều lệ vệ sinh thực phẩm,
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ vệ sinh phòng dịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành ban quy định quyền và nhiệm vụ cho cơ quan y tế các cấp và cán bộ chuyên trách kiểm tra về vệ sinh thực phẩm và vệ sinh ăn uống đối với các cơ sở ăn uống công cộng, các nhà ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và bánh kẹo.

Điều 2. – Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các Quyết định trước đây nếu trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. – Các ông Vụ trưởng Vụ vệ sinh phòng dịch. Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ học, các Sở, Ty y tế, các Trạm vệ sinh phòng dịch có nhiệm vụ thi hành Quyết định này.

 

 

QUYỀN BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Vũ Văn Cẩn

 

QUY ĐỊNH

QUYỀN HẠN CHO CƠ QUA Y TẾ CÁC CẤP VÀ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH KIỂM TRA VỀ VỆ SINH THỰC PHẨM, VỆ SINH ĂN UỐNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142-BYT/QĐ ngày 06-4-1974)

Chương 1:

QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ CHUYÊN TRÁCH

Điều 1. – Các trạm vệ sinh phòng dịch thành, tỉnh, thị xã đều phải có bác sĩ chuyên trách theo dõi về việc vệ sinh thực phẩm và vệ sinh ăn uống. Các trạm vệ sinh phòng dịch, khu phố, huyện xã, nếu không có bác sĩ đảm nhiệm, nhất thiết phải có y sĩ chuyên trách vệ sinh thực phẩm và vệ sinh ăn uống.

Điều 2. – Các bác sĩ chuyên trách về vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ sinh học, Cục ăn uống Bộ Nội thương có trách nhiệm đối với tất cả các cơ sở vệ sinh thực phẩm và ăn uống công cộng trong nước.

Điều 3. – Cán bộ chuyên trách về vệ sinh thực phẩm của các trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh, thành có trách nhiệm đối với các cơ sở thực phẩm và ăn uống trong phạm vi thành phố, tỉnh, thị xã, cán bộ đặc trách ở khu phố hoặc khu vực nào có trách nhiệm đối với các cơ sở ăn uống, sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm trong địa phương do mình phụ trách.

Điều 4. – Cán bộ vệ sinh thực phẩm của phòng y tế huyện có trách nhiệm đối với các cơ sở thực phẩm và ăn uống công cộng thuộc huyện quản lý.

Điều 5. – Cán bộ vệ sinh thực phẩm của ban y tế xã có trách nhiệm đối với các cơ sở thực phẩm và ăn uống công cộng thuộc xã quản lý. Các cán bộ này phải là những cán bộ đã được theo học các lớp về vệ sinh thực phẩm.

Điều 6. – Các cán bộ y tế khi làm công tác kiểm tra vệ sinh thực phẩm phải có giấy giới thiệu chuyên trách kiểm tra vệ sinh thực phẩm do Ủy ban hành chính địa phương mình cấp hoặc giấy ủy nhiệm do cơ quan y tế mà mình trực thuộc cấp.

Giấy giói thiệu chuyên trách kiểm tra so Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh cấp cho cán bộ các cấp (bác sĩ chuyên trách về vệ sinh thực phẩm và ăn uống) của trạm vệ sinh phòng dịch thành phố và tỉnh, thị xã.

Điều 7. – Ngoài số cán bộ được cấp giấy giới thiệu chuyên trách kiểm tra vệ sinh thực phẩm và ăn uống, các cán bộ khác không chuyên về vệ sinh thực phẩm nếu muốn được tham gia kiểm tra phải có giấy giới thiệu khác do sở, ty y tế hoặc trạm vệ sinh phòng dịch địa phương cấp; giấy này chỉ có giá trị trong từng đợt kiểm tra ngắn ngày.

Chương 2:

QUYỀN HẠN CÁC CƠ QUAN ĐƯỢC LẤY MẪU KIỂM NGHIỆM

Điều 8. – Phòng kiểm nghiệm thực phẩm của Viện vệ sinh dịch tễ học và phòng kiểm nghiệm thực phẩm của các trạm vệ sinh phòng dịch thành phố, tỉnh được quyền lấy mẫu kiểm nghiệm về vệ sinh thực phẩm.

- Cơ quan y tế khu, huyện, xã có quyền lấy mẫu và gửi lên các phòng kiểm nghiệm cấp trên khi cần thiết.

Điều 9. – Sau khi có kết quả kiểm nghiệm gửi về các cơ qua chủ quản, nếu có trường hợp khiếu nại về nội dung, phương pháp, kết quả kiểm nghiệm thì cán bộ kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm lại hoặc gửi phiếu kiểm nghiệm lên cấp trên một cấp để kiểm tra lại.

Điều 10. – Khi mẫu hàng đã quá rõ ràng về mặt phẩm chất không tốt, cán bộ kiểm tra về vệ sinh thực phẩm có thể Quyết định hủy bỏ hoặc xử lý và chỉ lấy mẫu để kiểm nghiệm khi cơ sở thực phẩm hay cơ sở ăn uống không thừa nhận thực tế là thực phẩm hỏng.

Chương 3:

THỦ TỤC VÀ PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM

Điều 11. – Mẫu sẽ lấy ở mỗi lô hàng đồng nhất gồm có sản phẩm cùng một tên gọi, cùng một loại phẩm chất và khối lượng đựng trong bao bì cùng một kiểu, một kích thước, sản xuất cùng một ngày theo một quy trình sản xuất ở cùng một cơ sở được giao nhận, kiểm tra cùng một lúc, thời gian và điều kiện bảo quản giống nhau.

Điều 12. – Mẫu lấy được phải đồng nhất và đại diện ở mỗi góc, mỗi chiều sau và trên một số đơn vị càng lớn càng tốt. Lượng lấy phải đủ để có thể chia làm hai phần, một phần gửi đến phòng kiểm nghiệm, một phần giữ lại cho cơ sở thực phẩm là đối chứng.

Điều 13. – Số lượng cần thiết cho kiểm nghiệm bao gồm cho phần lưu mẫu đối chứng ở phòng kiểm nghiệm cho mỗi loại thực phẩm như sau:

- Thịt sống lấy 400g (200g cho kiểm nghiệm vi sinh vật, 200g cho kiểm nghiệm hóa học)

- Thịt đã chế biến, batê, lạp xưởng v.v… lấy 1 phần 100, từ 100 đến 300g

- Cá, chọn mỗi lô từ 3 phần 100 đến 5 phần 100, hoặc mỗi lô từ 3 đến 5 con tối thiểu lấy 500g.

- Mỡ động vật (mỡ ăn) .................................................. lấy 300g

- Ngũ cốc........................................................................ lấy 300g

- Bột ngũ cốc.................................................................. lấy 1000g

- Bánh mỳ trên 200g...................................................... lấy 1 cái

- Gia vị (ớt, hạt tiêu, mì chính)...................................... lấy 50g

- Muối............................................................................. lấy 200g

- Dấm............................................................................... lấy 200ml

- Trứng 50g/quả.............................................................. lấy 3 đến 5 quả

- Mỳ, miến...................................................................... lấy 500g

- Sữa tươi, tối thiểu........................................................ lấy 250g

- Sữa hộp, sữa bột (hộp)................................................. lấy 1 đến 3 hộp

- Sữa bột (túi)................................................................. lấy 1 đến 3 túi

- Đồ hộp ở xí nghiệp sản xuất........................................ lấy 0.5 đến 1 phần 1000 có thể lấy tối thiểu 10 hộp (5 kiểm nghiệm vi sinh vật, 5 cho kiểm nghiệm hóa học).

- Đồ hộp ở nơi phân phối............................................... lấy 8 hộp (4 cho kiểm nghiệm vi sinh vật, 4 cho kiểm nghiệm hóa học)

- Nếu có những hộp trên 1kg thì lấy 1 – 3kg

- Nước hoa ở xí nghiệp.................................................. lấy 0.5 – 1 phần 1000

- Nước hoa ở cửa hàng tiêu thụ:

dưới 250 hòm (1 hòm x 12 chai).................................. lấy 5 – 7 chai

trên 250 hòm.................................................................. lấy 10 chai

- Rượu............................................................................. lấy 1 lít

- Bia................................................................................. lấy 2 lít

- Kem, nước đá............................................................... lấy 1 lít hoặc 1kg

- Đường, mật, kẹo........................................................... lấy 250g

- Chè................................................................................ lấy 50g

- Càphê, sôcôla, cacao................................................... lấy 50g

- Rau, quả, nấm............................................................... lấy 500g

- Đồ vật bằng cao su, nhựa tổng hợp dùng để bao gói thực phẩm lấy 250g

Những loại thực phẩm không có ghi trong bảng này thì so sánh nếu giống nhau về tính chất sẽ lấy tương đương với các loại thực phẩm ghi ở trên

Điều 14. – Giá trị về tiền của mẫu những thực phẩm do cơ sở có thực phẩm chịu

Điều 15. – Trường hợp cơ sở yêu cầu cơ quan y tế kiểm nghiệm mặt hàng thì cơ sở đó phải thanh toán phí hóa chất.

Điều 16. – Khi lấy mẫu phải lập biên bản, ghi rõ:

- Tên… chức vụ… cơ quan… (của người đi lấy mẫu),

- Tên cơ sở, địa chỉ cơ sở có mẫu,

- Tình hình vệ sinh sơ bộ của cơ sở,

- Các mặt hàng và số lượng từng loại đã được lấy mẫu (theo điều 13 chương III),

- Những người chứng kiến việc lấy mẫu,

- Chữ ký của người lấy mẫu và đại biểu của cơ sở có hàng lấy mẫu kiểm nghiệm.

Biên bản làm thành 3 bản:

- 1 giao cho người quản lý cơ sở thực phẩm,

- 1 giao cho cơ qua lấy mẫu,

- 1 gửi kèm theo mẫu thực phẩm đến phòng kiểm nghiểm.

 

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN

UBHC...............

Số: ....................

VIỆT NAM DÂN CHỦ CÔNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

 

Text Box: Ảnh 3x4 GIẤY CHỨNG NHẬN

Đuợc quyền kiểm tra về vệ sinh thực phẩm, ăn uống

Cấp cho ông, bà................................ là............................................ thuộc cơ quan

Được quyền kiểm tra thường xuyên, lập biên bản và kiến nghị những biện pháp xử lý về mặt vệ sinh ở các cơ sở, chế biến, đóng gói, dự trữ, chuyên chở, phân phối các loại lương thực, thực phẩm, các cửa hàng ăn uống quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân trong phạm vi.

Những cơ sở được kiểm tra có trách nhiệm tạo môi điều kiện giúp đỡ ông, bà …………………….làm tròn nhiệm vụ.

Chữ ký người được cầp giấy

 

 

Ngày tháng năm

Chủ tịch

 UBHC:..................................

Ghi chú: Nghiêm cấm sử dụng giấy này vào lợi ích cá nhân. Khi thay đổi nhiệm vụ, người được cấp giấy phải nộp lại giấy chứng nhận này cho cơ quan cấp giấy.

Giấy chứng nhận này sẽ in theo kiểu chứng minh thư có ảnh dán và có dấu nổi của Ủy ban hành chính địa phương.

Chương 4:

XỬ LÝ ĐỐI VỚI THỰC PHẨM VÀ CƠ SỞ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM

Điều 17. – Các thực phẩm phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Không có các loại vi trùng gây bệnh và độc tố của chúng;

2. Không có các tạp chất bình thường (sạn, cát, v.v …) quá mức quy định cho từng loại thực phẩm;

3. Không có các loại ký sinh trùng động vật (dòi, bọ, mọt, sâu) hoặc ký sinh trùng thực vật (nấm, mốc);

4. Không có độc tố cấm dùng trong thực phẩm và hóa chất dùng liều độc. Ví dụ: phẩm màu không được dùng phẩm nhuộm cho vào thực phẩm;

5. Không ôi thiu;

6. Không có xác chết của các loại côn trùng (gián, ruồi, nhặng) và xác động vật (chuột, v.v…).

Điều 18. – Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, nếu xác định không đảm bảo tiêu chuẩn phẩm chất thực phẩm thì phải tiến hành xử lý.

Điều 19. – Hình thức xử lý:

1. Chế biến lại sẽ cho tiêu thụ, ví dụ: nấu chín lại, đun sôi, ninh nhừ, v.v… tùy theo các loại thực phẩm;

2. Dùng làm thức ăn cho súc vật;

3. Dùng làm nguyên liệu cho kỹ nghệ khác ngoài kỹ nghệ thực phẩm;

4. Phá hủy, chôn sau khi đã làm biến chất bằng cách cho vôi bột và thuốc sát trùng vào.

Điều 20. – Khi tiến hành xử lý phải có mặt của đại diện cơ quan y tế và đại diện của chính quyền hoặc công an địa phương và đại diện của cơ sở có thực phẩm bị xử lý.

Điều 21. – Sau khi xử lý xong phải lập biên bản thành 3 bản:

- 1 bản lưu ở cơ sở thực phẩm,

- 1 bản do Trạm vệ sinh phòng dịch địa phương giữ,

- 1 bản do chính quyền địa phương hoặc công an địa phương giữ.

Các đại diện củ các cơ quan có mặt cùng ký tên vào các biên bản.

Điều 22. – Những hình thức và biện pháp xử lý thực phẩm còn nghi không đủ tiêu chuẩn phẩm chất do trạm vệ sinh phòng dịch đề nghị lên sở, ty y tế địa phương Quyết định. Loại thực phẩm này tạm thời đình chỉ tiêu thụ để chờ xét nghiệm.

Đề nghị xử lý của cơ quan y tế phải có kèm theo kết luận của việc điều tra thực tế, hoặc kết quả phân tích của phòng kiểm nghiệm đó giải thích rõ ràng.

Điều 23. – Trường hợp có khiếu nại thì phải xin cơ quan y tế trên một cấp có ý kiến Quyết định.

Điều 24. – kết luận của Viện vệ sinh dịch tễ học được Bộ Y tế thông qua là kết luận cuối cùng.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. – Đối với các cơ sở ăn uống công cộng và sản xuất chế biến thực phẩm, các cán bộ, công nhân, viên chức, các cá nhân buôn bán thực phẩm nếu vi phạm điều 11 chương IV trong Điều lệ giữ gìn vệ sinh sức khỏe của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 31-12-1964, tiêu thụ các thức ăn ôi hỏng, sử dụng những chất cấm không cho vào thực phẩm, hoặc tình trạng vệ sinh ở các cơ sở ăn uống, sản xuất, chế biến thực phẩm quá kém thì trạm vệ sinh phòng dịch các tỉnh, thành, cấp tương đương, sau khi đã kiểm tra và có kết luận, tùy theo mức độ vi phạm luật lệ sẽ đề nghị hình thức kỷ luật.

Các hình thức kỷ luật gồm có:

1. Phê bình, cảnh cáo,

2. Tịch thu thực phẩm để tiêu hủy,

3. Phạt vi cảnh,

4. Đóng cửa tạm thời để chấn chỉnh tình trạng vệ sinh, hoặc đóng cửa hẳn,

5. Đối với cá nhân vi phạm luật lệ có thể cho chuyển công tác hoặc cho thôi việc, hoặc bị truy tố trước tòa án.

Điều 26. – Thủ trưởng các cơ quan y tế, các cán bộ trực tiếp kiểm tra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những kết luận, biện pháp xử lý của mình đối với các cơ sở thực phẩm.

Điều 27. – Các cán bộ được ủy quyền làm công tác kiểm tra vệ sinh thực phẩm và vệ sinh ăn uống công cộng phải giữ bí mật những số liệu, tình hình kho tàng v.v.. do cơ sở ăn uống cung cấp.

Điều 28. – Các cán bộ y tế: y bác sĩ được phân công chuyên trách kiểm tra vệ sinh thực phẩm phải quán triệt nhiệm vụ và quyền hạn của mình, phải liêm khiết, chí công vô tư.

Trong khi kiểm tra phải có thái độ đúng đắn, tạo mọi điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở được kiểm tra thực hiện tốt vấn đề về vệ sinh theo các văn bản của Nhà nước đã ban hành.

Nghiêm cấm các cán bộ được quyền kiểm tra lợi dụng quyền hạn và nhiệm vụ để phục vụ lợi ích cá nhân; nếu vi phạm các điều trên sẽ bị nghiêm trị theo luật pháp hiện hành.

Điều 29. – Những cơ quan, đơn vị nào không kể vì lý do nào đó gây khó khăn cho các cán bộ đi kiểm tra vệ sinh thực phẩm và vệ sinh ăn uống công cộng trong lúc thi hành nhiệm vụ thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc làm của mình. Ủy ban hành chính địa phương sẽ căn cứ vào đề nghị của cơ sở y tế, tùy theo mức độ của sự việc, thi hành các hình thức kỷ luật thích đáng từ phê bình, cảnh cáo đến đưa ra tòa án để truy tố theo luật lệ hiện hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 142-BYT/QĐ năm 1974 về bản quy định quyền hạn, nhiệm vụ cho cơ quan y tế các cấp và cán bộ chuyên trách kiểm tra về vệ sinh thực phẩm và vệ sinh ăn uống công cộng do Bộ trưởng Bộ Y Tế ban hành.

  • Số hiệu: 142-BYT/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/04/1974
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Vũ Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản