Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 661/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 21-NQ/TU NGÀY 27/10/2022 CỦA TỈNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG VÀ HIỆN ĐẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 56/TTr-SNN ngày 20/3/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 21-NQ/TU NGÀY 27/10/2022 CỦA TỈNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG VÀ HIỆN ĐẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 21-NQ/TU).

2. Gắn các nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TU với các nhiệm vụ của Chương trình hành động số 40-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 10075/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 48-CTr/TU ngày 30/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 1065/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2025:

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 của ngành nông nghiệp đạt 4,5-5%/năm. Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35-36,5% cơ cấu kinh tế của tỉnh; cơ cấu khu vực nông lâm nghiệp thủy sản: nông nghiệp 97-98%; lâm nghiệp 1,0-1,5%; thủy sản 1,0-1,5% (trong đó, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt 75-78%, chăn nuôi 18-20%, dịch vụ 4-5%). Năng suất lao động nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5-6%/năm.

b) Giá trị sản xuất bình quân 260 triệu đồng/ha/năm1 (giá trị thu nhập bình quân trên 90 triệu/ha/năm); trong đó, diện tích kém hiệu quả giảm xuống dưới 5%. Có trên 25% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có ít nhất 1.000 ha nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; 1.600 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

c) Toàn tỉnh có trên 100.000 ha và 10% đàn vật nuôi được chứng nhận sản xuất an toàn, bền vững; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm và 99% nông sản được kiểm nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

d) Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đến năm 2025, có 265 chuỗi liên kết với trên 26.700 hộ tham gia, nâng tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 50% giá trị nông sản toàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt; hình thành các trung tâm sau thu hoạch gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

đ) Tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt trên 80%, trong đó chế biến đạt trên 25%; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm dưới 13%. Trên 70% các cơ sở chế biến xuất khẩu áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, FSSC, 5S…)

c) Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng, điển hình của từng địa phương, có ít nhất 250 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 20 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia.

d) Giá trị xuất khẩu hàng năm tăng từ 8-10%; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 600 triệu USD, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt từ 30%.

đ) Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 74 triệu đồng, gấp 02 lần so với năm 2020; trong đó, thu nhập người vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng 60% thu nhập bình quân toàn tỉnh.

e) Hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi và hạ tầng chế biến sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo trên 87% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được cứng hóa; 70% diện tích canh tác được tưới.

g) Tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp một cách toàn diện, đồng bộ từ quản lý đến tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

2. Định hướng đến năm 2030:

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2025-2030 của ngành nông nghiệp đạt 4,0 - 4,5%/năm. Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,06%2 cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năng suất lao động nông lâm thủy sản tăng bình quân 6,0-6,5%.

b) Giá trị sản xuất bình quân 300 triệu đồng/ha/năm (giá trị thu nhập đạt bình quân trên 150 triệu/ha/năm3); trong đó, diện tích kém hiệu quả giảm xuống dưới 2%. Có trên 30% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có ít nhất 3.000 ha nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; trên 50% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về an toàn thực phẩm, bền vững. Đến 2030, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt trên 90%, trong đó chế biến đạt trên 35%; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm dưới 10%.

c) Có 300 chuỗi liên kết; có ít nhất 300 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia.

d) Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng năm đạt 10-12%; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 700 triệu USD.

đ) Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 110 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập người vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng 75% thu nhập bình quân toàn tỉnh.

e) Hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi và hạ tầng chế biến sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo trên 90% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được cứng hóa; 75% diện tích canh tác được tưới.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết:

a) Các sở ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt tới cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhận thức đầy đủ chủ trương chính sách trong phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững hiện đại để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung nghị quyết đã đề ra.

b) Xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phổ biến phù hợp từng đối tượng, lồng ghép các chương trình đào tạo, huấn luyện để chuyển giao khoa học kỹ thuật, chủ trương chính sách, định hướng trong phát triển nông nghiệp tới người sản xuất trong toàn tỉnh.

2. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng cho thị trường, gia tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích:

Từng địa phương tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất, phân loại sản phẩm nông nghiệp theo các nhóm ngành hàng để xây dựng kế hoạch sản xuất và chính sách phát triển cho từng sản phẩm phù hợp; lấy giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp để đánh giá hiệu quả sản xuất; khai thác tối đa các lợi thế sẵn có để tạo thêm các nguồn thu khác trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, cụ thể:

a) Phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh:

- Cây rau, hoa: Ổn định trong khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận với quy mô 36.000 ha, tăng thêm khoảng 4.000 ha sản xuất rau tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm trên cơ sở chuyển đổi một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp hơn sang trồng rau (như diện tích cà phê kém hiệu quả, diện tích đất lúa 1 vụ). Tiếp tục ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong canh tác rau hoa, đặc biệt là các công nghệ tự động trong chăm sóc, công nghệ canh tác bằng giá thể, thủy canh, khí canh để khai thác tối ưu giá trị tài nguyên, lợi thế về điều kiện khí hậu, thời tiết của địa phương. Ổn định hệ số sử dụng đất trong canh tác rau hoa mở mức 3,0 đến 3,5 lần nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. Vận động người dân cải tạo, sửa chữa nhà kính theo tiêu chuẩn quy định, riêng các phường trong khu vực nội ô của Đà Lạt vận động người dân chuyển đổi sang canh tác các giống rau, hoa ngoài trời, kết hợp phát triển du lịch canh nông để phấn đấu đến năm 2030 không còn nhà kính trong khu vực nội ô; khuyến khích phát triển mới diện tích nhà kính ở khu vực phù hợp trong vùng phụ cận của Đà Lạt (không quá 20% diện tích đất nông nghiệp) và quá trình đầu tư xây dựng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường, đặc biệt là hệ thống thoát nước và trồng cây che bóng.

Trên cây rau: Ưu tiên phát triển các giống rau chất lượng cao, sản xuất đảm bảo chứng nhận (GAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm), phù hợp với xu hướng của thị trường; thực hiện sơ chế, đóng gói, dán nhãn sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đến năm 2025, diện tích canh tác rau khoảng 32.000 ha4, trong đó có 90% diện tích ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích gieo trồng rau 89.147 ha, sản lượng 3,6 triệu tấn; trong đó xuất khẩu 1,5% sản lượng; có 3.500 ha rau được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn, 250 ha được chứng nhận canh tác hữu cơ, 20 % sản lượng rau được sơ chế, chế biến; giá trị sản xuất trung bình 820 triệu đồng/ha/năm; đến năm 2030, diện tích canh tác ổn định khoảng 37.000 ha và sản lượng đạt khoảng 3,96 triệu tấn; giá trị sản xuất trung bình 990 triệu đồng/ha/năm.

Trên cây hoa: Tiếp tục duy trì diện tích các loại hoa chủ lực của tỉnh như cúc, đồng tiền, lay ơn, hồng; mở rộng diện tích trồng hoa các vùng phụ cận của Đà Lạt; đến năm 2025, diện tích trồng hoa toàn tỉnh đạt 4.000 ha (tăng 630 ha) tập trung ở địa bàn các huyện, thành phố: Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; trong đó, có 240 ha ứng dụng công nghệ thông minh và 95% diện tích ứng dụng công nghệ cao; tổng sản lượng hoa năm 2025 phấn đấu đạt gần 6,9 tỷ cành, riêng hoa chậu, hoa trồng trên giá thể tăng 30% sản lượng so với năm 2022; giá trị sản xuất trung bình đạt 4,8 tỷ đồng/ha vào năm 2025 và trên 6 tỷ đồng/ha vào năm 2030.

Đến năm 2025, có 08 vùng sản xuất rau và 04 vùng sản xuất hoa được chứng nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 20 doanh nghiệp, hợp tác xã được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành được 04 vùng nông nghiệp sinh thái.

- Cà phê: Đến năm 2025, duy trì diện tích cà phê khoảng 170.000 ha, đến năm 2030 giảm dần và duy trì ổn định khoảng 165.000 ha, sản lượng đạt từ 550.000 đến 560.000 tấn/năm. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống sang các loại cà phê chè chất lượng cao ở những khu vực có điều kiện phù hợp kết hợp tái canh cải tạo giống cà phê già cỗi, năng suất thấp; tiếp tục phát triển thêm 3.200 ha cà phê chè (Bourbone, Typica, Moka, THA 1), tăng diện tích cà phê chè lên 20.000 ha vào năm 2030; diện tích cà phê vối đến năm 2030 còn 145.000 ha; đồng thời, thực hiện giải pháp tái canh, ghép cải tạo khoảng 29.400 ha trong giai đoạn 2022-2025 để tăng năng suất cà phê bình quân lên 35 tạ/ha (năm 2025) đến 36 tạ/ha (năm 2030). Tiếp tục thực hiện canh tác cà phê theo các tiêu chuẩn bền vững (UTZ, 4C, Rainforest, hữu cơ,..), thực hiện các giải pháp trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích với mật độ phù hợp, phấn đấu có 50% diện tích cà phê được che bóng. Phát triển đồng bộ các công trình thủy lợi đầu nguồn, kết hợp hệ thống ao hồ nhỏ và công nghệ tưới tiết kiệm để đảm bảo đủ nước tưới trong mùa khô. Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong canh tác để cà phê chín tập trung, kết hợp cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản nhằm giảm chi phí nhân công, giảm tỷ lệ tổn thất xuống dưới 10% nâng cao chất lượng cà phê nhân; giá trị sản xuất cà phê đạt bình quân trên 146 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025 và 154 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.

- Cây ăn quả, cây đặc sản: Tiếp tục chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng chuyên canh các giống cây ăn quả và cây đặc sản, kết hợp phát triển mô hình trồng xen giữa cây công nghiệp và cây ăn quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đến năm 2025, phát triển thêm 18.500 ha cây ăn quả, gồm: sầu riêng, chuối, bơ, chanh dây; trong đó tập trung trên địa bàn 3 huyện phía nam (sầu riêng), Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà. Đối với khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận, tiếp tục duy trì và cải tạo giống một số cây đặc sản như hồng ăn trái (2.500 ha, tập trung khu vực Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương), chuối La ba (2.000 ha, các khu vực Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông); ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc cấp mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng, ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là trên các sản phẩm sầu riêng, bơ.

- Dược liệu: Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng trồng gắn với chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh với diện tích từ 1000 ha (năm 2025) - 1.300 ha (năm 2030); trong đó, chú trọng phát triển vùng trồng gắn với liên kết trong sản xuất và chế biến. Khuyến khích phát triển dược liệu dưới tán rừng nhằm tạo nguồn thu ổn định phục vụ cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng và giá trị môi trường của rừng gắn với phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Thực hiện có hiệu quả các chính sách trong thu hút đầu tư, chính sách phát triển sản phẩm OCOP để khuyến khích phát triển chế biến tinh chế dược liệu, hỗ trợ sáng chế các sản phẩm mới, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên phục vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

- Bò sữa: Mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa tại các địa phương có tiềm năng lợi thế, gồm: các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; duy trì các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; nhân rộng mô hình liên kết trong chăn nuôi bò sữa giữa Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam với người chăn nuôi bò sữa tại huyện Cát Tiên, Di Linh và các địa phương có điều kiện phát triển; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa với đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sữa có công suất trên 200 tấn sữa/ngày và nhà máy chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi; phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đạt 35 ngàn con, sản lượng sữa đạt trên 135 ngàn tấn/năm, đến năm 2030 tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đạt 48 ngàn con, sản lượng sữa đạt trên 194 ngàn tấn/năm.

- Sản xuất giống invitro: Khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng, đặc biệt là các giống rau, hoa. Thực hiện thu hút đầu tư các dự án sản xuất giống, nhập khẩu giống có bản quyền để đáp ứng các điều kiện trong xuất khẩu nông sản. Hỗ trợ các cơ sở nuôi cấy mô đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng cây giống phục vụ sản xuất. Phấn đấu đến năm 2025, năng lực sản xuất giống nuôi cấy mô có thể đảm bảo, cung cấp 25% nhu cầu cây giống rau, hoa trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 có 30-50% sản lượng sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

b) Phát triển sản phẩm chủ lực, truyền thống:

Trong trồng trọt, tiếp tục duy trì ổn định diện tích hiện có; trong đó, tập trung thực hiện chuyển đổi chất lượng giống nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cây dâu tằm, ổn định diện tích từ 13.000 ha đến 15.000 ha đồng thời thực hiện công tác kết nối, liên kết với các doanh nghiệp cung cấp trứng giống tằm của Trung Quốc để chủ động nguồn giống cho sản xuất, thử nghiệm nhập khẩu giống tằm tại một số nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản; ổn định diện tích trồng từ 14.000 ha đến 15.000 ha, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới, tiêu để tăng vụ và chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Trên diện tích không đủ nước tưới, chuyển sang mô hình trồng lúa xen cây ngắn ngày khác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; duy trì khoảng 17.000 ha điều kết hợp thực hiện các giải pháp tái canh, cải tạo giống, đồng thời chuyển đổi khoảng 2.130 ha điều kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả tại những khu vực phù hợp.

Trong chăn nuôi, bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, tằm tiếp tục là các đối tượng vật nuôi chủ lực, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng con giống, đổi mới quy trình chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đến năm 2025, tổng đàn gia súc đạt 753 ngàn con, đàn gia cầm đạt 13,2 triệu con, sản phẩm thịt hơi các loại đạt 148 ngàn tấn, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 17-18% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; đến năm 2030, tổng đàn gia súc đạt trên 01 triệu con, đàn gia cầm đạt 15,3 triệu con, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 18-20% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.

Khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, đặc biệt là các giống thủy sản đặc sản, cá nước lạnh. Đẩy mạnh bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi các loài thủy sản có giá trị kinh tế, duy trì đa dạng sinh học tại các hồ chứa, đập thủy lợi và hệ thống sông Đồng Nai; phấn đấu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 2.550 ha; trong đó, diện tích nuôi cá nước lạnh khoảng 70 ha và 400 lồng bè với sản lượng ổn định ở mức trên 10.000 tấn.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 144/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Lâm Đồng quy định nội dung, mức hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng qua đó tạo tiền đề để nâng cao chất lượng cây, con giống phục vụ sản xuất.

c) Giảm diện tích canh tác kém hiệu quả:

Tập trung chuyển đổi 15.047 ha (từ năm 2023-2025) và 12.343 ha (từ 2026-2030) canh tác kém hiệu quả để đến năm 2030 còn dưới 9.000 ha; trong đó, tập trung chuyển đổi 1.180 ha đất lúa 1 vụ sang trồng rau màu, cỏ chăn nuôi, dâu tằm; tái canh 24.900 ha cà phê năng suất thấp, chuyển đổi 12.000 ha vườn điều, vườn tạp sang trồng cây ăn quả, chuyển đổi 3.100 ha chè hạt sang chè cành, chè ô long và cây ăn quả; các địa phương thực hiện rà soát, xác định diện tích kém hiệu quả và thực hiện các mô hình chuyển đổi phù hợp điều kiện sinh thái từng khu vực, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng với hình thức, phương thức thực hiện hiệu quả và phù hợp với thực tiễn; ưu tiên hỗ trợ cho người dân tại các vùng có điều kiện khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường, từng bước nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp:

3.1. Thực hiện đồng bộ quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn:

a) Xây dựng nền tảng dữ liệu số, cơ chế sử dụng và chia sẻ dữ liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn nhằm hình thành nền nông nghiệp số phát triển đồng bộ tương ứng với nền kinh tế số chung của toàn tỉnh. Qua đó phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu người nông dân, kết nối người nông dân và chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, phân tích, phát hiện sớm dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

b) Ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý chuỗi, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến....đặc biệt là ứng dụng công nghệ số truy xuất nguồn gốc nông sản; quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ địa phương khác nhập vào tỉnh bằng tem điện tử, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; cụ thể: cấp mã số vùng trồng và quản lý vùng trồng bằng công nghệ số; giám sát quá trình canh tác theo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm bằng công nghệ, thiết bị thông minh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất được quản lý đồng bộ bằng công nghệ số. Trước mắt ưu tiên cấp mã số vùng trồng trên các sản phẩm sầu riêng, bơ phục vụ xuất khẩu. Đến năm 2025, có 50% diện tích cây ăn quả trồng thuần được cấp mã số vùng trồng; đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ công nghệ số trong quá trình tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi liên kết; phấn đấu 200 cơ sở sản xuất nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc khi đưa sản phẩm ra thị trường; toàn bộ 100% các sản phẩm sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được số hóa toàn bộ quá trình quản lý sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm, có khoảng 5% diện tích canh tác được ứng dụng công nghệ số và có 50% chuỗi số hóa được toàn bộ quá trình theo dõi, giám sát nông sản từ khâu trồng, chăm sóc ngoài nông trại đến khi cung cấp cho người tiêu dùng; tích hợp các thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ nhu cầu truy xuất của người tiêu dùng cũng như phục vụ cho công tác quản lý.

c) Phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp nhằm kết nối trực tiếp giữa sản xuất và tiêu dùng, giảm thiểu tối đa các khâu trung gian, rút ngắn thời gian bảo quản và vận chuyển hàng hóa, minh bạch hóa các tiêu chuẩn cạnh tranh của hàng hóa nông sản đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua bán online, đầu tư xây dựng các website giới thiệu sản phẩm, đặt hàng trực tuyến của riêng doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao thương hiệu và khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ. Phấn đấu tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ nông sản đạt trên 20%.

3.2. Tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa:

a) Phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng đồng bộ công nghệ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản, tăng tỷ lệ tự động hóa các khâu nhằm nâng cao năng suất lao động trực tiếp cho sản xuất. Trước mắt ưu tiên phát triển trên các nhóm cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, gồm: rau, hoa, bò sữa.... Đến năm 2025 có 1.000 ha canh tác nông nghiệp thông minh và 40% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình tự động hóa; đến năm 2030, có 3.000 ha canh tác thông minh và 60% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình tự động hóa.

b) Tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể: trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, hỗ trợ để nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ, hỗ trợ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao; đồng thời mở rộng phạm vi, địa bàn ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đặc biệt tại các địa bàn chưa có điều kiện tiếp cận về công nghệ.

c) Thực hiện chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế của từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trung bình của các khẩu đối với các cây trồng chủ lực đạt 67%, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp đạt 90% và tốc độ gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt 10%.

d) Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, phát triển các vùng sản xuất an toàn, đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, từng bước đưa nông nghiệp hữu cơ của tỉnh trở thành một trong những địa phương hàng đầu của cả nước.

4. Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, giảm thiểu tác động môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu:

a) Phát triển nhanh, tạo đột phá, lấy thước đo hiệu quả kinh tế là cốt lõi trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, nhưng đồng thời đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nguồn lực, hạn chế tác động xấu tới môi trường và hướng tới mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

b) Nghiên cứu chuyển giao từ thực tiễn trong nước và trên thế giới các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để khai thác có hiệu quả nhất nguồn nguyên liệu, phụ phẩm phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để khai thác đưa vào quá trình sản xuất theo chu trình tuần hoàn, khép kín, nâng cao hiệu quả đầu tư hướng tới phát triển bền vững. Tập trung thực hiện các chính sách tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất.

c) Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hình thành cấp chứng nhận hữu cơ gắn với phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, ưu tiên các loại nông sản, gồm: rau, cây ăn quả, cà phê, chè, dược liệu, bò sữa; đến năm 2025, có 1.600 ha được chứng nhận hữu cơ, trong đó rau 250 ha, cây ăn quả 200 ha và bò sữa 2000 con; hình thành tối thiểu 11 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

d) Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là các khu vực nội ô các thành phố, thị xã, thị trấn để tạo cảnh quan, không gian xanh, đẹp đồng bộ trong không gian chung và khu vực sản xuất của từng hộ gia đình, doanh nghiệp. Khai thác lợi thế về cảnh quan, không gian kết hợp với sản xuất nông nghiệp sinh thái để phát triển du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm canh tác nông nghiệp kết hợp tiêu thụ nông sản để đa dạng hóa nguồn thu, tạo sự liên kết giữa hai ngành nông nghiệp và du lịch trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Đến năm 2030 hình thành tối thiểu 4 mô hình làng nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển du lịch canh nông.

d) Ban hành quy định và kiểm soát chặt chẽ đối với việc xử lý rác thải trong trồng trọt và chất thải trong chăn nuôi nhằm hạn chế thấp tác động xấu tới môi trường; hướng dẫn người sản xuất canh tác theo hướng sinh học, an toàn dịch bệnh; tuyên truyền vận động tháo dỡ nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp và thực hiện tốt công tác quản lý không để xảy ra tình trạng tái đầu tư xây dựng trên diện tích đã giải tỏa; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng và tài nguyên rừng, hàng năm, diện tích rừng và đất rừng bị vi phạm giảm xuống dưới 20%/năm; trồng thêm 360 ha rừng tập trung; hoàn thành chỉ tiêu trồng cây xanh phân tán theo Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh và đề án Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển kinh tế rừng thông qua việc cung ứng giá trị môi trường từ rừng. Đầu tư nâng cao năng lực và hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống và ứng phó với thiên tai; nâng cao chất lượng dự báo thiên tai và phản ứng nhanh, xử lý kịp thời khi thiên tai xảy ra.

5. Xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp thông minh trên cơ sở phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả:

a) Thu hút đầu tư phát triển hệ thống logistics đồng bộ, phục vụ hoạt động thu mua, bảo quản và tiêu thụ nông sản, trước mắt ưu tiên thu hút tại các vùng chuyên canh nông sản lớn, các trung tâm giao dịch, chợ đầu mối. Đến năm 2025, hình thành 01 trung tâm logictic phục vụ cho quá trình thu mua và phân phối các sản phẩm rau, hoa và đến năm 2030 hình thành tối thiểu 03 trung tâm logictic trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã trở thành hạt nhân của chuỗi liên kết thông qua các giải pháp: Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 19/4/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 112/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 của HĐND ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển hợp tác xã theo Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh); mỗi năm thu hút được từ 02 đến 03 dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 10%; số hợp tác xã, trang trại thành lập mới và hoạt động có hiệu quả tăng 15%. Ưu tiên thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản tại các vùng nguyên liệu tập trung (trái cây, rau củ, mắc ca, cà phê, sữa tươi...) với quy mô công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, áp dụng quy trình hiện đại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ tại thị trường cao cấp và xuất khẩu. Tỷ lệ nông sản qua chế biến đạt trên 25% đến năm 2025 và trên 35% đến năm 2030. Đồng thời khuyến khích phát triển các nhà máy sử dụng phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất như phân bón hữu cơ, nhiên liệu đốt dạng viên nén, thức ăn chăn nuôi.

c) Áp dụng quy trình sơ chế, chế biến, đóng gói nông sản, dán nhãn thương hiệu, chứng nhận chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm nông sản của tỉnh trước khi xuất bán ra thị trường nhằm giảm tỷ lệ tổn thất, nâng cao giá trị thị trường, uy tín thương hiệu nông sản của tỉnh. Đến năm 2025 có tối thiểu 80% nông sản được bán dưới hình thức đã sơ chế, phân loại và đóng gói, năm 2030 tăng lên 90%.

d) Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với phát triển các kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững để phấn đấu đến năm 2025 có 50% nông sản tiêu thụ qua hợp đồng và đến năm 2030 tăng lên 60%. Trong đó trọng tâm là các sản phẩm nông sản có tỷ lệ tinh chế thấp như: rau, trái cây.

6. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại:

a) Hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các công trình trọng điểm của tỉnh (Hồ Ta Hoét, Đông Thanh, KaZam); thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương, phát huy tối đa công suất thiết kế của công trình kết hợp với việc ban hành và giám sát thực hiện theo quy trình vận hành các công trình thủy lợi. Thực hiện có hiệu quả đề án Phát triển ao hồ nhỏ để nâng tỷ lệ diện tích được chủ động nước tưới lên 75% diện tích đất canh tác. Nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm, đặc biệt là các khu vực trồng rau, hoa và cây công nghiệp, đáp ứng với nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đến năm 2030, diện tích tưới tiên tiến tiết kiệm đạt 35-40% diện tích được tưới.

b) Tiếp tục thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các dự án ODA trong lĩnh vực phát triển hạ tầng thủy lợi, gồm: Dự án tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp; dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu.

c) Đầu tư hạ tầng thương mại dự trữ, bảo quản và dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ nông sản như: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt vào trước năm 2025; kho ngoại quan dự trữ, bảo quản nông sản tại chợ đầu mối nông sản chất lượng cao huyện Đức Trọng, Trung tâm logistics hạng 2 tại thành phố Bảo Lộc.

7. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực:

a) Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu và chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là công nghệ sản xuất giống, tái sản xuất các phụ phẩm trong nông nghiệp.

b) Hàng năm, đầu tư tối thiểu 2% kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề tồn tại trong thực tiễn sản xuất, đặc biệt là các nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, xử lý môi trường từ rác thải hữu cơ nông nghiệp, quy trình xử lý sau thu hoạch, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, có tính ứng dụng, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, gồm: ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch trong công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học: tế bào, gen, vi sinh trong sản xuất nông nghiệp an toàn, công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học để nghiên cứu cùng với ứng dụng, phát huy vai trò chủ đạo của khoa học công nghệ trong tạo đột phá về năng suất lao động và tăng trưởng ngành nông nghiệp.

c) Thực hiện có hiệu quả đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, lồng ghép đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn để chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp mới. Xác định đối tượng đào tạo nghề qua đó đổi mới nội dung, hình thức, phương thức đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với việc làm, nâng cao năng lực thực hành để người nông dân trở thành chủ thể của quá trình sản xuất hàng hóa. Phấn đấu đến hết năm 2025 tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 60%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.

d) Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến nông và chương trình hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi sản xuất để hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận công nghệ mới, mô hình quản lý tiên tiến và kiến thức hội nhập quốc tế nhằm hình thành nguồn nhân lực đủ điều kiện tham gia hội nhập, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

8. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài:

a) Tuyên truyền và trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân đang sản xuất nông nghiệp những thông tin đầy đủ, các quyền lợi cũng như rào cản kỹ thuật khi tham gia hội nhập quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại đã ký kết (CPTPP, EVFTA, RCEP, ...).

b) Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản để đầu tư các công trình hạ tầng thực hiện dự án phát triển nông nghiệp đa ngành, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

c) Tiếp tục làm việc với các bộ ngành để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án ODA đang trong quá trình đàm phán và chuẩn bị đầu tư, gồm: dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng; dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Lâm Đồng; dự án Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động Quốc gia REDD+(RECAF); dự án Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn không gây mất rừng tại tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng.

d) Thực hiện các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương với các địa phương, các nước có nền nông nghiệp phát triển để được hỗ trợ, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến nông sản (như Bỉ, Israel, Hàn Quốc,..); đồng thời cụ thể hóa các chương trình hợp tác với Bỉ, các nước châu Âu, Úc để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.

9. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước:

a) Thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị cơ sở trong quá trình thực thi công vụ, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số theo Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh để xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ, cung cấp dịch vụ công. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức, đổi mới tác phong làm việc theo tinh thần làm dịch vụ, phục vụ lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp.

b) Nâng cao năng lực kiểm tra, phân tích, dự báo của các cơ quan chuyên môn trực thuộc đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý, đặc biệt là quản lý vật tư nông nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp quản lý, kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, kiểm tra chất lượng sản phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật các vụ việc vi phạm trên lĩnh vực nông nghiệp (mua, bán, trao đổi vật tư nông nghiệp, hàng nông sản kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...) nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

c) Rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cụ thể hóa các quy định của Trung ương, ban hành các văn bản hướng dẫn về trình tự hồ sơ thủ tục để thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển trang trại, hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề; thu hút đầu tư.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc/Thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

a) Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo để triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

b) Thường xuyên kiểm tra, theo dõi đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, cụ thể:

a) Tham mưu HĐND tỉnh và UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cụ thể hóa các quy định của Trung ương trên địa bàn tỉnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.

b) Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất, quản lý trong nông nghiệp.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, các dự án trọng tâm nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết.

d) Đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm khắc phục các tồn tại, khó khăn, cụ thể hóa các chủ trương mới trong phát triển nông nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết và nội dung của Kế hoạch.

đ) Theo dõi đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này của từng sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; đề xuất biện pháp, giải pháp khắc phục các tồn tại khó khăn trong quá trình thực hiện; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai và kết quả đạt được các chỉ tiêu nhiệm vụ của Kế hoạch.

3. Sở Công Thương:

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố, triển khai thực hiện chính sách thương mại hàng nông sản. Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động chế biến, tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử.

b) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố, xây dựng chính sách để phát triển các cụm công nghiệp-dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; các trung tâm logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TU và nội dung của Kế hoạch. Phối hợp với sở, ngành, địa phương rà soát bổ sung các cơ chế chính sách phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý bảo vệ và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính: Phối hợp với các sở, ngành, địa phương bố trí nguồn vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp, các nguồn vốn lồng ghép để triển khai thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn các ngành các địa phương quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch đúng quy định, phát huy hiệu quả cao nhất các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

6. Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên từ tỉnh đến cơ sở; tích cực vận động và giúp nông dân nâng cao nhận thức về chủ trương, định hướng trong xây dựng, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại; phát động các phong trào thi đua trong tổ chức hội nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết.

7. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

a) Chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương. Phối hợp với các sở ban, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Qua đó tổ chức sản xuất nông nghiệp theo đúng định hướng, nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

b) Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù của địa phương để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả về phát triển nông nghiệp.

c) Xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm gắn với sản phẩm chủ lực, phù hợp với đặc điểm thế mạnh của từng địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ; kết nối giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, kết hợp giữa phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại trên từng địa bàn.

d) Chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn lồng ghép để thực hiện nội dung Kế hoạch này, đặc biệt là của các Chương trình, đề án phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư vào phát triển nông nghiệp.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; các hội, hiệp hội, ngành hàng, hội nghề nghiệp: vận động các đoàn viên, hội viên và các tổ chức đoàn thể các cấp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU. Tham gia có trách nhiệm trong giám sát, truyền thông, phản biện xã hội; đề xuất cơ chế chính sách trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

9. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc cần phải sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Kế hoạch này, các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ động đề xuất, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC 1:

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Hiện trạng 2022

Kế hoạch 2023

Kế hoạch 2024

Kế hoạch 2025

Kế hoạch 2030

1

Tăng trưởng ngành (Bình quân giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030)

%

5,02

4,5-5

4,5-5

4,5-5

4-4,5

-

Nông nghiệp

%

105,1

4,8-5

4,8-5

4,8-5

4,5-5

 

Trồng trọt

%

105,0

5-5,5

4,5-5

3,5-4

4-4,5

 

Chăn nuôi

%

107,3

6-6,5

6,5 - 7

11-11,5

2-3

 

Dịch vụ

%

100,6

2-2,5

4,5 - 5

9-10

2-3

-

Lâm nghiệp

%

101,6

2-2,5

2,5-3

4,5-5

6,5-7

-

Thủy sản

%

104,7

5-6

5-6

5-6

6,5-7

2

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp

%

 

 

 

 

 

-

Trồng trọt

 

82

81-82

80-81

79-80

78-79

-

Chăn nuôi

 

15,9

15,5-16

16-17

17-18

18-20

-

Dịch vụ

 

2,1

2-3

2-3

2-3

2-3

3

Năng suất lao động

Tr đồng/ người/ năm

72,1

76

80

85

105

4

Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích

triệu đồng/ha

234,4

245

252

260

300

5

Diện tích có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha

ha

45.012

40.822

30.000

15.000

9.000

6

Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

ha

65.308

66.150

69.000

75.000

100.000

7

Kim ngạch xuất khẩu nông sản

triệu USD

330

400

500

600

700

8

Tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu qua chế biến, chế biến sâu

%

10-15%

15-18

22-25

30

35

9

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội

%

66,3

62,8

59,3

57

50

10

Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo

%

52

 

 

60

70

11

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn

Trđồng/ năm

42

52

64

74

110

12

Xã nông thôn mới nâng cao

40

 

 

47

60

13

Xã nông thôn mới kiểu mẫu

14

 

 

17

25

14

Số huyện nông thôn mới nâng cao

đơn vị

7

8

11

12

4

15

Tỷ lệ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng cứng hóa

%

83

83,5

84

85

90

16

Tỷ lệ diện tích canh tác được tưới

%

67

68

69

70

75

17

Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch

%

33,5

33,9

34,4

35

65

18

Tỷ lệ che phủ rừng

%

54,1

54,1

54,1

54,1

54,1

 

Biểu 1: KẾ HOẠCH SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(kèm theo Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh)

 (Diện tích: Ha; Năng suất: Tạ/ha; Sản lượng: Tấn)

STT

Hạng mục

Thực hiện năm 2022, kế hoạch giai đoạn 2023 - 2030

Bình quân 2022-2025

Bình quân 2025-2030

TH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

KH 2030

TỔNG DIỆN TÍCH

403.740

406.377

415.461

421.981

448.445

101,5

101,5

I

CÂY HÀNG NĂM

127.633

132.077

138.295

140.200

160.783

103,2

103,5

1

Cây lúa

26.488

26.108

25.917

25.658

25.150

98,9

99,5

 

Năng suất

55

57

57

61

60

103,1

99,5

 

Sản lượng

145.975

149.225

148.355

155.846

150.000

102,2

99,0

2

Cây ngô

6.742

6.703

8.544

7.378

9.800

103,0

107,4

 

Năng suất

57

58

61

62

63

102,6

100,6

 

Sản lượng

38.551

39.185

52.349

45.571

61.896

105,7

108,0

3

Khoai lang

2.166

2.233

2.238

2.243

2.230

101,2

99,9

 

Năng suất

217

216

166

168

193

91,9

103,5

 

Sản lượng

46.916

48.303

37.151

37.690

42.947

93,0

103,3

4

Rau các loại

74.021

77.200

80.600

82.500

95.500

103,7

103,7

 

Năng suất

383

393

402

408

415

102,2

100,4

 

Sản lượng

2.832.758

3.034.392

3.241.732

3.366.000

3.963.250

105,9

104,2

5

Hoa các loại

9.740

10.324

10.944

11.600

14.500

106,0

105,7

 

Năng suất (1.000 cành)

397

404

406

406

410

100,8

100,2

 

Sản lượng (1.000 cành)

3.861.953

4.167.407

4.439.880

4.709.753

5.945.000

106,8

106,0

6

Cây dược liệu DT

417

653

815

1.000

1.800

133,9

115,8

 

Năng suất

214

225

250

290

320

110,7

102,5

 

Sản lượng

8.910

14.693

20.375

29.000

57.600

148,2

118,7

7

Cây đặc sản

212

220

235

255

300

106,3

104,1

 

Năng suất

365

365

365

365

365

100,1

100,0

 

Sản lượng

7.728

8.026

8.580

9.310

10.953

106,4

104,1

II

CÂY DÀI NGÀY

276.108

274.300

277.166

281.781

287.662

100,7

100,5

1

Cây cà phê

176.071

172.634

171.500

170.000

165.000

98,8

99,3

 

DT kinh doanh

162.572

162.635

162.200

162.000

160.000

99,9

99,7

 

Năng suất

33

34

34

34

36

101,5

101,3

 

Sản lượng

532.374

545.339

548.236

554.040

576.000

101,3

101,0

2

Cây chè

11.142

10.950

10.460

10.000

8.000

96,5

94,6

 

DT kinh doanh

11.038

10.846

10.356

9.896

7.896

96,4

94,5

 

Năng suất

149

150

153

153

154

101,0

100,1

 

Sản lượng

164.143

162.648

158.216

151.557

121.302

97,4

94,6

3

Cây điều

22.023

19.820

18.130

17.023

10.000

91,8

87,5

 

DT kinh doanh

22.023

19.820

18.130

17.023

10.000

91,8

87,5

 

Năng suất

5

8

12

12

14

132,5

103,1

 

Sản lượng

11.666

16.694

21.441

20.982

13.915

121,6

90,2

4

Cây tiêu

1.991

1.996

2.017

2.018

2.018

100,5

100,0

 

DT kinh doanh

1.949

1.983

1.981

1.981

1.986

100,5

100,1

 

Năng suất

32

33

34

34

35

102,2

100,7

 

Sản lượng

6.263

6.470

6.769

6.790

6.987

102,7

100,7

5

Cây dâu

9.973

10.554

11.500

13.000

15.000

109,2

103,6

 

DT kinh doanh

9.497

9.967

10.548

11.494

13.200

106,6

103,5

 

Năng suất

267

278

280

290

292

102,7

100,2

 

Sản lượng

254.034

277.509

295.341

333.000

385.000

109,4

103,7

6

Cây ăn quả

31.450

32.911

36.500

40.000

50.000

108,3

105,7

 

DT kinh doanh

17.652

19.900

24.023

29.350

41.500

118,5

109,0

 

Năng suất

158

160

163

165

170

101,5

100,8

 

Sản lượng

278.727

318.940

391.049

484.184

706.964

120,2

109,9

7

Cây cao su

9.207

9.207

8.570

8.570

8.570

97,6

100,0

 

TĐ: - Cao su tiểu điền

3.646

3.646

3.008

3.008

3.008

93,8

100,0

 

- Cao su đại điền

5.562

5.562

5.562

5.562

5.562

100,0

100,0

 

DT kinh doanh

4.774

4.805

4.854

4.912

5.303

101,0

101,9

 

- Năng suất

22

28

28

28

28

107,8

100,0

 

- Sản lượng

10.658

13.435

13.591

13.754

14.833

108,9

101,9

8

Cây mắc ca

7.778

10.592

13.324

16.604

26.000

128,8

111,9

 

DT kinh doanh

2.145

2.681

3.461

5.536

15.727

137,2

129,8

 

- Năng suất

15

16

15

16

22

102,1

108,3

 

- Sản lượng

3.164

4.189

5.302

8.687

34.000

140,0

140,7

9

Cây Mác mác (Chanh dây)

774

791

881

1.000

1.300

108,9

106,8

 

DT kinh doanh

704

764

832

852

1.131

106,6

107,3

 

- Năng suất

396

432

432

433

434

103,0

100,1

 

- Sản lượng

27.877

32.961

35.960

36.866

49.085

109,8

107,4

10

Cây khác

5.699

4.845

4.284

3.566

1.774

85,5%

84%

 

Biểu 2: KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

UTH năm 2022

Kế hoạch năm 2023

Kế hoạch năm 2024

Kế hoạch năm 2025

Kế hoạch năm 2030

Bình quân KH 2025 (%)

Bình quân KH 2030 (%)

I

Đàn vật nuôi

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Đàn gia súc

 

581.544

608.551

648.719

753.720

1.048.918

109

109

a)

Trâu

Con

13.620

13.961

14.101

14.306

14.814

102

101

b)

Con

99.702

103.023

109.303

140.262

179.147

112

106

-

Bò sữa

Con

25.080

26.532

28.150

35.149

48.157

112

108

-

Bò thịt

Con

74.622

76.491

80.966

105.113

130.990

112

106

c)

Lợn

Con

455.001

477.751

512.149

584.634

839.318

109

109

-

Lợn nái

Con

53.123

54.717

55.647

64.310

74.553

107

104

d)

Đàn dê

Con

13.221

13.816

14.230

14.518

15.640

103

102

2

Gia cầm

1000 con

10.891

11.326

11.858

13.231

15.338

107

104

3

Đàn ong mật

Đàn

125.664

128.177

132.150

138.023

152.388

103

103

4

Trứng giống tằm

Hộp

347.827

365.218

376.540

388.212

419.269

104

102

II

Sản phẩm CN

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Thịt hơi các loại

Tấn

107.419

113.954

121.782

148.517

196.577

111

107

a)

Thịt lợn

Tấn

78.120

83.588

90.275

117.505

157.248

115

108

b)

Thịt trâu

Tấn

1.029

1.055

1.087

1.036

1.089

100

101

c)

Thịt bò

Tấn

6.042

6.193

6.379

9.008

11.497

114

106

d)

Thịt dê

Tấn

161

168

173

177

190

103

102

e)

Thịt gia cầm

Tấn

22.067

22.950

23.868

26.568

30.799

106

104

2

Trứng các loại

1.000 quả

358.446

369.199

380.275

422.777

539.582

106

106

3

Sữa

Tấn

107.092

113.231

120.025

135.704

194.821

108

109

4

Mật ong

Tấn

1.445

1.474

1.503

2.242

2.476

116

103

5

Kén tằm

Tấn

15.478

16.252

16.756

17.275

18.657

104

105

 

PHỤ LỤC 2:

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, KẾ HOẠCH TRỌNG TÂM THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG, HIỆN ĐẠI GIAI ĐOẠN 2022-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(kèm theo Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh)

STT

Tên chương trình, đề án, kế hoạch

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt

 

 

 

1

Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

2

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định 1065/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2030, tầm nhìn 2050

3

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2020-2025

4

Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023 theo Quyết định số 1551/QĐ-UBND ngày 18/7/2019 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2019-2023

5

Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

6

Đề án phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 15/11/2022

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

7

Kế hoạch Tái canh, ghép cải tạo cà phê tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 1118/QĐ-UBND ngày 30/6/2022.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

8

Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023 Theo quyết định số 1371/QĐ-UBND ngày 25/6/2019

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2019-2023

9

Kế hoạch Phát triển mắc ca bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 1418/QĐ-UBND ngày 10/8/2022

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025, định hướng 2030

10

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2030, tầm nhìn 2045

11

Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 theo Quyết định số 9878/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2030

12

Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 30/9/202 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

13

Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 Kế hoạch số 9437/KH-UBND ngày 08/12/2022 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

14

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 theo Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2030

15

Đề án Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2020-2025

16

Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 2209/KH-UBND ngày 12/4/2021 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

17

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản sản đến năm 2030 theo Kế hoạch số 9705/KH-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các đơn vị liên quan

2022-2025 định hướng đến 2030

18

Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định 178/QĐ-UBND ngày 30/01/2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2023-2025, định hướng 2030

II

Các chương trình, đề án, kế hoạch dự kiến xây dựng, triển khai

 

 

 

1

Xây dựng chiến lược phát triển ngành hoa bền vững tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

đến 2030, định hướng 2050

2

Kế hoạch phát triển giống nông nghiệp, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2023-2030

3

Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2023-2030

4

Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu hướng đến thị trường xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2019-2023

5

Chương trình phát triển thủy sản đặc sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024-2025.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

6

Đề án chuyển đổi cây điều và diện tích sản xuất kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

7

Đề án ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

8

Đề án phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu theo hướng thâm canh, bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2024-2030

9

Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

đến 2025, định hướng đến 2030

III

Các Chương trình, Đề án, Kế hoạch lồng ghép

 

 

 

1

Các chương trình dự án sử dụng nguồn vốn Ngân sách địa phương, Trung ương, vốn nước ngoài để xây dựng hạ tầng

Sở Kế hoạch và Đầu tư,

Các sở, ngành, địa phương liên quan

 

2

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

3

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

4

Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025

Ban Dân tộc

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

5

Kế hoạch thực hiện công tác Cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 trên địa tỉnh Lâm Đồng Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 08/9/2021.

Sở Nội vụ

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

6

Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Kế hoạch 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022.

Sở Thông tin và Truyền thông

Các sở, ngành, địa phương liên quan

 

7

Đề án tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm đồng giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định 177/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh.

Sở Công Thương

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

8

Đề án đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 08/7/2021 của UBND tỉnh.

Sở Công Thương

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025, định hướng đến 2030

9

Kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 13/01/2022.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2025

10

Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo Kế hoạch số 2772/KH-UBND ngày 25/4/2022.

Sở Công Thương

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2030

11

Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 26/8/2021.

Liên minh Hợp tác xã

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2021-2030

12

Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 112/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh theo Quyết định số 1710/QĐ-UBND về Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2020-2024

13

Kế hoạch Phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 theo Kế hoạch số 7886/KH-UBND ngày 03/12/2019

Sở Khoa học và công nghệ

Các sở, ngành, địa phương liên quan

đến năm 2030

14

Thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch số 7173/KH-UBND ngày 22/9/2022

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ngành, địa phương liên quan

2022-2025

 

PHỤ LỤC 3:

DANH MỤC MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CỦA CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ
(Kèm theo Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh)

STT

Tên nhiệm vụ

Địa phương thực hiện

Thời gian hoàn thành

1

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

UBND các huyện, thành phố

Trong năm 2023

2

Kế hoạch phát triển sản xuất giống chủ lực trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến 2030

UBND các huyện, thành phố

Trong năm 2023

3

Kế hoạch phát triển nông sản chủ lực của địa phương gắn với phát triển sản phẩm OCOP hướng đến thị trường xuất khẩu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030

UBND các huyện, thành phố

Trong năm 2023

4

Kế hoạch phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

UBND các huyện, thành phố

Trong năm 2023

5

Kế hoạch phát triển ngành hoa bền vững gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030

Thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương

Trong năm 2023

6

Kế hoạch chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả trên địa bàn giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

UBND huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đam Rông

Trong năm 2023

7

Kế hoạch phát triển, nâng cao giá trị sản xuất cây cà phê gắn với sơ chế, chế biến và xây dựng thương hiệu.

UBND huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà

Trong năm 2023

8

Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

UBND huyện Cát Tiên

Trong năm 2023

9

Kế hoạch thu hút nhà máy đầu tư chế biến nông sản phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

UBND huyện Đức Trọng, Thành phố Bảo Lộc

Trong năm 2023

 



1 Tính đến hết năm 2022, giá trị sản xuất bình quân đạt 234,4 triệu đồng/ha (theo số liệu Cục Thống kê), với định hướng phát triển ngành nông nghiệp, giá trị tăng thêm mỗi năm từ 4-5%.

2 Theo Chương trình hành động số 48-Ctr/TU ngày 30/12/2022 của Tỉnh ủy

3 Tương tự footnote số 1

4 Trên cơ sở Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025; tương tự với diện tích cây hoa, cà phê.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 661/QĐ-UBND năm 2023 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 661/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Văn Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản