Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2005/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 2005

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 13/2005/TT-BLĐTBXH NGÀY 25 THÁNG 02 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 187/2004/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHUYỂN CÔNG TY NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

Thi hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định 187/2004/NĐ-CP); sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này được áp dụng đối với người lao động đang làm việc tại công ty Nhà nước không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hoá quy định tại Điều 2 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP.

2. Công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa mọi nghĩa vụ đối với người lao động theo Khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP bao gồm toàn bộ những nội dung đã giao kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể (nếu có) giữa người sử dụng lao động với người lao động và các nghĩa vụ khác đã được pháp luật quy định.

3. Thời gian được tính để chia số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi bằng tiền theo quy định tại Điều 15 và tài sản dùng cho sản xuất kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi quy định tại Khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP là thời gian thực tế người lao động đã làm việc trong doanh nghiệp đó đến thời điểm có quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp.

4. Người lao động được mua cồ phần ưu đãi theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP là người có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá, bao gồm: người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chờ việc theo quyết định của giám đốc doanh nghiệp; công nhân, viên chức được tuyển dụng vào làm việc trước ngày 30/8/1990 (thời điểm có hiệu lực thi hành Pháp lệnh hợp đồng lao động) mà chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động.

5. Thời gian được tính để mua cổ phần theo giá ưu đãi là tổng thời gian (không kể tháng lẻ) đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đến thời điểm cổ phần hoá, kể cả thời gian người lao động đã nhận trợ cấp mất việc, thôi việc, hưởng chế độ xuất ngũ hoặc phục viên.

6. Thời gian làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc theo Khoản 4 Điều 37 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (trừ thời gian người lao động đã nhận trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, hưởng chế độ xuất ngũ hoặc phục viên).

7. Ngoài thời gian người lao động đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp quy định tại điểm 5, 6 mục I Thông tư này, nếu có những thời gian quy định tại điểm d, Khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003 thì cũng được tính là thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

8. Thời gian làm việc có tháng lẻ được quy định như sau:

- Dưới 01 tháng không được tính.

- Từ đủ 01 tháng đến 06 tháng được tính bằng 06 tháng làm việc.

- Từ đủ 06 tháng đến 12 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

9. Thời điểm cổ phần hoá là thời điểm có quyết định của cấp có thẩm quyền cho doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá.

II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI THỜI ĐIỂM DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cổ phần hoá doanh nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá cùng Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của doanh nghiệp lập phương án về lao động (trong phương án cổ phần hoá), trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 40 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và giải quyết chế độ cho người lao động như sau:

1. Lập phương án lao động

a. Lập danh sách lao động của doanh nghiệp cổ phần hoá tại thời điểm cổ phần hoá theo biểu mẫu số 1 kèm theo Thông tư này, bao gồm:

- Lao động không thuộc đối tượng ký hợp đồng lao động (Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng);

- Lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn (bao gồm cả lao động tuyển dụng trước ngày 30/8/1990 nhưng doanh nghiệp chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động);

- Lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng;

- Lao động làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

b. Lập danh sách lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hiện hành;

c. Lập danh sách lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm cổ phần hoá;

d. Lập danh sách lao động không bố trí được việc làm tại thời điểm cổ phần hoá thuộc diện sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó có cả danh sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung) và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung;

đ. Lập danh sách lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần, bao gồm:

- Số lao động mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn;

- Số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn;

- Số lao động có điều kiện về tuổi đời, sức khoẻ thuộc diện đi đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần theo nhu cầu của công ty;

- Danh sách lao động từ tiết a đến tiết đ trên đây do doanh nghiệp tự lập và tổng hợp vào phương án lao động theo biểu mẫu số 2 kèm theo Thông tư này.

2. Giải quyết chính sách đối với người lao động

a. Đối với người lao động đủ điều kiện nghỉ theo chế độ hưu trí quy định tại tiết b điểm 1 phần II của Thông tư này thì Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội (gọi tắt là cơ quan bảo hiểm xã hội) giải quyết mọi quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.

b. Các trường hợp hết hạn hợp đồng lao động theo tiết c điểm 1 phần II thì Giám đốc doanh nghiệp giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động và có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.

c. Đối với số lao động không bố trí được việc làm theo quy định tại tiết d điểm 1 phần II thì giải quyết như sau:

c1. Đối với doanh nghiệp cổ phần hoá có quyết định cổ phần hoá từ ngày 31/12/2005 trở về trước:

+ Người lao động dôi dư thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung nói trên;

+ Người lao động không thuộc đối tượng của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc theo quy định của pháp luật lao động và được hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hoặc Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để giải quyết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

c2. Đối với doanh nghiệp Nhà nước có quyết định cổ phần hoá sau ngày 31/12/2005, các quyền lợi của người lao động không bố trí được việc làm được giải quyết theo quy định của pháp luật lao động.

d. Đối với người lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo tiết đ điểm 1 phần II thì các doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm lập danh sách và làm thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội (nếu chưa cấp sổ) theo quy định và chuyển danh sách cùng hồ sơ của người lao động mà doanh nghiệp đang quản lý cho Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc công ty cổ phần.

đ. Doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ về bảo hiểm xã hội đối với cơ quan bảo hiểm xã hội và thanh toán các khoản nợ với người lao động trước khi chuyển sang công ty cổ phần hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

III. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI DOANH NGHIỆP ĐÃ CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

1. Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty cổ phần có trách nhiệm

a. Tiếp nhận số lao động quy định tại tiết đ điểm 1 phần II của Thông tư này và toàn bộ hồ sơ có liên quan của người lao động chuyển sang.

b. Tiếp tục thực hiện những cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể đã được ký kết trước đó với người lao động theo quy định của pháp luật.

c. Tổ chức đào tạo lại nghề cho người lao động thuộc diện đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần.

d. Đối với những người lao động được công ty cổ phần tuyển dụng mới thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Chính sách đối với người lao động mất việc làm

2.1. Người lao động mất việc làm trong 12 tháng kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp do thực hiện cơ cấu lại theo tiết a Khoản 8, Điều 36 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP được giải quyết như sau:

a. Đối với người lao động bị mất việc làm từ ngày 31/12/2005 trở về trước:

- Người lao động thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng chính sách đối với lao động dôi dư được quy định cụ thể tại Nghị định này và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nguồn chi trả các chính sách này do Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư hỗ trợ.

- Các đối tượng lao động mất việc, thôi việc còn lại được hưởng trợ cấp mất việc, thôi việc theo quy định của pháp luật lao động. Kinh phí hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điều 35 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP.

b. Đối với người lao động bị mất việc làm sau ngày 31/12/2005:

Trong 12 tháng kể từ ngày Công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu có nhu cầu tổ chức lại sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ dẫn đến người lao động từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang bị mất việc làm hoặc thôi việc, kể cả người lao động tự nguyện thôi việc, thì người lao động được giải quyết trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động; hoặc trợ cấp thôi việc theo Khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động.

Nguồn chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc được hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá doanh nghiệp, hoặc quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp quy định tại Điều 35 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và Mục VI (quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hoá) của Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP.

2.2. Trường hợp người lao động từ công ty Nhà nước chuyển sang công ty cổ phần bị mất việc làm hoặc thôi việc trong thời gian từ năm thứ 2 đến hết năm thứ 5 kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì người lao động được trợ cấp mất việc làm theo Điều 17 hoặc trợ cấp thôi việc theo Điều 42 của Bộ luật Lao động. Công ty cổ phần có trách nhiệm thanh toán 50% tổng mức trợ cấp trên theo quy định của Bộ luật Lao động, số còn lại được thanh toán từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá công ty Nhà nước, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP. Hết thời hạn trên công ty cổ phần có trách nhiệm thanh toán toàn bộ trợ cấp thôi việc hoặc mất việc cho người lao động kể cả thời gian trước đó người lao động đã làm việc cho khu vực Nhà nước.

3. Chính sách đối với người lao động thuộc diện đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần

a. Trong thời gian đào tạo lại nghề, công ty cổ phần tiếp tục trả lương cho người lao động theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn 70% mức lương ghi trong hợp động lao động đã được ký kết. Trường hợp 70% mức lương ghi trong hợp đồng lao động mà thấp hơn mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu, thì trả bằng mức lương tối thiểu đó.

b. Công ty cổ phần tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian đào tạo nghề theo quy định của pháp luật (theo mức lương thoả thuận ghi trong hợp đồng học nghề).

c. Thủ tục về hợp đồng học nghề thực hiện theo quy định của pháp luật.

d. Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo lại nghề thực hiện theo quy định tại tiết b Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về tiết b điểm 1 Mục VI của Thông tư số 126/2004/TT-BTC nói trên.

đ. Sau thời gian đào tạo lại nghề công ty cổ phần có trách nhiệm bố trí việc làm cho người lao động. Người lao động được đào tạo lại nghề nếu không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí đào tạo và các khoản khác nếu có.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá cùng Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp có trách nhiệm: xây dựng phương án sắp xếp lao động, xác định số lao động cần thiết theo yêu cầu của sản xuất kinh doanh, xác định số lao động không bố trí được việc làm, số lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm có quyết định cổ phần hoá, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giải quyết các chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày giải quyết xong các chính sách đối với người lao động, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần cho các cơ quan có thẩm quyền (mẫu số 3 đính kèm). Báo cáo làm thành 8 bản gửi: Cơ quan phê duyệt phương án cổ phần hoá; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ; Bộ Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp; Công đoàn ngành, Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội; một bản lưu tại doanh nghiệp.

2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động trước và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng công ty Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan đối với người lao động và tổng hợp tình hình báo cáo về Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 15/2002/TT-BLĐTBXH ngày 23/10/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty Cô phần

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phán ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

Mâu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2005/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 02 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần

TÊN CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN

TÊN DOANH NGHIỆP

DANH SÁCH NGƯỜI LAO ĐỘNG

CỦA DOANH NGHIỆP TẠI THỜI ĐIỂM CỔ PHẦN

STT

Họ và tên

Tuổi

Chức danh công việc đang làm

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ

HĐLĐ

đang thực hiện

Hệ số lương đang hưởng

Ngày tháng năm tuyển dụng

Tổng số năm trong KV Nhà nước

Nơi ở hiện tại

Nam

Nữ

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

Người lập biểu

............., ngày...... tháng......năm........
Giám đốc doanh nghiệp
(Ký tên, đóng dấu)

Hướng dẫn ghi biểu:

Cột 6: - Nếu là viên chức thì ghi trình độ đào tạo và ngành chuyên môn

- Nếu là công nhân thì ghi nghề và bậc thợ

Cột 7: - Nếu thuộc loại HĐLĐ không xác định thời hạn: Ghi ký hiệu A.

- Nếu thuộc loại HĐLĐ xác định thời hạn từ 1-3 năm: Ghi ký hiệu B.

- Nếu thuộc loại HĐLĐ dưới 1 năm: Ghi ký hiệu C.

Mâu số 2: Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2005/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 02 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần

TÊN CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN

TÊN DOANH NGHIỆP

PHƯƠNG ÁN LAO ĐỘNG

Đơn vị tính: Người

STT

Nội dung

Tổng số

Ghi chú

I

Tổng số lao động tại thời điểm có quyết định CPH, chia ra:

- Lao động không thuộc diện ký HĐLĐ (GĐ, PGĐ, KTT)

- Lao động tuyển dụng trước ngày 30/8/1990

- Lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn

- Lao động làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng

- Lao động làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng

II

Số người lao động sẽ nghỉ việc khi có quyết định chuyển thành công ty cổ phần

1

Số lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hiện hành

- Theo NĐ 12/CP ngày (26/1/1995)

- Theo NĐ 01/2003/NĐ-CP (09/01/2003)

- Theo NĐ 41/2002/NĐ-CP (11/4/2002)

2

Số lao động sẽ chấm dứt HĐLĐ. Chia ra:

- Hết hạn HĐLĐ

- Tự nguyện chấm dứt HĐLĐ

- Lý do theo quy định PL

3

Lao động chờ nghỉ việc theo quyết định của Giám đốc

4

Số lao động không bố trí được việc làm tại thời điểm CPH. Chia ra:

- Số LĐ thực hiện theo NĐ 41/2002/NĐ-CP

- Số LĐ thực hiện theo Bộ luật Lao động

III

Số lao động còn hạn HĐLĐ sẽ chuyển sang công ty CP

1

Số lao động mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn.

2

Số lao động nghỉ theo 3 chế độ BHXH. Chia ra

- Ốm đau

- Thai sản

- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

3

Số LĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Chia ra:

- Nghĩa vụ quân sự

- Nghĩa vụ công dân khác

- Bị tạm giam tạm giữ

- Do 2 bên thoả thuận (không quá 3 tháng)

4

Số LĐ không bố trí được việc làm, nhưng có đủ điều kiện về tuổi đời, sức khoẻ cần đi đào tạo để tiếp tục làm việc ở công ty CP

(theo nhu cầu của công ty)

Người lập biểu

........., ngày... tháng..... năm....
Giám đốc doanh nghiệp
(Ký tên, đóng dấu)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần do Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 13/2005/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/02/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản