Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 385/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢM THIỂU KHÍ CÁC - BON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050;

Căn cứ Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26;

Căn cứ Công văn số 6333-KL/TU ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Đề án giảm thiểu khí thải các - bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 452/SKHĐT-THQH ngày 29 tháng 01 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án giảm thiểu khí các - bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Đề án) kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Giám đốc, Thủ trưởng, Lãnh đạo các Sở ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các thành viên Ban Chỉ đạo về Tăng trưởng Xanh tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ (A+B);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Sở, ban ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các cơ quan tổ chức, đoàn thể của tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh - Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, THNC (các phòng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
Q. CHỦ TỊCH




Võ Tấn Đức

 

PHỤ LỤC

DỮ LIỆU CẦN THU THẬP CHO CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU HỒ SƠ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH CỦA TỈNH ĐỒNG NAI
(Theo Đề án giảm thiểu khí các - bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)

Nghiên cứu hồ sơ phát thải khí nhà kính (KNK) nhằm xác định lượng phát thải KNK trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai theo bốn lĩnh vực: Năng lượng (bao gồm Giao thông); Chất thải; Quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (viết tắt là IPPU) và Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Chuyển đổi sử dụng đất (viết tắt là AFOLU).

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu nghiên cứu trên, cần sự tham gia phối hợp của các Sở ban ngành và địa phương của tỉnh và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chi tiết tại Bảng 1 và Bảng 2, như sau:

Bảng 1: Thu thập các thông tin, dữ liệu từ các Sở ban ngành, địa phương của tỉnh.

STT

Cơ quan

Lĩnh vực

Số liệu cung cấp

1

Cục Thống kê

Chất thải AFOLU IPPU

Dân số, các thông tin về nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, giao thông, hạ tầng, du lịch, thống kê môi trường, năng lượng.

2

Sở Công thương

Năng lượng IPPU

Lượng nhiên liệu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Hiện trạng tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch phát triển các KCN, Cụm CN.

3

Sở Giao thông vận tải

Năng lượng

Số lượng phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy.

Lộ trình di chuyển trung bình năm (nếu có).

Số liệu về các tuyến đường giao thông và quy hoạch phát triển.

4

Sở Tài nguyên và Môi trường

Năng lượng AFOLU

Các báo cáo kiểm kê khí nhà kính đã thực hiện trên địa bàn tỉnh (nếu có).

Thông tin về chất thải rắn, nước thải, bùn thải.

Thông tin về thay đổi nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyển đổi sử dụng đất.

Thông tin về tài nguyên rừng và hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh.

5

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

AFOLU

Các thông tin về nông nghiệp, chăn nuôi.

Thông tin về tài nguyên rừng và quản lý rừng.

6

Sở Xây dựng

IPPU

Các thông tin về sản xuất vật liệu xây dựng.

Thông tin về quy hoạch xây dựng Thông tin về các đô thị hiện hữu.

7

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Du lịch

Các thông tin về thông tin các tuyến du lịch trên địa bàn Tỉnh.

Các thông tin trong đề án phát triển du lịch Tỉnh, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch dựa trên định hướng “Nền kinh tế tuần hoàn - sinh học - xanh”,

Các chương trình du lịch liên quan bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

8

Công an tỉnh

 

Các thông tin (loại, số lượng) về phương tiện giao thông (đường bộ và đường thủy) và tổng lượng nhiên liệu sử dụng

Các thông tin liên quan việc tiêu thụ điện và nước sử dụng.

Số lượng các tòa nhà trực thuộc quản lý của Công An Tỉnh và tình trạng áp mái bằng tấm pin năng lượng mặt trời.

9

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

 

Các thông tin về phương tiện giao thông và tổng lượng nhiên liệu sử dụng Các thông tin liên quan hiện trạng các loại nhiên liệu đang sử dụng và số lượng tương ứng

Hiện trạng sử dụng nước và các vùng rừng đệm đang quản lý.

Các thông tin về hiện trạng chiếu sáng

Số lượng các tòa nhà, cơ sở sản xuất trực thuộc quản lý của Công An Tỉnh và tình trạng áp mái bằng tấm pin năng lượng mặt trời.

10

Chi cục Thủy sản

Năng lượng

Số tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn tỉnh.

Lượng nhiên liệu sử dụng.

Hải trình di chuyển trung bình năm (nếu có).

11

Các UBND phường/xã

Chất thải

Loại và số lượng phế liệu kinh doanh (nếu có).

Bảng 2. Thu thập thông tin, dữ liệu từ các khu công nghiệp/khu chế xuất và cụm công nghiệp, Nhà máy sản xuất và truyền tải điện, Bãi chôn lấp, Nhà máy xử lý nước thải... (Nhóm dữ liệu bổ sung để tính toán lượng phát thải KNK trong các tiểu lĩnh vực ở mức độ khả thi nhất)

STT

Nhóm lĩnh vực

Dữ liệu bổ sung

Lĩnh vực

1

Các khu công nghiệp/khu chế xuất và cụm công nghiệp

Hiện trạng tiêu thụ năng lượng.

Thông tin về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại.

Thông tin về xử lý nước thải, bùn thải...

Năng lượng Chất thải IPPU

2

Nhà máy sản xuất và truyền tải điện

Nhiên liệu sử dụng tại các nhà máy sản xuất điện.

Tổn thất mạng lưới truyền tải điện.

Lượng SF6 sử dụng.

Các thông tin liên quan khác.

Năng lượng

3

Bãi chôn lấp chất thải

Khối lượng Chất thải rắn/ngày (đối với bãi chưa đóng cửa);

Tổng m3 nước xử lý/ngày;

Lượng hóa chất sử dụng;

Thời gian hoạt động của bãi chôn lấp;

Tổng lượng thu hồi khí sinh phát phát Điện, đốt;

Tổng lượng điện, nhiên liệu sử dụng/năm;

Các phương tiện/thiết bị trên bãi.

Chất thải

Năng lượng

4

Nhà máy xử lý nước thải

Tổng điện, nước sử dụng;

Công suất hoạt động;

Tổng lượng hóa chất sử dụng;

Tổng lượng công nhân;

Tổng số các thiết bị sử dụng điện;

Lượng chất thải phát sinh;

Lượng bùn phát sinh.

Chất thải

 

ĐỀ ÁN

GIẢM THIỂU KHÍ CÁC - BON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), 175 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận Paris với mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ tăng dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nỗ lực để hạn chế mức tăng ở dưới 1,5°C và đạt được cân bằng giữa phát thải và hấp thụ khí nhà kính (KNK) (phát thải bằng 0) vào nửa cuối thế kỷ này. Hầu hết các nước ký kết đã đệ trình Đóng góp quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contributions- NDC) bản thứ nhất của mình tới Ban thư ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 2016. Năm 2020, bản sửa đổi lần cuối của các quốc gia sẽ được trình lên Ban thư ký UNFCCC. Đây là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với tất cả các bên về giảm phát thải KNK, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) để phát triển bền vững.

Việt Nam là một quốc gia đang bị tổn thương trước các tác động của BĐKH, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ lụt cùng những hệ lụy như nước biển dâng, xâm ngập mặn. Để đẩy mạnh giải quyết các tác động của BĐKH và nắm bắt các cơ hội của quá trình chuyển đổi các-bon thấp, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm 2021. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, trong đó vạch ra tầm nhìn, mục tiêu và biện pháp giảm thiểu trong các lĩnh vực then chốt, chẳng hạn như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và chất thải.

Đối với tỉnh Đồng Nai, đến năm 2030 Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế năng động - là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cần thiết để trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn 2030-2035. Tỉnh sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại, trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cửa ngõ trung chuyển của miền Nam lấy cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân; có hệ thống đô thị ven sông, đô thị sinh thái hiện đại, thông minh và đáng sống với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và y tế hàng đầu cả nước. Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "net-zero 2050”.

Để thực hiện được những mục tiêu và tầm nhìn trên, tỉnh Đồng Nai cần phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và khí hậu. Các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và du lịch, đều có rủi ro bị ảnh hưởng tiêu cực bởi BĐKH. Đồng thời, các ngành này cũng là những nguồn phát thải KNK chính, góp phần làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trước những thực trạng trên, Đề án giảm phát thải các-bon cho tỉnh Đồng Nai là một bước đi cần thiết và quan trọng để tỉnh Đồng Nai thực hiện cam kết với các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.

Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải KNK trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm thiểu các-bon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định và kết nối với các đối tác tài chính xanh để đảm bảo đầu tư vào tỉnh và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo. Đề án cũng sẽ tạo ra các cơ hội mới cho tỉnh Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số và kinh tế trung tính các-bon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi được thông qua tháng 11 năm 2020 quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước (Điều 139);

- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó quy định chi tiết Điều 91 (giảm phát thải KNK) và Điều 139 (hình thành, phát triển thị trường các-bon) của Luật Bảo vệ Môi trường 2020;

- Nghị định số 119/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững vùng ven biển ứng phó với BĐKH (2016);

- Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030;

- Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26;

- Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050;

- Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải;

- Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030;

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030;

- Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính;

- Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT ngày 10/10/2022 của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính;

- Quyết định số 681/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch;

- Thông tư 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó BĐKH;

- Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT ngày 15/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK lĩnh vực quản lý chất thải;

Ngoài ra, Đề án giảm thiểu các-bon tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập căn cứ theo: các Quyết định phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình quốc gia, ngành lập cho thời kỳ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn Bộ ngành Trung ương...

III. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

- Đánh giá được đúng thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí các-bon của tỉnh góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của cả nước theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án về nhưng nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

- Xây dựng lộ trình và cách thức thực hiện trong việc cắt giảm phát thải trên địa bàn toàn tỉnh theo lộ trình tham chiếu của các khu vực lân cận và đã tích hợp với quy hoạch phát triển của Tỉnh, cụ thể:

Giai đoạn

Mục tiêu giảm phát thải (khi so sánh với BAU)

Tham chiếu

2025 - 2030

20%

Thái Lan: 20 - 25 %. Indonesia: 32%

2030 - 2035

45%

Thái Lan: 45 %. Singapore: 60 %. Indonesia: 65 %

2035 - 2045

Trung hòa các-bon (carbon neutrality)

Singapore, Indonesia, thành phố Bangkok

2045 - 2050

Phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net-zero GHG emission)

Singapore, Indonesia, thành phố Bangkok

(Lộ trình cụ thể sẽ được tham luận và thống nhất trong quá trình thực hiện đề án nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả thi cũng như xét đến các yếu tố đặc trưng của Tỉnh)

2. Yêu cầu:

- Phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng, chính sách của nhà nước về Chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành và địa phương.

- Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

- Bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế của tỉnh Đồng Nai.

IV. THỜI GIAN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VÀ PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU ĐỀ ÁN

1. Thời gian triển khai thực hiện nghiên cứu Đề án: 18 tháng

2. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu Đề án:

- Về phạm vi địa lý: Phạm vi nghiên cứu Đề án giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

- Về thời kỳ triển khai thực hiện: Giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Về ngành, lĩnh vực chủ yếu nghiên cứu: (1) Năng lượng; (2) Giao thông; (3) Công nghiệp (Quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (viết tắt là IPPU)); (4) Môi trường (Chất thải); (5) Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất mục đích khác (viết tắt là AFOLU) và (6) Xây dựng và vật liệu; (7) Khu đô thị (Urban).

V. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Hợp phần kiểm kê KNK được thực hiện tuân thủ Hướng dẫn của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), bao gồm:

- Hướng dẫn sửa đổi năm 1996 của IPCC về Kiểm kê KNK quốc gia (Hướng dẫn IPCC năm 1996 sửa đổi);

- Hướng dẫn IPCC 2006 về Kiểm kê KNK quốc gia (IPCC 2006 GL);

- Hướng dẫn Thực hành Tốt của IPCC và Quản lý Độ không chắc chắn trong Kiểm kê KNK Quốc gia (GPG 2000);

- Hướng dẫn Thực hành Tốt của IPCC về Sử dụng Đất, Thay đổi Sử dụng Đất và Lâm nghiệp (GPG-LULUCF);

- Phần mềm Kiểm kê KNK trong Nông nghiệp và Sử dụng Đất (ALU) để kiểm kê ngành LULUCF.

Phát thải KNK được tính toán bằng công thức cơ bản sau:

* Phát thải = Số liệu hoạt động x Hệ số phát thải, trong đó:

- Số liệu hoạt động là số lượng các hoạt động của con người gây ra phát thải KNK như tiêu thụ xăng, tiêu thụ điện, thải bỏ chất thải, phá rừng...

- Hệ số phát thải là tỷ lệ phát thải KNK trung bình trên một đơn vị của số liệu hoạt động.

2. Hợp phần xác định các mục tiêu, chiến lược, hoạch định dự án và thúc đẩy đầu tư sử dụng cách tiếp cận chính bao gồm: (i) Tổng thể; (ii) Hệ thống; (iii) Đa ngành, tích hợp; (iv) Hợp tác giữa các bên; (v) Dài hạn, chiến lược; (vi) Không gian; (vii) Định hướng thị trường; và (viii) Hội nhập quốc tế.

Các phương pháp chính được sử dụng khi thực hiện hợp phần này bao gồm: (i) Phương pháp nghiên cứu phát thải KNK và lộ trình giảm phát thải; (ii) Khảo sát thực địa; (iii) Phỏng vấn chuyên gia; (iv) Sử dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS); (v) Phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp so sánh, phương pháp chuyên gia và các phương pháp phân tích chuyên ngành; (vi) Phương pháp tích hợp chiến lược; (vii) Phương pháp mô hình hóa; (viii) Phương pháp tham vấn.

VI. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN

1. Hợp phần 1 - Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính (KNK) trên địa bàn tỉnh.

1.1. Khối lượng công việc

a) Thu thập dữ liệu: Thu thập dữ liệu về sử dụng năng lượng hiện tại, phát sinh chất thải, thói quen vận chuyển, quy trình công nghiệp, thực hành nông nghiệp và các hoạt động khác góp phần phát thải KNK. Hoạt động sẽ liên quan đến việc tổng hợp dữ liệu và báo cáo hiện có cũng như tiến hành khảo sát, phỏng vấn và sử dụng dữ liệu nghiên cứu hàn lâm. Dữ liệu cần thu thập cho công tác nghiên cứu hồ sơ phát thải của Tỉnh Đồng Nai được thể hiện chi tiết theo Phụ lục I (đính kèm).

b) Kiểm kê KNK: Biên soạn một bản kiểm kê phát thải KNK hiện tại trong tỉnh bằng cách tận dụng dữ liệu hiện có từ nhiều nguồn khác nhau. Hoạt động sẽ đánh giá tất cả các nguồn phát thải chính, chẳng hạn như sản xuất năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và quản lý chất thải.

c) Dự báo phát thải: Dựa trên các xu hướng hiện tại và các kế hoạch, quy hoạch phát triển của địa phương, dự báo lượng phát thải KNK trong tương lai. Hoạt động sẽ cung cấp cơ sở để dựa vào đó đo lường tác động tiềm ẩn của các hoạt động giảm phát thải.

d) Phân tích ngành, lĩnh vực: Xác định các ngành kinh tế phát thải trọng yếu trên địa bàn tỉnh như điện lực, giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại, khu dân cư, nông nghiệp, hoặc các lĩnh vực khác. Các lĩnh vực này sẽ là trọng tâm chính của các hoạt động được đề xuất trong Chiến lược giảm thiểu các-bon và các dự án thí điểm.

đ) Phân tích chính sách: Rà soát các chính sách, quy định, biện pháp hiện hành liên quan đến phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đánh giá mức độ hiệu quả và xác định nội dung cần bổ sung để thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu các-bon.

e) Xác định rào cản và cơ hội: Xác định các rào cản đối với việc giảm phát thải trong tỉnh, chẳng hạn như các thách thức kỹ thuật, hạn chế tài chính, rào cản pháp lý hoặc thiếu nhận thức hoặc năng lực giữa các bên liên quan. Xác định các cơ hội giảm phát thải, như thực hiện các dự án tiềm năng về năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chất thải, hoặc sử dụng đất bền vững.

1.2. Kết quả - sản phẩm

a) Báo cáo kiểm kê phát thải KNK hiện tại trên địa bàn tỉnh, bao gồm các số liệu về lượng phát thải theo các nguồn, các ngành và các địa phương, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến phát thải. Nội dung báo cáo sẽ là cơ sở để xác định mức độ đóng góp của tỉnh vào cam kết quốc gia về giảm phát thải KNK.

b) Báo cáo phân tích chính sách về phát thải KNK và biến đổi khí hậu, rà soát quy định, biện pháp hiện hành liên quan trên địa bàn tỉnh. Báo cáo sẽ đánh giá mức độ hiệu quả và xác định nội dung cần bổ sung để thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu các-bon. Kết quả phân tích sẽ là cơ sở để đề xuất các cơ chế, chính sách và công cụ hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược giảm thiểu các-bon.

c) Các khóa đào tạo, truyền thông cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý doanh nghiệp và người dân hiểu, đồng tình ủng hộ nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về phát thải, chuyển đổi xanh, và tín dụng các-bon.

2. Hợp phần 2 - Xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí các-bon của tỉnh

2.1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia và toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, tạo đột phá cho thu hút các dòng vốn đầu tư, phát triển các-bon thấp của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đầu tư vào tỉnh thông qua triển khai thực hiện các đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật.

- Lồng ghép nội dung giảm khí phát thải nhà kính trong quy hoạch, kế hoạch, các phương án định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; thực hiện rà soát, cập nhật điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 quốc gia.

- Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Phấn đấu đến năm 2030, đạt bằng hoặc cao hơn mục tiêu cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực (khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng xăng E5; giảm tỷ lệ lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, trong công nghiệp, nông nghiệp, trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng tỷ lệ lượng hấp thụ các-bon, tỷ lệ trong xử lý chất thải, tỷ lệ trong các quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường)) mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 về Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

- Xác định chi tiết tiềm năng các nguồn năng lượng; xác định các khu vực, địa điểm thu hút các nhà đầu tư, đưa một số dự án năng lượng vào triển khai hoạt động ở các khu vực có tiềm năng. Chú trọng phát triển các dự án năng lượng mới không phát thải như sản xuất nhiên liệu hydro xanh, amonia xanh... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao.

- Hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon, thị trường giao dịch tín chỉ các-bon trong nước. Đến năm 2030, thị trường các-bon trên địa bàn tỉnh được vận hành và kết nối với thị trường các-bon trong nước, các nước trong khu vực và thế giới.

- Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu được bảo đảm cơ bản, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương, rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu; các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, cộng đồng được áp dụng rộng rãi. Phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

- Thực hiện sáng kiến của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”, triển khai thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh.

- Xây dựng, tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu và các sáng kiến quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng

- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu; phát triển đồng bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tăng cường năng lực, truyền thông phục vụ phát triển các- bon thấp, giảm phát thải.

2.2. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án

- Triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

- Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon.

- Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh.

- Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

- Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

- Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông.

- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

2.3. Kết quả - sản phẩm

- Báo cáo lộ trình giảm phát thải, bao gồm các mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được và có thời hạn cụ thể cho các ngành kinh tế trọng điểm và toàn tỉnh. Các mục tiêu đề xuất sẽ phù hợp với các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế, đồng thời xem xét các khả năng và điều kiện của tỉnh. Lộ trình sẽ là cơ sở để đánh giá hiệu quả và theo dõi tiến độ của các hoạt động giảm phát thải KNK.

- Báo cáo phát triển chiến lược chuyên ngành và đa ngành nhằm giảm thiểu các-bon, bao gồm các chiến lược cụ thể cho mỗi ngành kinh tế trọng điểm, như điện lực, giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại, khu dân cư, nông nghiệp, hoặc các lĩnh vực khác. Các hoạt động được đề xuất có thể liên quan đến việc thúc đẩy công nghệ sạch, thực hiện các dự án thí điểm quan trọng, nâng cao hiệu quả, thay đổi thực tiễn, xây dựng năng lực trong các lĩnh vực cụ thể hoặc thiết lập tiêu chuẩn phù hợp. Các chiến lược giảm thiểu các-bon theo ngành cụ thể sẽ dựa trên các phương pháp tiêu chuẩn, phù hợp với bối cảnh địa phương và xem xét các yếu tố kỹ thuật và kinh tế xã hội.

- Báo cáo chi tiết chuyển đổi xanh trong việc phát triển khu công nghiệp (KCN) và trung tâm logistics trên địa bàn Tỉnh theo hướng đạt mục tiêu thải ròng Net-Zero năm 2050. Kết quả dự kiến sẽ chi tiết các hạng mục sau:

+ Phương án xanh hóa các KCN hiện hữu thông qua: (1) chuyển đổi việc sử dụng điện sạch (điện mặt trời áp mái, điện rác hoặc điện sinh khối), tiết kiệm điện (thông qua cải tiến công nghệ và quản lý lưới điện thông minh - smart grid) và tuần hoàn năng lượng (quản lý nhiệt, hơi); (2) xây dựng mô hình giao thông xanh nội khu bằng hệ thống xe điện sử dụng năng lượng tái tạo; (3) Cải tiến công nghệ xử lý chất thải (khí, rác, nước, bùn); (4) Tăng mật độ cây xanh trên các vùng đất công cộng và vùng đệm của các nhà máy.

+ Lộ trình và cách thức xây dựng KCN mới trong thời gian tới: xây dựng các mô hình KCN giảm phát thải theo 03 cấp độ: (1) sinh thái (theo tiêu chuẩn của UNIDO, ngân hàng thế giới - WB và của Đức - GIZ, được quy định tại điều 37, nghị định 35/2022/NĐ-CP). Các KCN sinh thái được chứng minh trung bình giảm từ 20 - 30 % KNK. (2) các-bon thấp - low carbon (theo tiêu chuẩn BSI PAS 2060 Verification, được chứng nhận bởi TUVSUD; Eurofin; Bureau Veritas). Việc xây dựng các khu các-bon thấp sẽ cắt giảm phát thải từ 45 - 70 % so với mô hình KCN thông thường; (3) thải ròng net-zero (theo tiêu chuẩn Global Net-Zero Industrial Park Standard, được chứng nhận bởi Bureau Veritas và Envision Group). Việc đầu tư các KCN như trên ngoài việc giảm phát thải KNK còn hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao như hàng không, bán dẫn, trung tâm dữ liệu, qua đó tăng tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên 1 héc ta đất công nghiệp lên trên 35 triệu USD. Việc triển khai phát triển các KCN các-bon thấp và net-zero tăng hiệu quả đầu tư trong khi không làm tăng suất đầu tư ban đầu nếu sử dụng vốn xanh và vận dụng nguồn thu từ tín chỉ các-bon.

+ Các trung tâm logistics đóng góp gần 20% phát thải trong hệ thống phân phối hàng hóa (vận chuyển chiếm 80%). Việc xây dựng trung tâm logistics giảm phát thải sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc giảm tổng sản lượng KNK trên một đơn vị sản phẩm thông qua hợp phần 3 (scope 3 - indirect) của việc kiểm kê KNK theo tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Ngoài ra, các hãng tàu, cảng biển sẽ lựa chọn các trung tâm logistics phát thải thấp là đối tác chính trong chuỗi cung ứng nhằm tránh phát sinh các phí phạt về phát thải, qua đó tăng chỉ số Logistics Performance Index (LPI).

- Thuyết minh tóm tắt danh sách dự án thí điểm các-bon thấp, bao gồm các dự án thực tế để minh họa cho các hoạt động giảm phát thải KNK trong các tỉnh vực như năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, nông nghiệp bền vững, quản lý chất thải, cơ sở hạ tầng xanh, việc làm xanh, du lịch xanh hoặc các cơ hội khác. Nội dung sẽ cung cấp các thông tin về mục tiêu, phạm vi, phương pháp, tài chính, tác động và kết quả mong đợi của các dự án thí điểm.

3. Hợp phần 3 - Huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện Đề án

3.1. Nguồn lực thực hiện Đề án

a) Kinh phí thực hiện:

- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

- Huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính trong nước, quốc tế; khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển các-bon thấp. Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước nhằm tăng thêm nguồn đầu tư cho phát triển các-bon thấp.

Kinh phí triển khai Đề án sẽ được cụ thể hóa trong Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hợp phần của Đề án.

b) Hình thức thực hiện:

Thuê Đơn vị Tư vấn có kinh nghiệm và năng lực tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án theo các quy định hiện hành của nhà nước.

3.2. Tổ chức thực hiện:

a) Ban chỉ đạo về Tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai: triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo); chỉ đạo, điều phối triển khai thực hiện Đề án theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực triển khai thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở ngành có liên quan, phân bổ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tài trợ và các nguồn vốn huy động khác đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan rà soát, bổ sung các dự án ưu tiên, cấp bách vào kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan trong việc hoàn thiện các thông tin về dự án đầu tư cũng như bổ sung các tiêu chí về giảm thiểu các-bon trong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

- Phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư xanh, kêu gọi các nguồn vốn tín dụng xanh cho Tỉnh.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về Tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai trong công tác tham mưu, đề xuất các nội dung của Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan trong việc tổng hợp, thống kê các số liệu về chất thải (khí, rắn, lỏng, bùn) và quản lý chất thải, thông tin về quản lý sử dụng đất.

- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc huy động vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, các đối tác song phương và đa phương đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương các dự án liên quan chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (tái chế chất thải, tuần hoàn nước thải).

- Chủ trì tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý doanh nghiệp và thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân hiểu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính để triển khai thực hiện cam kết.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình, tiến độ của các hợp phần của Đề án, bao gồm cả đề xuất kinh phí cụ thể để thực hiện Đề án.

d) Sở Công Thương:

- Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, trong đó tập trung vào số liệu về vấn đề sử dụng năng lượng, sử dụng nhiên liệu trên địa bàn, kho chứa sản phẩm dầu khí, nhiên liệu, tình hình phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến chuyển đổi năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, các khu công nghiệp giảm phát thải, hoặc dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng năng lượng, logistics, các dự án quản lý bởi ngành Công Thương.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương các dự án liên quan chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng nhiệt tuần hoàn).

đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thống kê hiện trạng liên quan đến tài nguyên rừng và quản lý rừng, quản lý nông nghiệp và chăn nuôi và định hướng, quy hoạch phát triển trong tương lai.

- Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, trong đó tập trung vào nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phối hợp, hỗ trợ các việc liên quan việc xây dựng đề án phát triển các dự án ngành nông nghiệp.

e) Sở Giao thông vận tải:

- Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thống kê liên quan đến ngành giao thông như số lượng phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy và số liệu về các tuyến đường giao thông và quy hoạch phát triển giao thông.

- Phối hợp hướng dẫn hành lang pháp lý liên quan việc xây dựng các đề án giao thông, đặc biệt là các dự án chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện.

g) Sở Xây dựng:

- Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thống kê liên quan đến khu dân cư, chiếu sáng công cộng, quy hoạch xây dựng cũng như tình hình sử dụng vật liệu xây dựng.

- Phối hợp hỗ trợ việc phát triển đô thị, công trình xây dựng, chiếu sáng xanh và phát thải các-bon thấp.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành về nghiên cứu chính sách cho phép tái chế/tái sử dụng nước thải và cách thức chuyển sang phương pháp tiếp cận dựa trên giá trị để tạo nguồn thu cho các nhà máy xử lý nước thải.

h) Sở Tài chính:

- Trên cơ sở đề xuất của các Sở, ngành, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương cho các Sở ngành, địa phương, cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đàm phán, tiếp nhận nguồn viện trợ và vốn vay từ các nhà tài trợ theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị tư vấn trong việc tham mưu đề xuất liên quan đến điều kiện và phương thức phát hành trái phiếu địa phương, cơ chế việc trao đổi mua bán tín dụng các-bon.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị tư vấn nghiên cứu khả năng thực hiện việc xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Tỉnh, cơ chế quản lý tài chính cho thị trường các-bon của Tỉnh và tạo nguồn thu cho ngân sách Tỉnh từ thị trường các-bon.

- Phối hợp hoàn thành đề cương và kế hoạch xây dựng các cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho Tỉnh.

i) Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải các-bon thấp theo quy định để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực.

k) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, sản phẩm trọng tâm là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng kết hợp với các ngành nông nghiệp... theo phương án phát triển trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Nghiên cứu đề xuất xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu, điểm du lịch. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức tại các khóa tập huấn, trên các hệ thống thông tin đại chúng cho tổ chức, cá nhân về phát triển mô hình theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu, điểm du lịch.

- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch xanh trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo, ... tăng hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch xanh. Đa dạng hóa các hình thức truyền tải thông tin tuyên truyền đến gần hơn với người dân, tổ chức trong và ngoài nước.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan cung cấp các thông tin về thông tin các tuyến du lịch trên địa bàn Tỉnh. Các thông tin trong đề án phát triển du lịch Tỉnh, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch dựa trên định hướng “Nền kinh tế tuần hoàn - sinh học - xanh”; các chương trình du lịch liên quan bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

l) Sở Ngoại vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai các hoạt động ngoại giao khí hậu, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, nâng cao vai trò và vị thế của Tỉnh tại các tổ chức, cơ chế, diễn đàn song phương và đa phương.

- Chủ trì tổ chức các đoàn tham quan của Tỉnh trong việc tham quan mô hình chuyển đổi xanh tại các nước khu vực lân cận và xúc tiến đầu tư xanh trên địa bàn Tỉnh tại các nước phát triển trên thế giới.

m) Sở Tư pháp:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan chủ trì, tham mưu Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật trong thực thi các cam kết có tính ràng buộc pháp lý đối với các hoạt động hợp tác, tài trợ của các Tổ chức trong và ngoài nước với Tỉnh liên quan đến nội dung Đề án.

- Chủ trì, phối hợp rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến việc khuyến khích tăng trưởng xanh, sinh thái hoặc giảm thải các-bon.

n) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với mục tiêu cam kết.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin, tuyên truyền kịp thời đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện mục tiêu cam kết giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị, tổ chức có liên quan, tổ chức Hội nghị triển khai trực tuyến về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đến các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức hội nghị trao đổi và cung cấp kiến thức về giảm thiểu khí nhà kính, lộ trình tiến tới thải ròng bằng 0 cũng như các thông tin liên quan đến tăng trưởng xanh.

o) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh: triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tăng trưởng tín dụng xanh của Trung ương trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp nhận nguồn hỗ trợ quốc tế, cho vay ưu đãi (nếu có) để tài trợ cho các dự án xanh.

p) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh: phối hợp, hỗ trợ các nội dung liên quan đến thống kê danh sách các hạng mục công trình và xây dựng có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với đề án phát triển các dự án xanh và giảm phát thải các-bon.

q) Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh: huy động các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kết nối với hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh để kêu gọi, thu hút sự tham gia hỗ trợ tài chính và công nghệ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

r) Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh: chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp kịp thời với các Sở ban ngành và địa phương, các cơ quan tổ chức đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên tất các lĩnh vực, ngành, địa phương có liên quan đến hoạt động triển khai nghiên cứu, thực hiện Đề án.

s) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tổ chức chính trị - xã hội: tăng cường phối hợp với các Sở ban ngành, địa phương, cơ quan đơn vị của tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện mục tiêu cam kết giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn tỉnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 385/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án giảm thiểu khí các - bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 385/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/02/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Tấn Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản