Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5277/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Nghệ An;

Căn cứ Thông báo số 448-TB/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ , Tỉnh ủy về dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 23025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 5302/TTr-SKHĐT ngày 24/12/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&ĐT;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- CVP; PCVP KT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Hiệp hội DN, các hội DN;
- Đài PT&TH tỉnh; Báo Nghệ An; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KT (TP, Ngũ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Hoa

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5277/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Nghệ An)

PHẦN MỞ ĐẦU

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Doanh nghiệp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương; đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.

Những năm qua Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách, nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả khu vực doanh nghiệp1. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng doanh nghiệp Nghệ An phát triển khá nhanh, hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn; đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đến cuối năm 2020, số doanh nghiệp đang hoạt động của Nghệ An đứng thứ 9 cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy vậy, 97,03% doanh nghiệp Nghệ An có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng cạnh tranh, thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô, tiềm lực lớn làm đầu tàu để dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Nghệ An phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước; đến 2025, toàn tỉnh có trên 30.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc và thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; việc xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025” là rất cần thiết.

II. Căn cứ xây dựng Đề án

1. Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 và Thông báo số 55 - TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

3. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

5. Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 18/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

6. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

7. Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Nghệ An.

8. Chương trình số 03-CTr/TU ngày 25/12/2020 của Tỉnh ủy Nghệ An ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

9. Quyết định số 69/KH-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX.

III. Nội dung chủ yếu của Đề án: Gồm 3 phần và các phụ lục kèm theo

1. Phần thứ nhất: Thực trạng phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020.

2. Phần thứ hai: Mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.

3. Phần thứ ba: Tổ chức thực hiện.

4. Các biểu phụ lục kèm theo.

Phần I

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng doanh nghiệp Nghệ An

1.1. Về phát triển doanh nghiệp

a) Doanh nghiệp đăng ký thành lập và hoạt động

- Giai đoạn 2016-2020, có 8.906 doanh nghiệp thành lập mới2, gấp 1,49 lần so với giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 7,09%/năm; (riêng giai đoạn 2016 - 2018 doanh nghiệp tăng mạnh với tỷ lệ 11,9%/năm); có 2.157 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng 6,94% so với năm 2019.

- Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là 60.152 tỷ đồng, vốn đăng ký doanh nghiệp tăng bình quân 26,03%/năm, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp tăng từ 4,04 tỷ đồng năm 2015 lên 8,82 tỷ đồng năm 2020.

- Lũy kế đến cuối năm 2020, tổng số doanh nghiệp đăng ký toàn tỉnh là 23.404 doanh nghiệp, tăng 61,4% so với năm 2015. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động là 13.220 doanh nghiệp3, chiếm 56,48% số lượng doanh nghiệp đăng ký, tăng 43% so với năm 2015 và tăng bình quân 7,45%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

(Chi tiết tại phụ lục 1 )

b) Cơ cấu doanh nghiệp

- Theo thành phần kinh tế

Đến năm 2020, Nghệ An có 63 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 0,48%, giảm 17 doanh nghiệp (do sắp xếp lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước). Doanh nghiệp ngoài nhà nước có 13.107 doanh nghiệp, chiếm 99,14% trong tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh, khẳng định vai trò quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế của tỉnh. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 50 doanh nghiệp, chiếm 0,38%.

- Theo quy mô doanh nghiệp

Tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ4:

Lĩnh vực hoạt động

Doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp vừa

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng

Số lao động tham gia BHXH năm: từ >10 - 100 người

Tổng doanh thu của năm từ >3 - 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ >3 - 20 tỷ đồng

Số lao động tham gia BHXH năm: từ >100-200 người

Tổng doanh thu của năm: từ >50 - 200 tỷ đồng: hoặc tổng nguồn vốn: từ >20 - 100 tỷ đồng

Thương mại, dịch vụ

Số lao động tham gia BHXH: từ >10 - 50 người

Tổng doanh thu của năm: từ >10 - 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ >3 - 50 tỷ đồng

Số lao động tham gia BHXH năm: từ >50- 100 người

Tổng doanh thu của năm: từ >100 - 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn: từ >50 - 100 tỷ đồng

Đến năm 2020, Nghệ An có 12.827 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ, chiếm 97,03% (trong đó có 2.392 doanh nghiệp quy mô nhỏ, chiếm 18,09%); có 273 doanh nghiệp quy mô vừa trở lên, chiếm 2,97%.

(Chi tiết tại phụ lục 2)

- Theo ngành nghề kinh doanh chính

Dịch vụ là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp lớn nhất với 7.966 doanh nghiệp, chiếm 60,25% tổng số doanh nghiệp; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có 4.757 doanh nghiệp, chiếm 35,99% tổng số doanh nghiệp (trong đó, xây dựng là 23,05%); lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 497 doanh nghiệp, chỉ chiếm 3,76% tổng số doanh nghiệp.

(Chi tiết tại phụ lục 3)

- Theo địa bàn

Doanh nghiệp được thành lập chủ yếu ở vùng đồng bằng với 11.395 doanh nghiệp, chiếm khoảng 86,2%; trong đó tập trung một số huyện, thành: thành phố Vinh (chiếm hơn 53,55% tổng số), Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu. Khu vực miền núi có 1.825 doanh nghiệp, chiếm 13,8%; trong đó vùng núi cao có 608 doanh nghiệp, chỉ chiếm 4,6%.

(Chi tiết tại phụ lục 4 )

1.2. Kết quả hoạt động của doanh nghiệp5

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm các doanh nghiệp đang hoạt động tạo ra 170,7 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, tốc độ tăng bình quân đạt 9,2%/năm, tăng 35,14% so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015.

- Theo ngành kinh tế: Khu vực dịch vụ có quy mô doanh thu lớn nhất, tuy nhiên, tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2016 - 2020 thấp nhất trong các ngành kinh tế. Cụ thể:

Khu vực dịch vụ: Bình quân mỗi năm tạo ra 90.852 tỷ đồng doanh thu (chiếm 53,22%), tăng bình quân 12,16%/năm và tăng 54,1% so với giai đoạn 2011 -2015.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tạo ra 73.026 tỷ đồng/năm (chiếm 42,78%), tăng bình quân 12,25%/năm và tăng 75,3% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 6.820 tỷ đồng/năm (chiếm 3,99%), tăng 18,23%/năm và tăng 171,6% so với giai đoạn 2011-2015.

- Theo thành phần kinh tế

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm khu vực này tạo ra 152.007 tỷ đồng, chiếm 89% tổng doanh thu, tăng bình quân 10,94%/năm.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 7.394 tỷ đồng, chiếm 4,33%, tăng bình quân 9,29/năm.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 11.391 tỷ đồng, chiếm 6,67%, tăng bình quân 1,67%/năm.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi bình quân đạt 38,8%; tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 45,25%6.

1.3. Đóng góp của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế -xã hội

a) Giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động

- Số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp năm 2016 là 192.286 người, đến năm 2020 là 221.205 người, tăng bình quân 3,6%/năm. Hằng năm, bình quân khu vực doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 9.090 lao động.

Theo thành phần kinh tế: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 169.525 lao động, chiếm 76,63%, tăng bình quân 3,9%/năm. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 28.605 lao động, chiếm 12,93%, tăng bình quân 4,26%/năm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có 23.075 lao động chiếm 10,43%, chỉ tăng 0,09%/năm (do quá trình tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước)7.

Theo ngành kinh tế: Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 59,25% lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Lao động khu vực dịch vụ chiếm 35,36%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ thu hút được khoảng 5,38% tổng số lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

- Năng suất lao động: Doanh thu thuần bình quân 1 lao động trong toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng dần từ 756 triệu đồng/người năm 2016 lên 1.027 triệu đồng/người năm 2020; giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng bình quân 7,5%/năm. Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức cao nhất là 1.109 triệu đồng/lao động, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,67%/năm.

- Thu nhập của người lao động: Thu nhập bình quân của người lao động khu vực doanh nghiệp là 5,72 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,45 lần so với năm 20158. Theo ngành kinh tế, mức thu nhập của người lao động trong khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 6,317 triệu đồng/người/tháng, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,046 triệu đồng/người/tháng và khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,506 triệu đồng/người/tháng.

(Chi tiết tại phụ lục 5 )

b) Đóng góp vào GRDP và thu ngân sách

- Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 là 22,83% (trong đó, đóng góp của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI đạt 20,73%). Sự phát triển của doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng9, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

- Thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng qua các năm (năm 2020 đạt 10.501 tỷ đồng, tăng 41,3% so với năm 2016), chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu trên địa bàn tỉnh (bình quân đạt 62,56%). Nguồn thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp liên tục tăng, số doanh nghiệp có mức nộp ngân sách trên 50 tỷ tăng dần qua các năm10 và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu nội địa11.

(Chi tiết tại phụ lục 6)

c) Huy động vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp năm 2020 khoảng 111.192 tỷ đồng, chiếm 35,61% tổng vốn đầu tư xã hội (trong đó, doanh nghiệp nhà nước chiếm 4,03%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 29,04% và doanh nghiệp FDI là 2,54%)12. Giai đoạn 2016-2020, đã thu hút 620 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 75.950 tỷ đồng. Nhiều dự án có quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: Sản xuất gỗ ván sợi MDF, KCN VSIP, KCN WHA Hemaraj 1, Khu vui chơi giải trí Cửa Hội, Nhà máy bia, nước giải khát Masan Nghệ An, Trang trại chăn nuôi lợn Masan, Luxshare-ICT, Goertek Hông Kong,..

d) Xuất nhập khẩu hàng hóa từ khu vực doanh nghiệp: Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 là 9,76% (trong đó xuất khẩu hàng hóa là 11,52%). Thị trường xuất khẩu được mở rộng (từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020), số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng (từ 129 doanh nghiệp năm 2016 lên 200 doanh nghiệp năm 2020).

đ) Thực hiện các hoạt động an sinh xã hội

Cùng với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, trong những năm qua các doanh nghiệp đã thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm cùng với các cấp, các ngành và cộng đồng giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, thiên tai bão, lụt, dịch bệnh; tổ chức các chương trình, các đoàn đi thăm, tặng quà, chúc tết đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa; trao các suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh.

2. Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển

2.1. Về cải cách hành chính và môi trường kinh doanh

a) Kịp thời triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: như chương trình hành động, kế hoạch13 thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; lồng ghép vào nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh. Triển khai có hiệu quả các đề án: Cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; Tập trung thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020 gắn với các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và Cải cách hành chính (PAR index) liên tục được cải thiện về điểm số và thứ hạng trong giai đoạn 2016-2020: Chỉ số PCI tăng 7 bậc, xếp thứ 18; chỉ số PAPI tăng 21 bậc, xếp thứ 15; chỉ số PAR index tăng 20 bậc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

b) Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã rà soát, cắt giảm 419 thủ tục, với tổng thời gian cắt giảm là 1.961 ngày (đạt tỷ lệ 24,98%). Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ; đặc biệt, năm 2020 đã thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh14 đi vào hoạt động. Hệ thống liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh - cơ quan thuế và hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký thành lập.

c) Từ năm 2016, định kỳ hàng tháng/quý UBND tỉnh tổ chức giao ban Hiệp hội, hội doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Năm 2020, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh15. Các cấp, các ngành thực hiện công khai đầu mối và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

d) UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin của các cấp, các ngành trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ ngày càng được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và hiện đại hoá nền hành chính16, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 417; đẩy mạnh thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng; triển khai đồng bộ hệ thống kê khai thuế điện tử đến các doanh nghiệp và giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

2.2. Hệ thống kết cấu hạ tầng, mạng lưới dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

a) Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và lấp đầy diện tích Khu công nghiệp Bắc Vinh; từng bước hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nam Cấm, VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai I, Đông Hồi với diện tích 1.593ha. Quy hoạch phát triển 53 cụm công nghiệp, trong đó có 24 cụm công nghiệp đã đưa vào hoạt động và thu hút được các dự án vào đầu tư.

b) Hệ thống hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư, nhất là các tuyến giao thông chiến lược, tạo sự kết nối thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh18. Nhiều công trình thủy lợi, nước sạch, điện tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ nâng cao năng lực phục vụ sản xuất. Hạ tầng thương mại điện tử, bưu chính viễn thông được đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ, từng bước hiện đại.

c) Mạng lưới ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển mạnh, rộng khắp (gồm: 124 TCTD, chi nhánh TCTD, 283 phòng giao dịch). Đã phát triển và đưa vào áp dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng dễ dàng, thuận tiện; thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng được đảm bảo.

2.3. Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp

a) Thực hiện Đề án Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức 102 lớp và hội thảo cho hơn 10.700 lượt học viên19. Các lớp học này đã cung cấp thông tin cần thiết, bổ ích, những kiến thức, kỹ năng để lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp; được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh tích cực tham gia, hưởng ứng và đánh giá cao.

b) Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được quy hoạch, kiện toàn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo lực lượng lao động. Quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; đã chú trọng gắn kết công tác đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 78,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 đến năm 2020 đạt 65%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 61%.

3. Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

3.1. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

a) UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 601/KH-UBND ngày 13/9/2018 về việc triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 với nhiều nội dung cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp20. Đồng thời, ban hành các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp như: Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-202021, Kế hoạch phát triển, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-202022, Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 22/01/2020 hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

- Trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch hành động sổ 179/KH-UBND ngày 31/3/2020 về đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; chỉ đạo triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Trung ương.

b) Quan tâm xây dựng, thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 04/8/2016 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Hiện đã được thay thế bởi Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An)23; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh nghệ An; Nghị quyết 14/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An24; Nghị quyết số 116/2013/NQ-HĐND ngày 13/12/2013 và Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh25; Nghị quyết 12/2020/NQ- HĐND ngày 13/11/2020 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025...

3.2. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

a) Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đạt mức khá so với cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới công nghệ/thiết bị đạt 25%. Năm 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%.

b) Công tác đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp luôn được chú trọng. Đến nay đã có 1.300 đối tượng được bảo hộ; trong đó có 13 sáng chế, 72 kiểu dáng, 11 giải pháp hữu ích và 1.204 nhãn hiệu.

c) Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 doanh nghiệp khoa học công nghệ (gồm: 11 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo); 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là 3 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao: Công ty CP sữa Vinamilk Nghệ An, Công ty CP sữa True milk, Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU). Đây là những doanh nghiệp đi đâu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

d) Về phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội chợ công nghệ thiết bị, hoạt động Sàn giao địch công nghệ thiết bị và điểm kết nối cung cầu công nghệ - thiết bị nhàm cung cấp thông tin về thị trường, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cung ứng thiết bị cho doanh nghiệp trên địa bàn26.

đ) Hoạt động khởi nghiệp được các cấp, cấp ngành quan tâm, chỉ đạo; bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, làm tiền đề cho công tác khởi nghiệp giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình khởi nghiệp đã lan tỏa trong cộng đồng, đánh dấu sự phát triển của các dự án khởi nghiệp. Qua các cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện nay đã có hơn 30 Start-up hoạt động tại Nghệ An. Các Start-up đã kêu gọi và kết nối thành công các nhà tài trợ, nhà đầu tư và quỹ đầu tư với tổng số vốn hàng chục tỷ đồng27. Cùng với đó, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã lan tỏa trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 113 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao, nằm trong top đầu của cả nước.

3.3. Về Thực hiện chính sách tín dụng và thuế cho doanh nghiệp

a) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chính sách tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nguồn vốn. Năm 2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 160.155 tỷ đồng, tăng 2.08 lần so với năm 2015; tổng dư nợ trên địa bàn là 226.031 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015; có 4.710 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, dư nợ trên 59.787 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng dư nợ.

Các tổ chức tín dụng và Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm giải quyết khó khăn tạm thời cho khách hàng, giúp khách hàng ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng28.

b) Về chính sách thuế: Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Thuế đã thực hiện miễn tiền thuê đất cho 592 lượt hồ sơ với số tiền thuê đất được miễn là 1.374 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất cho 245 lượt hồ sơ với số tiền thuê đất giảm 2,3 tỷ đồng; gia hạn nộp tiền thuê đất cho 4.038 lượt hồ sơ với số tiền thuế được gia hạn 1.775 tỷ đồng; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 946 tỷ đồng.

II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1. Quy mô, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế

1.1. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn so với trung bình cả nước và một số tỉnh trong khu vực29. Quy mô của doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 97,03% số lượng doanh nghiệp30; số lượng doanh nghiệp hoạt động của Nghệ An xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tuy nhiên, quy mô vốn đăng ký thành lập/01 doanh nghiệp của Nghệ An xếp thứ 42/63 tỉnh thành phố trong cả nước). Số lượng doanh nghiệp dẫn đầu, đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của một ngành/lĩnh vực, một chuỗi giá trị hoặc một cụm doanh nghiệp của tỉnh còn rất khiêm tốn (Số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chỉ chiếm 2,97% tổng số doanh nghiệp).

1.2. Số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ chiếm 56,48% số lượng doanh nghiệp đăng ký. Tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp thu ngân sách còn thấp. Năm 2020, chỉ có khoảng 42% tổng số doanh nghiệp hoạt động nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó khoảng 1,62% tổng số doanh nghiệp hoạt động nộp thuế trên 01 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng cùng có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, phải tạm dừng, giải thể31.

1.3. Đại đa số các doanh nghiệp vốn ít, khó có khả năng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm dẫn đến khả năng cạnh tranh, hội nhập và hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa có nhiều thương hiệu sản phẩm tầm quốc gia. Tính chủ động của doanh nghiệp trong việc đổi mới khoa học công nghệ còn hạn chế, các doanh nghiệp hầu như ít quan tâm đến chuyển đổi số và dịch vụ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn thấp (12,94%); số lượng các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu còn ít, đến cuối năm 2020 chỉ chiếm 1,5% số doanh nghiệp đang hoạt động.

1.4. Trình độ quản lý và năng lực quản trị, điều hành của đa số các doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh dài hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, phong trào, chưa có sự đầu tư theo chiều sâu. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp yếu, rời rạc; năng lực tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị hạn chế. Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với cộng đồng, xã hội và môi trường chưa tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp.

2. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc

2.1. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” làm cản trở trong quá trình thu hút đầu tư các doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Cảng Cửa Lò đang thiếu cảng biển nước sâu nên chi phí logistics cao, nhiều mặt hàng xuất khẩu phải thông qua cảng Hải Phòng32. Đường băng sân bay Vinh chưa đáp ứng điều kiện để đón các máy bay cỡ lớn cho các đường bay quốc tế đã được định hướng mở ra trong thời gian tới; hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn hạn chế.

2.2. Công tác cải cách hành chính đã từng bước được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp33. Sự quan tâm hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp ở một số ngành, địa phương còn hạn chế.

2.3. Thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật, kỹ sư, nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù nguồn nhân lực dồi dào với lực lượng lao động 1,926 triệu lao động/3,36 triệu dân, tuy nhiên, trình độ tay nghề, kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp34.

2.4. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, nguồn vốn, đổi mới công nghệ, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, mở rộng thị trường, nhà cung cấp; thực hiện các thủ tục pháp lý...

3. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiệu quả chưa cao

3.1. Mặc dù Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành từ năm 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng số lượng doanh nghiệp thực tế được hưởng rất hạn chế. Một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả35 hoặc chưa được thực hiện36; Một số chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung chưa có những quy định cụ thể về đối tượng, quy trình thủ tục nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện; chưa quan tâm thích đáng cho các doanh nghiệp thế mạnh của tỉnh.

3.2. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, chủ yếu mới đang ở các bước đầu triển khai Luật như: xây dựng, ban hành kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các sở ban ngành và địa phương; kết quả hỗ trợ chưa nhiều, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, mới tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

3.3. Các sở, ngành và địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hoá các chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa rõ nét và thực chất. Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, các hội doanh nghiệp và VCCI trên địa bàn tỉnh chưa thực sự rõ nét37.

III. NGUYÊN NHÂN

1. Nguyên nhân khách quan

1.1. Hệ thống pháp luật và chính sách của nhà nước liên quan đến doanh nghiệp vẫn còn một số chồng chéo, bất cập và thiếu tính ổn định.

1.2. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường; tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực doanh nghiệp.

1.3. Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, nhưng chủ yếu là miền núi, thuộc địa bàn khó khăn nên phát triển doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực yêu cầu trình độ, công nghệ cao còn hạn chế.

1.4. Kết cấu hạ tầng tuy có cải thiện, song chưa đáp ứng để Nghệ An có thể thu hút được doanh nghiệp quy mô lớn làm động lực cho phát triển của tỉnh, đặc biệt hệ thống cảng biển, sân bay và logistics.

2. Nguyên nhân chủ quan

2.1. Nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò và trách nhiệm đối với phát triển doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu mới, chưa tạo được môi trường thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; chưa chủ động nắm bắt về tình hình hoạt động, những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực để kịp thời hỗ trợ.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp; tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả chưa cao; còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các Cơ quan trong giải quyết TTHC cho doanh nghiệp.

2.2. Các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được Trung ương và địa phương ban hành tương đối đồng bộ và đầy đủ nhung thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện. Nguồn kinh phí thực hiện đa số được cân đối từ nguồn ngân sách địa phương, trong khi nguồn lực của địa phương rất hạn chế.

2.3. Đa phần các doanh nghiệp Nghệ An có bước khởi đầu với xuất phát điểm thấp, thậm chí chỉ từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, luôn trong tình trạng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị và tài sản đảm bảo do đó khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chưa thực sự năng động, thiếu nắm bắt thông tin dự báo; trình độ quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế; chưa coi trọng việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư kinh doanh dài hạn; khả năng chống chịu, thích ứng với biến động thị trường còn thấp.

2.4. Nội dung, hình thức hoạt động của các hội, hiệp hội doanh nghiệp chưa phong phú; công tác hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, ngành hàng còn hạn chế; nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia các tổ chức hội nên chưa chủ động tham gia.

Đánh giá chung

Giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp Nghệ An phát triển nhanh về số lượng; hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới gấp 1,49 lần so với giai đoạn 2011-2015, số doanh nghiệp đang hoạt động đứng thứ 9 cả nước. Hoạt động của doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: nguồn thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đóng góp an sinh xã hội...Tuy vậy, doanh nghiệp Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều chỉ tiêu đánh giá về doanh nghiệp của tỉnh chưa bằng mức bình quân chung của cả nước (mật độ doanh nghiệp/1000 dân trong độ tuổi lao động mới bằng 43,5% mức bình quân chung, thu nhập bình quân lao động chỉ bằng 65% mức bình quân chung cả nước...). Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé (97,03% số doanh nghiệp của tỉnh là siêu nhỏ, nhỏ), vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, hiệu quả thấp và chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực... Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả chưa cao.

Phần II

MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH

1. Thuận lợi, cơ hội

1.1. Nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng; các hiệp định thương mại thương mại đã ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội lớn trong hợp tác rộng lớn, đa dạng hóa thị trường và thu hút nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp.

1.2. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện. Chính phủ đã và đang nỗ lực để trở thành “Chính phủ kiến tạo”, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

1.3. Xu hướng chuyển dịch các dòng vốn đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, cùng với sự chuẩn bị tốt hạ tầng các khu công nghiệp như VSIP; WHA Hemaraj, Hoàng Mai, ... sẽ mở ra cơ hội để Nghệ An chào đón các nhà đầu tư. Nhiều công trình, dự án lớn đi vào hoạt động sẽ phát huy hiệu quả, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp.

1.4. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về phương thức kinh doanh và nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có thể phát triển nhanh hơn nhờ công nghệ.

2. Khó khăn, thách thức

2.1. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế có xu hướng chậm lại. Việc thực thi các hiệp định, cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh cho nên kinh tế, doanh nghiệp.

2.2. Ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, dịch bệnh tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2.3. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiện vẫn còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, thực thi chậm, thiếu thống nhất. Năng lực cạnh tranh nội tại của các doanh nghiệp trong tỉnh còn nhiều hạn chế trong khi đó yêu cầu về thị trường, thương hiệu, chất lượng sản phẩm, công nghệ, môi trường ...ngày càng cao; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng lớn.

II. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 2025

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là phát triển về chất lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; tạo thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô, hình thành một số doanh nghiệp “đầu tàu”, có nguồn lực mạnh để đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng, từ đó tác động lan tỏa đến phát triển doanh nghiệp của tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị (sản xuất, phân phối) các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, cả nước và quốc tế; đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Nghệ An có khoảng 32.500 - 34.500 doanh nghiệp38, trong đó, có khoảng 20.000 - 20.500 doanh nghiệp hoạt động39. Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chiếm khoảng 3% - 4%40 trong tổng số doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025.

b) Bình quân hàng năm doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 - 25.000 lao động.

c) Phấn đấu đến năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% thu ngân sách của tỉnh41.

d) Huy động vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 35 - 40% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh42.

đ) Tỷ lệ đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm chủ yếu đạt 35-38%43.

2. Định hướng phát triển doanh nghiệp đến năm 2025

2.1. Chú trọng phát triển doanh nghiệp theo hướng hình thành cụm liên kết, chuỗi giá trị; khuyến khích và hỗ trợ các hộ kinh doanh có đủ khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp.

2.2. Ươm tạo doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực có sản phẩm xuất khẩu và có giá trị gia tăng cao.

2.3. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

2.4. Phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh (Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp). Cụ thể:

a) Về dịch vụ: Phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thương mại, logistics, giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu.

b) Về công nghiệp: Chú trọng phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm số; các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hình thành cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu gắn với chuỗi giá trị trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp gắn liền với việc khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, cảng Đông Hồi.

c) Về nông nghiệp: Phát triển doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Các giải pháp phát triển doanh nghiệp

1.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò phát triển doanh nghiệp

a) Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

b) Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông như: Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp,... về các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có tiềm năng chuyển đổi thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

c) Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật, cơ chế chính sách; các nguyên tắc, cam kết quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các cam kết, hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia.

1.2. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

a) Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số về môi trường đầu tư, kinh doanh như: PCI, PAPI, PAR index, đặc biệt là cải thiện các chỉ số thành phần có số điểm và thứ hạng thấp.

- Thường xuyên cập nhật, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với mục tiêu, thực tiễn phát triển của doanh nghiệp. Nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Nghệ An đã được Quốc hội thông qua để phát huy hiệu quả của cơ chế, chính sách này trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; chủ động xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị trong đó tham mưu đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới với chính sách đặc thù cho tỉnh. Xây dựng chính sách hỗ trợ dịch vụ vận tải biển và cảng biển để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa44; bổ sung, sửa đổi chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh theo hướng tiệm cận với khung bồi thường mà pháp luật cho phép để tạo thuận lợi trong công tác đền bù, GPMB.

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình thực hiện các TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC, đặc biệt là TTHC ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như thủ tục về đất đai, thuế và hải quan. Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã.

- Thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, toàn diện đối với nền hành chính- công vụ, trước hết là TTHC, dịch vụ công nhằm tạo đột phá trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

- Tổ chức lập và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới quy hoạch xây dựng vùng và các quy hoạch khác theo hướng đồng bộ, đảm bảo tính liên kết; điều chỉnh mở rộng, rà soát, xây dựng các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu dọc các tuyến đường giao thông chính, làm cơ sở, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp tại các địa phương làm cơ sở thu hút đầu tư và tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; triển khai thực hiện đề án Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An - DDCI giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 28/7/2020. Tập trung chỉ đạo theo lộ trình chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Nghị định 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ.

- Duy trì hội nghị giao ban giữa Lãnh đạo tỉnh và các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư; nâng cao chất lượng giải quyết các nội dung kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong giải quyết các TTHC, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ thống hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phản ánh kiến nghị cũng như giúp các cơ quan chính quyền nắm bắt, giải quyết kịp thời các phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

b) Tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ như sân bay, cảng biển, đường giao thông, hạ tầng KKT Đông Nam và các KCN; hệ thống logistics45; trong đó phấn đấu đến năm 2022 khởi công dự án cảng nước sâu Cửa Lò từ nguồn vốn xã hội hóa; tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông vận tải để đầu tư nâng cấp sân bay Vinh (đường băng số 2)... Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

c) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp

- Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng nghề, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Gắn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động trên cơ sở làm tốt công tác đào tạo theo các ngành nghề.

- Thực hiện có hiệu quả đề án Đào tạo lao động có kỹ năng nghề giai đoạn 2021 -2025. Thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo địa chỉ sử dụng để phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp đáp ứng quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động.

- Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tra cứu, kết nối thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động đã được thu thập, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh để gắn kết người lao động với doanh nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ thông tin tăng hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành hệ thống Sàn giao dịch việc làm, xây dựng Cổng thông tin điện tử về lao động việc làm trên địa bàn tỉnh.

1.3. Giải pháp phát triển doanh nghiệp về số lượng

a) Phát động mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp

- Tổ chức phát động các chương trình khởi nghiệp, đưa tinh thần khởi nghiệp lan tỏa đến với mọi người dân, trong đó chú trọng khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đất nước đến với lực lượng thanh niên, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

- Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng. Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, chuyên gia,... nhằm hỗ trợ thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp khả thi.

- Tiếp tục kiện toàn Hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia vào các Trung tâm đổi mới sáng tạo để kết nối nguồn lực. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tư nhân xây dựng các khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tập trung, khu làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp.

b) Hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp:

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác đăng ký kinh doanh qua mạng và giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh xuống còn 50% theo quy định của Chính phủ46. Tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp để hạn chế tối đa việc trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp.

- Khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp:

Các huyện, thành phố, thị xã thực hiện rà soát, thống kê các hộ kinh doanh trên địa bàn để đánh giá, phân loại các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để vận động chuyển đổi sang doanh nghiệp. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi khoảng 2.286 hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, trong đó nhấn mạnh các lợi ích thiết thực khi thành lập doanh nghiệp, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận nguồn vốn, quyền thế chấp tài sản, đặc biệt là tính minh bạch và tư cách pháp nhân trong giao dịch với đối tác trong và ngoài nước...nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp: hỗ trợ về thủ tục hành chính, bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp, nghiệp vụ kế toán, thủ tục thuế, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại...

Tổ chức tuyên dương kịp thời các hộ kinh doanh tiêu biểu, có doanh thu lớn, có đóng góp tích cực cho xã hội.

1.4. Giải pháp phát triển doanh nghiệp mở rộng quy mô, xây dựng các thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước

a) Phát triển doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, làm “đầu tàu”, dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực

- Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty trong và ngoài nước có uy tín, có năng lực tài chính đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tính động lực; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chế biến nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp/nhà đầu tư đang đầu tư triển khai các dự án tại Nghệ An.

- Khuyến khích việc liên kết, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, khẳng định vị trí của doanh nghiệp tại thị trường trong nước và khu vực.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại.

b) Tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị

- Tạo mọi điều kiện để tăng cường sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp nhỏ, vừa trên địa bàn tỉnh với các tập đoàn kinh tế mạnh, doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực tài chính và công nghệ cao. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tổ chức kết nối doanh nghiệp có quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ với các DNNVV để hình thành các chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa, nhất là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Củng cố, nâng cấp mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc những ngành có tiềm năng phát triển, như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm...

- Hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Tổ chức các diễn đàn, các hội thảo về liên kết sản xuất và tiêu thụ, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để kết nối, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình, dự án nhằm phát triển cụm liên kết, tham gia chuỗi giá trị47.

c) Chú trọng phát triển doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

- Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, như chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ khuyến công, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; trong đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện, điện tử, công nghệ thông tin,..); chính sách phát triển hạ tầng thương mại, hạ tầng dịch vụ logistics,....

- Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư dự án sản xuất công nghiệp, nhất là tiếp cận các Tập đoàn, doanh nghiệp FDI có quy mô lớn để lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư vệ tinh. Tăng cường tính liên kết vùng trong thu hút đầu tư phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương, khu vực về nguyên vật liệu, nguồn nhân lực.

- Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên cơ sở ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp sáng tạo.

2. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

2.1. Hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sớm phục hồi, ổn định sản xuất và phát triển

a) Bám sát chỉ đạo của Trung ương để thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng, phổ biến, nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

b) Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo quy định và hướng dẫn của trung ương.

c) Bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới.

d) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, như: Thực hiện chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội; chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19; gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

đ) Chủ động xây dựng phương án, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn xã hội.

e) Giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp chưa cần thiết và tổ chức thực hiện trong thời gian phù hợp sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát; xem xét, tạo điều kiện gia hạn tiến độ thực hiện dự án cho doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kịp thời, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

2.2. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật mới; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức khởi nghiệp, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp

a) Các cơ quan quản lý nhà nước chủ động thông tin, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho các doanh nghiệp qua hệ thống quản lý doanh nghiệp, hoặc thông qua địa chỉ email của doanh nghiệp (giám đốc hoặc kế toán trưởng) mà doanh nghiệp đã đăng ký, kê khai trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước.

b) Tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản luật liên quan trực tiếp đến hoạt động và quyền lợi của doanh nghiệp theo từng chuyên đề/ngành/lĩnh vực hoặc địa bàn. Nâng cao nhận thức và tổ chức đào tạo cho chủ doanh nghiệp về vai trò ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, kiến thức về các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật sản phẩm khi doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nguyên tắc, cam kết quốc tế trong vực kinh tế, thương mại, đầu tư...

c) Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

2.3. Hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho khu vực doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19.

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

b) Tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo, đặc biệt các lớp học trực tuyến mở trên môi trường số; hỗ trợ đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến để thực hiện mục tiêu 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số năm 2025.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, xây dựng thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử quốc tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường cung cấp thông tin về khoa học công nghệ, công nghệ thông tin - truyền thông tiên tiến trên thế giới đến cộng đồng doanh nghiệp.

d) Thu hút các doanh nghiệp công nghệ, phát triển sàn giao dịch công nghệ, xây dựng các tổ chức tư vấn về công nghệ...Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ thông tin.

đ) Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử, e-logistics trong cộng đồng doanh nghiệp; duy trì nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Nghệ An; khuyến khích môi trường kinh doanh không dùng tiền mặt...

e) Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo về cơ sở kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, công nghệ, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo...theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ. Đẩy mạnh hoạt động Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Nghệ An theo mô hình tổ hợp dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trên cơ sở hạ tầng sẵn có kết nối với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

2.4. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh

a) Cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử tỉnh Nghệ An các đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ương và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án đầu tư đã bị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất.

b) Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức công khai quy hoạch diện tích đất dành cho doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng để triển khai dự án sản xuất, kinh doanh ngoài các khu, cụm công nghiệp. Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt để sớm hoàn thành các dự án đang triển khai, nhằm thu hút các dự án thứ cấp quy mô lớn, phát triển thêm các dự án hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

c) Hàng năm, rà soát quỹ đất trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, kiên quyết thu hồi đối với những trường hợp được giao đất nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm để bố trí cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu về đất.

d) Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp công nghệ cao.

2.5. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng

a) Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

b) Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nghiên cứu theo hướng kết hợp nhiều sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hạ lãi suất cho vay; tìm hiểu nhu cầu từng nhóm khách hàng để có chính sách hỗ trợ cụ thể, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

c) Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.

d) Thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về lãi suất, rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện, hỗ trợ giảm chi phí đầu vào.

2.6. Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch

a) Tập trung tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia ký kết, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA,... cho các doanh nghiệp; thường xuyên kết nối với các Bộ, ngành Trung ương để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những cảnh báo về vướng mắc trong quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại về tiêu chuẩn hàng hóa sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường.

b) Hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; theo dõi sát tình hình thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, phát triển thị trường xuất khẩu; tổ chức các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh.

c) Khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tổ chức định kỳ chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của nhau, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối có tính chất liên kết vùng, địa phương; hỗ trợ kinh phí triển khai các đề án thuộc chương trình khuyến công quốc gia, địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

d) Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản gắn với chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP theo Nghị quyết 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh.

đ) Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ, triển lãm có uy tín tại các tỉnh, thành phố trong nước và hội chợ nước ngoài. Tổ chức các gian hàng trưng bày, triển lãm các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tham gia các hội chợ lớn, có tính chất khu vực, quốc tế để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

2.7. Hỗ trợ tư vấn chính sách thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp

a) Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định hiện hành của pháp luật.

b) Tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, xác nhận số thuế đã nộp bằng phương pháp điện tử để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến miễn phí vẽ chính sách thuế và kế toán thuế cho doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế, chính sách thuế, hải quan cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp

3.1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, địa phương mình quản lý; trong đó, phải định hướng phát triển doanh nghiệp phù hợp với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành.

3.2. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo thường xuyên quan tâm theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, gắn với công tác phát triển đảng viên; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị cho người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3.3. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những doanh nghiệp, doanh nhân điển hình, có sáng kiến mới, cách làm hay trong sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong kinh doanh.

4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên khởi nghiệp; biểu dương, tôn vinh các gương đoàn viên, hội viên khởi nghiệp thành công; vận động các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, tiến tới thành lập doanh nghiệp. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

5. Phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp; các hội, hiệp hội doanh nghiệp và VCCI Nghệ An trong việc đại diện, bảo vệ quyền và 10 ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp

5.1. Các doanh nghiệp, doanh nhân: Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19; nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đạo tạo nguồn nhân lực; tăng cường sự hợp tác liên kết, tích cực tham gia vào các hiệp hội, ngành hàng, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp bền vững; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao vai trò, bổn phận, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

5.2. Các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng

a) Đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tập hợp các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

b) Rà soát, kiện toàn tổ chức của hiệp hội, các hội để nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò; phát huy tính chủ động, trách nhiệm, nhiệt huyết trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ động xây dựng, xác định phương hướng liên kết, liên doanh và hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tự nguyện của các hội viên. Phát huy sở trường, thế mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên trên thương trường. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp nhằm nâng cao vị thế và uy tín của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

5.3. VCCI Nghệ An: Xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kịp thời chuyển đến các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét, giải quyết, đồng thời giám sát kết quả thực hiện.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm để triển khai thực hiện theo quy định, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi. Định kỳ hằng năm (trước ngày 15/12), báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Đề án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực) để tổng hợp.

2. Cập nhật, công khai quy trình, thủ tục hành chính, văn bản, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương lên trang Thông tin điện tử của ngành, địa phương. Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương nhằm giảm thời gian thực hiện và chi phí cho doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời.

3. Tăng cường phổ biến các văn bản pháp luật, chính sách mới thuộc ngành/lĩnh vực quản lý đến doanh nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng và các văn bản, chính sách mới cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập.

4. Rà soát, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án và quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ thuộc ngành/lĩnh vực do cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

II. Nhiệm vụ cụ thể

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1.1. Là cơ quan thường trực Đề án; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án; theo dõi, đôn đốc định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

1.2. Chủ trì, phối hợp các ngành tham mưu triển khai thực hiện cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh Nghệ An đã được Quốc hội thông qua.

1.3. Chủ trì tham mưu, thực hiện các nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 13, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

1.4. Hằng tháng tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời xử lý.

2. Văn phòng UBND tỉnh

2.1. Chỉ đạo Cổng thông tin điện tử tỉnh kịp thời cập nhật công khai các văn bản, chính sách pháp luật của Trung ương và của tỉnh, các nội dung chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo tỉnh lên Cổng thông tin điện tử.

2.2. Chủ trì tham mưu triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

3. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh

3.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hăng năm và dự toán kinh phí thực hiện theo các nội dung hỗ trợ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

3.2. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết noi, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác sản xuất kinh doanh, cơ hội đầu tư.

3.3. Chủ trì tham mưu, thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Triển khai các cuộc khảo sát nhu cầu hỗ trợ của DNNVV, hộ kinh doanh trên địa bàn và đánh giá việc triển khai các nội dung hỗ trợ;

3.4. Định kỳ hằng năm, chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương đánh giá kết quả hỗ trợ doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh; đề xuất tôn vinh DNNVV có thành tích xuất sắc, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Sở Tài chính

4.1. Chủ trì tham mưu kinh phí từ ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

4.2. Tham mưu quản lý, giám sát về vốn và tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

4.3. Chủ trì tham mưu, thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 19 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Sở Công Thương

5.1. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa.

5.2. Rà soát, hoàn chỉnh chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2022 -2026; phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu bổ sung các cụm công nghiệp và đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tạo mặt bằng thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp.

5.3. Tham mưu xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển thương hiệu, kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; rà soát, đề xuất các giải pháp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới áp dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh.

5.4. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; các giải pháp kết nối doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ với các DNNVV hình thành các chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực quản lý.

5.5. Nghiên cứu, tham mưu chính sách phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1992/QĐ-BCT ngày 20/8/2021 của Bộ Công Thương.

5.6. Chủ trì tham mưu, thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Mục 3 Chương IV (trừ khoản 4, khoản 5 Điều 25) của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

6.1. Chủ trì, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; chính sách hỗ trợ thủy sản, tàu cá; tổ chức, tuyên truyền, quảng bá, thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ nông, lâm thủy sản của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.

6.2. Chủ trì xây dựng kế hoạch hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc lĩnh vực nông nghiệp; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ hình thành, phát triển một số doanh nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.

6.3. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ; tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

6.4. Chủ trì tham mưu, thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Mục 3 Chương IV Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

7.1. Triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 và sổ 188/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các diễn đàn, sự kiện và các phương tiện truyền thông.

7.2. Nghiên cứu, đề xuất thành lập hoặc hỗ trợ, phối hợp với các doanh nghiệp thành lập từ 2 đến 3 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, khu làm việc chung, không gian khởi nghiệp... để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2021-2025.

7.3. Tham mưu triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 và Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

7.4. Chủ trì tham mưu, thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 11, Điều 20, Điều 21, Điều 22 và Khoản 4, khoản 5, Điều 25 Nghị định số 80/2021 /NĐ-CP của Chính phủ.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

8.1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phát triển. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

8.2. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh theo các nội dung chính sách Trung ương ban hành.

8.3. Chủ trì tham mưu, thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

9.1. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan hoàn thành việc thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; rà soát, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng, tăng cường hướng dẫn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh.

9.2. Chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan để cập nhật bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy hải sản tập trung do các sở, ngành, địa phương đề xuất tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp tiếp cận thực hiện.

9.3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu sửa đổi chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

9.4. Phối hợp các địa phương tham mưu UBND tỉnh phương án, giải pháp huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực của Quỹ phát triển đất phục vụ công tác bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất sạch cho đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh48.

10. Sở Giao thông vận tải

10.1. Thực hiện các giải pháp thiết thực, giảm chi phí logistics, hỗ trợ các đơn vị vận tải thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các chủ hàng, đơn vị vận tải để tăng tỷ lệ vận tải hai chiều; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng logistic.

10.2. Tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông vận tải cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào Khu bến cảng phía Bắc Cửa Lò; điều chỉnh quy hoạch Khu bến cảng Đông Hồi; phối hợp, làm việc với Bộ Giao thông vận tải để sớm đầu tư các hạng mục thuộc cảng hàng không Quốc tế Vinh, đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn qua tỉnh Nghệ An và đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc phía Đông đoạn qua tỉnh Nghệ An.

10.3. Phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan đề xuất mở tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không với các địa phương trong nước và một số nước trên thế giới phù hợp với định hướng phát triển và nhu cầu thực tế trong giai đoạn tới.

11. Sở Nội vụ

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

12. Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hàng năm.

13. Sở Thông tin và Truyền thông

13.1. Tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong doanh nghiệp; nghiên cứu, triển khai các biện pháp thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

13.2. Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số nhàm đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp công nghệ số và quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

14. Sở Du lịch

14.1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai giải pháp phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và lữ hành; hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

14.2. Nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch an toàn như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh,... định vị điểm đến có sức hấp dẫn cao. Mở rộng phát triển sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch vui chơi giải trí,...

15. Sở Xây dựng

Chủ trì thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng 02 bên các tuyến giao thông chính làm cơ sở cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng.

16. Sở Y tế

Tham mưu thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời phối hợp với các sở quản lý chuyên ngành hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 phù hợp với tình hình của từng địa phương, khu vực và doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

17. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam

17.1. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung KKT Đông Nam và quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết KKT Đông Nam và các khu công nghiệp; Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

17.2. Quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả quỹ đất trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã hình thành, tạo nguồn cung sẵn có về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông, xử lý nước thải, môi trường, vận tải, kho bãi...) để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp tập trung.

17.3. Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Công Thương tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển hành hóa đi quốc tế và dịch vụ logistics qua cảng Cửa Lò và cảng Đông Hồi.

17.4. Phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

18. Sở Ngoại vụ

18.1. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, kết nối với các đối tác quốc tế thông qua việc tổ chức hoặc giới thiệu các doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn quốc tế.

18.2. Hỗ trợ doanh nghiệp xác minh các đối tác nước ngoài khi có nhu cầu liên kết kinh doanh thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; hỗ trợ các thủ tục bảo hộ cho doanh nghiệp Nghệ An khi gặp các vấn đề trong sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài.

18.3. Phổ biến thông tin, hướng dẫn quy trình và xây dựng các văn bản chính sách, quy định, trình tự thủ tục cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) và bảo hộ công dân rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa phù hợp với các quy định chung của pháp luật.

19. Cục Thuế tỉnh

19.1. Triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

19.2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức các khóa đào tạo về chính sách thuế và kế toán cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh chuyển đổi.

19.3. Định kỳ hàng tháng, Cục Thuế phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm.

19.4. Chủ trì tham mưu, thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 18 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

20. Cục Hải quan Nghệ An

Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính về hải quan.

21. Cục Thống kê

Chủ trì xây dựng bộ dữ liệu thống kê về doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác theo dõi, đánh giá, trợ giúp doanh nghiệp và công tác xây dựng chính sách, chương trình về doanh nghiệp.

22. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

22.1. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ tại ngân hàng; thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phương án, dự án sản xuất, kinh doanh.

22.2. Chủ trì tham mưu chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD cho vay có hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo quy định tại Mục 4 Chương IV Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

23. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Tổ chức quảng bá cho các doanh nghiệp, sản phẩm của Nghệ An; phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành liên quan tuyên truyền pháp luật cho doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

24. UBND các huyện, thành, thị

24.1. Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến phát triển doanh nghiệp. Tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động, nhu cầu thành lập doanh nghiệp của các hộ kinh doanh trên địa bàn. Vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và hộ kinh doanh chuyển đổi, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn.

24.2. Tổ chức công khai các quy hoạch trên địa bàn để doanh nghiệp, người dân được biết; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn; hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tiếp cận đất đai.

24.3. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn; nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

25. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và VCCI Nghệ An

25.1. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện vận động, hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật; thực hiện giám sát, phản biện xã hội về các chính sách, giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên và nhân dân về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân; phát động các phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vận động các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

25.2. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền cho các cá nhân, hộ gia đình về các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp; khuyến khích các hội viên đang tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

25.3. Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy và phát triển tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên; tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp; tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; kết nối nguồn vốn hỗ trợ; cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho đoàn viên thanh niên.

25.4. Đề nghị các hội, hiệp hội doanh nghiệp, VCCI Nghệ An

a) Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp đến hội viên, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn; tích cực vận động, hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các tổ chức hiệp hội, ngành/hàng nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác, liên kết, hình thành chuỗi giá trị; tập hợp các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

b) Thực hiện vận động, kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội; kiện toàn cơ cấu tổ chức hoạt động để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội, các hội doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; thông tin phổ biến vận động hội viên, kết nối cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện Đề án.

III. Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có phát sinh vướng mắc, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, kịp thời gửi về UBND tỉnh (qua cơ quan thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

MỤC LỤC BIỂU ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Biểu

Nội dung

Phụ lục 1

Số lượng, quy mô vốn doanh nghiệp thành lập mới (2016 - 2020)

Phụ lục 2

Cơ cấu doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy mô (2016 - 2020)

Phụ lục 3

Cơ cấu doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh theo ngành kinh tế (2016 - 2020)

Phụ lục 4

Cơ cấu doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh theo địa bàn (2016 - 2020)

Phụ lục 5

Lao động khu vực doanh nghiệp (2016 - 2020)

Phụ lục 6

Một số chỉ tiêu đóng góp của khu vực doanh nghiệp (2016-2020)

Phụ lục 7

So sánh tình hình phát triển doanh nghiệp Nghệ An so với các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và cả nước

Phụ lục 8

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025

Phụ lục 9

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp tình Nghệ An đến năm 2025 theo địa bàn

 

PHỤ LỤC 1

SỐ LƯỢNG, QUY MÔ VỐN DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI (2016 - 2020)

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2016

2017

2018

2019

2020

Giai đoạn 2016- 2020

Số doanh nghiệp thành lập

DN

1.557

1.777

1.909

1.770

1.893

8.906

Công ty cổ phần

DN

449

458

480

480

493

2360

Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên

DN

285

291

308

298

287

1469

Công ty TNHH một thành viên

DN

721

947

1.078

975

1.099

4.820

Doanh nghiệp tư nhân

DN

102

81

43

17

14

257

Số vốn đăng ký

Tỷ đồng

7.302

9.921

10.498

15.734

16.697

60.152

Vốn đăng ký/doanh nghiệp

Tỷ đồng/DN

4,68

5,58

5,5

8,88

8,82

 

 

PHỤ LỤC 2

CƠ CẤU DOANH NGHIỆP ĐANG HOẠT ĐỘNG THEO QUY MÔ
(Số liệu đang hoạt động tính đến thời điểm 31/12 hàng năm)

Đơn vị tính: Doanh nghiệp, %

TT

Nội dung

Giai đoạn 2016 - 2020

 

2016

2017

2018

2019

2020

Ghi chú

 

Tổng số

9.917

10.883

11.678

12.399

13.220

 

1

Doanh nghiệp quy mô lớn

95

103

108

113

120

 

2

Doanh nghiệp quy mô vừa

226

244

264

266

273

 

3

Doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ

9.592

10.536

11.306

12.020

12.827

 

 

Doanh nghiệp quy mô nhỏ

1.706

1.932

2.223

2.267

2.392

 

 

Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ

7.886

8.604

9.083

9.753

10.435

 

 

Cơ cấu (%)

100

100

100

100

100

 

1

Doanh nghiệp quy mô lớn

0,96

0,95

0,92

0,91

0,91

 

2

Doanh nghiệp quy mô vừa

2,28

2,24

2,26

2,15

2,07

 

3

Doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ

96,72

96,81

96,81

96,94

97,03

 

 

Doanh nghiệp quy mô nhỏ

17,20

17,7 5

19,04

18,28

18,09

 

 

Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ

79,52

79,06

77,78

78,66

78,93

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Cục Thuế tỉnh Nghệ An

 

PHỤ LỤC 3

CƠ CẤU DOANH NGHIỆP ĐANG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KD THEO NGÀNH KINH TẾ

Đvt: %

Ngành kinh tế

2016

2017

2018

2019

2020

Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản

4,36

4,09

4,00

3,99

3,76

Nông nghiệp

3,84

3,58

3,45

3,51

3,24

Lâm nghiệp

0,30

0,29

0,36

0,30

0,34

Khai thác, nuôi trồng thủy sản

0,23

0,22

0,19

0,18

0,18

Công nghiệp -Xây dựng

34,62

33,81

34,92

35,35

35,99

Công nghiệp

12,61

12,34

12,81

12,65

12,94

Khai khoáng

1,92

1,80

1,96

1,79

1,69

Công nghiệp chế biến, chế tạo

9,88

9,81

10,10

10,12

10,50

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí

0,34

0,32

0,35

0,31

0,31

Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

0,48

0,41

0,40

0,44

0,44

Xây dựng

22,01

21,47

22,11

22,70

23,05

Dịch vụ

61,01

62,09

61,08

60,66

60,25

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ

32,33

32,19

31,30

30,40

30,28

Vận tải kho bãi

5,59

5,32

5,28

4,99

5,52

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

3,96

3,96

3,74

3,76

3,67

Thông tin và truyền thông

0,70

0,96

1,04

1,01

1,00

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

1,14

1,24

1,30

1,45

1,42

Hoạt động kinh doanh bất động sản

1,04

1,19

1,19

1,41

1,60

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ

10,50

10,71

10,50

10,49

9,84

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ

3,06

3,30

3,39

3,32

3,30

Giáo dục và đào tạo

1,34

1,80

1,84

2,26

2,16

Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội

0,54

0,59

0,61

0,65

0,62

Nghệ thuật, vui chơi và giải trí

0,35

0,38

0,39

0,43

0,40

Hoạt động dịch vụ khác

0,47

0,45

0,49

0,49

0,44

Nguồn: Cục Thống kê

PHỤ LỤC 4

CƠ CẤU DOANH NGHIỆP ĐANG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KD THEO ĐỊA BÀN

Đơn vị tính: %

STT

Huyện, thành phố, thị xã

2016

2017

2018

2019

2020

1

Thành phố Vinh

53,9

53,9

54,0

53,1

53,55

2

Thị xã Cửa Lò

3,2

3,1

2,8

3,1

3,07

3

Thị xã Hoàng Mai

2,5

2,7

2,8

2,8

2,92

4

Huyện Quỳnh Lưu

4,3

4,2

4,2

4,5

4,47

5

Huyện Diễn Châu

5,8

5,8

5,3

5,7

5,54

6

Huyện Yên Thành

3,4

3,5

3,7

3,4

3,33

7

Huyện Đô Lương

3,5

3,5

3,4

3,3

3,08

8

Huyện Nghi Lộc

3,7

4,2

4,5

4,7

4,80

9

Huyện Nam Đàn

2,2

2,2

2,1

2,2

2,15

10

Huyện Hưng Nguyên

2,6

2,6

2,9

3,2

3,28

11

Huyện Quế Phong

0,9

0,8

0,8

0,7

0,76

12

Huyện Quỳ Châu

0,3

0,3

0,3

0,4

0,36

13

Huyện Kỳ Sơn

0,4

0,4

0,4

0,4

0,40

14

Huyện Tương Dương

0,5

0,5

0,5

0,5

0,46

15

Huyện Quỳ Hợp

3,1

2,9

2,9

2,7

2,57

16

Huyện Con Cuông

0,7

0,7

0,7

0,6

0,55

17

Huyện Nghĩa Đàn

1,5

1,5

1,5

1,5

1,57

18

Thị xã Thái Hoà

2,5

2,2

2,3

2,3

2,32

19

Huyện Tân Kỳ

1,8

1,8

1,7

2,0

2,02

20

Huyện Anh Sơn

1,4

1,5

1,4

1,3

1,18

21

Huyện Thanh Chương

1,7

1,7

1,8

1,7

1,64

Nguồn: Cục Thống kê

PHỤ LỤC 5

LAO ĐỘNG KHU VỰC DOANH NGHIỆP

TT

Chỉ tiêu

Đvt

2016

2017

2018

2019

2020

1

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp

Người

192.286

200.200

216.193

218.705

221.205

 

Doanh nghiệp nhà nước

Người

22.990

23.490

23.312

23.125

23.075

 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Người

24.200

26.500

26.865

27.500

28.605

 

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Người

145.096

150.210

166.016

168.080

169.525

2

Cơ cấu theo thành phần kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

Doanh nghiệp nhà nước

%

11,96

11,73

10,78

10,57

10,43

 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

%

12,59

13,24

12,43

12,57

12,93

 

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh

%

75,46

75,03

76,79

76,85

76,64

3

Cơ cấu theo ngành kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

%

5,66

5,96

5,73

5,84

5,84

 

Công nghiệp - Xây dựng

%

60,43

60,83

58,87

59,60

59,60

 

Công nghiệp

%

32,56

31,51

32,81

34,45

34,45

 

Xây dựng

%

27,87

29,31

26,06

25,15

25,15

 

Dịch vụ

%

34,08

33,73

35,76

34,99

34,99

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Sở Lao động- TB&XH, Cục Thống kê

 

PHỤ LỤC 6

MỘT SỐ CHỈ TIÊU ĐÓNG GÓP CỦA KHU VỰC DOANH NGHIỆP (2016 - 2020)

TT

Chỉ tiêu

ĐTV

2016

2017

2018

2019

2020

I

Thu ngân sách

 

 

 

 

 

 

1

Tổng thu ngân sách

Tỷ đồng

11.050

12.744

14.075

16.616

17.367

 

Thu nội địa

Tỷ đồng

9.930

11208

12500

14909

16189

 

Thu thuế xuất nhập khẩu

Tỷ đồng

1.120

1.536

1.575

1.707

1.178

2

Số thu từ khu vực doanh nghiệp

Tỷ đồng

7.431

8.548

8.903

9.572

10.501

 

Thu nội địa

Tỷ đồng

6927

7857

8194

8804

9971

 

Thu thuế xuất nhập khẩu

Tỷ đồng

504

691

709

768

530

3

Tỷ trọng thu ngân sách từ các Doanh nghiệp

%

67,2

67,1

63,3

57,6

60,5

II

Tạo việc làm mới

 

 

 

 

 

 

1

Tạo việc làm mới toàn tỉnh hàng năm

Lao động

37.860

37.590

37.560

37.948

38.098

2

Lao động được tạo việc làm trong khu vực doanh nghiệp trong tỉnh

Lao động

7.846

8.796

8.518

9.879

10.412

III

Kim ngạch XNK hàng hóa của doanh nghiệp

 

 

 

 

 

 

1

Kim ngạch xuất khẩu

USD

573.498.125

670.204.901

763.696.645

895.348.826

887.041.331

2

Kim ngạch nhập khẩu

USD

414.317.841

512.899.667

777.878.298

842.506.053

984.021.324

(Nguồn: Cục Thuế, Sở Lao động -TB & XH, Cục Hải quan Nghệ An)

 

PHỤ LỤC 7

BIỂU SO SÁNH TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN SO VỚI CÁC TỈNH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ CẢ NƯỚC (SỐ LIỆU TẠI THỜI ĐIỂM 31/12/2020)

TT

Danh mục

Tỉnh Nghệ An

Cả nước

Các tỉnh vùng Bắc Trung bộ

Trong đó

So sánh

Ghi chú

Thanh Hoá

Hà Tĩnh

Quảng Bình

Quảng Trị

Thừa Thiên Huế

Nghệ An/cả nước

Nghệ An/vùng BTB

Về tỷ lệ %

Về thứ hạng

Về tỷ lệ %

Về thứ hạng

 

1

Tổng số doanh nghiệp (thời điểm 31/12/2020)

23.404

1.415.498

78.298

26.437

7.793

7.425

4.526

8.713

1,65

8

29,89

2

 

2

Số doanh nghiệp hoạt động (tại thời điểm 31/12/2020)

13.220

811.538

47.320

17.285

4.836

4.467

2.862

4.650

1,63

9

27,9

2

 

3

Số doanh nghiệp thành lập mới bình quân một năm (giai đoạn 2016-2020)

1.781

128.263

7.125

2.931

761

607

362

683

1,39

10

25,0

2

-

4

Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020

1.893

134.941

7.935

3.492

758

631

474

687

1,40

10

23,9

2

 

5

Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 (tỷ đồng)

16.697

2.235.626

103.784

52.420

7.404

9.951

8.256

9.056

0,75

17

16,1

2

 

6

Vốn đăng ký bình quân của 01 doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 (tỷ đồng)

8,8

16,6

13,1

15,0

9,8

15,8

17,4

13,2

53,24

42

67,4

6

 

7

Số doanh nghiệp hoạt động trên 1.000 dân (năm 2020)

3,9

8,3

3,9

3,6

3,7

4,9

4,5

4,1

46,99

34

100,0

4

 

8

Số DN hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động (năm 2020)

6,7

15,4

7,2

6,3

7,9

10,0

8,7

8,0

43,51

33

93,2

5

 

 

PHỤ LỤC 8

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện 2016-2020

Kế hoạch 2021- 2025

Ghi chú

1

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập lũy kế

Doanh nghiệp

23.404

32.500 - 34.500

Cao hơn mục tiêu NQ ĐH 19 (30000 DN)

2

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập

 

8.906

9.096-11.186

Giai đoạn 2021-2025: thành lập 1819- 2237 DN/năm (Gđ 2016-2020: 1781 DN/năm).

 

Số doanh nghiệp đăng ký mới

Doanh nghiệp

8.885,0

8.900

 

 

Số doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Hộ KD

21

196-2286

Số liệu đăng ký thực hiện của các địa phương

3

Số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế

Doanh nghiệp

13.220

20.000-20.500

Tốc độ tăng bình quân/năm 8,63-9,17% (giai đoạn 2016-2020:7,45%)

4

Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động/ doanh nghiệp đăng ký lũy kế

 

56,5

61,5-59,3

 

5

Đóng góp tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ khu vực doanh nghiệp

tỷ đồng

111.192

175.000-200.000

Tỷ lệ 35-40% tổng vốn đầu tư (Gđ 2016 2020:35,6%)

6

Thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp

tỷ đồng

10501

17.000-19.500

Tỷ lệ 65% tổng thu ngân sách (Gđ 2016- 2020: Bình quân 62,56%)

7

Tạo việc làm mới hàng năm từ khu vực doanh nghiệp

lao động

9090

20.000-25.000

Số liệu Đề án Giải quyết việc làm gđ 2021-2025

 

PHỤ LỤC 9

BIỂU MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2025

TT

Địa bàn

Thực hiện

Mục tiêu đến 2025

Tổng số doanh nghiệp

Trong đó: DN hoạt động

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng số doanh nghiệp

Trong đó: DN hoạt động

Tổng số doanh nghiệp

Trong đó: DN hoạt động

Tổng số doanh nghiệp

Trong đó: DN hoạt động

Tổng số doanh nghiệp

Trong đó: DN hoạt động

Tổng số doanh nghiệp

Trong đó: DN hoạt động

 

Toàn tỉnh

23.404

13.220

25.306

14.142

27.363

15.515

29.587

17.024

31.989

18.673

34.590

20.500

I

Vùng đồng bằng

20.561

11.585

22.232

12.399

24.039

13601

25.992

14.922

28.103

16.368

30.396

18.020

1

Thành phố Vinh

12.754

7.200

13.790

7.709

14.911

8.457

16.123

9.277

17.433

10.177

18.849

11.169

2

Thị xã Cửa Lò

775

440

838

471

906

517

980

567

1.059

621

1.145

679

3

Thị xã Hoàng Mai

661

370

715

396

773

434

836

476

903

522

990

590

4

Huyện Diễn Châu

1.308

735

1.414

786

1.529

862

1.653

946

1.788

1.038

1.933

1.146

5

Huyện Quỳnh Lưu

1.135

640

1.227

685

1.327

751

1.435

824

1.551

904

1.688

1.006

6

Huyện Yên Thành

897

500

970

534

1.049

586

1.134

643

1.226

705

1.320

780

7

Huyện Nam Đàn

501

280

542

299

586

328

633

361

685

396

740

438

8

Huyện Hưng Nguyên

671

375

726

401

784

440

848

483

917

530

992

587

9

Huyện Nghi Lộc

1.204

675

1.302

722

1.408

792

1.522

869

1.646

953

1.779

1.056

10

Huyện Đô Lương

655

370

708

396

766

434

828

476

895

522

960

569

II

Vùng miền núi

2.843

1.635

3.074

1.743

3.324

1.914

3.595

2.102

3.886

2.305

4.194

2.480

1

Thị xã Thái Hoà

446

270

482

288

521

317

564

348

610

382

704

416

2

Huyện Nghĩa Đàn

298

170

322

181

348

199

377

218

407

240

450

266

3

Huyện Quỳ Hợp

548

310

593

331

641

364

693

399

749

438

805

477

4

Huyện Quỳ Châu

75

40

81

42

88

46

95

51

103

56

100

59

5

Huyện Quế Phong

159

90

172

96

186

106

201

117

217

128

230

136

6

Huyện Tân Kỳ

343

200

371

213

401

234

434

256

469

282

500

296

7

Huyện Anh Sơn

264

150

285

161

309

176

334

194

361

212

380

225

8

Huyện Thanh Chương

439

250

475

267

513

293

555

322

600

353

640

378

9

Huyện Con Cuông

124

70

134

75

145

81

157

89

169

98

180

106

10

Huyện Tương Dương

81

45

88

47

95

52

102

57

111

63

110

65

11

Huyện Kỳ Sơn

66

40

71

42

77

46

83

51

90

53

95

56

Ghi chú: Mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến năm 2025 của từng địa phương được xây dựng trên cơ sở tốc độ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 của địa phương có tính đến xu thế tốc độ phát triển doanh nghiệp mới cao hơn tại một số địa bàn có lợi thế về phát triển doanh nghiệp phục vụ công nghiệp phụ trợ nhờ thu hút các dự án đầu tư lớn trên địa bàn (thị xã Hoàng Mai, Thái Hoà....).

 

KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

TT

Nội dung

Cơ quan chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19

 

 

Năm 2021

1

Thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh

Sở Công Thương, Ban QL Khu KT Đông Nam

Sở Y tế, UBND các huyện, thành, thị

 

2

Bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn

Sở Giao thông - VT, Sở Công thương

UBND các huyện, thành, thị

 

3

Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp

Bảo hiểm XH, Ngân hàng NN, Cục Thuế, Điện lực tỉnh

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

 

4

Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ địa phương khác trở về

Sở Lao động, TB &XH

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

 

II

Khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

 

 

 

1

Rà soát, thống kê các hộ kinh doanh trên địa bàn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi hộ.

UBND các huyện, thành, thị

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; các Hội doanh nghiệp

Năm 2021 - 2025

2

Đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, trong đó nhấn mạnh một số lợi ích thiết thực khi thành lập doanh nghiệp

UBND các huyện, thành,thị

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; các Hội doanh nghiệp

Hàng năm

3

Triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp

Các Sở, ban, ngành liên quan

UBND các huyện, thành, thị

Hàng năm

III

Nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp

 

 

 

1

Hỗ trợ về nhân lực

 

 

 

1.1

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, TM &DL

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; các Hội doanh nghiệp

Năm 2021

1.2

Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

Sở Tư pháp

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị; các Hội doanh nghiệp

Năm 2021 - 2025

1.3

Thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề giai đoạn 2021 - 2025, Đề án giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021 - 2025

Sở Lao động, TB &XH

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Năm 2021 - 2025

1.4

Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp

Sở Lao động, TB & XH; Ban Quản lý KKT Đông Nam

Cơ sở dạy nghề, các Hội doanh nghiệp

Thường xuyên

1.5

Xây dựng hệ thống dữ liệu cung cầu lao động để gắn kết người lao động với doanh nghiệp

Sở Lao động, TB & XH; Ban Quản lý KKT Đông Nam

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; các Hội doanh nghiệp

Năm 2021 - 2025

2

Hỗ trợ về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

 

 

 

2.1

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 03/2020/NQ- HĐND ngày 22/7/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn và Nghị quyết 12/2020/NQ- HĐND ngày 13/11/2020 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025

Sở Khoa học - Công nghệ

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị; các Hội doanh nghiệp

Thường xuyên

2.2

Xây dựng cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, khu làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Sở Khoa học - Công nghệ

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị; các Hội doanh nghiệp

Năm 2021 - 2025

2.3

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong doanh nghiệp giai đoạn 2021 -2025

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, TM &DL

Sở Thông tin & Truyền thông, Sở ngành liên quan

Năm 2021 - 2025

3

Về mặt bằng sản xuất kinh doanh

 

 

 

3.1

Công bố công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Website của các sở, ngành, UBND cấp huyện

Sở Tài nguyên & MT, Sở Xây dựng, Ban Quản lý KKT Đông Nam và UBND các huyện, thành, thị

Sở Thông tin và Truyền thông

Thường xuyên

3.2

Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch KKT Đông Nam, các khu công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng

Ban QL KKT Đông Nam

Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị

Năm 2021 - 2025

3.3

Xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ theo Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ

Sở Nông nghiệp - PTNT

Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện liên quan

Năm 2021 - 2025

3.4

Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn

Sở Công Thương

Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành,thị

Hàng năm

4

Hỗ trợ về tiếp cận tín dụng

 

 

 

4.1

Công khai, minh bạch quy trình và đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Ngân hàng nhà nước CN Nghệ An

Các tổ chức tín dụng

Thường xuyên

4.2

Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục liên quan trong quá trình tiếp cận nguồn vốn (đặc biệt là việc lập phương án/dự án vay)

Ngân hàng nhà nước CN Nghệ An

Các tổ chức tín dụng

Thường xuyên

4.3

Triển khai hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng

Ngân hàng nhà nước CN Nghệ An

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; các Hội doanh nghiệp

Thường xuyên

5

Hỗ trợ về xúc tiến, mở rộng thị trường

 

 

 

5.1

Xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu

Sở Công Thương

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Hàng năm

5.2

Hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; dự báo và mở rộng thị trường; tổ chức chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ, Triển lãm, các Hội nghị Xúc tiến, Roadshow, Famtrip, Prestrip trong và ngoài nước

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, TM &DL

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Hàng năm

6

Tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị

 

 

 

6.1

Xây dựng danh mục dự án xúc tiến đầu tư có trọng tâm, địa chỉ cụ thể nhằm hướng đến các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, TM &DL

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Hàng năm

6.2

Khuyến khích mô hình sản xuất mới mà nông dân liên kết doanh nghiệp để có quy mô sản xuất lớn, tạo dựng thương hiệu sản phẩm

Sở Nông nghiệp - PTNT

UBND các huyện, thành, thị

Hàng năm

6.3

Xây dựng các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc lĩnh vực nông nghiệp

Sở Nông nghiệp - PTNT

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Hàng năm

6.4

Xây dựng các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, chuỗi phân phối, các cơ chế chính sách, giải pháp về hỗ trợ chi phí hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường để đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch

Sở Công Thương

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Hàng năm

7

Phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực

 

 

 

7.1

Xúc tiến đầu tư các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty trong và ngoài nước có uy tín, có năng lực tài chính đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh

Sở Công thương, Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Du lịch

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại & DL; UBND các huyện,thành,thị

Năm 2021 - 2025

7.2

Khuyến khích việc liên kết, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô

7.3

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với doanh nghiệp

8

Tăng tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

 

 

 

8.1

Hoàn thiện định hướng, cơ chế chính sách phát triển công nghiệp

Sở Công thương

Ban QL KKT Đông Nam; UBND các huyện, thành, thị

Năm 2021 - 2025

8.2

Đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư dự án công nghiệp

8.3

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn

9

Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, TM &DL

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Hàng năm

IV

Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển

 

 

 

1

Đổi mới tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển doanh nghiệp

Sở Thông tin -TT, Báo Nghệ An, Đài PT-TH

Các Sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị liên quan; Các Hội doanh nghiệp

Thường xuyên

2

Tạo điều kiện thuận lợi thành lập doanh nghiệp

 

 

 

2.1

Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng. Giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh xuống còn 50% theo quy định của Chính phủ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại & Du lịch; Trung tâm Phục vụ hành chính công

Thường xuyên

2.2

Phát huy hiệu quả Cổng TTĐT hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Các ngân hàng thương mại, Bưu điện tỉnh và các đơn vị khắc dấu

Thường xuyên

3

Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025

Sở Nội vụ

Các Sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị liên quan

Thường xuyên

4

Triển khai thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025

Sở Thông tin và Truyền thông

Văn phòng UBND tỉnh; Các Sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị liên quan; Các Hội doanh nghiệp

Thường xuyên

5

Quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; Xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp

Các Sở, ban, ngành và các huyện,thành,thị

Sở Nội vụ

Thường xuyên

6

Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và Sở ban ngành - DDCI

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, TM &DL

Phòng TM&CN Việt Nam - CN Nghệ An, các Hội doanh nghiệp, đơn vị liên quan

Hàng năm

7

Rà soát, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế và hải quan.

Văn phòng UBND tỉnh

Sở Nội vụ; các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị

Hàng năm

8

Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị

Sở Thông tin và Truyền thông

Thường xuyên

9

Duy trì giao ban giữa Lãnh đạo tỉnh với đại diện các Hội doanh nghiệp, VCCI Nghệ An, Đảng ủy khối doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị liên quan; các Hội doanh nghiệp

Định kỳ quý/lần

10

Tổng hợp việc rà soát, bãi bỏ các văn bản liên quan đến điều kiện kinh doanh do tỉnh ban hành chưa đúng thẩm quyền hoặc không còn phù hợp

Sở Tư pháp

Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh; Các Hội doanh nghiệp

Thường xuyên

11

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, các Sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị liên quan

Năm 2021

12

Sửa đổi Quyết định số 72/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam và các Sở, ban, ngành có liên quan

Năm 2021

13

Rà soát, kiến nghị xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật liên quan

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Các Hội doanh nghiệp

Thường xuyên

14

Thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Sở Tài chính

Các Sở ngành, đơn vị liên quan

Hàng

năm

15

Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý tỉnh hoạt động của các doanh nghiệp và việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành thị

Các tổ chức đoàn thể, đơn vị liên quan

Thường xuyên

16

Thực hiện Đề án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, ban, ngành; các huyện, thành, thị

Hàng năm

V

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân

 

 

 

1

Rà soát, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh

Sở Nội vụ

Các Sở, ban, ngành, các Hội doanh nghiệp, doanh nhân

Năm 2021

2

Chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh

Các Hội doanh nghiệp, doanh nhân, Phòng TM&CN Việt Nam - CN Nghệ An

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan

Thường xuyên

3

Tăng cường các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan

Thường xuyên

4

Nâng cao tinh thần tự hào quê hương cách mạng, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tổt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tham gia chương trình giảm nghèo, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan

Thường xuyên

 

CÁC NỘI DUNG HỖ TRỢ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
(Theo Nghị định 80/2021/NQ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa)

1. Hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực

1.1. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Nhiệm vụ

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thông qua các chương trình: Đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh chuyên sâu cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến;

- Hỗ trợ đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ kinh phí để triển khai các chương trình đào tạo theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 và các văn bản hiện hành về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm:

* Hỗ trợ đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp

Hỗ trợ 100% tổng kinh phí của một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Hỗ trợ 70% tổng kinh phí của một khóa về quản trị doanh nghiệp cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Hỗ trợ 50% tổng kinh phí của một khóa về quản trị doanh nghiệp chuyên sâu;

Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ;

Miễn học phí cho học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội khi tham gia khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp.

* Hỗ trợ đào tạo trực tuyến về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp

Miễn phí truy cập và tham gia các bài giảng trực tuyến có sẵn trên hệ thống đào tạo trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh. DNNVV truy cập hệ thống đào tạo trực tuyển để học tập theo thời gian phù hợp. Hệ thống đào tạo trực tuyến bao gồm nền tảng quản trị đào tạo trực tuyến, nền tảng đào tạo trực tuyến và hệ thống nội dung bài giảng trực tuyến.

Miễn phí tham gia các khoá đào tạo trực tuyến, tương tác trực tiếp với doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các công cụ dạy học trực tuyến có sẵn ứng dụng trên các thiết bị điện tử thông minh của đối tượng được đào tạo (Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams, Google Classroom và các công cụ khác).

* Ho trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến

Hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí của một khóa đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không quá 01 khoá/năm/doanh nghiệp;

Hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp xã hội nhưng không quá 01 khoá/năm/doanh nghiệp.

1.2. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Nhiệm vụ

- Hỗ trợ chuyển đổi số thành công cho DNNVV; Hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động thông qua đào tạo, hỗ trợ kinh phí để sử dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng số tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận các cơ sở dữ liệu, thông tin, tư vấn phát triển, tạo cầu nối giúp phản ánh, trao đổi, kiến nghị, đề xuất một cách nhanh chóng giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan chính quyền.

b) Giải pháp

- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.

- Xây dựng App Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp thông qua nền tảng số. App được xây dựng bao gồm các hạng mục như: hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số, diễn đàn doanh nghiệp, thông tin tư vấn chính sách pháp luật cho doanh nghiệp,...

1.3. Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Nhiệm vụ

- Tư vấn, hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Xây dựng và quản lý vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để cung cấp thông tin miễn phí sở ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các hiệp hội doanh nghiệp về các chương trình, kế hoạch, dự án, hoạt động hỗ trợ DNNVV, thông tin về thị trường, công nghệ...

b) Nội dung hỗ trợ

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí truy cập các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng thông tin và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh.

- Nâng cấp và duy trì Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, cung cấp thông tin, các chương trình, kế hoạch hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp nhận các đăng ký hỗ trợ của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh;

1.4. Hỗ trợ tư vấn cho DNNVV

a) Nhiệm vụ

- Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung cấp, phổ biến thông tin về các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV và các thông tin khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

- Hỗ trợ DNNVV tiếp cận mạng lưới tư vấn viên trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa chỉ www.business.gov.vn, trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ để lựa chọn tư vấn viên hoặc tổ chức tư vấn và dịch vụ tư vấn phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng mạng lưới tư vấn viên.

- Miễn, giảm chi phí tư vấn hoặc hỗ trợ kinh phí cho các DNNVV sử dụng dịch vụ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên.

b) Giải pháp

- Cập nhật, công khai mạng lưới chuyên gia, tư vấn viên trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa chỉ www.business.gov.vn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận, tham gia dịch vụ;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính, pháp lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành) như sau:

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp xã hội;

Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhung không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp xã hội;

Hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa hoặc không quá 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp xã hội.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh

2.1. Nhiệm vụ

- Tuyên truyền, khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành lập doanh nghiệp;

- Hỗ trợ về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chuyển đổi thành lập doanh nghiệp; hồ sơ đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện;

- Hỗ trợ chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí... cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp.

2.2. Nội dung hỗ trợ

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp;

- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có).

3. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

3.1. Nhiệm vụ

a) Hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học,

b) Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo;

3.2. Nội dung hỗ trợ

a) Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/doanh nghiệp/năm;

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khoá đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 02 học viên/doanh nghiệp/năm.

b) Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo

- Miễn phí tra cứu thông tin về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế; các sáng chế, thông tin công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học; thông tin kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh;

- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử;

- Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức trong nước và không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức ở nước ngoài;

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo nhưng không quá 30 triệu đồng/cuộc thi/năm/doanh nghiệp.

4. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

4.1. Nhiệm vụ

- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các hoạt động đào tạo, hỗ trợ phát triển thương hiệu, kết nối thông tin, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

4.2. Nội dung hỗ trợ

a) Hỗ trợ đào tạo

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại doanh nghiệp nhưng không quá 50 triệu đồng/khoá/năm/doanh nghiệp;

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí đào tạo cho học viên của doanh nghiệp khi tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu phát triển của ngành, chuỗi giá trị nhưng không quá 10 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/doanh nghiệp/năm.

b) Hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường

- Miễn phí tra cứu thông tin về các sự kiện kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi, quy trình tìm kiếm, xác định nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp đầu chuỗi trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh;

- Miễn phí tra cứu thông tin về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh;

- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử quốc tế;

- Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức trong nước và không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức ở nước ngoài;

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị nhưng không quá 20 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.



1 Nghị quyết TW 5 khóa XII (NQ số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 139/NQ-CP 09/11/2018 ban hành Chương hình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

2 Trong đó chỉ có 21 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh giai đoạn 2018 - 2020.

3 Nguồn số liệu Cục Thuế tỉnh Nghệ An

4 Được thay thế bởi Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 có hiệu lực từ 15/10/2021, tuy nhiên, tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp không thay đổi.

5 Nguồn số liệu: Cục Thuế, Cục Thống kê, Sách trắng Doanh nghiệp 2020

6 Số liệu doanh nghiệp tự kê khai quyết toàn, báo cáo cơ quan Thuế.

7 Theo số liệu của Sở Lao động- Thương binh và xã hội (Công văn số 1795/SLĐTBXH ngày 02/6/2021).

8 Theo số liệu Cục Thống kê, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp năm 2015 : 4.644.400 (đồng/người); năm 2020:5.722.000 (đồng/người).

9 Tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 26,36% năm 2015 xuống 24,52% năm 2020; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 73,64% năm 2015 lên 75,47% năm 2020.

10 Năm 2016: 107 doanh nghiệp, năm 2017: 113 doanh nghiệp, năm 2018: 118 doanh nghiệp, năm 2019: 126 doanh nghiệp và năm 2020: 127 doanh nghiệp

11 Năm 2016: 45,4%; Năm 2017; 48,2%; Năm 2018: 50%; Năm 2019: 56,9% và Năm 2020: 57,08%. Năm 2020, có 10 doanh nghiệp tiêu biểu có số nộp ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh cao nhất, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn -Sông Lam, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ An, Công ty TNHH một thành viên Masan MB, Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, Công ty Xăng dầu Nghệ An, Công ty CP Xi măng sông Lam, Công ty CP Thủy điện Hủa Na, Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An.

12 Nguồn Cục Thống kê Nghệ An.

13 Kế hoạch hành động số 2328/QĐ-UBND ngày 11/6/2018 của UBND tỉnh cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018; Kế hoạch số 782/KH-UBND ngày 13/12/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 822/KH-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình hành động theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ.

14 Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, là đầu mối tiếp nhận, theo dõi quá trình giải quyết và trả kết quả của 1.326 thủ tục hành chính của 18 sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 03 cơ quan chuyên môn ngành dọc đóng trên địa bàn (Công an, Bảo hiểm xã hội và Công ty Điện lực). Đến 6/2021, đã xử lý 93.458/98.731 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn trên 95%.

15 Quyết định số 2416/QĐ-UBND ngày 22/7/2020 của UBND tỉnh V/v thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

16 Triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT loffice) đến các sở, ban, ngành, địa phương. Triển khai chữ ký số cho toàn tỉnh, hiện nay tỷ lệ văn bản ký số đạt 53%. Đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm dịch vụ công và hệ thống thông tin Một cửa điện từ tỉnh từ ngày 10/01/2017.

17 Đến cuối 2020, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp: 5.844 dịch vụ công trong đó 1.046 dịch vụ công mức độ 3; 48 dịch vụ công mức độ 4.

18 Đường N5-Khu kinh tế Đông Nam - Đô Lương, cầu Yên Xuân, cầu Cửa Hội, đường Tây Nghệ An giai đoạn 2, đường nối Quốc lộ 1 - Hoàng Mai - Thái Hòa, các cầu vượt đường sắt, nâng cấp sân bay Vinh, Bến số 5 Cảng Cửa Lò, Cảng xăng dầu DKC, cảng chuyên dùng Vissai...

19 Trong đó có 21 lớp khởi sự doanh nghiệp, 36 lớp quản trị doanh nghiệp, 21 lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu và 24 hội thảo chuyên đề.

20 Tuyên truyền phổ biến Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản pháp luật liên quan; hỗ trợ tiếp cận tin dụng; hỗ trợ thuế, kế toán cho các doanh nghiệp; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...

21 (Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 24/5/2017): Qua 04 năm triển khai đã hình thành một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp dổi mới sáng tạo, điển hình như: thành lập Trung tâm Nghiên cứu - Khởi nghiệp sáng tạo trực thuộc Trường Đại học Vinh; Công ty Cổ phần đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Nghệ An, Không gian làm việc chung tại Sàn giao dịch công nghệ thiết bị thuộc Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ và Tin học Nghệ An. Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm với sự tham gia của hàng chục start up với hàng trăm dự án, ý tưởng; nhiều ý tưởng, dự án đã đưa vào ứng dụng trong thực tế và phát huy hiệu quả: Năm 2018, có 100 dự án dự thi, trong đó có 10 dự án tiềm năng, tiêu biểu có Dự án Cam Vinh kỳ yến đạt giải nhì Techfest vùng Băng Trung bộ; Năm 2019 có 20/51 dự án dự thi đạt giải và được các nhà đầu tư VSVA, Quỹ Albacharity và các doanh nghiệp của tỉnh đang kết nối đề hỗ trợ đầu tư; Năm 2020: Có 10/100 dự án xuất sắc, tiêu biểu, trong đó, giải Nhất cuộc thi được trao cho dự án Chanh Thiên Nhẫn - Hành trình theo dấu chân người. Đặc biệt có Dự án Đài Truyền hình 4.0 - Gostudio dành được Giải đặc biệt sáng tạo khoa học Công nghệ Nghệ An năm 2020; Quán quân Techfest Việt Nam năm 2020.

22 Quyết định số 5072/QĐ-UBND ngày 18/10/2016.

23 Đã thực hiện hỗ trợ cho 33 dự án, công trình của 24 doanh nghiệp, chủ đầu tư với tổng kinh phí 122.032 triệu đồng; trong đó: Hỗ trợ bồi thường GPMB, tái định cư: 596 triệu đồng; hỗ trợ san lấp mặt bằng: 7.750 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án: 110.439 triệu đồng; hỗ trợ khác: 3.247 triệu đồng cho 02 dự án của 02 doanh nghiệp.

24 Ngân sách Nhà nước đã bố trí 26.840 triệu đồng, trong đó NSTW hỗ trợ bố trí 23.000 triệu đồng (trong đó số tiền hỗ trợ doanh nghiệp đã có quyết định bố trí vốn và giải ngân là 13.100 triệu đồng cho 04 dự án của 03 doanh nghiệp), ngân sách tỉnh 3.840 triệu đồng

25 Trong giai đoạn từ năm 2014 -2020 đã hỗ trợ cho 398 đối tượng với tổng số tiền hỗ trợ là 8.636 triệu đồng, trong đó: Lĩnh vực Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng 3.508 triệu đồng, lĩnh vực sở hữu công nghiệp 1.120 triêu đồng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chợ công nghệ- thiết bị trong nước, quốc tế và được cơ quan có thẩm quyền theo quy định xác nhận 944 triệu đồng; hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ 3.064 triệu đồng.

26 Đến nay, Nghệ An cớ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST triển vọng tham gia Sàn giao dich công nghệ thiết bị gồm: Công ty CP Công nghệ Gostream, Công ty CP phát triển Công nghệ Redsan, Công ty CP Giải pháp công nghệ Unicar, Công ty TNHH học viện Stem, Công ty Huma, Công ty TNHH MTV Vluck sfin24 - lĩnh vực fintech.

27 Như: Quỹ Vinacapitan đầu tư 1 triệu USD, Quỹ VSV đầu tư 40.000 USD, Quỹ Alba Charity tài trợ 1.300 triệu đồng, Ngân hàng Bắc A: 100 triệu đồng. Nhiều dự án dược Sở KHCN hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất.

28 Tính đến ngày 31/12/2020 kết quả thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19 trên địa bàn cụ thể như sau: Thực hiện miễn, giảm tiền lãi, giảm lãi suất cho 34.197 khách hàng với dư nợ được miễn giảm tiền lãi, giảm lãi suất là 42.020 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 10.699 khách hàng với dư nợ 2.963 tỷ đồng; doanh số giải ngân mới là 67.581 tỷ đồng cho 45.247 khách hàng (lũy kể từ ngày 23/1/2020). Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 07 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn trả lương cho công nhân và tiếp tục thẩm định giải ngân cho các khách hàng có nhu cầu.

29 Nghệ An 6,7 doanh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động (cả nước khoảng 15,4 doanh nghiệp; Hà Tĩnh 7,9 doanh nghiệp; Quảng Trị 8,7 doanh nghiệp; Thừa Thiên Huế 8,0 doanh nghiệp).

30 97,03% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 78,94%; vốn đăng ký bình quân của 01 doanh nghiệp thành lập mới của Nghệ An xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố trong khi số lượng doanh nghiệp xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

31 Giai đoạn 2016-2020, có 2.430 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp thành lập mới là 27,28%. Đồng thời, có 609 doanh nghiệp giải thể; Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chiếm tỷ lệ tương đối cao (45,25%).

32 Hàng hóa xuất, nhập khẩu phải qua các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh hoặc hàng hóa tử Cảng Cửa Lò thì phải qua các cảng biển đầu mối của cả nước để ra quốc tế.

33 Một số các quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; chưa dược cụ thề hóa dẫn đến tính minh bạch, nhất quán trong quá trình thực thi, đặc biệt là các quy định tại Luật Đất dai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng còn nhiều hạn chế.

34 Năm 2020, Nghệ An có 1.906,3 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm, chiếm 98,9% tổng số lực lượng lao động của cả tỉnh nhưng chỉ có 20,97% lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, phần lớn lao động đang làm việc trong nền kinh tế là lao động nghề giản đơn.

35 Như chính sách ưu đãi tín đụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm,..

36 Một số nội dung hỗ trợ theo quy đjnh của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thực hiện như: hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...

37 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 01 Hiệp hội doanh nghiệp, 01 Hiệp hội du lịch, 01 Hiệp hội kinh doanh bất động sản, 01 chi nhánh Phòng TM&CN Việt Nam (VCC1) và 05 hội doanh nghiệp (Hội doanh nhân trẻ, Hội doanh nghiệp nữ, Hội doanh nghiệp tiêu biểu, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội doanh nhân cựu chiến binh).

38 Cao hơn mực tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 19, tương ứng số doanh nghiệp thành lập tăng thêm là 9.096- 11.186 doanh nghiệp (giai doạn 2016 - 2020 là 8.906 doanh nghiệp), tốc độ tăng bình quân 8,13%/năm. Trong đó: số doanh nghiệp thành lập mới là 8.900 doanh nghiệp và số doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh là 196- 2.286 doanh nghiệp - số liệu đăng ký của các địa phương (~ 5% tổng số 46.282 hộ kinh doanh đang hoạt động của cả tỉnh).

39 Đạt tỷ lệ 57,8% đến 61,5% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký (năm 2020 là 56,48%), tương ứng mật độ DN/1000 dân trong độ tuổi lao động 10,8 doanh nghiệp (năm 2020 là 6,7 doanh nghiệp) với dân số trong độ tuổi lao động dự kiến 2025 là 1.934.800 người (số liệu tại Đề án giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025). Tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động giai đoạn 2016 - 2020 là 7,45%; trung bình giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 9% - 10%/năm.

40 Năm 2025 dự kiến có 630 - 800 doanh nghiệp (Năm 2020 có 393 doanh nghiệp, chiếm 2,97%).

41 Khoảng 17.000 - 20.000 tỷ đồng.

42 Khoảng 175.000 - 200.000 tỷ đồng.

43 Theo chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.

44 Hiện nay, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển Container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa tại Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND ngày 04/4/2019; HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách chính sách hỗ trợ mở tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh tại Nghị quyết số 276/2021/NQ- HĐND ngày 28/4/2021.

45 Sớm hình thành và phát triển một thị trường dịch vụ logistics hoàn chỉnh dựa trên nền tảng: Hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi, hệ thống giao thông kết nối tối ưu tới các vùng trọng điểm của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ; đặt gần các khu vực đầu mối giao thông như sân bay quốc tế Vinh, Cụm cảng biển quốc tế Cửa Lò, Cảng biển Đông Hồi, Nghi Sơn... hoặc triển khai trên các cung đường giao thông lớn kết nối giữa khu vực thành phố đến các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, để trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho chuỗi phân phối; phát triển các trung tâm logistics phục vụ hàng hóa giữa Nghệ An đi các tỉnh, thành; hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng biển Nghệ An.

46 Duy trì tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; thời gian xử lý 1,5 ngày/3 ngày theo quy định.

47 Như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (LinkSME) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USA1D) tài trợ; Dự án JICA thúc đẩy DNNVV phát triển ngành công nghiệp,..

48 Theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 30/8/2021 và Công văn số 6121/VPCP-NN ngày 02/9/2021

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5277/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025

  • Số hiệu: 5277/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Ngọc Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản